Mục Vụ Linh Đạo Dòng Gioan Thiên Chúa

I. DẪN NHẬP

Mỗi linh đạo là cách thế độc đáo bước theo Đức Kitô trong những bối cảnh văn hóa và lịch sử cụ thể, riêng biệt. Hội dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa ra đời vào thế kỷ XVI, ở nước Tây Ban Nha, trong một bối cảnh phức tạp về chính trị và tôn giáo nói riêng ở trong đất nước này và nói chung ở Châu Âu. Trong hoàn cảnh đó, Hội dòng này đã bước theo Đức Kitô trong cách thế độc đáo nào ? Và linh đạo đó đang và sẽ được thể hiện như thế nào trên đất nước Việt Nam trong thế kỷ XXI này ? Chúng tôi xin cố gắng để trả lời cho những câu hỏi này qua những phần sau đây.

1. Sơ lược tiểu sử thánh Gioan Thiên Chúa[1]

Thánh Gioan Thiên Chúa, lúc đầu có tên là Gioan Cidade, sinh vào khoảng năm 1495, tại làng Montermor O-novo. Cha là ông An-rê và mẹ là bà Tê-rê-xa. Năm lên tám tuổi, cậu theo một người khách lạ lưu lạc qua Tây Ban Nha. Khi đi đến vùng Oropesa, cậu bị bỏ rơi, và được gia đình ông François de Majoral nhận về nuôi dạy.

Gioan đã kinh qua nhiều ngành nghề trong đời như đi chăn súc vật, đi làm mã phu, hai lần đi lính (một lần đánh chiếm lại Fontarabia và một lần đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienne), đi đắp thành ở Châu Phi, đi bán tranh ảnh, sách báo và bán củi ở Grenade.

Ngày 20.1.1539, anh được ơn biến đổi tâm hồn. Bài giảng của linh mục Gioan d’Avilla trong thánh lễ kính thánh Sébastiano tử đạo nói về sự nguy hiểm của tội lỗi và lòng xót thương của Thiên Chúa, đã làm Gioan cidade bị xúc động mạnh đến độ thần kinh bị kích động giống như những người bị điên lên cơn, và vì thế người ta đã đưa anh vào bệnh viện tâm thần Hoàng Gia Tây Ban Nha. Vì chỉ là bị giao động thần kinh, nên sau vài ngày thì anh ổn định trở lại. Nhưng anh đã xin được ở lại bệnh viện độ ba tháng để giúp đỡ các công việc vặt và trò chuyện, chăm sóc cho các bệnh nhân. Sau đó anh xin xuất viện, và vì được sự chỉ dạy của cha linh hướng - linh mục Gioan d'Avilla, vào tháng 10 năm đó, anh đi hành hương Đức Mẹ Guadaloupe. Trong thời gian hơn một tháng ở Guadaloupe anh đã tranh thủ đi học cách tổ chức bệnh viện cũng như chăm sóc bệnh nhân với các tu sĩ dòng Hiêrônimô. Trở về từ trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng đó, tháng 12. 1539, Gioan bắt đầu thành lập một phòng khám đầu tiên tại phố Lucena, đúng ra thì đó chỉ là một ngôi nhà cho những người nghèo khổ, bệnh tật không có chỗ nương thân đến trú ngụ, và khi những bệnh nhân do chính Gioan đưa về hay tự họ tìm đến ngôi nhà này, thì việc đầu tiên Gioan làm là tắm rửa cho họ, băng bó những vết thương bị lở loét... Thấy công việc của anh tốt đẹp, đức cha Ramirez, giám mục thành Tuy đặt tên là Gioan Thiên Chúa, và vì anh có cái áo nào lành đều cởi cho người đói rách, nên đức cha cho anh mặc một loại áo giống như áo nhà tu và làm phép áo đó để anh không còn cho người khác.

Nhờ sự giúp đỡ của đức cha Ramirez, đức tổng giám mục Grenade và nhiều ân nhân, nên Gioan Thiên Chúa có điều kiện mở thêm những nhà khác và đi tìm kiếm và đón tiếp nhiều người đau khổ, bất hạnh. Thánh Gioan Thiên Chúa qua đời ngày 8.3.1550, do bị cảm lạnh nặng bởi trước đó mấy tuần ngài đã cố gắng lao mình xuống dòng nước buốt giá trong khi sức khỏe đã suy yếu, để cứu một thanh niên đi với củi với ngài bị lỡ chân rớt xuống sông Génil.

Đức giáo hoàng Alexandro tôn phong Gioan Thiên Chúa lên bậc hiển thánh vào ngày 16.10.1690, và đức Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng các bệnh nhân và các bệnh viện công giáo vào ngày 22.6.1886 ; và cùng với thánh Camilo de Lellis, được đức giáo hoàng Piô XI đặt làm đấng phù hộ các nghiệp đoàn Y tá công giáo và tất cả các nam nữ y tá trong mọi thời đại và mọi nơi vào ngày 28.8.1930.

