ĐỀ TÀI VI
LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO
Từ bỏ để thanh thoát đi theo Đức Giêsu (Lc 18,18-27)
Khó nghèo luôn là một thành tố chủ yếu trong đời tu. Nếp sống nghèo khó trong đời tu hoạ lại nếp sống của các Tông Đồ (Vita apostolica). Thực hành khó nghèo là tinh thần chính yếu trong việc loan báo Tin Mừng: Đức khó nghèo trong đời tu là bằng chứng sống động trong lời giảng về Đức Giêsu, một người nghèo của Tin Mừng.
Như chúng ta sẽ nói đến sau này, đức khó nghèo không phải thuần tuý nhắm đến mục tiêu luân lý là làm gương sáng, nhưng tiên vàn mang tính thần học về nếp sống của các Tông Đồ: loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống của người tu sĩ. Khó nghèo tinh thần phải là kết quả của việc cảm nghiệm Thiên Chuá và mở ra con đường hướng tới cảm nghiệm về Thiên Chuá. Đức Giêsu, người nghèo của Đức Chuá, đã chọn con đường khiêm hạ và khó nghèo: sinh ra nơi máng cỏ bò lừa, ẩn dật ở Nazaréth, và cuối cùng là cái chết trên thập giá.
Việc làm môn đệ của Đức Kitô đòi đạt đến một cấp độ cao, làm sao để người tu sĩ giải thoát được bản thân khỏi những ràng buộc của tập quán quá khứ chưa chuẩn mực, những định chế, quan tâm, dự phóng của cá nhân, những an toàn theo kiểu định chế (nghề nghiệp, gia đình, dự trữ tích lũy của cải vật chất, vvv), và ngay cả những quan tâm và dự phóng của bản thân, giúp cá nhân dám từ bỏ bản thân, và điều này liên quan đến đức tin hơn là chỉ nhấn mạnh vào việc từ bỏ.
Dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô
Đời tu là một dấu chỉ về căn tính của người môn đệ Đức Kitô. Trong xã hội văn minh, hiện đại, dấu chỉ này càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vào đầu thời Trung Cổ, Giáo Hội được nhìn là giàu sang bởi những cơ ngơi của mình. Nhưng tự bản chất, Giáo Hội vẫn luôn muốn thi hành sứ vụ bên cạnh những người nghèo: cả nghèo vật chất lẫn nghèo tinh thần. Vấn đề nghèo khó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời tu: con người, công việc, đời sống cộng đoàn, sứ vụ, nếp sống, việc quản trị, vvv.
Chắc chắn không ai trong chúng ta tránh được những câu hỏi nhức nhối liên quan đến vấn đề này. Nhưng đâu là điều giúp chúng ta định hướng công việc, hành vi, đời sống của mình xét như môn đệ Đức Kitô ? Điều đầu tiên cần nhấn mạnh: dấu chỉ Tin Mừng về sự nghèo khó vẫn luôn cần thiết, nhất là trong một thời đại mà xã hội văn minh hiện đại phát triển tính theo ngày, theo tháng. Mọi canh tân trong Giáo Hội đều khởi sự bằng việc kêu gọi trở về với đức khó nghèo Tin Mừng.
Môn đệ và sự từ bỏ
Từ bỏ vật chất để theo Chuá không phải là cùng đích của đời tu, nhưng là điều kiện để theo Chuá. Người môn đệ đặt hết tin tưởng và phó thác sự an toàn của mình nơi Thiên Chuá. Hoa trái của việc từ bỏ thực sự giúp người tu sĩ đụng chạm đến ý nghĩa của sự từ bỏ theo Tin Mừng: Ý thức được sứ vụ mình phải đảm nhận, và học biết cảm nhận về Đức Kitô, cũng như khám phá ra giá trị của Nước Trời trong nếp sống tu trì.
Như lời Đức Giêsu nói với anh nhà giàu về những gì anh cần phải làm: Theo Chuá để được sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời. Nói cách khác, tinh thần khó nghèo qua lời khấn có liên quan đến ơn cứu độ: Khó nghèo để trở nên tự do đi theo Thầy Giêsu, để được sự sống đời đời.
Khó nghèo và giàu sang vì Nước Trời
Lời khấn khó nghèo trong đời tu liên quan đến hai yếu tố tìm thấy trong Tin Mừng: tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chuá và tránh thờ ngẫu tượng là tiền tài danh vọng. Khi biết từ bỏ sự an toàn vật chất qua lời khấn khó nghèo, người tu sĩ trở nên thanh thoát cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong thực tế, ngoài giá trị của từ bỏ để thanh thoát theo Chuá, lời khấn này còn hướng người tu sĩ đến tha nhân, theo trật tự của Đức Ái (Đức Ái cận thân): Cộng đoàn, anh em trong cộng đoàn, gia đình người thân, người nghèo.
