ĐẶC SỦNG TRỢ THẾ
NƠI THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
Đặc sủng Trợ Thế phải được xem như một quà tặng của Chúa Thánh Thần để thực hiện một sứ mạng chuyên biệt của Hội Thánh vì người nghèo, bệnh nhân và người túng quẫn. Đặc sủng này và sứ mạng liên quan đến đặc sủng đã được Đấng sáng lập của chúng ta sống theo phong cách riêng của ngài, và chính trong phong cách đặc trưng này mà ngài đã chuẩn bị một nền "văn hóa" trợ thế độc đáo và vô cùng hiệu quả. Nền "văn hóa" trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa có một giá trị tiên tri độc đáo cho sự canh tân trong Hội Thánh và trong xã hội. (1) Đối với Gia Đình Trợ Thế, đặc sủng này phải tiếp tục là men làm dậy lên sức sống mới cho các việc phục vụ của Dòng trên khắp thế giới. Sau đây là một số đặc điểm chính.
Tinh thần trợ thế như biểu hiện của lòng thương xót Chúa.
Tinh thần trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa bắt nguồn từ kinh nghiệm Kitô giáo về tình thương xót của Thiên Chúa đối với Đấng Sáng Lập chúng ta, là kinh nghiệm đã tỏ cho ngài thấy thân phận tội lỗi của mình và lòng thương xót và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng tự nguyện tha thứ và tạo lập sự hiệp thông đời sống với mọi con cái của ngài. Kinh nghiệm này là nét đặc trưng cơ bản và là nguồn mọi sự phong phú trong Tinh thần trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa. "Nếu chúng ta suy nghĩ về lòng thương xót bao la của Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng làm việc thiện mỗi khi có thể." (2)
Chúng ta dễ có khuynh hướng coi Thánh Gioan Thiên Chúa như là một con người bẩm sinh đầy lòng thương xót, trắc ẩn, cảm thông, tha thứ, và có khả năng giúp đỡ mọi người, và chúng ta có lý để tin như vậy. Nhưng đây là hậu quả của việc ngài luôn ý thức và thường xuyên cảm nghiệm lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa và của Chúa Kitô đối với ngài. Ngài nhìn cuộc sống và mọi sự trong cuộc sống như những ân huệ do lòng thương xót của Thiên Chúa ban cách nhưng không cho ngài: "Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta . . . tỏ lòng thương xót chúng ta biết bao, ngài cho chúng ta của ăn, áo mặc, và mọi thứ khác, mặc dù chúng ta không đáng được. . ." (3)
Điều duy nhất mà Đấng Sáng Lập của chúng ta ao ước và tìm kiếm thường xuyên nhất trong cuộc hoán cải của ngài là lòng tha thứ và từ bi của Chúa, như chúng ta đọc thấy trong các chương VII, VIII và IX trong cuốn tiểu sử của Castro. Ngài khao khát lòng từ bi và ngài nài xin Chúa ban nó cho ngài, và một khi nhận được nó, ngài đã trở thành người trung gian của nó cho mọi người cùng khổ. Tinh thần trợ thế đầy từ bi của thánh Gioan Thiên Chúa chắc chắn là điều đánh động người đọc nhất khi họ chiêm ngắm những công cuộc kỳ diệu ngài đã làm cho mọi hạng người cùng khổ và khó nghèo.
Chúng ta có thể nói một cách chính đáng rằng cảm nghiệm thâm sâu của ngài về lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa đối với ngài đã biến đổi ngài thành một con người từ bi thương xót vì lợi ích của mọi người không loại trừ ai, và chúng ta thậm chí có thể nói là không giới hạn.
Qua tất cả những gì chúng ta biết về các hành động của ngài, ngài không hề đặt giới hạn về số lượng những người cùng khổ mà ngài giúp đỡ. Danh sách những người cùng khổ ở Granada và vùng phụ cận từng được ngài giúp đỡ được ghi lại trong chương XII cuốn tiểu sử của Castro và danh sách do chính Thánh nhân cung cấp trong lá Thư II của ngài gửi cho Gutierrez Lasso thì trùng nhau và bao gồm hầu như mọi hạng người sống ở Granada vào thời ngài.
Lòng mến khách như là tình liên đới
Kinh nghiệm này và sự tỏ lộ lòng từ bi của Thiên Chúa đối với ngài đã làm phát sinh hai lời đáp trả: một là kenosis (sự hủy mình) (4) hay sự hạ mình đền tội được thấy rất rõ trong các nguồn tài liệu, và tiếp đến là lời đáp trả bằng lòng từ bi thương xót đối với mọi người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi. (5) F. de Castro kể cho chúng ta biết, vào ngày ngài hoán cải, làm sao từ một người bán sách nghèo nàn, Gioan Thiên Chúa đã giũ bỏ mọi sự mình có để có thể trở thành một môn đệ của Chúa Giêsu. Tác giả này cũng nói:
Ngài luôn luôn đi chân đất cả trong thành phố và trong mọi cuộc hành trình của ngài, đầu để trần, tóc râu cạo nhẵn, mình không mặc áo sơ-mi hay bất cứ một thứ gì khác ngoại trừ một chiếc áo khoác thô màu xám và chiếc quần len. Đi đâu ngài cũng đi bộ, không bao giờ đi ngựa, cả khi đi đường xa, cho dù ngài mệt đến đâu và chân bị đau đến mấy. Dù thời tiết xấu thế nào, dù trời mưa hay tuyết, ngài không bao giờ che đầu kể từ ngày ngài bắt đầu phục vụ Chúa cho tới ngày Chúa gọi ngài về. Thế nhưng ngài luôn động lòng trắc ẩn trước những đau khổ nhỏ nhoi nhất của đồng loại, và tìm cách giúp đỡ họ, như thể chính ngài đang sống rất sung túc vậy. (6)
Mái nhà đầu tiên của ngài là một nơi ở tồi tàn, nơi ngài có thể mời mọi người cũng nghèo khổ như ngài đến ở. Castro giải thích vắn gọn như sau: Sau khi đã quyết định thực hiện việc an ủi và cứu giúp những người nghèo, Gioan Thiên Chúa nói chuyện với một số người đạo đức đã từng an ủi ngài trong lúc khốn khổ, và nhờ sự trợ giúp và lòng đạo đức nhiệt thành của họ, ngài thuê một căn nhà ở khu chợ cá của thành phố, vì chỗ ấy ở gần Công trường Bibarrambia, từ đó ngài có thể đi ra ngoài để tìm kiếm những người nghèo, bị bỏ rơi, ốm đau tật nguyền ở bất kỳ nơi nào ngài nghĩ có thể tìm thấy họ; và ngài mua những chiếc chiếu và một ít tấm mền cũ để cho họ ngủ, vì dạo đó ngài không có nhiều tiền để làm hơn nữa, cũng không thể cung cấp cho họ một sự chăm sóc nào khác. (7)
Chúng ta có thể nói thánh Gioan Thiên Chúa hiện thân nơi người nghèo khổ và bệnh tật, bằng cách đón tiếp họ và chăm lo cho những nhu cầu của họ, như thể ngài là một người như họ. Ngài tiếp đãi họ và chăm sóc họ mặc dù ngài cũng thiếu thốn mọi bề, nhưng với sự sung mãn của đặc sủng trợ thế mà Thiên Chúa phú ban cho ngài. Ngài không bao giờ từ chối giúp đỡ bất cứ ai cần đến, trái lại, ngài cho họ mọi điều mà ngài có thể trong phạm vi nghèo khó của ngài.