2. Được xem là đấng sáng lập Dòng[2]

Có lẽ nhiều người khi đọc thấy tên "Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa", thì cứ tưởng ngài đã sáng lập dòng này. Đúng là thánh Gioan Thiên Chúa đã lập bệnh viện, đã phục vụ người đau khổ và đã quy tụ được những người cùng chí nguyện để tiếp nối công việc của mình. Nhưng đọc trong tiểu sử cũng như trong các lá thư còn sót lại của Gioan Thiên Chúa, người ta không tìm thấy một chỗ nào nói là ngài có ý muốn lập một dòng tu. Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa thực ra được thành lập theo Giáo luật vài thập niên sau khi Gioan Thiên Chúa qua đời.

Vốn là sau khi Gioan Thiên Chúa trở về nhà Cha trên trời, các môn đệ vẫn duy trì được tinh thần phục vụ và công việc mỗi lúc một phát triển - bệnh nhân, người nghèo đói mỗi lúc một gia tăng, và vì vậy, các môn đệ của người càng phải đi lạc quyên đây đó nhiều hơn để trang trải. Trong khi các anh em này đi xin sự giúp đỡ của các ân nhân, thì nhiều kẻ đã bắt chước may loại áo giống áo các anh em trong bệnh viện Gioan Thiên Chúa mặc và đi lạc quyên. Thấy sự giả dạng này ảnh hưởng đến uy tín của anh em, nên anh Rodrigo de Seguenza đang làm trưởng nhóm mới bàn họp với anh em để có cách đối phó với tình trạng đó ; và có lẽ hơn nữa, được sự thúc dục của vua Philip II và Đức tổng giám mục thành Grenada, các anh em mới gửi hai anh em là Pietro Soriano và Sebastiano Arias sang Tòa Thánh, mang theo thư của Đức giám mục và nhà vua, để xin thành lập tu hội. Ngày 01.01.1571, Đức giáo hoàng Pio V đã chấp thuận đơn thỉnh nguyện, và ngoài việc chấp thuận trong mỗi bệnh viện có một anh em làm linh mục và được đi lạc quyên giúp cho bệnh nhân và người nghèo đói, ngài còn đồng ý cho anh em mặc một áo phép (scapulaire) bên ngoài như áo của các tu sĩ và để khác với áo mà những kẻ giả mạo bắt chước. Cùng với những điều anh em thỉnh nguyện, Đức giáo hoàng cũng truyền:

- Tuân giữ luật thánh Augustinô

- Tuân theo quyền tài phán của đức giám mục địa phương

- Hàng năm trình sổ sách tài chánh chi thu lên giám mục điạ phương

Được sự châu phê này anh em mới bắt đầu khấn ba Lời Khuyên Phúc Âm và lời khấn Trợ Thế, và anh em nhìn nhận thánh Gioan Thiên Chúa là Đấng sáng lập Dòng này[3].

3. Bối cảnh xã hội Châu Âu tiền bán thế kỷ XVI[4]

"Mỗi người là một đứa con của thời đại" (Hegel) và "Mỗi vị sáng lập Dòng tu cũng là những đứa con của thời đại, chịu ảnh hưởng sâu đậm của thời đại và đã cố gắng trả lời cho những thách đố riêng của thời đại. Chính vì vậy, linh đạo của họ vừa ghi đậm dấu ấn cá nhân, vừa dấu ấn văn hóa, điạ lý và thời đại đã khai sinh ra nó"[5], những nhận định này quả thật chí lý. Vì thế, chúng ta không thể hiểu rõ hơn được linh đạo Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa nếu chúng ta không tìm hiểu bối cảnh xã hội thời thế kỷ XVI tại Châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng.

Như chúng ta biết, thánh Gioan Thiên Chúa sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XV và nửa đầu thế kỷ XVI, một giai đoạn lịch sử mà ở Châu Âu có nhiều vấn đề phức tạp về chính trị và tôn giáo.

Trước khi có thể nói riêng đôi nét về chính trị và tôn giáo, chúng ta nên biết là vào thời này tôn giáo và chính trị dường như không có sự tách biệt như ngày nay. Các vua quan cũng can thiệp vào những vấn đề của tôn giáo, và các giáo sĩ cũng lo những việc chính trị như các vua quan trần thế.

