Khái niệm về Lòng mến khách
Kinh Thánh Cựu Ước được đặt trong bối cảnh văn hóa của thế giới Sêmít, trong đó có một sự căng thẳng giữa việc tiếp đón khách mà trong lòng vẫn nuôi một mối nghi ngờ nào đó, coi người khách như một "mối đe dọa" đối với cá tính của dân tộc. Trong mọi trường hợp, thái độ chung của Israel đối với người ngoài là coi họ là những ngoại kiều. Ít nhất có ba kiểu nói, cho thấy ba thái độ khác nhau. Thuật ngữ thứ nhất là zar, nghĩa là một người thuộc một chi tộc hay dòng tộc khác, là người xa lạ, và đôi khi là một kẻ thù (Đnl 25:5; G 15: 19; Is 61:5; 25:2-5). Thuật ngữ thứ hai ger chỉ về một người ngoại kiều cư ngụ trong nước (người Israel ở Ai Cập, hay người Canaan ở Israel); và thuật ngữ thứ ba tosab dùng để nói về người ngoại kiều cư ngụ tạm thời ở một nước khác (St 23,4; Dnl 14,21). Việc có những tên gọi khác nhau này cho thấy có sự khác biệt về thái độ đối với người ngoài hay người lạ tùy theo tính chất xa lạ riêng biệt vào mỗi thời. Tóm lại, chúng ta có thể nói Israel đã có một sự phân biệt giữa các dân tộc ngoại bang, những người ngoại kiều đã định cư trong nước, và những ngoại kiều vãng lai riêng lẻ từng người.
Hạng người thứ ba này là hạng người được mở rộng Lòng mến khách với hình thức cao nhất. Chúng ta chỉ cần nhớ lại đoạn truyện trong St 19:1-8 nói về việc ông Lót sẵn sàng dâng hiến các cô con gái của ông cho người dân trong thành để họ không đụng tới những vị khách của ông. Trên thực tế, việc nhấn mạnh sự phân biệt các thái độ này có thể mang cùng một ý hướng và mục đích: khắc phục mối đe dọa của người ngoài đối với cộng đồng hay bản chất riêng của mình, cả bằng việc đối kháng họ và coi họ như thù địch, và bằng việc tỏ ra quan tâm đặc biệt tới họ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy những dấu vết của thái độ nước đôi này trong lối cắt nghĩa lại khái niệm này của tiếng Latinh thời sau, với cùng một ngữ căn chung cho hai từ hospes (khách) và hostis (kẻ thù).
Hiển nhiên, dù đây là quan điểm chuyên biệt và thích hợp nhất về Lòng mến khách trong Israel, chúng ta không được quên rằng Israel đã sống và thực hành Lòng mến khách này thế nào với chính dân của mình. Nói theo sát nghĩa, "người thân cận" (một khái niệm đã bị Đức Giêsu làm đảo lộn) có nghĩa là người đồng bào, người đồng đạo. Thực hành Lòng mến khách đối với người thân cận là một nghĩa vụ cơ bản bởi vì người ấy là thành viên của một dân tộc được xác định không chỉ do chủng tộc mà trên hết là do tôn giáo. Vì là dân được tuyển chọn của Thiên Chúa, Israel khám phá ra những nhu cầu và đòi hỏi của Lòng mến khách đối với những nhóm người nghèo khổ (ta chỉ cần nghĩ tới những cô nhi quả phụ).
2.2.3 Những động cơ của Lòng mến khách
Lòng mến khách trong bối cảnh Cựu Ước, cũng như trong mọi nền văn hóa cổ xưa, không được hiểu theo nghĩa thời nay là chỉ đón tiếp khách, và cho khách ăn ở. Nó còn mang một ý nghĩa triệt để hơn, đó là coi khách như người nhà, bảo vệ khách chống lại địch thù, đùm bọc che chở khách, kính trọng khách một cách sâu xa vì là một con người, và quan tâm đến khách bằng cách chăm lo cho các nhu cầu của khách.
Có nhiều lý do để có sự quan tâm sâu sát đối với khách như thế (ngoài những lý do chăm lo cho những phần tử của một dân tộc hay một quốc gia như đã nói trên kia). Trước hết, có một lý do văn hóa mà Israel chia sẻ với các nước lân bang. Đó là ý tưởng rằng một vị thần có thể ẩn mình dưới hình dáng bề ngoài của một người lạ tìm nơi trú chân. Trong tôn giáo độc thần, ý tưởng này được khai thác lại và các thần linh biến thành các thiên thần. Chúng ta thấy rõ điều này trong thư Do thái 13:2: "Anh em đừng quên tỏ Lòng mến khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết."
Một lý do thứ hai chuyên biệt hơn và liên quan rõ ràng tới lịch sử Israel. Abraham là "người Aram du mục", là tổ phụ của dân được chọn, đã sống cuộc đời một người khách lạ, và chính Israel cũng đã sống cuộc đời khách lạ trên đất Ai Cập. Vì thế Israel hiểu thấu thân phận và hoàn cảnh đau khổ của người khách lạ, và biết khách lạ cần được Lòng mến khách thế nào. Thực vậy, mỗi khi Israel bị cám dỗ khinh miệt khách lạ, lời cảnh cáo trong Kinh Thánh luôn luôn rất rõ ràng: "Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập." (Lv 1:34; xem Ed 22: 20; 23:9)
Cuối cùng là động cơ tôn giáo (mà sau này được khai triển trong Tân Ước), đó là gương mẫu của chính Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa của Lòng mến khách, trước tiên và trên hết, Ngài tiếp đón khách lạ và mời vào nhà ngài (xem Đnl 10: 18) và muốn được chia sẽ những phẩm vật hiến thánh cho ngài (xem Đnl 26:12). Sự kiện Israel cũng được đòi hỏi phải cư xử như thế không là gì khác hơn việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, là một trong những cách để tỏ ra trung thành với Luật pháp (xem Lv 16:29; 18:26; 19:10-33).
2.2.4 Những đoạn tham chiếu Kinh Thánh chính
Một trong những câu chuyện giàu ý nghĩa nhất chúng ta cần ghi nhớ là cuộc viếng thăm của ba thanh niên tại nhà ông Abraham ở rừng sồi Mamrê. Cần lưu ý rằng Abraham đã nhận ra vị khách của ông và gọi ngài là "Chúa tôi". Ngay cả trước khi biết những lý do của cuộc thăm viếng, và mặc dù đối diện với ba người, ông vẫn biết rằng đó là "cuộc thăm viếng" của Thiên Chúa. Mọi hành vi của ông đều phát xuất từ đó và chắc chắn có thể chú giải theo một nghĩa thần học rõ ràng: ông phục xuống đất (thờ lạy), ông đích thân bắt con bê và sữa (dâng lễ), và ông tin những lời ba người thanh niên nói với ông (lòng tin), và xin họ đừng tiêu diệt Sôđôma (cầu nguyện). Nói khác đi, Lòng mến khách trở thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa.
Trong câu chuyện về việc bà góa thành Zarepta thực hiện Lòng mến khách với ngôn sứ Êlia, chia sẻ với ông chiếc bánh cuối cùng bà còn lại cho bà và con trai bà, tác giả nhằm mục đích nêu một gương sáng và một câu chuyện giáo dục. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện còn phong phú hơn nữa: chính nhờ Lòng mến khách này mà con trai bà được nhà Tiên tri chữa lành bệnh (1V 1:20). Về nhiều khía cạnh, cùng một hoàn cảnh tương tự đã được tả trong câu chuyện về cô gái điếm Rahab đã che giấu hai người thám tử mà Giôsuê đã phái từ Shittim đến Giêrikhô, và để đáp lại hành vi hiếu khách này, cô và cả gia đình cô đã được cứu (xem Gs 2:1-12). Mối tương quan giữa đời sống của người chủ nhà và đời sống của người khách có thể thấy trong Sách Tôbia, trong đó ông Tôbít kể rằng ông đã phân phát một phần mười tài sản của mình cho các cô nhi, quả phụ và khách ngoại kiều (xem Tb 1:8). Lòng mến khách, vì là hành vi tiếp đón sự sống của một người khác, nên được thưởng công bằng quà tặng của chính sự sống.
