TIỆC LY - TIỆC TÌNH YÊU
RỬA CHÂN - GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu. Vào chiều hôm nay cách đây hơn 2000 măm, trong bữa Tiệc ly, trước khi xa các môn đệ để thi hành tôn ý Chúa Cha mà cứu độ nhân loại, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ hết sức ngỡ ngày, là Người trỗi dậy khỏi bàn ăn, lấy khăn thắt lưng, rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường. Chúa dạy các ông bài học này cũng trước khi lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu.
Vì muốn yêu đến cùng nên Người dạy khiêm nhường bằng việc rửa chân để mọi người biết yêu nhau.
Vì muốn yêu đến cùng, nên Người lập Bí Tích thánh thể để ở lại với chúng ta cho đến ngày tận thế.
Chúa Giê su lập Bí Tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác vụ của các linh mục.
Tham dự Thánh Lễ chiều nay, chúng ta hãy mặc lấu tâm tình của Chúa Giê-su: sống bác ái khiêm nhường và phục vụ mọi người trong cuộc sống hằng ngày.
Hơn nữa, để biểu lộ lòng biết ơn sâu xa với Chúa Giê-su, vì món quà cao quý Người ban tặng là chính Mình Máu Thánh Ngài, chúng ta cùng đến thờ lạy và ở lại lâu giờ bên Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể.
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh là một buổi chiều của Tình Yêu. Cả bầu khí thấm đẫm Tình Yêu. Phòng Tiệc ly thật ấm cúng. Từng lời nói, từng cử chỉ của Đức Giê-su đều trang trọng và đậm sứ điệp Tình Yêu. Hai cử chỉ nổi bật trong bữa Tiệc Ly là Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và rửa chân cho các Tông Đồ
Thánh Gioan không tường thuật việc lập Phép Thánh Thể, nhưng chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết, bằng lời văn trang trọng. Chúng ta hãy đọc lại đoạn mô tả Đức Giê-su chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ: Đức Giê-su đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.
Đức Giê-su cử hành việc rửa chân một cách trang trọng như cử hành một Bí tích. Vì việc rửa chân bổ túc cho Bí tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ. Việc rửa chân được thực hiện ngoài cuộc đời. Khi rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giê-su có ý dạy ta hãy thực hành đạo không chỉ trong nhà thờ mà còn ngoài xã hội nữa. Bí tích Thánh Thể hướng lòng ta về Chúa. Việc rửa chân hướng lòng ta về con người. Khi rửa chân cho các Tông Đồ, Đức Giê-su dạy ta rằng, chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, cần phải yêu người nữa mới trọn vẹn điều răn Chúa truyền. Bí tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ. Việc rửa chân được cử hành trên con người. Khi rửa chân cho các Tông Đồ, Đức Giê-su dạy ta rằng, con người chính là đền thờ, là bàn thờ của Chúa.
Đức Giê-su cử hành nghi thức rửa chân một cách trang trọng, vì Người kính trọng con người. Đang ăn, người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo người, lấy khăn thắt lưng. Đó là cử chỉ của người đầy tớ. Khi chủ đang ngồi ăn, đầy tớ phải đứng phục vụ. Để việc phục vụ được dễ dàng, đầy tớ phải cởi áo ngoài, thắt lưng cho gọn gàng. Hãy xem, Người quỳ gối xuống trước mặt môn đệ. Ai nhìn cảnh tượng này mà không xúc động. Thiên Chúa quỳ gối trước mặt con người. Thiên Chúa hạ mình phục vụ con người. Thật là một cảnh tượng mà không đầu óc nào có thể tưởng tượng nổi. Thật là một sáng kiến tuyệt vời mà không có nhà phát minh nào dám ngờ tới. Chưa hết, khi Phê-rô lên tiếng hỏi, Đức Giê-su ngẩng mặt lên để trả lời. Một cảnh tượng khiến những tâm hồn kiêu căng phải vỡ ra tan nát. Thiên Chúa phải ngẩng đầu lên mới đối diện được với con người. Thiên Chúa hạ mình thẳm sâu để tôn con người. Thiên Chúa trân trọng con người, biến con người thành đối tượng phục vụ.
Có thứ phục vụ vì bắt buộc. có thứ phục vụ vì yêu thương. Chẳng ai có thể bắt buộc Thiên Chúa phục vụ con người. Chính tình yêu thương đã thúc đẩy Người làm điều ấy. Hãy nhìn Người nâng niu bàn chân nhân loại. Những bàn chân đã lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Những bàn chân cáu bẩn bụi trần. Người âu yếm kỳ cọ cho sạch mọi thương đau. Người nhẹ nhàng tẩy rửa mọi vết nhơ bẩn phản bội. Người dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng. Người lặng lẽ xóa đi những dấu bết mặc cảm. Người rửa sạch đôi chân để từ nay nhân loại có thể đứng thẳng lên. Người uốn nắn đôi chân để từ nay con người biết đi vào đường ngay nẻo chính.
Đức Giê-su không giải thích trước khi rửa chân cho các Tông Đồ. Làm rồi Người mới nói. Việc làm của Người không chỉ đi đôi mà đi trước lời nói. Người muốn dạy chúng ta hiểu rằng, việc làm quan trọng hơn lời nói. Việc phục vụ tự nó đã là một giải thích sâu xa, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Chính việc làm minh chứng một tình yêu chân thành, tha thiết (Với điều kiện việc làm đúng, chứ không phải làm bậy).
Chiêm ngắm Chúa rửa chân cho các Tông Đồ, tôi hiểu rằng: Thánh Lễ không kết thúc ở nhà thờ, mà vẫn còn tiếp tục trong cuộc sống. Thánh lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng không kém gì Thánh Lễ trong nhà thờ, nên cũng phải cử hành một cách trang nghiêm kính cẩn. Lễ vật dâng trên bàn thờ còn thiếu sót nếu tôi chưa dâng trong đền thờ thân xác con người lễ vật yêu mến, phục vụ anh chị em. Cuộc kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh thể chưa trọn vẹn, nếu tôi không kết hiệp với anh chị em trong tình yêu thương được biểu lộ trong sự phục vụ khiêm nhường. Việc giữ đạo sẽ khập khiễng nếu tôi chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Chúa mà không có mối liên hệ tốt với anh chị em. Tôi sẽ không thực hành ý Chúa, nếu tôi chỉ thờ phượng Thiên Chúa mà không kính trọng con người. Trân trọng con người, quan tâm phục vụ anh chị em đó là tất cả ý nghĩa của bài học rửa chân mà chúng ta sắp cử hành theo gương Đức Giê-su, Thầy Chí Thánh.
Giờ đây, tôi rửa chân cho các tông đồ, là đại diện của anh chị em. Đây không phải là một cử chỉ tưởng niệm. Đây còn là một lời cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho chính tôi, cho anh chị em, cho Giáo Hội để được ơn sống khiêm tốn như Chúa muốn. Khiêm tốn trong tinh thần thờ phượng Chúa, khiêm tốn trong tinh thần phục vụ anh chị em, khiêm tốn trong những liên hệ hằng ngày. Có thực sự khiêm tốn mới sám hối được, có thực sự khiêm tốn mới hòa giải được.
Xin Chúa tẩy rửa tâm hồn mỗi người chúng ta trong tình yêu vô biên của Người.
Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà nguyện Dòng OH