Về chính trị, nước Tây Ban Nha nằm trong khối Hoàng đế La Đức, họ phải cùng với khối Công giáo Châu Âu chống trả sự xâm chiếm của quân Man di, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi đánh chiếm lại được vị trí cuối cùng của Hồi giáo tại ngay thủ đô Grenade của họ vào năm 1492, người Tây Ban Nha lại phải chiến tranh nhiều lần với quân Pháp trong thế kỷ XVI. Cuộc chiến giữa Tây Ban Nha với Pháp vẫn chưa kết thúc, thì Quân Thổ Nhĩ Kỳ lại xâm chiếm Hungary, Bude và đang vây hãm thành Vienna. Tây Ban Nha lại phải chi viện binh lính đến đây để chống trả Hồi giáo. Khối công giáo trong đế quốc La Đức mặc dù chiến thắng quân Thổ ở Vienne, nhưng vẫn phải luôn chuẩn bị để đối phó và tiếp tục đánh đuổi Man di ra khỏi những nước Công giáo mà họ đang chiếm đóng. Trong khi đang sống trong cảnh chiến tranh đó, thì lại xẩy ra vấn đề ly giáo của Martin Luther ở Đức, Zwingli ở Thụy Sĩ và Canvin ở Pháp. Sự kiện ly giáo này kéo theo một số ông hoàng, nên Hoàng đế Carlos Quinto lại phải can thiệp để ổn định trật tự trong đế quốc. Giải quyết những khó khăn này chưa xong thì lại có sự ly giáo ở Anh quốc, khởi đầu do Henry VIII và chính thức dưới thời nữ hoàng Elisabeth năm 1559.

Tưởng chừng chính sự là chuyện của các vua quan trần thế, nhưng như chúng ta đã nói trên đây, thời bấy giờ không có sự phân biệt rõ rệt giữa tôn giáo và chính trị. Chính vì thế, nhiều Giáo hoàng trong giai đoạn này cũng lo cầm quân đi đánh trận, cụ thể như Đức Giulio II (1503-1513), được người ta xem là một nhà binh mã hơn là một Giáo hoàng. Đức Leô X (1513-1521) là người say mê văn chương và nghệ thuật, để rồi giáo triều không còn là chỗ bàn chuyện đạo lý, mà "trở thành nơi viết sách, ngâm thơ, trình bày nghệ thuật một cách đáng phàn nàn" (Nhưng cũng chính nhờ thời kỳ này mà nghệ thuật Châu Âu đạt đến đỉnh cao của mình) ; và khi ngài mặc phẩm phục Giáo Hoàng thì không phải là để giảng đạo lý yêu thương, phục vụ người đau khổ mà "tham dự các buổi trình diễn văn nghệ, săn bắn, hội hè"[6]. Lùi về trước hai vị Giáo hoàng này, chúng ta còn gặp một vị Giáo Hoàng có thể nói là tai tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội, Đức Alexandrô IV (1492 - 1503), một người chỉ biết lo chuyện hưởng lạc thú cá nhân và lo cho gia đình, con cái hơn là lo cho đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô.

Trong giai đoạn này, ngoài việc các Giáo hoàng phải đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Pháp, các ngài còn phải đối đầu với nhóm 5 Hồng y bất mãn với Tòa Thánh đứng về vua nước Pháp lúc bấy giờ đang đánh chiếm nước Tòa Thánh và phải họp công đồng Latran V để giải quyết vụ này; và nhất là phải đối đầu với nỗi đau trong nội bộ là những vấn đế tín lý và sự li khai của Martin Luther, Zwingli và Calvin, để rồi lại phải đổ sức ra lo triệu tập công đồng Trentô (1545-1563).

Tóm lại, giai đoạn mà thánh Gioan Thiên Chúa sinh sống, Châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng phải luôn sống trong bầu không khí của chiến tranh, phân li tôn giáo ; một số Giáo hoàng thì mải mê với việc trần thế, một số Giáo hoàng khác lại phải lo tổ chức công đồng, hội họp để ổn định phẩm trật và đạo lý, nên chẳng còn mấy ai quan tâm đến những người bệnh tật, nghèo đói. Nhưng Chúa là Thiên Chúa tình yêu, Người luôn lo liệu để tình yêu của Người không vắng bóng trên trần thế này. Người được thôi thúc để diễn tả tình yêu của Chúa một cách đặc biệt cho những người đau khổ trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc, nghèo đói, phân biệt tôn giáo, đảng phái… chính là Gioan Thiên Chúa. Nhưng con đường thiêng liêng của Gioan Thiên Chúa như thế nào ? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời trong phần tiếp theo.

II. LINH ĐẠO DÒNG TRỢ THẾ THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

1. Phục vụ người đau khổ

a. Giúp đỡ mọi đối tượng bất hạnh

Ngày nay, khi nói về linh đạo Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, có lẽ nhiều người nói ngay đó là một linh đạo phục vụ các bệnh nhân. Điều này quả không sai, nhưng như thế là chưa nói hết được linh đạo mà thánh Gioan Thiên Chúa đã sống. Thật vậy, nhìn lại công việc thánh nhân đã làm và những lá thư của ngài còn lại người ta thấy linh đạo của người còn phong phú hơn những gì dừng lại nơi công việc y tế, mà để có thể diễn tả đầy đủ, thì thiết nghĩ có lẽ phải nói đó là một linh đạo "phục vụ những người đau khổ".

