Lương tâm và sự ngay thẳng đạo đức

LƯƠNG TÂM VÀ SỰ NGAY THẲNG ĐẠO ĐỨC

Tính Ngay Thẳng Là Một Dự Phóng Hiện Sinh

Sống phù hợp với những giá trị tạo thành nhân vị: "Tính ngay thẳng" là thuật ngữ để nói về phẩm chất đạo đức của một con người có các hành vi phù hợp với những nguyên tắc và những giá trị tinh thần mà họ nhìn nhận: "operari sequitur esse" (bản chất thế nào thì hành động như thế).

Tính ngay thẳng hay chính trực này đòi hỏi một quả tim không chia cắt, sự lương thiện và trung thực trong mọi hành động và luôn luôn trung thành giữa những khó khăn và thử thách. Người chính trực là người sống phù hợp với giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như thày đã yêu thương anh em."

Sự thống nhất giữa trí khôn và con tim, sự nhất quán giữa tình cảm và hành động đòi hỏi cả một tiến trình trưởng thành khá lâu dài về nhân bản, tâm lí và thiêng liêng tùy theo mỗi cá nhân, mức độ ơn gọi phục vụ của họ và sự đáp trả quảng đại của họ. Tạo được sự hài hòa giữa hành động và sự kết hợp với Thiên Chúa theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa là nhiệm vụ của cả một đời người.

Nếu chúng ta hành động chỉ vì hay chủ yếu vì lợi ích của xã hội, hiệu quả và năng suất, mà gạt bỏ chiều kích chứng tá tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, thì chúng ta đang hành động ngược với sự ngay thẳng và chính trực của mình như một dự phóng hiện sinh, và các hành vi cũng như việc làm của chúng ta không còn mang sức mạnh Tin Mừng hóa như nó phải có. Nếu một người là chính trực, người ấy chính trực vì bản chất con người họ chứ không phải vì điều họ nói hay làm.

Con người là chứng tá cho sự siêu việt của tình yêu.

Ơn gọi của con người là đạt được sự sống Thiên Chúa: "Irrequietum est cor nostrum donec requiescat in Te" ("Lòng chúng con không bao giờ được yên cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài.") Làm môn đệ của Chúa Giêsu, sự mặc khải viên mãn của Thiên Chúa, chính là con đường để con người đạt tới sự sung mãn của nhân vị mình. Làm môn đệ Chúa Kitô theo cung cách của thánh Gioan Thiên Chúa tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ nhất, chính là mẫu gương của Dòng Trợ Thế.

Việc hiến mình vô điều kiện cho tha nhân như một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta một mức độ trưởng thành nhân bản và thiêng liêng: cảm nghiệm tình thân mật với Thiên Chúa, nhận ra và cảm thấy chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, hiểu biết mình và chấp nhận mình đúng theo thực chất của mình, đó là những điều kiện cần thiết để đạt đủ mức độ về căn tính, sự tin tưởng và tự do mà việc tông đồ đòi hỏi. Cầu nguyện là cần thiết để kích thích, thống nhất và kết hợp đời thiêng liêng và đời hoạt động.

Kinh nghiệm của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu vô điều kiện của ngài đối với chúng ta cho chúng ta đạt được mức độ tương quan mà chúng ta phải có đối với người nghèo khổ, bẳng cách giúp họ xây dựng đời sống họ, quí chuộng nhân phẩm của họ và bộc lộ cho họ khả năng yêu thương. Kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa giúp người ta khám phá ra ơn gọi của họ là con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng của Chúa Giêsu mặc khải cho con người thân phận của họ như là những con người tự do được kêu gọi để hiệp thông với Thiên Chúa, khơi dậy nơi họ ý thức về chiều sâu của tự do con người: giải phóng khỏi mọi sự nô lệ, giải phóng khỏi tội lỗi, giải phóng để công bố Tin Mừng, giải phóng để lớn lên trong tự do theo Thần Khí.

