Mục Vụ Chăm Sóc Toàn Diện và Quyền Lợi của Bệnh Nhân

CHƯƠNG 5
ÁP DỤNG VÀO CÁC HOÀN CẢNH CHUYÊN BIỆT

5.1         Sự Chăm Sóc Toàn Diện và Quyền Lợi của Bệnh Nhân

Đóng góp của chúng ta cho xã hội chỉ đáng tin nếu chúng ta có khả năng biểu hiện được những tiến bộ của kỹ thuật và khoa học. Vì vậy điều quan trọng cho sự đáp ứng của chúng ta trong lãnh vực chăm sóc và trợ giúp là phải không ngừng cố gắng cập nhật về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Trên cơ sở này, chúng ta phải cung cấp sự chăm sóc nhắm đến mọi chiều kích của con người: thể lý tâm lý, xã hội và thiêng liêng. Chỉ khi việc chăm sóc của chúng ta lưu ý tới tất cả những chiều kích này, ít là theo những tiêu chuẩn thực tế và như một mục tiêu phải đạt, thì chúng ta mới có thể nói là mình đang cung cấp một sự chăm sóc toàn diện.

Có lẽ đây là lãnh vực đã giúp Dòng thành công trong việc vun trồng truyền thống cao quí của mình qua các trung tâm. Mức độ chăm sóc đã luôn là một đặc điểm nhờ đó các trung tâm của chúng ta đã kiên cường phát triển qua thời gian.

Hiến Pháp đầu tiên của Dòng nhấn mạnh cách thức chúng ta phải đối xử với bệnh nhân, và điều này đã luôn luôn được thi hành từ ngày đó, khi Dòng dành ưu tiên cho khía cạnh này trong suốt lịch sử của mình.

5.1.1   Thái độ của chúng ta đối với bệnh nhân, người nghèo khổ, và thân nhân của họ

Trong mọi hoạt động chăm sóc sức khoẻ và phục vụ xã hội, việc chăm lo cho những nhu cầu của con người (bao gồm cả tinh thần và những khía cạnh siêu nhiên của họ) là một yếu tố có tính quyết định.

Con người là một hữu thể có tương quan. Tùy theo mức độ tiếp xúc với người khác mà chúng ta xây dựng vững mạnh con người mình. Khi chúng ta chuyển mối tiếp xúc này thành một cuộc gặp gỡ hay trao đổi, chúng ta thể hiện sự sung mãn trong chiều kích tương quan của mình.

Vì vậy ta thấy được tầm quan trọng của việc gặp gỡ, lắng nghe, chấp nhận, đón tiếp, và biết cách bộc lộ những khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực hiện diện trong mỗi người đang sống và nhận ra những nhu cầu của tha nhân.

Dù xuất hiện dưới hình thức bề ngoài ra sao, bệnh tật là một biểu hiện sự giới hạn và yếu đuối của con người, và chính trong hoàn cảnh cụ thể đặc biệt này mà chúng ta nhận ra một đòi hỏi hiển nhiên và mặc nhiên của sự giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau.

Mọi người khi gặp những giới hạn và đau khổ đều tìm đến một ai đó để chia sẻ hoàn cảnh thương đau của mình, để trút đi gánh nặng của mình. Vì vậy tất cả những người thuộc Dòng Trợ Thế - Tu huynh, Cộng tác viên, Tình nguyện viên, v.v... - Cần phải đắc thủ, nuôi dưỡng và phát triển những đức tính sau:

5.1.1.1   Cởi mở và tầm nhìn rộng trước những đóng góp mới của xã hội, những tiêu chuẩn hành động mới, những nhu cầu mới của nhân loại, những nền văn hóa khác. Chúng ta là con người cởi mở khi chúng ta biết cách đón nhận những gì xã hội và thế giới cống hiến cho chúng ta, và biện phân ra được điều gì là tích cực trong những cống hiến đó để biến thành của mình. Dòng cũng là một tổ chức cởi mở khi biết cách chấp nhận cùng một thái độ như thế, tuy rằng trong trường hợp này cần có sự đối thoại giữa các cá nhân để có thể cùng nhau thảo luận, điều gì là tích cực cho mọi người.

5.1.1.2   Tiếp đón và tiếp thu.

Biết tiếp đón và chấp nhận những người đến với mình bằng một tinh thần yêu mến và hy vọng để tạo sự tin cậy nơi họ đối với những người và những tổ chức chăm lo cho họ. Sự tiếp xúc đầu tiên này rất quan trọng, và có thể mở ra hay đóng chặt cửa lòng người ta. Trong hoàn cảnh có nhu cầu của họ, mối tiếp xúc đầu tiên này với bệnh nhân là yếu tố rất quan trọng đối với họ. Giữa lúc gặp khó khăn, việc họ cảm thấy mình được chấp nhận và quan tâm là một yếu tố quyết định để họ có sự tin cậy và cảm giác an toàn đối với những người chăm sóc họ. Chúng ta phải bảo đảm không để cho chế độ bàn giấy và các thủ tục hành chánh trở thành một cản trở cho việc tiếp đón các bệnh nhân.