Phục vụ những người đau khổ đó là giúp đỡ bất cứ ai đang lâm cảnh đau khổ về thể chất và tinh thần. Trong lá thư thứ 2 gửi cho hiệp sĩ Gutierre Lasso, một vị ân nhân của ngài, thánh Gioan Thiên Chúa cho chúng ta thấy những đối tượng mà ngài thường phục vụ: "Thường thường chúng tôi nhận đủ mọi thứ bệnh và mọi thứ người. Có những người bại liệt, què quặt, lở chốc, câm điếc, điên khùng, bất toại, khờ dại, người già cả và kẻ mồ côi, chưa kể khách vãng lai, kẻ qua đường dừng chân lại đây rất đông". Castro, tác giả cuốn tiểu sử về Gioan Thiên Chúa, viết 30 năm sau khi thánh nhân qua đời, tuy không liệt kê nhiều những đối tượng như trên đây, nhưng lại cho chúng ta thấy có thêm những thành phần khác trong việc phục vụ của Gioan Thiên Chúa : "Mọi thứ người nghèo khổ và túng cực chạy lại với người, người đều giúp đỡ hết : kẻ góa bụa, mồ côi, thầy kiện, thầy cai đến người thứ dân nghèo hèn"[7].

Cũng tác giả vừa nêu trên đây, trong tiểu sử về Gioan Thiên Chúa và G. Hunermann trong cuốn Người hành khất thành Grenade, đã ghi lại nhiều lời chứng của dân chúng nói về việc thánh nhân đã lo cho rất nhiều người nghèo đói mà họ đến xin ngài giúp đỡ cũng như những người mà ngài gặp được trên các hành trình đi lạc quyên. Chính vì điểm này mà người ta gọi Gioan Thiên Chúa là "cha của kẻ khó nghèo".

Ngài không chỉ chạnh lòng trước những người bị bệnh tật hay nghèo đói… mà ngài còn thương đến đến những người có những nỗi đau, sự tủi nhục trong tâm hồn. Chuyện kể lại rằng, có nhiều lần, vào các ngày thứ sáu, thánh Gioan Thiên Chúa tìm đến những chốn lầu xanh, gặp các cô gái bán thân, bày tỏ lòng cảm thông, nâng cao tượng chịu nạn và giải bày đạo lý, thuyết phục các cô hoàn lương và hứa, nếu họ còn mắc nợ thì ngài sẽ trả nợ cho, cũng như sẽ cung cấp của ăn áo mặc và tìm công ăn việc làm cho họ. Và những cô nào sau này muốn lập gia đình, ngài lại tổ chức đám cưới cũng như lo của hồi môn cho họ. Có những lần ngài tổ chức đám cưới tập thể một lúc cho 16 đôi.

Chúng tôi muốn đưa vào một số dẫn chứng như vậy để thấy công việc phục vụ của Gioan Thiên Chúa không chỉ là giúp đỡ những người bị bệnh tật yếu đau như lâu nay nhiều người thường nghĩ. Có lẽ chính vì điều này mà hạn từ Dòng Trợ Thế đã được anh em Gioan Thiên Chúa dùng để thay thế cho danh xưng vốn quen thuộc trước đây: "Dòng Bệnh Viện". Đúng hơn, có lẽ phải dịch ra theo một nghĩa khác nữa là Dòng Hiếu Khách "Ordo Hospitalitas".

Hạnh phúc của con người là nhận biết Thiên Chúa tình yêu và phụng sự Người. Nhưng phụng sự Chúa không phải chỉ bằng "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà phải thực thi giới luật của Người. Giới luật tối thượng mà Thiên Chúa truyền cho con người đó là mến Chúa yêu đồng loại. Yêu anh em không phải bằng lời nói suông mà phải dấn thân phục vụ. Đối tượng mà Thiên Chúa gọi mời con người quan tâm giúp đỡ một cách đặc biệt đó là những anh em đau khổ, bất hạnh. Và khi phục vụ những anh em nghèo khổ cũng chính là lúc phục vụ Đức Giêsu Kitô: "khi anh em làm một điều gì cho những anh em bé nhỏ của Ta đây là anh em làm cho chính Ta vậy". Gioan Thiên Chúa như đã thấu hiểu điều này, nên ngài đã dốc cạn tâm lực để phục vụ những người khổ đau. Mặc dù "người cha của những kẻ khó nghèo" không trích dẫn Matthêu chương 25 để nói lên điều đó như các tu sĩ của Dòng sau này[8], nhưng ngài luôn nói với các ân nhân của mình rằng : tôi làm tất cả mọi việc, tôi chịu mọi khó nhọc, nợ nần là vì Đức Giêsu Kitô, cho ta thấy được động lực thúc đẩy ngài dấn thân.

b. Phục vụ không phân biệt

Việc phục vụ những người đau khổ của Gioan Thiên Chúa không chỉ nổi bật trong việc dốc toàn tâm toàn sức[9], mà còn nổi bật trong việc phục vụ không phân biệt. Sự không phân biệt ở đây không chỉ không lựa chọn phái nam hay phái nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, người trong nước hay người ngoại quốc, mà còn ở chỗ không phân biệt tôn giáo.

