Trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với chứng rối loạn lo âu ngày càng trầm trọng hơn. Dưới đây là một số cách để các bậc phụ huynh giúp đỡ con mình vượt qua tình trạng này.
Khi tôi ở những năm cuối tuổi thiếu niên, tôi đã phải đối đầu với kẻ thù lớn nhất mà tôi không ngờ tới: bệnh trầm cảm. Tôi không hề phải trải qua điều gì đặc biệt tồi tệ hay đau buồn, nhưng chính điều đó khiến mọi thứ khó khăn hơn, vì tôi không thể xác định được nguyên nhân của căn bệnh.
Phải thừa nhận rằng tôi luôn cảm thấy u uất, và dễ lo lắng về sự chết. Tôi nghĩ trước về cái chết và băn khoăn về bản chất của sự tồn tại. Đến tuổi 35, tôi đã phải đối mặt khủng hoảng tuổi trưởng thành. Ngay cả khi còn là một thiếu niên, tôi đã luôn cảm thấy sợ hãi và lo âu, nhưng tôi lại không thể xác định mình lo lắng cái gì. Đó đúng hơn là một trạng thái bất mãn, một cảm giác khó chịu chung khiến tôi phải tự hỏi mình sinh ra để làm gì và sẽ đi về đâu.
Trong khi đó, hầu hết bạn bè của tôi đều vui vẻ tiệc tùng, chơi thể thao và theo đuổi các cô gái. Có vẻ như tôi là người duy nhất phải đối mặt với tình trạng này.
Một căn bệnh phổ biến
Một số điều ngày trước là đúng thì có thể hiện nay không còn đúng nữa. Rất nhiều trẻ em ngày nay đang phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) đã đưa ra báo cáo về tình trạng rối loạn lo âu nơi trẻ em, cụ thể là cảm giác bất mãn và áp lực đã gia tăng đều đặn trong những năm qua. Ngay cả những nơi những trẻ có vẻ rất thành công – những ngôi sao trong học tập, thể thao hay những người nổi tiếng – cũng có thể cảm thấy lo lắng. Dù thành công, nhưng họ vẫn không nghĩ mình đủ tốt và họ có cảm giác mơ hồ rằng cuộc sống không như ý muốn.
Tuổi thơ từng là khoảng thời gian mà mọi thứ đều thú vị và mới mẻ. Trẻ em sống không lo âu. Chúng dành thời gian để nghịch vũng nước và chơi bóng trong công viên. Ở trường cấp hai, tất cả chỉ là đi chơi với bạn bè và cố gắng nắm tay một cô gái. Kiểu tuổi thơ vô tư đó đang nhanh chóng biến mất, khi trẻ em giờ đây cũng trải qua nhiều nỗi lo âu không kém gì người lớn.
Điều gì khiến trẻ em lo âu?
Có nhiều nguyên nhân, như bệnh trầm cảm, cảm giác cô độc, những căng thẳng do mạng xã hội gây ra hay những áp lực từ phía gia đình. Trẻ em ngày nay lớn lên với chiếc điện thoại thông minh, được tiếp xúc rất sớm với truyền hình, những trò chơi bạo lực, những nội dung đồi trụy và bị cuốn vào cuộc đua sống ảo trên mạng xã hội. Các em không được trang bị những kỹ năng cần thiết và nhanh chóng bị choáng ngợp về mặt cảm xúc, và bị bao vây bởi những kích thích không hồi kết. Có thể ví điều này như một sân khấu mà các em không thể tìm đường thoát ra.
Một điều làm tôi trăn trở, đó là liệu kỳ vọng vô lý từ phía các bậc phụ huynh có vô ý làm cho tình trạng lo âu này thêm trầm trọng hơn hay không? Làm sao để chúng ta có thể gần gũi với con cái hơn để chúng có nhiều cơ hội hơn để trở thành những con người hạnh phúc? Tôi cũng băn khoăn liệu có cách nào khác để giúp các em đối đầu với những thử thách trưởng thành của thế giới ngày nay, có những sự thật nào mà chúng ta phải dạy cho con em mình?
