Việc đào luyện, giảng dạy và nghiên cứu trong tinh thần Trợ thế

VIỆC ĐÀO LUYỆN, GIẢNG DẠY

VÀ NGHIÊN CỨU TRONG TINH THẦN TRỢ THẾ

Đào Luyện Về Chuyên Môn, Nhân Bản Và Đặc Sủng

Ngoài những gì đã nói ở các chỗ khác trong văn kiện này, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh một số khía cạnh chuyên biệt liên quan đến trách nhiệm đối với các hội viên của Dòng và đối với các Cộng tác viên của chúng ta, để họ được đào tạo thích đáng và có một nền đào luyện cân xứng. Chúng tôi sẽ không nhấn mạnh về nhu cầu đào luyện nhân bản, nghĩa là việc đào luyện giúp chúng ta trở nên ý thức về mình và đi sâu vào những cách thức chúng ta tương quan với người khác và với xã hội, vì sự đào luyện này là thiết yếu nếu chúng ta muốn là những người hoạt động cho việc phát triển nhân bản trong các Trung tâm của Dòng.

Một số nét đặc thù của thời đại chúng ta là kết quả của bước tiến bộ nhanh chóng của khoa học nói chung, và của y khoa-sinh học nói riêng, cũng như tốc độ và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, sự toàn cầu hóa các vấn đề, não trạng khoa học kĩ thuật khi tiếp cận thực tại và ý tưởng về con người-chủ nghĩa giản lược khoa học, và não trạng cực đoan tôn giáo-chủ nghĩa giản lược siêu nhiên. Chúng ta có thể thấy rằng tiêu chuẩn đạo đức duy nhất có thể được mọi người chia sẻ hôm nay, ít là trên lí thuyết, đó là sự kính trọng phẩm giá con người, không được sử dụng con người như phương tiện để đạt một mục đích, dù mục đích đó cao cả hay có vẻ cao cả đến đâu. Đây không phải là điều gì mới, nhưng nó mang một sắc thái quan trọng đặc biệt hôm nay, trong lãnh vực các mối tương quan giữa nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân.

Từ những năm của thập niên 70, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi triệt để nhất xảy ra trong mối tương quan giữa các bác sĩ và bệnh nhân của những thế kỉ trước. Dần dần đã xuất hiện một nhận thức rằng một bệnh nhân còn khả năng thì phải được nhìn nhận là người có quyền tự quyết định về sức khỏe của mình. Giờ đây vấn đề ưu tiên là cung cấp thông tin đúng mức cho bệnh nhân. Vai trò của bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe ngày nay cũng đã mất đi vị trí độc tôn mà nó vốn có trong quá khứ, ít là trong thế giới phương Tây. Ngày nay chúng ta nói đến những tương quan giữa một tập thể chăm sóc, một bệnh nhân, và một môi trường xã hội. Trong lãnh vực thăng tiến nhân bản, một số kĩ thuật dù đuợc sử dụng đúng đắn, nhưng do bản chất hàm hồ của chúng, chúng không tránh khỏi gây ra những xung đột giữa các giá trị của sự sống và các giá trị tinh thần.

Cũng có sự gia tăng tầm quan trọng của các điều dưỡng viên tại các thành phố, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong khoa chẩn đoán, tất cả sự kiện này đòi hỏi một sự đào tạo chính xác hơn trước đây. Cả trong những bệnh viện và những dịch vụ y tế ban đầu hay những trung tâm an sinh/xã hội, mức độ chăm sóc toàn diện tuỳ thuộc rất nhiều vào mức độ đào luyện mà các nhân viên chăm sóc y tế đã nhận được. Một mặt là việc đào tạo và huấn luyện về kĩ thuật và nghiệp vụ, mặt khác là việc đào luyện nhân bản và đạo đức, cả hai việc huấn luyện này phải đi song song với nhau theo hướng đào luyện liên tục và giáo dục suốt đời, và đòi hỏi phải được định hướng ưu tiên hoặc cho khía cạnh kĩ thuật/nghiệp vụ hay cho khía cạnh nhân bản/đạo đức, tuỳ trường hợp. Có khi phải đi theo hướng thứ nhất, nhưng có khi phải nhấn mạnh ở hướng thứ hai, khi việc cập nhật kiến thức của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải có thể cung cấp những dịch vụ săn sóc sức khỏe toàn diện để đáp ứng những tiêu chuẩn hiện hành của chúng ta.

