Paracetamol là cái tên đang làm mưa làm gió trên thị trường thuốc giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng paracetamol vẫn là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều trong giới y khoa.
Paracetamol (acetaminophen), sử dụng rộng rãi từ 1955, được cho là thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn và hiệu quả nhất, ít tác dụng phụ trên dạ dày và các biến chứng nguy nhiểm hơn các thuốc giảm đau khác. Người Việt đã quá quen với biệt dược của paracetamol như Panadol, Panadol Extra, Efferagan, Efferagan Codein …. Bởi vậy mỗi khi nhức đầu, nhức răng, đau họng, thậm chí khi bị thấp khớp, nóng sốt... người ta đều tự chữa bằng paracetamol. Thuốc dễ mua, rẻ tiền, có mặt ở tất cả các nhà thuốc trên cả nước.
Và bạn đang tự hủy hoại lá gan của mình nếu sử dụng bừa bãi paracetamol!
Paracetamol là nguyên nhân đứng đầu gây suy gan cấp tại Mỹ và nhiều nước khác. Có đến 25% số ca tử vong trong các trường hợp ngộ độc paracetamol nặng (liều dùng quá 15-25g/ngày). Năm 2009, Hiệp hội các trung tâm giám sát độc tính Hoa Kỳ cho biết, có 401 trường hợp tử vong do paracetamol hoặc các sản phẩm chứa paracetamol. Có đến 30-50% số ca nhập viện do ngộ độc paracetamol là rủi ro trong quá trình điều trị, vì sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác (rượu, dùng kèm thuốc khác, tình trạng dinh dưỡng…).
Paracetamol được chuyển hóa tại gan, đây là căn nguyên dẫn đến ngộ độc gan. Ở liều điều trị, khoảng 2% paracetamol được thải trực tiếp qua nước tiểu. 85-90% paracetamol được chuyển hóa kết hợp (glucuronidation, sulfation), tạo ra các chất không độc và bài tiết qua nước tiểu. Khoảng 10% paracetamol còn lại được chuyển hóa oxi hóa tạo thành NAPQI – chất có độc tính gây hoại tử gan. Ở liều bình thường, một phần NAPQI được glutathione dự trữ ở gan chuyển hóa thành các chất không gây độc cho gan và bài tiết qua nước tiểu. Khi quá liều paracetamol, sự gia tăng NAPQI dẫn đến sự suy giảm glutathione dữ trữ, khi glutathione giảm 70-80%, NAPQI không được trung hòa hết sẽ gây hoại tử tế bào gan, độc với thận.
Đây là “nạn dịch thầm lặng” khi paracetamol đang được sử dụng bừa bãi. Thậm chí giới trẻ một số nước còn dùng paracetamol để... "chấm dứt nợ trần". Tại tiểu bang Victoria - Úc, 50% bệnh nhân từ 15-24 tuổi dùng paracetamol quá liều là do cố ý tự tử. Lý do là: Họ lầm tưởng paracetamol có tác dụng gây ngủ và sẽ đem tới cho họ một cái chết êm ái (sự thật uống paracetamol khó chết ngay, nếu có chết thì chết thê thảm, kéo dài, vì paracetamol sẽ làm hại gan và sau 3,4 ngày mới hủy hoại gan) và paracetamol có giá rẻ, được bán rộng rãi.
Ngoài việc cố ý dùng paracetamol để tự tử, rất nhiều bệnh nhân được đưa đi cấp cứu vì uống quá liều do sơ ý, đặc biệt là trẻ em với các triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở. Với người lớn, ít xảy ra ngộ độc cấp, chủ yếu là ngộ độc trường diễn, nhất là đối với người có bệnh gan, nghiện rượu, sốt rét và các dấu hiệu ngộ độc đôi khi không rõ rệt. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất trong các tổn thương gan là suy gan tối cấp và tử vong.
Các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính trên gan của paracetamol
Liều dùng: viêm gan do paracetamol thường xảy ra khi không tuân thủ liều dùng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Watkins PB trên 145 người tình nguyện khỏe mạnh (2006) cho thấy, dù được dùng đúng liều (4g/ngày) nhưng khi dùng paracetamol 14 ngày liên tục, men gan ALT vẫn tăng gấp 3 lần bình thường trong 40% đối tượng.
Bia rượu: bia rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ viêm gan do paracetamol vì: enzyme chuyển hóa tạo ra NAPQI được sản xuất nhiều và ổn định hơn gấp 5 lần và giảm dự trữ glutathione ở gan.
Tân dược: thuốc chống co giật (phenytoin, carbamazepine), thuốc chống lao (isoniazid, rifampicin), kháng virus (zidovudine), kháng sinh (trimethoprim-sulfamethoxazole) làm tăng độc tính của paracetamol: tăng sản xuất NAPQI, tăng nhạy cảm enzyme chuyển hóa, cạnh tranh con đường glucuronidate hóa.
Tuổi: người già nhạy cảm cao hơn người trẻ với ngộ độc gan do paracetamol khi dùng lâu dài, gây mệt mỏi, do mất hemoglobin trong tế bào hồng cầu mang oxy.
Phụ nữ mang thai: paracetamol dễ dàng đi qua nhau thai. Khi quá liều, nó tổn thương đến tế bào gan của mẹ và độc tính cho thai nhi.
Quan tâm đến lá gan của chính mình
Chỉ sử dụng paracetamol khi cần thiết, dùng đúng liều khuyến cáo, uống nhiều nước, người lớn không dùng quá 10 ngày liên tục (với trẻ em là 5 ngày). Định kỳ sử dụng các loại thuốc bổ gan, giải độc gan, tái tạo tế bào gan để bảo vệ gan không bị hủy hoại do paracetamol và thuốc Tây khác.
Nguồn: http://tonka.vn/
http://suckhoedoisong.vn/