Tinh thần trợ thế như là sự hiệp thông
Là một người trung gian giữa người giàu và người nghèo, giữa người sung túc và người túng thiếu, giữa người quyền thế và người hèn hạ, thánh Gioan Thiên Chúa đã thực hành Tinh thần trợ thế của sự hiệp thông. Với thánh Gioan Thiên Chúa, việc xin của bố thí đã trở thành một phần của di sản và của cải thiêng liêng của Dòng, và Dòng không thể tồn tại nếu thiếu nó, tuy rằng chúng ta phải thích nghi các phương pháp cho phù hợp với mỗi thời và mỗi nền văn hóa. Bố thí phải được coi như một hình thức luân chuyển của cải để xây dựng xã hội dựa trên cơ sở của tình liên đới và trên những nền tảng thiêng liêng.
Khi ngài đi rảo khắp các đường phố, vừa đi vừa hô lớn, "Vì tình yêu Thiên Chúa, anh chị em hãy làm phúc cho chính mình," ngài muốn đánh động và khơi dậy lương tâm của dân chúng để họ không ngủ yên trên những sự khốn cùng của đồng loại, bằng cách cho và nhận dựa trên cơ sở tương trợ lẫn nhau.
Khi viết thơ cám ơn những người đã dâng tặng và kể cho họ mối đau đớn ngài cảm thấy trước sự đau khổ của những người nghèo khó mà ngài không thể không giúp đỡ, và khi thường xuyên đi vay tiền mà ngài cảm thấy khó trả, ngài có ý xây dựng một cộng đồng hiệp thông trong đó mọi người cảm thấy mình là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa yêu thương, giúp đỡ và tha thứ, như chính ngài đã từng cảm nghiệm. Ngài biết rằng nếu ai ai cũng cảm nhận được lòng từ bi của Thiên Chúa một cách thâm sâu như ngài, Giáo hội và xã hội có thể thực sự trở thành một gia đình con cái Thiên Chúa, với đời sống và sự hiệp thông thần linh, và khắc phục được tất cả mọi nhu cầu của những con người khốn khổ.
Lòng mến khách đầy sáng tạo
Trong một thành phố với mười bệnh viện và nhà tế bần, thật khó có thể tin rằng sự nhậy cảm của Gioan Thiên Chúa đã khám phá ra rằng còn quá nhiều người bệnh tật và nghèo khổ bị bỏ mặc để tự mình xoay sở. Và chúng ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy ngài đã tìm ra cho mình một đường lối mới để thực hành tinh thần trợ thế. Ngài là người tiên phong cho tất cả những ai có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của người bệnh tật, nghèo khổ và khốn quẫn.
Tinh thần trợ thế của ngài là một sự đáp ứng cho những ai không thể tìm thấy sự nâng đỡ ở đâu khác (người bị bỏ rơi) và sự chăm lo cho những người có những nhu cầu mới mà những người khác chưa nhận thức được (đau khổ vì tội lỗi, oán ghét hay hận thù). Thánh Gioan Thiên Chúa đã nhìn thấy mọi loại đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần. (8)
Tinh thần trợ thế toàn diện
Có thể nói một trong những giá trị đặc trưng nhất của tinh thần trợ thế nơi thánh Gioan Thiên Chúa là cung cách ngài đối xử với người đau khổ như một con người toàn diện. Theo ngài, người bệnh và người nghèo khổ không chỉ là một thân xác và linh hồn, không chỉ là những kẻ tội lỗi, những kẻ tìm kiếm hận thù, dối trá hay bất xứng. Tất cả đều là những con người, những anh chị em của ngài, và mọi người đều đáng được hưởng sự giúp đỡ và tha thứ của ngài và các Cộng tác viên của ngài. Tại sao thế? Vì Thiên Chúa đã làm đúng như vậy, khi ngài chăm lo cho nhu cầu hằng ngày của mọi người (9), tha thứ và cứu rỗi họ (10). Và vì trông thấy họ đau khổ mà không được cứu giúp làm ngài "tan nát con tim." (11)
Tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa, như ta có thể nói hôm nay, vừa dự phòng vừa khẩn trương chữa trị và phục hồi, vì ngài chữa lành những ai có thể chữa lành, và chăm sóc những ai không thể chữa lành. Lòng mến khách đó cũng mang tính giáo dục và đào luyện đối với những cô nhi, những trẻ em bị bỏ rơi có thể chết nếu không được cứu giúp, và những cô gái điếm mà ngài giúp xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, xây dựng và thực hiện một kế hoạch đào luyện và tái hội nhập vào xã hội. Trong bệnh viện của ngài, ngài cung cấp của ăn, giường ngủ, củi lửa và nhà ở để tiếp đón khách hành hương, với thuốc thang, Điều dưỡng, bác sĩ, tuyên uý và sự trợ giúp thiêng liêng cho các bệnh nhân. (12)
Việc thực hành tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa cho chúng ta thấy câu chuyện ngụ ngôn Trung Hoa về con cá và cái cần câu là một vấn đề sai lạc khi cắt nghĩa nó theo kiểu chỉ được chọn một trong hai (hoặc cái này. . .hoặc cái kia). Tinh thần trợ thế để cứu giúp người nghèo khổ phải luôn luôn bao gồm (cả cái này . . . lẫn cái kia), tùy theo hoàn cảnh thời gian, không gian và những người có liên quan.
