Ai là Đấng tôi đang chờ đợi? Đức Ki-tô có thực sự nhập thể cách cụ thể và trọn vẹn trong trái tim và đời sống của tôi hay không?
Các bạn thân mến!
Mỗi lần đến Mùa Vọng, bạn và tôi lại càng ý thức hơn về vai trò của vị ngôn sứ của Đấng Tối Cao. “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.”[1] Sứ mạng của ngôn sứ mở đường giúp chúng ta tập trung vào tâm tình Mùa Vọng. Tâm tình chính yếu trong Mùa Vọng là tỉnh thức và sám hối, sẵn sàng để đón chờ Chúa đến lần thứ nhất và trông chờ ngày Chúa quang lâm vinh hiển. Vậy đâu là cách tốt nhất mà tôi cần chuẩn bị để đón chờ Chúa đến? Cách chuẩn bị tốt nhất để đón chờ Chúa đến là sửa lối cho ngay thẳng để Người đi, là dọn sẵn con đường để đón vị Vua Hòa Bình.
Sửa lối là tỏ lòng sám hối
Gioan Tẩy giả xuất hiện như một vị ngôn sứ bản lề, vừa thuộc về Cựu Ước và vừa thuộc về Tân Ước. Gioan Tẩy Giả vừa là người nhắc lại những sứ điệp đã được tiên báo từ các ngôn sứ thời trước về sự hoán cải, lãnh nhận phép rửa, vừa hướng đến Đấng Thiên Sai đang đến. Gioan Tẩy Giả là tiếng kêu trong sa mạc. Thông thường khi chúng ta nghĩ đến sa mạc thường chúng ta liên tưởng đến vùng đất chết, khô cằn và thiếu sức sống. Tuy nhiên sa mạc ở đây lại gợi lên cho chúng ta sự sống, một tiếng hô và lời mời gọi hoán cải. “Ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.[2] Nói đến hoán cải, vậy hoán cải là gì? Hoán cải cần điều kiện nào? Hoán cải để hướng đến điều gì? Hóan cải chính là thái độ nội tâm, đó là sám hối và thay đổi lối sống là từ bỏ con đường tội lỗi và từ bỏ những phương diện tiêu cực mà trở về với Chúa. Hoán cải để tránh “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa sẽ giáng trên những kẻ tội lỗi, bằng cách đón nhận phép rửa để được tha tội và lãnh nhận ân sủng của Chúa. Chính lối sống và sứ điệp của ông đã lôi kéo nhiều người đến với phép rửa. Người ta từ khắp miền Giê-ru-sa-lem và Giu-đê kéo đến với ông để chịu phép rửa.[3]
Khi nói đến sám hối, chúng ta không chỉ nói đến sự thay đổi hành vi bên ngoài nhưng chính yếu là thay đổi thái độ nội tâm, thay đổi cách chúng ta tương quan với Chúa và anh chị em của mình. Khi nói đến sám hối, chúng ta thường tự hỏi, điều gì khiến chúng ta sám hối, chúng ta sám hối điều gì và sám hối hướng đến điều gì? Mặc dù không nói ra nhưng tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng sám hối xuất phát từ lòng tin tưởng, yêu mến, cậy trông, chân thành. Nếu tôi không yêu mến ai hay yêu mến điều gì thì tôi không cần sám hối và không có động lực để sám hối. Còn khi tôi yêu mến và nhận ra giá trị của việc sám hối, cũng như tính chất xấu xa của những hành vi trước mắt, chúng ta cần phải sám hối. Sám hối có thể thực hiện ở mọi phương diện của đời sống con người, miễn là tôi nhận thấy những phương diện này chưa phù hợp với giá trị nhân bản, đức tin và lối sống của Chúa Ki-tô. Khi sám hối, chúng ta không chỉ hướng đến cuộc sống tốt đẹp, bình an hơn nhưng là để đón nhận ơn cứu độ của Chúa và đón nhận chính Chúa Giê-su.
Sửa lối để đón chờ Chúa viếng thăm
Như chúng ta đã nói, âm vang chủ đạo của Mùa Vọng là tỉnh thức, sám hối để tưởng niệm việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần và trông chờ ngày Người lại đến trong vinh quang lần thứ hai. Thiên Chúa đã viếng thăm lần thứ nhất và Ngài sẽ viếng thăm lần thứ hai. Việc sám hối và thay đổi đời sống là cần thiết để đón nhận ân sủng và đón nhận ơn cứu độ. Sự sám hối hướng bạn và tôi trực tiếp hướng đến Đấng sẽ đến và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu. Tiếng hô của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc hòa lẫn tiếng hô của tiên tri Isaiah loan báo về sự xuất hiện của một Đấng xuất thân từ gốc tổ Gie-sê. Tiên tri Isaiah tiên báo về Đấng sẽ đến, xuất hiện một nhánh nhỏ đâm ra từ gốc tổ Gie-sê. Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, được tiên báo qua miệng ngôn sứ Na-than (2 Sm 7, 12-16) là Đấng đầy tràn phẩm chất của một minh quân, tràn đầy thần khí khôn ngoan, minh mẫn, mưu lược, hiểu biết và kính sợ Chúa, vương quyền mà Người thiết lập sẽ vững bền mãi mãi. “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. 2Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này : Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”[4]
Đấng được các tiên tri loan báo sẽ xuất hiện trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Người sẽ làm trọng tài giữa các quốc gia, không phán xét theo dáng vẻ bề ngoài, xử công minh cho những kẻ thấp cổ bé miệng. “3Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.” (Is 11, 3-4) Với con người chúng ta, chúng ta thường đánh giá người khác theo dáng vẻ bề ngoài, tài năng và sự ảnh hưởng. Tuy nhiên Đấng Thiên Sai lại khác hẳn, Người không xét xử theo dáng vẻ bề ngoài nhưng theo công lý và lòng xót thương.
