Chăm sóc con người toàn diện

MỤC VỤ TRỢ THẾ LÀ CHĂM SÓC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Câu nói của Thánh Phụ Gioan Thiên Chúa: “Qua thân xác yếu hèn tới linh hồn bất diệt” hàm chứa một triết lý sống, triết lý của nền “văn hóa trợ thế”. Phục vụ con người không những về đau yếu thể xác, nhưng qua việc chăm sóc thể xác đau yếu, các tu sĩ còn có nhiệm vụ hướng các bệnh nhân tới chữa việc lành tâm hồn nữa. Chấp nhận tiếng gọi của Hội Thánh để ngày càng ý thức hơn về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mọi nhóm hay trung tâm hoạt động trong Hội Thánh, Dòng tự cảm thấy có nhiệm vụ rõ ràng triển khai căn tính của mình khi hoạch định hoạt động trợ thế trong ánh sáng của điều mà chúng ta gọi là "Nền Văn Hóa của Dòng". Mọi người chúng ta đều dấn thân vào nền văn hóa trợ thế này. Các Tu huynh và Cộng tác viên cùng ôm ấp những nguyên tắc soi sáng tính trợ thế của chúng ta trong mọi điều chúng ta làm. Giờ đây chúng ta xét đến từng nguyên tắc một.

 Phẩm giá con người

Tôn trọng phẩm giá con người là một đặc tính cốt yếu của thái độ Kitô giáo chân chính. Việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) cho họ một phẩm giá không thể phủ nhận. Trong số tất cả các sinh vật, con người là sinh vật duy nhất giống Thiên Chúa, được gọi để sống hiệp thông với Ngài, và có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Phẩm giá của mọi con người trong con mắt Thiên Chúa là nền tảng phẩm giá của họ trong con mắt của loài người, và của chính họ. Đây là lý do nền tảng để có sự bình đẳng cơ bản và tình huynh đệ giữa mọi người bất luận chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa và giai cấp xã hội. Đây là lý do tại sao không một người nào có thể sử dụng người khác như là những đồ vật.

Ngược lại, mọi người phải được đối xử như một con người độc lập chịu trách nhiệm về chính mình, và phải được kính trọng. Chính do phẩm giá của con người trước mắt Thiên Chúa mà con người có quyền lợi và nghĩa vụ tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Vì vậy, tất cả chúng ta phải coi mình là một giá trị cho chính bản thân mình, và có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ của chính mình. Chính do phẩm giá của mỗi con người trước mắt Thiên Chúa mà chúng ta có nghĩa vụ yêu thương đồng loại như chính mình, và sự sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm, chính là vì trên khuôn mặt của mỗi con người dọi chiếu một tia sáng của vinh quang Thiên Chúa (St 9,6).

Phải tôn trọng hết mọi người.

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, nên sự tôn trọng phẩm giá của con người đòi hỏi hết mọi người, không trừ một ai, phải coi đồng loại như một "bản thân khác", trước hết bằng việc chăm lo cho đời sống của họ và cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để họ có thể sống xứng với nhân phẩm. (1) Phẩm giá của mọi con người là một sự thực, cho dù họ có thể có những khiếm khuyết hay giới hạn nào, hay họ có thể bị rơi vào tình trạng thấp hèn nào trong xã hội. Sự tôn trọng phẩm giá của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa luôn luôn được tìm thấy trong triết học và trong ý thức ngày càng gia tăng của thế giới về phạm vi rộng lớn của các quyền con người.

Bản chất phổ quát của sự tôn trọng phẩm giá con người đã được làm sáng tỏ trong phát biểu của Kant rằng con người là cùng đích có giá trị tuyệt đối và tự tại, được phú bẩm một phẩm giá không thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Hệ quả đạo đức là, trong tư cách con người, mọi người nam và nữ đều bình đẳng với nhau và đáng được đối xử và kính trọng như nhau. Phẩm giá nội tại trong con người vì họ là chủ thể có những quyền lợi và nghĩa vụ. (2)

Thái độ nội tâm và phương thức hiệu quả trong việc đón tiếp bệnh nhân và người nghèo khổ.

Vì giá trị và nhân phẩm của đau khổ, của khuyết tật và sự chết ngày càng bị con người nghi ngờ nhiều hơn, và có nguy cơ bị coi nhẹ, nên khi Dòng Trợ Thế chăm sóc cho bệnh nhân và người nghèo khổ, Dòng loan báo cho mọi người về di sản tuyệt vời của đức tin và niềm hy vọng mình đã nhận được từ Tin Mừng. Noi gương thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Trợ Thế coi thái độ của Chúa Giêsu đối với những người thấp hèn nhất và những người bị gạt ra ngoài xã hội như một lời kêu gọi chúng ta dấn thân để bảo vệ và vun trồng những quyền cơ bản dựa trên sự tôn trọng phẩm giá con người. Khi nhìn vào những cách thức khác nhau mà Dòng đã dùng để biểu hiện đặc sủng của mình hôm nay, chúng ta cảm thấy có một số lãnh vực có những dấu chỉ có ý nghĩa đặc biệt của Tin Mừng về tinh thần Trợ Thế Mới:

Cung cấp chỗ trọ qua đêm: như một biểu hiện về chiều kích cho không mà xã hội ngày nay hầu như không chấp nhận vì xã hội này dựa trên nhu cầu năng suất và hiệu quả;

Cung cấp nhà tế bần cho người bệnh ở giai đoạn cuối, như là nơi biểu hiện giá trị của sự sống trong giờ chết;

Chăm sóc những nạn nhân AIDS: để xoá bỏ sự sợ hãi và thành kiến phi lý;

Chăm sóc những người nghiền ma tuý: yêu thương những người không biết yêu chính bản thân họ;

Chăm sóc những người nhập cư: đón tiếp người xa lạ như đón tiếp Chúa Giêsu, là biểu hiện chân chính của Lòng mến khách;

Chăm sóc người già: khẳng định giá trị của sự sống trọn vẹn và toàn diện;

Chăm sóc người bệnh mãn tính và người khuyết tật: như một biểu hiện về giá trị và phẩm giá của con người.