Lòng mến khách đem lại sự hòa giải
Thánh Gioan Thiên Chúa thông cảm, đối xử với mọi người đúng như Chúa đã đối xử với ngài: ngài tha thứ và giúp đỡ, chăm sóc và chữa lành những vết thương thể chất và tinh thần của mọi người. Rất thường xuyên ngài chăm lo chữa lành các vết thương tinh thần và tâm hồn trước vì ngài coi đó là điều kiện để có thể chữa lành và tạo sự hoà hợp nơi thể xác.
Trong một thế giới bị xâu xé bởi quá nhiều thứ ý thức hệ, chủ nghĩa cực đoan và sự kỳ thị chủng tộc là những cái gây nên sự ghen ghét, oán giận và ước muốn báo thù, thì khả năng của thánh Gioan Thiên Chúa để tha thứ, hòa giải và bắc những nhịp cầu huynh đệ thật đáng được học hỏi và cảm nghiệm bởi mọi người chúng ta trong Gia Đình Trợ Thế. Ngài là vị lương y chữa lành những vết thương, những mối căng thẳng và tranh chấp nơi tất cả những người mà ngài giúp đỡ và những người cùng cộng tác với ngài.
Giống như Chúa Kitô, ngài chữa lành bằng chính các vết thương của ngài. Các người viết tiểu sử ngài luôn luôn kể lại những cách thức ngài bị tổn thương: phải chia lìa với cha mẹ, phải cô đơn, phải thất vọng bởi đời sống trong quân đội, nhưng trên hết là bởi ý thức tội lỗi, những vất vả ngài phải gánh vác, nỗi đau khổ vì nợ nần chồng chất do việc ngài phải thường xuyên vay tiền để giúp đỡ người nghèo khổ và bệnh tật, các anh chị em của ngài. Những cảm nghiệm về các vết thương hiện thực này cũng đã biến ngài thành một người Trợ thế chuyên chữa lành và giao hòa các kẻ thù, biến họ thành những Cộng tác viên của ngài, như trong trường hợp của Antôn Martin và rất nhiều người khác nữa.
Với nữ Bá tước Sessa, ân nhân của ngài, ngài nói cho bà biết cách ngài chữa lành bằng những thương tích của Chúa Kitô chịu đóng đinh, và ngài khuyên bà cũng làm y như thế:
"Khi tôi gặp khó khăn, tôi không tìm thấy phương thuốc hay niềm an ủi nào khác hơn là suy niệm và chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh." (13)
"Khi gặp khó khăn hay phiền muộn, bà hãy suy niệm sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và những Thánh tích của ngài, như thế bà sẽ cảm thấy niềm an ủi vô bờ”. (14)
Bằng cách này, ngài đã thành công thuyết phục được Antôn Martin tha thứ và hoà giải với Pedro Velasco và đã chinh phục được cả hai ông để trở thành các Cộng tác viên trợ thế trực tiếp của ngài, trở thành các Tu huynh đầu tiên của ngài.
Và chính bằng cuộc khổ nạn và sự đau khổ của Chúa Kitô mà vào các ngày thứ sáu, ngài chữa lành những tổn thương của tình trạng mại dâm từng huỷ diệt cuộc đời của quá nhiều phụ nữ do lối sống phóng đãng của họ. Bằng đặc sủng của tinh thần trợ thế và thương người, ngài đã tha thứ cho người đàn bà lăng mạ ngài sau khi đã được ngài cứu: "Sớm hay muộn tôi cũng phải tha thứ cho chị, vì thế tôi tha thứ cho chị ngay lập tức" (15). Nhờ hành vi này, ngài đã cải hóa chị lần thứ hai, như chị đã làm chứng trong tang lễ của ngài.
Khi bị báo cáo lên Tổng giám mục và bị tố cáo là đưa về "nhà của Chúa" những con người bất xứng, ngài trả lời ngài là người bất xứng duy nhất và "vì Chúa luôn dung thứ cho người lành lẫn kẻ dữ và hằng ngày ngài cho mặt trời mọc lên để chiếu sáng mọi người, vậy thì có lý gì chúng ta lại xua đuổi ra khỏi nhà chúng ta những người đã bị bỏ rơi và những người đau khổ ?" (16)
Tinh thần trợ thế, nguồn phát sinh các Tình nguyện viên và Cộng tác viên
Tình yêu nhân từ bao la của thánh Gioan Thiên Chúa là nguồn sinh lực mãnh liệt làm phát sinh tình yêu, lòng bác ái Kitô giáo và sự hợp tác. Đó là một lòng mến lan tỏa xa rộng, là một đặc sủng không ngừng được chia sẻ với những người khác. Sức mạnh đoàn sủng này mà thánh Gioan Thiên Chúa nhận được từ Thiên Chúa và ngài hằng trung thành triệt để với nó đã biến ngài thành ngọn hải đăng toả sáng Lòng mến khách ở mọi bình diện của sự liên đới và hợp tác với ngài trong công cuộc giúp đỡ người nghèo và bệnh nhân.
Chúng ta có thể phân biệt nhiều loại Cộng tác viên khác nhau: những người giúp ngài một cách thiết thực và bằng của bố thí khi này hay khi khác, và những người trở thành những Cộng tác viên thường xuyên, như Angulo và tất cả những người được ngài nhắc tới trong các thư của ngài, cũng như trong sách của Castro và hồ sơ về Vụ kiện chống lại các Tu huynh Dòng thánh Hiêrônimô. Một số người hoạt động với danh nghĩa Tình nguyện viên của thánh Gioan Thiên Chúa và số khác trở thành những thành viên thực thụ, đồng nhất hoàn toàn với đặc sủng của ngài.