Nhân loại ở mọi thời vẫn mong muốn hòa bình nhưng thực tế ở nhiều nơi trên thế giới chiến tranh vẫn không ngừng leo thang. Để kiến tạo hòa bình thực sự con người cần phải dựa trên công lý, chân lý và sự thiện. Nhất là hòa bình cần phải khởi từ và dẫn đến vị Vua Hòa Bình. “Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là “công trình của công bằng”[5]
Sửa lối là sinh hoa quả xứng đáng với lòng sám hối
Sự xuất hiện của tiếng hô trong sa mạc mời gọi bạn và tôi hoán cải dẫn chúng ta trực tiếp đến Đấng sẽ đến. Đấng ấy nổi bật hơn Gioan Tẩy Giả về ba phương diện. Thứ nhất, Đấng ấy mạnh thế hơn – Đấng ấy là Đấng Thiên Sai. Thứ hai, Đấng ấy cao trọng hơn tôi – Đấng ấy là Con Thiên Chúa, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Thứ ba, Đấng ấy giá trị hơn tôi: tôi rửa cho anh em trong nước, còn Đấng ấy rửa cho anh em trong Thánh Thần và bằng lửa. Đấng Messiah là thẩm phán chí công. Người sẽ dùng sức mạnh của Thánh Thần để loại bỏ sự bất chính và bất lương. Người cầm nia để rê sạch gạo. Tro trấu sẽ bị quăng vào lửa không hề tắt. “11 Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa.” (Mt 3, 11) Như thế, sau khi hoàn thánh sứ mệnh tiền hô của mình, Gioan Tẩy Giả chấp nhận bị tan biến để cho Đấng được tiên báo được nổi bật lên.
Sứ điệp căn bản của Mùa Vọng là sám hối để đón nhận ơn tha thứ, và trông chờ ngày Chúa đến. “Anh em hãy sinh hoa quả chứng tỏ lòng sám hối.”[6] Việc sám hối mời gọi bạn và tôi hãy sinh hoa kết quả. Sinh hoa kết quả là sống tử tế hơn, bác ái hơn, bao dung hơn, khiêm tốn hơn, siêng năng hơn, quảng đại hơn, tạo cho nhau một không gian đối thoại, là sống sát lời khuyên Phúc Âm hơn, là để cho Chúa hướng dẫn. Chúng ta không thể nói đến sự sám hối mà không đề cập đến việc xây dựng những con đường mang lại hạnh phúc cho con người. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm Kazakhstan đã khẳng định rằng: “Mọi con đường của Giáo hội đều dẫn đến con người” và con người là “con đường của Giáo hội.”[7] Con người là con đường của Giáo Hội và con đường của Giáo Hội bắt nguồn từ con đường của vị Vua Hòa Bình. Hòa bình trên thế giới cần dựa trên trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập. “Tất cả các dân tộc tạo thành một cộng đồng duy nhất, có một nguồn gốc duy nhất, vì Thiên Chúa đã tạo ra toàn thể loài người sống trên mặt đất”[8]
Việc sinh hoa kết trái mời gọi bạn và tôi tin tưởng vào sự trung thành của Chúa. Ngài sẽ đến và đem chúng ta về với Ngài để Ngài ở đâu chúng ta được ở đó với Ngài. Việc sinh hoa trái xứng với lòng sám hối mời gọi bạn và tôi thay đổi lối sống đạo hời hợt. Không phải tôi thuộc về dân được tuyển chọn, thuộc về thành phần của Giáo Hội; không phải vì tôi đã từng ăn uống với Ngài và Ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố của tôi mà tôi được cứu độ. Điều làm cho chúng ta cần suy nghĩ là biết bao nhiêu Mùa Vọng trôi qua, tôi đã chờ đợi gì và tôi đã chờ đợi ai? Ai là Đấng tôi đang chờ đợi? Đức Ki-tô có thực sự nhập thể cách cụ thể và trọn vẹn trong trái tim và đời sống của tôi hay không?
Cách thay đổi thực sự và tận căn là sự thay đổi từ tình trạng thiếu vắng ân sủng đến tình trạng đầy tràn ân sủng, từ tình trạng trông chờ Chúa đến đến tình trạng sống với Chúa trong sự tràn đầy của mỗi phút giây. Maranatha, Lạy Chúa! Xin ngự đến!
Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] Lc 1, 76-77
[2] Mt 3, 1-3
[3] “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.” (Mt 3, 4-5)
[4] Is 11, 1-2
[5] Gaudium et spes, 78
[6] Mt 3, 8
[7] Lett. enc. Redemptor hominis, 14 (simonhoadalat.com), Truy cập 28/11/2022
[8] Conc. Ecum. Vat. II, Dich. Nostra aetate, 1 (simonhoadalat.com)