Đây quả là một điều đặc biệt, một hành động cách mạng so với xã hội Châu Âu thời bấy giờ. Như chúng ta biết thời này Tòa tra của Giáo hội vẫn còn, sẵn sàng kết án và thiêu sống những ai chống đạo, chối đạo Công giáo[10]. Thế mà Gioan Thiên Chúa đã đưa những người bỏ đạo Công giáo theo Hồi giáo hay chính những người Hồi giáo bị phong cùi, bệnh tật, nghèo đói về chăm sóc. Khi ngài mang vác những người này về, thì ngay cả cha linh hướng trong bệnh viện cũng có lúc không bằng lòng và các người Công giáo đau khổ ở trong nhà của ngài chưởi rủa, xua đuổi họ, vì họ không ưa và sợ bị liên lụy bởi chính quyền, thì Gioan Thiên Chúa liền đưa họ vào phòng riêng của mình và chăm sóc cho đến khi họ qua đời[11]. Có lẽ chính nhờ điểm đặc biệt này mà truyền thống Giáo hội hay ví Gioan Thiên Chúa là "người Samari nhân hậu", và Hội dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa xem Luca 10, 29-37 là đoạn văn cách ngôn của mình là thế.

Khi đưa những người này về chăm sóc, với những người Công giáo theo đạo Hồi, Gioan Thiên Chúa cố gắng giúp họ trở về với Chúa. Còn đối với những người Hồi giáo, ngài cố gắng biểu lộ tình yêu sâu xa và chân thành nhất đối với họ, nhưng không áp đặt vấn đề tôn giáo lên họ. Hẳn hành động trên đây của thánh nhân là nền tảng cho số 43 Tổng Quy của Dòng, có đoạn viết: "Chúng ta tôn trọng tự do lương tâm của những người chúng ta chăm sóc và những người làm việc với chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ tôn trọng căn tính của các trung tâm trợ thế của chúng ta." Và có thể nói đây chính là quan niệm củaVatican II về tự do lương tâm.

c. Phục vụ con người toàn diện

Gioan Thiên Chúa không phục vụ người đau khổ chỉ vì những đau khổ thể lý hay tâm lý của họ, mà ngài còn muốn phục vụ con người toàn diện, nghĩa là thể lý, tâm lý và tâm linh.

Quả thật, nếu Gioan Thiên Chúa chỉ phục vụ người khổ đau chỉ vì những khổ đau về thân xác và tâm lý, thì lối sống, lối phục vụ của ngài không thể trở thành một linh đạo, không thể diễn tả một khía cạnh nào đó của Chúa Giêsu Kitô được; việc làm đó sẽ chẳng khác gì công việc của dịch vụ y tế. Nỗi khát khao của Gioan Thiên Chúa là yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự[12]và mong muốn thể hiện tình yêu đó cho những người khổ đau giống như Chúa Giêsu xưa, để qua việc chữa lành thể chất dẫn đưa người ta đến với việc chữa trị tâm linh. Điều này được chứng tỏ qua những lời mà Gioan Thiên Chúa thường nói: "Qua xác yếu hèn tới hồn bất diệt."

Trong tiểu sử của Gioan Thiên Chúa, chúng ta thấy điều này rất rõ. Ngài thường nhờ các linh mục đến làm công tác mục vụ trong bệnh viện. Mỗi buổi sáng ngài cùng các bệnh nhân đọc kinh cầu nguyện, và tối đến, trước khi đi ngủ ngài đi thăm từng bệnh nhân và xin Chúa chúc lành cho họ. Tu sĩ Castro cho ta thấy rõ hơn việc phục vụ con người toàn diện của Gioan Thiên Chúa:

"Không bao giờ người cấp dưỡng của cải thể xác cho một người nào mà đồng thời không giúp cho họ một phương thuốc chữa lành linh hồn họ, để đạt mục đích đó, người tận dụng những lời khuyên nóng bỏng và thánh thiện. Đàng khác, người lôi kéo mọi ngưòi vào đường cứu rỗi bằng việc dùng việc lành sống động hơn là bằng lời nói mà giảng dạy bổn phận vác khổ giá mình mà theo chân Chúa Giêsu Kitô."[13]

Có lẽ Gioan là một trong những người đã có cái nhìn tiên tri về sự ảnh hưởng qua lại giữa thể chất và tinh thần. Quả thật, sẽ khó có một đời sống tâm linh mạnh mẽ trong một thân xác đau yếu bệnh tật, và sẽ không thể có một sự lành mạnh thực sự khi thân xác khỏe mạnh, hết bệnh tật mà tâm hồn đầy những mụn nhọt hôi thối; và cần phải trân trọng, chăm lo cho thân xác, bởi vì Đức Kitô không chỉ cứu linh hồn người ta, mà cả thân xác của họ nữa.

Bước theo tinh thần này, ngày nay, trong phần nói về linh đạo, Hiến pháp của Dòng đã triển khai thêm rằng, khi anh em phục vụ người đau khổ là anh em phải làm thế nào đó để hành động của anh em trở thành lời loan báo tình thương của Chúa Cha và mầu nhiệm cứu độ toàn vẹn[14].