Những Cộng tác viên thân cận nhất của ngài là những người bạn đồng chí đầu tiên của ngài hay các Tu huynh chia sẻ cùng một nếp sống với ngài, các ân nhân chấp nhận đặc sủng của ngài và cảm thấy công việc của ngài cũng là của chính họ. Và cảm nghiệm được thuộc về bệnh viện hay công cuộc của ngài đã làm phát sinh một làn sóng mãnh liệt của tình liên đới. Sự tự đồng hóa mình với đặc sủng của ngài đã khiến nhiều Cộng tác viên ra sức vun trồng đặc sủng này, và bảo vệ tính độc đáo của nó bằng sự trợ giúp vật chất và nhân sự (17). Cảm giác coi mình là một thành viên của Gia đình thánh Gioan Thiên Chúa vẫn tiếp tục là một khuôn mẫu sinh động và vững chắc ngày hôm nay và trong tương lai, như nó đã từng là như thế vào thời ngài.
Lòng mến khách mang tính tiên tri
Một trong những nét độc đáo nhất của Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa là tính chất tiên tri. Từ một con người xa lạ nhập cư không có tiền của gì, bị mang tiếng là điên cuồng, bằng việc hiến mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu Kitô và những người đau khổ, ngài đã mở ra những con đường mới cho Hội Thánh và xã hội.
Những thái độ trợ thế của ngài thật kỳ lạ và làm người ta phải sửng sốt, nhưng chúng đã là những ngọn hải đăng soi đường cho những cách thức mới của việc chăm sóc và lòng nhân đạo đối với những bệnh nhân và người nghèo khổ. Từ không có gì, ngài đã tạo ra một khuôn mẫu chọn lựa cho người công dân, người Kitô hữu, và người Trợ thế để phục vụ những người hoàn toàn bị bỏ rơi. Lòng mến khách có tính tiên tri này là một thứ men canh tân trong thế giới chăm sóc con người và trong Hội Thánh. Khuôn mẫu mà thánh Gioan Thiên Chúa đã sáng tạo cũng là một sự thức tỉnh lương tâm và hướng dẫn để kích thích những người khác chấp nhận những thái độ mới và thực hành những đường lối mới nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Tinh Thần Trợ Thế Trong Lịch Sử
Tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa nơi các Cộng tác viên đầu tiên của ngài và qua các thế kỷ. Các Tu huynh đầu tiên (18), những người bạn đồng chí của Gioan Thiên Chúa, đã chia sẻ đoàn sủng Trợ thế của ngài, thực hành và truyền bá nó. Tài liệu về việc sáng lập bệnh viện của Antôn Matin ở Madrid đáp ứng các nhu cầu của "những bệnh nhân mang những vết thương truyền nhiễm". Trong di chúc của mình, Antôn Martin tuyên bố Gioan Thiên Chúa đã đặt ông thay ngài điều hành bệnh viện và ngài coi ông như thể là chính ngài (19).
Qua các nhân chứng, chúng ta được biết các người bạn đồng chí của ngài là những Tu huynh Trợ thế sống rất gần gũi với những người nghèo và bệnh nhân mà họ chăm sóc. Con người của ngài xuất hiện trong thân phận nghèo hèn và khiêm tốn với thái độ sống hoàn toàn xả thân và không vương vấn mọi danh vọng để hạ mình xuống địa vị thấp hèn của người nghèo để có thể tiếp tục phục vụ họ và trở thành tấm gương cho các bạn đồng chí và các Cộng tác viên của ngài.
Các nhân chứng về thời kỳ đầu này của Dòng đều nhất trí tuyên bố rằng "Các thày tiếp đón mọi người nghèo không trừ ai, với đầy lòng bác ái và quảng đại, và bất kỳ ai, dù là người nước ngoài hay bản xứ, dù là bệnh có thể chữa được hay là bệnh nan y, dù tâm thần bình thường hay điên loạn, trẻ em và các cô nhi. Và các thày làm điều này theo gương Gioan Thiên Chúa, đấng sáng lập của các thày. Các thày tiếp nhận mọi người, người "Moricos" (người Moor) cũng như người Kitô hữu." (20)
Kể từ thời kỳ đầu này trong đời sống của Dòng Trợ Thế, và trải qua gần năm thế kỷ lịch sử của Dòng, rất đông các Tu huynh và các Cộng tác viên của Dòng, trong số đó một số đã qua đời, số khác vẫn còn sống, một số được nhiều người biết đến, số khác sống cuộc đời âm thầm, nhưng tất cả đều đã để lại chứng tá quí báu về lòng trung thành với đặc sủng trợ thế (21). Hoạt động trợ giúp ở chiến trường, trên các con tàu và trong quân đội, ngay cả trong thời bình, đã trở thành một nét đặc trưng của công cuộc phục vụ của Dòng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, hoạt động này đã bắt đầu tồn tại ngay từ mấy thập niên đầu tiên của Dòng.
Công cuộc của Dòng cũng phối hợp với hai hình thức khác: dịch vụ cấp cứu và săn sóc trong những thời kỳ dịch bệnh, và điều hành các bệnh viện tại các xứ truyền giáo, trong đó có một số bệnh viện chuyên lo cho người bản xứ. Một dạng công cuộc khác đã được phát triển tại một số quốc gia, đó là mở các trường trung cấp và đại học y khoa và phẫu thuật, và các khoá đào tạo Điều dưỡng cho các hội viên và Cộng tác viên của Dòng.