Bất cứ nơi đâu có nghèo đói, bệnh tật, hay đau khổ, nơi đó là chỗ ưu tiên để chúng ta, các Tu huynh Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, thực hành và sống Tin Mừng của lòng thương xót. (3)

Kính Trọng Sự Sống Con Người.

Sự sống là một sự thiện cơ bản của con người và là một điều kiện tiên quyết để vui hưởng những lợi ích khác. Vì là một sự thiện cơ bản của con người và là một điều tiên quyết để vui hưởng những lợi ích khác, sự sống không thể bị lệ thuộc những lợi ích khác, nhưng mỗi con người phải được nhìn nhận là có cùng một phẩm giá như mọi người khác trong những gì liên quan đến sự sống. Mọi người đều có nghĩa vụ hoàn thành bản thân - nghĩa là phải coi sự sống không những là một hồng ân mà còn là một sự dấn thân hành động. Nghĩa vụ này đòi hỏi chúng ta duy trì sự sống như một điều kiện tất yếu để có thể hoàn thành nghĩa vụ gìn giữ sứ mạng mà chúng ta đã nhận được do việc chúng ta được phú ban sự sống.

Bất luận bằng cách thức nào, luôn luôn phải theo một nguyên tắc luân lý cơ bản: chúng ta phải theo đuổi mục đích mà chúng ta đã được tạo dựng để thực hiện, chúng ta phải cố gắng hoàn thiện bản thân trong tư cách những phần tử của xã hội. Đối với người tín hữu, sự sống con người là một hồng ân Chúa ban, và phải được kính trọng từ lúc bắt đầu sự sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên của nó. Vì quyền sự sống là bất khả xâm phạm và là cơ sở mạnh nhất cho quyền sức khoẻ và các quyền khác của con người, nên không thể có bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc phá thai hay sử dụng cái chết êm dịu một cách chủ động.

Việc bảo vệ đặc biệt các bệnh nhân mắc các chứng bệnh thể lý, tâm thần hay tâm lý.

Mọi người có bệnh thể lý hay tâm thần đều phải được coi như một phần tử của cộng đồng nhân loại, một con người đang đau khổ và hơn ai hết cần được chúng ta nâng đỡ và kính trọng để giúp họ tin vào giá trị của họ như là một con người. Điều này rất quan trọng hôm nay vì xã hội chúng ta đang tỏ ra ngày càng ít bao dung hơn đối với những bệnh nhân và người khuyết tật. Dòng Trợ Thế phải tỏ rõ bản chất đặc trưng của mình bằng thái độ sẵn sàng giúp đỡ bao nhiêu có thể để thực hành và thể hiện thực tế những nguyên tắc về sự hội nhập, bình thường hóa và nhân vị hóa.

Nguyên tắc hội nhập đối chọi với khuynh hướng cô lập, kỳ thị hay bỏ rơi những người khuyết tật. Nguyên tắc bình thường hóa bao gồm sự dấn thân của mình để phục hồi người khuyết tật bằng cách tạo ra một môi trường bình thường bao nhiêu có thể. Nguyên tắc nhân vị hóa nhấn mạnh sự kiện là khi đối xử với người khuyết tật, phải dành vị trí ưu tiên cho niềm hạnh phúc và sự phát triển nhân vị của họ, và đó là nghĩa vụ bảo vệ và phát huy những khả năng thể lý, tâm thần và đạo đức của họ.

Cổ võ sự sống, xây dựng hay cộng tác vào việc xây dựng những hoàn cảnh giúp khắc phục nghèo đói và bệnh tật.

Bằng việc Rao Giảng Tin Mừng Mới, Dòng Trợ Thế nhắm mục đích biểu hiện rõ ràng Tin Mừng sự sống bằng cách làm mọi cố gắng để bảo đảm xóa bỏ mọi cơ cấu bất công và vô nhân đạo, và tạo ra những khả năng để có một đời sống xứng với nhân phẩm tại những nơi đang tồn tại sự nghèo khó, bệnh tật, sự gạt ra ngoài lề xã hội, sự bóc lột và bỏ rơi. Do tư cách môn đệ Chúa Giêsu theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, việc trợ giúp và cổ võ sự sống con người phải được chúng ta thực hiện bằng việc phục vụ của đức ái qua chứng tá cá nhân và tập thể dưới các hình thức khác nhau của việc phục vụ tự nguyện, việc lãnh đạo xã hội hay dấn thân chính trị.

Phục vụ sự sống phải bao gồm việc bảo vệ mầm sống mới phát sinh và tiếp tục bằng việc chăm sóc đầy tình huynh đệ tất cả những người đang đau khổ vì bệnh tật, bị xa lánh, bị gạt ra ngoài lề xã hội hay túng quẫn, bằng việc tôn trọng, bảo vệ và phát huy nhân phẩm của họ. Phải đặc biệt quan tâm tới những người đang ở giai đoạn cuối cùng của sự sống trần gian này. Việc phục vụ để phát huy sự sống phải được thực hiện bằng những hoạt động và những biện pháp dự phòng, giúp đỡ những người khuyết tật và phục hồi những người có ngăn trở. Vì vậy sẽ không bao giờ là đủ khi giúp đỡ người khuyết tật đóng một vai trò đầy đủ của họ trong đời sống và trong sự phát triển của xã hội mà họ đang sống, và tạo một môi trường xã hội hoàn toàn chấp nhận họ như là thành viên của cộng đồng với những nhu cầu đặc biệt phải đáp ứng cho họ. Luôn luôn có rất nhiều việc còn phải làm.

