Sống niềm vui của lòng thương xót

 “Ta muốn lòng nhân, chứ không cần hy tế.” (Mt 9,13)

Sống niềm vui của lòng thương xót

Khi nói đến những mong đợi của ngài cho đời thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại lời mời gọi sống chứng tá Tin Mừng cách an vui: “Tôi ước mong rằng luôn luôn thực hiện được điều mà tôi đã có lần nói: "Ðâu có các tu sĩ thì có niềm vui". Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu khác; chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui; chứng tỏ rằng sự tận hiến để phục vụ Giáo hội, các gia đình, các người trẻ, các người già, các người nghèo giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời.

Tôi ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì "ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn". Cũng như bao sinh linh khác, chúng ta cũng trải nghiệm những khó khăn, những đêm tối tinh thần, những thất vọng, bệnh tật, kiệt sức do tuổi tác. Chính trong hoàn cảnh đó mà chúng ta cần phải khám phá "sự hoan hỉ hoàn hảo", học cho biết cách nhận ra khuôn mặt Ðức Kitô Ðấng đã trở nên giống như chúng ta mọi đàng, và vì thế cảm nghiệm sự vui mừng vì biết rằng mình được nên giống kẻ vì yêu thương ta đã không khước từ thập giá.

Trong một xã hội sùng thượng hiệu năng, sức khỏe, thành công, và gạt bỏ những người nghèo và loại trừ những kẻ "thất thế", ước chi bằng đời sống của mình chúng ta chứng minh sự thật của lời Kinh Thánh: "Khi tôi yếu ớt là lúc tôi mạnh" (2Cr 12,10).

1, Thiên Chúa lấp đầy con tim chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc

Khi nói về một linh đạo truyền giáo (nếu chúng ta được phép nói như vậy), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến niềm vui của nhà truyền giáo, vốn đến từ sức mạnh nội tâm của cầu nguyện: “Không có cầu nguyện này, mọi hoạt động sẽ hóa ra vô ích. Và việc loan báo cuối cùng cũng sẽ không hồn.”[1] Thiết nghĩ, đây chính là tinh thần mà Đức Giáo Hoàng muốn nói đến, như ngài đề cập đến trong số 261 sau đó: những động lực bên trong thúc đẩy, chuyển biến, động viên và mang ý nghĩa cho hành động cá nhân và cộng đoàn.

Với tu sĩ chúng ta, những người được gọi đi theo Đức Giêsu Kitô trong nếp sống tu trì, để loan báo Tin Mừng tình thương cho tha nhân, thì tinh thần tu trì, nhất là niềm vui kín múc từ Tin Mừng sẽ là động lực cho chúng ta sống tốt đời tu. Trong đề tài trước nói về Linh Đạo Hiệp Thông, chúng ta đã nói đến yếu tố cộng đoàn vốn cần thiết để nuôi dưỡng tình huynh đệ, thì chính niềm vui trong đời dâng hiến cho Chúa cũng sẽ được nuôi dưỡng trong cộng đoàn tu trì của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng nhắc lại điều căn bản cho đời sống nội tâm này: “Phải luôn cố gắng để có được không gian nội tâm đem lại ý nghĩa Kitô giáo cho việc dấn thân và hoạt động. Nếu không có những thời gian kéo dài để thờ phượng, gặp gỡ trong cầu nguyện với Lời, đối thoại thành thật với Chúa, các trách nhiệm sẽ dễ dàng bị đảy vào vô nghĩa, chúng ta sẽ yếu dần vì mệt mỏi và gặp những khó khăn, và rồi lòng nhiệt thành sẽ tắt ngấm.”[2]

Cũng trong dòng suy tư đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến “tình yêu của Đức Kitô mà chúng ta đã được nhận lãnh, kinh nghiệm được người cứu độ, thúc đẩy chúng ta luôn yêu mến Người hơn nữa. Nếu chúng ta không cảm thấy khao khát mãnh liệt chia sẻ vào tình yêu này, cần thời gian để kêu xin Người trong cầu nguyện, cầu xin ân sủng của Người khai mở trái tim lạnh giá của chúng ta và lay động cuộc sống hững hờ và nguội lạnh. Đứng trước mặt Người, với trái tim rộng mở, để Người nhìn đến chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra cái nhìn tình yêu này mà Nathnael đã khám phá, ngày Đức Giêsu đứng trước mặt ông và nói: Khi anh còn đứng dưới cây vả, Tôi đã thấy anh.” (Ga 1,48).[3]

Một cách rất thực tế, Đức Giáo Hoàng gợi ra những cách thức để nuôi dưỡng tinh thần này: suy niệm mầu nhiệm thập giá, quỳ gối trước Bí Tích Thánh Thể, … để chiêm ngắm Đức Kitô với trọn tình yêu, để tìm lại tinh thần chiêm niệm, cho phép chúng ta mỗi ngày khám phá rằng chúng ta là những người đang nắm giữ một điều thiện hảo thật nhân bản, giúp chúng ta sống đời sống mới. Không còn điều gì tốt hơn để truyền đạt lại cho người khác.[4]

Tinh thần của một vị truyền giáo được Đức Giáo Hoàng khai triển cũng là tinh thần của người tu sĩ chúng ta, những người được gọi để loan báo Tin Mừng. Chính việc mỗi chúng ta gặp gỡ cá nhân với tình yêu cứu độ của Đức Giêsu Kitô sẽ là động lực cho chúng ta sống niềm vui đời dâng hiến.

