Các anh em linh mục yêu quí của tôi

“À MES FRÈRES PRÊTRES”

“Các anh em linh mục yêu quí của tôi”

Giới thiệu

Các bài sau đây được chuyển ý, thích nghi và cập nhật từ một số các bài giảng của ĐGH Phanxicô. Các bài giảng này được thu thập trong cuốn “À mes frères prêtres” - “Các anh em linh mục yêu quí của tôi”[1]. Các bài này được dùng để suy niệm ban sáng dịp tĩnh tâm năm 2022 của các linh mục giáo phận Long Xuyên, và đã được phản hồi cách rất tích cực. 

Đây là những bài suy niệm dành riêng cho các linh mục, tuy nhiên, cũng rất hữu ích cho các tu sĩ, cũng như giáo dân, nhất là những người dấn thân trong công cuộc tông đồ của Giáo hội, miễn là biết áp dụng cách thích hợp cho mình. 

                              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI 3

MỆT NHỌC(2) 

Nhập đề

“Bàn tay Ta sẽ luôn luôn ở với nó (David), cánh tay Ta sẽ làm cho nó thêm can đảm”. (Tv 88,22). Thật là đẹp khi suy niệm cuộc độc thoại của Thiên Chúa. Người nói về Đavid, nhưng cũng là nói về chúng ta, các linh mục, các cha xứ. Người quan tâm chăm sóc chúng ta, các linh mục, bởi vì Người biết rằng trách nhiệm chăm sóc dân Chúa không dễ dàng; đó là một trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm đó, gánh nặng đó làm chúng ta vất vả, mệt nhọc. Không nhiều thì ít, chúng ta đều trải qua những kinh nghiệm đó cách này hay cách khác: từ sự mệt nhọc quen thuộc của công việc tông đồ, mục vụ hàng ngày, đến sự mệt nhọc của bệnh tật và cái chết.

 

Mệt nhọc của người mục tử.

Tin Mừng Luca cho biết khi trở về Nadarét, vào Hội đường Chúa Giêsu đã chia sẻ đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hen. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). Sứ mạng và trách nhiệm của linh mục Giêsu cũng là sứ mạng và trách nhiệm của linh mục chúng ta.

 

Đây không phải là những trách nhiệm dễ dàng, mà cũng không phải là những trách nhiệm bên ngoài như xây dựng nhà thờ, nhà xứ. Những trách nhiệm mà Chúa Giêsu nói đến ở đây, đòi hỏi chúng ta phải có khả năng cảm thương; đó là những trách nhiệm trong đó con tim của chúng ta bị lay động. Vui với người vui; khóc với người khóc. Nên nhớ, đối với linh mục, câu chuyện của mỗi giáo dân không chỉ như một thông tin trên báo chí; trái lại, ngài phải biết rõ họ muốn gì, họ ước ao gì; cùng lo lắng, buồn vui với họ. Nếu con tim chúng ta rộng mở, thì có biết bao cảm xúc, biết bao tình cảm làm con tim người mục tử mệt nhoài. Vậy, mệt nhọc của người mục tử là những mệt nhọc nào?

 

1/ Mệt nhọc do đám đông.

Đối với Chúa, cũng như đối với chúng ta, đây là điều làm chúng ta mệt nhoài. Tin Mừng có nói tới sự mệt nhọc này của Chúa. Nhưng đây lại là sự mệt nhọc tốt đẹp, một sự mệt nhọc nảy sinh hoa trái dồi dào và tràn đầy niềm vui. Đám đông dân chúng đi theo Chúa. Các gia đình đem con cái đến để được Chúa chúc lành; rồi những người được chữa lành kéo bạn bè đến với Chúa; thanh thiếu niên háo hức muốn gặp thầy Rabbi cao cả, kỳ diệu… họ không để cho Ngài và các môn đệ có thời giờ ăn uống. Nhưng Chúa ở với dân chúng đông đúc như vậy mà không mệt nhọc chút nào; trái lại, Ngài còn phấn khởi (Evangelii Gaudium 11).

 

Mệt nhọc ở giữa giáo dân, phục vụ họ quả là một hồng ân trong tầm tay của các linh mục chúng ta. Đó là một điểu đẹp đẽ. Giáo dân quí mến chúng ta, ao ước được gặp chúng ta, được nói chuyện trực tiếp với chúng ta, trừ khi chúng ta núp sau bàn giấy, hoặc đóng cửa nhà xứ, hoặc thường xuyên vắng mặt. Đó là sự mệt nhọc của người mục tử với mùi chiên trên mình, nhưng cùng với nụ cưởi của người cha đang chiêm ngắm con cháu mình. Sự mệt nhọc đầy niềm vui đó không ăn nhập gì với những người xức nước hoa xa xỉ, đắt tiền, đứng xa xa và trên cao để nhìn mọi người. Mùi chiên, nụ cười người cha… Phải, nhưng đàng sau là những mệt nhọc. Tuy nhiên, đó lại là những mệt nhọc đầy niềm vui. Niềm vui của những người được Chúa nói với họ: “Hãy đên, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc.” (Mt 25,34).

