Hiến Chương Trợ Thế

HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI NGHÈO KHỔ

THEO CUNG CÁCH CỦA THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi hân hạnh giới thiệu với toàn Dòng văn kiện "Hiến Chương Trợ Thế" này. Chúng tôi muốn cống hiến anh em một văn kiện trình bày những vấn đề đa dạng cần làm sáng tỏ, giúp chúng ta có một ý tưởng minh bạch về tính trợ thế mà chúng ta được kêu gọi thể hiện hôm nay, trong tư cách Dòng Trợ Thế của Thánh Gioan Thiên Chúa, khi chúng ta bước vào Thiên Niên Kỷ III, hầu có thể tiếp tục làm cho lời tiên tri của Thánh Gioan Thiên Chúa trở thành hiện thực.

Văn kiện này là một mục tiêu của Chương Trình Hành Động Sáu Năm của Hội Đồng Tổng Quản Trị, và ba tổ nghiên cứu đã được thành lập để hoàn thành văn kiện. Ba tổ này đã có hai cuộc họp phối hợp ở Rôma và đã đề cử ra một Ủy ban gồm một ít người chuyên trách để nghiên cứu, triển khai và duyệt lại bản văn mà giờ đây anh em có trong tay. Ủy ban này đã làm việc trên cơ sở những đóng góp từ các thành viên của cả ba tổ.

Chương Trình Hành Động Sáu Năm của Hội Đồng Tổng Quản Trị bao gồm một loạt những hoạt động chưa hề được thực hiện trong thực tế, vì rõ ràng lúc đó không thể soạn kịp bản dự thảo trước thời hạn.

Hội Đồng Tổng Cố Vấn cảm thấy rằng, thay vì soạn ra một văn kiện mới cho Tổng Tu Nghị, các Cộng đoàn và các nhóm Cộng tác viên nên nghiên cứu kỹ Văn kiện Hiến Chương Trợ Thế này trong năm 1999-2000, theo những hướng dẫn mà Ủy Ban Chuẩn Bị Tu Nghị sẽ công bố, nhờ đó, cùng với việc nghiên cứu văn kiện, họ có thể chuẩn bị cho nghị trình và việc phê chuẩn văn kiện ở Tổng Tu Nghị LXV cho Sáu Năm sắp tới.

Ý tưởng này đã được các thành viên của Ủy Ban soạn bản dự thảo và các Bề Trên Thượng Cấp của Dòng tán thành trong cuộc họp tại Rôma từ ngày 30 tháng 11 đến 4 tháng 12 năm 1998.

Văn kiện này gồm nhiều chương khác nhau liên quan tới sứ mạng của chúng ta:

Chủ đề trợ thế, được trình bày dưới quan điểm triết lý và thần học kinh thánh, cho thấy rõ những thái độ của Thánh Gioan Thiên Chúa và của truyền thống Dòng, và kết thúc bằng những nguyên tắc mà chúng ta muốn dựa vào để thực hiện đặc sủng trợ thế của chúng ta hôm nay.

Chiều kích đạo đức của con người và của việc chăm sóc. Chương này mô tả những nguyên tắc chung cơ bản trong quan điểm đạo đức của chúng ta và những hoàn cảnh chuyên biệt mà chúng ta được kêu gọi để đáp ứng trong tinh thần trợ thế và theo cung cách của Thánh Gioan Thiên Chúa.

Chiều kích văn hóa của tinh thần trợ thế, trên hết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào luyện và nghiên cứu nhằm đáp ứng những thách đố của Thiên Niên Kỷ III này.

Nhu cầu bảo đảm việc quản lý các phương tiện của chúng ta trong tinh thần đặc sủng. Chúng ta phải tuân thủ các qui luật quản trị, nhưng chúng ta phải áp dụng chúng theo đặc sủng của mình. Chúng ta phải thực hiện việc quản trị bằng những giá trị của người môn đệ Chúa Kitô và theo tinh thần của Thánh Gioan Thiên Chúa, vì đó là những giá trị làm cho việc quản trị của chúng ta mang tính chuyên biệt. Và chúng ta phải quản lý các trung tâm của mình theo những giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Chúng ta tin rằng làm như thế, chúng ta sẽ bước ra khỏi Tổng Tu Nghị với một chương trình cụ thể để giúp chúng ta sống thời kỳ Sáu Năm sắp tới trong tinh thần đáp ứng những đòi hỏi của Đặc Sủng chúng ta trong thế kỷ XXI này.

