Vấn Đề Đạo Đức Sinh Học Liên Quan Tới Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa

5.2 Những Vấn Đề Chuyên Biệt Liên Quan Tới Việc Chăm Sóc Của Chúng Ta

5.2.1    Tính dục và sự sinh sản

5.2.1.1   Trách nhiệm trong việc làm cha mẹ.

Sự sinh sản của con người là cách mà Thiên Chúa cộng tác với con người khi họ tự ý để Ngài sử dụng như một dụng cụ của hành động sáng tạo của ngài qua việc truyền sinh. Điều này cắt nghĩa giá trị cao vời của sự sinh sản, vì là hành vi được trao phó cho cặp vợ chồng chấp nhận làm cha mẹ có trách nhiệm. (3)  Trách nhiệm sinh sản này có nghĩa là cặp vợ chồng phải rất chú ý tới hai ý nghĩa không thể tách rời của tính dục vợ chồng: kết hợp và sinh sản. Khi thực hiện nhiệm vụ cao cả này, cặp vợ chồng phải được hướng dẫn bởi Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh mà họ chấp nhận một cách có trách nhiệm trong tính độc đáo của lương tâm họ.

Trong các Trung tâm của Dòng, phải cổ võ tất cả những cơ cấu có thể khuyến khích việc sinh sản có trách nhiệm đích thực, những cơ cấu này bao gồm việc tư vấn đầy đủ, tuỳ theo những phương thức và kiểu mẫu chuyên biệt thích hợp với các điều kiện chăm sóc sức khoẻ và hoàn cảnh văn hóa tại mỗi nước.

Những tiêu chuẩn này cũng được dùng làm cơ sở cho những việc phục vụ chuyên môn mà các nhân viên chăm sóc sức khoẻ cống hiến cho những bệnh nhân ngoại trú cũng như nội trú.

5.2.1.2   Cắt đứt quá trình mang thai.

Sự sống con người là một giá trị tự tại được mọi người nhìn nhận, tuy rằng mỗi nền văn hóa và hoàn cảnh lịch sử nhìn nó với những sự nhậy cảm khác nhau. Sự kính trọng và bảo vệ sự sống là nền tảng cho mọi hoạt động và tổ chức chăm sóc sức khoẻ.

Việc bảo vệ sự sống trải dài suốt đời sống từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc tự nhiên, bất chấp những cách thức và hoàn cảnh mà sự thụ thai xảy ra, hay tình trạng sức khoẻ trước và sau khi sinh, những biểu hiện của nó về các quan hệ và sự chấp nhận của xã hội. Thực vậy, theo gương thánh Gioan Thiên Chúa, mọi trường hợp mà sự sống gặp rủi ro đều là lý do để cá nhân và xã hội dấn mình bảo vệ và chăm sóc quà tặng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người chăm sóc.

Khi chúng ta nói rằng, đối với chúng ta, sự sống con người là bất khả xâm phạm, chúng ta thiết lập một nguyên tắc đạo đức đòi buộc phải tuân theo, bất luận những vấn đề tranh cãi thần học liên quan tới lúc "bắt đầu sự sống" (xảy ra vào lúc thụ thai hay sau khi thụ thai). Theo quan điểm quân bình và thận trọng trong Donum Vitae và Evangelium Vitae, con người phải được kính trọng "như một con người" từ lúc thụ thai. (4)

Tính bất khả xâm phạm của sự sống con người có nghĩa Dòng Trợ Thế phải ngăn cấm tất cả những gì tiêu diệt sự sống trong những giai đoạn ban đầu của nó hay cản trở sự phát triển bình thường của nó, không chỉ dưới hình thức phá thai, mà còn bằng bất kỳ biện pháp nào khác mà trong thực tế tạo ra hậu quả này.