Trong thế kỷ XIX và XX, với khoa tâm bệnh học ngày càng trở thành một ngành y khoa chuyên biệt, Dòng đã nhạy cảm nắm bắt được tình thế để thiết lập và điều hành những trung tâm chuyên khoa cho những người mắc bệnh tâm thần. Công cuộc này phát triển đáng kể tại Pháp nhờ thày Paul de Magallon ở thế kỷ XIX khi Dòng được phục hưng sau khi bị giải tán bởi cuộc Cách mạng 1789. Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng thế, nhờ hoạt động của Cha Biển Đức Menni. Tiếp theo việc phục hưng Dòng tại những miền khác nhau ở châu Âu vào thế kỷ XIX (Đức, Ba Lan, Áo và Ý), các Tỉnh Dòng khác đã lập những trung tâm chuyên chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần và người khuyết tật, trẻ em, thanh niên và người lớn. Các Tỉnh Dòng ở Ai Len, Anh và Úc đều đã chuyên hóa trong lãnh vực chăm sóc người khuyết tật tâm thần và đã làm rất nhiều để phân biệt những người này với những người mắc tâm bệnh, đồng thời cũng thay đổi các thuật ngữ trong việc mô tả những loại người này, nhằm đề cao nhân phẩm và quyền con người của họ.
Sự đáp ứng của Cha Biển Đức Menni tại Tây Ban Nha là cống hiến việc chăm sóc cho những thanh niên và trẻ em khuyết tật thể lý, là một nhu cầu hết sức cấp bách mãi cho tới ít năm gần đây, và hiện vẫn còn là một nét đặc trưng của một số bệnh viện đa khoa nhi đồng, trong số đó có những bệnh viện đã đi tiên phong trong lãnh vực này, cũng như những bệnh viện phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Một trong những cách thức mà đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa đã phát triển rất cao trong ít thập niên vừa qua, đó là việc cung ứng chỗ trú qua đêm cho những người không nhà không cửa, và các nhà dưỡng lão và các trung tâm cho những người bị thiểu năng học tập hay khuyết tật tâm thần. Một trong những chiều kích mà Dòng từng gia tăng phát triển là hoạt động truyền giáo. Có thể nói sự mở mang truyền giáo của Dòng đã có từ thời kỳ sơ khởi của Dòng. Cơ sở truyền giáo ở Cartagena (Colombia) được thiết lập năm 1596 là cơ sở đầu tiên trong hàng chục cơ sở được thiết lập ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á cho tới thế kỷ vừa qua. Sau một thời kỳ các cơ sở truyền giáo ngưng phát triển, chúng lại tiếp tục trở lại ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại dương. Dòng ao ước tiếp tục công cuộc truyền bá tin mừng cho thế giới chăm sóc y tế hôm nay, cũng như thánh Gioan Thiên Chúa đã làm trước kia, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô.
Sự hiện diện của chúng ta hôm nay
Những đòi hỏi của việc rao giảng Tin Mừng mới mà Hội Thánh đang hoạch định cho đầu thiên niên kỷ III này đã thúc đẩy Dòng đáp ứng bằng việc thiết lập một Tinh thần Trợ Thế Mới. Tinh thần "Trợ Thế" mới phải được diễn tả theo hai hướng: canh tân các trung tâm trong cộng đoàn và cống hiến những đáp ứng mới tại những nơi mà việc chăm sóc này không được cung cấp bởi ai khác. Kể từ Tổng Tu Nghị 1976, và mạnh hơn kể từ Tổng Tu Nghị Ngoại Thường năm 1979, Dòng đã có một cố gắng to lớn nhằm cập nhật việc chăm sóc của mình trong những trung tâm truyền thống. Nhiều lãnh vực đã được phát triển. Nhắc lại những lãnh vực chính yếu ở đây có thể là điều hữu ích.
Việc chăm sóc nhân đạo và mục vụ đã được làm sống động trong hai chục năm qua, để áp ứng nhu cầu bổ sung những phát triển về kỹ thuật và nghiệp vụ trong những bệnh viện cũng như để chăm sóc những đau khổ chuyên biệt của người bệnh và các thân nhân của họ. Sự chăm sóc của các Tu huynh thánh Gioan Thiên Chúa luôn luôn là toàn diện, trọn vẹn, nghĩa là nó không bao giờ được cung cấp mà không có sự chăm sóc mục vụ và thiêng liêng. Chiều kích nhân đạo và mục vụ, đi đôi với sự đào luyện và giáo dục liên tục của các Tu huynh và Cộng tác viên của Dòng, nếu được thực hiện đúng mức, có thể canh tân sự hiện diện của Dòng trong những trung tâm truyền thống. Đây là những cách thức cống hiến sự hiện diện của Dòng trong thế giới chăm sóc, nếu chúng được thực hiện đúng mức, sẽ là một Tinh Thần Trợ Thế Mới và một cuộc Rao Giảng Tin Mừng Mới.
Những năm gần đây, lãnh vực chăm sóc nhân đạo đã được bổ sung bởi việc đào luyện và giáo dục về Đạo đức sinh học và đạo đức chăm sóc y tế, và việc áp dụng nó trong việc phục vụ bệnh nhân. Nhiều bệnh viện và trung tâm của chúng ta đã được trợ giúp để tự đổi mới bằng việc nâng cấp các phương tiện chăm lo cho những nhu cầu mới và những đòi hỏi mới về chuyên môn và nhân bản, cùng với những tiêu chuẩn quản lý mới đặt ưu tiên cho việc xác định các nguồn lực dựa theo những chương trình được vạch ra rõ nét. Những sự phát triển mà các trung tâm truyền thống của chúng ta đã trải qua đều đã ảnh hưởng đến mọi lãnh vực của các trung tâm ấy. Sự đổi mới kỹ thuật trong lãnh vực các ngành khoa học về sức khoẻ con người được phản ánh nơi những thay đổi không ngừng xảy ra trong các trung tâm của chúng ta. Cấu trúc vật lý của các trung tâm này đã thay đổi đáng kể bằng việc kết nạp những tổ chuyên môn, thay đổi các kỹ thuật chăm sóc và trợ giúp, và những phương pháp lao động mới, đặc biệt qua việc chấp nhận lối làm việc tập thể liên ngành. Và tất cả điều này là nhằm cải thiện việc chăm sóc chúng ta cống hiến cho các cá nhân xét như là những con người.