2. Chiêm ngắm thái độ và hành động của Chúa Giêsu đối với người nghèo khổ, bệnh tật

Khi người ta yêu ai hẳn là người ta muốn trở nên giống người đó. Như chúng tôi đã nói, khát mong của Gioan Thiên Chúa là yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự ở thế gian này, và ngài dâng trọn xác hồn cho Chúa ; ngài cũng muốn qua hành động của mình làm cho nhiều người nhận biết tình yêu của Chúa Giêsu và yêu mến Người. Vì điều này mà trong lá thư gửi cho Louis Baptiste, một người muốn đến làm đồ đệ của ngài, Gioan Thiên Chúa nhắc anh ta nhiều lần rằng phải chiêm ngắm Chúa Giêsu và tình yêu của Người, phải thấm nhuần được điều này thì mới có thể phục vụ tốt được. Hiến pháp của Dòng cũng nhắc nhở anh em trong Dòng là phải biết "chiêm niệm Đức Kitô trong cung cách Người đối xử với các bệnh nhân"[15]. Nhìn vào những gì Chúa Giêsu thể hiện trước những người đau khổ, luật Dòng mời gọi anh em tu sĩ Trợ Thế cần phải có thái độ và hành vi : "phục vụ khiêm tốn, nhẫn nại và có trách nhiệm ; tôn trọng và trung thành đối với con người ; cảm thông, nhân hậu và xả kỷ, chia sẻ những nỗi lo âu và hy vọng của họ."[16]

Quả thật, nếu người tu sĩ Trợ Thế không có một nền tảng tâm linh, không biết lấy hành động của Đức Giêsu làm tiêu chuẩn, thì họ dễ có nguy cơ biến công việc phục vụ của mình thành công tác từ thiện xã hội, và rốt cuộc thay vì mang lại lợi ích cho mình và cho người đau khổ thì lại có thể làm nguy hại. Hội dòng đã hiểu được điều này nên đòi buộc anh em mỗi ngày tối thiểu cũng phải có một giờ để suy niệm và đọc sách thiêng liêng, nhất là Kinh Thánh[17].

3. Chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu Kitô

Nếu như chiêm niệm thái độ và hành vi của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ, thì người ta chỉ mới như được lôi cuốn từ bên ngoài, nghĩa là thấy tốt đẹp nên bắt chước, thấy ngưỡng mộ mà noi theo. Nhưng để thấy được một nền tảng vững chắc, thấy được một sự thôi thúc bên trong, thấy được nguyên do sâu xa mà mình phải, mình nên làm điều tốt lành cho mọi người, nhất là những người đau khổ, thì phải chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá.

Thật vậy, chỉ khi chiêm niệm và hiểu thấu được mầu nhiệm thập giá, thì chúng ta mới thấy hết được tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại, dành cho mỗi người. Chính vì yêu thương loài người, chính vì tội lỗi của mỗi người, chính vì muốn cứu con người khỏi sự chết và trả lại phẩm giá cao quý cho con người mà Chúa Giêsu đã sẵn sàng hiến thân chịu chết đau thương trên thập giá. Có lẽ Gioan Thiên Chúa là một trong số những người say mê suy niệm mầu nhiệm thập giá vào bậc nhất và ngài đã cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm này[18], nên ngài không thể ngừng làm điều thiện, như vừa là để đáp đền tình yêu của Chúa, vừa là để biểu hiện tình Chúa cho anh em đau khổ. Và cũng vì lẽ này mà trong sáu lá thư gửi cho ba người, thì trong hai lá gửi cho Louis Baptiste và nữ bá tước Sessa, ngài đã khuyên họ phải biết chiêm ngắm sự thương khó của Chúa. Gioan Thiên Chúa nói với bà Sessa, chỉ khi nhận ra tình yêu vô biên của Chúa dành cho chúng ta, thì chúng ta mới hối tiếc về những sai phạm của mình và mới tận tình phục vụ người khổ đau được:

"Nếu chúng ta suy nghĩ đến chiều rộng dài của lòng Chúa thương xót, ta không bao giờ có thể ngưng làm việc thiện, bởi lẽ, chính vì tình yêu của Người, chúng ta cho người nghèo cái mà Người ban cho chúng ta … với đôi tay rộng mở, Người đòi chúng ta phải sám hối, than khóc tội lỗi của mình, và thực thi bác ái, trước hết là với chính linh hồn mình, sau nữa là đối với người khác".[19]

4. Chiêm ngắm Đức Maria

Trong mọi lá thư của Gioan Thiên Chúa, người ta thấy ngài luôn đề cập tới Đức trinh nữ Maria, và chính ngài đã nói với Louis Baptiste: tràng hạt Mân côi luôn giúp ích cho ngài, và nhờ ơn Chúa giúp ngài sẽ lần hạt ngần nào có thể.

Chúng ta có thể nói rằng, như thế, một trong những nguồn động lực để Gioan làm tốt công việc phục vụ là việc chiêm ngắm Đức Maria. Khi chiêm ngắm Đức Maria, Gioan Thiên Chúa học được bài học phục vụ : Đức Maria đã can thiệp cho chủ tiệc cưới ở Cana có nguy cơ sẽ phải hổ thẹn, khổ đau[20]; Đức Maria đã can đảm vượt rừng núi, đường sá xa xôi để đến giúp đỡ người chị em mình, bà Elisabeth, trong những tháng mang thai và hạ sinh Gioan Tẩy giả[21], và hơn hết Đức Maria đã thể hiện một hành vi hiếu khách cao độ khi Mẹ tiếp nhận Ngôi Lời đến trong cung lòng mình và đồng hành với Đức Giêsu cho đến chân thập giá. Vì vậy, Hiến pháp của Dòng mời gọi anh em Trợ Thế : "Chúng ta đón nhận và chu toàn thánh ý Thiên Chúa theo tinh thần đơn sơ, luôn sẵn sàng, dâng hiến và trung thành của Đức Maria, "đấng trọn đời vô tì tích" ; Chúng ta cố gắng thể hiện tình mẫu tử của Mẹ trong việc tông đồ của ta đối với người đau khổ…"[22]

III. TÌNH HÌNH DÒNG TẠI VIỆT NAM

Dòng OH tại Việt Nam, được thành lập năm 1952, tại Bùi Chu, do các tu sĩ đến từ Canada, qua lời mời của Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi. Năm 1954, các anh em của Dòng lên Hà Nội lập thêm một sơ sở mới tại Thái Hà ấp. Nhưng cơ sở chưa đi vào hoạt động, thì Dòng lại di chuyển vào miền Nam sau hiệp định Genève giữa chính phủ Pháp và Bắc Việt. Năm 1956, các anh em đến lập tu viện và bệnh viện Thánh Tâm tại Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai. Năm 1974, Đức Cha Phạm Ngọc Chi lại kêu mời anh em ra Đà Nẵng lập tu viện, và để cùng với các soeur dòng saint Paul điều khiển bệnh viện An Bình gần tòa giám mục Đà Nẵng. Nhưng một năm sau, sự kiện lịch sử của đất nước đến, các anh em rút về Đồng Nai, chỉ còn lại một tu sĩ duy nhất để trông coi cơ sở. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, chính quyền đã trưng dụng tu viện của Dòng tại Đà Nẵng, và năm 1979, bệnh viện Thánh Tâm (nay là bệnh viện Thống Nhất, Đồng Nai) cũng thuộc quyền quản lý của nhà nước.

Linh đạo của các tu sĩ là phục vụ chính yếu các bệnh nhân. Nhưng một khi bệnh viện không còn và không dễ dàng để mở những cơ sở y tế khác, thì nó bị èo uột là chuyện rất dễ hiểu. Hơn nữa, sau biến cố lịch sử của đất nước, nhiều tu sĩ của Dòng đã rời bỏ ơn gọi bởi thấy một tương lai quá ảm đạm ! Gần đây, khi Nhà nước cho các tư nhân, có thể mở bệnh viện, thì Dòng lại không có đủ điều kiện, bởi trước đây đa số anh em chỉ học điều dưỡng và học trường của nhà Dòng nên không dễ được Nhà nước chấp nhận; số ơn gọi trẻ thì đào tạo chưa kịp và so với các Dòng khác, thì ơn gọi của Dòng không nhiều.

Hiện thời, ngoài một số anh em đang dấn thân phục vụ tại bệnh viện Thống Nhất, Dòng còn có vài ba cơ sở để hoạt động Đông y ở Hố Nai và vùng Gia Kiệm. Anh em cũng đang có chương trình để mở cơ sở phục vụ nhữngï những bệnh nhân HIV/SIDA, ma túy, tư vấn tâm lý cho những căn bệnh do cuộc sống của thời công nghiệp hóa gây nên...

Những khó khăn quả thật là nhiều, nhưng có lẽ khó khăn lớn hơn cả mà anh em của Dòng đang cố gắng để vượt qua, và đúng hơn là cần đến ơn Chúa Thánh Thần để vượt qua, đó là lòng mến yêu lý tưởng và hăng say phục vụ Đức Kitô nơi người đau khổ một cách tận tình.

TẠM KẾT

Thiên Chúa là tình yêu, và Đức Giêsu Kitô là hiện thân của tình yêu đó. Người đã đến thế gian và thể hiện tình yêu đó một cách cụ thể và cảm động nơi việc chữa trị những đau yếu cho bệnh nhân và tiếp đón những người bất hạnh, và nhất là hy sinh trên thập giá để mang lại sự sống vĩnh cửu cho loài người. Tình yêu của Người đã làm rung động trái tim của Gioan Thiên Chúa, và Gioan Thiên Chúa đã muốn họa lại tình yêu của Người cho những người đau khổ, những người ở đáy cùng của xã hội. Con đường mà Gioan Thiên Chúa đã sống trở thành con đường thiêng liêng cho những ai muốn theo bước ngài trong việc phục vụ Đức Kitô qua người đau yếu, nghèo đói.

