LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

ĐỀ TÀI VI

“”Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để vào người anh em gặp thấy trên đường đời”. (Misericordiae Vultus, 2)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến nếp sống tu trì với tinh thần của một linh đạo hiệp thông, mà chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khải triển trước đó. “Sống hiện tại cách say mê có nghĩa là trở nên "những chuyên viên hiệp thông", "những kẻ làm chứng và kiến tạo "dự án hiệp thông" là chóp đỉnh của lịch sử loài người theo ý định của Thiên Chúa.

Trong một xã hội xung đột, một xã hội khó chung sống giữa những nền văn hóa với nhau, một xã hội chèn ép những kẻ cô thế, xã hội bất bình đẳng, chúng ta được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được. Vì thế anh chị em hãy là những con người của sự hiệp thông, hãy can đảm hiện diện tại những nơi có đố kị và tranh chấp, và anh chị em hãy trở nên dấu chỉ khả tín của sự hiện diện của Thánh Linh, Ðấng đổ tràn xuống các tâm hồn niềm sau mê cho hết mọi người được trở nên một (x. Ga 17,21).

Anh chị em hãy sống huyền nhiệm của sự gặp gỡ: "khả năng lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm ra con đường, phương pháp" [3], hãy để cho mình được chiếu sáng bởi mối tương quan tình yêu đã xuyên qua Tam Vị (x. 1Ga 4,8) như khuôn mẫu cho mọi tương quan liên bản vị.” (x. ĐGH Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I, 2)

Đoạn trích dẫn Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến Linh Đạo Hiệp Thông mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển trước đó trong Tông Huấn Vita Consecrata, khi Thánh Giáo Hoàng nói về đời sống cộng đoàn tu trì. Trong đoạn văn này, chúng ta thấy những yếu tố căn bản làm nên Linh Đạo Hiệp Thông: Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa làm khuôn mẫu cho tương quan liên bản vị, sống huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ, khả năng sống tương quan huynh đệ.

Những nguyên lý thần học soi sáng cho tinh thần này được kín múc từ tinh thần của Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thực vậy, để làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng đời hôm nay, tinh thần Linh Đạo Hiệp Thông rất cần được sống và thể hiện trong nếp sống tu trì của chúng ta, ngay trong nội tại của một cộng đoàn tu trì trước khi được thể hiện, như dấu chỉ Hiệp Thông Nước Trời, giữa trần gian.

2, Hiệp nhất trong Đức Kitô

"Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (Cv 2,44). Đoạn Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy nếp sống của cộng đoàn tín hữu tiên khởi: hiệp nhất, đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung, hưởng theo nhu cầu, chuyên cần cầu nguyện và nghe các Tông Đồ GiảngTình huynh đệ trong đời tu cũng muốn hoạ lại theo cách sống này: liên đới cùng chí hướng, chia sẻ kiến thức, sự hình thành và định hướng trong đời tu, một bầu khí hòa hợp để sống đức hạnh, ổn định kinh tế, gương mẫu của các thành viên, sự cộng tác hoạt động tông đồ, sự đảm bảo cho công việc được tiếp tục một khi nó vượt quá nỗ lực bản thân, nhất là tình yêu và sự hỗ trợ của cộng đoàn. Ngay cả những khía cạnh khó khăn của đời sống cộng đoàn như sự tuân phục quyền bính, bỏ ý riêng, chịu đựng những khuyết điểm của nhau, cũng mang lại nhiều cơ hội để người tu sĩ khổ chế và hy sinh. 

Theo nhận định của cha F. Martinez (x. Đời tu gạn đục khơi trong), ngày nay, đời sống cộng đoàn không còn nghiêm ngặt như trong những thế kỷ đầu của thời sơ khai trong lịch sử dòng tu. Hiện nay, các tu sĩ được giữ một số đồ dùng như tu phục và sách vở theo nhu cầu cá nhân. Họ có thể sử dụng những đồ dùng cần thiết và được chăm sóc sức khoẻ thích đáng, nhất là ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ, chuyện bảo hiểm y tế là bắt buộc phải có.

Có thể có tu sĩ, trước khi vào Dòng có mức sống trung bình, dễ bằng lòng với những tiện nghi tối thiểu. Nhưng cho dù có đầy đủ nhu cầu vật chất, họ cũng không nên coi nhẹ tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn là yếu tố giúp họ tiến đức trong đời sống thiêng liêng. Mặc dù đời sống chung cũng có nhiều cơ hội để phạm lỗi; nhưng nó cũng tạo nên nhiều cơ hội cho đức ái và hy sinh.

