Nền Tảng Thần Học – Đoàn Sủng Đối Với Việc Chăm Sóc Mục Vụ Bệnh Nhân

NỀN TẢNG THẦN HỌC ĐOÀN SỦNG

ĐỐI VỚI VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ BỆNH NHÂN

2.1. SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH TRONG KINH THÁNH

Hãy chữa lành bệnh nhân…và nói: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mt 10,7-8) Những lời này của Chúa Giêsu làm nên nền tảng của sứ mạng cổ võ cho việc nâng cao toàn bộ con người trong mọi chiều kích của Hội Thánh nhờ cung cấp việc chữa trị, trợ giúp về mặt y học và việc chăm sóc mục vụ. Sứ điệp của Nước Thiên Chúa phải được chuyển giao và Nước Thiên Chúa, khởi sự với Chúa Giêsu, phải trở thành cụ thể. Đây là nhiệm vụ của bất cứ việc chăm sóc mục vụ nào hướng về Kinh Thánh.

2.1.1. Các tài liệu Kinh Thánh

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc của Thiên Chúa, đã bày tỏ lòng yêu chuộng đặc biệt đối với người nghèo khó, với những kẻ bị áp bức và túng quẫn, vì thế mà Người đã làm ứng nghiệm lời tiên tri sau trong Cựu Ước: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi. Ngài sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và đem ánh sáng cho người mù tối, cho kẻ bị chà đạp được tự do và công bố năm ân xá của Chúa. Những gì tai các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm nơi tôi” (Lc 4, 18 – 21). Chúa Giêsu đến để “họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

2.1.1.1. Các dấu chỉ và tiêu chuẩn Chúa Giêsu sử dụng và ta coi là nền tảng của việc chăm sóc mục vụ :

  • Người mời người ta “đụng vào Người” (Ga 1, 39 “hãy đến mà xem”) và Người cho phép những đau khổ của nhân loại, cá nhân những người đau khổ đụng vào Người (trong Mt 8, 3 Người đụng vào người phong cùi; trong Mt 9, 20, Người để người phụ nữ “bị loạn huyết” đụng vào Người, nhờ thế mà Người chuyển giao tình yêu và sức mạnh (Lc 8, 44 – 48), Người chữa lành người phụ nữ ấy; (Lc 6, 19… Và toàn đám đông tìm cách đụng chạm vào Người vì từ nơi Người xuất phát một sức mạnh chữa lành họ hết thảy).
  • Người chữa lành, tha thứ và hòa giải (Mc 2 việc chữa lành người bại liệt; Ga 8 việc ném đá người phụ nữ tội lỗi)
  • Người cho kẻ tội lỗi và ương ngạnh cơ hội hoán cải và một khởi đầu mới (trong Lc 9, 1tt, Người lưu lại tại nhà một người thu thuế là Zakêu)
  • Người cho những người nghèo túng một vị trí trung tâm khi đối xử với họ như những người bình đẳng (Lc 6, 6 chữa lành người đàn ông có bàn tay khô bại vào ngày Sabbath; Lc 18, 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”, Mc 10, 15 Chúa Giêsu đặt trẻ em vào vị trí trung tâm)
  • Người hành động cách có tính ngôn sứ và không sợ đi ngược với công luận kể cả khi có nguy cơ bị trừng phạt (Lc 6, 7 đối với những người Pharisiêu, chữa lành người ta vào ngày Sabbath là một hành động khiêu khích; Mt 9, 34 Người xua đuổi ma quỉ; Lc 11, 17 lời biện hộ của Chúa Giêsu)
  • Người đến với những người bị tước quyền thừa kế, những người đau khổ và bị loại ra bên ngoài bằng một thái độ có tính ngôn sứ (trong Lc 19 Chúa Giêsu ở lại trong nhà Zakêu, người thu thuế) và đến với dân ngoại (chữa lành con gái của người phụ nữ xứ Syrophoenicia Mc 7, 24 – 30), và thách thức phẩm trật đã được thiết lập (Mt 20, 25 – 28, “Không được thế nơi anh em nhưng ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là đầy tớ anh em…”
  • Người chung niềm hạnh phúc với người khác (Ga 2 tiệc cưới Cana)
  • Người khuyến khích việc tự biết mình và đòi người ta phải có những quyết định táo bạo trong cuộc sống (Mt 19, 12 đặt vấn đề với người thanh niên giàu có; Ga 4 cải hóa người phụ nữ Samarita tại giếng Giacob)
  • Người đi tìm những người đã mất (Lc 15 dụ ngôn người con hoang đàng)
  • Người ý thức về nhu cầu và sức mạnh xuất phát từ việc cầu nguyện, việc rút lui vào nơi thanh vắng và sự thing lặng (Mc 6, 31 “Hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”; Mc 4, 26 – 29 dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc)
  • Người chuyển giao cho người khác sự bình an trong tâm hồn, sự thinh lặng và ủi an (Mt 11, 28 “hãy đến với tôi, hỡi những ai vất vả, gồng gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi lại sức”)
  • mọi việc Người làm đều được thực hiện trong sự trong suốt hoàn toàn vì Cha (Mc 1, 11 “Con là Con yêu dấu của Ta”. Ga 8, 29 “Đấng sai tôi hằng ở với tôi”)
  • Người làm cho người ta ngay thẳng và đem cho họ phẩm giá (Lc 13, 10 – 17 gặp gỡ người phụ nữ còng lưng 18 năm “hỡi bà, bà được giải thoát khỏi bệnh tình bà
  • Người là Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên (Ga 10, 11).

2.1.1.2. Việc chăm sóc mục vụ như một sự đồng hành

Từ trình thuật trên đường Emmaus (Lc 24, 13 – 35) và từ cách thức trong đó, Chúa Giêsu với tư cách là Đức Kitô phục sinh, đi ra gặp gỡ hai môn đệ, ta có thể rút ra một số kết luận cho mọi loại chăm sóc mục vụ, đó là lý do vì sao toàn bộ trình thuật này đã được ghi lại dưới đây:

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Từ trình thuật này, ta có thể rút ra một số ý tưởng quan trọng cho phương pháp mục vụ dựa trên Kinh Thánh. Việc chăm sóc mục vụ nghĩa là:

  • đứng bên cạnh con người và chia sẻ con đường của họ (24, 15 Chúa Giêsu đến gần và đi với họ)
  • Lắng nghe và kiên nhẫn (24, 16 – 24)
  • muốn được hoàn cảnh hiện tại trong đó những người khác sống và nỗi tuyệt vọng và bực bội của họ đụng chạm tới mình, “dừng lại bên cạnh những người đau khổ”[1]
  • tạo lập sự tin tưởng nhờ sự hiện diện cảm thông
  • xây dựng một ý thức với câu hỏi rút ra từ những câu trả lời độc lập (24, 26 “Đức Kitô đã chẳng phải chịu đau khổ rồi mới bước vào vinh quang sao?”)
  • bắt đầu với những gì người ta biết (câu 24 và 27)
  • đem cho con người một sự giải thích về sự sống dựa trên Tin Mừng (24, 27)
  • không dạy theo kiểu cha chú mà dựa vào kết quả của việc chia sẻ và sức mạnh của lời nói (“làm cho lòng họ bừng cháy” 24, 32)
  • không xâm chiếm nhưng mời gọi người khác tới sự hiệp thông (24, 29),
  • Lời nói mở ra trong thực hành vì chân thật và chân thành (“Người cầm lấy bánh và bẻ ra và mắt họ mở ra:” (24, 30. 31),
  • lôi kéo người ta đến với Thiên Chúa nhờ các dấu chỉ và nghi lễ (bẻ bánh và chia sẻ rượu) ý thức rằng sự hiệp thông bí tích thường chỉ đạt được vào cuối cuộc hành trình và sự hiệp thông ấy vừa là nguồn vừa là phương thế cho việc bắt đầu lại (chính các môn đệ trở thành người mang sự thật, 33tt),
  • việc đồng hành mục vụ là một tiến trình bị giới hạn trong thời gian và muốn nói đến việc bước đi bên cạnh một người nào đó trong một giai đoạn nào đó (“nhưng Người biến khỏi trước mắt các ông…”)[2], nghĩa là, chia sẻ bánh (= sự sống) với họ.

2.1.2. Các Kết Luận

2.1.2.1. Tình yêu Thiên Chúa ở giữa ta

Các tài liệu Kinh Thánh cho thấy rằng:

Tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách vô phương sánh ví trong công trình của Chúa Giêsu, vì trong Chúa Giêsu chính Thiên Chúa đã trở thành người phàm (Hr 1, 1 – 3). Đức Benedicto XVI viết trong Thông Điệp Deus Caritas Est (DCE): “… Tình yêu này của Thiên Chúa đã xuất hiện giữa ta. Ngài trở thành hữu hình vì Ngài ‘đã sai Con Một vào trong thế gian, để nhờ Người mà ta được sống’ (1 Ga 4, 9). Thiên Chúa đã làm cho mình thành hữu hình: trong Chúa Giêsu để ta có thể nhìn thấy Chúa Cha” (x. Ga 14, 9)[3]

Trong sự liên kết này, “Chúa Giêsu tiêu biểu cho việc Thiên Chúa đi vào trần gian và vì trần gian”[4].

Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa cho thấy tình liên đới của Ngài với toàn nhân loại. Tình liên đới này vượt quá mọi chiều kích của sự hiện hữu của con người, nhưng cách đặc biệt những chiều kích của khổ đau, bệnh hoạn, thất bại, tuyệt vọng và chết chóc.

2.1.2.2. Cuộc gặp gỡ thế giới khổ đau

Đau khổ và chết chóc khơi lên nhiều vấn nạn đối với nhân loại hiện nay. Đức thánh cha Gioan Phaolô II, trong Tông Thư Salvifici Doloris (SD) nói rằng trong công trình thiên sai của mình, Đức Kitô đã không ngừng đến gần thế giới khổ đau của nhân loại hơn (xem các tài liệu Kinh Thánh trích dẫn ở trên). Với Thập Giá, Người đã mang lấy “những đau khổ này trên chính bản thân mình[5], khi đứng về phía những người đau khổ bằng cách tham dự cách xót thương và cứu chuộc vào những khổ đau của họ[6].

Dưới ánh sáng đức tin, Người đem cho những người đau khổ một chân trời và một ý nghĩa[7]. Sứ điệp Kinh Thánh của Chúa Giêsu, “chịu đóng đinh và phục sinh”[8] xóa bỏ tính chất không thể lay chuyển của đau khổ và chết chóc. Trong “chu kỳ sự sống” của Thiên Chúa, Đức Kitô phục sinh đang đưa nhân loại ra khỏi đau khổ và chết chóc. Dựa vào ý thức này về ơn cứu chuộc, khi đứng bên cạnh những người đau khổ, bệnh hoạn và nghèo túng, các Kitô hữu có thể tham dự vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa, bằng cách làm vơi nhẹ gánh nặng của sợ hãi, đau khổ và chết chóc vì lợi ích của sự sống mới trong dấu chỉ của Thiên Chúa[9]. Vì mọi sự đã được nhận chìm trong ánh sáng của cuộc Vượt Qua[10].

Trong Dei Verbum (DV), ta đọc thấy rằng “Vì thế, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người, đã được sai đến với “con người với tư cách là con người”. Người hoàn tất công trình cứu độ Chúa Cha đã trao phó cho Người (x. Ga 5, 36; 17, 4). Thấy Chúa Giêsu là thấy Cha Người (Ga 14, 9). Vì lý do đó, Chúa Giêsu đã kiện toàn mặc khải bằng cách hoàn tất mặc khải ấy nhờ toàn bộ công trình làm cho Mình hiện diện và thể hiện Chính Mình: nhờ lời nói và việc làm của Người, nhờ những dấu lạ điềm thiêng của Người, nhưng nhất là nhờ cái chết và sự phục sinh vinh quang từ cõi chết của Người và cuối cùng là việc sai phái Thần Khí sự thật. Hơn nữa, Người còn xác nhận với bằng chứng của Thiên Chúa những gì mặc khải công bố, rằng Thiên Chúa đang ở với ta để giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết và nâng ta lên tới sự sống đời đời”[11]

2.1.2.3. Ơn cứu độ trong lời nói và việc làm

Vì thế, bất cứ thừa tác vụ nào dựa trên Kinh Thánh cũng đều phải được xây dựng cách đích thật trên Người Mục Tử Nhân Lành, Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân lành, Đấng luôn đưa dẫn chiên của Người đến ơn cứu độ, đều phải biết cách liên kết lời nói với việc làm, nghĩa là, loan báo đức tin vào một vị Thiên Chúa Đấng cứu chuộc và yêu thương và biết cách thực hành đức tin này cách sống động nhờ đến gần Con Người để đem lại sự chữa lành và hòa giải của Người.

Đây phải là một thừa tác vụ mục vụ mang tính phục vụ, một thừa tác vụ phục hồi năng lực sống, vạch ra những con đường giúp thoát khỏi sự khủng hoảng và không bỏ mặc con người cho các mưu kế của họ.

Vì là thừa tác vụ mục vụ nên phải đa chiều và tập trung vào việc chuyển giao “sự sung mãn của sự sống” cho mỗi người trong thực tại sống đặc biệt của họ, dù đây là điều ta chỉ kinh nghiệm được cách nhất thời và rời rạc.

Điều này áp dụng cho cả những lúc tốt lành, hạnh phúc và bình thường lẫn những khi khủng hoảng hoặc tăm tối, nghĩa là, khi ta không thể loại trừ bệnh hoạn, khiếm khuyết, mỏng dòn, yếu đuối, cô đơn, đau khổ, túng quẫn và nghèo đói. Vì thế thừa tác vụ mục vụ đa chiều muốn nói đến việc quan tâm đến toàn bộ con người: thể lý, tâm lý, thiêng liêng và tình cảm (giúp đỡ con người trong những lúc bị khủng hoảng về tâm- sinh lý; đem lại cho họ sự trợ giúp về mặt thiêng liêng và đức tin, cung cấp sự trợ giúp vật chất để họ sống v.v.)[12]

2.1.2.4. Một thừa tác vụ mục vụ “đụng chạm” đến Nhân Loại

Việc thực hành và phương pháp được sử dụng cho loại thừa tác vụ mục vụ này phải được xây dựng trên cách thức Chúa Giêsu đã đồng hành và “đụng đến” các môn đệ trên đường Emmaus, trên con đường dẫn đến sự hiểu biết và sự sống. Thừa tác vụ này sẽ tạo nên những khả năng cho tất cả những ai tìm kiếm đức tin để bước vào trong cuộc tiếp xúc với đức tin ấy: được xây dựng trên sự tôn trọng tự do của con người, thừa tác vụ này sẽ hiện diện bên cạnh con người mà không đặt điều kiện cho họ, chấp nhận những con đường tự trị và chấp nhận đi trên những con đường ít người đi, theo đuổi con người, tìm kiếm con người trong những thực tại sống và dựa trên kinh nghiệm bằng cách đưa ra những chỉ điểm và hướng dẫn.

2.1.2.5. Một thừa tác vụ mục vụ có tính ngôn sứ

Một thừa tác vụ mục vụ bắt nguồn từ Kinh Thánh cũng bao hàm một chiều kích có tính ngôn sứ. Loại thừa tác vụ mục vụ này có đặc tính là can đảm tố cáo, là kiên trì hành động và chân thành cam kết đấu tranh cho công lý theo gương Chúa Giêsu. Khi chữa lành vào ngày Sabbath, ngồi ăn với những người bị loại ra bên lề xã hội và các tội nhân, đón nhận phụ nữ làm môn đệ và xác định việc phục vụ là sứ mạng cao cả nhất người lãnh đạo cần có, Chúa Giêsu không chỉ cho nếm trước Nước Thiên Chúa mà còn phê bình trật tự hiện hành như một trở ngại cho sự phát triển con người và cho việc mở rộng Nước Thiên Chúa.

Vì thế, thừa tác vụ mục vụ này sẽ cố nhận ra các dấu chỉ của thời đại và vượt ra khỏi hiện tại “Đọc ra tương lai nhờ ánh mắt Thiên Chúa”[13] và khi làm thế, sẽ làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại, sẽ là một dấu chỉ có tính bí tích của ơn cứu độ xuất phát từ Thiên Chúa, và một dấu chỉ của kẻ loan báo vị Thiên Chúa cứu độ bằng cả lời nói lẫn hành động”[14]. Điều này muốn nói lên việc gióng tiếng lên khi phẩm giá con người lâm nguy và dấn thân cho công bằng xã hội và can đảm thực hiện việc không ngừng canh tân để có thể đáp lại những đòi hỏi và những hoàn cảnh luôn luôn khác của thời đại này.

2.1.2.6. Một thừa tác vụ mục vụ được linh hứng

Bất cứ thừa tác vụ mục vụ nào dựa trên Kinh Thánh cuối cùng cũng sẽ được hướng dẫn, do nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho Con Người được thể hiện trong Đức Kitô có thể làm hơn mọi cố gắng của con người có thể đạt được, và rằng Ngài sẽ chăm sóc và thực hiện mọi sự (Mt 6, 15.32), đến  độ bất cứ một công việc mục vụ nào không liên kết mạnh mẽ với Ngài đều thất bại (“vì không có Thầy anh em không thể làm được gì” (Ga 15, 5).Chỉ nhờ tin tưởng vào Ngài và vào sức mạnh và sự hướng dẫn của Thần Khí (Ga 16, 13) và trong cầu nguyện mới có được một thừa tác vụ mục vụ được linh hứng thật.

