Có thuốc trị dứt điểm vảy nến?

Suckhoedoisong.vn - Vài năm gần đây số người mắc bệnh vảy nến ngày càng tăng cao và không có dấu hiệu giảm. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý…

Bệnh vảy nến là bệnh da mạn tính, đặc trưng bởi các mảng da dày, rộng, đỏ, dạng vảy trắng hoặc bạc. Bệnh thường thấy trên bề mặt cơ duỗi của khuỷu tay và đầu gối, lưng hay da đầu, gan bàn chân.

Người bị vảy nến có thể nhiễm eczema hoặc nấm. 7% người  bị vảy nến có biểu hiện viêm khớp,  thường ảnh hưởng tới một khớp (khớp tay và chân), nhưng có thể rất nặng và đồng nhất với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nguyên nhân chính xác gây ra vảy nến vẫn chưa biết rõ nhưng có tính di truyền và liên quan tới yếu tố miễn dịch. Yếu tố môi trường, điều kiện sống và tâm lý người bệnh cũng có liên quan đến diễn tiến của bệnh.

Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng là mối lo ngại và mặc cảm của nhiều người do mất thẩm mỹ tại các vùng da bị bệnh gây nên.

Hiện chưa có thuốc chữa khỏi và điều trị dứt điểm vảy nến, các thuốc thường dùng chỉ làm cho bệnh tạm lui. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

Các trường hợp vảy nến được chỉ định dùng các thuốc điều trị tại chỗ, thường là một thuốc làm mềm, làm sạch, bảo vệ da (acid salicylic…) hoặc kết hợp với một liệu pháp tích cực.

Các hình thái vảy nến.

 

Các hình thái vảy nến.

Dẫn chất của vitamin D

Dẫn chất của vitamin D có thể được sử dụng như calcipotriol hoặc taclcitol. Thuốc không có mùi khó chịu hoặc gây bẩn và được dùng rộng rãi trong điều trị bệnh vảy nến mức độ trung bình tới nhẹ. Thuốc tồn tại dưới dạng thuốc bôi da đầu và thuốc mỡ. Cần dùng đúng liều chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng quá liều, có nguy cơ gây tăng calci huyết.

Các steroid bôi ngoài

Các steroid bôi ngoài nên thường chỉ hạn chế dùng cho các kẽ hoặc trên da đầu. Mặc dù đem lại hiệu quả trên các mảng da của cơ thể, nhưng dùng steroid kéo dài ở bệnh mạn tính có thể gây ra các tác dụng có hại nghiêm trọng (nhăn, teo da và suy tuyến vỏ thượng thận). Đồng thời, quá trình ngừng dùng steroid có thể dẫn tới sự bùng nổ nghiêm trọng bệnh vảy nến.

Có kem phối hợp betamethasone và calcipotriol, thuốc có hiệu quả nhưng chỉ cho phép dùng dưới 30% bề mặt cơ thể tối da 4 tuần.

Dithranol

Dithranol là thuốc được dùng từ lâu, hiệu quả và an toàn cho bệnh vảy nến và có sẵn các loại biệt dược dạng kem (0,1-0,2%), được dùng trong một khoảng thời gian ngắn (30 phút) mỗi ngày và cách xa thời gian dùng thuốc làm mềm. Một số người rất nhạy cảm với dithranol vì nó có thể gây kích ứng da nghiêm trọng. Thường bắt đầu dùng với nồng độ thấp và tăng từ từ. Không nên dùng trên mặt, kẽ tay chân hay bộ phận sinh dục.

Trong các trường hợp bệnh nặng và điều trị thất bại, phác đồ điều trị thứ cấp có thể bao gồm điều trị bằng quang tuyến hoặc liệu pháp hệ thống với methotrexate, etretinate hoặc cilcoporin (cyclosporin). Các thuốc này đều có khả năng gây tác dụng có hại nghiêm trọng. Methotrexat được chứng minh là có hiệu quả trong các thử nghiệm không ngẫu nhiên nhưng bệnh tái phát trong vòng 6 tháng ngừng thuốc. Liệu trình điều trị methotrexate lâu dài gây nguy cơ phá hủy gan. Những người không đáp ứng với quang tuyến hay liệu pháp hệ thống có thể được kê đơn các thuốc sinh học (etanercept, adalimumab hoặc ustekinumab), nó có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch gây phản ứng viêm.

Dược liệu

Nghệ có tác dụng chống sưng viêm cho bệnh vảy nến và hoạt chất curcumin có tác dụng chống ôxy hóa mạnh và làm lành vết thương. Trộn bột nghệ với nước bôi lên da hoặc cho nghệ vào món ăn hàng ngày.

Trà xanh có tác dụng giúp loại bỏ tế bào chết, xù xì do vảy nến gây ra và làm chậm sự phát triển của tế bào da bị bệnh bong tróc. Lấy trà xanh tươi, rửa sạch, đun sôi cùng với nước, làm nước uống trong ngày. Hoặc lấy trà khô hãm với nước sôi để uống. Cũng có thể dùng trà xanh nấu nước tắm.

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh vảy nến, bệnh nhân cần tránh uống thức uống có chứa cồn, ngưng hút thuốc, học cách kiểm soát căng thẳng, tránh tổn thương và nhiễm trùng da, tắm hàng ngày để loại bỏ các vảy, tránh dùng nước nóng hoặc xà phòng có tính tẩy mạnh và nên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 15 - 30 phút mỗi ngày, nhưng không để da bị cháy nắng.

DS. Chu Thị Như Quỳnh - DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo