Tiếp bước theo chân thánh Gioan Thiên Chúa trong việc phục vụ và chăm sóc bệnh nhân

TIẾP BƯỚC THEO CHÂN THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

TRONG VIỆC PHỤC VỤ VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN

Thánh Gioan Thiên Chúa, đấng sáng lập Hội Dòng Trợ Thế với danh xưng  Thánh Gioan Thiên Chúa, trong lúc theo đuổi cuộc hoán cải và kinh nghiệm xúc động của mình tại bệnh viện tâm thần ở Granada, đã để lại cho ta một mô hình mới của việc chăm sóc mục vụ đối với  bệnh nhân và những người nghèo túng. Mô hình này giúp ta có thể đón nhận những người nghèo túng, yêu  thương chăm sóc họ cách toàn diện. Hình thức chăm sóc có tính tôn giáo này, bắt nguồn từ nơi Đức Kitô như nguồn mạch của sức khỏe và ơn cứu độ, luôn cung cấp một sự đồng hành thiêng liêng đối với  bệnh nhân và những người nghèo túng, với gia đình họ và với những Cộng Tác viên của ta.

Vì thế, ngoài việc là “một quyền của bệnh nhân”, mô hình này còn tạo nên một phần chủ yếu của sứ mạng Trợ Thế của ta. “Việc chăm sóc bệnh nhân về mặt tôn giáo trở thành một phần của lãnh vực rộng lớn hơn của chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân, nghĩa là, sự hiện diện và công việc của Hội Thánh là đem lời và ân sủng của Chúa chúng ta cho những người đau khổ và những người chăm sóc những người khổ đau ấy”.[1]

Castro, người đầu tiên viết hạnh Đấng Sáng Lập Dòng ta, nói rằng: “việc bác ái của Thánh Gioan làm ngài bận rộn suốt ngày, và chiều đến, khi về nhà, tuy kiệt sức, ngài vẫn không  khi nào lên giường mà trước hết đã không  thăm viếng bệnh nhân, từng người một, hỏi xem họ đã sống suốt ngày ra sao, họ có khỏe không, có cần gì không, và bằng những lời lẽ rất yêu thương, ngài thường đem lại cho họ một sự an ủi và xoa dịu về mặt tinh thần đối với  thân xác họ” (Castro XIV).

Trong một xã hội việc yêu mình ngày càng phủ lấp tình yêu dành cho tha nhân, cần phát huy việc đến với và khả năng lắng nghe người khác. Tấm gương Juan Ciudad để lại cho ta thấy phải làm sao để việc thực hành tinh thần trợ thế và việc chăm sóc mục vụ cho người bệnh làm chứng cho tin mừng nơi bệnh nhân và những người nghèo túng và cho việc loan báo Lời, một lời đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của các tín hữu. Juan Ciudad đưa vào nhà những người nghèo khó, bệnh tật và tàn tật bị bỏ rơi ngài gặp thấy trên đường, chăm sóc họ cả về tinh thần lẫn thể xác: “Cha muốn đem cho các con một vị y sĩ tinh thần để chữa lành linh hồn các con. Và sau đó thân xác các con sẽ được chữa lành” (Castro XII).

Thời đại này đang đem lại cho chúng ta một cơ hội để làm chứng cách cụ thể và có tính ngôn sứ cho cách thức giá trị của sự sống và phẩm giá của con người đang ngày một mất dần ý nghĩa. Theo dòng thời gian, điều này thường kéo theo nguy cơ là kể cả những cấu trúc và những Cộng Tác Viên của ta cũng có thể đánh mất sự bén nhạy của họ và việc ta cố gắng thực hiện sứ mạng nuôi dưỡng phẩm giá và tính chất thánh thiêng của sự sống con người cũng có thể sút giảm. Việc Chăm Sóc Mục Vụ đối với Bệnh Nhân là một trong những cách thế để Hội Thánh hiện diện trong thế giới của việc chăm sóc sức khỏe và phúc lợi để đối xử và phụ giúp con người, để đồng hành, loan báo Tin Mừng và cứu giúp họ nhờ Đức Kitô, người Samatita nhân hậu của nhân loại. Đây là nhiệm vụ của Gia Đình Trợ Thế, đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, nhằm cung cấp những người giúp đỡ được chuẩn bị kỹ về mặt thiêng liêng và tôn giáo cho bệnh nhân, gia đình họ và những cộng tác viên của ta. 