2.1.2.7. Việc chăm sóc mục vụ theo viễn cảnh của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành

Vì mọi hành động của con người đều có giới hạn, nên bất cứ một thừa tác vụ mục vụ dựa trên Kinh Thánh nào bao giờ cũng phải được nhìn từ viễn cảnh của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, biết được những ngóc ngách của nhân loại và đi theo những ngóc ngách đó. Vì thế, đây phải là “việc chăm sóc mục vụ của Thiên Chúa đối với thế gian này” theo nghĩa đích thật của thuật ngữ ấy. Đức giáo hoàng Benedicto XVI, trong thông điệp Spe Salvi (SS) đã nói về việc chăm sóc mục vụ ấy như sau:

“Người mục tử đích thật là người biết được cả con đường đi qua thung lũng sự chết; là người cùng song hành với tôi cả trên con đường hiu quạnh sau cùng, dẫn tôi qua con đường ấy: chính Người đã đi trên con đường ấy, đã đi xuống vương quốc tử thần, đã chiến thắng sự chết và đã quay trở lại để bây giờ cùng đi với chúng tôi và làm cho chúng tôi tin chắc rằng, cùng với Người, chúng tôi có thể tìm được con đường vượt ra khỏi cõi chết. Việc nhận ra rằng có một Đấng vẫn đồng hành với tôi cả trong cái chết và với “côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23 –  chính là niềm “hy vọng” mới xuất phát từ cuộc sống của các tín hữu[15].

Nói về vị Mục Tử này và việc chuyển giao niềm hy vọng vững chắc rằng vị Mục Tử Nhân Lành là một bạn đồng hành từ bên trong, và đồng hành cả trong những con đường (tăm tối) này không chỉ là một sứ mạng mà còn là cơ hội và viễn cảnh mà bất cứ việc chăm sóc mục vụ nào cũng phải mặc lấy nếu ta muốn nói về việc chăm sóc này trong cái nhìn có tính Kinh Thánh – Kitô giáo[16].

2.2. SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH: TIN MỪNG HÓA

2.2.1. Nền tảng

Các Trung Tâm của Hội Dòng là những trung tâm thuộc về Hội Thánh, nên có sứ mạng tin mừng hóa những người bệnh hoạn, nghèo túng nhờ mô hình của việc chăm sóc toàn diện dựa trên gương mẫu do Đức Kitô và thánh Gioan Thiên Chúa thiết lập.

Tin Mừng hóa nghĩa là:

  • làm chứng cho Tin Mừng bằng việc phục vụ những người nghèo túng trong các nhà của ta.
  • thể hiện sự tốt lành và tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại.
  • biến các Trung Tâm của Hội Dòng ta thành những nơi người ta có thể kinh nghiệm được tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa do đó cũng đóng góp cho việc mở rộng Nước Thiên Chúa.

2.2.2. Huấn quyền của Hội Thánh

Việc tin mừng hóa là “loan báo Đức Kitô bằng một chứng tá sống động cũng như bằng lời nói”[17]. Nguồn gốc của việc tin mừng hóa này là chính Chúa Giêsu Kitô, nhờ lời nói và việc làm, đã đem đến tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Cha. Việc tin mừng hóa bao giờ cũng đập tan quyền lực của tội lỗi và kêu gọi hoán cải (Mc 1, 15); loan báo tình yêu Thiên Chúa và đem lại sự sống dồi dào (Ga 10, 10; 1, 16). Con đường tin mừng hóa chính là Hội Thánh; qua việc tin mừng hóa chính mình, Hội Thánh thiết lập “một dân tộc được làm cho hợp nhất với sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[18].

Nhưng mỗi Kitô hữu đều được mời gọi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và cho người ta biết lý do của niềm hy vọng” (1 Pr 3, 15). “Tin mừng hóa còn có nghĩa là đem Tin Mừng vào trong mọi tầng lớp xã hội và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng ấy biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại ấy thành một nhân loại mới”[19]. Việc loan báo Tin Mừng này trước hết dành cho những người chưa hề được nghe nói đến Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhưng do những hoàn cảnh thường xuyên bài Kitô giáo hiện nay, nên việc tin mừng hóa này cũng cần cho hằng hà đa số những người đã được thánh tẩy mà vẫn sống bên ngoài cuộc sống Kitô hữu[20].

Việc tin mừng hóa liên hệ cả đến tiến trình làm cho thế giới này[21] thấm đẫm tinh thần của Tin Mừng lẫn tiến trình nhờ đó cá nhân mỗi người nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô. Trong tiến trình tin mừng hóa này, Tông Huấn của đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, phân biệt sáu giai đoạn[22]:

  • chứng tá cuộc sống
  • việc loan báo rõ ràng
  • việc triệt để tôn trọng nội tâm
  • việc bước vào trong cộng đoàn
  • chấp nhận các dấu chỉ
  • sáng kiến tông đồ

2.2.3. Chứng tá đời sống

Qua hình ảnh đưa ra về chính mình, Hội Thánh luôn cố gắng làm chứng cho một cuộc sống bắt nguồn trong đức tin. Nỗ lực này được diễn tả cách đặc biệt trong chứng tá của việc yêu thương đồng loại và của một tình yêu được tổ chức cách tập thể, trong hình thức của việc trợ giúp người nghèo khổ và người bệnh tật, chăm sóc những người già nua tuổi tác, cô đơn và khách lạ v.v.. Chứng tá đời sống này được diễn tả trong hình thức của một số thái độ căn bản Kitô hữu đón nhận như tôn trọng và ngưỡng mộ, điều độ và bỏ mình, xót thương và siêng năng, công bằng và liên đới.

Từ cách các Kitô hữu liên hệ với nhau, đến với và đến gần tha nhân, những người khác nhận ra họ là Kitô hữu và bắt đầu tin tưởng vào sứ điệp Kitô giáo[23]. Những cánh cổng quan trọng nhất để đi vào trong thế giới đức tin là những cánh cổng ta giải thích cách trực tiếp và hấp dẫn các chi tiết của đức tin của ta. Để mặc lấy những xác tín, giá trị và thái độ, ta cần những người đưa những thứ ấy ra thực hành cách tin cậy. Họ là những khuôn mặt sống động của Tin Mừng[24].

Mọi việc ta làm (với tư cách là việc phục vụ của người Samarita nhân hậu đối với những người đau khổ và nghèo túng), và những gì mọi cộng tác viên của ta làm, trước hết những người đã được thánh tẩy và trong số những người ấy cách riêng những người nắm giữ các chức vụ quản lý, tất cả đều đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tin mừng hóa nhờ “chứng ta đời sống” họ. Những người có vai trò trong tiến trình này đều là các tín hữu, với đoàn sủng, tiềm năng cũng như các thất bại của họ[25].

“Chứng tá ấy”, hoặc hoạt động theo Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của ta và trong các mối tương quan của ta với bệnh nhân, những người thiểu năng và các thân chủ v.v., nhưng với cả các cộng tác viên của ta, các thân chủ và gia đình bệnh nhân v.v., “đã là một việc loan báo Tin Mừng cách âm thầm rồi và cũng là việc loan báo mãnh liệt và hiệu quả”[26]. Điều này xảy ra:

  • Khi người ta cảm thấy rằng họ đang được lắng nghe và trân trọng trong các mối tương quan hằng ngày của họ;
  • khi các cộng tác viên của ta thực hiện công việc của họ cách cần cù và yêu thương nhân danh những người nghèo túng;
  • khi các mối tương quan giữa những cộng tác viên của ta thấm đẫm tinh thần tôn trọng và việc quan tâm lẫn nhau;
  • khi người ta cảm nhận được một cảm thức về tình liên đới trong những lúc khủng hoảng và phiền muộn;
  • khi ta dấn thân cho công bằng;
  • khi ta biết dành thời giờ cho người khác;
  • khi có sự sẵn sàng và ra khỏi mình để diễn tả những quan tâm và những đòi hỏi liên quan tới sự tồn tại của con người và nhu cầu về ý nghĩa được con người diễn tả trong sự chăm sóc của ta;
  • khi ta đưa những giá trị nhân bản và Kitô giáo ra thực hành trong đời sống hằng ngày mà không tạo nên những tiếng ồn ào về chuyện ấy v.v.

Và đây không chỉ là một hoạt động sơ bộ”. Với O. Fuchs ta có thể nói rằng khi làm việc vì Tin Mừng nghĩa là khi dấn thân cho người khác, “Đức Kitô nhân từ vẫn đang tiếp tục sống”[27]

2.2.4. Làm chứng bằng lời nói

Nhờ chứng tá đời sống ta có thể “chạm tới” con người và khuyến khích họ khởi sự lên đường, được sự trợ giúp của chứng tá bằng lời nói, ta khuyến khích họ chọn lựa cuộc sống và đức tin, một tiến trình luôn mở ra cho việc đưa vào trong Hội Thánh như giai đoạn tiếp theo của việc tin mừng hóa (x. 2.2.).