Sự thay đổi quan trọng nhất đã xảy ra với việc kết nạp các Cộng tác viên vào công cuộc của Dòng. Cho tới ít năm trước đây thôi, cộng đoàn các Tu huynh, với sự trơ giúp của một ít người thường, cũng đủ khả năng để phục vụ bệnh nhân. Nhưng ngày nay chính các Cộng tác viên của chúng ta lãnh trách nhiệm điều hành các trung tâm, và không có trung tâm nào họ bị gạt ra ngoài, và trong nhiều trường hợp, việc quản trị nay đã được các Cộng tác viên của chúng ta đảm nhiệm. Ngoài các Cộng tác viên là những người được trả lương, ngày càng có thêm nhiều người tình nguyện làm việc trong các trung tâm của chúng ta, đảm nhận các nghĩa vụ chăm sóc nhân đạo và công tác mục vụ.
Sự hiện diện đổi mới và cập nhật tại các trung tâm truyền thống của chúng ta đang mang lại những kết quả tuyệt vời nhờ những khóa đào luyện ở cấp địa phương, cấp tỉnh và cấp thế giới. Tương lai của các trung tâm chúng ta vì vậy tuỳ thuộc một phần vào việc cập nhật liên tục các công cụ và phương tiện kỹ thuật, các phương pháp làm việc và hệ thống quản trị, đặc biệt đối với các phương tiện truyền thông và vi tính hóa. Nghiên cứu khoa học là một lãnh vực khác đang được phát triển dựa theo những chương trình đôi khi được thực hiện phối hợp với khác phân khoa đại học. Các Tu huynh phải là những người hướng dẫn luân lý/đạo đức, phải hành động như người đánh động lương tâm, như những người tiên phong trong việc canh tân, và là dấu chỉ tiên tri về Tin Mừng cho người nghèo, người bệnh tật và người đau khổ hôm nay, bất luận họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào.
Những hình thức hiện diện mới
Cách nay ít năm, Dòng đã bắt đầu những hình thức chăm sóc đổi mới phát xuất từ sự bén nhậy trước những nhu cầu mới của xã hội và từ ước muốn tìm ra những đáp ứng mới dựa trên đặc sủng của chúng ta để chăm lo cho các nhu cầu hiện có. Trong một số trường hợp, việc này được thực hiện theo những hình thức đã được thánh Gioan Thiên Chúa thực hành xưa kia. Nhưng nay chúng ta đang mở rộng phạm vi của mình tới cộng đồng xã hội, tới các gia đình và các nhu cầu của họ. Tinh thần trợ thế của chúng ta nay đang ngày càng vượt ra ngoài phạm vi các bệnh viện và các trung tâm để mở rộng tới lãnh vực chăm sóc y tế dự phòng và giáo dục, phục hồi và tái hội nhập xã hội, và việc chăm sóc y tế cộng đồng. Thánh Gioan Thiên Chúa đã hết sức nhấn mạnh việc chăm sóc và giáo dục các cô nhi, việc tái hội nhập các cô gái lỡ lầm, v.v...
Ngày nay Dòng đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới các bệnh viện bán trú, việc chăm sóc sức khoẻ tại nhà, và nhiều khoa điều trị bệnh nhân ngoại trú. Dòng cũng đang cổ võ những hình thức chăm lo cho những người mắc những chứng bệnh mới của thế kỷ: những con nghiện ma túy, những nạn nhân AIDS, những bệnh nhân mãn tính ở thời kỷ cuối. Những người đau khổ vì cảnh cô đơn, tuyệt vọng, và mất ý nghĩa trong cuộc đời, đang tìm được những câu trả lời nhờ những chương trình trợ giúp truyền thanh, những tập san và tờ bướm mang những thông điệp nhân bản và Kitô giáo, những tạp chí đề cập đến những vấn đề cần phải suy nghĩ, và cung cấp sự đào luyện đạo đức và trợ thế.
Một trong những lãnh vực Dòng đang cố gắng để đáp ứng những nhu cầu mới của xã hội là đưa các Tu huynh và các Cộng tác viên của Dòng vào làm việc trong các trung tâm, các dự án và các chương trình được điều hành bởi Giáo hội và các tổ chức quốc gia và quốc tế khác trong lãnh vực chăm sóc y tế, nghiên cứu và cứu trợ. Những hoạt động này đang được thực hiện bởi những nhóm trong một hay nhiều tỉnh Dòng, những cơ sở do chính họ thiết lập hay liên kết với các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các chính phủ của các nước khác, đặc biệt trong thế giới đang phát triển.
Đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa thật hết sức phong phú và tràn trề sinh lực, nên khi Dòng, các Tu huynh và các Cộng tác viên để cho mình được Thần Khí của Chúa hướng dẫn và nhanh nhậy nắm bắt được những nhu cầu mới nảy sinh của xã hội, thì những hoa trái do tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa được trổ sinh dồi dào phong phú, cả khi những nguồn phương tiện xem ra thiếu thốn, nhưng tinh thần và đặc sủng trợ thế không bao giờ cho phép chúng ta từ chối giúp đỡ những người đau yếu, bệnh tật và kẻ túng quẫn đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta.
CHÚ THÍCH CHƯƠNG 3
(1) Dòng Trợ thế có một kho tài liệu phong phú để tìm hiểu và nghiên cứu những hoạt động và sinh lực chính yếu của đặc sủng trợ thế. Vì vậy các nguồn tài liệu trở thành phương tiện để chúng ta có thể rút ra những nguồn của đặc sủng Trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa và các tính chất của đặc sủng này.
Theo thứ tự thời gian và tầm quan trọng, chúng ta có sáu Lá thư của thánh Gioan Thiên Chúa, và các lá thư thánh Gioan Avila viết cho ngài. Những lá thư này có nhiều ấn bản bình luận và cung cấp cho chúng ta một chân dung rất sinh động của thánh Gioan Thiên Chúa. Chúng giúp chúng ta thấy và yêu mến một con người, một môn đệ sống động của con người Trợ thế đầu tiên trong lịch sử, Chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng cho chúng ta thấy niềm say mê của ngài đối với nhân loại nghèo khó và đau khổ, đối với mẹ Giáo Hội, và đối với mọi con cái của ngài.