Dưới đây là cách mà tôi cho rằng phụ huynh có thể đồng hành với con mình:
1. Tạo ra những ranh giới
Sức ép thành công từ phía cha mẹ có thể vô tình phá hủy niềm vui của các em. Ai cũng mong muốn con cái thành công hơn mình, và tránh được những sai lầm của thế hệ trước. Tuy nhiên, trong khi truyền đạt những mong muốn này, chúng ta vô tình buộc chặt giá trị của con cái vào cái gọi là thành công, khiến con cái nghĩ rằng chỉ khi đạt được kỳ vọng thì cha mẹ mới yêu thương mình. Cha mẹ cần đưa ra những ranh giới hợp lý, tránh gây áp lực cho người trẻ bởi những kỳ vọng ảo tưởng. Những sự so sánh hay đánh giá chủ quan giữa con mình và con nhà người ta nên được đặt ra ngoài ranh giới này. Bên cạnh đó, hạn chế việc sử dụng mạng xã hội cũng là điều tốt.
2. Chuyển thước đánh giá từ thành tựu sang nhân cách
Con người nên được nhìn nhận dưới góc độ nhân cách. Mỗi người đều có thể tự hào nếu người đó sống ngay thẳng, khiêm tốn, tốt bụng với những người xung quanh. Nhưng với nhiều người, dường như thước đo thành tựu quan trọng hơn nhiều, dù đó là điểm số, sự nổi trội trong các hoạt động ngoại khóa hay thể thao. Là cha mẹ, chúng ta có thể cho con mình biết rằng những thành tựu đó sẽ không là gì nếu đi với một con người trống rỗng. Một con người thành công là một người có nhân cách đẹp.
3. Không kỳ vọng vô lý nữa
Trẻ em cần được giáo dục một cách rõ ràng và đơn giản rằng chúng không cần phải giỏi nhất ở mọi thứ. Trên thực tế, các em nên quen với việc mình không thể vừa là thủ khoa học đường, vừa là ngôi sao sân cỏ, vừa là hoa hậu ở trường. Họ chỉ cần là chính mình – giỏi ở một số thứ và không giỏi ở những thứ khác. Sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ có thể dành thời gian để chơi cùng con cái. Không phải lúc nào cũng kè kè bênh cạnh trong học hành hay thể thao. Bằng cách này, trẻ hiểu một cách trực quan rằng cha mẹ không xem chúng như một “dự án” cần hoàn thiện mà là một người xứng đáng được yêu thương.
4. Tạo lập một nền tảng đức tin
Khi lớn lên, tôi đã nhiều lần được cha mẹ đảm bảo rằng có Chúa đã tạo ra tôi và yêu thương tôi vô điều kiện. Biết được điều đó, tôi được tự do là chính mình. Tôi biết mình có giá trị riêng nên không hề lo lắng về hướng đi của cuộc đời mình. Tôi đã có thể đón nhận cả thành công và thất bại một cách dễ dàng. Trên thực tế, chính sự thật vô cùng đơn giản này đã cứu giúp tôi trong những năm tháng khó khăn của cơn trầm cảm. Tôi luôn biết rằng dù tôi có cảm thấy tồi tệ đến đâu thì nó cũng sẽ không tồn tại mãi mãi.
Tôi tự hỏi cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu tôi không có niềm tin rằng Chúa sẽ đưa tôi ra khỏi lo âu. Trẻ em cần biết mục đích và lý do của cuộc sống – đó là trở nên hạnh phúc. Hoặc, nếu bạn là người Công giáo, bạn có thể giải thích cho con cái rằng mục tiêu trong cuộc sống là trở thành một vị thánh. Bằng cách đưa con cái đến nhà thờ và cầu nguyện cùng chúng, cha mẹ sẽ giúp đỡ con mình rất nhiều. Sự lo lắng hiện diện ở nơi thiếu niềm hy vọng. Người tin vào Chúa luôn có hy vọng.
Kết lại, đương đầu với lo âu là một thử thách không dễ dàng. Không có cách nào để giải quyết vấn đề này cách nhanh chóng. Nhưng chúng tôi biết rằng việc đặt ra những ranh giới và kỳ vọng hợp lý sẽ giúp ích. Nó cũng giúp mỗi người có đời sống nội tâm mạnh mẽ. Sự lo lắng xảy ra khi chúng ta không biết mình là ai và mình sẽ đi đâu, vì vậy tôi luôn quay lại với sự thật cơ bản đã giúp tôi vượt qua khi phải vật lộn với nó: giá trị của mỗi người được quyết định bởi nhân cách của chính người đó, và bởi sự hiện diện của những người thân xung quanh.
Tác giả: Fr. Michael Rennier
Người dịch: Hoàng Quân
Nguồn: Aleteia
Trích đăng lại từ: https://dongten.net/4-cach-de-giup-con-thoat-khoi-chung-roi-loan-lo-au/