Sách Huấn ca cũng đưa ra một lời mời gọi tỏ Lòng mến khách đối với mọi hạng người nghèo khổ: "Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, còn với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng; được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa" (Hc 4:10). Lòng mến khách mà Kinh Thánh mời gọi thực hiện làm chúng ta một cách nào đó trở thành "thân nhân" của người khách, đồng thời cho chúng ta cảm nghiệm được tình mẫu tử dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên sắc thái đậm nữ tính của toàn thể khái niệm về lòng thương xót. Vì từ rachamin của tiếng Do Thái có cùng gốc với từ chỉ về dạ mẹ, được giãn nở ra để đón nhận hay làm nơi cư ngụ cho một sự sống mới. Do đó Lòng mến khách và sự thương xót cùng kết hợp với nhau để trở thành một biểu tượng duy nhất về Thiên Chúa Thương Xót, "Đấng yêu thương mọi sinh linh" (xem sách Khôn ngoan 11:26).
Và đây chính là lập trường chúng ta phải có để hiểu Lòng mến khách đối với các bệnh nhân, nói một cách cụ thể là thái độ và những hành vi đặc biệt chúng ta phải có để tiếp nhận và chăm sóc người bệnh. Một mẫu gương trong điều này là tổng lãnh thiên thần Raphael, được gọi là "thần dược của Thiên Chúa", là người không chỉ chữa lành mà còn niềm nở tiếp đón người bệnh. Vì vậy ngài không chỉ trở thành một biểu tượng của "giải pháp y học" cho vấn đề, nếu ta có thể gọi như thế, mà còn là biểu tượng của việc đồng hành với người bệnh tật, người bị gạt ra lề xã hội, người hấp hối và người nghèo mà đối với họ đôi khi sự hiện diện của một người bạn là thứ thuốc duy nhất họ có.
Nhưng thái độ hiếu khách này cũng phải được tỏ ra cả đối với người chết, như được minh chứng trong sách Tôbia, khi sách này liên kết nó rất mật thiết với ý tưởng về Lòng mến khách theo nghĩa truyền thống (Tb 1:1-4). Vì Tôbia đã sai con mình đi tìm một người nghèo để mời họ ăn tối với mình. Nhưng ông chỉ tìm được một người đã chết, là một trong số gia nhân của ông bị người ta bóp cổ và vứt xác ra chợ. Thế là ông không chần chờ gì cả. Ông bỏ dở bữa ăn, và đưa xác chết đi chôn. Có thể nói đây là một hình thức ông chia sẻ bữa ăn của mình với người nghèo khổ.
Sau cùng, chúng ta không nên coi thường một đoạn tường thuật khác gói ghém chiều kích của Lòng mến khách cả trong gia phả lịch sử của Đấng Mêsia: truyện bà Rút, người phụ nữ ngoại kiều đã đi theo mẹ chồng Naomi về quê của bà và cưới ông Boas mà hai mẹ con thường đi mót lúa trong đồng ruộng của ông. Từ sự phối hợp này đã sinh ra ông nội của Đavít. Cả hai vợ chồng đều được "thưởng công" bằng việc trở thành tổ tiên của Chúa Giêsu, vì cả hai đã tỏ Lòng mến khách đối với nhau: ông Boas lấy người đàn bà ngoại kiều, còn bà Rút thì đã bỏ quê hương của mình để đón nhận miền đất ngoại bang: là sự tiếp đón hỗ tương, Lòng mến khách gạt bỏ mọi lo lắng về sự an toàn và chắc chắn để tìm kiếm một sự an toàn mới trong sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ.
2.2.5 Lòng mến khách trở thành một cơ chế
Một tình huống đặc biệt thú vị, đó là việc chọn lựa sáu thành phố "làm nơi trú ẩn cho dân Israel, và cho người ngoại kiều và khách vãng laiï, để cho bất cứ ai lỡ giết một người mà không cố tình đều có thể đến nuơng náu tại đây" (Ds 35:15) . Với việc thiết lập 6 thành phố trú ẩn này, Lòng mến khách không còn là việc của một cá nhân hay một cộng đồng nữa, mà đã trở thành một cơ chế. Không còn là một cá nhân được mời gọi tỏ Lòng mến khách nữa, cũng không còn là những con người thực hiện hành vi hiếu khách cá nhân nữa, mà cả cộng đồng trở thành một "cơ chế hiếu khách". Thành phố trở thành gần như một biểu tượng cho mọi cơ chế tương lai hoàn toàn dấn mình đón nhận những con người nghèo túng, cho họ mọi sự họ cần, không chỉ một nơi dành cho họ chỗ cư ngụ tạm thời, mà là một thành phố, cả một hệ thống đời sống trong đó cá nhân lại có thể bắt đầu sống trở lại.