Nguồn tài liệu thứ hai xét theo tầm quan trọng chắc hẳn là Tiểu sử vị thánh, do Francisco de Castro xuất bản năm 1583. Đây là một cuốn tiểu sử rất trung thực và cho chúng ta một mô tả đầy đủ về sự thăng tiến nhân bản và thiêng liêng của thánh nhân, trên bước đường mà tình yêu của Thiên Chúa đối với ngài được nhấn mạnh như là nguồn của tình yêu vô bờ mà ngài tỏ ra đối với mọi người nghèo và bệnh tật.
Từ năm 1995, Gia đình Trợ thế cũng đã có một nguồn rất quí báu khác về đời sống và tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa. Đó là tài liệu thuộc Công Hàm của Hội Đồng Tỉnh Dòng Granada thuộc về Vụ Kiện giữa các Tu huynh Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa và các Tu huynh của Đan viện Thánh Hiêrônimô.
Văn kiện này đề ngày 12-03-1570 (mặc dù vụ kiện bắt đầu năm 1572) và gồm 171 tờ giấy viết tay được José SÁNCHEZ MARTÍNEZ sao chép lại trong cuốn: Kénosis y Diakonía en el itínerario espíritual de San Juan de Dios, Madrid 1995. Trong số 17 nhân chứng trả lời cho 26 câu hỏi, 10 nhân chứng có quen biết bản thân với thánh Gioan Thiên Chúa. Văn kiện này và những chứng cớ khác đã được Sánchez sử dụng trong một cuốn sách khác viết về vụ kiện tụng, và trở thành nguồn tài liệu quan trọng thứ ba để nghiên cứu tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa.
Chúng ta cũng có ba bản Hiến Pháp tiên khởi của Bệnh viện Granada và ba Sắc lệnh cơ bản của giáo hoàng:
Licet ex debito của Piô V (1 tháng 1, 1572)
Etsi pro debito của Sixtô V (1 tháng 10, 1586)
Chiếu thư Piorum Virorum của Phaolô V (12 tháng 4, 1608).
Đây là những tài liệu rất quí giá vì chúng cho phép chúng ta hiểu rõ thánh Gioan Thiên Chúa và những nguyên tắc thần học và pháp lý của tinh thần trợ thế hơn. Ngoài những tài liệu này, chúng ta còn có những thỉnh nguyện của các Bề trên Tổng Quyền để xin phép và xin phê chuẩn những công cuộc khác nhau dẫn đến việc công bố những sắc lệnh nói trên. Cả hai loại này đều được coi là những nguồn tài liệu về tinh thần trợ thế của chúng ta.
Các Hiến Pháp tiên khởi gồm:
Regia y Constituciones para el Hospital de Ioan de Dios, desta ciudad de Granada. . . . . . , 1585;
Constituciones hechas en el primer Capitulo General hecho en Roma ano de 1587;
Costitutioni et ordini da osservarsi dagli Frati dell'Ordine di Giovanni di Dio. . . 1589;
Costitutioni del devoto Giovanni di Dio – d'Italia, 1596;
Regla del Bienaventurado Padre San Agustín y Constituciones de la Orden de Iuan de Dios, Madrid 1612.
Các tài liệu hiện đại cũng rất dồi dào, nhưng để trình bày vắn gọn, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến một vài tài liệu quan trọng nhất được xuất bản sau Tổng Tu Nghị 1976, theo thứ tự thời gian.
- P. Marchesi, Các Cơ Sở Để Canh Tân (1978).
- P. Marchesi, Nhân Bản Hoá (1981).
- Chiều Kích Tông Đồ Của Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa (1982).
- Hiến Pháp Của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa (1984).
- P. Marchesi, Tinh Thần Trợ Thế Của Các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa Hướng Tới Năm 2000 (1986).
- Tuyên Ngôn Của Tổng Tu Nghị LXIII (1988).
- B. O’Donnell, Tôi Tớ Và Sứ Ngôn (1990).
- B. O'Donnell, Gioan Thiên Chúa Sống Mãi (1991)
- Các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa Và Các Cộng tác viên Cùng Nhau Phục Vụ Và Cổ Võ Sự Sống (1992).
- Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới Và Tinh Thần Trợ Thế Mới (1994).
- Pascua Piles, Sức Mạnh Của Đức Ái (1995).
- Pascual Piles, Gioan Thiên Chúa: Được Gọi Thi Hành Tinh Thần Trợ Thế Mới (1996).
- Pascual Piles, Hãy Để Thánh Thần Hướng Dẫn Bạn (1996).
- Chiều Kích Truyền Giáo Của Dòng Trợ Thế. Các Ngôn Sứ Trong Thế Giới Chăm Sóc Y Tế (1997).
Các nghiên cứu và học hỏi phê bình thực hiện qua các thế kỷ và gần đây về đời sống, linh đạo, và tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa cung cấp thêm cho chúng ta những đóng góp vô giá khác để đi sâu vào trong nội dung của bản "Hiến chương" này.
(2) Thư I gửi nữ Bá tước Sessa (1 DS), 13. Xem thêm A. Gamiero, Koinonía, filoxenía e martyrion em S. Jaão de Deus e na sua Ordem nascente, Rôma 1996.
(3) Thư II gửi nữ Bá tước Sessa (2 DS), 18.
(4) Xem J. SÁNCHEZ MARTÍNEZ, Kénosis y Diakonía en el itinerario espiritual de San Juan De Dios, Madrid 1995.
(5) Xem Thư II gửi Gutierrez Lasso (2 GL, 5). Nhưng những danh sách này chắc chắn không đầy đủ. Trong chương XVI cuốn tiểu sử thánh Gioan Thiên Chúa, Castro tìm cách kể thêm những người nghèo khó. Thánh nhân cứu trợ những con người chịu đau khổ vì những sự ác luân lý sâu sắc nhất. Chúng ta biết mối quan tâm của ngài đối với các cô gái mại dâm, những tù nhân, những người bị đẩy ra bên lề, người Moor và có thể cả những người "Kitô hữu mới" gốc Do Thái, những nô lệ và những người khác chịu đau khổ vì bị gạt ra bên lề xã hội, như những người mắc những căn bệnh nan y.
(6) CASTRO, sách đã dẫn, ch. XVII.
(7) Như trên, Ch. XII.