5.1.1.3   Khả năng lắng nghe và đối thoại.

Cho phép người ta giãi bày hoàn cảnh, nhu cầu, và những nỗi lo sợ của họ, và tìm thấy nơi chúng ta sự tin cậy và thanh thản của tâm hồn, trong những lúc vui mừng cũng như trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Các bệnh nhân phải hiểu ra rằng những lời giãi bày của họ không bị bỏ ngoài tai, nhưng được lắng nghe, xem xét và lưu tâm. Lúc đó người bệnh chỉ nói những gì họ có thể nói, có thể họ sẽ kể cho chúng ta mọi sự về bản thân họ.

Cũng có thể có những trường hợp bệnh nhân yêu cầu hay ao ước một điều không hẳn là thích hợp nhất cho họ. Dựa vào sự phán đoán riêng của mình, chúng ta phải có khả năng hiểu và giúp bệnh nhân hiểu được việc chúng ta định làm cho họ cả trong những trường hợp mà chúng ta có thể đang hành động theo những đường lối hoàn toàn khác với sự mong ước của họ.

5.1.1.4   Khả năng phục vụ.

Luôn luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân và những người thân của họ, luôn luôn sẵn sàng cống hiến khả năng chuyên môn, sự hiểu biết của chúng ta, và chính bản thân chúng ta trong tư cách là người, để phục vụ họ nhằm lợi ích toàn diện của họ. Chúng ta không phải luôn luôn làm những gì bệnh nhân muốn chúng ta làm, nhưng qua thái độ chúng ta đối xử với họ, họ sẽ hiểu chúng ta đang hành động vì lợi ích của họ hay vì lợi ích của chúng ta.

5.1.1.5   Tính đơn sơ.

Là lòng khiêm tốn của những ai mang sự trợ giúp đến cho những người cần giúp đỡ, và cơ bản là không muốn họ trở thành bị lệ thuộc.

Tính đơn sơ phải là đức tính của những người đang đi tìm sự thật, tìm lợi ích của mọi người, bao gồm cả những cơ cấu rất phức tạp như các bệnh viện của chúng ta.

5.1.2    Quyền lợi của bệnh nhân

Quyền lợi của bệnh nhân là một phần trong khung rộng lớn hơn các quyền cơ bản của con người. Trên quan điểm nhân quyền, quyền có sức khoẻ là một trong các quyền lợi được gọi là quyền sinh ra lần thứ hai, đó là các quyền lợi có bản chất kinh tế và xã hội. Thập niên 70 đã có nhiều sự nhậy cảm hơn về vấn đề này, và đã phát triển sự quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân, khi nhận thức rằng người bệnh, vì là một con người, nên được hưởng cùng những quyền lợi như mọi người, nhưng trong trường hợp của họ, do hoàn cảnh đau khổ, họ có một số nét cá biệt đòi hỏi được sự quan tâm tế nhị và tình liên đới nhiều hơn. Sự kiện này đã dẫn đến sự xuất hiện của các tuyên ngôn nhân quyền trên cấp quốc gia, miền, và địa phương.

Dòng chúng ta đón nhận tất cả những quyền đã được nhìn nhận hay công bố, và để cống hiến một sự chăm sóc toàn diện, Dòng nhấn mạnh những quyền sau đây:

5.1.2.1    Sự riêng tư.

Sự riêng tư gồm ba giá trị có tương quan mật thiết với nhau trong mối quan hệ giữa người chăm sóc và bệnh nhân: sự thầm kín, bí mật, và tin cậy. Lòng kính trọng đối với cá nhân con người đòi hỏi lòng kính trọng đối với sự riêng tư (1) và sự thầm kín của bệnh nhân, nghĩa là lãnh vực đặc biệt trong đó mỗi người có thể tự giãi bày chính mình, nhìn nhận mình, khẳng định và củng cố căn tính riêng của mình. Kính trọng sự riêng tư của mỗi người làm cho những cá nhân rất khác biệt nhau có thể sống chung trong xã hội. Bức màn bí mật bảo vệ sự kính trọng lẫn nhau, và mở ra khả năng tin cậy và tín nhiệm lẫn nhau như con đường đưa tới vùng riêng tư của người khác.

Lòng kính trọng và tin cậy lẫn nhau mở ra đường cho quyền thông tri những bí mật riêng của mình, vì biết rằng chúng sẽ không bị tiết lộ ra ngoài. Đây là bổn phận giữ bí mật chức nghiệp được coi là hiển nhiên và được hàm chứa trong cam kết không phổ biến cho người khác những gì mình biết được trong khi thi hành nghiệp vụ của mình.