Các bổn phận và giới hạn trong việc duy trì sự sống của mình.

Sự sống là một điều thiện cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để hưởng những lợi ích khác, nhưng nó không phải điều thiện tự tại và tuyệt đối. Có thể hy sinh sự sống mình cho người khác hay cho những lý tưởng cao thượng mang lại một ý nghĩa cho đời sống. Sự sống, sức khoẻ, và mọi hoạt động trần thế phải lệ thuộc các mục đích tinh thần. Chúng ta bác bỏ khái niệm về việc con người có quyền làm chủ tuyệt đối và triệt để sự sống, và vì thế chúng ta không thể đồng tình với bất kỳ điều gì đòi hỏi quyền làm chủ sự sống hoàn toàn và độc lập, như quyền tiêu diệt sự sống. Đồng thời chúng ta có thể khẳng định quyền làm chủ "có ích" đối với sự sống của mình, nhưng không có nghĩa vụ bằng mọi giá phải bảo vệ nó. Sự sống là linh thiêng, nhưng chất lượng của sự sống, khả năng sống xứng phẩm giá con người và tạo cho sự sống một ý nghĩa cũng là điều quan trọng cần phải xét đến. Chúng ta không có bổn phận duy trì sự sống trong những điều kiện tệ hại đặc biệt.

Không phải mọi loại điều trị nhằm kéo dài sự sống sinh học đều có lợi cho người bệnh trong tư cách một con người. Các cá nhân không có bổn phận phải chấp nhận những phương tiện không cân xứng để duy trì sự sống mình. Trong mọi trường hợp, người ta luôn luôn có thể thẩm định xem các phương tiện sử dụng có cân xứng hay không, bằng cách xét đến tình trạng thể lý và tâm lý của bệnh nhân để rồi so sánh; phương pháp trị liệu, mức độ khó điều trị hay rủi ro có thể gặp; có thể có khả năng thành công hay không; chất lượng sự sống sẽ được bảo đảm như thế nào (trên quan điểm người bệnh); thời gian có thể kéo dài sự sống sống; những bất tiện có thể xảy ra (đối với người bệnh và thân nhân) mà việc điều trị và các chi phí tất nhiên gây nên.

Bổn phận không được đặt sự sống người khác vào nguy hiểm.

Sự sống con người là thiêng liêng vì từ khởi thủy nó đã là kết quả của hành vi sáng tạo của Thiên Chúa và luôn luôn tiếp tục ở trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo hóa là cùng đích duy nhất của nó. Duy mình Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc. Không một ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào có quyền giết một người khác một cách trực tiếp. (5) Trên cơ sở của nguyên tắc đặc sủng trợ thế mở ra cho mọi người và đón nhận mọi người, Dòng Trợ Thế chống lại án tử hình trong mọi hoàn cảnh. Cái chết êm dịu theo nghĩa hẹp của thuật ngữ, nghĩa là một hành động hay một sự bỏ sót hành động mà tự nó cố tình gây ra cái chết với mục tiêu cắt đứt mọi đau đớn, là một sự vi phạm nghiêm trọng Luật Chúa. Khuynh hướng sử dụng cái chết êm dịu có vẻ là một trong những hội chứng nguy hiểm nhất của "nền văn hóa sự chết" đang lan tràn hôm nay, đặc biệt trong những xã hội thịnh vượng." (6)

 Các bổn phận đối với các nguồn tài nguyên của bầu sinh quyển – môi trường

Việc bảo vệ sự toàn vẹn của vạn vật cho thấy rõ sự gia tăng quan tâm đối với môi trường.  Sự cân bằng sinh thái và việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của thế giới là những yếu tố quan trọng của việc đối xử công bằng đối với mọi cộng đồng trong "ngôi làng toàn cầu" của chúng ta. Và đây cũng là những đối tượng của sự công bằng phải được chia sẻ cho những thế hệ tương lai là những người sẽ nhận lấy di sản này từ tay chúng ta. Việc khai thác vô trách nhiệm những nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sẽ làm giảm chất lượng đời sống, phá hoại các nền văn hóa và đẩy những người nghèo tới chỗ khốn cùng ghê sợ. (7) Chúng ta phải cổ võ những thái độ chiến lược để tạo những mối quan hệ hữu trách với môi trường mà chúng ta sống và được chia sẻ, và chúng ta chỉ là những người quản lý của nó mà thôi.

Vì các cơ sở của chúng ta là những nơi chúng ta tiêu thụ vô số loại vật liệu khác nhau, nên chúng ta có thể cho thấy những dấu chỉ cụ thể và giàu ý nghĩa rằng chúng ta quan tâm tới môi trường bằng việc thiết lập các ủy ban cho mục đích này, dành ưu tiên cho việc sử dụng những vật liệu có thể bị phân hủy và có thể tái chế, đồng thời khơi dậy sự nhậy cảm của mọi người, các Tu huynh cũng như Cộng tác viên, qua những khóa học và hội thảo. (8)

Cổ võ sức khoẻ và đấu tranh chống đau khổ thể chất và tinh thần

Bổn phận tỏ lộ sự quan tâm tới việc cổ võ sức khoẻ của dân chúng.