(8) Xem 2 GL, 8.
(9) Xem thư 1 gửi Gutierrez Lasso (1 GL, 2).
(10) Xem thư gửi Luis Bautista (LB, 19).
(11) Xem 1 DS, 15.
(12) Từ chương XII đến XX trong tác phẩm của ông, Castro cung cấp cho chúng ta một minh họa rất hấp dẫn về tất cả những chiều kích khác nhau của tinh thần trợ thế nơi Thánh Gioan Thiên Chúa.
(13) Xem 2 DS, 9.
(14) Xem 1 DS, 9.
(15) Xem CASTRO, sách đã dẫn, ch. XV.
Xem CASTRO, sách đã dẫn, ch. XX.
(17) Tình liên đới qua việc đồng hóa xuất hiện rất rõ trong những lá thư gửi Gutierrez và nữ Bá tước Sessa, trong tác phẩm của Castro và trong tài liệu Vụ Kiện, và có liên quan tới hàng chục Cộng tác viên.
(18) Tuy nhiên, Hồ sơ Vụ kiện là tài liệu được viết trước cuốn tiểu sử của Castro, đã nhắc tới nhiều thái độ trợ thế của các Tu sĩ thánh Gioan Thiên Chúa. Gioan Avila (Angulo) cũng nhắc tới tên của bốn tu huynh này: Antôn Martin, Pedro Pecador, Alonso Retingano và Domingo Benedicto.
(19) ORTEGA LÁZARO, L, OH, Antôn Martin, tr. 17-18 và 31.
(20) Các tuyên bố trong Vụ Kiện giữa các Tu huynh "Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa" và các "Thày dòng và Nữ tu thuộc tu viện thánh Hiêrônimô", 1572-1573. Trong SÁNCHEZ MARTÍNEZ, José, sách đã dẫn, tr. 181-188 và 285 tt.
(21) Để có một ít ý tưởng về căn tính và nguồn gốc của Dòng, chúng tôi cảm thấy cần làm quen phần nào với một số Tu huynh lỗi lạc nhất về những giá trị trợ thế. Các Tu huynh Hiển thánh, Chân phước và Đáng kính đáng được chúng ta nhắc đến trước tiên: Thánh Gioan Grande, Thánh Richard Pampuri, Chân phước Benedict Menni, và nhiều vị Chân phước tử đạo của chúng ta. Trong số các vị Đáng kính và những vị đang được xin phong Chân phước có Francis Camacho, Antôn Martin, José Olallo Valdés, Eustace Kugler và một nhóm các vị tử đạo khác, cộng với rất nhiều những vị khác trong suốt lịch sử của Dòng đã từng chịu tử đạo hay bị bách hại vì Chúa Kitô và vì tinh thần trợ thế ở Brazil, Colombia, Chilê, Ba Lan, Philippin, Pháp, Tây Ban Nha và gần đây ở những quốc gia khác.
Rất nhiều các Tu huynh khác đã từng là những vị "sáng lập" và "tái sáng lập" những cộng đoàn và trung tâm trong Dòng đáng được chúng ta biết đến nhiều hơn như biểu hiện sống động của sức sống và những giá trị của đặc sủng chúng ta. Những vị này gồm có các Tu huynh Bonelli (France), Gabriele Ferrara và Giovanni Battista Cassinetti (Ý và Đức), Francisco Hernández (Hoa Kỳ). Gần đây hơn chúng ta phải nhắc tới Cha Giovanni Maria Alfieri (Ý), Paul de Magallon (Pháp), Eberhard Hacke và Magnobon Markmiller (Đức), Chân phước Benedict Menni (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mêxicô).
Trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử của Dòng, nổi bật lên một số Tu huynh: Juan Santos, Cote y Parra, Gabriele Russotto, mà tình yêu đối với Dòng và những đầu óc khoa học đã giúp chúng ta làm quen với đường lối mà đặc sủng của chúng ta đã đi trong suốt lịch sử.
Một nhóm Tu huynh lỗi lạc khác bao gồm những con người nổi tiếng là các bác sĩ, phẫu thuật viên, dược sĩ, nhà thực vật học, nha sĩ, và vô số những tên tuổi khác không thể kể tên từng người. Một số sẽ được kể tên trong chương 6 (chú thích 11) khi chúng ta đề cập tới việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong Dòng.
Sau tên tuổi của những Tu huynh này đã từng là những tiên tri của tinh thần trợ thế, có lẽ chúng ta phải kể tên những Cộng tác viên mà tình yêu của họ đối với Dòng và những giá trị của Dòng đáng được chúng ta ghi nhớ.
(22) ANTIA, Juan Grande trong "Labor Hospitalario-Misionera de la Orden de San Juan de Dios en el mundo, fuera de Europa", AA. V.V. Madrid, 1929.
Các Tu huynh Trợ thế, từ thời vua Philip II tới Fernando VII đã tự động được lựa chọn vào các đoàn quân y đặc biệt trong các cuộc viễn chinh tới vùng Đông Indies và trong các thời chiến tranh và dịch tễ.
Thêm vào số hàng trăm bệnh viện tại những cộng đồng vừa mới trở lại đạo ở Châu Mỹ (gọi là Hospitales-Doctrinas), tại đó sự chăm sóc được cung cấp cho quân lính Tây Ban Nha và dân bản xứ, với một cộng đồng dân bản xứ rất đông và được chăm sóc chu đáo, họ cũng có những phòng bào chế và bệnh viện và các trạm xá để chăm sóc và phục vụ mọi người. Dân bản xứ không chỉ được cung cấp sự chăm sóc về sức khỏe thể xác trong những "cộng đồng-bệnh viện" này, mà cả sự chăm sóc linh hồn. Luôn luôn tỏ ra trung thành, các thày Dòng nhiệt tình của thánh Gioan Thiên Chúa đã sống theo nguyên tắc được truyền lại từ Cha Thánh và các bậc Tiền bối và các thày luôn luôn tiếp tục nguyên tắc ấy để là những người Trợ thế tốt lành chăm lo cho "thể xác và linh hồn" mọi người.
Nguồn: trích đăng từ tài liệu "HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ" CỦA HỘI DÒNG