Văn kiện này sẽ được công bố chính thức vào Lễ Thánh Gioan Thiên Chúa trong Năm Thánh, Ngày Hoà Giải, để làm nổi bật tính thích hợp của cung cách Trợ Thế của chúng ta hôm nay.

Nguyện xin Thánh Gioan Thiên Chúa giúp chúng ta biết hoà giải chính con người mình, để có thể thông truyền sự hoà giải cho người khác qua việc chúng ta sống tinh thần trợ thế của mình. 

Tu huynh Linh Mục Pascual Piles. OH

                  BeàTreân Toång Quyeàn

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CHƯƠNG 1

CÁC NGUYÊN TẮC, ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MỆNH

CỦA DÒNG TRỢ THẾ THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

1.1 Hoạch Định Tương Lai Theo Các Nguyên Tắc Của Dòng Chúng Ta

Nhân loại đang bước vào thế kỉ XXI với đầy lo âu cũng như hy vọng. Chúng ta đã có những tiến bộ lớn trong việc hiểu biết và quản lý thế giới, mà hôm nay ngày càng trở nên giống như một ngôi làng khổng lồ - "ngôi làng toàn cầu". Nhưng những cá nhân cũng như tập thể vẫn còn phải chịu đựng những đau khổ ngày càng sâu sắc hơn do hậu quả của chiến tranh, tính ích kỷ của giai cấp hay phe nhóm, và do những giới hạn của bản tính con người mà chúng ta luôn luôn nhận thấy rất rõ qua sự tồn tại của đau khổ, bệnh tật, và sự chết.

Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa là một thành phần và một mảng nhỏ của "ngôi làng toàn cầu" này. Chúng ta ngày nay có 1.500 Tu huynh, khoảng 40.000 Cộng tác viên gồm các nhân viên và các người tình nguyện, và 300.000 Cộng tác viên ân nhân. Chúng ta có mặt trên cả năm châu lục, tại 46 quốc gia và tại 21 Tỉnh Dòng, 1 Phụ Tỉnh, 6 Tổng Ủy và 5 Tỉnh Ủy. Chúng ta hoạt động tông đồ phục vụ các bệnh nhân và người nghèo khổ tại 293 Trung tâm Trợ thế. Tuy chúng ta tất cả đều là chi thể của một thân thể duy nhất là Hội Dòng, nhưng chúng ta sống trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Một số trong chúng ta hoạt động tại các xã hội và Trung tâm có trình độ kỹ thuật tiến bộ cao, trong khi một số khác sống trong những xã hội và Trung tâm đang phát triển; một số sống tại những quốc gia thái bình, trong khi một số khác phải sống giữa những đau khổ do chiến tranh và bạo lực, hay do những hậu quả của bạo lực mà họ vừa trải qua; một số được hưởng những lợi ích của một xã hội tự do, đang khi một số khác bị xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do và các quyền cơ bản khác; một số trong chúng ta đặc biệt tận tụy phục vụ cho các hoạt động trợ thế, một số khác quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và sự gạt ra bên lề; một số đang cố giúp người ta sống, trong khi một số khác thực hiện sứ mạng giúp người ta chết một cách xứng với phẩm giá con người.

Tuy tất cả chúng ta đều làm việc với mục tiêu cung cấp sự chăm sóc toàn diện, đầy đủ, nhưng một số thì tập trung nhiều hơn vào sức khoẻ thể chất, số khác vào sức khoẻ tâm thần, số khác nữa giúp tạo những điều kiện để người ta có thể hưởng một mức sống thỏa đáng. Một số sống ở miền Bắc, số khác ở miền Nam, một số sống tại các nền văn hóa phương Đông và số khác tại các nền văn hóa phương Tây. (1) Trước thềm Thiên Niên Kỷ III của thời đại chúng ta, mọi người trên khắp thế giới đều đang đặt câu hỏi về tương lai của xã hội chúng ta, về các thể chế, và về chính tương lai của chúng ta. Tất cả chúng ta là những người làm cho Dòng Trợ Thế của Thánh Gioan Thiên Chúa có thể tiếp tục hoạt động trên khắp thế giới, thì chúng ta cũng đang hoạch định một tương lai có khả năng được xây dựng trong thiên niên kỷ sắp tới để phục vụ những người đau khổ hay nghèo túng, và đang cần sự trợ giúp của chúng ta để xây dựng lại kế hoạch đời sống cá nhân của họ.

