NHẬT KÝ TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2016 - NGÀY THỨ II

ĐỀ TÀI 4

Ơn gọi của Lêvi,

Sự từ bỏ dứt khoát để đi theo Chúa

Dẫn nhập: Suy niệm Tin Mừng Mc 2,13-17, ơn gọi của Lêvi.

Như chúng ta biết, linh đạo đời tu dựa trên nền tảng linh đạo Kitô giáo. Đó là nền tảng của tất cả những gì liên quan đến sự thánh hiến và đời sống thánh thiện của một tín hữu. Trong đời tu, một khi đi theo “con đường hẹp” mà Đức Kitô đã đi qua, người tu sĩ muốn mỗi ngày một nên thánh thiện hơn như Đức Giêsu đã dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

1, Ý nghĩa của đời tu

Một khi đã xác định căn tính của đời tu, đặt nền trên đời sống Kitô hữu đích thực, chúng ta sẽ thấy rằng nếp sống tu trì không mang tính phô trương, theo kiểu “chơi trội” (như một tác giả đã nói đến), nhưng là hướng đến sự trọn lành trong một nếp sống xem ra khác lạ so với những người sống giữa đời. Ngay cả cách sống và cách cư xử của người tu sĩ cũng có nét khác so với cách ứng xử theo kiểu trần gian. Nét khác đó không phải là một điều gì lập dị, bất thường; nhưng nó phản ánh điều Tin Mừng của Đức Kitô dạy.

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng đời tu không tách khỏi thế gian, nhưng ở giữa thế gian và liên đới với thế giới bằng chính sự hiện diện của mình giữa lòng đời; trong khi người tu sĩ vẫn xác định căn tính của mình là đi theo Đức Giêsu cách triệt để hơn. Về điểm này, chúng ta sẽ thấy thách đố mà người tu sĩ phải đối diện khi sống giữa dòng trần gian này; mà một khi đã sống ba Lời Khuyên Phúc Âm, nếp sống tu trì trở thành đối kháng với những giá trị của trần gian. Trong vị thế của một tu sĩ Dòng Thánh Gioan Trợ Thế, vai trò chứng ta ẩn dật của mỗi người chúng ta là một chứng từ mạnh mẽ cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, và trong sứ vụ phục vụ chữa bênh. Tuy nhiên, ơn gọi này cũng hàm ý có những thách đố mà mỗi người có thể phải trải qua: sự cô liêu, cô tịch, ...vắng bóng lòng biết ơn, thiếu vắng danh vọng, địa vị xã hội...

Đời tu ngày nay ít nhiều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và tâm thức của con người, dễ có khuynh hướng chú trọng nhiều đến sứ vụ, và dễ khẳng định vị trí của mình trong sứ vụ phục vụ con người. Có thể ảnh hưởng của một chủ nghĩa chức năng (fonctionnisme) tác động không nhỏ đến tư duy của con người thời nay. Khi hỏi một tu sĩ, người ta thường đặt câu hỏi: Anh/chị làm gì? Rõ ràng là ngày nay người ta chú trọng đến chức năng, phục vụ. Đúng là người tu sĩ, khi đi theo Đức Giêsu Kitô, đều muốn phục vụ như Người đã từng nói với các môn đệ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,18).

Tuy nhiên, trước khi phục vụ, người môn đệ của Đức Kitô được mời gọi thông phần chén đắng mà Người đã phải chịu, chén đắng của cuộc khổ nạn. Điều này cho thấy căn tính của người môn đệ phải được đặt lên hàng đầu, cần đặt yếu tố “là tu sĩ” trước yếu tố “làm gì” trong đời tu. Chỉ khi căn tính người tu sĩ được khai triển, đào sâu nơi mỗi tu sĩ, thì việc phục vụ mới phản ánh được ý nghĩa đích thực; Nếu không, việc phục vụ chỉ là phục vụ thuần tuý, như một chức vụ, một công việc phải hoàn thành không hơn không kém. Ắt hẳn mỗi người chúng ta đã cảm nhận được sự tương tác giữa hai yếu tố này: căn tính đời tu sẽ được củng cố vững chắc trong việc phục vụ, và việc phục vụ cũng được thúc đẩy bởi cảm nhận về một căn tính sâu sắc.

2, Đức tin và làm môn đệ Đức Kitô

Ông Lêvi được Đức Giêsu gọi làm môn đệ, và ông đã từ bỏ quá khứ, công việc và cả tương lai sán lạn mà ông đang gầy dựng cho chính mình qua nghề thu thuế, để theo Thầy Giêsu, trong một điều kiện rất thanh thoát: Không có một chắc chắn về vật chất, không một an toàn và ổn định xét về mặt xã hội. Làm môn đệ đồng nghĩa với lên đường theo Chuá. Đó là hình ảnh các môn đệ đi theo Chuá Giêsu khi Người còn tại thế.