Nhân Chủng Học Trong Thế Giới Của Việc Chăm Sóc Sức Khỏe

Thái độ của Hội Thánh đối với thế giới của việc chăm sóc sức khỏe và đau khổ “do quan niệm chính xác về bản thân con người và vận mệnh của họ trong kế hoạch của Thiên Chúa hướng dẫn” (DH 2). Với Công Đồng Vatican II, khái niệm về con người đã tiến triển, tạo nên một khoa nhân chủng học mới, hiện đang nhìn con người như hình ảnh của Thiên Chúa, được định hình trong một chiều kích có ba phần, tâm trí, thân xác và tinh thần, nghĩa là, như một sự hợp nhất toàn diện. Theo cái nhìn này thì, ta được gọi tham gia vào cuộc đối thoại đích thân với Tạo Hóa của ta, nghĩa là ta sở hữu một phẩm giá vượt trên phẩm giá của mọi thụ tạo khác, với tư cách là “thụ tạo duy nhất Thiên Chúa muốn cho riêng Ngài” (GS 24).

Vì thế mà, mỗi hành vi được thực hiện vì lợi ích của con người, nhất là việc chăm sóc mục vụ, đều phải tôn trọng tính phức tạp của con người và cố sao để khỏi bị giới hạn vào những lãnh vực đặc biệt. Hội Thánh cảm thấy một sự hiệp thông mật thiết với toàn bộ gia đình nhân loại vì, “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại” (GS 1).

Lời tựa này của Hiến Chế Gaudium et Spes về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, khiến ta phải suy nghĩ về thái độ liên đới của Hội Thánh, khi chia sẻ “vui mừng” và “hy vọng”, “ưu sầu” và “âu lo” của thế giới ta đang sống và cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo các môn đệ Đức Kitô cảm thấy trong lòng mình. Thái độ của Thánh Sáng Lập đối với đau khổ và nghèo đói của con người cũng chính là thái độ của cộng đoàn Kitô hữu trải qua khắp các thời đại. Thánh Gioan đã cho thấy điều này trong thư gửi cho nữ Bá Tước Sessa, ân nhân của ngài: “Tôi phải nói cho chị biết rằng có ngày tôi đi ngang qua thành phố Cordoba, tôi đã tình cờ gặp được một hộ nghèo túng kinh khủng. Có hai cô gái, cha mẹ của các cô đều bệnh và nằm liệt cả chục năm nay. Họ nghèo quá sức, cảnh nghèo ấy đã làm tan nát lòng tôi. Họ ở trần và mình đầy chấy rận, giường của họ chỉ là một bó rơm. Tôi chỉ giúp họ được đôi chút theo khả năng của tôi, vì tôi vội đi, nói chuyện với Cha Avila; tuy nhiên, tôi đã không cho họ đủ như tôi ao ước cho” (IDS 15). Tiếng vang ấy của lòng bác ái vẫn không ngừng vang dội trong lòng thánh Gioan Thiên Chúa khi phải đối diện với những bất hạnh, cùng khốn luôn tác động trên con người và xã hội, đặt họ và các giá trị của họ trong cảnh hiểm nghèo.

Bản Hiến Pháp (thử nghiệm) năm 1971 – lần đầu tiên có phần Tổng Qui được thêm vào để làm nên một Bản Hiến Pháp toàn diện vì Công Đồng Vatican II đòi hỏi và vì bản chỉ thị và nguyên tắc chỉ đạo do Hội Thánh ban hành, và cũng đã được đề cập tới trong các văn kiện Công đồng – lần đầu tiên đã nói đến thừa tác vụ mục vụ, ám chỉ tới lãnh vực quan trọng nhất cần phải có đối với những ý tưởng tôn giáo về bệnh nhân và những người cần đến sự quan tâm tông đồ mà không chỉ người bệnh thôi mà còn tất cả nhân sự và thân nhân của các thân chủ của ta.