“Không có việc tin mừng hóa đích thật nếu không có sự loan báo danh thánh, giáo huấn, những lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm Chúa Giêsu Nazaret, Con Thiên Chúa”[28]. Tuy nhiên, người ta cũng phải cân nhắc xem hiện có tồn tại và phải tồn tại một thứ thận trọng tự nhiên nào đó khi nói, một thứ nhạy cảm về ngôn ngữ nào đó phải được tôn trọng cách riêng trong môi trường tôn giáo. Đức tin vào Thiên Chúa bắt đầu trong bầu khí mật thiết nhất của cuộc sống con người. Điều này khiến ta cần nhận ra và tạo nên những hình thức và môi trường không xâm phạm đến sự mật thiết này của lãnh vực tôn giáo đồng thời vẫn liên kết chứng tá đời sống, như một thứ giải thích và chú giải, với “những lời của cuộc sống”. Để đạt được điểm này cần:

  • can đảm và sẵn sàng nói về đức tin của mình;
  • nhạy bén với việc nhận ra đúng hoàn cảnh và đúng thời gian;
  • chân thực;
  • khả năng đáp trả (1 Pr 3, 15);
  • khả năng nói một thứ ngôn ngữ giản dị, hiện đại, thích hợp với thời đại ta đang sống và có thể giải thích các sự việc;
  • những nơi chốn và cơ hội (Thánh Lễ Chúa Nhật, các cử hành trong năm phụng vụ, các cuộc hành hương, các hình thức phụng vụ hiện đại, các nhóm đối thoại, các cuộc Thánh Tẩy và đám tang v.v.);
  • các biến cố đào tạo (hội nghị, phương tiện truyền thông, hội thảo v.v.);
  • giáo lý[29];

2.2.5. Việc tiếp cận toàn diện và chiều kích thiêng liêng của nhân loại

Việc tiếp cận toàn diện có  nghĩa là không chỉ cân nhắc và trau dồi những chiều kích sinh học, tâm lý và xã hội của con người mà còn cân nhắc và trau dồi cả chiều kích thiêng liêng của họ nữa, coi đó như chiều kích căn bản của sự hiện hữu của họ vì chính chiều kích này mới có thể trở thành nguồn sức khỏe và sức mạnh khiến bệnh nhân và những người nghèo túng có thể đương đầu với cuộc sống.

“Với tư cách là Anh Em Trợ Thế của thánh Gioan Thiên Chúa, ta được mời gọi thực hiện, trong Hội Thánh, sứ mạng loan báo Tin Mừng cho bệnh nhân và những ngưới nghèo khó, quan tâm đến những khổ đau của họ, và giúp họ bằng mọi cách”[30]. Chiều kích thiêng liêng của con người phải được để tâm cân nhắc cách đúng đắn nhất là vào những lúc khủng hoảng.

Tuy nhiên, thuật ngữ “thiêng liêng” khá uyển chuyển. Trong khi trong thế giới Công Giáo, thiêng liêng muốn nói đến đạo lý về đời sống thiêng liêng/tôn giáo[31], nghĩa là một cuộc sống theo tinh thần của Thiên Chúa, hay sự thống nhất hòa hợp của con người trong lịch sử của sự liên hệ giữa tạo hóa và thụ tạo, chỉ đạt được bằng các thực hành thiêng liêng trong đời sống hằng ngày (cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, suy gẫm…) và cũng còn đạt được bằng việc phục vụ đồng loại, nghĩa là dành ra những nỗ lực để vun xới một mối tương quan sống động với Thiên Chúa cho tới khi những nỗ lực ấy trở thành thái độ quan trọng của cuộc sống con người[32] trong thế giới trần tục này, thuật ngữ này có nghĩa rộng hơn nhiều.

Trong lãnh vực này, khái niệm về thiêng liêng, không liên kết với bất cứ một sự tuyên xưng đặc biệt nào hoặc tôn giáo nào; quả thế, thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ một sự tách khỏi việc thực hành có tính tổ chức của Kitô giáo, nhấn mạnh đến tính cá nhân và chủ quan. Vì thế, thiêng liêng là một cơ cấu phức tạp, luôn mở ngỏ cho nhiều giải thích khác nhau (ta tìm được nhiều suy tư chi tiết về điểm này trong chương III, về “việc Chăm Sóc Mục Vụ  trong bối cảnh hiện nay”).

2.2.6. Bản tóm tắt

Khi phải đương đầu với sự khác biệt dưới nhiều hình thức này của toàn cảnh thiêng liêng, thì bất cứ việc chăm sóc mục vụ nào muốn thực hiện việc tin mừng hóa, sẽ đều hành động cách cực kỳ khác biệt và nhạy cảm; trên nguyên tắc, việc chăm sóc ấy sẽ cố đồng hành với con người trong cuộc hành trình thiêng liêng của họ, giúp họ khám phá ra mầu nhiệm của cuộc sống họ. Thừa tác vụ mục vụ loại này sẽ cung cấp những cơ hội và dịp may để làm cho “những vấn đề lớn mà mọi người ấp ủ thật sâu trong họ có thể trồi lên và tìm được những giải đáp ắp đầy sự sống”[33].

Đồng thời những người chăm sóc mục vụ phải cố bảo đảm rằng Tin Mừng của Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, một Tin Mừng luôn có một ý nghĩa nào đó trong cuộc sống mỗi con người, vẫn hiện diện và sống động, nhất là nhờ bằng chứng đầy đủ của cuộc sống.

Các Trung Tâm của Hội Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa, vì là những trung tâm thuộc về Hội Thánh, nên có thể trở thành “một màn hướng âm” trong đó giai điệu Tin Mừng luôn ngân vang trong những hình thức khác nhau nhờ lời nói và việc làm đụng đến tâm hồn con người và tác động trên cuộc đời họ[34].

Chứng tá cuộc sống và chứng tá bằng lời nói vừa là nhiệm vụ của cá nhân người chăm sóc mục vụ vừa là nhiệm vụ của toàn Trung Tâm.

Thực hiện các loại chứng tá này là điều rất quan trọng, nhưng cũng còn một lãnh vực quan trọng nữa, một khía cạnh mà dụ ngôn Người Gieo Giống (Mc 4, 1 – 9) đặt tin tưởng vào sức mạnh của hạt giống, có thể được coi như một khuôn mẫu.

Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ: 3 "Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm."9 Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe! " (Mc 4, 1 – 9).

Bài học đầu tiên ta có thể rút ra từ những lời này cho việc mục vụ đó là ta phải tin tưởng và bình thản: Đức Kitô gieo giống mà không bị chán nản bởi những viễn tượng khó có thể thành công do đất khô và không thích hợp, mà không muốn biết trước về thành công hoặc thất bại, về mùa gặt tốt hay xấu. Điều quan trọng là người gieo giống làm việc của mình cách đúng đắn: Thiên Chúa sẽ để ý tới sự phát triển và sinh hoa kết quả (Mc 4, 26 – 29).

Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." (Mc 4, 26 – 29)

2.3. SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH THEO THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA VÀ ĐOÀN SỦNG CỦA HỘI DÒNG

2.3.1 Nền tảng

Dù trở về bất cứ lúc nào, tuy có thể rất mệt, thánh Gioan Thiên Chúa vẫn không bao giờ đi ngủ mà trước hết đã không thăm viếng tất cả các bệnh nhân… an ủi họ về mặt thiêng liêng và thể lý…” “… thăm viếng nhiều người nghèo (là anh em và đồng loại của tôi) đau khổ và cực kỳ nghèo túng  cả về thể xác lẫn linh hồn[35]

Thánh Gioan Thiên Chúa nối kết việc dấn thân thực tế của ngài cho đồng loại với mối bận tâm cho lợi ích thiêng liêng của họ. Ngài hiểu và thực hiện công việc này cho người nghèo và kẻ bệnh với tư cách là môn đệ của Đức Kitô, như một sự loan báo cụ thể về ơn cứu độ và thể hiện cách thực tế tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là cho những người yếu hèn nhất. Thánh Gioan Thiên Chúa phục vụ con người toàn diện, khi bảo đảm rằng người bệnh sẽ nhận được sự chăm sóc đầy đủ về mặt tôn giáo và các bí tích, trở thành người hướng dẫn thiêng liêng của họ trong nhiều trường hợp.

2.3.2. Những tài liệu tham khảo

2.3.2.1. Mở rộng kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương

Với công việc và những hành vi bác ái của mình và các hành vi của tình liên đới nhân danh người nghèo, thánh Gioan Thiên Chúa đã thực sự nên đồng hình với Đức Kitô và dần dần xóa đi mọi thứ ích kỷ và bất cứ khuynh hướng nào muốn trở lại với một lối sống Kitô hữu thoải mái; ngài biết cách giải thích hoàn cảnh của bệnh nhân và những người nghèo khó dưới ánh sáng đức tin và đức ái, được chính kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa Cha thúc đẩy, ngài đã bắt chước Đức Kitô bằng cách triệt để hiến mình cho những người nghèo túng thời ngài, giúp họ có thể kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa và làm cho họ tham gia vào kinh nghiệm này của ngài và loan báo ơn cứu độ cho họ[36].