Mỗi Trung tâm phải có một quyết tâm phát triển các chương trình đào luyện ở mọi cấp, do đó phải có những thích nghi cần thiết trong ngân sách của họ. Xét chung, việc cập nhật kiến thức khoa học kĩ thuật không đòi hỏi cố gắng hay động lực phi thường, nhưng trong việc đào luyện nhân bản/đạo đức, cần phải có động lực trổi vượt để có thể thấm nhuần những tiêu chuẩn triết lí và đặc sủng của Dòng về việc chăm sóc. Phải cống hiến cơ hội phát huy ý thức mình thuộc về Tổ chức, bằng cách cập nhật những giá trị đang hiện diện trong khắp nền văn hóa và trong căn tính của Dòng, và điều này phải được cổ võ bởi ban lãnh đạo của các Trung tâm của chúng ta, và được kết hợp đầy đủ vào trong chương trình đào luyện của Trung tâm.

Bao nhiêu có thể phải được thông tin về các chương trình và kinh nghiệm từ các miền khác nhau của thế giới để thấy chúng có thể thích nghi thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi địa phương. Vì số giảng viên và hướng dẫn viên vừa có khả năng hiểu biết các vấn đề chăm sóc y tế vừa đồng thời có khả năng lãnh đạo trong các lãnh vực tư tưởng hiện đại về triết học, thần học, mục vụ và thiêng liêng ngày nay còn rất hiếm, nên phải có những cố gắng để thiết lập những nhóm và phát huy những đức tính của những cá nhân khác nhau đang làm việc cho  một chương trình chung. Chương trình này phải thực tiễn và có hiệu quả. Các uỷ ban đạo đức của bệnh viện có thể thi hành nhiệm vụ này một cách hoàn hảo.

Ở thời điểm mà Hội Thánh đặc biệt ý thức nhu cầu đối thoại liên tôn, như Vaticanô II đã diễn tả, để "các giá trị đạo đức và thiêng liêng của các tôn giáo khác được nhìn nhận, duy trì và cổ võ, cùng với các giá trị văn hóa xã hội của họ, và để hợp tác và tìm kiếm một thế giới hoà bình, tự do, công bằng, và có các giá trị đạo đức" (1) Điều thiết yếu phải làm không chỉ là cung cấp việc đào tạo kĩ thuật và nghiệp vụ, mà còn phải cống hiến một sự đào luyện vững chắc hơn về đặc sủng của Dòng, triết học và thần học, tập trung đặc biệt vào con người và mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.

Phải lấy các trường phái tư tưởng triết học lớn (2) làm những cột trụ nền tảng cho mọi việc huấn luyện và đào tạo, trong đó đặc sủng của Dòng và sự am tường đặc sủng này phải luôn luôn gợi hứng cho các thái độ và cách đối xử với người nghèo khổ và người túng quẫn.

Sự đào luyện này sẽ đưa chúng ta vào một tư thế có thể đối thoại về bốn lãnh vực cần thiết trong thế giới đa nguyên ngày hôm nay. (3)

- Đối thoại về đời sống, trong đó mọi người cố gắng sống tinh thần tiếp đón và tình hàng xóm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và những vấn nạn và những mối quan tâm của mình.

- Đối thoại về hành động, trong đó người Kitô hữu và những người khác cùng hợp tác cho sự phát triển và tự do toàn diện của loài người.

- Đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo, trong đó mỗi người trung thành với truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ sự giàu có thiêng liêng của mình liên quan tới kinh nguyện và chiêm niệm, đức tin và những con đường đi tìm Thiên Chúa và Đấng Tuyệt Đối.

- Đối thoại về thần học, trong đó các chuyên viên cố gắng trở nên ngày càng am tường gia sản tôn giáo của họ và đánh giá cao những giá trị thiêng liêng của mỗi tôn giáo.