Khi hoạch định chương trình cho tương lai, đôi khi chúng ta có thể rơi vào sai lầm là quên mất quá khứ, không phải vì cố tình mà chỉ vì không để ý, hoặc bởi chúng ta không lưu tâm đúng mức, hoặc bởi chúng ta quá bận tâm để bắt kịp thời đại. Trong những trường hợp khác, nhu cầu đổi mới triệt để và khắc phục thất bại làm chúng ta thấy cần loại bỏ những phương pháp đã từng giúp ích nhiều trong quá khứ nhưng nay không còn thích hợp, vì thời đại hôm nay đòi hỏi những đáp ứng mới và quá khứ phải tiêu tan đi để chúng ta có thể tự do hơn để xây dựng tương lai. Chúng ta phải hoạch định tương lai của mình tại đây và lúc này, dựa trên tất cả những gì là tích cực trong quá khứ. Chúng ta tin rằng đây là hoàn cảnh đang đối diện với Dòng Trợ Thế hôm nay, tập trung vào sự hoạch định tương lai của mình dựa trên cơ sở việc duyệt xét cập nhật những nguyên tắc và giá trị của mình. Có thể một số lãnh vực trong Dòng và một số cung cách hành động cần được thay đổi, và tại một số nơi sự thay đổi này có thể phải triệt để hơn tại những nơi khác nếu chúng ta muốn hiện diện trong thiên niên kỷ sắp tới này, để cống hiến cho người ta sự phục vụ và truyền đạt cho họ một sứ điệp vẫn còn hợp thời. Vì vậy, rõ ràng toàn thể Dòng Trợ Thế của Thánh Gioan Thiên Chúa tất yếu phải được củng cố bằng chính những giá trị vốn luôn là đặc trưng của Dòng chúng ta. Những giá trị này phải được hội nhập văn hoá, cập nhật theo ngôn ngữ mà chúng được dùng để diễn tả, và phải được thực hành tùy theo những hoàn cảnh khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới, bởi vì đây là con đường duy nhất để tất cả những ai đến tiếp xúc với các Trung tâm của chúng ta có thể hiểu biết và chấp nhận những giá trị ấy.

Tổng Quy số 43 đề ra những nguyên tắc sau đây: (2)

"Do bởi căn tính Công giáo của họ, những nguyên tắc hướng dẫn cơ bản sau đây xác định nét đặc trưng của việc chăm sóc được thực hiện trong các trung tâm của chúng ta:

Tất cả những người sống và làm việc trong các bệnh viện hay trung tâm khác của chúng ta phải tập trung quan tâm đến con người mà chúng ta chăm sóc;

Phải nhìn nhận và bảo vệ quyền lợi của những người bệnh tật hay nghèo khổ, và phải trân trọng nhân phẩm của họ;

Chúng ta dấn thân bảo vệ và cải thiện sự sống con người;

Chúng ta nhìn nhận rằng người được chúng ta chăm sóc có quyền được thông báo thích đáng về tình trạng sức khoẻ của họ.

Chúng ta tuân thủ các đòi hỏi về sự tin cẩn chức nghiệp, và bảo đảm chúng được tôn trọng bởi tất cả những ai đến tiếp xúc với những người mà chúng ta chăm sóc;

Chúng ta nhìn nhận quyền được chết xứng với nhân phẩm, tôn trọng và lưu tâm tới những ước muốn chính đáng và những nhu cầu thiêng liêng của người hấp hối, đồng thời ý thức rằng đời sống con người bị giới hạn trong thời gian và được kêu gọi để đạt tới sự sung mãn trong Chúa Kitô;

Chúng ta tôn trọng tự do lương tâm của những người chúng ta chăm sóc và những người làm việc cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ chấp nhận và tôn trọng căn tính của các trung tâm trợ thế của chúng ta.

Chúng ta kích thích và phát huy các đức tính và trình độ chuyên nghiệp của các Cộng tác viên của chúng ta, khuyến khích họ tham gia tích cực vào sứ mạng của Dòng; tùy theo khả năng và lãnh vực trách nhiệm của họ, chúng ta cho họ tham dự vào các quyết định trong hoạt động tông đồ của chúng ta;

Chúng ta gạt bỏ việc theo đuổi lợi nhuận vật chất; vì vậy chúng ta tuân giữ các qui tắc kinh tế công bằng và đòi hỏi người ta tôn trọng những qui tắc này.