2.3 Lòng Mến Khách Trong Tân Ước
2.3.1 Quan điểm của Tin Mừng
Trước khi xem xét những hành vi mến khách cụ thể của Chúa Giêsu, chúng ta cần suy tư về biến cố của "Lòng mến khách" là nền tảng cho toàn thể đức tin Kitô giáo, đó là biến cố "Nhập Thể". Đức Maria trở thành người "chủ nhà" vĩ đại của Thiên Chúa bằng cách đón nhận ngài vào trong lòng mình, cũng như Đấng Emmanuel, "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" đã trở thành Vị Chủ Nhà vĩ đại của toàn thể nhân loại. Không phải tình cờ mà từ hành vi đón nhận ấy của Đức Maria, được mô tả đầy thi vị trong biến cố Truyền tin, ngay lập tức đã tiếp nối hành vi hiếu khách tuyệt vời của việc thăm viếng bà Elidabét, rồi sự kiện tiếp theo là việc tiếp đón Mẹ Chúa Giêsu.
Bên cạnh những động cơ của Lòng mến khách mà ta đã thấy trong Cựu Ước, Tân Ước còn thêm vào sự đóng góp mới mẻ của sứ điệp và hành động của Chúa Giêsu. Việc tiếp đón người khác, đặc biệt những người nghèo khổ, nay mặc lấy ba chiều kích mới trong ánh sáng của Tin Mừng.
Chiều kích thứ nhất bắt nguồn từ cách thức mà Chúa Kitô tự đồng hóa mình với người nghèo (xem Mt 25:31-45). Khi đón nhận người nghèo, chúng ta đón nhận Chúa Kitô; muốn yêu Chúa Kitô chúng ta phải yêu thương người nghèo; bất cứ điều gì chúng ta làm (hay không làm) cho người nghèo là chúng ta làm (hay không làm) cho Chúa Kitô. Có một sự biến hình thực sự của người nghèo thành Chúa Kitô, cũng không kém biểu tượng như cuộc biến hình chúng ta đọc trong một giai thoại được nhiều người biết về cuộc đời của Thánh Gioan Thiên Chúa. Theo một truyền thống, Gioan Thiên Chúa đang rửa chân cho một người nghèo thì người này biến hình thành Chúa Giêsu. (3)
Chiều kích thứ hai quan điểm về Cuộc Chung Thẩm. Chỉ dựa vào lòng bác ái (chứ không dựa vào việc tuân giữ bề ngoài các Giới luật), một trong những tiêu chuẩn để chúng ta được phán xét vào ngày tận thế chính là Lòng mến khách của chúng ta. Nhưng không chỉ có thế: hiểu theo nghĩa rộng hơn, chúng ta có thể nói Lòng mến khách-đón tiếp người khác vào nhà mình và quan tâm tới họ- chính là trọng điểm của tất cả sứ điệp Cánh chung.
Sau cùng, Thiên Chúa Hiếu Khách của Cựu Ước, Đấng bảo vệ khách ngoại kiều, trẻ cô nhi và người góa bụa, đã trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô, một con người sống cả cuộc đời để phục vụ người khác. Những lời ngài dạy do đó không chỉ là những lời khích lệ suông, mà được cụ thể hóa trong các hành động của ngài, để trở thành một tấm gương cho mọi tín hữu noi theo. Không thể nào tóm tắt hết được mọi hành vi hiếu khách và thái độ tiếp đón niềm nở của ngài. Chúng ta chỉ nhắc lại ở đây sự dịu dàng ngài tỏ ra mỗi khi tiếp xúc với người ốm đau bệnh tật, không chỉ chữa lành sự yếu đau của họ, mà còn quan tâm cứu chữa con người toàn diện của họ. Ngài chạm vào những người phong, phá vỡ hàng rào cách ly đã từng cô lập họ khỏi xã hội; ngài cho người mù được sáng mắt, mở mắt cho mọi người thấy sự sai lầm khi tin rằng có một sự tương quan giữa tội lỗi cá nhân và bệnh tật; và ngài đã cho con trai của bà góa phụ ở Naim được sống lại, vì xúc động trước cảnh đau buồn của bà. Ngài tiếp nhận những cô gái điếm, chấp nhận những lời chỉ trích của những người chính trực; ngài lui tới với những người thu thuế, ngồi ăn cùng bàn với họ và chấp nhận sự thù nghịch của chính dân tộc của ngài, việc làm của những kẻ giết ngài nhưng ngài không ngần ngại tha thứ, sự phản bội và hèn nhát của các bạn bè, sự hổ nhục ghê tởm của Thập giá.
