Phúc cho những ai không thấy mà tin
Biến cố tử nạn của Chúa Giêsu đã làm tâm trạng các môn đệ thêm trĩu nặng, mất phương hướng, bao hy vọng tiêu tan chỉ còn lại nổi sầu đau ảm đạm, cộng thêm sự sợ hãi vì bắt bớ của những người Do Thái. Các môn đệ lần lượt rời Giêrusalem, trong đó có cả Tô-ma, thành viên của nhóm tông đồ. Do vậy, khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, hiện ra với nhóm tông đồ, Tôma không có mặt. Ông đang buồn rầu, bi quan, chán nản đến độ không muốn gặp các thân hữu, ông đóng cửa ở nhà một mình. Ông luôn ôm ấp sự bất mãn, thất vọng, buồn phiền… Thế là Tô-ma hụt mất cơ hội diện kiến Đấng Phục sinh.
Thường khi nói tới ông Tôma, mọi người nghĩ ngay tới người môn đệ cứng lòng tin. Sở dĩ, người ta nghĩ như vậy, là vì vị Tông Đồ này đã nhất quyết không chịu tin Thầy mình là Đức Giêsu sống lại và hiện ra với nhóm Mười Hai, cho dù tất cả Tông Đồ đoàn đều khẳng định như thế. Lý do mà vị Tông Đồ này đưa ra là: “Vì tôi chưa thấy nên tôi chưa tin”.
Chúng ta không rõ Tô-ma có dám làm những điều ông muốn xác minh hay không, nhưng chắc một điều là chính thái độ bao dùng và yêu thương của Thầy dành cho ông đã chinh phục tâm hồn ông. Cả con người ông thổn thức, run rẩy, xúc động và môi ông mấp máy rồi bật lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, một lời tuyên xưng đức tin cao độ nhất, chân xác nhất và sống động nhất của Tin mừng. Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận, nó là tất cả những gì bản thể người của ông muốn nói. Ông không gọi là thầy, nhưng tuyên xưng là Chúa, điều mà trước đó không chưa hề nghĩ đến khi rong ruỗi theo Chúa Giêsu.
Chính lời xác quyết đó của Tô-ma, là cơ hội cho đức tin của mỗi chúng ta, những người tin vào Chúa mà không được minh xác đức tin của mình bằng giác quan. “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Quả vậy, con người ngày nay chịu nhiều ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm, luôn đòi hỏi tính minh xác qua giác quan, một nghĩa nào đó chúng ta là những Tô-ma thứ thiệt. Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tô-ma, cám ơn lời chứng của ngài. Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin, vì chúng ta biết chắc rằng chuyện Chúa phục sinh không phải do một ảo giác tập thể.
“Phúc cho ai không thấy mà tin” còn là một đặc ân cho mỗi ki-tô hữu, vì mỗi chúng ta được thừa hưởng một mối phúc mà thánh Tô-ma không có được. Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt, mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (x.Ga 17, 20), trong đó có cả Tô-ma.
Chúng ta có thể thông cảm cho Tôma, vì vào thời bấy giờ, những khái niệm như: Kẻ chết sống lại, Phục Sinh… là một điều quá xa lạ đối với người đương thời. Chúng ta đừng đòi hỏi Tôma phải có một đức tin chắc chắn về việc thân xác sống lại như chúng ta ngày hôm nay. Chính các Tông Đồ cũng chỉ có thể hiểu được màu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại và Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Điểm tiếp theo, nếu chúng ta chỉ gán Tôma với danh hiệu “Vị Tông Đồ cứng tin” thì e rằng hơi oan uổng cho ngài. Chúng ta biết rằng, chính vì việc không tin của Tôma mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết một điều quan trọng, một mối phúc mới, đó là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Hơn thế nữa, chúng ta nhận thấy ở đây có sự tiến triển vượt bậc về cách nhận biết Chúa Giêsu của ông Tôma. Từ chỗ không tin Đức Giêsu đã sống lại thật, ông đã đi đến chỗ tin nhận Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa” – một cách hiểu hoàn toàn mới mẻ đối với ngay cả các Tông Đồ. Đến như Phêrô cũng chỉ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, trong khi Tôma lại tuyên xưng Chúa Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”.
Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…
Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.
Khi chiêm ngắm đời sống và gương sáng của thánh nhân, chúng ta có dịp nhìn lại đức tin của chúng ta. Kể từ khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được gọi là người Kitô hữu (người có Chúa Kitô), hay người tín hữu (người tin vào Chúa Kitô), đáng lý ra, chúng ta là những người được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu như lời Ngài nói trong Bài Tin Mừng hôm nay: “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Thế nhưng thử hỏi, chúng ta đã và đang thực hành niềm tin đó ra sao?
Chúng ta hạnh phúc hơn Tôma, bởi vì mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ được đụng, được chạm, mà còn được đón Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng ta, nhưng, mấy người cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Chúa?
Lm Anton Tuệ Mẫn
Nguồn: https://giaohatphutho.org/