Từ lúc ấy, ta ngày càng ý thức rằng ta không chỉ phải đối xử tốt với các thân chủ của ta và cung cấp sự trợ giúp về mặt thể lý, như Hiến Pháp năm 1926 đòi hỏi. Ngày nay, người ta có những nhu cầu vượt ra khỏi nhu cầu nghiên cứu bệnh lý học, một nhu cầu liên quan tới mọi chiều kích của các thân chủ của ta, vì nhu cầu ấy việc chăm sóc hiện nay phải do những người được huấn luyện đặc biệt (các thừa tác viên có chức thánh, các phó tế, các cộng tác viên, các tình nguyện viên v.v..) trong những khả năng thích hợp, mà ta có thể cung cấp các việc mục vụ đích thật, bằng cách tôn trọng tự do tuyên xưng niềm tin của mỗi người và tôn trọng phẩm giá họ.

Mô Hình Trợ Thế Mới

Phong trào chăm sóc mục vụ trong Hội Dòng, nhất là tại Âu châu, bắt đầu với Tổng Công Hội năm 1979 và 1982, khi bản Hiến Pháp hiện nay đã được đón nhận, lúc đầu thử nghiệm sau đó quyết định. Công hội này, khi bàn về lời khấn Trợ Thế đã làm sáng tỏ Tin Mừng của lòng xót thương và hướng cuộc sống ta tới chỗ phục vụ Thiên Chúa và đồng loại, và cũng chỉ cho ta cách thực hiện việc Chăm Sóc Mục Vụ  đối với Bệnh Nhân dưới ánh sáng của lời khấn Trợ Thế để hiến mình làm chứng cho Tin Mừng, bằng việc loan báo Lời và cử hành các bí tích.

Việc làm chứng cho Tin Mừng luôn đi trước việc công bố Lời và cử hành các bí tích, và trong trường hợp này là các bí tích chữa lành (Thánh Thể, Hòa Giải, và Xức Dầu Bệnh Nhân) vì việc làm chứng của ta bao giờ cũng củng cố sự đáng tin của các hành vi của ta. Đoàn Sủng Trợ Thế, là ơn Chúa Thánh Thần ban cho thánh Gioan Thiên Chúa để thực hiện sứ mạng vì lợi ích của bệnh nhân, những người nghèo khó và túng quẫn, đòi hỏi Các Anh Em Trợ Thế và những Cộng Tác Viên phải đến với và cung cấp công việc phục vụ toàn cầu nhằm đáp ứng các nhu cầu của đồng loại, với cùng mối bận tâm và nhạy cảm của chính Đấng Sáng Lập.

Trong khi tinh thần Trợ Thế sẽ đưa dẫn Anh Em sẽ gia nhập Hội Dòng tới chỗ không ngừng nâng cao “việc điều khiển có tính đoàn sủng” các khả năng của ta, không ngừng ủy quyền điều khiển và lãnh đạo cho những Cộng Tác Viên và những chuyên viên được huấn luyện của ta sau khi đã chuyển giao cho họ đoàn sủng của thánh Sáng lập, thì việc chuyển giao này vẫn không làm họ vơi nhẹ trách nhiệm và cam kết muốn hiện diện cách đầy tính mục vụ, loan báo Tin Mừng và ngôn sứ. Đối với Anh Em (ta) và các Cộng Sự Viên thì việc hợp nhất với nhau trong cùng một sứ mạng, để ý tới bản chất bổ túc của các nhiệm vụ riêng của họ hầu có thể cung cấp cho mọi người mà ta chăm sóc khả năng gặp gỡ Đức Kitô, vị chữa lành cả hồn lẫn xác là điều ngày một khẩn thiết hơn.