Bổn phận giữ bí mật chức nghiệp đi đôi với bổn phận tiết lộ một bí mật chỉ khi không còn cách nào khác để ngăn ngừa một sự tổn thương hay thiệt hại gây ra một cách bất công cho người khác hay cho xã hội, chẳng hạn để ngăn ngừa sự lây nhiễm hay một điều xấu khác mà xã hội không thể tránh nếu không biết được điều bí mật.

Đà gia tăng việc chuyên môn hóa và mức độ kỹ thuật tinh vi trong y học đang làm gia tăng số trường hợp trong đó việc điều trị được giao cho một nhóm. Điều này tạo ra một sự chia sẻ bí mật, do đó đòi hỏi những người có liên quan phải đặc biệt chú ý để bảo đảm rằng sự riêng tư của bệnh nhân không bị xâm phạm.

Phải gây ý thức cho mọi nhân viên làm việc trong bệnh viện hay các trung tâm săn sóc sức khoẻ và xã hội, để họ hiểu rõ những cách thức mà quyền riêng tư và quyền tin cậy có thể bị xâm phạm. Có thể là những lời bàn tán về các bệnh nhân tại nơi công cộng, hay sự dễ dàng đọc các hồ sơ bệnh án bởi những nhân viên không có phép. Phải đặc biệt thận trọng đối với mọi danh sách của bệnh nhân có kèm tài liệu chẩn đoán và/hoặc điều trị được lưu trữ trong máy vi tính.

Để tạo điều kiện cho sự kính trọng quyền riêng tư của bệnh nhân, các Trung tâm của chúng ta bao nhiêu có thể phải có những phương tiện cố định hay di động (có thể là những phòng ngủ cá nhân hay những phòng dành riêng, hay có màn che) để khi cần các bệnh nhân có thể được cách ly. Cũng phải lưu ý tới tuổi tác và mức độ trầm trọng của căn bệnh đối với những bệnh nhân ở cùng phòng hay cùng khoa. 

Các bệnh nhân có thể yêu cầu được ở một mình hay với một người mà họ tin cậy khi họ được bác sĩ khám bệnh, hay khi được y tá săn sóc. Bằng cách này họ có thể nói chuyện tư riêng với các nhân viên hữu trách. Cũng phải nhớ rằng mọi bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện đại học hay có sinh viên thực tập, đều là những trung tâm đào tạo, và sự hợp tác của họ là điều tối quan trọng trong vấn đề này.

5.1.2.2    Nói sự thật.

Quyền của bệnh nhân được biết sự thật thì gắn liền với quyền tin cậy chúng ta vừa nói trên đây. Đó là những quyền bổ sung nhau và cung cấp cơ sở chắc chắn nhất để thiết lập sự tin tưởng cần thiết vào bác sĩ, nhưng cả hai quyền này có thể mâu thuẫn nhau về lý do cơ bản cho mối tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân: đó là việc phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Trong mọi trường hợp, mọi quyết định phải được làm vì lợi ích cao nhất của người bệnh, xét như một con người toàn diện, đồng thời không được quên rằng sức khoẻ là một lợi ích xã hội.

Quyền của mỗi người được biết sự thật liên quan đến mình, và bổn phận tương ứng là thông tri sự thật cho họ, là hai quyền làm cơ sở cho sự hòa hợp xã hội. Sự tin cậy và tín nhiệm không chỉ bị phá vỡ bởi những lời nói dối, mà còn bởi sự thiếu thành thật, và sự tin cậy này vô cùng cần thiết trong mọi quan hệ giữa người với người khi có sự mập mờ trong dáng vẻ bề ngoài của con người chúng ta. Sự tin cậy và tín nhiệm đặc biệt quan trọng trong các tương quan giữa bệnh nhân và bác sĩ của họ. Vì vậy nói sự thật là điều rất quan trọng, và luôn luôn bao gồm một mức độ trách nhiệm nào đó, vì điều này không chỉ liên quan đến những sự kiện khách quan mà còn đến những hoàn cảnh có tầm quan trọng chủ quan rất lớn, đặc biệt khi tiên lượng về tương lai của người bệnh hay các khả năng của họ (tự do và khả năng vận động) hay tử vong, hay các sự thật khác mà người bệnh khó chấp nhận.