Thiên Chúa cảm thấy rằng ngài được đầy ân sủng, sự tha thứ và tình yêu nhân từ của Thiên Chúa đến độ ngài muốn trao phó tất cả kinh nghiệm này cho tha nhân bằng cách hiến trọn thân mình cho người nghèo nhất trong các người nghèo.

2.3.2.2. Tinh thần loan báo tin mừng của thánh Gioan

Sức mạnh có tính thôi thúc đằng sau việc tin mừng hóa là kinh nghiệm thể lý của chính bản thân ngài về việc được Thiên Chúa yêu thương và về việc được ban ơn cứu độ. Thánh Gioan Thiên Chúa, trong việc dấn thân không mệt mỏi cho những người nghèo túng, không chỉ muốn đem cho họ một sự xoa dịu đối với nhu cầu của họ thôi mà còn muốn cho thấy rằng mọi việc ngài làm, tình yêu Thiên Chúa bao giờ cũng ở trên mọi thứ khác. “Nếu suy nghĩ về chiều rộng của lòng nhân từ của Thiên Chúa, ta sẽ không bao giờ ngưng làm việc tốt”[37]. Đối với mọi người, nhất là những người nghèo túng, đều có một phẩm giá khôn lường dưới mắt Thiên Chúa, một phẩm giá phải được bày tỏ và bảo vệ. Nói theo ngôn ngữ của thời ngài, thánh Gioan Thiên Chúa nói về việc ấy như sau: “một linh hồn thì đáng giá hơn mọi của cải trần gian”[38].

Vì thế mà tình yêu của ngài không bao giờ chỉ nhắm tới việc giải quyết các vấn đề và những nhu cầu xã hội; nên việc dấn thân cho những người nghèo túng và bệnh tật của ngài trước hết hơn hẳn các việc khác, chính là việc đi theo Đức Kitô và công bố ơn cứu độ cách cụ thể: “Tôi thấy mình mắc nợ và là tù nhân của một mình Đức Kitô”[39]. Trong mọi việc ngài làm, bao giờ ngài cũng nhìn con người trong sự toàn diện của họ gồm cả hồn lẫn xác; đặt sự toàn diện này vào trong chính trọng tâm của các mối quan tâm của ngài, bằng chứng của việc này được thể hiện trong những lời kết thúc các thư ngài viết: “Gioan Thiên Chúa khát khao ơn cứu độ cho mọi người hệt như khao khát cho mình vậy”.

2.3.2.3. Thực hành việc tin mừng hóa của thánh Gioan Thiên Chúa

Một cái nhìn ngắn gọn về một ít gương sáng cụ thể từ cuộc sống của ngài cho thấy công việc tin mừng hóa thường xuyên của ngài.

  • mỗi thứ Sáu ngài đều đi thăm các cô gái điếm để loan báo Tin Mừng cho họ;
  • ngài tổ chức các bài giáo lý cho trẻ em và bệnh nhân trong bệnh viện của ngài.
  • ngài tham gia chăm sóc về mặt tôn giáo cho người bệnh và tham gia vào việc ban các bí tích cho họ.
  • mỗi chiều ngài thăm viếng bệnh nhân để đem cho họ niềm an ủi về tinh thần và thể xác;
  • ngài hiến mình làm người hướng đạo thiêng liêng cho những ai muốn (ngài hướng dẫn Luis trong việc phân định ơn gọi; ngài khuyên Guttierrez Lasso liên quan tới những công việc gia đình; ngài thường đưa ra những lời khuyên về mặt thiêng liêng cho Nữ Bá Tước, như ta thấy trong các thư của ngài);

Ngài đến với mọi người cần sự trợ giúp, những lời khuyên bảo và hướng dẫn, cố nhận ra và đáp lại mọi thứ nhu cầu; dù bị bao vây bởi những mối bận tâm của mình và không còn thì giờ, nhưng ngài chưa bao giờ để ai phải ra về mà không an ủi họ trước[40].

2.3.2.4. Hành động có tính ngôn sứ của thánh Gioan Thiên Chúa

Một trong những đặc tính nguyên thủy nhất của Tính Trợ Thế của thánh Gioan Thiên Chúa đó là tính ngôn sứ[41], việc dấn thân cho người nghèo và người bệnh cách tự phát, mạnh mẽ, vô điều kiện, không ngần ngại và trì hoãn của ngài tạo nên một sự trợ giúp cụ thể và lôi cuốn sự chú ý của con người. Với sự không mệt mỏi, vượt sức bình thường của ngài, công việc nhân danh Đức Kitô là tất cả những ai bị xã hội khinh khi và bị buộc phải sống trong những điều kiện phi nhân đã tạo nên một khuôn mẫu mới cho việc chăm sóc những người nghèo túng. Với những hành động Trợ Thế của ngài, ngài đã biến đổi lương tâm đang bị khủng hoảng của xã hội, khi tạo nên những phương tiện mới cung cấp việc nâng đỡ nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại vì lợi ích của người nghèo và những người bị loại ra bên lề xã hội.

2.3.3. Các nhân đức: Tin, Cậy, Mến

Thánh Gioan Thiên Chúa thực hiện ơn gọi bằng đức cậy và đức mến.

  • “Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự thuộc thế gian này” là những lời được sử dụng vào lúc khởi sự các lá thư của ngài, những lời ấy cho thấy đức tin mạnh mẽ của ngài. Sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa là một thực tại lúc nào ngài cũng cảm được và là sự hiện diện quyết định lối sống hằng ngày của ngài.
  • “Thư này sẽ cho anh em biết tôi đang ở trong tình trạng ngặt nghèo và nghèo túng ra sao (tuy tôi vẫn tạ ơn Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô vì mọi sự), vì như anh, người anh em thân thương và yêu quí nhất của tôi trong Chúa Giêsu Kitô, phải biết, quá nhiều người nghèo khó kéo đến đây đến độ thường cả tôi nữa tôi sợ rằng ta sẽ không thể chăm sóc tất cả mọi người trong họ được; tuy nhiên, Đức Kitô luôn để mắt đến mọi sự và cung cấp lương thực cho họ[42]. Niềm trông cậy và sự tín thác vô bờ vào Thiên Chúa đã nắn đúc nên cuộc đời ngài.
  • “Bao giờ cũng phải có bác ái, vì ở đâu không có bác ái, ở đó không có Thiên Chúa – dù Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”[43]. Tình yêu Thiên Chúa và đồng loại là sức mạnh thôi thúc và cùng đích của đời ngài.

2.3.4. Đoàn sủng của thánh Gioan Thiên Chúa và Gia Đình Trợ Thế

Lối sống của ngài đã tạo ra sự kinh ngạc nhưng cũng tạo ra sự ngưỡng mộ và nhiệt thành; cuối cùng, ngài cũng có được nhiều ân nhân, bạn hữu và những bạn đồng hành đầu tiên. Từ nhóm nhỏ ban đầu này, Hội Dòng đã phát triển và tiếp tục hành động theo tinh thần của ngài: “Anh Em ta đón nhận mọi người nghèo không trừ ai, với lòng bác ái và quảng đại cao và đón nhận bất cứ ai là ngoại quốc hay bản xứ, bất kể có chữa trị được hay không, là người tỉnh táo hay mất trí, trẻ em và trẻ mồ côi. Và họ làm điều ấy theo gương thánh Gioan Thiên Chúa, đấng sáng lập của họ[44].

Đoàn sủng và sứ mạng của Hội Dòng tiếp tục phát triển bao năm tháng theo đường hướng ấy. “Vì ân sủng này, ta được hiến thánh bằng hành động của Chúa Thánh Thần, một sự thánh hiến làm cho ta tham dự cách đặc biệt vào tình yêu nhân từ của Thiên Chúa Cha. Kinh nghiệm này truyền thông cho ta những thái độ của lòng trìu mến và bỏ mình, khiến ta có thể thực hiện sứ mạng loan báo và đem lại Nước Thiên Chúa nơi người nghèo khó, bệnh hoạn, biến đổi sự sống ta và kinh nghiệm ấy cũng làm cho cuộc sống ta thể hiện tình yêu đặc biệt Thiên Chúa Cha dành cho những người yếu hèn nhất, những người ta đang cố cứu chữa theo gương Chúa Giêsu”[45].

Và một lần nữa, “kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương cách nhân từ này đưa Anh Em ta đến chỗ hiến mình cho Thiên Chúa trong việc phục vụ bệnh nhân và những người nghèo túng. Sứ mạng tông đồ là mục đích đặc biệt của Hội Dòng, được thực hiện với và nhờ việc  chăm sóc những người nghèo túng cách toàn diện”[46]. “Được kêu gọi làm cho Hội Thánh hiện diện nơi những người bệnh hoạn và nghèo túng, ta mở lòng ra cho mọi hình thức khổ đau theo tinh thần của đấng Sáng Lập”… [47].