Tóm lại, Đức Kitô là "vị chủ nhà vĩ đại của lịch sử", và cùng với ngài, tất cả những ai muốn đi theo con đường hiếu khách của ngài đều phải quyết tâm noi gương ngài.
2.3.2 Philoxenía
Mặc dù các kiểu nói trong Cựu Ước có thể chuyển dịch thích hợp bằng những thuật ngữ trong Tân Ước, nhưng tất cả những kiểu nói đó phần nào đã được "thế chỗ" bởi một thuật ngữ mang ý nghĩa chuyên biệt của Lòng mến khách: philoxenía, lòng thương yêu đối với khách lạ. Sự liên kết có tính quyết định này giữa Lòng mến khách và tình thương (philoxenía) là nét đặc trưng riêng biệt của Lòng mến khách theo Tân Ước.
Vì vậy có thể nói philoxenía gần như là một thuật ngữ "chuyên môn" đã đi vào từ vựng Kitô giáo để chỉ về một khả năng đặc biệt để tiếp đón người đồng loại nói chung, và những người nghèo khổ nhất nói riêng. Không phải tình cờ điều này được tìm thấy trong những gương bác ái trong Tin Mừng Matthêu liên quan tới cuộc phán xét vào ngày tận thế (Mt 25:35); thánh Phaolô đã đưa nó vào số những lời khuyến dụ theo sau việc thực hành bác ái (Rôma 12:13); thánh Phêrô cũng làm như thế khi nhấn mạnh bổn phận tiếp đón nhau (1P 4:9); thư Do Thái coi nó là điều không thể tách rời với tình yêu thương đồng loại, philadelphia. Mọi người chúng ta được đòi hỏi thực hành nó, nhưng đồng thời nó là một yêu sách đặc biệt đối với Giám Mục (1Tm 3:2; 5:10; Tt 1:8).
Vì vậy, về bản chất, Kinh Thánh cho thấy rằng những gì mà đức ái nói chung đòi hỏi cũng có thể trở thành một cách diễn tả đoàn sủng đối với một số người được kêu gọi để thực hành điều đó.
2,3.3 Lòng mến khách và việc Rao Giảng Tin Mừng
Ngoài chiều kích liên kết mật thiết giữa Lòng mến khách và đức ái này, còn có một lý do đặc thù của Tân Ước để diễn tả giá trị của nhân đức này: những đòi hỏi của việc rao giảng Tin Mừng. Chúng không bao giờ tách rời với lệnh truyền chữa lành trong sứ điệp Tin Mừng: Hãy chữa lành những người bệnh tật. . . và nói với họ, Nước Thiên Chúa đã đến gần anh em (Lc 10,9; xem Mt 10,7-8). Khá giống với các "xứ đạo truyền giáo" ngày nay, nhà của các Kitô hữu đã trở thành những "trung tâm lắng nghe". Bổn phận tiếp đón người khác đã được nêu rõ một cách đặc biệt trong thư 3Gioan 7-8: "Quả thật, chính vì danh Chúa, họ đã ra đi mà không nhận gì của người ngoại. Vậy, chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc truyền bá sự thật." Có một số bằng chứng về việc thực hành này (Rôma 16,4,23; Pl 22) và do sách lược rao giảng tin mừng này mà thỉnh thoảng có cả một gia đình đã trở lại đạo (xem Cv 16). Như thế Lòng mến khách trở thành một công cụ truyền bá Tin Mừng, cả bằng chứng tá và lời nói, và các cơ cấu của Lòng mến khách trở thành cho cả cộng đoàn một dấu chỉ và nơi để loan báo sự giải phóng toàn diện theo nghĩa của Tin Mừng.