Đời sống cộng đoàn không chỉ dừng lại ở việc để của cải vật chất làm của chung; điều còn quan trọng hơn đó là nếp sống này còn giúp các thành viên biết chia sẻ của cải tinh thần nữa: cả tâm trí cả sức lực, chia sẻ về đức vâng phục và khiết tịnh, chia sẻ về các nhân đức và tài năng, chia sẻ về tất cả những gì mà người tu sĩ có cũng như những gì tạo nên con người của mình. Đời sống chung vừa hỗ trợ vừa đem mọi của chung ấy để phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Người đời làm việc nhằm mưu tìm một cái gì đó; còn người tu sĩ thì không như vậy.

Họ làm vì tình yêu Thiên Chúa và vì cộng đoàn. Họ hiến dâng thời giờ và năng lực của mình cho Giáo Hội. Đây không phải là một vấn đề nhỏ, bởi đã là con người thì còn điều khiếm khuyết; dù đã đi tu, nhưng thử hỏi ai có thể nói mình đã hoàn toàn từ bỏ cách trọn vẹn? Mỗi tu sĩ đều đang trên hành trình hoàn thiện, một hành trình được sánh ví theo hành trình của các Môn Đệ Đức Giêsu Kitô, đi theo Thầy Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem, từ Núi Cao Tabo đến Núi Sọ, và cùng Thầy trải qua những khổ đau của mầu nhiệm Thập giá (lược đồ theo Vita Consecrata, trong đó Đức Thánh Giáo Hoàng đã dựa trên bản văn Nhất Lãm để khai triển).

Xét theo hướng tích cực, đời sống cộng đoàn cất đi những gánh nặng để người tu sĩ có thể thường xuyên cầu nguyện và làm việc cho tha nhân. Các linh mục và các nữ tu có thể không có nhiều thời giờ để cầu nguyện như họ muốn; nhưng họ vẫn có nhiều thời giờ dành cho việc tâm linh hơn các người cha, người mẹ trong các gia đình là những người ít tham dự thánh lễ, rước Chúa mỗi ngày. Giả như những tu sĩ của một dòng hoạt động mất nhiều thời gian cho việc tông đồ hay dạy học, thì các lời khấn vẫn đem lại cho họ nhiều tự do và thời giờ hơn để họ hiến thân cho Thiên chúa.

3, Cộng đoàn và Ba Lời Khuyên Phúc Âm

Đời sống cộng đoàn được đặt nền trên ba lời khấn, nó cho phép các tu sĩ thể hiện đức mến trong đời sống. Đời sống chung tại các tu viện là một trường học chiêm niệm. Nếu người tu sĩ còn cầu nguyện ở cấp độ thấp thì đời sống cộng đoàn chuẩn bị cho họ cầu nguyện ở cấp độ cao hơn; vì đời sống cộng đoàn đòi hỏi việc thực hành các nhân đức, đặc biệt tình bác ái huynh đệ.

Bằng việc tự kiểm soát sự nông nổi của cảm xúc và đam mê (hay nói cách khác, đó là đời sống khổ chế: askèsis, nghĩa là tập luyện, cố gắng, thành tích theo chiều hướng tâm linh), các nhân đức luân lý chuẩn bị cho cầu nguyện ở cấp độ cao hơn. Truyền thống đan tu mang đến cho thuật ngữ nói trên một ý nghĩa rất chính xác: nó nói lên cuộc chiến nội tâm để đạt được việc: tinh thần chế ngự trên vật chất (về điều này, trật tự của vâng phục có ý nghĩa: thân xác tuân phục lý trí, lý trí tuân phục tâm hồn, tâm hồn tuân phục Thiên Chuá).

Nếu như các đam mê làm cho con người say đắm của cải vật chất, nhục dục, vinh hoa phú quý, quyền thế cao sang, vvv, các nhân đức giúp tái lập sự bình an trong tâm hồn và hòa thuận trong cộng đoàn. Chẳng hạn như, đức công bằng giúp dẫn tới việc chiêm niệm nhờ việc người tu sĩ trả lại cho người khác điều mà người đó có quyền được hưởng, như vậy loại bỏ được mọi nguyên nhân của những xung khắc và bất hòa.