Chúng ta coi các Cộng tác viên là những "vốn" quan trọng nhất của Dòng để có thể thi hành hiệu quả sứ mạng của mình. Chính vì vậy trong các quan hệ với họ, chúng ta cố gắng thực hành và cổ võ những nguyên tắc về công bằng xã hội, nhằm chia sẻ đặc sủng của chúng ta với tất cả những ai được gợi hứng bởi tinh thần của Thánh Gioan Thiên Chúa.

Miễn là họ tôn trọng các nguyên tắc của chúng ta, chúng ta mong muốn và sẵn sàng cộng tác với mọi cơ quan và tổ chức đạo và đời trong việc thực hiện và trong phạm vi sứ mạng của chúng ta, và chúng ta chú trọng đặc biệt tới những lãnh vực ít được quan tâm nhất. (3)

Những nguyên tắc này đã bắt nguồn từ Đấng Sáng Lập Dòng chúng ta, và đã được hình thành qua thời gian nhờ sự suy tư và những việc lành do các người kế vị của Ngài thực hiện. Trong khi lưu tâm tới truyền thống, chúng ta cũng phải suy tư về việc định nghĩa sứ mạng của Dòng Trợ Thế.

Trong mọi việc ngài làm, Thánh Gioan Thiên Chúa chỉ có một ước muốn là "làm việc thiện, và làm tốt việc thiện; không muốn ban phát một sự trợ giúp vô hồn, thiếu chất lượng, mà muốn kết hợp tinh thần bác ái và công bằng Kitô giáo nhằm cống hiến cho người bệnh tật và nghèo khổ một việc phục vụ có tiêu chuẩn khoa học và kỹ thuật cao". (4)

1.2    Đặc Sủng của Dòng

Thánh Gioan Thiên Chúa là một con người đặc sủng: cung cách hành động của ngài thu hút sự chú ý của tất cả những ai biết ngài, và ảnh hưởng của ngài vượt ra khỏi Granada để lan xa tới các làng mạc và thành phố ở Andalusia và Castile. Đặc sủng và sức lôi cuốn của ngài vượt quá con người của ngài. Và không phải chỉ có các thái độ và hành động nhân đạo của ngài nói lên tình yêu của ngài đối với người bệnh tật và nghèo khổ và nhờ đó khơi dậy sự ngưỡng mộ của mọi người và gợi hứng cho họ cộng tác vào công cuộc của ngài.

Nói theo thần học, đặc sủng là bất kỳ hình thức hiện diện nào của Thánh Thần làm cho người tín hữu trở nên phong phú và có khả năng phục vụ người khác. Các tu huynh được hiến thánh để thể hiện một đặc sủng chuyên biệt là quà tặng của Thánh Thần, qua việc vun trồng ân sủng mà họ lãnh nhận, sống đời sống của họ trong tương quan với Thiên Chúa, và đi ra thế giới để phục vụ con người.

Đặc sủng và tinh thần trợ thế mà Thánh Thần phú ban cho Thánh Gioan Thiên Chúa đã hiện diện trong ngài như một hạt giống phải được giữ cho sống động nơi mọi người qua mọi thời, bằng cách mở rộng sự hiện diện từ bi của Chúa Giêsu thành Nazarét và phục vụ mọi người đau khổ theo cung cách của Thánh Gioan Thiên Chúa.

Hiến Pháp của Dòng chúng ta định nghĩa Đặc sủng như sau:

"Do bởi ân sủng này, chúng ta được hiến thánh bởi hành động của Thánh Thần, cho chúng ta tham dự một cách đặc biệt vào tình yêu nhân từ của Chúa Cha. Kinh nghiệm này thông truyền cho chúng ta những thái độ của lòng nhân ái và xả thân, giúp chúng ta thi hành sứ mạng loan truyền và thể hiện Nước Chúa giữa người nghèo khổ và bệnh tật, biến đổi đời sống chúng ta, khiến nó trở thành biểu hiện tình yêu đặc biệt của Chúa Cha đối với những người yếu hèn nhất, là những người chúng ta muốn cứu vớt theo gương Chúa Giêsu." (5)

Người Tu huynh hiến thánh chính mình và sống hiệp thông với những người đang cảm nghiệm cùng một ơn gọi ấy để biểu hiện cùng một đặc sủng. Nhưng tình yêu bên trong cộng đoàn này (sự hiệp thông) phải được biểu hiện ra bên ngoài, vì những đòi hỏi của sứ mạng ra đi mang sự giải phóng đến cho những thành phần khác của Hội Thánh và cho những người nghèo khổ nói chung.