Cũng thế, phải đặc biệt chú ý để bảo đảm các thủ thuật chẩn đoán trước khi sinh không nhằm mục đích duy nhất là cắt đứt quá trình mang thai khi phát hiện thai bị dị dạng. Thực vậy, đối với chúng ta, việc dấn thân tích cực cho sự sống và đón tiếp và chấp nhận những người yếu đuối nhất và nghèo khổ nhất, chẳng hạn những người dị tật, đòi hỏi chúng ta phải trung thành với đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa. Điều này lại càng cần thiết hơn ngày hôm nay, khi nền văn hóa và những chính sách thống trị của nhiều quốc gia đang có khuynh hướng loại trừ sự sống của những cá nhân bị coi là "không hoàn hảo" một cách nào đó. Sự kiện có thể có loại chẩn đoán nói trên được thực hiện trong nhiều Trung tâm của Dòng có nghĩa là các Trung tâm này phải thiết lập những dịch vụ tư vấn cao cấp cho những cặp vợ chồng và những gia đình đang gặp khó khăn vì sự sinh ra của một đứa con dị tật.

Cũng phải áp dụng những tiêu chuẩn này để bảo đảm rằng việc chúng ta phản đối sự phá thai không dẫn tới việc miệt thị con người đã phá thai. Thực vậy, với đức ái Kitô, các công cuộc của chúng ta phải trở thành những Trung tâm không chỉ để tiếp đón sự sống, nhưng cũng để "xây dựng lại" một cuộc đời từng dày vò sâu sắc do việc phá thai. Không những phải tránh sự kết án lỗi lầm trở thành sự kết án con người lầm lỗi, nhưng chúng ta phải dùng tình yêu biến đổi con người lầm lỗi, để giúp họ trở thành người ý thức về lỗi lầm của mình, nhưng đồng thời tin cậy ở lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.

Tính bất hợp pháp của việc cố ý cắt đứt quá trình mang thai không có nghĩa là không được phép sử dụng những biện pháp phẫu thuật hay thuốc để bảo vệ sức khoẻ của người mẹ, khi việc này cũng có thể dẫn đến cái chết của bào thai, miễn là cái chết của bào thai không phải là một ý định trực tiếp, và sức khoẻ của người mẹ không thể đạt được nếu không nhờ sự giải phẫu hay điều trị bằng thuốc, và biện pháp này không thể trì hoãn. (5)

5.2.1.3    Sinh sản bằng trợ giúp kỹ thuật.

Có nhiều cặp vợ chồng không có con phải nhờ đến sự trợ giúp sinh sản của kỹ thuật như một phương tiện hiệu quả để khắc phục một vấn đề không phải do lỗi của mình.

Không một Trung tâm nào của Dòng được phép cung cấp dịch vụ này trừ khi có trình độ chuyên môn cao để làm việc này và được luật pháp công nhận cho mục đích này. Trong trường hợp đó, chúng ta coi việc giúp đỡ các cặp vợ chồng sinh sản bằng trợ giúp kỹ thuật là điều có thể chấp nhận về mặt đạo đức, để giúp cho sinh hoạt tính dục vợ chồng của họ mang lại kết quả là sự truyền sinh, khi sử dụng giao tử của cặp vợ chồng, và kính trọng sự sống của phôi.

Ở những nơi mà chính sách y tế công cộng đòi hỏi những loại hành động khác, phải tìm ra những giải pháp có thể chấp nhận được, hay có những chọn lựa thích hợp. Trong lãnh vực này, các Ủy Ban Đạo Đức và Đạo Đức Sinh học có thể là những nguồn trợ giúp tuyệt vời.

5.2.2    Hiến và cấy ghép cơ quan

5.2.2.1   Các loại cấy ghép.

Các khả năng của kỹ thuật cấy ghép ngày nay là một trong những thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta về mặt đạo đức, và mời gọi chúng ta chấp nhận một chiều kích mới về tình liên đới giữa con người với nhau. Mọi người nam cũng như nữ, và tất nhiên mọi người Kitô hữu, nên coi việc hiến tặng các cơ quan của mình sau khi chết như là một nghĩa vụ. Dòng Trợ Thế ủng hộ những cố gắng của cả cộng đồng trong việc tán thành, quảng bá và chấp nhận một "nền văn hóa hiến tặng." Ngoài những khía cạnh pháp lý đòi hỏi phải có sự ưng thuận ít nhiều rõ ràng về việc lấy cơ quan của một người, khía cạnh hiến tặng này không bao giờ có thể được bỏ qua.

