Những cơ sở thần học Kinh thánh Của tinh thần trợ thế

CHƯƠNG 2

NHỮNG CƠ SỞ THẦN HỌC - KINH THÁNH

CỦA TINH THẦN TRỢ THẾ

2.1         Những Giải Đáp Triết Học và Tôn Giáo về Đau Khổ

2.1.1    Con người đối diện với đau khổ

"Con người là gì ? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự ác, và cái chết, khi nó vẫn tiếp tục tồn tại cho dù con người đã đạt được biết bao tiến bộ? Mục đích của những chiến thắng này là gì mà chúng ta phải mua bằng một cái giá quá đắt như thế? Con người có thể cống hiến cho xã hội điều gì; có thể mong đợi điều gì từ nó? Có gì sau cuộc đời trần thế này?" (1)

Đi tìm một giải thích cho sự đau khổ của con người đã luôn luôn là một vấn đề cơ bản mà mọi hệ thống triết học và tôn giáo từng tìm cách giải quyết theo những đường lối khác nhau, mà không bao giờ thành công trong việc hoàn toàn vén bỏ được bức màn bí nhiệm bao phủ nó.

Có lẽ chúng ta có thể tóm lược những câu trả lời chính yếu đã từng được đưa ra cho vấn đề gai góc này qua năm hướng giải đáp sau đây.

Hướng giải đáp thứ nhất chúng ta có thể gọi là dựa trên sự bí ẩn hay mầu nhiệm, đó là coi đau khổ như chuyện tự bản chất không thể tránh và không thể hiểu. Nó thường được diễn tả thành một huyền thoại theo đó đau khổ được nhìn như một sự "trừng phạt" của một thần linh nào đó, hoặc như sự chiến thắng của những thần ác trên những thần lành. Nhưng cho dù được cắt nghĩa thế nào, mọi sự luôn luôn được phóng lên một chiều kích siêu nhiên và do đó những phương thuốc để giải phóng con người khỏi đau khổ cũng có thể mang tính siêu nhiên như thế (phù thủy, pháp sư, trừ tà, v.v. . .). Quan điểm này vẫn còn tồn tại nơi một số dân gọi là "bán khai", và thậm chí cho tới nay vẫn còn được duy trì như một nền tảng truyền thống nơi nhiều tư tưởng tôn giáo khác.

Một hướng giải đáp thứ hai đã tồn tại trong suốt lịch sử kể từ thời các triết gia thuộc trường phái Epicurus cổ xưa cho tới chủ nghĩa khoái lạc cá nhân ngày nay, đó là quan điểm mà chúng ta có thể gọi là sự phủ nhận. Mọi hoàn cảnh đau khổ trên đời đều là một sự giới hạn và gò bó việc tìm kiếm khoái lạc, và do đó tốt hơn nên làm ngơ chúng để tìm cách tận hưởng giây phút hiện tại càng lâu càng tốt. Đây là cách "giải tỏa" đau khổ và sự lo lắng mà sự hiện diện của đau khổ tạo ra. Hơn nữa, trong bối cảnh văn hoá này, người ta tìm thấy gốc rễ của rất nhiều hình thức "tuyệt vọng" đương đại khác, mà khi phủ nhận thực tại của đau khổ, chúng đã đi tới chỗ phủ nhận chính đời sống khi gánh nặng của đời sống trở thành không thể chịu đựng nổi.

Một thái độ khác đối nghịch hẳn với thái độ thứ hai, đó là thái độ chấp nhận anh hùng sự đau khổ. Những triết gia Khắc Kỷ bênh vực lập trường này theo triết học, và "chủ nghĩa Khắc Kỷ" ngày này đã trở thành đồng nghĩa với sự chấp nhận đau khổ một cách thanh thản mà không oán thán. Sự chấp nhận dũng cảm này rất hấp dẫn đối với Kitô giáo, và Kitô giáo đã đưa những yếu tố có nguồn gốc Khắc Kỷ vào những lý luận thần học của mình và coi chúng rất phù hợp với việc chấp nhận Thập Giá của Chúa Giêsu và thái độ của các vị Tử Đạo. Nhưng sự "lây lan" này không bao giờ có giá trị thực sự tích cực, và đã là một trong những nguồn gốc tạo nên sự tuyên dương giả-Kitô giáo về đau khổ mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy khó có thể giũ bỏ được nó.