Anh Em ta chia sẻ đoàn sủng Trợ Thế với các Cộng Tác Viên của mình: “Trợ Thế theo cách của thánh Gioan Thiên Chúa vượt ra khỏi những giới hạn của các Anh Em đã tuyên khấn của Hội Dòng. Ta nâng cao tầm nhìn của Hội Dòng với tư cách là “Gia đình Trợ Thế của thánh Gioan Thiên Chúa” và ta đón tiếp, như ân sủng của Chúa Thánh Thần trong thời đại ta, khả năng chia sẻ đoàn sủng, linh đạo và sứ mạng của ta với các Cộng Tác Viên, bằng cách nhìn nhận phẩm chất và tài năng của họ”[48].

2.3.5. Việc tin mừng hóa nhờ tinh thần trợ thế: dụ ngôn người Samarita nhân hậu

Việc tin mừng hóa nhờ Tinh Thần Trợ Thế là nét đặc trưng của Hội Dòng. “Tinh Thần Trợ Thế được thực hành theo cách của thánh Gioan Thiên Chúa chính là việc tin mừng hóa”[49].

Dụ ngôn người Samarita Nhân Hậu (Lc 10, 29 – 37) tạo nên nền tảng Kinh Thánh của Tinh Thần Trợ Thế và việc tin mừng hóa đặc biệt của tinh thần ấy.

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."  (Lc 10, 29 – 37).

2.3.5.1. Thắc mắc về người đồng loại.

Dụ ngôn này cung cấp cho ta hàng loạt những động cơ rất quan trọng. Trong khi khái niệm về “người đồng loại” của ta, cho tới khi ấy, chủ yếu đã ám chỉ tới những đồng bào dân Israel và những ngoại kiều đã định cư trong đất Israel, và do đó cũng ám chỉ tới cộng đoàn toàn quốc thể hiện tình liên đới, từ đó trở đi, giới hạn ấy đã bị xóa bỏ. Bất cứ ai cần đến tôi đều là đồng loại của tôi nếu tôi có khả năng giúp đỡ. Khái niệm về người đồng loại của ta hiện cũng đã được khái quát hóa và vẫn còn là một thực tại cụ thể[50].

Đồng thời ta cũng được lôi kéo chú ý đến việc người Samarita ấy có một “người đồng loại”[51]. Không chỉ người cần sự trợ giúp mà cả – và nhất là – người có tiền năng giúp đỡ, người bị thách đố bởi các nhu cầu của tha nhân, không chỉ có thể mà còn phải hành động như “một người đồng loại”. Những ai coi những người nghèo túng là anh, chị em mình đều nhận ra họ, nhìn họ và phục hồi nhân phẩm họ, giúp họ đứng trên hai chân họ, bày tỏ mối quan tâm đối với lợi ích của họ, coi những người túng quẫn như những người đồng loại bằng việc trở nên một người đồng loại với họ. Việc để ý đến những tiếng kêu cứu của những con người thời đại trở nên khẩn cấp hơn  bao giờ trước đây, bất kể có được lắng nghe hay đã bị bóp nghẹt, và dừng lại để chăm sóc họ. Vì chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo túng: kẻ đói, người khát, người khách lạ, trần truồng, đau ốm và tù tội. “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây là các ngươi làm cho chính ta” (Mt 25, 40). Lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại nẩy sinh từ đó: trong những người nhỏ bé nhất, ta gặp được chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu ta gặp được chính Thiên Chúa[52].

2.3.5.2. Một tâm hồn nhìn thấy

Dụ ngôn này – trích lời của đức giáo hoàng Benedicto XVI – “vẫn còn là một tiêu chuẩn đặt ra cho một tình yêu phổ quát đối với những người nghèo túng ta “tình cờ” bắt gặp, bất kể họ là ai”[53]. “Chương trình của người Samarita Nhân Hậu, chương trình của chính Chúa Giêsu – là “một tâm hồn nhìn thấy”[54].

Người khách bộ hành rơi vào tay kẻ cướp ấy tượng trưng cho tất cả những ai thấy mình trong tình trạng nghèo túng về tinh thần và thể xác hoặc đau khổ. Vì thế, “nơi đâu có nghèo đói, bệnh hoạn hoặc đau khổ, nơi ấy có một chỗ riêng để ta, những Anh Em của thánh Gioan Thiên Chúa thực hành và sống Tin Mừng của lòng thương xót”[55]. Có lẽ ta không ngoảnh mặt làm ngơ trước những người khốn khổ, vì bất kỳ lý do gì nào và không vì bất cứ ai khác, như thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn. Thầy tư tế và Lêvi ấy là nô lệ cho một niềm tin rằng ai đụng vào một người mang thương tích, cúi xuống trên người bị sa xuống bùn đen, để mặc cho định mệnh quyết định, đều “bị nhiễm uế”.

Dụ ngôn này cho thấy cách hùng hồn lòng đạo đức, khi bị hiểu lầm chỉ còn là việc giữ các luật bên ngoài, có thể đưa tới một tâm hồn chai đá ra sao[56]. Người Samarita Nhân Hậu dạy ta ngược lại. Đó là quan tâm tới người bị thương tích trước các quyền lợi của bản thân, khắc phục sợ hãi và miễn cưỡng. Việc được là thành viên của một nhóm dân tộc hoặc niềm tin đặc biệt nào đó, các qui tắc, vai trò v.v. đều phải đặt ở vị trí thứ yếu  khi tôi gặp một người đang cần sự giúp đỡ. Trong trường hợp này, ta phải chứng tỏ rằng ta có một tấm lòng và có sự cam đảm, khi bẻ gãy các qui luật của lối suy nghĩ thông thường.

2.3.5.3. Công việc của người Samarita: chăm sóc con người toàn diện

Trong lãnh vực này, đức Gioan Phaolô II nói: “Ta có thể nói rằng Con Người trở thành con đường của Hội Thánh cách đặc biệt khi đau khổ đi vào trong đời họ”[57]. Trong sự phát triển của Hội Thánh, việc chứng kiến tha nhân đau khổ thường khơi lên nơi con người lòng yêu thương, trắc ẩn và những hành vi phụ giúp và cứu giúp[58]. Người Samarita Nhân Hậu là một bằng chứng hùng hồn của việc ấy. Ông là mẫu mực của mọi hình thức chăm sóc và trợ giúp, cho mọi người, nhân danh những người nghèo túng và khổ đau. Hơn nữa, việc cứu giúp xuất phát từ một người Samarita cũng cho thấy rõ ràng tính bất khả phân chia của việc chăm sóc thể lý và tâm lý.

Do không sợ phải tránh đụng chạm với những người không may, lại còn xoa dịu thương tích của người ấy, người Samarita Nhân Hậu, nhờ đến với người ấy cách tự nhiên, đã phục hồi phẩm giá và giá trị cho người ấy. Vì khi chăm sóc tha nhân như thế, người ấy đã thấm đẫm xác tín rằng con người có một phẩm giá bất khả chuyển nhượng và như thế việc tôn trọng phẩm giá ấy là một cái gì đó thuộc nội tâm con người.

Sự chú ý như thế trả lại cho những ai đang tàn lụi trong bùn lầy chính điều họ đã bị không chỉ kẻ cướp thôi mà cả thầy tư tế và Lêvi đánh cắp: giá trị của họ. Cũng như việc chữa trị đơn giản là rượu và dầu có tác dụng chữa lành thương tích thể lý thế nào thì hành vi đón nhận sự quan tâm và tình yêu thương vô vị lợi cũng đem lại tiến trình chữa lành bên trong, phục hồi lòng tự trọng và tôn trọng tha nhân như thế[59].

2.3.5.4. Hãy đi và hãy làm như thế: Tinh Thần Trợ Thế trong cương vị là việc tin mừng hóa.

Dù đây là việc phục vụ chủ động mà đối tượng hàng đầu là lợi ích của người nghèo túng, và “những người thực hành bác ái nhân danh Hội Thánh sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của Hội Thánh lên người khác” và “Kitô hữu biết rằng khi nào là lúc có thể nói về Thiên Chúa và lúc nào là lúc không nói gì thì tốt hơn và để cho tình yêu tự động lên tiếng” [60] nhưng hành vi này tự bên trong bao giờ cũng bao hàm một yếu tố thiêng liêng và có tính tin mừng hóa.

Vì việc phục vụ tình yêu, đồng nghĩa với Tinh Thần Trợ Thế, bao giờ cũng làm cho thành hữu hình và cụ thể sứ điệp về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa cho những phụ nữ bị hành hạ và bao giờ cũng chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn luôn là người bảo đảm phẩm giá bất khả nhượng của con người, là những người ta cần bảo vệ, tôn trọng và phục hồi sức khỏe cho, bất cứ khi nào họ bị chống đối. Và Thiên Chúa của Sự Sống luôn ban ơn cứu độ cho toàn nhân loại bằng cách giúp họ có thể để cho ơn cứu độ này và để cho chính Thiên Chúa “đụng đến” mình.