Điểm đầu tiên phải ưu tiên là người bệnh có quyền biết sự thật về sức khoẻ của họ, nhưng điều này không được gây phương hại cho những gì là thích hợp cho bệnh nhân xét như một con người toàn diện. Đôi khi có những động lực tình yêu chính đáng khuyên ta nên giữ im lặng: nói ra sự thật chỉ gây sự đau khổ không cần thiết. Nhưng giữ im lặng chỉ để trốn tránh sự phiền toái sẽ là một thái độ thiếu trung thực. Nếu chúng ta tìm được cách khéo léo để nói sự thật cho bệnh nhân, điều đó luôn luôn có thể có ích cho họ. Bác sĩ không có sự bó buộc chung chung là phải luôn luôn nói sự thật, mà họ còn phải lưu ý đến những xung đột về lợi ích có thể có nơi chính người bệnh, nhất là sự quan tâm của họ đến sức khoẻ, là lý do của mối tương quan giữa họ và bác sĩ.

Các nguyên tắc về giải pháp ngăn ngừa chúng ta áp dụng một giải pháp cứng nhắc và có sẵn cho mọi trường hợp. Bác sĩ phải nói sự thật, nhưng không được gây thiệt hại không cần thiết cho sức khoẻ hay những giá trị khác của bệnh nhân. Mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi ích toàn diện của bệnh nhân xét như một con người.

Có một số yếu tố ảnh hưởng tới những gì là thích hợp để nói cho bệnh nhân: sự kiên cường và sức mạnh nội tâm của bệnh nhân, những xác tín cá nhân và sự quân bình tinh thần của họ, và cả hình thức tương quan giữa một bệnh nhân nào đó với một bác sĩ nào đó. Cũng không được quên ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, gia đình và hoàn cảnh xã hội của bệnh nhân, khi bệnh nhân đến khám bệnh. Dù sao, việc chẩn đoán và tiên lượng có một tầm quan trọng đặc biệt. 

Trong những trường hợp mà căn bệnh tự nó và theo cái nhìn của bệnh nhân là ít nguy hại, bệnh nhân sẽ được an tâm nếu biết mình không bị che giấu điều gì. Miễn là căn bệnh có thể chữa khỏi, ta cần phải thông tin khá đầy đủ cho bệnh nhân để đón nhận sự hợp tác của họ. Điều này là tuyệt đối cần thiết, đặc biệt trong trường hợp mà không có sự hợp tác của họ, căn bệnh có thể dẫn tới tử vong.

Quyền của bệnh nhân được biết sự thật là tuyệt đối cần thiết khi bệnh nhân phải có một quyết định với đầy đủ hiểu biết. Bác sĩ có nhiệm vụ giúp đỡ họ trong điều này. Bác sĩ không thể quyết định thay cho bệnh nhân, và phải thận trọng không để bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi chính những điều lo ngại hay ức chế của chính bác sĩ. Họ phải tìm ra những cách thích hợp nhất để thông báo sự thật sao cho bệnh nhân có thể hiểu rõ những khía cạnh quan trọng nhất để họ có một quyết định khôn ngoan. Đôi khi phải để cho bệnh nhân có đủ thời gian nắm bắt thông tin trước khi họ có quyết định.

Khi cần phải nói cho bệnh nhân biết về cái chết không thể tránh khỏi và đã gần kề, phải nói cách nào để họ có thể thể hiện mình một cách trọn vẹn trong hành vi cuối cùng của đời họ. Nhiệm vụ này đòi hỏi người bệnh có khả năng đảm nhận và diễn tả đầy đủ vai trò của mình trong giờ phút quyết định này của đời họ. Cho bệnh nhân nuôi một chút hy vọng mong manh cũng có thể giúp họ phần nào, nhưng chúng ta không được quên rằng khi từ bỏ những hy vọng hão huyền, chúng ta có thể đạt được một thứ hy vọng khác có khả năng giúp chúng ta chấp nhận sự thật một cách thanh thản hơn và nhờ đó thể hiện mình trọn vẹn trong tư cách một con người. Điều này cũng xảy ra đối với những người không tin vào cuộc sống mai sau, nhưng đã tạo được một định hướng và một ý nghĩa cho đời sống của mình trong tương quan với người khác. Kiểu nói mơ hồ "quyền được chết của bệnh nhân" có một tầm quan trọng và ý nghĩa đích thực: không một con người nào có thể bị tước bỏ quyền sống cái chết của mình, nhờ đó họ làm tròn cuộc đời mình qua cái chết.

Chúng ta phải giấu sự thật khi chúng ta biết bệnh nhân không có khả năng chấp nhận nó. Quyền được biết sự thật không còn tồn tại khi bệnh nhân có thể bị rơi vào sự tuyệt vọng của định mệnh và trong sự huỷ diệt bản thân mình: nói cách khác, khi việc thông báo sự thật bị coi như một bản án tử vô nghĩa.