2, Tình huynh đệ chân chính nuôi dưỡng niềm vui

Chúng ta đã chia sẻ với nhau về sự hiệp thông trong cộng đoàn, thì chính cộng đoàn là nơi chúng ta thể hiện cụ thể nhất niềm vui trong đời tu, một niềm vui đến từ cảm nghiệm ơn Chúa cứu độ. Đời tu ngày nay, với nhiều mối tương quan và hiệp thông, đặt người tu sĩ trong tinh thần hiệp thông trong tình yêu. Tông Huấn Vita Consecrata, số 46, nói đến sự hiệp thông như dấu chỉ của nếp sống thánh hiến:

Những người thánh hiến được yêu cầu trở nên những chuyên viên thực sự về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông như những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chuá.” Sự hiệp thông này trước tiên là trong cộng đoàn tu trì, sau đó là mở rộng ra trong Giáo Hội, và còn rộng hơn nữa: đến với những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc, hoặc bởi bạo lực điên rồ.”[5]

Từ nguyên tắc trong linh đạo hiệp thông, chúng ta thấy những hiệu quả có thể có được trong mối dây hiệp thông: chia sẻ niềm vui và những đau khổ của anh chị em chúng ta, nhạy cảm trước những ước muốn và chú ý đến các nhu cầu của họ, tặng ban cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính, thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như hồng ân Thiên Chuá ban, biết dành một chỗ cho người khác bằng cách mang gánh nặng cho nhau.[6]

Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sứ vụ của người tu sĩ, một khi phát xuất từ tinh thần của Linh Đạo Hiệp Thông, sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho việc làm chứng cho Tin Mừng: “Các tu sĩ và những người tận hiến được mời gọi trở nên những "chuyên viên hiệp thông". Vì thế tôi mong rằng "linh đạo hiệp thông" mà thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, sẽ trở thành thực tại, và anh chị em sẽ là những người đầu tiên đón nhận "sự thách đố lớn lao ở trước mặt" trong ngàn năm mới: "làm cho Giáo hội là ngôi nhà và trường học của hiệp thông". Tôi chắc rằng trong Năm nay, anh chị em cố gắng để cho lý tưởng huynh đệ mà các vị sáng lập theo đuổi sẽ tăng trưởng ở nhiều cấp độ, tựa hồ những vòng tròn đồng tâm.

Tiên vàn sự hiệp thông được thực hành ngay tại các cộng đoàn trong dòng. Tôi mời anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em. Sau tiền đề ấy, con đường bác ái còn lại hầu như là vô tận, bởi vì bao gồm việc đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, thực hành sự chia sẻ những tài nguyện vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối, ...

Chính "huyền nhiệm chung sống với nhau" làm cho cuộc đời trở nên một cuộc "lữ hành thánh thiện". Chúng ta cũng phải tự vấn về tương quan giữa những người thuộc về những nền văn hóa khác nhau, xét vì các cộng đoàn của chúng ta càng ngày càng trở thành quốc tế. Làm cách nào để cho mỗi người có thể biểu lộ chính mình, được đón nhận với những ân ban đặc thù, được hoàn toàn đồng trách nhiệm?

Ngoài ra tôi ước mong tăng gia sự hiệp thông giữa các phần tử của các dòng tu. Liệu Năm Ðời sống thánh hiến có thể trở nên cơ hội để mạnh dạn ra khỏi biên cương của Dòng mình, để cũng nhau thảo hoạch những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và hoàn vũ không?

Như thế chứng tá ngôn sứ sẽ được hữu hiệu hơn. Sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau là một con đường hy vọng. Không ai xây dựng tương lai một cách biệt lập, hoặc với sức lực riêng của mình, nhưng cần biết nhận ra chân lý của sự thông hiệp khiến ta mở rộng đến gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, và như vậy giúp chúng ta phòng ngừa khỏi bệnh tự kỷ.

Ðồng thời đời sống thánh hiến được mời gọi hãy theo đuổi một sự hợp lực với các ơn gọi trong Giáo hội, khởi đầu  từ các linh mục và giáo dân, ngõ hầu "tăng gia linh đạo hiệp thông trước tiên ở trong nội bội, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa hơn nữa." (Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, II, 3)

Ngoài ra, yếu tố thứ ba cũng rất quan trong trong việc làm thăng tiến niềm vui của chúng ta: Việc phục vụ giúp chúng ta đạt được thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời. Trong Tông Thư về Năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tu sĩ biết sống tinh thần phục vụ, để qua đó, chúng ta được trưởng thành hơn: “Tôi cũng mong đợi nơi anh chị em điều mà tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời:

"Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ", đó là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ và hôm nay vẫn còn ngỏ cho tất cả mỗi người chúng ta (x. Mc16,15). Cả một nhân loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh...

Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương.

Tôi mong đợi nơi anh chị em những cử chỉ cụ thể của việc đón tiếp người di dân, gần gũi những người nghèo, những cử chỉ sáng tạo trong việc huấn giáo, rao giảng Tin mừng, hướng dẫn cầu nguyện.” (II, 4).

 [1] Evangelii Gaudium, số 259.

[2] Evangelii Gaudium, số 262.

[3] Evangelii Gaudium, số 264.

[4] Evangelii Gaudium, số 265.

[5] Sđd, số 28.

[6] Sđd, số 29.