Chúng ta phải nhấn mạnh nhu cầu giúp quần chúng nắm bắt thông tin và tổ chức những chương trình giáo dục để cổ võ những lối sống mạnh khoẻ và giảm bớt những nguy hại có thể tránh được cho sức khoẻ như việc sử dụng thuốc lá, rượu và các chất gây nghiện khác, coi đó là một phần của hoạt động cổ võ sức khoẻ của dân chúng. Những chương trình giáo dục này cũng bao gồm việc tránh những hoạt động tình dục có thể gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh AIDS và các thứ bệnh truyền qua đường tình dục, những thói quen ăn uống quá kém, thiếu vận động cơ thể và mức độ tiêm chủng miễn nhiễm không đầy đủ nơi trẻ em. Tại nhiều nước, giáo dục chăm sóc sức khoẻ là một trong những phương tiện được dùng đễ giảm tỉ lệ tử vong và giảm khả năng nhiễm bệnh nơi trẻ sơ sinh bằng việc nuôi con bằng sữa mẹ và thông tin đầy đủ cho cha mẹ về việc dinh dưỡng và những rủi ro của nguồn nước bị ô nhiễm. (9)

Bổn phận đạo đức trong việc bảo đảm lợi ích tối đa của bệnh nhân.

Những người chúng ta hoạt động chăm sóc sức khoẻ có bổn phận đạo đức là phải luôn luôn tìm kiếm lợi ích tối đa cho những bệnh nhân của chúng ta, và đưa trách nhiệm này vào trong sự dấn thân của chúng ta để cổ võ và bảo đảm sức khoẻ cho dân chúng. (10) Cứu giúp người nghèo, người bị bỏ rơi và người đau khổ là một đòi buộc của Tin Mừng về công bằng.

Trong một thế giới đói nghèo và đau khổ (nghĩa là phần lớn dân số thế giới), sứ mạng làm cho thánh Gioan Thiên Chúa hiện diện hôm nay là sứ mạng đặc biệt quan trọng, bởi vì sự nghèo đói áp bức - do những cơ cấu xã hội bất công loại bỏ người nghèo - đang tạo ra sự bạo lực có hệ thống chống lại phẩm giá con người, đàn ông, đàn bà, trẻ em và thai nhi, là điều không thể chấp nhận trong Vương quốc của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta bộc lộ chiều kích tông đồ của đời sống chúng ta với một ý nghĩa tiên tri, trong tư cách "là người hướng đạo luân lý, là người soi sáng lương tri, là sự hiện diện báo trước và là sức mạnh ngôn sứ."

"Lý do tồn tại của Dòng chúng ta là để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đồng hành với họ và nâng đỡ họ trong những khổ đau của họ theo phong cách của thánh Gioan Thiên Chúa (.. .) Chúng ta thấy hiện đang có một số cố gắng để thích nghi đời sống và các cấu trúc của chúng ta nhằm phục vụ tốt hơn những con người bị xã hội bỏ rơi: các bệnh viện bán trú, các nhà trọ qua đêm, việc chăm sóc những người mắc bệnh AIDS, những con nghiện ma tuý và những bệnh nhân thời kỳ cuối, việc thúc đẩy những sự cải thiện trong các dịch vụ và môi trường tại những khu vực bị lãng quên - dựa trên cơ sở của những trung tâm hiện có (. . .) Những cố gắng này luôn luôn đòi hỏi những hành động nhất quán của Dòng để có thể hiện diện một cách không thể lầm lẫn được trước mắt người nghèo qua phong cách sống của Dòng như là một sự chọn lựa đặc trưng của mình; như thế, bằng đời sống, việc phục vụ, sứ mạng loan báo và cảnh giác của mình, Dòng có thể tạo được trong lãnh vực này một ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với Hội Thánh và những cơ cấu của xã hội." (11)

Cung cấp việc điều trị thích hợp cho bệnh nhân, và tránh việc điều trị vô ích.

Cho dù các bệnh viện của chúng ta có được tổ chức tối đa để cổ võ sức khoẻ, chúng ta cũng không được coi cái chết như là một hiện tượng quái lạ cần phải loại trừ, mà là một phần tất yếu trong cuộc đời, là một điều quan trọng đặc biệt để người bệnh có thể hoàn thành bản thân mình một cách sung mãn và siêu thoát. Do đó, chúng ta không được phép ngăn cản một bệnh nhân nào đối diện với cái chết một cách có trách nhiệm, nhưng ngược lại, chúng ta phải giúp đỡ để họ chấp nhận nó theo tôn giáo của họ và theo sự hiểu biết của họ về ý nghĩa đích thực của đời sống. Có nghĩa là không được che giấu họ sự thật, và không được cách ly họ với những mối quan hệ quen thuộc của họ đối với bạn bè, gia đình và các cộng đồng tôn giáo và ý thức hệ của họ, trừ khi điều này là thực sự và cấp bách cần thiết cho lợi ích của chính họ. (12) Đây là cách duy nhất mà, trong giờ phút quyết định như thế của đời sống con người, người ta có thể thể hiện tính nhân đạo của y học.

Việc điều trị giảm đau.