Bệnh nhân là những người nắm giữ quyền được biết sự thật, miễn là họ là những con người trưởng thành và làm chủ được chính mình. Khi bệnh nhân không có khả năng đảm nhận trách nhiệm này vì họ không đủ trưởng thành hay vì một lý do nào khác, phải nói sự thật cho những người phải làm quyết định thay cho bệnh nhân, trong tư cách những người được ủy thác hay những người quan tâm nhất tới lợi ích và sự an toàn của họ. Nếu bệnh nhân có khả năng, thì chúng ta chỉ được phép nói cho những bà con và những người thân thiết nhất của bệnh nhân những thông tin nào mà chúng ta tin một cách hợp lý rằng bệnh nhân muốn cho họ biết.

Cả về phương diện quyền được biết sự thật và bổn phận giữ bí mật, phải luôn luôn lưu ý tới sự tôn trọng tự do lương tâm của bệnh nhân cũng như của thày thuốc. Ở đây chúng ta chỉ nói về những bổn phận đối với bệnh nhân.

"Lương tâm là trung tâm và thánh điện thầm kín nhất của một người. Tại đây con người một mình đứng trước Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội tận đáy tâm hồn họ." (2) Chắc hẳn ngay cả người vô thần cũng cảm nhận được tiếng lương tâm nói với họ và sự kiện này đáng được sự kính trọng hoàn toàn, cho dù người ta muốn hiểu và cắt nghĩa nó thế nào. Giống như linh mục, người bác sĩ trong khi thi hành phận sự cũng phải đi vào thánh điện này, và phải đặt biệt lưu tâm để không xâm phạm đến nó. Cho dù là nhà nước hay Giáo hội cũng không bao giờ có thể nhân danh một điều gì mà mình cho là công ích để xâm phạm tự do lương tâm.

Thày thuốc không bao giờ được gây áp lực đối với lương tâm của bệnh nhân. Bổn phận của thày thuốc là chăm sóc sức khoẻ của bệnh nhân, cả khi họ phản đối lối sống làm cho bệnh nhân mắc bệnh (các bệnh hoa liễu, nhiễm trùng do phá thai bừa bãi, v.v...) và thày thuốc không được lợi dụng tình trạng lệ thuộc của bệnh nhân để giảng dạy đạo đức. Nhưng trong khi thực hiện việc điều trị và giúp đỡ nhân đạo, phải giúp bệnh nhân tìm lại sự an bình lương tâm của họ. Nhưng phải luôn hết sức kính trọng tự do của họ, cho dù chúng ta thấy phán đoán của họ sai lạc thế nào. Hơn nữa, cần tạo điều kiện để bệnh nhân có thể gặp các thừa tác viên tôn giáo hay những người khác mà họ cảm thấy có thể giúp họ cảm nghiệm một cách có ý nghĩa bệnh tật và cả cái chết của họ, bất kể họ thuộc tôn giáo hay ý thức hệ nào.

5.1.2.3   Tính tự trị.

Sự cổ võ và tôn trọng tính tự trị, đặc biệt trong lãnh vực y khoa, là một trong những thành tựu lớn nhất của thế giới hiện đại. Chỉ mới vài thập niên trước đây thôi, người ta luôn mang một não trạng rõ rệt là có sự chiếu cố trong quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, với hệ quả bác sĩ là người quyết định, còn bệnh nhân chỉ việc tin tưởng tuân theo lời khuyên của bác sĩ, vì biết rằng mình không chuyên môn cũng không có đủ hiểu biết để chọn quyết định tốt nhất. Bệnh nhân cũng hoàn toàn tin rằng bắc sĩ luôn luôn hành động vì lợi ích cao nhất của bệnh nhân. 

Những bệnh nhân của thời hiện đại không còn suy nghĩ theo kiểu đó nữa. Bệnh nhân ngày nay ý thức rõ các "quyền" của  mình, bao gồm quyền sống và bảo vệ sức khoẻ là những quyền hiển nhiên ưu tiên của họ. Và bệnh nhân cũng ý thức họ không chỉ là người nắm giữ những quyền này, nhưng hơn thế nữa, việc bảo vệ chúng không thể được ủy quyền cho người khác, ít là bao lâu họ còn có khả năng để tự mình làm những quyết định có ý thức.

Nhưng sự thay đổi thái độ này không phải không gây sự đau đớn, và mặc dù chủ nghĩa "bảo hộ" trước kia không còn được chấp nhận hôm nay, nhưng thay vào đó thường lại là một "chủ nghĩa hợp đồng" quá khích, theo đó người ta coi mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân chỉ như là một "hợp đồng" mà cả hai bên đều phải tuân thủ theo những điều khoản và điều kiện nêu trong đó. Hiển nhiên chỉ có thể vượt qua tính lưỡng cực này bằng cách thiết lập một giao ước điều trị theo đó bác sĩ cộng tác với bệnh nhân cho lợi ích cao nhất của họ, cùng biết tôn trọng những quyết định và chọn lựa của nhau. Để phương thức này đạt kết quả tốt nhất, phải có một sự hiểu biết rõ ràng thế nào là tính tự trị của bệnh nhân.