2.3.2 Người Samaria Nhân Hậu
Dụ ngôn tuyệt vời về Lòng mến khách là câu chuyện "Người Samaria Nhân Hậu" mà sau này truyền thống Kitô giáo đồng hóa với chính Đức Kitô, và người Kitô hữu lý tưởng(4). Trước hết, động cơ của câu chuyện này là điều quan trọng. Có người hỏi Chúa Giêsu: Ai là anh em của ta. Theo tư tưởng Do Thái giáo đương thời, chỉ những người đồng bào hay những người có những mối quan hệ đặc biệt (huyết nhục, bạn bè, v.v... ) mới có thể được coi là "người thân cận" và vì vậy đáng được người Israel yêu thương. Bằng một nghịch lý hoàn toàn mới lạ, Chúa Giêsu đã nêu tấm gương của "người xa nhất", người Samaria, kẻ thù của người Do Thái, để nói rằng đó là "người thân cận", nghĩa là "người gần nhất" của ta.
Dụ ngôn này thật thú vị, vì nó cho chúng ta những ý tưởng về một thứ phương pháp luận của Lòng mến khách có thể thích hợp với chúng ta hôm nay. Trước hết, người Samaria đặt việc tiếp nhận người bị thương lên trước và trên những việc riêng của mình (ông đang đi đường, ông dừng lại, ông gác lại tất cả những công việc của ông) và ông làm điều này ngược với thái độ của những người khác (không những thày tư tế và Lêvi, mà cả những người Samaria khác). Nói tóm, ông đã hành động theo điều ông cho là nghĩa vụ của mình mà không cần nghĩ tới nghĩ lui xem liệu "mọi người có làm giống như thế không."
Rồi ông cố gắng sử dụng tối đa những phương tiện ông có. Không có sẵn băng, ông lấy vải cột các vết thương lại, rửa sạch và lấy những thứ thuốc ông có để xức vết thương, đặt người bị nạn lên lưng ngựa, rồi đi tìm một chỗ trọ thích hợp cho người bị nạn.
Sau cùng, ông sắp đặt một cơ cấu săn sóc, và làm thế ông đã lôi kéo cả cộng đoàn vào công việc này. Do đó, người chủ quán trọ đã trở thành tiêu biểu cho mọi tình huống trong xã hội, và mỗi tình huống này lại trở thành một cơ chế tiếp đón và chăm sóc nếu được thúc đẩy bởi những người có đặc sủng về Lòng mến khách. Người Samaria có óc rất thực tế này bắt đầu quyên góp tiền bạc để giúp người bị nạn, nói khác đi, người bị nạn được hưởng số tiền này, và như thế người Samaria này đã hành động như một trung gian của sự liên đới xã hội.
Kết luận của dụ ngôn là một lời mời gọi muôn thuở, nó đã trở thành lịch sử trong đời sống của Thánh Gioan Thiên Chúa và của tất cả những ai đã đón nhận ơn đoàn sủng mến khách: hãy đi và làm như thế.
CHÚ THÍCH CHƯƠNG 2
(1) VATICAN II: Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng (Gaudium et Spes), § 10, 1964.
(2) Xem kinh Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến)
(3) Theo truyền thống, khi Thánh Gioan Thiên Chúa đang rửa chân cho một người nghèo, người này đã biến hình thành Chúa Giêsu.
(4) Xem GIOAN PHAOLÔ II, Salvifici Doloris (Giá Trị Cứu Rỗi của Đau Khổ), §7, 1984.
CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 2
VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ
Gợi ý suy tư:
1) Dùng các ví dụ để cho thấy rõ những quan điểm phổ biến nhất của chúng ta (Các Tu huynh, Cộng tác viên và bệnh nhân) đối với những nỗi đau đớn và khổ sở của con người (Cf. 2.1.1).
2) Cho thấy Lòng mến khách đã phát triển dần dần như thế nào từ Cựu Ước sang Tân Ước (những khác biệt, tương đồng, vượt qua những tư tưởng cũ, v.v...)
Nguồn: Trích Hiến Chương Trợ Thế, Chương 2.