Tinh Thần Trợ Thế, vì là việc phục vụ đồng loại, với tất cả sự đa diện của nó, bao giờ cũng tán thành sự thích hợp liên quan tới Tin Mừng Tình Yêu, như chính Chúa Giêsu đã thực hành và đã tóm tắt trong dụ ngôn người Samarita Nhân Hậu. Việc phục vụ của người Samarita Nhân Hậu chứng tỏ rằng “tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng tá tuyệt hảo cho Thiên Chúa, Đấng ta tin…” vì “Thiên Chúa là tình yêu và ta cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ khi nào điều duy nhất ta làm là yêu thương”[61].

Trong dụ ngôn người Samarita Nhân Hậu, ta tìm được chính Chúa Giêsu, vì Người là người Samarita đích thật, là Người mà, qua lối sống mình, đã chọn đứng về phía những người bị áp bức, bị hất ra bên lề xã hội, và bị tước quyền thừa kế. Việc nói về tình yêu Thiên Chúa trở nên hành động thường xuyên của cuộc đời Chúa Giêsu[62].

“Hãy đi và hãy làm như vậy! Bắt đầu là những người không có ai và những người đã bị tước mất hết bản tính con người và phẩm giá” :  đây là điều răn Chúa Giêsu để lại những người thuộc về Người, là những người đã nhận ra rằng Thiên Chúa là tình yêu.

Theo cách này, tình yêu dành cho đồng loại, được thực hành theo nghĩa Trợ Thế, trở thành việc tin mừng hóa. Quả thế, đối với nhiều người, đó sẽ là “quyển ‘Kinh Thánh’ duy nhất họ sẽ không ngừng đọc”[63].

2.3.6. Kết Luận

Việc chăm sóc mục vụ tập trung chung quanh khuôn mặt của thánh Gioan Thiên Chúa và Đoàn Sủng của Hội Dòng, vì thế, có nghĩa là:

  • thể hiện tình yêu giải thoát và nhân từ của Thiên Chúa đối với nhân loại nhờ lới nói và việc làm;
  • thực hành việc trợ thế chính là việc tin mừng hóa;
  • coi nhân loại nghèo túng và đau khổ như con đường cho mọi hành động của ta;
  • Khám phá và bảo vệ phẩm giá của mọi người và tái thiết phẩm giá ấy ở những nơi đã bị tổn hại;
  • khám phá và gặp gỡ chính Đức Kitô trong mọi người (Mt 25)
  • bày tỏ tình liên đới với mọi người đau khổ
  • bảo vệ những người túng quẫn bằng thái độ có tính ngôn sứ;
  • Hãy đi và làm như vậy! Đến với mọi người nghèo túng cách can trường, không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ và để cho những người nghèo túng ấy đụng đến mình và kéo mình gần với họ, như người Samarita Nhân Hậu đã làm (Lc 10, 25 – 37) theo súng lệnh của thánh Gioan Thiên Chúa “Hãy để tâm hồn ra lệnh!”
  • Thiên Chúa tình yêu của ta và tình yêu của ta dành cho đồng loại chỉ có thể được loan báo cách uy tín khi bằng chứng của tình yêu ấy được kiên trì thực hiện.
  • cố gắng khám phá ra những dấu vết của sự hiện diện của Thiên Chúa và đánh giá các dấu vết ấy, trong mọi hoàn cảnh của con người và trong mọi cuộc gặp gỡ con người;
  • cho đi cách quảng đại những gì đã lãnh nhận;
  • coi sức khỏe toàn diện của mọi người là mục đích của ta;
  • Mọi Kitô hữu đều được mời gọi có một vai trò trong việc mục vụ này.

2.4. VIỆC ĐỒNG HÀNH MỤC VỤ, MỘT QUYỀN CĂN BẢN

Tất cả những người ta chăm sóc đều được hưởng quyền căn bản là việc đồng hành mục vụ và được nâng đỡ, bất kể họ theo tôn giáo nào hoặc theo quan niệm sống nào. Điều này cũng áp dụng cho cả các thân nhân của những người ta chăm sóc và cho mọi cộng tác viên tại các Trung Tâm của Hội Dòng ta.

“Ta phải quan tâm đến các nhu cầu thiêng liêng của mọi bệnh nhân và những người bị hất ra bên lề xã hội, tôn trọng họ và tự do của họ, mà không cố ra vẻ những anh hùng hoặc những người ban phát và cho họ những gì họ cần theo mức độ ta có thể”[64]. “Việc chăm sóc mục vụ như thế phải được cung cấp bởi những chuyên viên chăm sóc mục vụ điêu luyện, những người có thể đem lại sự trợ giúp thiêng liêng cho bệnh nhân/thân chủ, gia đình họ và các cộng tác viên, bất kể niềm tin tôn giáo của họ”[65].

Vì phải đương đầu với một hoàn cảnh ban đầu rất khác biệt và phức tạp, một hoàn cảnh mà mọi chăm sóc mục vụ của ta đều phải chú ý, nên bất cứ việc chăm sóc mục vụ nào do Kinh Thánh gợi hứng và gắn chặt vào Kitô giáo, tôn trọng tự do và hoàn cảnh sống đích thật của mọi cá nhân, sẽ đều phải cố khám phá ra các tài nguyên thiêng liêng cần thiết hầu có thể đem cho họ sự trợ giúp và nâng đỡ cụ thể trong đức tin và cuộc sống.

2.5. BẢN TÓM TẮT

Ngày nay, việc đồng hành mục vụ phải được cung cấp nhờ “việc tiếp xúc” (theo từ nguyên học có nghĩa là việc đụng chạm và được đụng chạm). Những người chăm sóc mục vụ phải được tình yêu Thiên Chúa đụng chạm tới và theo cách thức trong đó tình yêu Thiên Chúa có được hình thức cụ thể trong lịch sử, ví dụ như đã được thể hiện nơi thánh Gioan Thiên Chúa. Họ cũng phải để cho các nhu cầu thiêng liêng và việc tìm kiếm mà nhân loại đương thời đang tham gia cũng như các mối bận tâm và nhu cầu bản thân đụng đến họ.

Cuối cùng, họ phải thiết lập sự tiếp xúc với nhân loại đương thời sao cho họ sẽ nhạy cảm với nhân loại ấy nhờ ngôn từ của cuộc sống và đụng chạm tới nhân loại ấy và liệu sao cho ngôn từ ấy có thể mọc lên. Vì được sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa dành cho toàn nhân loại như đã được thể hiện trong lịch sử và trở thành hữu hình trong Đức Giêsu Kitô đụng tới, nên ta phải truyền lại sứ điệp về “sự sống dồi dào” này cho mọi người trong những thực tại hiện sinh của họ. Những người nghèo túng và đau khổ chính là con đường của việc chăm sóc mục vụ.

Được gương sáng của thánh Gioan Thiên Chúa, đấng đã hiến mình cách tuyệt đối để đem ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác của mọi người nghèo túng, đánh động, ta cũng phải hiến mình, mà không sợ tiếp xúc, cho mọi người đang tìm kiếm, cho mọi người đang cần đến sự chăm sóc toàn diện để đến gần những người nghèo túng theo gương người Samarita Nhân Hậu (Lc 10, 25 – 37), hoặc nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan Thiên Chúa, “Hãy để cho con tim ra lệnh!”

Nói cách khác, chăm sóc mục vụ nhắm đến con người trong tính toàn diện của họ, ấp ủ họ trong mọi chiều kích của họ với tất cả những cái dễ yêu và dễ ghét của họ trong “mối tương quan đích thật họ có với chính mình, với môi trường và với Thiên Chúa, nhưng nhất là mối tương quan tiềm năng của họ”[66].

Vì thế, việc chăm sóc mục vụ không chỉ bao gồm việc loan báo và phụng vụ mà còn bao gồm mọi lãnh vực hoạt động của đức bác ái và phục vụ (đa chiều kích). “Phương pháp mục vụ”[67] này bao giờ cũng là một phương pháp nhìn toàn bộ con người với những niềm vui và nhu cầu của họ. Không việc phục vụ nào (từ việc chăm sóc vệ sinh tới việc tư vấn liên quan tới sự tồn vong của con người) có thể có được một phẩm chất mục vụ trừ phi việc ấy được nêu ra với nhận thức rằng người ta đang chăm sóc và thương cảm một con người  toàn diện[68].

Vì bị đánh động bởi sự đau khổ của quá nhiều con người đang tham gia vào việc tìm kiếm  thiêng liêng, những người đang cảm thấy trống rỗng, bực bội, mất hướng v.v., nên ta được mời gọi đến gần họ cách nhạy bén và khéo léo để giúp họ khám phá ra mầu nhiệm cuộc sống của họ.