Các bệnh viện của Dòng Trợ Thế mà điều trị những căn bệnh nghiêm trọng thì cần cố gắng bao nhiêu có thể phải có những khoa chăm sóc giảm đau để làm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được vào những giai đoạn cuối cùng của căn bệnh và đồng thời cung cấp sự chăm sóc nhân bản cân xứng cho người bệnh. (13)

Năng Lực, Hiệu Quả và Quản Lý Tốt

Chúng ta có bổn phận làm cho người ta ý thức rằng chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ không chỉ là vấn đề kinh tế. Ở mọi quốc gia, những đòi hỏi cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vượt quá khả năng cung ứng của quốc gia. Một bổn phận quan trọng là cộng tác để gây ý thức cho toàn thể xã hội rằng chi phí cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y khoa không thể được nhìn đơn thuần dưới khía cạnh tài chính. Những chi phí đó là một sự đầu tư cho nguồn nhân lực nhằm giảm nhẹ sự đau khổ cho cá nhân và tạo điều kiện cho người ta có thể lao động sản xuất hay sống ở nhà hay giảm nhẹ các phí tổn điều trị. Các chi phí cho y học vì vậy làm giảm nhẹ các chi phí xã hội khác.

Trông coi và quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả.

Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ phải chấp nhận trách nhiệm bảo đảm quản lý hiệu quả các chi phí cho việc chăm sóc và trợ giúp, bao gồm những phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả, và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao phù hợp với những thông số khả thi và thực tế.

Bệnh viện được nhìn như một doanh nghiệp phải được quản trị thế nào để phục hồi con người trong sự toàn diện của họ.

Bệnh viện được coi như một "công ty", phải được điều hành hay tái điều hành thế nào để có thể tái hội nhập con người toàn diện, nghĩa là con người nhìn dưới khía cạnh thể lý, tâm lý, xã hội, và thiêng liêng, tóm lại là chính yếu tính của sự nhân bản hoá việc chăm sóc y khoa. Trong bệnh viện, được coi như một công ty, đầu tư cho việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo sẽ thúc đẩy năng suất và kích thích tính hiệu quả của công việc tại đây. (14)

Đầu tư cho việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo là một phương thế để bảo đảm kết quả tốt hơn cho sự đầu tư.

Giống như trong mọi doanh nghiệp khác, việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo trong một bệnh viện cũng góp phần vào việc sử dụng các nguồn một cách tốt hơn và cải thiện điều kiện lao động của các nhân viên chăm lo sức khoẻ. Bằng cách đối xử nhân đạo với chính mình, họ cũng có thể giúp tạo những điều kiện nhân đạo hơn cho các bệnh nhân. (15)

Trong số những sự cải thiện cần làm, phải đặc biệt lưu tâm tới những khóa bồi dưỡng và tu nghiệp để cập nhật hóa nhân sự về kiến thức và kỹ năng qua việc đào luyện liên tục được tổ chức cho phù hợp với các hoàn cảnh của mỗi thời và mỗi nơi.

Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

Quyền lao động được cung cấp bởi hợp đồng lao động theo luật pháp hiện hành. Các chuyên gia về luật lao động phải tìm ra những giải pháp kỹ thuật và pháp lý tốt nhất để dung hoà quyền phản đối theo lương tâm và quyền lao động khi soạn thảo hợp đồng lao động, hay khi duyệt lại chúng sau đó, và khi thi hành các hợp đồng mới về lao động tập thể. Các bệnh viện, dưỡng đường và các trung tâm điều trị và chăm sóc của chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng các quyền của người lao động ở mức cao nhất để đề cao công bằng xã hội, nhưng không được gây thiệt hại cho sự tồn tại của chính mình, vì như thế cũng là đi ngược với công bằng xã hội.

inh Thần Trợ Thế Mới và Những Đòi Hỏi Mới:

       Các Thế Giới Thứ Ba và Thứ Tư

Hố ngăn cách giữa miền Bắc đã phát triển và miền Nam đang phát triển ngày càng mở rộng. Song song với sự dư dật của cải và các dịch vụ ở một số phần của thế giới, đặc biệt ở miền Bắc phát triển, là tình trạng lạc hậu không thể chấp nhận ở miền Nam, mà phần lớn nhân loại lại đang sống trong phần địa chính lạc hậu này. Khi chúng ta nhìn vào một phạm vi rộng lớn các lãnh vực khác nhau tại phần đất này: việc sản xuất và phân phối lương thực, chế độ vệ sinh, việc chăm sóc sức khoẻ và nhà ở, nguồn nước uống, điều kiện làm việc, đặc biệt đối với phụ nữ, mức tuổi thọ trung bình và các thông số xã hội và kinh tế, bức tranh toàn thể thật là ảm đạm, dù chúng ta chỉ xét riêng nó hay đối chiếu với những số liệu tương đương về những quốc gia phát triển cao trên thế giới. (16)

Ngay cả ở những nước đã phát triển, hàng triệu người của cái gọi là "thế giới thứ tư" bị gạt ra ngoài những phúc lợi xã hội bởi những lực lượng kinh tế và xã hội: đó là những người đàn ông, đàn bà và trẻ em sống trong cảnh nghèo khổ và khốn cùng, họ "không chỉ sống trong những điều kiện ngặt nghèo về thể lý và tâm lý, họ còn bị mất quyền công dân theo luật pháp, vì họ không được sự bảo vệ nào của luật pháp hay xã hội." Những ví dụ hiển nhiên nhất là những người thất nghiệp, những thanh niên không hy vọng kiếm được việc làm, những đứa trẻ đường phố bị khai thác và bỏ mặc cho số mệnh, những người già sống trong cảnh cô đơn và không được sự bảo vệ nào của xã hội, những người mới ra tù, những nạn nhân ma tuý, những người mắc bệnh AIDS, những người nhập cư nói chung và những người nhập cư bất hợp pháp nói riêng. . . tất cả đều là những con người bị kết án sống một cuộc sống cùng khổ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và có đời sống văn hóa bấp bênh. (17)

Liên đới và hợp tác.

Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là một sứ điệp tự do và một sức mạnh giải phóng. Giải phóng chủ yếu và trên hết là giải phóng khỏi tình trạng nô lệ triệt để của tội lỗi. Điều này một cách lôgích kéo theo sự giải phóng khỏi nhiều hình thức nô lệ khác về văn hóa, kinh tế, chính trị, và xã hội, tất cả rốt cuộc đều phát sinh từ tội lỗi và là những cản trở khiến con người không thể sống xứng với nhân phẩm. (18)

"Tình liên đới là một nhân đức Kitô giáo cao vời. Nó thể hiện sự chia sẻ những của cải thiêng liêng ngay cả trước những của cải vật chất." Nguyên tắc liên đới là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô hữu. Liên đới được biểu hiện trên hết qua việc phân phối của cải và trả công cho công việc đã làm. Các vấn đề kinh tế-xã hội chỉ có thể giải quyết nếu con người thể hiện mọi hình thức liên đới: liên đới giữa người giàu với người nghèo, nhưng cũng giữa người nghèo với nhau; liên đới giữa người lao động và chủ, nhưng cũng giữa những người lao động với nhau; liên đới giữa các quốc gia và các dân tộc. Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi đạo đức. Nói rộng ra, hoà bình trên thế giới tuỳ thuộc vào tình liên đới. (19)

Hợp tác và các người hợp tác: quyền lợi và nghĩa vụ.

Văn kiện của Tổng Tu Nghị LXIII nêu lên khá rõ những nghĩa vụ chính của các Tu huynh và Cộng tác viên Dòng thánh Gioan Thiên Chúa. (20) Sau đây là một số nghĩa vụ được nêu lên. Chúng ta phải:

- Sống nhân đạo nơi mình để giúp người khác sống nhân đạo: để là những chứng nhân cho sự thánh thiện theo tinh thần triệt để của Các Mối Phúc Thật theo gương thánh Gioan Thiên Chúa giữa người nghèo, là một người tôi tớ và một tiên tri.

- Thăng tiến mọi chiều kích của con người: chăm sóc người đau yếu, ân cần tiếp đón người bệnh mãn tính, quan tâm đặc biệt tới những người yếu đuối và nghèo khổ nhất, ở bên cạnh những người đang sống những giờ phút cuối cùng cuộc đời trầân thế của họ, biến việc chăm sóc và điều trị thành những hành vi rao giảng tin mừng.

- Truyền bá nền văn hóa trợ thế của chúng ta thay cho "nền văn hóa thù nghịch" hiện đang gia tăng sự thống trị không chỉ trên những mối quan hệ giữa các dân tộc, quốc gia và chủng tộc, mà cả những mối quan hệ giữa những con người với nhau. Chúng ta phải chứng tỏ một khả năng mới cho sự chấp nhận và tiếp đón, tạo lập những cộng đồng đức tin cởi mở cho tất cả những ai có quan hệ với chúng ta: những bệnh nhân, thân nhân của họ, những Cộng tác viên và bạn hữu. Mỗi trung tâm phải là một Hội Thánh nhỏ tại gia có khả năng tạo sự hiệp thông Kitô giáo trong đó mọi người cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Ngày nay hơn bao giờ hết, các Tu huynh Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa được kêu gọi trở nên chứng nhân của Thiên Chúa "Đấng Yêu Sự Sống" (Kn 11, 26) trong mọi quan hệ nhân bản của mình, hoà mình với dân tộc của mình và qua sự hiện diện của mình làm cho nơi mình sống trở thành một nơi tiếp đón và làm con người trở thành thực sự con người.

- Đề cao và phát huy những đức tính của các nhân viên và thiện nguyện viên cùng làm việc với Dòng và giúp họ dấn thân vào việc phục vụ và truyền bá Tin Mừng cho những người sống trong các trung tâm của chúng ta và trong các biến cố đặc biệt trong đời sống của Cộng đoàn.

- Đào tạo những chuyên gia chấp nhận triết lý và những giá trị của Dòng để họ có thể đảm nhiệm những chức năng quản lý và lãnh đạo trong các trung tâm của chúng ta.

- Đề cao và hành động theo các nguyên tắc về công bằng xã hội.

Các Cộng tác viên của chúng ta phải:

- Thực hiện các bổn phận chuyên môn của họ phù hợp với những nguyên tắc của tinh thần trợ thế, được diễn tả chủ yếu qua việc chăm sóc nhân đạo.

- Chứng tỏ ước muốn tôn trọng hay thực hiện tinh thần Tin Mừng.

Việc phục vụ tự nguyện: cho tự nguyện và xác định căn tính

Người tình nguyện là người mà, ngoài các bổn phận do công việc và bậc sống của mình, dâng hiến một cách liên tục và vô vị lợi một phần thời gian của mình cho các hoạt động không phải vì lợi ích bản thân hay các đồng sự của mình (khác với trong các hiệp hội) nhưng vì lợi ích của người khác hay những lợi ích tập thể của xã hội, theo một kế hoạch tự nó không được coi là mục đích (khác với đức bác ái) nhưng nhằm khử trừ hay thay đổi những nguyên nhân gây ra sự nghèo khổ và sự ruồng bỏ trong xã hội. (21)

Triết lý của chúng ta hoàn toàn giống triết ý của mọi hình thức phục vụ tình nguyện khác. Chỉ có một khác biệt duy nhất là những điều cơ bản cho mọi người chúng ta thì trở nên chuyên biệt trong trường hợp này vì đây là một hoạt động Trợ thế và xã hội được thực hiện trong các trung tâm của Dòng, theo tinh thần thánh Gioan Thiên Chúa. Trong việc phục vụ tình nguyện của chúng ta, phải có:

Nguyên tắc tự nguyện: các người tình nguyện thuộc về cùng một tổ chức, và tự ý gia nhập tổ chức này, vì họ xin gia nhập;

Nguyên tắc cho một cách tự nguyện: sự cống hiến phát sinh từ một nhu cầu nội tâm, một sự dấn thân cá nhân mà không có bó buộc nào từ bên ngoài;

Nguyên tắc liên đới: phát sinh từ nhu cầu muốn hiện diện trong cảnh thiếu thốn của người khác, tỏ lòng thiện cảm với họ và chấp nhận những thiếu thốn của họ;

Nguyên tắc bổ sung: đề ra những mục tiêu mà xã hội không thể hoàn thành một mình, làm xã hội thêm phong phú và nhờ đó cổ võ công bằng xã hội;

Nguyên tắc toàn vẹn nhân cách: ý hướng hầu như luôn luôn là cho đi, nhưng nhiều khi chúng ta thấy có những người quan tâm hơn tới việc họ được lợi lộc gì trong đó;

Nguyên tắc chuẩn bị: đòi hỏi sự huấn luyện và chuẩn bị thích hợp để họ có  những hiểu biết thực tiễn cần thiết, chiều kích tông đồ và những giá trị của Dòng chúng ta, và khả năng tỏ ra thoải mái trong Dòng trong mọi hoàn cảnh;

Nguyên tắc hợp tác: hoạt động dựa trên cơ sở phối hợp, hình thành một tập thể không có cá nhân chủ nghĩa;

Nguyên tắc Tin Mừng: vì việc phục vụ tự nguyện của chúng ta không phân biệt giáo phái, nên nó dựa trên Tin Mừng theo cung cách mà thánh Gioan Thiên Chúa đã sống sự tận tuỵ đối với người nghèo, người bệnh tật và người đau khổ. Các nơi mà chúng ta thực hiện phục vụ tự nguyện là những trung tâm có các giáo phái khác nhau: việc phục vụ tự do và sự đồng hóa với đặc sủng của Dòng là hai yếu tố nền tảng của việc phục vụ tình nguyện của chúng ta. (22)

Rao Giảng Tin Mừng, Hội Nhập Văn Hóa và Sứ Mạng

Toàn cảnh.

Rao giảng Tin Mừng là ơn gọi của Hội Thánh, và làm nổi bật căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh. Hội Thánh tồn tại là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là làm chứng tá, giảng dạy và loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cốt lõi và tâm điểm của Tin Mừng này là ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo, là hồng ân của Thiên Chúa để giải phóng con người khỏi tất cả những gì áp bức, và trên hết là sự giải phóng khỏi tội lỗi. (23) Việc rao giảng Tin Mừng bắt nguồn từ sứ mạng truyền giáo mà chính Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. . . Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20; xem Mc 16,15-18; Lc 24,46-49; Ga 20,21-23).

Để hoàn thành sứ mạng này, Tin Mừng phải được đón nhận, nhập thể, "chuyển dịch" (mà không phản bội) thành những nền văn hóa khác nhau. (24) Không thể có rao giảng Tin Mừng mà không có hội nhập văn hóa.

Sự phân cách giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là thảm kịch lớn nhất của thời đại chúng ta, cũng như nó đã từng là như thế trong những thời đại khác. (25) Hiện tượng tục hóa trong thực tế cũng có nghĩa là sự thiết lập một nền văn hóa vô tín ngưỡng như chúng ta đã nói ở trên, đặt nền trên ý tưởng rằng thế giới là tự tại, và mọi khẳng định về sự siêu việt đều là vô nghĩa về phương diện văn hóa và xã hội. Trong một tình hình như thế, những ai muốn trở thành Kitô hữu mà không phải từ bỏ thời đại của mình, cũng như không phải cắt đứt với nền văn hóa mà mình đang sống, thì chỉ có cách là phải ra sức đưa Kitô giáo hội nhập vào những nền văn hóa mà thời đại mới đã tạo ra.

Hội nhập văn hóa cho phép chúng ta đưa Tin Mừng vào trong mỗi nền văn hóa, nhờ đó chúng ta góp phần làm cho phong phú sự nhập thể lịch sử của Tin Mừng. Có nghĩa là khi Tin Mừng được nhập thể một cách cụ thể, nó sẽ chịu đựng những sự biến đổi mãnh liệt so với những hình thức nhập thể của nó trước đó. Bằng cách này, hội nhập văn hóa giúp chúng ta có thể hiểu và biến đổi "nhờ sức mạnh của Tin Mừng, các tiêu chuẩn phán đoán của con người, việc thẩm định giá trị, các mối quan tâm, các dòng tư tưởng, các nguồn cảm hứng và các mẫu đời sống, khi chúng đi ngược lại Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi." (26) Khi thực hiện đúng đắn, việc hội nhập văn hóa phải được thúc đẩy bởi hai nguyên tắc: bảo đảm các nền văn hóa khác nhau phải phù hợp với Tin Mừng, và bảo đảm sự hiệp thông với Hội Thánh Toàn Cầu. (27)

Rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa, và sứ mạng của Dòng.

Con người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là những thày dạy, vào kinh nghiệm hơn là học thuyết, vào đời sống và sự kiện hơn là lý thuyết. (28) Trong thế giới này, Dòng chúng ta có một vị trí đặc biệt ưu tiên đối với việc rao giảng Tin Mừng và hội nhập đức tin, chính là vì Dòng đang hiện diện tại rất nhiều nền văn hóa, tại 46 quốc gia, và trên cả năm châu lục. Nền văn hóa kỹ thuật, tuy có thể là nền văn hóa đối chọi nhất với các giá trị Kitô giáo, nhưng lại rất nhậy cảm trước những chứng tá sống động của chúng ta trong việc dấn thân phục vụ con người.