Tương quan với cộng đoàn
Thái độ tin tưởng này cần phải được các cộng đoàn tu trì lưu tâm để ý, nhất là những ai giữ việc quản trị và quản lý tài sản chung. Trước hết, một khi tu sĩ tín thác cho Chuá tương lai của mình, thì một cách gián tiếp, họ tín thác cuộc đời trong Hội Dòng. Do vậy, cộng đoàn có bổn phận lo cho thành viên của mình cách đầy đủ nhất có thể: cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nếu cộng đoàn chu cấp đủ cho thành viên của mình những nhu cầu cần thiết, theo khả năng thực tế của cộng đoàn, thì các thành viên sẽ tránh được những cám dỗ khác liên quan đến vật chất. Nếu so với việc thực hành nhân đức, sống khó nghèo không xa với tinh thần khiêm nhường. Điều này giúp tu sĩ tránh sở hữu tài sản, và cả những ước muốn tài sản một cách hợp pháp nữa (điều này phải xét trong từng bối cảnh). Từ bỏ sở hữu những vật dụng được coi là “xa xỉ” trong đời sống thường ngày là điều không thể thiếu để thực hiện tinh thần chung, đồng thời cũng giúp người tu sĩ loại trừ tận căn những tật xấu có liên quan.
Tuy nhiên, về phía cá nhân trong cộng đoàn, họ cũng ý thức về giá trị tinh thần của lời khấn này. Cả cộng đoàn và cá nhân đều cùng chung nỗ lực sống tinh thần khó nghèo trong đời tu. Các thánh nhân đã sống và sống cách triệt để tinh thần này. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống tinh thần từ bỏ, không chỉ là hài lòng với việc chấp nhận thiếu những vật chất mình thích có, mà còn dám chấp nhận thiếu điều gì mà có thể là cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Chị thánh không chỉ hài lòng với việc tặng cho người khác điều họ xin, mà còn đi trước cả những ước mong của họ nữa, cụ thể là nếu ai đó muốn xin cả vật dụng mà thánh nữ đang cần dùng, ngài cũng vui lòng cho luôn.[1]
Trong Huấn Thị “Xuất Phát Lại từ Đức Kitô”, Thánh Bộ về Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ nhắc lại rằng: Những người thánh hiến có thể và phải xuất phát lại từ Đức Ki-tô bởi vì chính Người đã đến với họ trước và đồng hành với họ trên đường (x. Lc 24,13-22). Cuộc sống của họ là lời loan báo chỗ đứng ưu việt của ân sủng.64 Không có Đức Ki-tô, họ không thể làm được gì (x. Ga 15,5); tuy vậy, trong Người là Đấng ban sức mạnh, họ có thể làm mọi sự (x. Pl 4,13).
Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Ki-tô, “một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”.65 Điều đó bao hàm một sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên trung tâm của đời sống họ và nguồn mạch liên tục của mọi sáng kiến.
Như tông huấn Đời sống thánh hiến nhắc nhở chúng ta, đó là một kinh nghiệm chia sẻ, “một ơn đặc biệt là sống trong tình thân thiết”.66 Đó là “trở nên một với Người, mang cùng những tâm tình, cùng một lối sống”,67 và đó là một cuộc sống “bị Đức Ki-tô chiếm hữu”,68 “được bàn tay Đức Ki-tô chạm đến, được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ”.69
Toàn thể đời sống thánh hiến chỉ có thể hiểu được từ khởi điểm này: Các lời khuyên phúc âm có một ý nghĩa trong mức độ chúng giúp gìn giữ và tạo thuận lợi cho tình yêu đối với Chúa trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn đối với thánh ý Người. Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa là tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa; Bước kế tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa.
Nếu “chúng ta yêu mến”, đó là vì “Người đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô xác tín: “Đức Ki-tô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi.” (Gl 2,20). Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng, chúng ta mới có thể vượt thắng mọi khó khăn riêng tư. Người sống đời thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy.
Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự. Lời khấn nghèo khó giải thoát ta khỏi nô lệ các sự vật và các nhu cầu giả tạo đang lôi cuốn xã hội tiêu dùng và dẫn ta đến việc tái khám phá Đức Ki-tô, kho tàng duy nhất đáng để ta tìm kiếm. Tuy nhiên, trong việc luyện nhân đức, cũng luôn lưu tâm đến đức Ái (đặc biệt quan tâm đến anh em bệnh và cao niên).
Liên đới huynh đệ
Một khía cạnh khác cần được lưu ý trong cộng đoàn: tình liên đới, chia sẻ huynh đệ. Những biến chứng có thể có trong cộng đoàn liên quan đến vấn đề đang bàn thảo này là hiện tượng cái tôi, quy ngã. Tích luỹ của cải cho cá nhân, chia rẽ, xung đột có thể thấy trong các gia đình, bởi vật chất gây ảnh hưởng; nhưng trong đời tu, cần phải tránh hết sức những thái độ hoặc khuynh hướng xấu đó.
Với tha nhân
Vấn đề còn lại cần bàn ở đây liên quan đến vật chất là chuyện chia sẻ của cải cho người nghèo. Cơ bản là cộng đoàn nghèo của Tin Mừng. Người nghèo thì đáng thương trước nhan Thiên Chuá. Ở một góc độ nào đó, sự liên đới và chia sẻ của cải liên quan đến ơn cứu độ. Dĩ nhiên là người ta không thể dùng tiền của để mua ơn cứu độ, nhưng việc chia sẻ liên đới giúp con người mở ra với tha nhân. Việc tín thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chuá mời gọi tu sĩ dấn thân vào trong đời sống thiêng liêng, điều này giúp chúng ta vượt qua những hình thức quá lo lắng về vật chất.
[1] Histoire d’une âme, ch. 7 et 9.