Một hướng giải quyết thứ tư về đau khổ gồm việc diệt khổ bằng một con đường nội tâm dần dần dẫn tới việc tiêu diệt mọi dục vọng và mọi sự đau khổ thể lý và tâm lý. Phương hướng giải quyết này đạt tới hình thức diễn tả đầy đủ nhất trong Phật giáo, nhưng nó cũng được gặp thấy trong những nền triết học và tôn giáo khác ở phương Đông và đang tạo một ảnh hưởng kinh ngạc đối với thế giới phương Tây. Phật giáo nhấn mạnh đặc biệt việc chăm lo cho những người đau khổ vì Phật giáo coi lòng "từ bi" là một trong những tình cảm phổ quát đưa con người đến gần Thượng Đế, tuy rằng việc giúp người đau khổ chỉ là làm cho họ vượt lên trên những dục vọng là nguyên nhân gây ra đau khổ, chứ nó không tìm ra một "giải pháp" cho các vấn đề, kể cả các vấn đề vật chất, là những cái tạo ra đau khổ.

Hướng giải đáp cuối cùng mà chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn ở đoạn tiếp theo, là hướng giải đáp được diễn tả đầy đủ nhất trong Kitô giáo, mà chúng ta có thể định nghĩa là sự nhận ra giá trị của đau khổ. Tuy không tỏ lộ hoàn toàn mầu nhiệm này và không muốn biến nó thành một giá trị tích cực tự tại, Kitô giáo cung cấp những "lý do" của đau khổ, biến đổi tính vô lý của nó thành một dụng cụ có thể đem lại ích lợi cho bản thân mình và cho người khác. Hướng giải đáp này cũng có thể mang hình thức thăng hoa tâm lý bởi những cá nhân muốn lý giải một kinh nghiệm đau đớn, hoặc thậm chí một sự bù trừ về hành vi.

Dù sao, bên cạnh những lối giải thích này, chúng ta không thể không biết đến một chiều kích tuyệt đối cá nhân của sự đau khổ mà ý nghĩa của nó vượt ra khỏi mọi sự tổng quát hóa, bởi vì nó chỉ có ý nghĩa trong thế giới hiện sinh của mỗi cá nhân mà thôi. Sự đau khổ trong bối cảnh này trở thành một yếu tố thuộc về tiểu sử mỗi con người mà mầu nhiệm sâu xa nhất không bao giờ có thể tỏ lộ hay diễn giải bằng lý luận một cách thoả đáng.

2.1.2    Đau Khổ Nói Chung, Và Đau Khổ Theo Kitô Giáo

Theo quan điểm Do thái-Kitô giáo, đau khổ và sự ác mà nó diễn tả không nằm trong chương trình khởi thủy của Tạo hoá: nói cách khác, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Vì vậy, khác với những tôn giáo khác, Kitô giáo không có một vị thần ác là nguyên nhân của đau khổ. Đau khổ và sự ác mà nó diễn tả nằm trong thân phận con người, nhưng đồng thời bộc lộ mầu nhiệm về một điều mà Thiên Chúa không mong muốn, không ưa thích, và chỉ đơn giản là sự mong đợi ơn cứu độ. Đau khổ là một thực tại tiêu cực, một sự "vắng mặt" hơn là một sự hiện diện, theo quan niệm của thánh Âu-cơ-tinh. Để diễn tả điều này, Kinh Thánh sử dụng hình ảnh thần thoại về tình trạng con người nguyên thủy hoàn toàn không có đau khổ, nhưng đau khổ đã bước vào vì con người bất tuân giới luật của Thiên Chúa, nghĩa là, vì chúng ta tự mình lìa xa tình yêu của Thiên Chúa. Hình ảnh con rắn trở thành biểu tượng của việc tôn thờ ngẫu tượng, biểu tượng của thái độ không "tin tưởng Thiên Chúa", yêu thích tạo vật hơn Thiên Chúa và biến tạo vật thành thần linh.

Suốt nhiều thế kỷ, mối tương quan "hữu thể học" này giữa tội lỗi và đau khổ mà người ta coi là một hình phạt của tội lỗi đã được Israel quan niệm theo một nghĩa "cá nhân", coi mọi trường hợp đau khổ đều là một hình phạt của một tội nào đó (tư tưởng này vẫn còn khá phổ biến hôm nay). Và không chỉ có thế: bằng cách đối chiếu tình trạng nghịch lý giữa "hạnh phúc của quân vô đạo" với "sự đau khổ của người công chính", các nhà hiền triết của Israel đã giải thích khác đi rằng rốt cuộc kẻ vô đạo sẽ bị trừng phạt nơi con cháu của họ, và người công chính đang chịu khổ là để đền tội cho cha ông họ.