Các Ủy ban Đạo đức như là những công cụ đào luyện

Tuy đã đề cập tới điều này ở chương 5, chúng tôi cũng muốn phân tích lại ở đây trên quan điểm nghiên cứu và đào luyện mà những ủy ban này chấp nhận. Trong lãnh vực lâm sàng, thuật ngữ "đạo đức sinh học" vẫn luôn luôn gắn liền với ý tưởng về việc đối thoại liên ngành như một phương pháp nghiên cứu và, từ năm 1978, gắn liền với những nguyên tắc quen thuộc của khoa Đạo đức sinh học: tính tự trị, có lợi/không gây hại, và công bằng. Theo khuôn mẫu nhân văn của mỗi con người dưới quan điểm Kitô giáo, những nguyên tắc này diễn tả trong thực tế nguyên tắc tôn trọng phẩm giá của con người, bằng việc phục vụ lợi ích của người bệnh trong tính toàn diện, và tình liên đới.

Nhu cầu bảo vệ những người tham dự những thử nghiệm hay nghiên cứu lâm sàng, và tính thích hợp và đúng đắn của phương thức nghiên cứu đã dẫn tới việc cơ chế hóa các uỷ ban có trách nhiệm thi hành những nhiệm vụ này. Đó là các Ủy Ban Đạo Đức về Nghiên Cứu Lâm Sàng và các Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học. Trong các ấn phẩm của Hoa Kỳ, những Ủy Ban này được gọi là các Hội Đồng Duyệt Xét Cơ Chế và các Ủy Ban Đạo Đức Cơ Chế (Institutional Review Boards và Institutional Ethics Committees). Loại thứ hai này cũng còn gọi là các Ủy Ban Đạo Đức Lâm Sàng (Clinical Ethics Committees). Các Ủy Ban Đạo Đức Nghiên Cứu Lâm Sàng tại mỗi quốc gia khác biệt nhau về thành phần, nhiệm vụ, và tư cách pháp lí. Nhưng tất cả đều buộc phải tuân theo và bảo đảm việc tuân theo việc thực hành lâm sàng đúng đắn. Các quyết định của các Ủy ban này có giá trị pháp lí bắt buộc. Các thành viên của Ủy Ban Đạo Đức Nghiên Cứu Lâm Sàng phải có trình độ để duyệt những dự án nghiên cứu, trước tiên là xét xem có đủ các số liệu khoa học, các thử nghiệm về dược lí và độc chất trên loài vật, để bảo đảm những rủi ro mà bệnh nhân đang được thử nghiệm có thể gặp phải là ở mức có thể chấp nhận, và bảo đảm bệnh nhân này được thông tin đầy đủ và tham dự cuộc thử nghiệm hoàn toàn tự ý.

Các khía cạnh khác phải lưu ý đến là xét xem mục tiêu nghiên cứu có phải là một vấn đề quan trọng hay tầm thường; kế hoạch thí nghiệm được đề nghị có thích hợp với mục tiêu nó nhắm tới hay không; có sự bảo hiểm nào về tổn thất hay thiệt hại mà người được thử nghiệm gặp phải do hậu quả của các thử nghiệm lâm sàng hay không. Chắc chắn những Ủy Ban này có một giá trị sư phạm và đào luyện. Thật vậy, đối thoại đạo đức sinh học luôn đóng một vai trò đào luyện quan trọng trong một bệnh viện khi mà các trường hợp cụ thể được thảo luận trong các Ủy ban Đạo đức trong việc Chăm Sóc. Tự bản thân các Ủy ban này là một nguồn đào tạo vì thành phần cấu tạo liên ngành của chúng, và vì chúng sử dụng phương pháp luận thông tin và đào luyện. Nhưng cũng vì sự tôn trọng lẫn nhau, tầm quan trọng của các trường hợp được đưa ra thảo luận, và nhu cầu tìm giải pháp cho những sự xung đột có thể xảy ra giữa những giá trị khác nhau mà cần được dung hòa bằng cách này hay cách khác.

Chức năng giảng dạy rất quan trọng. Trước hết vì đây là nơi mà chính các thành viên của Ủy ban nhận được sự đào luyện. Thứ hai, cũng quan trọng như thế, là vì các Tỉnh sẽ dựa vào những Ủy ban này để lên kế hoạch giảng dạy đạo đức sinh học cho các Trung tâm, và thực hiện những kế hoạch đó. Việc đối thoại liên ngành là cần thiết như một phương pháp làm việc. Nói chung các quyết định phải đến từ một sự nhất trí về đạo đức học, chứ không chỉ dựa trên một sự đồng ý chiến thuật. Các tư vấn cho các trường hợp chuyên biệt-bác sĩ, Điều dưỡng, các nhà tâm lí, phải là những thành viên có mặt tại chỗ khi Ủy ban đang quyết định, để bảo đảm những quyết định có giá trị bắt buộc về đạo đức. Thành phần của Ủy ban có thể thay đổi tuỳ theo loại bệnh viện, hay tuỳ theo nó là một trung tâm cư trú hay một trung tâm chăm sóc sức khỏe/xã hội.