Đặc sủng của Dòng đòi buộc chúng ta sự dấn thân trọn vẹn này, vì sứ mạng của chúng ta chính là sự thăng tiến của mọi người xét trên mọi quan điểm: chăm sóc người đau yếu, ân cần tiếp đón người bệnh mãn tính, quan tâm đặc biệt tới những người yếu đuối và nghèo khổ nhất, ở bên cạnh những người đang sống những giờ phút cuối cùng cuộc đời trần thế của họ. Chỉ khi sống trung thành với đặc sủng, chúng ta mới có thể rao giảng Tin Mừng và hội nhập văn hóa cho thế giới kỹ thuật, là thế giới của nền văn hóa thù nghịch đang thách thức nền văn hóa của tinh thần trợ thế mới.

Câu hỏi chúng ta sẽ phải trả lời trong tương lai là làm thế nào chuyển các hành vi chăm sóc của chúng ta thành các hành vi rao giảng Tin Mừng đích thực, làm thế nào biến đổi những nơi chúng ta đang hoạt động để trở thành những nơi rao giảng Tin Mừng đầy ý nghĩa. Đối với chúng ta, thăng tiến nhân bản và rao giảng Tin Mừng phải thuộc về một thực thể duy nhất không phân chia, bởi vì "ở đâu không có đức bác ái, thì ở đó Chúa không hiện diện, dù rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi." (29)

 

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 4

(1)     VATICANÔ II, Gaudium et Spes, (GS) §27.

(2)  Khái niệm về phẩm giá con người và quyền con người liên kết mật thiết với nhau trong Tuyên Ngôn Thế Giới vềâ Nhân Quyền (1948); trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa (1966); trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Công Dân và Chính Trị (1966); và mới đây tại Hội Nghị về Quyền Con Người trong Y khoa sinh học (1997): mặc dù những Tuyên ngôn này không minh nhiên định nghĩa nhân phẩm là gì, hay nó dựa trên cơ sở nào, nhưng tất cả đều nhìn nhận rằng nhân phẩm thuộc về bản tính con người và cũng nhìn nhận rằng những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới.

(3)  TỔNG TU NGHỊ LXIII, Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới Trước Thềm Thiên Niên Kỷ III, Bogotá, 1994, §5.6.1.

(4)  Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi sự mất hay kém hoạt động của một cơ cấu giải phẫu học hay một chức năng thể lý hay tâm lý là một sự khiếm khuyết. Một khuyết tật là sự giảm thiểu hay mất khả năng thực hiện một hoạt động theo cách thức và với những kết quả bình thường. Sự suy yếu là một điều bất lợi mà một người mắc phải vì một sự khiếm khuyết hay vì một khuyết tật hạn chế hay cản trở người đó thực hiện những hoạt động lẽ ra là bình thường đối với người ấy khi xét về tuổi tác, phái tính, văn hóa và xã hội. (Alastair Anderson, Simplemente otro ser humano, Salud Mundial, tr. 34, Tháng 1, 1981: 6)

(5)  GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium Vitae (EV), §5.

(6)  Như trên, §§64-65.

(7)  PHAOLÔ VI, Octogesima Adveniens §21: GIOAN PHAOLÔ II, EV §§27 và 42.

(8)       Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §5.6.3

(9)  Hiệp Hội Y Học Thế Giới: Dự Thảo Tuyên Ngôn Cổ Võ việc Chăm Sóc Y Tế 10.75/94 Tháng 8, 1994.

(10)   Như trên.

(11)   Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §3.6.3

(12)   EV, §15. . .

(13)   EV, §44.

(14)   GIOAN PHAOLÔ II, Centesimus Annus §§40; 20; 32.

(15)   MARCHESI PIERLUIGI, Humanisation 1981.

(16)   GIOAN PHAOLÔ II, Sollicitudo Rei Socialis, §14.

(17)   Thư của Hồng Y CARLO MARIA MARTINI, The Pastoral Biennium 1991-1993.

(18)   HUẤN THỊ CỦA THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tự Do Kitô Giáo và Giải Phóng, Rôma 1986.

(19)   CCC 1939-1942

(20)   Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §4.4.

(21)   CARITAS. CM. Del Carmen Furés: El voluntariado en nuestra sociedad en Labour Hospitalaria 1985; 1984: 206.

(22)   PILES F. PASCUAL, Origen y trayectoria del Voluntariado en la Orden Hospitalaria de San Juan de Dios; Congreso Nacional de Voluntarios de San Juan de Dios, 18-20 tháng 10, 1995.

(23)   PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi (EN) §9, 14.

(24)   Văn hóa là cách thức mà con người sống, suy nghĩ, cảm thấy, tự tổ chức bản thân mình, vui mừng và chia sẻ đời sống. Mọi nền văn hóa đều có một hệ thống giá trị nền tảng, hệ thống ý nghĩa, thế giới quan, được diễn tả ra bên ngoài bằng ngôn ngữ, hành vi, biểu tượng, nghi thức, và lối sống.

(25)   Như trên §20: Gaudium et Spes, §43.

(26)   EN, §19.

(27)   Xem GIOAN PHAOLÔ II, Redemptoris Missio, §54.

(28)   Nt., §42.

(29)   Thánh GIOAN THIÊN CHÚA, Thư gửi Luis Bautista §15. Xem thêm Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, 4.3.

         

TRÍCH  HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ -  CHƯƠNG IV