Đương nhiên cần có một cố gắng về văn hóa và giáo dục để khắc phục một số sự miễn cưỡng vẫn còn tồn tại trong việc lấy đi cơ quan từ một thi hài, bởi vì một số quan niệm sai lầm về tính "linh thiêng" của thi hài. Vì Dòng có hai chiều kích, vừa là một thực thể Hội Thánh vừa là một cơ cấu chăm sóc sức khoẻ, nên Dòng có thể giúp khắc phục sự miễn cưỡng này. Sự kính trọng đối với người chết mà lòng đạo đức Kitô giáo thấm nhuần không được trở thành một sự tôn thờ đối với xác chết.

Một vấn đề khác nảy sinh liên quan tới việc cấy ghép giữa những người sống với nhau. Mặc dù đây là một hành vi vô cùng quảng đại và đôi khi là anh hùng khi hiến tặng cơ quan mình cho một người khác, nhưng chính vì nó là một hành vi phi thường, nên không thể xét nó theo cùng những tiêu chuẩn đạo đức như khi hiến tặng cơ quan sau khi chết. Vì vậy nó thuộc số những hành vi phi thường mà con người không buộc phải làm theo nghĩa hẹp, nhưng dù sao cũng là biểu hiện của lòng quảng đại cao cả phi thường.

5.2.2.2   Chết não.

Vì mục đích lấy các cơ quan từ một xác chết, nảy sinh vấn đề tế nhị là xác định rằng não đã chết. Rõ ràng chỉ có thể lấy đi cơ quan từ một người đã thực sự chết. Vì lý do này có những luật rất khắt khe để xác định cái chết mà chúng ta phải "tin". Một người được kể là chết thật khi, theo một số thông số lâm sàng và/hay máy đo, không còn có một hoạt động nào ở vỏ não và thân não. (8) Đây là những tiêu chuẩn đầy đủ đã được cộng đồng khoa học quốc tế nhìn nhận và đáng tin cậy hơn là những tin tức giật gân do một số tờ báo lá cải tung ra. Chết là một tiến trình, chứ không phải một biến cố, và vì thế sự kết thúc cuộc đời trần thế của một người không phải là cái chết của toàn bộ cơ thể (bởi vì một số bộ phận có thể còn tiếp tục sống cho dù não đã ngừng hoạt động) mà là cái chết của cơ thể xét như một toàn thể.

5.2.2.3   Việc sử dụng mô của phôi và thai.

Việc cấy ghép mô của thai (tế bào gan hay não, v.v...) cho đến nay đã được sử dụng một thời gian để điều trị một số bệnh, đặc biệt các bệnh về máu và thần kinh. Vì những cá nhân mà những mô này được lấy đi thường là những bào thai cố tình bị phá, nên nảy sinh vấn đề đạo đức tế nhị liên quan tới việc "sử dụng" những cá nhân này, và vấn đề "sử dụng phá thai như một dụng cụ" và vấn đề về giá trị của sự ưng thuận bằng chữ viết của người mẹ. Tự nó, việc sử dụng các mô của phôi và thai không gây ra vấn đề đạo đức nào nếu những rủi ro và những ích lợi đã được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên phải tránh bất kỳ một sự khuyến khích ít nhiều ngấm ngầm nào về việc phá thai, và không bao giờ được coi các bào thai như là những "đời sống có thể vứt bỏ" mà người ta có thể sử dụng thế nào tùy thích. Phẩm giá con người của các bào thai phải tiếp tục được kính trọng, và mặc dù việc sử dụng chúng có thể cứu sinh mạng của những người khác, nhưng điều này không bao giờ được dùng làm cơ sở để hợp thức hóa việc phá thai. (9)

Trích đăng từ Tài Liệu: "Hiến Chương Trợ Thế" của Hội Dòng (còn nữa)