Các Tu huynh Trợ Thế được hiến thánh trong tinh thần trợ thế, nên họ tham dự trực tiếp vào đặc sủng của Thánh Gioan Thiên Chúa. Và những Cộng tác viên cũng tham dự vào cùng một đặc sủng như một sự "toả sáng" của đặc sủng này: “họ là những người biết Thánh Gioan Thiên Chúa ?, họ cảm nghiệm trong cuộc đời họ một thứ ánh sáng khơi dậy trong họ động lực để sống tinh thần trợ thế, noi gương Gioan Thiên Chúa hay các Tu huynh của ngài ? Những người ngoài đời mà họ cảm thấy đượïc mời gọi để sống tinh thần trợ thế thì cũng tham dự vào đặc sủng của Thánh Gioan Thiên Chúa khi họ mở lòng đón nhận linh đạo và sứ mạng của các Tu huynh, và biểu hiện sứ mạng này nơi chính ơn gọi cá nhân của họ.

Hiển nhiên mỗi người tham dự ở một lãnh vực và mức độ khác nhau: một số người sẽ cảm thấy gắn bó hơn với Dòng về linh đạo của Dòng, trong khi những người khác sẽ cảm thấy sự gắn bó này trong việc thực thi sứ mạng của mình. Điều quan trọng là ơn trợ thế đang được đón nhận qua Thánh Gioan Thiên Chúa đã thiết lập những dây liên kết hiệp thông giữa các Tu huynh và các Cộng tác viên, những dây liên kết này sẽ thúc đẩy họ phát triển ơn gọi của mình và biểu lộ tình thương xót của Thiên Chúa đối với loài người, đối với người nghèo và người đau khổ." (6)

1.3    Sứ Mạng Của Dòng

Hiến Pháp của Dòng Trợ Thế định nghĩa sứ mạng của chúng ta như sau:

"Được khích lệ bởi ân sủng nhận được, chúng ta hiến thánh chính mình cho Thiên Chúa và hiến mình phục vụ Hội Thánh qua việc giúp đỡ những người bệnh tật và nghèo khổ, đặc biệt dành ưu tiên cho những người nghèo khổ nhất". (7)

Đường lối tổng thể áp dụng cho toàn Dòng phải được đem ra thực hành cụ thể tại mỗi Trung tâm. Vì mỗi Trung tâm đều có những tính chất chuyên biệt và tìm cách đáp ứng những nhu cầu của dân chúng tại một địa phương và vào một thời điểm đặc thù, và vì chúng ta muốn sứ mạng của chúng ta là RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI ĐANG ĐAU KHỔ BẰNG CÁCH PHÁT TRIỂN CÁC TRUNG TÂM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHĂM SÓC Y TẾ VÀ / HOẶC XÃ HỘI, ĐỂ CỐNG HIẾN SỰ TRỢ GIÚP TOÀN DIỆN CHO CON NGƯỜI, nên chúng ta phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau đây trong từng hoàn cảnh đặc thù:

Tại sao có Trung tâm này?

Việc phục vụ của chúng ta nhắm đến những ai?

Chúng ta là ai, trong tư cách người phục vụ?

Đâu là những cơ cấu thích hợp nhất?

Đây là đường lối phải theo để thực hành những nguyên tắc mà chúng ta muốn cổ võ và sứ mạng mà chúng ta muốn hoàn thành trong xã hội.

Chỉ khi chúng ta thể hiện được những nguyên tắc này nơi mình-nghĩa là chỉ khi việc phục vụ của chúng ta cho người bệnh tật và nghèo khổ tại mỗi miền trên thế giới được soi sáng bởi những giá trị chúng ta đang đề ra ở đây- thì lúc đó chúng ta mới có thể tuyên bố là đã tạo dựng một Trung Tâm của Dòng Trợ Thế của các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa.