Mục đích của Ủy ban là thiết lập hệ thống những giá trị tiêu chuẩn phải sử dụng trong trường hợp có xung đột: các nguyên tắc Kitô giáo, các quyền con người, các qui tắc hành xử chức nghiệp, quốc gia đối với quốc tế, v.v........ Ủy ban Đạo đức Chăm sóc phải qua cuộc kiểm tra về tính nhất quán trong những gì liên quan đến những quyết định của nó. Điều cốt yếu là phải bảo đảm rằng Ủy ban hoạt động đúng đắn bằng cách áp dụng một số biện pháp khác nhau, mà một trong những biện pháp quan trọng nhất là Uỷ ban đặc trách giải quyết những trường hợp khẩn cấp.

Ở đây chúng ta cần xác định một số khía cạnh đặc biệt. Trước hết, chúng ta tin rằng cần phải phân tích những yếu tố tiên quyết để đạt đến một quyết định đạo đức đúng đắn: a) một lịch sử lâm sàng rõ rệt, b) khả năng chuyên môn để thảo luận những khía cạnh khoa học khác nhau của trường hợp lâm sàng đặc thù, và c) việc kiểm tra chất lượng. Sau khi đã thiết lập vấn đề lâm sàng và những chọn lựa có thể chấp nhận để giải quyết vấn đề, bước tiếp theo là cần xét đến các chiều kích đạo đức của các vấn đề có liên quan đến chất lượng đời sống, và việc này được thực hiện cả theo quan điểm chuyên môn lẫn quan điểm của gia đình và bệnh nhân, và phải tôn trọng những hệ thống giá trị của họ. Ngoài các yếu tố lâm sàng cũng phải đặc biệt xét đến những yếu tố khác nữa trong việc thực hành y khoa, chủ yếu là các yếu tố kinh tế và xã hội, nếu muốn việc thực hành này mang tính toàn diện.

Sự ưng thuận của thành phần thứ ba vì lí do bệnh nhân không có khả năng, cũng nêu lên những vấn đề rất khó trong các lãnh vực như khoa sơ sinh, khoa tâm bệnh học, các bệnh nhân trong trạng thái hôn mê, các bệnh nhân tâm thần, v.v... Trong những trường hợp này, khi người ta phải đối phó với những vấn đề nan giải, Ủy ban Đạo Đức Chăm Sóc sẽ là một sự trợ giúp đặc biệt quí báu trong việc phục vụ một nền y khoa mang chất lượng khoa học, kĩ thuật và nhân bản cao.

Việc đào luyện cần thiết để giải quyết những vấn đề trong lãnh vực nghiên cứu và thực hành lâm sàng đòi hỏi những nhân tố quan trọng cơ bản sau: 1) trình độ chuyên môn và khả năng hiểu vấn đề được nêu lên từ quan điểm của người có liên quan; 2) suy tư về thái độ đạo đức của bản thân mình và một cơ sở hợp lí tối thiểu cho thái độ ấy. Ở đây cần phân biệt rõ giữa bản thân sự kiện (một thái độ nhất quán trong đời sống giữa nhân cách và hành động) và khả năng trừu tượng hóa. Phải giúp đạt được điều này bằng một chương trình cung cấp việc đào luyện về nhân văn và đạo đức triết học và/hay thần học; 3) một phương pháp giải quyết xung đột trong một bầu khí đối thoại mặc dù không loại bỏ sự đối kháng.

Ở đây chúng ta không chỉ đề cập đến đoạn cuối cùng này. Chắc chắn những nguyên tắc đạo đức sinh học được nhắc tới đều là những dụng cụ sư phạm rất hữu ích trong việc đối thoại được thực hiện trong các Uỷ ban Đạo đức. Giải pháp cho các vấn đề có thể được tập trung vào sự thảo luận về các nguyên tắc mâu thuẫn nhau và về thứ tự ưu tiên của các nguyên tắc này trong một trường hợp đặc thù (ví dụ, ưu tiên cho nguyên tắc tự trị, hay nguyên tắc lợi ích của bệnh nhân) hay một phân tích về một ca bệnh án. Chúng tôi nghĩ đây là điều thích hợp nhất khi thảo luận về các ca lâm sàng.