Theo một định nghĩa cổ điển, một quyết định có thể coi là có tính tự trị khi nó đáp ứng ba điều kiện. Thứ nhất là ý hướng. Nghĩa là quyết định đó phải là một sự chọn lựa "tự ý" tuyệt đối chứ không chỉ là một sự chọn lựa "mong muốn". Thứ hai, người quyết định phải biết mình đang quyết định gì. Hiển nhiên điều này đặt ra vấn đề nói sự thật cho bệnh nhân, đã được đề cập ở đoạn trên. Cuối cùng, quyết định này phải không bị một sự cưỡng bức bên ngoài nào. Nghĩa là không thể có một hình thức ép buộc nào (dù là sự ép buộc do uy tín của bác sĩ đối với bệnh nhân, hay do việc sợ rằng bệnh nhân có thể bỏ điều trị) hay sử dụng một mánh khoé nào (như thay đổi hay lèo lái sự thật, dù là với ý hướng mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân). Thường những tiêu chuẩn này cũng có nghĩa là không được "thuyết phục" bệnh nhân, tuy nhiên, một cách khôn ngoan hơn, chúng ta tin rằng một cố gắng thuyết phục dung hoà và tôn trọng thậm chí có thể là một bổn phận nếu thực sự là nhắm tới lợi ích của bệnh nhân.

Đương nhiên trong thực tế, những tiêu chuẩn về sự tự trị trên đây của bệnh nhân được biểu hiện đầy đủ trong việc họ ưng thuận hành động mà bác sĩ đã chọn, dù trong việc chẩn đoán hay điều trị. Chúng ta sẽ nói thêm về điều này ngay sau đây.

5.1.2.4   Tự do lương tâm.

Quyền tự do lương tâm được nêu rõ ở Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền và là thành phần của hầu hết Hiến Pháp của các nước ngày nay, là một đòi hỏi của chiều kích đạo đức của con người và của việc con người hiểu sự hiện hữu của mình như là một tặng vật và một kế hoạch phải thực hiện. Điều này không loại trừ chiều kích tôn giáo của hiện hữu. Chúng ta nên nhớ rằng Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Phẩm Giá Con Người) của Công Đồng Vaticanô II mở đầu bằng lời phát biểu "con người có quyền tự do tôn giáo".

Việc thực hành quyền tự do này đương nhiên tuỳ thuộc nguyên tắc chung về trách nhiệm cá nhân và xã hội, sự kiện mỗi cá nhân hay tập thể xã hội đều buộc phải tôn trọng quyền lợi của người khác và nghĩa vụ đối với người khác và đối với công ích. Những sự hạn chế này mang hình thức của một trật tự pháp lý có tác dụng bảo vệ sự tự do tôn giáo và che chở nó khỏi sự cưỡng bức tôn giáo. 

Mọi cá nhân và toàn thể Hội Thánh có nhiệm vụ làm chứng đức tin của mình. Quyền tự do tôn giáo bao gồm quyền làm chứng đức tin này trong khi luôn tôn trọng công lý và phẩm giá của lương tâm người khác. Nhưng sự cưỡng bức tôn giáo là làm sai lạc chứng tá này, vì nó là một sự lạm dụng và là một việc thực hành chứng tá Kitô giáo quá khích đe doạ sự tự do tôn giáo của người khác. Theo Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới và Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Hữu, phải lên án các thái độ chính sau đây:

v   bất cứ thứ áp lực thể lý, luân lý hay xã hội nào làm sai lạc hay tước đoạt khả năng chọn lựa ý muốn tự do, tính độc lập và trách nhiệm của cá nhân;

v   bất cứ lợi ích vật chất hay thế tục nào được cống hiến một cách công khai hay gián tiếp để đánh đổi lấy việc theo đạo;

v   bất cứ lợi ích nào mà một người đang trong tình trạng thiếu thốn có thể nhận được nếu theo đạo, hay sự lợi dụng địa vị xã hội thấp hèn hay thiếu giáo dục của một người để lôi kéo người ấy theo đạo;

v   bất cứ điều gì có thể khơi dậy sự nghi ngờ về lòng tin chân thật của người khác;

v   bất cứ ám chỉ bất công hay thiếu bác ái nào về các tín đồ của các giáo phái Kitô giáo khác hay các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo nhằm lôi kéo tín đồ;

v   bất cứ hình thức tấn công xúc phạm nào đối với tình cảm của các Kitô hữu khác hay các tín đồ của các tôn giáo khác.