Ngày nay, người tu sĩ đi theo Đức Kitô là để đời mình trở nên linh động bởi niềm tin vào Người, để chính mình được Chuá Thánh Thần hướng dẫn, sống cảm nhận sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, cảm nghiệm sống cộng đoàn những người tin, và dám đảm nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng với Người. Sự từ bỏ khi đi theo Chúa ở mỗi thời mỗi cách khác nhau, nhưng đều có chung một tiêu chuẩn: Trở nên thanh thoát để theo Chúa sát hơn.

Nếu như các Môn Đệ của Đức Giêsu xưa kia đã có cảm nhận được cùng ăn, đồng hành với Người, thì người tu sĩ ngày nay cũng được mời gọi để có những tâm tình, cảm nhận về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình. Đời sống người tu sĩ ngày nay được mời gọi thể hiện con đường của Đức Giêsu trong hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn tu trì, sống theo lời dạy của Người. Và để làm được điều đó, lòng tin vào Đức Giêsu là nền tảng linh đạo cho việc làm môn đệ. Theo nghĩa đó, người tu sĩ biết đặt Đức Giêsu làm trung tâm điểm của đời sống mình.

Hành vi Đức tin hướng người Kitô hữu nói chung, và tu sĩ nói riêng, đến thái độ sống và phục vụ, với ý thức về một cảm nhận về Người. Cũng là hai môn đệ trên đường Emmaus, trước khi nhận ra Chuá, họ nói rất rành rẽ về Cuộc Khổ Nạn của Người, nhưng không hiểu chính xác là họ đã cảm nhận như thế nào về Chuá. Dù chúng ta chỉ biết là họ đang chán nản, dường như muốn buông xuôi tất cả. Nhưng sau khi nhận ra Chuá tại quán trọ, khi Người bẻ bánh, họ mới thay đổi hoàn toàn thái độ sống của mình. Thay vì “nhọc nhằn lên gót bước chân đường dài” về quê, thì họ lại vui mừng trở lại Giêrusalem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Môn Đệ khác.

Đời tu đôi khi cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh như thế: Bước chân nhanh nhẹn khi mới vào Nhà Dòng đã trở nên chùn bước dần bởi những lao nhọc, bởi có phần hụt hẫng trong hành trình đi tìm gặp Chuá. Lúc đó, liệu ta có cách nào lý giải cho sự hiện hữu của mình trong Nhà Dòng, với tất cả hướng tích cực của nó không? Chắc chắn là phía trước, Đức Giêsu đang chờ đón chúng ta bằng những điều mà có khi chúng ta không biết trước, chỉ biết là rồi Người sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp mà Người thấy tốt cho mỗi người chúng ta.

Đó là những bước tiến của niềm tin chúng ta nơi Thiên Chuá, Đấng làm những điều tốt lành cho con cái của Người. Chính cảm nghiệm về tình thương của Chuá, tình thương của cộng đoàn, sẽ giúp chúng ta mạnh dạn tiến bước. Một cảm nghiệm có được nếu chúng ta nối kết tình thân với Người trong giờ Kinh Nguyện, suy gẫm, cầu nguyện, …. Cảm nghiệm cá nhân với Chuá là điều không ai làm thay chúng ta. Đôi khi những khô khan của cách sống, sự thiếu vắng niềm tin, hoặc một biến cố không mong chờ chợt đến có thể làm ta e ngại tiến bước. Nhưng nếu đọc ra được trong từng bước tiến của chúng ta hồng ân Chuá ban, và trong cô tịch cùng cầu nguyện, chúng ta dễ tìm ra được sự hiện diện, an ủi, khích lệ của Chuá.

3, Môn đệ và cộng đoàn

Điều nói về cảm nhận của cá nhân với Chuá cũng thích hợp cho một cộng đoàn tu trì, bởi một cộng đoàn được coi là cộng đoàn cảm nghiệm khi vừa diễn tả tính phong phú của cộng đoàn nơi mỗi thành viên, vừa diễn tả tính liên đới hiệp thông trong niềm tin. Lêvi một mình ngồi thu thuế, nay được mời gọi đi theo Chúa, cùng với những môn đệ khác của Người. Nhập đoàn cùng các môn đệ khác, ắt hẳn mỗi môn đệ học nơi Chúa, và nơi nhau, chứng từ của Tin Mừng tình thương.

Một cộng đoàn tu trì sống cảm nhận Đức tin sẽ diễn tả được chiều kích thần học của đời tu, và sẽ giúp các thành viên sống khác với thói quen hoặc phản ứng theo kiểu trần gian. Một cộng đoàn tu trì có Đức Kitô làm trung tâm điểm sẽ có những hành vi, cách sống, cách phục vụ mang tính Tin Mừng, bởi cộng đoàn này biết đặt nền đúng đắn cho căn tính của mình. Xét theo chiều kích hồng ân, cộng đoàn tu trì là nơi quy tụ các thành viên, ơn gọi là quà tặng Thiên Chuá ban. Từ đó, việc định hướng phục vụ, nếp sống, và sứ vụ của cá nhân cũng như cộng đoàn được xác định và củng cố. Cộng đoàn là nơi đón nhận hồng ân, chia sẻ, phục vụ, xả kỷ, liên đới… Đó cũng là nơi giúp tu sĩ tập hoán cải, chia sẻ và lắng nghe Lời Chuá.