Việc Giảng Dạy, một trong những nét truyền thống của Hội Dòng

Việc giảng dạy trong Hội Dòng bắt đầu với Đấng Sáng Lập, thánh Gioan Thiên Chúa, người đã để mình được dạy dỗ trước khi đi giảng dạy người khác. Ngài học ở Guadelupe, là nơi từ cuối thế kỉ 15 đã "cung cấp một phương pháp khoa học và bác ái bằng việc tổ chức các Trường Y khoa của mình mà chất lượng của trường này đã được các nhà nghiên cứu thời cận đại hết sức ca tụng. Điều mà trường này cung cấp thì hoàn toàn xa lạ đối với mọi bệnh viện khác ở Tây Ban Nha thời đó, và nó cống hiến cho sinh viên những bài học lí thuyết lẫn thực hành." (4) Người kế vị thứ nhất của thánh Gioan Thiên Chúa, Tu huynh Antôn Martin, hết sức quan tâm đến việc giảng dạy. Vào khoảng năm 1553, ngài đã có ý tưởng mở một "Trường Trung Cấp Phẫu Thuật" ở Madrid cho bệnh viện "Tình Yêu Thiên Chúa" của ngài. Ý tưởng này đã được người kế vị ngài, Tu huynh Pedro Delgado, thực hiện. (5)

"Trường phẫu thuật này rất được hoan nghênh và đã sớm thu hút những người muốn được sự đào tạo để được công nhận trước "Tribunal de Protomédicos" như là những phẫu thuật gia, thực tập trong các bệnh viện và đến học ở đây. Bệnh viện ở Plaza de Antôn Martin là bệnh viện giảng dạy đầu tiên ở Madrid, tại đây đã thiết lập những phân khoa y học chuyên biệt. (6) Khi Dòng tiếp tục phát triển, trước tiên trên khắp Tây Ban Nha và ngay sau đó tại châu Âu và châu Mĩ Latinh cho tới khi có mặt trên cả năm châu lục, Dòng không bao giờ từ bỏ sự quan tâm đối với việc giáo dục bệnh viện. Việc giảng dạy của Dòng chủ yếu là bằng lời nói, nhưng cũng bằng sách vở, sử dụng một ngôn ngữ nặng về thực hành cho nhân viên dễ hiểu. Dòng cũng đã soạn những sách giáo khoa quan trọng trong những lãnh vực khác nhau của ngành y khoa. Dòng đã thông truyền sự quan tâm của mình đối với việc giảng dạy cho nhiều Trường khác nhau ở mọi trình độ văn hóa khác nhau mà Dòng đang tiếp tục cổ võ và thiết lập tại những nơi khác nhau cho tới hôm nay.

Giảng dạy: một nhu cầu thiết yếu hôm nay

Năm 1956 Tổ Chức Y Tế Thế Giới định nghĩa bệnh viện là một trường học cho các nhân viên y khoa, chăm sóc y tế, và nghiên cứu sinh. Từ năm 1956, pháp luật về việc chăm sóc y tế ở mọi quốc gia đều coi việc giảng dạy là thiết yếu. Không một mẫu chăm sóc y tế nào tồn tại nếu nó không dành nhiều chỗ cho việc giảng dạy. Dạy những điều được làm hằng ngày và phổ biến kiến thức này trong khắp cộng đồng bằng cách sử dụng nhiều phương tiện mà chúng ta có, là một nhiệm vụ cũng ngang hàng với nhiệm vụ điều trị, phòng ngừa, và nghiên cứu.

Hằng ngày trong cơ cấu chăm sóc sức khỏe, việc giảng dạy có tác động như một sự bảo đảm về chất lượng. Thực vậy, nếu chúng ta không chứng tỏ cho xã hội thấy được điều chúng ta đang làm qua việc giảng dạy của mình, thì chúng ta không thể làm việc với đủ sinh lực mà người ta đòi hỏi nơi chúng ta. Vì vậy chúng ta phải quyết tâm dự trù trong ngân sách hằng năm của Trung tâm cho các mục đích giảng dạy, và chúng ta ước muốn cộng tác với các tổ chức công và tư nhân khác, qua việc dễ tiếp thu một "ơn gọi giảng dạy" vốn đã có khi Dòng chúng ta được khai sinh.

