Tai biến mạch não: bệnh lý mạch máu não nguy hiểm nhất

 

Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) xảy ra đột ngột, gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc can thiệp khi bệnh đã xảy ra bằng các thuốc trị đột quỵ hoặc các phương pháp phẫu thuật rất tốn kém và khó khăn, chưa kể người bệnh khó hồi phục hoàn toàn. Do đó, điều quan trọng là có hướng dự phòng sớm.

Tai biến mạch máu não là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và xuất huyết não (vỡ mạch). Tùy mức độ người bệnh gặp phải các bác sĩ sẽ có hướng can thiệp bằng thuốc điều trị tai biến mạch máu não hoặc các biện pháp phẫu thuật khác.

Nhồi máu não (chiếm 85%): Nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cấp máu, thường là do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Tình trạng bít tắc kéo dài cản trở máu lưu thông lên não, khiến các tế bào não thiếu hụt oxy quá mức và chết đi, ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể mà vùng não bị chết chi phối.

 Hình ảnh nhồi máu não (Nguồn: internet)

Xuất huyết não (chiếm 15%): Bệnh xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não, phổ biến nhất của dạng này là kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh…

 

Hình ảnh xuất huyết não (Nguồn: internet)

Theo thống kê của Hội Đột quỵ Mỹ, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ. Và cứ 3 phút trôi qua, thế giới lại có một người tử vong do đột quỵ. Theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người mới mắc TBMMN, trong đó có tới 50% tử vong. Trong số 50% bệnh nhân TBMMN sống sót có tới 92% mắc di chứng về vận động, 68% di chứng vừa và nhẹ, 27% di chứng nặng, 92% người bệnh liệt nửa người đang sống tại gia đình và cộng đồng vẫn cần luyện tập phục hồi chức năng.

Nếu như trước đây, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên thì hiện nay, bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm.

3 yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ:

Tuổi: Tuổi cao (khả năng bị đột quỵ gia tăng theo tuổi, đặc biệt ở người trên 60 tuổỉ), nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ hơn nữ giới.

Bệnh mãn tính: Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch (đặc biệt là rung nhĩ, bệnh mạch vành, bệnh van tim).

Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, stress, mất ngủ…

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ – tai biến mạch máu não

Hiện nay, để phổ cập các dấu hiệu của tai biến mạch máu não, các chuyên gia y tế lưu ý ghi nhớ “FAST” nhấn mạnh đến mức độ và là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.

Khuôn mặt: dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn.

Tay: diễn tiến từ từ như tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc; cũng có thể ở chân như đi dễ bị vấp té; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép…

Lời nói: một số người đột quỵ nói khó, nói đớ hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Có thể yêu cầu bệnh nhân nói chuyện với một vài câu đơn giản một cách mạch lạc. Từ đó, có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể cảnh báo đột quỵ như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu bất thường.

Thời gian: đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não. Chỉ trong thời gian này thì việc dùng thuốc trị đột quỵ hay các biện pháp phẫu thuật mới có thể giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong và những di chứng khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Phương pháp dự phòng ngăn đột quỵ – tai biến mạch máu não

Việc điều trị đột quỵ vô cùng khó khăn do những tổn thương thần kinh diễn tiến nhanh, chi phí nằm viện, thuốc điều trị tai biến mạch máu não hay phẫu thuật cũng rất tốn kém. Chưa kể, người bệnh còn phải gánh chịu di chứng nặng nề sau đột quỵ và nguy cơ tái phát đột quỵ. Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ… Do đó, cần chú trọng phòng ngừa đột quỵ từ sớmn, đây chính là cách hữu hiệu để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của bệnh.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…

Chủ động thay đổi lối sống: Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế chất béo, ngọt, đường, bột, thức ăn nhiều mắm muối; ăn nhiều rau, củ, trái cây), vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30 – 60 phút mỗi ngày, 4 – 5 lần/tuần); hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá…

Bs: Vũ Hồng Vân