Bước quan trọng tiếp theo là phải xác định những con người mà mỗi Trung tâm phải chăm sóc: những người bệnh tật và nghèo khổ mà chúng ta phục vụ. Chúng ta cũng phải nhìn ra bên ngoài thành phần những người hưởng sự phục vụ trực tiếp trong các Trung tâm của chúng ta, và nghĩ đến những người ở ngoài. Vì chúng ta không chỉ phục vụ những bệnh nhân, mà cả gia đình và những người thân của họ nữa.

Và chúng ta cũng phải nhìn rộng ra ngoài xã hội và môi trường chúng ta đang sống, và đến với những cá nhân và tổ chức có quan hệ với Trung Tâm của chúng ta.

Việc phục vụ của chúng ta tại các Trung Tâm phải năng động và biến hóa, vì chúng ta đang sống trong một xã hội năng động và biến hóa không ngừng, và vì những con người chúng ta phục vụ cũng đang không ngừng thay đổi.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 1

(1)   Xem PILES FERRANDO, Tu huynh Tổng Quyền Pascual của Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, Luân Thư cho Thời Kỳ Sáu Năm 1994-2000, §1, Rôma 1994.

(2)   DÒNG TRỢ THẾ THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA, Qui Chế Tổng Quát, §43, Rôma, 1997.

(3)   Xem TỔNG TU NGHỊ LXIII, Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới Trước Thềm Thiên Niên Kỷ III,  §5.6.3. Bogotá, 1994.

(4)   DÒNG TRỢ THẾ – TRỤ SỞ TỔNG QUYỀN, Các Tu Huynh và Cộng Tác Viên Hợp Tác để Phục Vụ và Cổ Võ Sự Sống,  §13, Rôma, 1992.

(5)   Hiến Pháp Dòng, 2b, Rôma, 1984.

(6)   Các Tu Huynh Và Cộng Tác Viên Hợp Tác. . . §115-116, sách đã dẫn.

(7)   Hiến Pháp Dòng, 3, Rôma, 1984.

(8)   Xem Thông điệp Salvifici Doloris (Giá Trị Cứu Độ Của Đau Khổ), đoạn 30.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 1

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

Trong các Trung tâm và Cộng đoàn:

1)   Mô tả những dấu hiệu cho thấy bạn đang sống thế nào ơn đặc sủng, sứ mạng, và những nguyên tắc cơ bản của Dòng.

2)   Mô tả điều gì làm bạn khó thực hành đặc sủng và vào hoàn thành sứ mạng, trong khi thực hiện những nguyên tắc cơ bản của Dòng.

3)   Nêu lên những hướng dẫn bạn nghĩ có thể bảo đảm việc thực hành và vun trồng đặc sủng, sứ mạng và những nguyên tắc cơ bản của Dòng.

4)   Nêu lên những dấu hiệu xác định những mối quan hệ hiệp thông trong tinh thần trợ thế giữa các Tu huynh và các Cộng tác viên.

5)   Phải làm gì để vun trồng sự lớn mạnh các mối quan hệ hiệp thông trong tinh thần trợ thế này?

CHƯƠNG 2

NHỮNG CƠ SỞ THẦN HỌC - KINH THÁNH

CỦA TINH THẦN TRỢ THẾ

2.1         Những Giải Đáp Triết Học và Tôn Giáo về Đau Khổ

2.1.1    Con người đối diện với đau khổ

"Con người là gì ? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự ác, và cái chết, khi nó vẫn tiếp tục tồn tại cho dù con người đã đạt được biết bao tiến bộ? Mục đích của những chiến thắng này là gì mà chúng ta phải mua bằng một cái giá quá đắt như thế? Con người có thể cống hiến cho xã hội điều gì; có thể mong đợi điều gì từ nó? Có gì sau cuộc đời trần thế này?" (1)

Đi tìm một giải thích cho sự đau khổ của con người đã luôn luôn là một vấn đề cơ bản mà mọi hệ thống triết học và tôn giáo từng tìm cách giải quyết theo những đường lối khác nhau, mà không bao giờ thành công trong việc hoàn toàn vén bỏ được bức màn bí nhiệm bao phủ nó.

Có lẽ chúng ta có thể tóm lược những câu trả lời chính yếu đã từng được đưa ra cho vấn đề gai góc này qua năm hướng giải đáp sau đây.