Một Thoáng Nhìn Về Lịch Sử Mới Đây

Phong trào chăm sóc mục vụ của bệnh nhân trong Hội Dòng, nhất là tại Âu châu, bắt đầu với các tổng Công Hội năm 1979 và 1982 khi bản văn mới liên quan tới lời khấn Trợ Thế được đón nhận, lúc đầu là thử nghiệm và sau cùng là một bản văn chung quyết. Đây là bước đầu tiên Anh Em ta đặt chân lên con đường đưa tới một chiều kích, bệnh nhân không chỉ được đón vào nhà và được chăm sóc theo nghĩa các nhu cầu thể lý của họ thôi mà cả các nhu cầu thiêng liêng, tâm lý và xã hội của họ nữa với việc huấn luyện đặc biệt nhằm cải thiện sự hiểu biết về con người, và về nhiều đòi hỏi của con người.

“Văn Phòng Chăm Sóc Mục Vụ”[2] do Trụ Sở Tổng Quyền thiết lập nhằm làm cho Anh Em nhạy cảm với vấn đề cung cấp việc chăm sóc mục vụ và tôn giáo trong mọi tỉnh. Văn phòng này cũng đã đưa ra những mục đích, tiêu chuẩn và các hoạt động trong kế hoạch làm việc của mình. Văn phòng đã báo cáo về các cuộc họp đã được tổ chức trước đây với các Tu Huynh thuộc các tỉnh tại Âu châu nhằm giúp họ nhạy cảm với vấn đề và nhu cầu chăm sóc mục vụ. Đây là những bước đầu, những kinh nghiệm đầu tiên Anh Em ta có được trên con đường sẽ không ngừng dẫn đưa mình tới xác tín rằng các thân chủ trong các Trung Tâm của ta không chỉ được đưa vào nhà chữa trị nhằm đáp ứng các nhu cầu thể lý của họ mà còn chăm sóc cho các nhu cầu thiêng liêng, tâm lý và xã hội của họ nữa. Vì mục đích này, Anh Em ta cần có được một sự huấn luyện đặc biệt hơn để hiểu rõ hơn bản thân con người bằng một phương pháp toàn diện hơn.

Sau cùng, được Hiến Pháp 1984[3] khích lệ, và được hổ trợ bởi những phương tiện và tài nguyên của việc chăm sóc mục vụ, việc giải thích  Tin Mừng của lòng thương xót và sứ mệnh của ta không ngừng được cải thiện, Anh Em của ta tập trung việc tông đồ của mình vào việc phục vụ bệnh nhân cách toàn diện và dấn thân làm chứng cho Tin Mừng, bằng việc loan báo Lời Chúa và cử hành các bí tích. Ta cũng nhấn mạnh sự kiện này là các trung tâm chăm sóc của ta không hiện hữu cách biệt lập nhưng sống và làm việc trong một giáo xứ và giáo phận nào đó.

Từ đó, ta dần ý thức về sự hiện diện của một cộng đoàn Kitô hữu bên ngoài điều kiện thuận lợi của ta và ý thức về các bệnh nhân và những người thiểu năng sống ở nhà và không được các thừa tác viên cho rước lễ ngoài lệ hoặc bất cứ người chăm sóc mục vụ nào thăm viếng cách đầy đủ. Ta ngày càng ý thức về nhu cầu cần phải hợp tác với các Hội Đồng giáo xứ và giáo phận để chuyển đến cho họ đoàn sủng trợ thế và lòng xót thương.

Ủy Ban Trung Ương Của Việc Chăm Sóc Mục Vụ Đối Với Bệnh Nhân

Nay đã đến lúc phải tổ chức một kế hoạch nghiêm túc về lãnh vực này cho toàn Hội Dòng, bằng cách đưa ra những hướng dẫn để nâng cao ý thức của Anh Em ta, đang liên kết làm việc với những cộng tác viên giáo dân, là những anh em ao ước “biến các hành động của ta thành những hành động loan báo Tin Mừng đích thật. Ta cần quyết định xem phải biến đổi những nơi ta đang làm việc thành những nơi ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng ra sao” (x. Charter of Hospitality, 4.6.2d). Trong khi đó, Ban Quản Trị Trung Ương đã chỉ định một Ủy Ban Trung Ương lo việc Chăm Sóc Mục Vụ  Bệnh Nhân[4], gồm cả Anh Em ta và giáo dân. Hành động đầu tiên của ủy ban này là bản câu hỏi được chuyển cho các tỉnh để biết được tình trạng hiện nay của việc chăm sóc mục vụ.