Tiếng kêu gào thảm thiết đầu tiên chống lại quan điểm này đã được gióng lên trong sách Gióp. Với một sự nhậy cảm rất hiện đại mà ngày nay chúng ta vẫn còn phải kinh ngạc, Gióp đã phản kháng lại quan niệm này về đau khổ và đòi Thiên Chúa phải trả lời tại sao một "người chính trực" như ông lại phải chịu đau khổ không tương xứng với một lỗi lầm nào mà ông đã có thể mắc phải. Tuy nhiên Thiên Chúa không trả lời một cách minh nhiên, mà cơ bản ngài ngỏ lời mời gọi ông chấp nhận mầu nhiệm mà không đòi hỏi lời giải thích, cũng không rời bỏ niềm tin của ông vào một vị Thiên Chúa chỉ muốn điều lành cho con cái Ngài mà thôi.

Khuôn mẫu vĩ đại này về "người chính trực chịu khổ" được biểu trưng một cách long trọng bằng hình ảnh "người tôi tớ đau khổ của Yavê", con người mà truyền thống sau này đồng hóa với hình ảnh Đấng Kitô "gánh lấy" những đau khổ của dân Người, và nhờ đó giải thoát họ khỏi những đau khổ của họ. Việc "đền tội thay" này đã được thánh Phaolô minh giải rất hùng hồn trong Thư Rôma 3:25, không được hiểu như "hình phạt" của một người đại diện cho toàn dân, mà phải hiểu theo nghĩa các hy tế xá tội xưa kia trong đó tế vật toàn thiêu trở thành một công cụ để Thiên Chúa tha tội. Hy tế của Chúa Kitô, và do Nhiệm Thể của Người, sự đau khổ mà mọi tín hữu phải chịu (nhưng theo nghĩa nói trong Rm 8:19 và Ep 1:7-10, cũng là cả thế giới phải chịu) trở thành một công cụ cho ơn tha thứ của Thiên Chúa.

2.1.3    Sứ Điệp Giải Phóng của Tin Mừng

Khía cạnh chủ quan của sự giải phóng theo đó Chúa Giêsu Kitô giải phóng con người khỏi tội lỗi trong chính thân xác của họ và vì thế cứu chuộc con người khỏi mọi hậu quả của tội, cũng có một khía cạnh thực tiễn trong các công cuộc và hành động mà Ngài thực hiện. Chữa bệnh, đón nhận những con người ngoài lề xã hội, và bênh vực người nghèo là một phần cốt yếu của sứ mạng Ngài. Thực vậy, hoạt động vì người nghèo và "những kẻ thấp hèn" được coi là dấu chỉ đặc thù cho tư cách Thiên sai của Ngài (xem Mt 11:3-5). Bằng cách này, Ngài đã hoàn toàn khôi phục quyền năng giải phóng và cứu độ toàn diện của Thiên Chúa cho con người, mà biến cố Xuất hành đã là một kinh nghiệm lịch sử và một bằng chứng biểu tượng. Thái độ của Chúa Giêsu đối với bệnh nhân không chỉ giàu ý nghĩa mà còn là một tấm gương cho chúng ta noi theo. Ngài đã sống trọn vẹn các biến cố đời sống của Ngài và của những người bà con họ hàng (xem Mt 14:14; 15:32; Lc 7:13; Ga 11:36); Ngài không thách đố, không phê bình hay quở trách bệnh nhân khi họ đến xin Ngài chữa bệnh; ngược lại, ngài thường là người khởi xướng (xem Mc 10:49; Lc 8:49; Ga 5:6); Ngài gạt bỏ mọi sự tương quan giữa tội lỗi cá nhân và bệnh tật hiện tại (xem Ga 9:1-13); Ngài chữa lành toàn diện con người bệnh nhân (xem Mt 9:1-7). Nói cách khác, hoạt động của Ngài không chỉ giới hạn vào việc chữa một căn bệnh, mà nhắm tới lợi ích toàn diện của con người, tới sự cứu rỗi (salus) chứ không chỉ là sức khoẻ (sanitas) của con người.