Lương Tâm Là Động Cơ Thúc Đẩy Mọi Hành Động của ChúngTa

"Tự đáy lương tâm mình, con người khám phá ra một luật không phải tự họ đặt ra, nhưng bắt họ phải vâng phục. Luôn luôn kêu gọi con người làm lành lánh dữ, khi cần, tiếng lương tâm nói với quả tim của họ: hãy làm cái này, hãy tránh cái kia. Bởi vì con người có một luật của Thiên Chúa viết trong quả tim của họ; vâng nghe luật đó chính là phẩm giá của con người; họ sẽ được phán xét theo luật đó". (1)

"Phẩm giá con người bao hàm và đòi hỏi một lương tâm ngay thằng. Lương tâm bao gồm nhận thức về các nguyên tắc luân lí (lương tri); áp dụng những nguyên tắc này vào những hoàn cảnh cụ thể bằng việc phân biệt thực tiễn về các lí do và các điều thiện; và sau cùng là phán đoán về các hành vi cụ thể còn phải thực hiện hay đã thực hiện. Chân lí về điều thiện luân lí được phát biểu trong luật của lí trí được nhìn nhận một cách thực tiễn và cụ thể bởi phán đoán hiện tại của lương tâm. Chúng ta gọi một người là khôn ngoan khi người đó biết hành động phù hợp với phán đoán này của lương tâm." (2)

"Con người có quyền hành động theo lương tâm và tự do để tự mình làm những quyết định luân lí. Họ không thể bị ép buộc hành động ngược lại lương tâm của họ. Cũng không thể cấm họ hành động theo lương tâm, đặc biệt trong các vấn đề về tôn giáo." (3)

Trong việc đào luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta; chúng ta phải hấp thu Lời Chúa trong đức tin và cầu nguyện, và đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải tra xét lương tâm mình trước Thánh Giá Chúa. Chúng ta được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, của chứng tá hay lời khuyên của người khác, và được hướng dẫn bởi giáo huấn của Hội Thánh.

Sự suy tư cá nhân và cộng đoàn, mà các Uỷ ban Đạo đức là một trong số các biểu hiện của nó, có thể soi sáng cho những vấn đề khó khăn mà các luật được phát biểu bởi Huấn Quyền của Hội Thánh không nói rõ. Trình độ chuyên môn, lòng tôn trọng và tuân theo Huấn Quyền, và tinh thần đối thoại, là những yếu tố tiên quyết để tìm ra những đường lối hành động đặc biệt phải theo trong trường hợp xung đột mà cần phải đánh giá bậc thang các giá trị mâu thuẫn nhau.

Vì những vấn đề đạo đức quan trọng nhất của luật tự nhiên không được thiết lập một cách minh nhiên trong Kinh Thánh, nên cần phải lưu tâm nhiều hơn đến một nền tảng thuyết phục và hợp lí mà không chỉ dựa trên quyền bính. Thiếu điều kiện này, con người thời nay sẽ ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc ưng thuận một cách tự do, với ý thức về tính tự trị và trách nhiệm của mình.

Lương Tâm và Sự Ngay Thẳng Đạo Đức

Phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ như một "điều kiện tất yếu" (conditio sine qua non) Từ "tôi tớ" trong cộng đoàn Hội Thánh thời kì đầu đã định nghĩa một cách trang trọng địa vị của người tín hữu như là người vì tình yêu mà hoàn toàn hiến thân phục vụ anh chị em mình. Thái độ này càng được biểu hiện rõ nét bởi cộng đoàn hội thánh trong việc quan tâm và chăm sóc những bệnh nhân và người nghèo khổ.

Thực ra, những bằng chứng đáng tin cậy nhất của quá khứ (lời thề của Asaph, kinh nguyện của Maimonides, v.v...) cũng đã từng nhấn mạnh sự dấn thân phục vụ của những người chăm sóc sức khỏe và chính ý tưởng về phục vụ xã hội hay sức khỏe cũng hiện diện trong nhiều trường phái ý thức hệ và văn hóa. Nhưng chính trong Kitô giáo mà ý tưởng này đã mặc lấy một tầm quan trọng hoàn toàn đặc biệt vì nó nêu lên gương mẫu là việc phục vụ của Chúa Giêsu, người "trợ tá" (diaconus) của Chúa Cha đối với loài người, và người Tôi tớ của Thiên Chúa để phục vụ anh chị em mình. Không phải tình cờ mà thánh Policarpô (cuối thế kỉ I) đã gọi Chúa Giêsu là "trợ tá, và tôi tớ của mọi người."