Thừa tác vụ mục vụ này có tính ngôn sứ và lên tiếng tại những nơi phẩm giá con người đang bị nguy hiểm, dấn thân cho công bằng xã hội và chấp nhận thách đố không ngừng canh tân để đáp lại những nhu cầu và những hoàn cảnh ngày một đa dạng của thời đại này.

Chăm sóc mục vụ loại này sẽ cố khám phá và bảo vệ phẩm giá của mọi người và cố xây dựng lại phẩm giá ấy tại những nơi đang bị xúc phạm.

Xác tín mạnh mẽ rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu đưa người ta đến ơn cứu độ, ta ao ước làm cho người ta có thể tiếp xúc với ơn cứu độ ấy, cách cảm thông và tôn trọng, nhờ chứng tá đời sống và chứng tá lời nói, như nền tảng của bất cứ tiến trình tin mừng hóa nào. Và trong tất cả điều ấy, con đường tin mừng hóa đặc biệt Hội Dòng phải theo đuổi chính là con đường Trợ Thế.

Từ mục đích này, ta phải tạo ra và không ngừng tạo đi tạo lại những cơ hội trong những hoàn cảnh trong đó, con người có khả năng thiết lập được sự tiếp xúc với những điều thánh thiêng và với Tin Mừng.

Công việc mục vụ không có tính xâm lược cũng không có tính cha chú, nhưng luôn đặt tin tưởng vào sức mạnh của sứ điệp công việc ấy đem lại và vào sức mạnh của việc gặp gỡ nhân loại. Đây là là cách duy nhất có thể mở tung sức mạnh đốt cháy tâm hồn con người.

Việc chăm sóc mục vụ của ta nổi bật lên vì sự nhạy bén, kiên trì và sẵn sàng lắng nghe của ta và vì việc ta cùng lên đường với những người liên hệ và đi ra để tìm kiếm họ.

Trong việc mục vụ ta được nâng đỡ nhờ sự tin tưởng rằng nhân loại phải hành động, hoặc gieo vãi, nhưng trước hết chính Thiên Chúa mới là Đấng đụng chạm đến tâm hồn con người trước mọi nỗ lực của con người và là Đấng đem lại sự phát triển và sinh hoa kết trái cho hạt giống.

Vì lý do đó, việc chăm sóc mục vụ của ta cách đặc biệt nằm trong sức mạnh của sự im lặng và cầu nguyện.

Việc chăm sóc mục vụ của ta có những giới hạn (việc đồng hành bị giới hạn vào thời gian và các giai đoạn) vì thế luôn nhìn lên Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng, trong cách chăm sóc riêng của Người, một cách chăm sóc không khi nào xâm chiếm, luôn đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh và nhất là, đồng hành với họ vào những lúc đau khổ và chết chóc. Với phương pháp và thái độ này, thừa tác vụ mục vụ của ta mở con người ra cho chân trời hy vọng: khởi sự từ Thiên Chúa và dẫn đến cùng Thiên Chúa.

Trích: Tài Liệu Mục Vụ Chăm Sóc Bệnh Nhân Theo Phong Cách Thánh Gioan Thiên Chúa – Chương II.

[1] MAUER bởi REBER, J. trích dẫn Spiritualitat in sozialen Unternehmen, Stuttgart 2009, tr. 31.

[2] REBER, J., loc.cit., tr. 31.

[3] Đức giáo hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu 17.

[4] WINDISCH, H., Inspirierte Seelsorge, trong: Anzeiger fur die Seelsorge 12/2007, Freiburg i. Br., tr. 16.

[5] Gioan Phaolô II, Salvifici Doloris, về ý nghĩa Kitô giáo của những đau khổ của con người số 16.

[6] SD 20.

[7] SD 19

[8] REUTHER, HJ.,  Heilsame Seelsorge trong:  Behinderung und Patoral Nr 3/2003, Arbeitsstelle Pastoral fur Menschen mit Behinderung der Deutschen Bischofskonferenz, tr. 4.

[9] BAUMGARTNER, I.,  Heilende Seelsorge in Lebenskrisen, Dusseldorf 1992, tr. 48.

[10] WANKE, J., Bilische impulse fur eine missionarische Kirche, trong; Zeichen der heilsamen Nahe Gottes, Festschrift fur Bischof Gebhard Furst, Ostfildern 2008, tr. 20.

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum)  4.

[12] NAUER, D., Seelsorge, trong Anzeiger fur die Seelsorge 1/2009 Freiburg i.Br. S., tr. 35; KNOBLOCH, S., Seelsorge – Sorge um den Menschen in seiner Ganzheit, trong HASLINGER, H., (Hrsg): Handbuch zur Praktiischen Theologie, Bd. 2, Mainz 2000, tr. 46.

[13] Hiến chương Trợ Thế, Rôma, 2000, 8.2.

[14] Brothers and Co-workers together to serve and promote life, Rome 1991, 89.

[15] Benedict XVI, Spe Salvi, 6.

[16] REBER, J., loc. Cit., tr. 33.

[17] Công Đồng Vatican II , Hiến chế tín lý về Giáo Hội - Lumen Gentium 35

[18] LG 4

[19] Phaolô VI, Tông Huấn loan báo Tin Mừng- Evangelii Nuntiandi (EN) 18.

[20] EN 52.

[21] TROCHOLEPCZKY, B., Evangelisierung, trong:  BAUMGARTNER, K/SCHEUCHENPFLUG,P. (Hrsg), Lexikon der Pastoral Bd. I, Herder 2002, tr. 421. EN 52.

[22] EN 52

[23] DIE DEUTSCHEN BISCHOFE NR 68, “Zeit  zur AussaatMissionarisch Kirche sein, Bonn 2000 (DBK), III. I (GERMAN BISHOPS’ CONFERNCE (DBC) Time to sow, for a missionary Church, Bonn 2000, (CET), III. I.

[24] WANKE, J., loc.cit., tr. 16.

[25] LG 35.

[26] EN 21

[27] FUCHS, o., Heilen und befreien, Dusseldorf, 1990, S. 86 (Salvare e Liberare, Dusseldorf, 1990, tr. 86).

[28] EN 22.

[29] BCG số 68, III, 2

[30]  Hiến Pháp, năm 1984, số 45a

[31] HASLINGER, H.,  ed. Handbuch zur Praktischen Theologie, Bd. 2, Mainz 2000, tr. 1601.

[32] GBC số 68, II (sự thanh thản)

[33] Giám mục FURST, G.,  được TRIPP. W., trích dẫn  “Geh und handle genauso”, trong Zeichen der heilsamen Nahe Gottes, Festschrift fur Bischof Gebhard Furst, ostfildem 2008, tr. 487.

[34] WANKE, J., loc. Cit., tr. 20.

[35] Thánh Gioan Thiên Chúa, Thư thứ hai gửi cho Gutierrez Lasso (2GL) 8

[36] Chiều kích Truyền giáo của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa (MD) Rome 1997, 37.

[37] GIOAN THIÊN CHÚA , thư thứ nhất gửi Bá Tước Sessa (1 DS) 13.

[38] 1 DS 17.

[39] 2 GL 7.

[40] Fancisco de CASTRO,  Tiểu sử về cuộc sống và công việc của Gioan Thiên Chúa  , Ch. XVI; MD 5. 11

[41] Hiến Chương, 3.1.7.

[42] 2GL3.

[43] GIO AN THIÊN CHÚA , thư gửi  Luis Bautista (LB) 15.

[44] Hiến Chương  chương Trợ thế 3.2.1.

[45] Hiến Pháp, 1984, 2.

[46] Các Tu huynh và Cộng tác viện cùng nhau phục vụ và cổ võ sự sống, Rôma, 1991, 15.

[47] Tổng Qui, 2009, 18.

[48] GS, số 20

[49] Tu huynh Donatus FORKAN, Thay đổi bộ mặt Hội Dòng, 2009, 1.3.

[50] DCE 15

[51] Hiến Chương Trợ thế, 2.3.4.; TRIPP, W., loc.cit., tr. 468.

[52] DCE 15

[53] DCE 25b

[54] DCE 31b

[55] Hiến Chương Trợ thế, 4.1.3

[56] X. BAUMGARTNER, I., loc.cit. tr. 50ss. 

[57] SD 3

[58] SD 29

[59] X. BAUMGARTNER, i., loc.cit., tr. 52.

[60] DCE 31c

[61] DCE 31 c

[62] X. BAUMGATNER, I., loc.cit., tr. 53.

[63] Tu huynh Donatus FORKAN, Thay đổi bộ mặt Hội Dòng, 1.3

[64] Hiến Chương Trợ thế, 5.1.3.2

[65] Tổng Qui, 2009, Tài Liệu của Tổng Công Hội LXVI, Instrumentum Laboris, 2.17p

[66] KNOBLOCH, S., loc.cit., tr. 35.

[67] REBER, J., loc. cit., tr. 25

[68] REBER, J., loc. cit., tr. 25