Vì vậy, việc chăm sóc người nghèo khổ mang những ý nghĩa rất đa dạng, trước hết nó trở thành một dấu chỉ mới về giao ước giữa con người và Thiên Chúa. Giao ước giữa Tạo hóa và Tạo vật vì vậy được tái đề nghị bởi tình yêu của Thiên Chúa, đấng hồi phục "sức khoẻ" lại cho người nghèo, người bệnh, và người bị bỏ rơi, để họ được sống trở lại, và tràn ngập tình yêu ấy. Chính trong việc ủy thác cho các Kitô hữu (Christifideles) nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng chữa lành của Chúa Kitô mà chúng ta tìm thấy nền tảng "đoàn sủng" của tinh thần Trợ thế, nền tảng này có những nguồn gốc thần học và kinh thánh đáng chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu rộng.

2.2  Tính Trợ Thế Hay Lòng Mến Khách Trong Cựu Ước

2.2.1  Thiên Chúa là Lòng mến khách (+)

Khi nói về Lòng mến khách ngày nay, chúng ta thường nghĩ tới việc tiếp đón khách vào nhà mình. Nhưng ý nghĩa thần học đích thực của thái độ nhân bản này trước tiên là ở trong chiều kích hữu thể học của Lòng mến khách.

Không phải là nói quá khi cho rằng trong bản thể Ba Ngôi Thiên Chúa có chứa đựng những nguồn gốc sâu xa nhất của một đời sống thần linh cũng chính là Lòng mến khách. Lòng mến khách của Chúa Cha là Đấng đã "lập cư" nơi bản thể mình từ đời đời để sinh ra Chúa Con, và Lòng mến khách của Chúa Con -Đấng đón nhận nơi mình hồng ân sinh thành của Chúa Cha. Sau cùng, Lòng mến khách của Chúa Thánh Thần-Đấng kết hợp Cha và Con, và vì thế Ngài trở thành hiện thân của một tình yêu tiếp đón.

Chiều kích Ba Ngôi này của Lòng mến khách không chỉ liên quan tới bản thể Thiên Chúa mà còn liên quan tới việc Thiên Chúa cư ngụ nơi con người nay trở thành chủ nhà đón tiếp Thiên Chúa (xem Ga 13:20). Trong Lễ Qui Latinh cũ, việc tham dự Thánh Thể được mô tả giống như việc đón tiếp Chúa Giêsu vào dưới mái nhà mình, và Chúa Thánh Thần cũng được gọi là "Khách của linh hồn". (2)

Trên bình diện nội tại, Tạo dựng được nhìn như là kết quả của Lòng mến khách nguyên thủy của Thiên Chúa, mà do bản chất của nó, nó vừa sinh ra vừa đồng thời đón tiếp một kế hoạch được hình thành ở ngoài chính bản thể của nó. Chính Lòng mến khách đã đóng tính vĩnh cửu lại để đặt nó trong một chiều kích lịch sử và do đó làm cho chính thời gian trở thành khách của nó, cả trước khi có con người. Nhưng chính khi tạo dựng con người mà Thiên Chúa tỏ lộ đầy đủ nhất chính mình Ngài như là Lòng mến khách, bằng cách thông ban cho con người một sự hiện diện rộng khắp và cho con người làm chủ mọi tạo vật của ngài. Thực ra điều này đã được thực hiện từ trước nữa, khi Ngài có con người trong trí tạo dựng của ngài, và con người được mang chính hình ảnh của trí tạo dựng ấy.

Tiếp theo Tạo dựng là Giao ước, được diễn tả dưới vô vàn hình thức với đủ loại biểu tượng trong các trình thuật của Kinh thánh. Chính vì nó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nên Giao ước mà Kinh thánh nói tới không chỉ trở thành cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và khách của ngài, mà còn giữa con người và vị khách thần linh của con người. Cho dù Giao ước này được diễn tả bằng những thực tại hữu thể khác nhau, Lòng mến khách trong giao ước trở thành một hành vi trao ban hai chiều, một cuộc trao đổi quà tặng. Và mỗi khi Giao ước này bị vi phạm trong lịch sử của các cá nhân hay cộng đồng, lòng tha thứ và sự hòa giải của Thiên Chúa với con người chính là bằng chứng cho nguồn mạch vô tận của một Lòng mến khách luôn luôn mới mẻ.

Nguồn: Trích Hiến Chương Trợ Thế , Chương II