Nhìn về tương lai, việc giảng dạy sẽ trở thành trách nhiệm của mỗi Trung tâm. Đó là điều sẽ làm chúng ta được tín nhiệm và biện minh cho sự hiện diện của chúng ta trong xã hội, như một yếu tố cơ bản của việc chăm sóc có chất lượng cao, và điều này đòi chúng ta phải cố gắng. Một sự dấn thân cho việc giảng dạy hay suy tư và hành động theo một phương thức mới mẻ, vì lợi ích của những người đau khổ.

Việc Nghiên Cứu Thông truyền những quan điểm của Dòng

Việc chăm sóc, và hoạt động kĩ thuật và khoa học mà Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa đã thực hiện trong năm thế kỉ đã mang lại biết bao đóng góp tuyệt vời và đa dạng cho sự cải thiện sức khỏe và đời sống. Bản thân thánh Gioan Thiên Chúa đã bắt đầu "cuộc phiêu lưu trợ thế" của ngài khi ngài đến Baeza và Guadalupe để đón nhận sự đào luyện, theo lời khuyên của Tôn sư Gioan Avila. Theo một số tác giả, Tôn sư Avila là người nổi tiếng về sự say mê khoa học, và ngài cũng biết có lớp học của các bệnh viện do các thày dòng Thánh Hiêrônimô trông coi, nên đã gửi chàng sinh viên Gioan đến vừa như người hành hương vừa như một sinh viên thực tập để học hỏi cách điều hành những bệnh viện. (7)

Khi trở về Granada, Gioan bắt đầu thực hiện kế hoạch phục vụ người bệnh. Những đóng góp của ngài trong việc chăm sóc, trong việc tổ chức hai bệnh viện sử dụng những phương tiện rất tiến bộ vào lúc bấy giờ, đã khiến cho lịch sử nhìn nhận Gioan Thiên Chúa như là Sáng Lập Viên của bệnh viện hiện đại. Trong tiến trình phát triển di sản năng động của thánh Gioan Thiên Chúa qua thời gian và không gian, các Tu huynh và Cộng tác viên Trợ Thế đã không ngừng cải tiến phương pháp, tích luỹ kinh nghiệm và gia tăng kiến thức. "Người ta có thể nói một cách chung chung rằng sự phát triển trong Dòng phản ánh sự phát triển của khoa tâm bệnh học và thần kinh học." (8)

Các Tu huynh Trợ thế là những người đầu tiên thiết lập một bệnh viện cho các người mắc bệnh động kinh ở châu Âu. (9) Từ khi xây dựng những bệnh viện đầu tiên của mình, họ luôn luôn bổ sung công tác chữa trị bằng việc đào tạo và giáo dục: ngay từ thế kỉ XVI đã có những thông tin nói về những trường phẫu thuật đầu tiên được mở trong những bệnh viện của Dòng. (10) Các thày cũng mở các trường khác về hóa, dược, y và điều dưỡng, một số được thiết lập gần đây hơn và hiện vẫn còn hoạt động. Các Tu huynh nổi tiếng, cùng với nhiều vị khác ít được biết đến hơn, cũng là những bác sĩ, phẫu thuật viên, nha sĩ, điều dưỡng, một số là những gương mẫu trổi vượt về cách thức liên kết đặc sủng trợ thế với tinh thần khoa học và nghiên cứu. (11)

Dòng Trợ Thế là một tổ chức đã hiện diện trong nhiều thế kỉ trong thế giới chăm sóc sức khỏe và phục vụ xã hội. Đó là lí do để Dòng có thể và phải khuyến khích sự tìm tòi liên tục nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bằng cách cổ võ việc nghiên cứu. Nó không được bỏ một lãnh vực nghiên cứu nào, nhưng có lẽ những lãnh vực chuyên biệt hơn cho Dòng là việc chăm sóc toàn diện, chăm sóc nhân đạo và đạo đức sinh học nhìn dưới khía cạnh lâm sàng, dịch tễ học, quản lí và giáo dục, cả trong nội khoa và điều dưỡng, chăm sóc mục vụ, đối thoại liên ngành trong việc cung cấp việc phục vụ cho người nghèo khổ và bệnh nhân, những giá trị của cơ chế nói chung, v.v... Việc học hỏi văn kiện này với óc sáng tạo, bảo đảm những nguồn nhân sự chất lượng cao để đối phó với mọi hoàn cảnh, và gây động lực cho các Cộng tác viên của chúng ta phát triển chiều kích canh tân của Dòng Trợ Thế vốn đã là một trong những nét đặc trưng của Dòng trong suốt lịch sử của mình, tất cả những điều này sẽ là những hướng dẫn thích hợp nhất cho sự hợp tác.