Chính vì thế mà trong Dòng, vì coi việc trợ thế là đoàn sủng chuyên biệt của mình, nên chiều kích phục vụ trở thành tuyết đối thiết yếu và diễn tả lí do hiện hữu của các công cuộc của Dòng và thái độ nội tâm của những Cộng tác viên tận tuỵ nhất của mình. Trong lãnh vực này tồn tại những ơn gọi khác nhau, và vì thế tính đa nguyên trở thành một nguồn tạo sự phong phú, và các biến cố đời sống cá nhân, các bậc sống, và các môi trường làm việc trở thành biết bao cơ hội để dấn thân cho việc phục vụ. Ở đâu sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân Hội Thánh bao gồm một sự tham gia trực tiếp vào việc chăm lo cho các nhu cầu đời sống của tha nhân, như trong trường hợp Hội Dòng Trợ Thế, thì ở đó việc phục vụ trở thành một đường hướng chuyên biệt để hành động. 

Các mức độ dấn thân của cá nhân trong sứ mạng của Dòng

Các Tu huynh.

Hiển nhiên đây là những người dấn mình một cách triệt để nhất, do lời khấn tu trì của họ. Khấn trong Dòng cũng tương đương với việc sống một nghề ngoài xã hội. Cả hai hoàn cảnh đều đặc trưng bởi ba yếu tố: niềm tin, được tuyên bố công khai và chính thức trong thực tại hiện sinh mà các Tu huynh tự do ôm ấp; tư cách thành viên của một tập thể xã hội đặc thù biến thực tại này thành lí do hiện hữu duy nhất của mình; sự quyết tâm để biểu hiện thực tại được tuyên khấn trong đời sống của họ.

Chiều kích thứ nhất: Niềm tin-liên quan tới bình diện tri thức và chúng ta có thể nói nó được thực hiện bởi "tin vào tính trợ thế." Chúng ta không thể sống và hành động theo phong cách của thánh Gioan Thiên Chúa một cách cụ thể trong việc ôm ấp đặc sủng trợ thế nếu chúng ta không tin vào tính trợ thế này trước hết và trên hết. Nói cách khác, đây là việc canh tân một chứng tá bắt nguồn từ đáy thẳm ơn gọi của một người, được canh tân mỗi ngày và lập lại mỗi ngày lời "thưa vâng" đối với tính trợ thế.

Chiều kích thứ hai: Tư cách thành viên, là về môi trường tương quan, đó là ý thức mình là thành viên và mình thuộc về một tập thể, và chính xác hơn đó là chiều kích cộng đoàn của đời sống chúng ta. Chiều kích cộng đoàn này là sự phản ánh chính yếu của một ơn gọi, mặc dù nó không gạt bỏ chiều kích cá nhân của một vị Thiên Chúa Đấng "gọi chúng ta đích danh từng người", nhưng ơn gọi này được thể hiện trong một cộng đoàn. Hơn nữa, lời đáp của chúng ta bao gồm tư cách thành viên đặc biệt, và tư cách này trở thành một thực tại. Nó bao hàm một tư cách thành viên thực sự của một cộng đoàn: tư cách thành viên trong cơ cấu của Dòng và hành động của nó được diễn tả qua đời sống huynh đệ và qua sự cam kết chung của người Trợ thế.

Sau cùng là chiều kích của sự chọn lựa tự do: Sự dấn thân-được diễn tả qua việc tuyên khấn. Một lần nữa, cần nhấn mạnh đến chiều kích dâng hiến hơn là chiều kích tu đức của các lời khấn, coi các lời khấn như là một "sự hiến tặng" hơn là một "sự từ bỏ". Hiểu như thế, các lời khấn có thể được coi là một tập hợp các giá trị mẫu mực được các Cộng tác viên của chúng ta noi theo, trong đó họ có thể tìm được một chiều kích hiệp thông là điều rộng lớn hơn là chỉ có làm việc chung với nhau.

Nhờ đó, người Tu huynh có thể chia sẻ với người Cộng tác viên giáo dân lời khấn vâng phục của mình như là sự chấp nhận các hoàn cảnh trong đời sống để có thể nhìn thấy ý của Chúa trong những biến cố của đời sống; lời khấn nghèo khó như là sự hiến tặng tất cả những khả năng nội tâm của mình, thời giờ, trí khôn và quả tim; lời khấn khiết tịnh như là sự dâng hiến thể xác mình vànhững nguồn lực riêng của mỗi người trong tư cách một người nam hay một người nữ, và tính trợ thế như biểu hiện của sự rộng mở và phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ.

Các Cộng tác viên giáo dân

Chúng ta có thể bao gồm ở đây tất cả những người làm việc trong các Nhà của Dòng và tham gia vói tư cách "ngoại trú" vào những biến cố và công cuộc được Dòng khởi xướng, và nhờ đó giúp họ theo đuổi các mục đích của họ. "Đương nhiên các mức độ tham gia này rất rộng và đa dạng: có những người cảm thấy gắn bó đặc biệt với Dòng qua linh đạo của Dòng; những người khác thì tham gia trong việc thực thi sứ mạng của Dòng.