Dựa vào các bản trả lời nhận được, các thành viên của Uy Ban Trung Ương này sẽ có nhiệm vụ thu thập tất cả các tư liệu nhận được, thảo ra một văn kiện, đó chính là tài liệu làm việc  đã được trình bày tại “Hội Nghị Quốc Tế về việc Chăm Sóc Mục Vụ Bệnh Nhân” tại Rôma từ ngày 7 – 12 tháng Mười Một, 2011 để nghiên cứu thêm. Hội Nghị này có nhiệm vụ thu thập các đề nghị của các nhóm làm việc, trong các phiên họp chung và các cuộc thảo luận, để làm tư liệu cho văn kiện chính thức chung cuộc về việc Chăm Sóc Mục Vụ  trong thừa tác vụ Bệnh Nhân và Xã Hội cho toàn Hội Dòng.

Nhìn Về Tương Lai

Tương lai của việc mục vụ của ta sẽ đòi hỏi tập trung cách tận tụy hơn nữa vào việc tin mừng hóa thế giới của sự chăm sóc sức khỏe này như Hội Thánh vẫn thực hiện qua Huấn Quyền bình thường hoặc bất thường. Việc Tin Mừng hóa được Hội Thánh đề cao này bao gồm và mở rộng việc rao giảng Tin Mừng về công trình của Đức Kitô, một công trình được xây dựng trên và được công cuộc cứu độ của Người gợi hứng, nghĩa là, ơn cứu độ của Người được trao ban như một sự chữa lành, “Tôi đến để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Tương lai của việc trợ Thế trong Hội Dòng sẽ phải khích lệ và đề cao việc Tin Mừng Hóa và đặt giá trị lớn hơn vào sự đóng góp có tính trị liệu của việc chăm sóc mục vụ trong những cơ sở và việc phục vụ của ta như một lợi ích của thân chủ mình, ngày một đồng nhất với sức khỏe toàn diện, đồng nhất với việc hiện hữu với và cho người khác, đồng nhất với sự hài hòa của con người với chính mình và với thế giới chung quanh: một mối tương quan vĩ mô mà nền thần học đương thời gán cho một tầm quan trọng đáng kể. Hội Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa phải đem lại và truyền thông ơn cứu độ của Đức Kitô như một sức mạnh chữa lành trong đau khổ và sự yếu hèn, vì việc Chăm Sóc Mục Vụ Bệnh Nhân tạo nên một phần DNA của Gia Đình Trợ Thế chúng ta.

“Ngày nay ta đang là chứng nhân về nhiều đe dọa đối với sự sống và phẩm giá con người, kể cả những đe dọa do bởi thuốc “đang kêu gọi phải nhắm đến việc bảo vệ và chăm sóc sự sống con người” (EV 4), sự sống ấy là một giá trị bất khả xâm phạm và chuyển nhượng. Khoa kỹ thuật sinh học và những trường phái tư tưởng khác đang lôi kéo sự chú ý của khoa đạo đức học và luân lý, và việc cam kết có tính tin mừng hóa và thừa sai của mọi Kitô hữu”[5]. Hiện trong nhiều Trung Tâm của mình, ta đã có các Ban Đạo Đức Sinh Học gồm Anh Em ta và các chuyên gia giáo dân cả ở mức độ địa phương lẫn trung ương trong mọi Tỉnh, để đem ánh sáng đức tin đến soi sáng cho những vấn đề ngày một phức tạp hơn, đang phát sinh trong thế giới của việc chăm sóc sức khỏe.