Cổ võ việc nghiên cứu hướng tới Thiên Niên Kỷ III

Sự tiến bộ không ngừng của khoa học và sự dấn thân của các nhân viên chăm sóc y tế, không chỉ trong việc cung cấp sự chăm sóc mà cả trong công việc thí nghiệm, khiến cho việc cổ võ sự nghiên cứu một cách đúng mức trở thành thiết yếu hôm nay. Không thể có tiến bộ y khoa nếu không có những cố gắng nghiên cứu thích hợp và quan trọng (lí thuyết, phòng thí nghiệm, trên súc vật và trên người). Sự chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân và người nghèo khổ tất yếu đòi hỏi những giai đoạn chuẩn bị này phải được thực hiện trước tiên.

Mặc dù trong truyền thống Dòng đã hoạt động chủ yếu trong việc trực tiếp giúp đỡ bệnh nhân và người nghèo khổ, nhưng những sự kiện mới mẻ của xã hội và của việc săn sóc hôm nay làm cho việc nghiên cứu trở thành một điều tất yếu, không phải nhắm mục tiêu trở thành những nhà chuyên môn "khác", mà tạo thành một phần tự nhiên của nhũng hoạt động có thể được hoàn thành và cổ võ trong các Trung tâm hiện hành của chúng ta.

Điều này đã là thực tế rồi, và đã được thực hiện một ít năm rồi, mang lại lợi ích lớn cho các bệnh nhân và sự hài lòng đối với các Cộng tác viên, là những người hoàn toàn đi vào quĩ đạo của việc nghiên cứu quốc tế và như thế tham gia vào sự "tiến bộ trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe" trong đó cả cộng đồng khoa học đều đang quan tâm.

Các phương tiện chính để thực hiện công việc này sẽ là: các thử nghiệm lâm sàng, các thoả ước với các viện nghiên cứu, liên kết với các chương trình nghiên cứu quốc tế, và cung cấp trình độ chuyên môn đặc biệt và độc quyền cho một số Cộng tác viên của chúng ta trong lãnh vực này. Để việc cổ võ nghiên cứu hiệu quả hơn, cũng có thể lập các hiệp hội với mục đích thực hiện nghiên cứu một cách có tổ chức hơn, và theo phương thức phối hợp liên ngành hơn, dựa vào sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn có bằng cấp mà không làm việc trực tiếp tại Trung tâm.

Một vấn đề đặc biệt là việc gây quĩ tài trợ việc nghiên cứu. Không thể rút quĩ này từ việc chăm sóc bệnh nhân. Ngược lại, quĩ nghiên cứu được dùng để cung cấp việc điều trị tốt hơn cho bệnh nhân cả khi người ta không thể nhìn thấy ngay 'doanh thu' của việc đầu tư, bởi vì đôi khi các khoản tiền sử dụng có vẻ như không mang lại những kết quả tức khắc như người ta mong đợi.

Chính vì thế, Dòng không chỉ đánh giá cao và cổ võ việc nghiên cứu thực nghiệm trong các Trung tâm của mình, nhưng Dòng cũng có thể cổ võ việc nghiên cứu bằng những sắp xếp của mình với những thực thể khác đang hoạt động hợp pháp trong lãnh vực này. Phải lưu tâm tới điều này mỗi khi hoàn cảnh và địa điểm của một Trung tâm nào đó cho phép, khi kí những hợp đồng với chính quyền theo đó một phần của ngân sách, dù chỉ là nhỏ thôi, được dành cho việc nghiên cứu.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 6

(1)     VATICANÔ II, Nostra Aetate, 2 và tt.

(2) Xem GIOAN PHAOLÔ, Đức Tin và Lí Trí, 1999, Ch. 1.

(3) Uỷ Ban Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ Truyền Bá Tin Mừng các Dân Tộc, Dialogue and Annunciation, BCDR (1991), 210-250.

(4) JAVIERRE, José Maria Juan de Dios, Ioco en Granada, Sigueme, Salamanca, 1996.