Nhưng điều quan trọng là đặc sủng trợ thế mà Dòng nhận được từ thánh Gioan Thiên Chúa phải thiết lập một dây liên kết hiệp thông giữa các Tu huynh và Cộng tác viên để sự hiệp thông này có thể có tác dụng như một sự kích thích và một sự thúc đẩy để cả hai cùng phát huy ơn gọi Kitô hữuvà trở nên một dấu chỉ hữu hình về tình yêu nhân từ của Thiên Chúa đối với mọi người nam cũng như nữ, những người nghèo khổ và cùng quẫn." (4)

Ngoài vấn đề đức tin, các Cộng tác viên trong các Trung tâm của chúng ta đóng một vai trò quyết định trong việc giúp các trung tâm hoàn thành công việc bằng cách trở nên tích cực dấn thân trong sứ mạng. Họ thiết lập một quan hệ với Dòng chủ yếu dựa trên công việc, vì đa số họ là những người làm các việc phục vụ mà Trung tâm cống hiến cho cộng đồng. Do số đông và do cách thức họ thực sự cổ võ và phát triển các Trung tâm, họ có phần đóng góp quan trọng cho các công cuộc của Dòng mà không đòi chia sẻ đặc sủng một cách sâu hơn bằng việc sử dụng những thái độ và phong cách mà họ có thể cảm thấy không thích hợp đối với bậc sống hiện tại của họ.

Nhưng với lòng tôn trọng sự chọn lựa của họ về các giá trị, và không tìm cách gây áp lực trên lương tâm của họ, chúng ta thấy cần cung cấp cho họ mọi phương tiện họ cần để họ có thể bước vào một con đường mà đến lúc thích hợp sẽ có thể dẫn họ tới chỗ tự do chấp nhận một sự dấn thân trực tiếp hơn vào sứ mạng của Dòng.

Các Cộng tác viên nhậy bén và tận tuỵ nhất của chúng ta mà muốn chia sẻ hoàn toàn sứ mạng của Dòng có thể nói một cách chắc chắn rằng họ tham dự vào đoàn sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, đoàn sủng này bao bọc họ và sống trong họ và lan toả trong con người họ không kém gì trong các Tu huynh. Chính vì lí do này chúng ta cũng có thể thiết lập những hình thức hiệp hội đặc biệt của các Cộng tác viên được Hội Thánh nhìn nhận và làm chứng tá trực tiếp hơn về đặc sủng trợ thế trong lối sống giáo dân của họ, nhờ đó góp phần vào việc thể hiện và tái tạo sinh lực cho sứ mạng của Dòng. Trong viễn tượng này, sự hợp tác giữa các Tu huynh và các Cộng tác viên không còn là chuyện may rủi và được chăng hay chớ, nhưng làm cho họ trở thành những thành viên hoàn toàn đích thực thuộc cơ cấu đời sống của Dòng.

Điều này được cảm nhận một cách mãnh liệt trên bình diện Hội Thánh toàn cầu hôm nay: "Ngày nay, thường do hậu quả của những hoàn cảnh mới, nhiều hội dòng đã đi đến kết luật rằng đoàn sủng của họ có thể được chia sẻ cho giáo dân. Vì vậy giáo dân được mời gọi chia sẻ sâu đậm hơn trong linh đạo và sứ mạng của những hội dòng này. Trong ánh sáng của những kinh nghiệm lịch sử, như kinh nghiệm của các hội dòng giáo dân hay dòng ba, chúng ta có thể nói rằng một trang sử mới tràn trề hi vọng đã bắt đầu trong lịch sử các mối quan hệ giữa những người thánh hiến và những người giáo dân." (5)

 CHÚ THÍCH CHƯƠNG 7

(1) VATICANÔ II: Gaudium et Spes, §16.

(2) Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, §1780.

(3) nt., §1782.

(4)     TRỤ SỞ TỔNG QUYỀN, Các Tu huynh Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và các Cộng tác viên Cùng Nhau Phục Vụ Và Phát Huy Sự Sống, §115.

(5) GIOAN PHAOLÔ II, Vita Consecrata (Đời Thánh Hiến), §54.

Trích tài liệu - HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ - CHƯƠNG VII.