Xét sâu xa ra, một lời nói xấu, nói hành có thể phạm đến lẽ công bình một khi không cho đương sự có cơ hội giãi bày nỗi lòng, hoặc tự biện minh cho mình; nhất là hành vi này phạm đến danh dự của người khác. Đối lại với sự xấu này, sự thinh lặng nội vi đã ngăn chặn được nhiều tội lỗi.[1]

Khổ chế Kitô giáo, theo nghĩa rộng, bảo vệ tinh thần khỏi mọi ảnh hưởng của thế gian và khuyên người ta chiến thắng sự dữ bằng cách sáng tạo sự thiện. Người tu sĩ được mời gọi để kiến tạo một cộng đoàn của tình yêu thương bác ái, không giống như kiểu cách trần thế. Cách thực hành khổ chế cũng không ngoài việc kiến tạo con người tu sĩ và xây dựng cộng đoàn. Chúng ta có thể lấy ví dụ: Truyền thống đan tu, tiếp nối truyền thống ẩn tu, khai triển chiều kích tình yêu, lòng mến tha nhân cùng sự khổ chế. Điều này gây ấn tượng tích cực: nói lên tình yêu tuôn tràn và sự êm đềm hoàn vũ đối với mọi tạo vật.

Đời sống cộng đoàn cũng đưa người tu sĩ đến kết hiệp trong cầu nguyện, vì tình huynh đệ diễn tả sự hiệp nhất như sự hiệp nhất của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chân lý này gợi hứng cho thánh Âu-tinh để nói rằng: “Nơi đâu có yêu thương, ở đó có Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện”. Đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là đời sống “cộng đoàn”.

Đời sống thánh hiến của người tu sĩ nơi cộng đoàn chuẩn bị cho họ trở thành vị tông đồ của tình yêu, vì nó khơi lên trong họ tình yêu tha nhân được đặt nền tảng trên các nhân đức vững bền. Người tu sĩ tự nguyện chia sẻ gánh nặng, những hy sinh của đời sống cộng đoàn, để nhờ đó họ có thể dâng lời cầu xin và đền tội cho các linh hồn. Nếu người tu sĩ không yêu thương tha nhân, những buổi cầu nguyện lâu giờ, những tiết học vất vả, việc tuân giữ tỉ mỉ lề luật sẽ trở nên vô ích và không bao giờ đưa người tu sĩ đến cầu nguyện được.

Như thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có lòng bác ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay được cả lòng tin có thể chuyển núi dời non, mà không có lòng bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cr 13,1-2).

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4). Mối phúc thứ hai trong Bát Phúc mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về một nhân đức khiêm nhường trong đời tu. Trong đời tu, thường người ta nghe nói nhiều đến metanoia; mà một khi chú trọng đến hoán cải, đời sống thiêng liêng khởi đi trong khiêm nhu. Nơi các nhà khổ chế, sự khiêm hạ có nghĩa là nghệ thuật đứng trúng vào chỗ của mình[2]; Tin Mừng cho chúng ta nhiều mẫu gương, thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Maria, vvv. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa khiêm nhường là nhìn nhận khả năng mình có là gì, bởi động lực của khiêm nhường là mọi sự đều bởi Chuá ban, tất cả là hồng ân.

4, Những yếu tố để làm môn đệ trong cộng đoàn

Kết hiệp với Đức Giêsu là điểm chủ yếu của đời người môn đệ: thân mật với Đức Giêsu Kitô, tin vào Đức Giêsu, hiệp nhất với Người, là nền tảng cho đời sống chung. Cộng đoàn này được thành lập nhờ Lời Chuá và quy tụ quanh Lời Chúa. Do vậy, cộng đoàn phải vượt qua những ranh giới huyết thống và địa dư, để đạt đến nét bên trong, trong đó hạt nhân để xây dựng cộng đoàn chính là tình yêu. Cộng đoàn chủ yếu hệ tại việc thực hành yêu thương và hiệp thông.

Xây dựng và tái thiết cộng đoàn: Chuơng 18 trong Tin Mừng Mátthêu cho thấy Đức Giêsu huấn luyện các môn đệ về một số thực hành để xây dựng cộng đoàn: Phục vụ, sửa lỗi huynh đệ, cầu nguyện chung, tha thứ cho nhau. Việc phục vụ noi theo gương của Đức Giêsu, Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; việc sửa lỗi huynh đệ căn cứ trên đức mến và những giá trị nhân bản, tha thứ vô điều kiện; đời sống cầu nguyện và chuyên cần lắng nghe Lời Chuá, trong thân ái huynh đệ và cử hành Bữa Tiệc của Chuá (Cv 2,42). Những hình thức đó giúp xây dựng cộng đoàn, và lo cho sứ vụ: làm cho Nước Chuá hiện diện. Hai nét này được nối kết trong một tình mến.[3]