5.1.3   Các chương trình chăm sóc nhân đạo và mục vụ cho bệnh nhân

5.1.3.1   Các chương trình chăm sóc nhân đạo.

Một bệnh viện không theo sát đà tiến của kỹ thuật và khoa học sẽ có thể mang thái độ tự mãn và vì vậy không còn đối thoại được với ai, thì cũng thế, khoa học và kỹ thuật cũng có những rủi ro của nó.

Sự phát triển liên tục và sự xuất hiện không ngừng những nhóm chuyên gia và những phương pháp kỹ thuật làm việc mới đang đe doạ gạt con người ra một bên, bao gồm cả bệnh nhân và nhà chuyên môn, bởi vì trong nhiều qui trình làm việc, bệnh nhân có thể không còn đóng một vai trò cơ bản mà chỉ là vai trò thứ hai, và thậm chí không còn vai trò gì nữa trong một số phương pháp kỹ thuật. Chúng ta đang nói đến tất cả những loại dịch vụ chẩn đoán hay tiến trình thông tin mà trong quá khứ người chuyên gia đóng vai trò quyết định để công việc có thể thực hiện đúng mức, trong khi bây giờ vai trò của người bệnh trong nhiều trường hợp chỉ là thứ yếu hay không có.

Nhưng không một sự phát triển nào trên đây không ảnh hưởng tới phản ứng của con người, và chúng không làm cho người ta trở nên dửng dưng, mặc dù có nguy cơ người ta có thể trở nên dửng dưng. Khuynh hướng cách ly và phân biệt, và khuynh hướng tôn thờ sự độc quyền của kỹ thuật xuất hiện đặc biệt chống lại bệnh nhân, vì họ là những con người thụ động trước mọi hoạt động chuyên môn này: Mọi sự được làm cho người bệnh, nhưng không có sự góp phần của người bệnh. 

Đó là lý do tuyệt đối quyết định để thực hiện những chương trình nhân đạo trong các Trung tâm của chúng ta. Ở đây chúng ta không chỉ nói đến việc thực hiện các dịch vụ, mà là hoạch định những chương trình nhân đạo đúng nghĩa.

Mọi chuyên viên chăm sóc phải cảm thấy mình được gọi để chăm sóc cho người bệnh, cá nhân họ và thân nhân của họ. Đó là ý nghĩa nhân bản của các Trung tâm của thánh Gioan Thiên Chúa, khi bảo đảm rằng mọi nhân viên chăm sóc sức khoẻ đều làm việc cho bệnh nhân và với bệnh nhân, bằng cách sử dụng những phương tiện kỹ thuật tốt nhất để phục vụ con người mà mình chăm sóc.

5.1.3.2    Chăm sóc mục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ.

Bệnh nhân hay người nghèo khổ là người sức khoẻ bị suy yếu, vì thế cả con người họ rơi vào khủng hoảng.

Nhưng vì chúng ta tin rằng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô là một nguồn của sức khoẻ và sự sống, nên người bị khủng hoảng vì bệnh tật có thể được hướng dẫn để đưa họ tiếp xúc với chiều kích đức tin của họ, nếu họ có, để sự gặp gỡ giữa đức tin và khủng hoảng có thể biến thành một nguồn sức khoẻ toàn diện.

Một trong những giá trị lớn của xã hội chúng ta là sự đa nguyên đã được thiết lập. Đã qua từ lâu thời kỳ mà các thể chế chính trị được áp đặt trên chúng ta, hay thời kỳ mà quyền bính và thậm chí đức tin và tôn giáo cũng là một sự áp đặt. Đức tin là một quà tặng, và vì thế có thể chấp nhận hay khước từ", gạt bỏ hay vun trồng để giúp nó phát triển và trưởng thành.

Trong các trung tâm của mình, chúng ta đã chọn nguyên tắc đa nguyên trong sự hiện diện của các nhà chuyên môn. Vì vậy chúng ta có những chuyên viên đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Trong các trung tâm, chúng ta cũng có những bệnh nhân đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Chúng ta muốn phục vụ và giúp đỡ mọi người. Chúng ta muốn đồng hành với họ để giúp họ đi qua toàn thể lịch sử cuộc đời họ, để làm cho giờ phút khủng hoảng này do sức khoẻ suy yếu tạo ra mang lại những lợi ích tối đa cho họ.

Bằng việc chấp nhận những giới hạn và lệ thuộc mà bệnh tật hay sự nghèo khổ gây ra, chúng ta có thể đồng hành với bệnh nhân để giúp họ khám phá lại lịch sử của họ, con người và ý nghĩa cuộc đời của họ. Chúng ta phải làm việc này với sự tế nhị và tôn trọng, phù hợp với tiến độ của bệnh nhân và người nghèo khổ. Với tất cả những ai trong số này cảm nghiệm ân sủng đức tin nơi mình, chúng ta có thể cử hành các nghi thức của tiến trình đức tin này, nhưng luôn luôn phù hợp với mức độ phát triển và trưởng thành của họ.