 

2/ Mệt nhọc do kẻ thù.

Ma quỉ và những tên theo nó không ngủ đâu. Đôi tai của chúng không chịu được Lời Thiên Chúa, nên chúng muốn Lời đó câm nín hoặc quấy nhiễu làm cho người khác không nghe được.

 

Chạm trán với chúng khiến sự mệt nhọc trở nên nặng nề hơn. Đây không chỉ nói về sự làm việc tốt lành với biết bao khó nhọc, nhưng còn nói đến sự bảo vệ đoàn chiên, sự bảo vệ chính mình khỏi sự dữ. Quỉ dữ rất tinh quái. Điều chúng ta đã kiên nhẫn tạo lập trong biết bao ngày tháng, nó có thể phá huỷ trong nháy mắt.

 

Cần cầu xin ơn vô hiệu hoá nó. Học biết vô hiệu hoá mọi hoạt động xấu xa của ma quỉ, đó là thói quen quan trọng: vô hiệu hoá sự dữ; không nhổ cỏ lùng, cũng không tự phụ là siêu nhân để chống lại ma quỉ và sự dữ nó gây ra vì chỉ có Chúa mới làm được điều đó.

 

Tất cả những điều đó giúp chúng ta không giơ tay đầu hàng trước hàng hàng lớp lớp những bất công, trước những nhạo báng, khinh miệt của kẻ ác. Lời Chúa cho những tình thế mệt nhọc này là: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Lời đó ban sức mạnh cho chúng ta.

 

3/ Mệt nhọc do chính mình.

Mệt nhọc thứ ba là mệt nhọc từ bản thân, do chính mình. Đây có lẽ là mệt nhọc nguy hiểm nhất. Bởi vì hai sự mệt nhọc trên: từ đám đông, từ ma quỉ, là những mệt nhọc đến từ bên ngoài, chúng ta cần ra khỏi chính mình để chiến đấu. Trái lại, sự mệt nhọc này phát xuất từ bên trong, đó là sự thất vọng về chính mình.

 

Đây không phải là sự thất vọng thấy mình là tội nhân, thấy mình hình như bất lực, hầu như khó xa tránh dịp tội, để sống thánh thiện hơn. Không, không phải là loại thất vọng này, vì dù là tội nhân, chúng ta vẫn có thể thanh thản chấp nhận, khiêm tốn xin Chúa trợ giúp, ban ơn tha thứ, để luôn bắt đầu lại, mà hoán cải, canh tân, rồi tiếp tục phục vụ và nỗ lực tiến bước trên con đường nên thánh.

 

Loại mệt nhọc thứ ba này không phải vậy. Đây là sự mệt nhọc giữa “muốn và không muốn”, muốn hi sinh tất cả nhưng lại phàn nàn than trách về củ hành củ tỏi Ai cập, muốn đón nhận mọi sự theo ý Chúa, nhưng rồi lại ảo tưởng, ước mong, đáng lẽ sự việc phải khác đi.

 

Trong cuộc chiến đầy mệt nhọc này, chúng ta đi đến thái độ âm thầm “thoả hiệp với linh đạo theo tinh thần thế gian” lúc nào không biết. Khi chỉ có một mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng rất nhiều lãnh vực trong đời sống minh đã thấm nhiễm tinh thần thế gian và chúng ta có cảm tưởng rằng mình thất bại, không bao giờ có thể gột rửa chúng sạch được.

 

Lời Chúa trong sách Khải huyền chỉ rõ cho chúng ta nguyên nhân của sự mệt nhọc này“Ngươi có lòng kiên nhẫn và chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2, 3-4). Chỉ khi có tình yêu mới có sự nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ai không có tình yêu, người đó sẽ mệt nhọc một cách nặng nề; và theo thời gian, sự mệt nhọc đó ngày càng nặng nề hơn.

 

4/ Mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật, nghỉ hưu.

Sau cùng là mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật, nghỉ hưu. Cảm giác đến tuổi phải nghỉ hưu có lẽ là cảm giác rất buồn, rất hụt hẫng vì hình như mình không còn làm được việc gì nữa, hình như mình không còn hữu ích cho ai nữa; Ngoài ra, linh mục đến tuổi hưu còn có cảm tưởng rằng có lẽ từ nay, không còn ai đến với mình nữa, mình không còn như trước nữa, mình chẳng có gì để làm, như bị gạt sang một bên, sống bên lề cuộc đời.  Có thể cảm giác này, suy nghĩ này làm chúng ta chán nản, mệt nhọc. Có vị đã đi hưu than buồn và nói: “không ai đến thăm tôi cả!” Một vị khác thì tâm sự: “Nghỉ hưu rồi, thấy ngày sao dài thế!”