Linh đạo Gioan Thiên Chúa là một linh đạo phục vụ con người đau khổ toàn diện, nghĩa là không chỉ đơn thuần cứu chữa những đau khổ thể chất, tâm lý mà hơn thế nữa là giúp người ta đạt đến chỗ được chữa lành về tâm linh, được sự sống đời đời.

Người bất hạnh, như Chúa Giêsu đã nói, luôn có mãi trên cuộc đời này. Do đó, linh đạo Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa luôn luôn thích hợp với mọi thời đại. Tuy nhiên, bệnh tật và nghèo đói luôn có những hình thức mới. Do đó, anh em tu sĩ Trợ thế cần phải biết thích nghi để có những phương pháp phục vụ thích hợp. Lời nói trong bản thảo cuốn linh đạo của Dòng đáng để những môn đệ của Gioan Thiên Chúa suy nghĩ : "Chúng ta không được mù quáng đón nhận đường lối Gioan Thiên Chúa đã để lại, mà phải tìm cách diễn tả bằng những phong cách mới, với những hình thức văn hóa mới, và phải được cảm nhận với sự hăng say mới."[23]

 

Tài liệu tham khảo

1/. Nguyễn Thái Hợp, Lịch sử linh đạo, tài liệu lưu hành nội bộ

2/. Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin.

3/. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Chân lý, 1974

4/. G.Hunermann, Người hành khất thành Grenade, dg. Hoàng Ngân, Nxb. Tp. HCM

5/. Jean Caradec Cousson, O.H, Gioan Thiên Chúa, từ cảnh gian truân lên ngôi thánh

6/. Hiến Pháp Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa

7/. Kỷ yếu Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa - Việt Nam

8/. Bản thảo Linh đạo Trợ Thế.

 

[1] Phần tiểu sử này chúng tôi viết theo : Jean Caradec Couson, Gioan Thiên Chúa : từ cảnh gian truân lên ngôi thánh, dg. Không rõ và G. Hunermann, Người hành khất thành Grenade, dg. Hoàng Ngân, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM

[2] Phần này chúng tôi viết theo : Nguyễn Ngọc Lễ, Lịch sử Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, lưu hành nội bộ và Hiến Pháp Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa.

[3] X. Hiến pháp Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa, số 1.

[4] Phần này chúng tôi viết theo Lịch sử Giáo Hội của Bùi Đức Sinh và Cuộc lữ hành đức tin của Đào Trung Hiệu.

[5] Trích lại trong bài Một dòng sông chảy ra bao nhánh trong tập sách này của  tác giả Nguyễn Thái Hợp.

[6] Bùi Đức Sinh, Lịch sử Hội Thánh Công giáo, Nxb Chân Lý, Sàigòn 1974, tr. 148.
Nhưng cũng chính thời này mà có những công trình nghệ thuật để đời, để rồi người ta gọi đây là thời Văn nghệ phục hưng.

[7] Jean caradec couson, O.H, Gioan Thiên Chúa, từ cảnh gian truân lên ngôi thánh, tr. 102. Tác giả này đã lấy cuốn tiểu sử Gioan Thiên Chúa do Castro viết cùng với những khám phá lịch sử sau này mà viết lên cuốn Từ cảnh gian truân lên ngôi thánh. Chính vì thế mà trên đây chúng tôi nói là Castro đã viết.

[8] Xc. Hiến Chương Trợ Thế, năm 2001, tr. 32.

[9] Trong giai đoạn này Giáo Hội ở Châu Aâu cũng có những nhóm phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ như : các hội Diễn giảng tình yêu Thiên Chúa ở Ý, nhóm cầu nguyện và Phục vụ bệnh nhân cùng khách hành hương của thánh Philiphê Nêri… (Xc. Đào trung Hiệu, sđd, cuốn II, tr. 22 và 27.)

[10] Xc. Đào Trung Hiệu, sđđ, tr. 4.

[11] Xc. G. Hunnermann, sđd, tr. 245-138.

[12] Ở đầu mỗi lá thư, Gioan Thiên Chúa thường viết : "Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự ở thế gian này"

[13] Jean Caradec Couson, O.H, sđd, tr. 104.

[14] Xc. Hiến Pháp, số 2.

[15] Xc. Hiến pháp, số 4

[16] Xc. Hiến pháp, số 3.

[17] Xc. Hiến Pháp, số 28 và 29.

[18] Xc. Hiến Pháp, số 40 và Linh đạo Trợ Thế, số 31.

[19] Thư thứ nhất gửi nữ bá tước Sessa.

[20] Xc. Ga 2, 1-12.

[21] Xc. Lc 1, 39-58 và linh đạo Trợ Thế, số 31.

[22] Xc. Hiến pháp, số 4.

[23] Bản thảo linh đạo Trợ Thế, số 2.

Anthony Nguyễn Chân Hồng. OH

Anthony Hoàng Trung Hoa

Nguồn: http://catechesis.net