Cộng đoàn mang tính chất của người môn đệ Đức Kitô: Kiểu mẫu cộng đoàn cơ bản của các tín hữu sơ khai là điển hình cho đời tu trì. Một cộng đoàn kiểu mẫu có hai mục tiêu: xây dựng Giáo Hội địa phương và giúp cho ngôi vị thể hiện ơn gọi của mình. Cộng đoàn là nơi để thánh hoá cá nhân theo nghĩa tích cực: là nơi để hoán cải theo ánh sáng Tin Mừng, là nơi phù hợp để lắng nghe Lời Chuá và đi tìm Thánh Ý Thiên Chuá, là nơi học tập phục vụ, liên đới, xả kỷ trong đời sống hằng ngày. Một cộng đoàn bao gồm những thành viên với nét đa dạng, hiệp nhất trong tổng thể, chung một lý tưởng, một sứ vụ và một dự phóng Tin Mừng. Do vậy, việc thánh hoá bản thân song hành với việc thánh hoá cộng đoàn.

Đây là một cộng đoàn của cảm nghiệm, chứ không phải một cộng đoàn mang tính chức năng. Đây là một cộng đoàn được Thần Khí Chuá hướng dẫn, hoạt động. Việc cùng lắng nghe Lời Chuá, chia sẻ cầu nguyện, cử hành phụng vụ với tất cả niềm tin, vvv còn mạnh thế hơn là đặt nền trên những tri thức nhân loại (dù chúng ta công nhận giá trị của những tri thức này là cần cho đời sống cộng đoàn tu trì). Cũng trong môi trường đó, tu sĩ được mời gọi sống cảm nghiệm hồng ân, ngay cả việc sửa lỗi và hoà giải, là những thực hành chủ yếu để xây dựng cộng đoàn.

Chiều kích thần học không loại trừ chiều kích nhân loại. Nguyên tắc thần học kinh viện cho thấy “ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng kiện toàn nó”. Những dự phóng cộng đoàn, những nét phong phú của đặc tính, văn hoá địa phương, lịch sử của một đời người, … vừa làm phong phú cộng đoàn, vừa là thách đố.

Điều cần thiết là biết áp dụng những kiến thức nhân loại để giảm nhẹ gánh nặng của đời sống chung, và hướng nhiều hơn về chiều kích tâm linh. Thiếu óc thực tiễn cũng có nguy cơ gây xung khắc, lỗi lầm trong đời sống cộng đoàn, bởi đôi khi ta có thể đòi hỏi ở cộng đoàn quá nhiều, trong khi chưa biết hy sinh vì cộng đoàn. Cuối cùng, việc là tu sĩ trong cộng đoàn được nhìn nhận là căn bản khi tu sĩ biết đào sâu căn tính đời tu. Điều này giúp người tu sĩ đứng vững trước những ảnh hưởng của xã hội, và ngay cả trước những khó khăn trong đời sống.

Để kết thúc đề tài hôm nay, thiết nghĩ cần nhắc lại lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi muốn ngỏ lời đặc biệt với các bạn trẻ. Các bạn là hiện tại bởi vì các bạn đang sống trong Dòng, và mang lại sự đóng góp quyết định cho Dòng nhờ sự trẻ trung và quảng đại của cuộc lựa chọn của các bạn. Ðồng thời các bạn cũng là tương lai bởi vì các bạn sẽ được gọi để nắm giữ vai trò điều khiển việc linh hoạt, huấn luyện, phục vụ, sứ vụ của Dòng. Trong năm nay, các bạn sẽ là những người chủ động trong cuộc đối thoại với thế hệ đàn anh.

Trong tình hiệp thông huynh đệ, các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ để trau dồi hiểu biết, và đồng thời, các bạn có thể đề nghị với họ lý tưởng của Dòng thuở ban đầu, mang lại sức năng động tươi trẻ nhờ lòng phấn khởi của các bạn, ngõ hầu thảo ra những phương hướng mới để sống Tin mừng, và mang lại những giải đáp cân xứng cho nghĩa vụ phải làm chứng và loan báo. Tôi rất vui mừng vì biết rằng các bạn trẻ thuộc nhiều dòng sẽ có những cơ hội gặp gỡ nhau. Ước mong những cuộc gặp gỡ này sẽ trở thành con đường thường xuyên để hịêp thông, để nâng đỡ lẫn nhau, để liên kết.” (Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, I, 3)

[1] Paul Evdokimov, Đời sống thiêng liêng xưa và nay, tr. 184-185.

[2] Paul Evdokimov, sđd, tr. 195.

[3] F. D. Martinez, sđd., tr. 326.