 

Còn phải kể đến mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật. Đây là loại mệt nhọc ai cũng phải trải qua. Càng cao tuổi, đi lại càng chậm chạp, mắt càng mờ nhìn không rõ, tai càng nghe không rõ, tiếng được tiếng mất, ngồi càng lâu càng đau lưng. Đó là chưa nói đến những đau đớn do bệnh tật, khó khăn về ăn uống, vệ sinh. Tất cả những yếu đuối thể lý đó làm chúng ta mệt mỏi, làm chúng ta như mất sức sống, và có thể làm chúng ta chán nản, cảm thấy mình vô ích, cảm thấy mình thừa thãi.

 

Mệt nhọc, yếu đuối thể lý còn kéo theo yếu đuối tinh thần: Không thể đọc, không thể nghe, để nuôi dưỡng trí thức và tinh thần thêm được nữa; không thể tập trung cầu nguyện lâu giờ được nữa; nhiều khi dâng lễ cũng là làm cho mau xong, không thể chú ý, không thể sốt sắng vì trí óc đã lãng đãng, lúc nhớ, lúc quên. Lúc ấy, sự mệt nhọc trở nên rất nặng nề, chúng ta chỉ còn biết dâng cho Chúa mọi sự khi tỉnh táo, khi còn nhận biết được những gì xảy ra chung quanh.

 

Những mệt nhọc ở giai đoạn cuối đời này có lẽ không còn gọi là mệt nhọc được nữa, mà là sự dâng hiến, phó thác trong đức tin đã có từ khi còn khoẻ mạnh, còn tỉnh táo và kéo dài trong ý thức hoặc tiềm thức cho đến giờ Chúa gọi đi gặp Ngài. Dĩ nhiên, với điều kiện là chúng ta tin yêu Chúa hết lòng.

 

Chúa Giêsu quan tâm săn sóc các mục tử của Ngài.

Hình ảnh sâu xa nhất và mầu nhiệm nhất về cách Chúa quan tâm đến sự mệt nhọc của chúng ta là hình ảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1). Hãy chiêm ngắm hành động rửa chân của Chúa và hãy nhớ rằng Chúa cũng rửa chân cho tất cả những ai đi theo Người. Phải, Chúa chịu khổ cùng chúng ta. Ngài là người đầu tiên rửa sạch mọi vết bẩn là khói bụi thế gian bám chặt vào chúng ta trên con đường phục vụ và rao giảng nhân danh Ngài.

 

Cứ coi đôi chân thì biết cả con người. Những đôi chân đầy vết thương sần sùi, xương khớp trầy trật, và nỗi mệt nhọc là những dấu hiệu cho thấy cách chúng ta đi theo Chúa, cho thấy những con đường chúng ta đã dõi bước để kiếm tìm chiên lạc, và đã gắng sức dẫn đoàn chiên tới những đồng cỏ xanh tươi và những dòng nước trong lành thế nào. Chúa sẽ lau chùi và thanh tẩy sạch mọi bụi bẩn bám vào đôi chân chúng ta. Và điều đó thì thánh thiêng. Ngài không để cho đôi chân chúng ta dơ bẩn. Ngài ôm hôn nó như những vết thương của người chiến hữu, rồi rửa nó thật sạch.

 

Là những người đi theo Chúa, chúng ta sẽ được chính Chúa rửa sạch, để chúng ta cảm thấy hân hoan đứng thẳng, không sợ hãi, không mặc cảm tội lỗi, để chúng ta có can đảm ra đi tới tận cùng thế giới, tới tận những vùng ngoại biên xa xôi, heo hút, tới tận cùng của thời gian, và hăng hái đem Tin Mừng cho mọi người, nhất là cho những người bị bỏ rơi nhất, vì biết rằng Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi, mọi ngày cho đến tận thế.

 

Hãy cầu xin được ơn học biết mệt nhọc, một sự mệt nhọc tốt lành, thánh thiện.  Hãy cầu xin ơn được chịu đựng mệt nhọc, nhất là mệt nhọc của tuổi cao sức yếu, như của lễ hi sinh dâng lên Chúa. Amen. 


[1] ĐGH PHANXICÔ, “À mes frères prêtres”, Nxb Artège, Paris 2020

[2] Sách đã dẫn, trang 177-182.

Nguồn: trích đăng lại từ nguồn: https://giaophanlongxuyen.org