(5) PLUMED MORENO, C., "Jornadas Internacionales de Enfermeria", San Juan de Dios, 1992.

(6)     ALVAREZ SIERRA, José Antón Martín y el Madrid de los Austrias, 1961.

(7) JAVIERRE, sách đã dẫn, tr. 413.

(8) RUMBAUT, Ruben, D., John of God: his place in the history of Psychiatry and Medicine, 1978, song ngữ (Anh/Tây Ban Nha), tr. 115.

(9) ALVAREZ SIERRA, José, Influencia de San Juan de Dios y de su Orden en el progreso de la Medicina y de la Cirurgia, Talleres Arges, Madrid, 1950, tr. 148.

(10) RUSSOTTO Gabriele OH. San Giovanni di Dio e il suo Ordine Ospedalliero Rome, 1969, secondo volume, tr. 124.

(11) Cuốn Lịch sử Dòng do Tu huynh Gabriele Russotto          viết gồm 73 trang liệt kê các tên tuổi và rất nhiều tài liệu dẫn chứng. Những Bác sĩ và phẫu thuật viên nổi tiếng có Tu huynh Gabriele Ferrara (Ý), Tu huynh Alonso Pabón (Tây Ban Nha), Tu huynh Bernard Fyrtram (Áo), Tu huynh José López de la Madera (Tây Ban Nha), Tu huynh Konstantin Scholz (Silesia, Áo), Tu huynh Abrogio Guivebille (Áo), Tu huynh Lazzaro Nobel (Đức), Tu huynh Matias del Carmen Verdugo ( Chi-lê), Tu huynh Micae Isla (Colombia), Tu huynh Probo Martini (Đức, Cộng hòa Czech, Silésia), Tu huynh Bertrand Schroder (Áo), Tu huynh Norberto Boccius (Hungary, Cộng hòa Czech), Tu huynh Manuel Chaparro (Chi-lê), Tu huynh Ludovico Pezima (Ba Lan), Tu huynh Eliseo Talochon (Pháp), Tu huynh Odilone Wolf (Cộng hoà Czech), Tu huynh Giusto Sarmiento (Mỹ), Tu huynh fausto Gradischeg (Áo), Tu huynh Giovanni Luigi Portalupi (Ý), Tu huynh Benedetto Nappi (Ý), Tu huynh Celestino Opitz (Cộng hoà Czech), Tu huynh Prosdocimo Salerio (Ý), Tu huynh Celso Broglio (Ý), Tu huynh Giovanni di Dio Sobel (Silesia), và Tu huynh Francis de Sales Whitaker (Ai-Len và Anh). Danh sách kết thúc bằng tên của Thánh Richard Pampuri.

Trong số các Dược sĩ và nhà Thực vật học, các tên tuổi nổi tiếng nhất trong lịch sử của Dòng là các Tu huynh Agostino Stromayer (Cộng hoà Czech), Innocenzo Monguzzi (Ý), Ottavio Ferraro (Ý), Gallicano Bertazzi (Ý), Atanasio Pellicia (Ý), và Antonio Matia dell'Orto (Ý).

Có hai Nha sĩ nổi tiếng: Tu huynh Gioavanni di Dio Pelizzoni (Ý) và Tu huynh Giovanni battista Orsenigo (Ý) rất nổi tiếng ở Rôma.

Ở Colombia, Tu huynh Miguel de Isla (thế kỉ 18) rất nổi tiếng. Tu huynh là một bác sĩ, một Giáo sư y khoa và người phục hưng Phân Khoa Y Học ở Đại học Rosario. Ở Chi Lê, Tu huynh Manuel Chaparro đề xướng việc tiêm chủng chưa từng được sử dụng trước kia và thậm chí chưa từng được biết đến ở Châu Âu, để kiểm soát một trận dịch đậu mùa tàn khốc kéo dài từ 1765 đến 1772.

Cũng đáng lưu ý rằng năm 1821, Thày Ottavio Ferrario, một dược sĩ, đã khám phá ra chất iodoform, mặc dù một người Pháp được nhìn nhận là khám phá ra nó cùng năm ấy. Năm 1882 Thày Ferrario là người đầu tiên ở Ý lấy được chất kí ninh, bằng cách phân lập những hoạt chất từ vỏ cây canh kí na.

Trích tài liệu - HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