Các Trung tâm chăm sóc sức khoẻ và xã hội của chúng ta là những công cuộc của Hội Thánh, vì vậy sứ mạng của các trung tâm này là rao giảng Tin Mừng, bắt đầu bằng việc quan tâm toàn diện và chăm sóc những bệnh nhân và người nghèo khổ theo gương thánh Gioan Thiên Chúa. Khi nói về sự chăm sóc toàn diện, chúng ta muốn nói chúng ta quan tâm và chăm lo cho chiều kích thiêng liêng của con người như một thực tại hiện sinh, liên kết một cách hữu cơ tới những chiều kích khác của con người: sinh vật, tâm lý và xã hội.

Chiều kích thiêng liêng không phải chỉ đơn giản là chiều kích "tôn giáo" như chúng ta thường nghĩ tới, mặc dù nó bao gồm chiều kích tôn giáo. Nhiều người tìm thấy nơi Thiên Chúa câu trả lời cho những vấn nạn lớn của đời sống, trong khi đó với những người khác, việc tin vào Thiên Chúa không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời họ, và vì thế họ đi tìm những câu trả lời ở những nơi khác. Hơn nữa, Thiên Chúa không có cùng ý nghĩa đối với mọi người, và quan niệm và cảm nghiệm về Thiên Chúa cũng không giống nhau nơi mọi người.

Chúng ta phải chăm lo cho những nhu cầu thiêng liêng của bệnh nhân và người nghèo khổ, kính trọng họ và tự do của họ, mà không tìm cách ra vẻ người hùng hay người ban phát, nhưng phải cho họ những gì họ cần tuỳ theo khả năng chúng ta.

Chắc chắn bệnh tật, sự nghèo khổ và bị bỏ rơi là những cơ hội để nêu lên nhiều câu hỏi về ý nghĩa của đời sống và sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế chúng ta phải tìm ra những cách thức để theo sát và đáp ứng những hoàn cảnh này bao nhiêu có thể. Vì vậy chúng ta cần quan tâm tới việc chăm sóc mục vụ đối với các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Chăm sóc mục vụ có nghĩa là rao giảng Tin Mừng bằng cách theo sát những con người đang đau khổ, cống hiến cho họ Tin Mừng bằng lời nói và chứng tá của chúng ta, giống như Chúa Giêsu đã làm, nhưng luôn luôn trân trọng những niềm tin và giá trị của mỗi người.

Việc Phục vụ Mục vụ được lập ra chủ yếu như một phương tiện chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của các bệnh nhân và người nghèo khổ, và nhu cầu của gia đình họ và của các nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Việc phục vụ này cần có một cơ cấu tương xứng, bao gồm nhân sự, các phương tiện, và một kế hoạch để bảo đảm việc hoàn thành sứ mạng.

Nhóm Mục vụ bao gồm những người được đào tạo để hoàn toàn hiến mình cho công tác mục vụ của Trung tâm, với sự cộng tác của những người khác cùng dấn thân cho công cuộc này trọn thời gian hay bán thời gian, hoặc trong tư cách tình nguyện viên. Phải có một kế hoạch hành động mục vụ và một chương trình chuyên biệt được thiết lập thích hợp để đáp ứng những nhu cầu của Trung tâm và của những người được chăm sóc tại trung tâm. Cũng phải có những đường hướng mục vụ liên quan đến những nội dung triết lý, thần học và mục vụ của kế hoạch. Trên cơ sở những đường hướng mục vụ này, phải soạn một kế hoạch mục vụ đáp ứng được những nhu cầu thiêng liêng thực sự của các bệnh nhân, gia đình họ và những nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Phải xác định rõ những mục tiêu, chương trình và dự án với những thông số cho việc đánh giá, đồng thời phân biệt những lãnh vực khác nhau hay những loại người khác nhau được phục vụ trong trung tâm, để thiết lập cho mỗi lãnh vực một chương trình chăm sóc mục vụ chuyên biệt và thích hợp.

Nhóm mục vụ phải đặc biệt lưu tâm tới việc đào luyện của mình để có thể theo kịp sự tiến bộ, được cập nhật về chuyên môn và thiêng liêng để có thể cải thiện việc phục vụ của mình. Một hình thức giúp đỡ tốt cho nhóm mục vụ có thể là việc thiết lập một Hội Đồng Mục Vụ bao gồm những nhóm chuyên viên của Trung tâm, nhưng không chỉ là họ mà thôi. Những người này phải nhậy cảm với hoàn cảnh mục vụ và có chức năng chính là suy tư và hướng dẫn hoạt động của nhóm mục vụ.

Nguồn: Trích đăng từ tài liệu: "HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ" của Hội Dòng.