Vì thế, Hội Dòng phải cam kết phục hồi ý thức về sứ mạng của ta, đó là sứ mạng chăm sóc con người bằng việc loan báo Tin Mừng sự sống, bằng giáo lý và phụng vụ, và bằng việc đưa ra những hướng dẫn về đạo đức học. Thái độ của Chúa Giêsu đối với bệnh nhân hơn hẳn giá trị bí tích thuần túy và nhắm tới việc đem lại cho họ một sự chữa lành toàn diện. Nền văn hóa của việc chăm sóc sức khỏe hiện nay, như đã được diễn tả, không được miễn khỏi những mâu thuẫn và mơ hồ trầm trọng vì nạn phá thai, cái chết êm dịu và những thực hành khác đang toa rập với nhau chống lại sự sống con người. Việc tin mừng hóa được thực hiện tại những cơ sở của ta, được coi là có tính Công Giáo, phải góp phần nuôi dưỡng nền văn hóa sự sống, nuôi dưỡng việc phục hồi sức khỏe, nuôi dưỡng việc đào tạo những con người biết quyết tâm đem lại việc chăm sóc mục vụ. Với một xác tín mạnh mẽ hơn, ta phải xây dựng một Gia Đình Trợ Thế làm nẩy sinh sức khỏe và khám phá ra ý nghĩa của Kitô giáo đối với việc phục vụ bệnh nhân và những người đau khổ, nhờ các bí tích, việc cầu nguyện, việc nhân bản hóa và sự gần gũi bệnh nhân để họ không cảm thấy cô đơn nhưng luôn có được sự hiện diện của con người bên cạnh, giúp họ thấy được giá trị của đau khổ của mình và khắc phục sự mỏng giòn của mình.

Nguồn: Trích tài liệu của Ủy Ban Mục Vụ Chăm Sóc Bệnh Nhân Theo Cung Cách Của Thánh Gioan Thiên Chúa. Rôma 2012. “Phần mở đầu”

[1] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ HỖ TRỢ MỤC VỤ ĐỐI NHÂN VIÊN CHĂM SÓC SỨC KHỎE. Hiến chương cho nhân viên chăm sóc sức khỏe, Thành phố Vatican, 1994, tr. 79.

[2] Tại Tổng Công Hội năm 1982, một bản báo cáo về công việc này,  được “Văn Phòng Chăm Sóc Mục Vụ” khởi sự vào năm 1978 và hoàn tất, đã được trình bày cho các Đại Biểu Công Hội. Văn Phòng này gồm Chủ Tịch, Thầy José Luis Redrado O. H.., thư ký, Thầy Elia Tripaldi và bốn Thầy khác thuộc các tỉnh khác nhau của Âu châu. Văn phòng này cũng đã xuất bản một số sách nhỏ:

Việc Chăm Sóc Mục Vụ bệnh nhân là gì (1981)

Việc Chăm Sóc Mục Vụ cho bệnh nhân trong bệnh viện và giáo xứ (1982)

Chiều kích tông đồ của Hội Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa (1982).

[3] Năm 1993 (từ ngày 7 – 14 tháng 11) “Khóa Học đầu tiên của việc Chăm Sóc Mục Vụ  Bệnh Nhân” đã được tổ chức tại Rôma tất cả các tỉnh Âu châu đều tham dự cùng với các vị chủ tọa và thành viên của “các Văn Phòng Chăm Sóc Mục Vụ Bệnh Nhân” để tường trình về những kinh nghiệm khác nhau bắt đầu chuyển động trong các cộng đoàn khác nhau. Các nhóm, các hội đồng mục vụ và các vị tuyên úy cũng đã bắt đầu được thiết lập trong mọi Trung Tâm của ta và ta cảm thấy rằng phải kéo các cộng tác viên giáo dân của ta vào hoạt động trong bộ phận chăm sóc mục vụ đặc biệt này.

[4] Uy ban này gồm Thầy Elia Tripaldi, chủ tịch cùng với Thầy Jesus-Etayo, Tổng Cố Vấn, Thầy Benigno Ramos, tỉnh Castile, Maureen McCabe, thuộc Ái Nhĩ Lan, tỉnh Tây Âu; Ulrich Doblinger, tỉnh Bavaria, Gianni Cervellera, Tỉnh Lombardy và Thầy Giancarlo Lapic, thư ký. 

[5] Tripaldi, E. A Chăm sóc con người, ĐĐSH, Đạo đức Bệnh viện, Rome 2006, tr. 19.