TRUYỀN GIÁO, NỐI KẾT GIỮA “NGỒI” VÀ “ĐI”
Một đặc điểm quan trọng của việc truyền giáo là sự kết nối hài hòa giữa hai nhịp đập của trái tim : “ngồi” và “đi”. “Ngồi” để nghe tiếng Chúa ; “đi” để thực hiện ý Ngài.
Sau khi nghe giảng và chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, dân thành Caphácnaum nảy ra một sáng kiến là muốn Ngài ở lại với họ. Họ không muốn Chúa lúc nào cũng đi hết làng này qua làng nọ, mệt nhọc, ăn chẳng ngon bữa, ngủ chẳng đầy giấc.... Nhưng Chúa Giêsu nói với họ : “Tôi còn phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, đó là công việc hàng đầu, ưu tiên số một của Chúa Giêsu. Trước khi về trời, Chúa Giêsu còn yêu cầu các Tông đồ phải tiếp tục thi hành công việc này. Sao Chúa cứ phải đi loan báo Tin Mừng mãi vậy ? Chúa không cần ngồi lại để nghỉ ngơi lấy lại sức... sao ? Cách chung, Ngài không cần “ngồi” ư ?
Người ta có nhiều lý do phải ngồi. Ngồi giúp giảm áp lực lên đôi chân sau khi di chuyển trong thời gian dài. Ngồi có thể giúp duy trì tư thế ổn định để tập trung hơn vào công việc. Trong một số trường hợp, ngồi là tư thế an toàn hơn. Ví dụ, khi ở trên các phương tiện di chuyển như xe ô tô, máy bay. Trong một số sự kiện hoặc nghi lễ tôn giáo, văn hóa, việc ngồi có thể là cách thể hiện sự tôn trọng, chẳng hạn như ngồi trong nhà thờ hay trước mặt người lớn tuổi. Một số công việc yêu cầu người ta phải ngồi để thực hiện, như lái xe, làm việc trên máy tính. Đối với một số người, ngồi có thể cần thiết do vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như mệt mỏi, chấn thương, hoặc các bệnh lý về cơ, khớp. Ngồi ở đây còn có ý nói giành thời gian thinh lặng để định hướng, để cầu nguyện, để nhận ra ý Chúa trong cuộc đời.
Với những lý do nêu trên, thiết nghĩ Chúa Giêsu cũng cần “ngồi”. Trong nhiều dịp, Chúa Giêsu từng ngồi giảng dạy (x. Lc 4,16-21), ngồi ăn với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,14-20). Dù sách Phúc Âm không ghi chép cụ thể về tư thế cầu nguyện của Chúa Giêsu, nhưng việc ngồi cầu nguyện là tư thế phổ biến của người Do Thái, nhất là trong các nghi thức tôn giáo. Do đó, việc Chúa Giêsu ngồi cầu nguyện chắc chắn là có. Cầu nguyện biểu lộ sự tương giao, kết nối thân tình với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện đặc biệt trước những thời điểm quyết định liên quan đến sứ vụ : chọn gọi nhóm Mười Hai ; chọn ý riêng hay theo ý Chúa Cha... Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu luôn trung thành với Ý muốn của Chúa Cha.
Chúa Giê su không chỉ “ngồi” mà còn thường xuyên “đi”. Chúa Giêsu đã di chuyển qua các vùng Galilêa, Samaria, Giuđêa và bên kia sông Jordan. Về khoảng cách, xin nêu vài con số cụ thể. Từ Nazareth đến Caphácnaum khoảng 40 km. Từ Caphácnaum đến Giêrusalem khoảng 140 km. Từ Giêrusalem đến Betania, nơi Chúa Giê-su thường lưu trú khi đến Giêrusalem, khoảng 3 km... Mặc dù không có con số chính xác, các học giả ước tính Chúa Giêsu đã đi khoảng 4.000 - 5.000 km trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, chủ yếu bằng đường bộ.
Rảo quanh những nẻo đường cuộc sống, Chúa Giêsu đã gặp biết bao người đau khổ, lầm đường lạc lối, đã bỏ đồng cỏ xanh, bỏ dòng suối nước trong, ra đi theo những lời mời gọi hấp dẫn của thế tục đối nghịch với Thiên Chúa. “Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn (x. Mt 9,36-39). Nỗi niềm ước mong mọi người được sống trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa đã thôi thúc Ngài, Ngài muốn đưa tất cả về cùng một mái nhà.
Chúa Giêsu tuy bận rộn đi rao giảng Tin mừng, nhưng vẫn luôn dành thời giờ cho việc cầu nguyện : “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt. Chúa đã trỗi dạy, đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện ở đó” (x. Mc 1,29-39). Như thế, hành trình truyền giáo của Ngài là một chuỗi điệp khúc đan xen giữa “ngồi” và “đi”. Có người thích “đi” hơn là thích “ ngồi”. Họ muốn làm một điều gì đó hữu hình, to tát, hoành tráng. Họ tìm tiếng vỗ tay ; muốn ghi dấu ấn của riêng mình ! Nếu không là ý Chúa thì những việc làm của họ sẽ nên vô ích và có khi gây lãng phí về vật chất, làm tổn hại đến sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Ngược lại, người khác lại chỉ thích “ngồi” hơn là thích “đi”. Họ “đóng khung Đạo”, “đóng khung Tin Mừng”, “đóng khung sáng kiến mục vụ” trong nhà thờ, trong những buổi cầu kinh, dâng lễ… đằng sau ẩn chứa sự ngại khó ngại khổ ra đi gặp gỡ, đem Tin Mừng cho anh chị em. Họ giữ đạo chứ chưa truyền đạo.
Tóm lại, một đặc điểm quan trọng của việc truyền giáo là sự kết nối hài hòa giữa hai nhịp đập của trái tim : “ngồi” và “đi”. “Ngồi” để nghe tiếng Chúa ; “đi” để thực hiện ý Ngài. Nó giống như gốc cây gắn với thân cây. Gốc không thân, không có hoa trái; thân không gốc, không có sự sống. Nhiều lần Đức Cha Lambert de la Motte (đồng sáng lập Hội Thừa Sai Paris và là đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá) đã khuyên các thừa sai : “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”. Một phóng viên đã hỏi Mẹ Têrêxa Calcutta : “Thưa Mẹ, Mẹ yêu thương đám quần chúng mà người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết của Mẹ ?” Mẹ từ tốn trả lời : “Bí quyết của tôi thật đơn giản : Tôi cầu nguyện”. Như vậy, linh hồn của “đi” chính là biết “ngồi” ; hoa quả của “ngồi” chính là biết “đi”. Hãy “đi” với Chúa và hãy “ngồi” với Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org