Hướng giải đáp thứ nhất chúng ta có thể gọi là dựa trên sự bí ẩn hay mầu nhiệm, đó là coi đau khổ như chuyện tự bản chất không thể tránh và không thể hiểu. Nó thường được diễn tả thành một huyền thoại theo đó đau khổ được nhìn như một sự "trừng phạt" của một thần linh nào đó, hoặc như sự chiến thắng của những thần ác trên những thần lành. Nhưng cho dù được cắt nghĩa thế nào, mọi sự luôn luôn được phóng lên một chiều kích siêu nhiên và do đó những phương thuốc để giải phóng con người khỏi đau khổ cũng có thể mang tính siêu nhiên như thế (phù thủy, pháp sư, trừ tà, v.v. . .). Quan điểm này vẫn còn tồn tại nơi một số dân gọi là "bán khai", và thậm chí cho tới nay vẫn còn được duy trì như một nền tảng truyền thống nơi nhiều tư tưởng tôn giáo khác.

Một hướng giải đáp thứ hai đã tồn tại trong suốt lịch sử kể từ thời các triết gia thuộc trường phái Epicurus cổ xưa cho tới chủ nghĩa khoái lạc cá nhân ngày nay, đó là quan điểm mà chúng ta có thể gọi là sự phủ nhận. Mọi hoàn cảnh đau khổ trên đời đều là một sự giới hạn và gò bó việc tìm kiếm khoái lạc, và do đó tốt hơn nên làm ngơ chúng để tìm cách tận hưởng giây phút hiện tại càng lâu càng tốt. Đây là cách "giải tỏa" đau khổ và sự lo lắng mà sự hiện diện của đau khổ tạo ra. Hơn nữa, trong bối cảnh văn hoá này, người ta tìm thấy gốc rễ của rất nhiều hình thức "tuyệt vọng" đương đại khác, mà khi phủ nhận thực tại của đau khổ, chúng đã đi tới chỗ phủ nhận chính đời sống khi gánh nặng của đời sống trở thành không thể chịu đựng nổi.

Một thái độ khác đối nghịch hẳn với thái độ thứ hai, đó là thái độ chấp nhận anh hùng sự đau khổ. Những triết gia Khắc Kỷ bênh vực lập trường này theo triết học, và "chủ nghĩa Khắc Kỷ" ngày này đã trở thành đồng nghĩa với sự chấp nhận đau khổ một cách thanh thản mà không oán thán. Sự chấp nhận dũng cảm này rất hấp dẫn đối với Kitô giáo, và Kitô giáo đã đưa những yếu tố có nguồn gốc Khắc Kỷ vào những lý luận thần học của mình và coi chúng rất phù hợp với việc chấp nhận Thập Giá của Chúa Giêsu và thái độ của các vị Tử Đạo. Nhưng sự "lây lan" này không bao giờ có giá trị thực sự tích cực, và đã là một trong những nguồn gốc tạo nên sự tuyên dương giả-Kitô giáo về đau khổ mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy khó có thể giũ bỏ được nó.

Một hướng giải quyết thứ tư về đau khổ gồm việc diệt khổ bằng một con đường nội tâm dần dần dẫn tới việc tiêu diệt mọi dục vọng và mọi sự đau khổ thể lý và tâm lý. Phương hướng giải quyết này đạt tới hình thức diễn tả đầy đủ nhất trong Phật giáo, nhưng nó cũng được gặp thấy trong những nền triết học và tôn giáo khác ở phương Đông và đang tạo một ảnh hưởng kinh ngạc đối với thế giới phương Tây. Phật giáo nhấn mạnh đặc biệt việc chăm lo cho những người đau khổ vì Phật giáo coi lòng "từ bi" là một trong những tình cảm phổ quát đưa con người đến gần Thượng Đế, tuy rằng việc giúp người đau khổ chỉ là làm cho họ vượt lên trên những dục vọng là nguyên nhân gây ra đau khổ, chứ nó không tìm ra một "giải pháp" cho các vấn đề, kể cả các vấn đề vật chất, là những cái tạo ra đau khổ.

Hướng giải đáp cuối cùng mà chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn ở đoạn tiếp theo, là hướng giải đáp được diễn tả đầy đủ nhất trong Kitô giáo, mà chúng ta có thể định nghĩa là sự nhận ra giá trị của đau khổ. Tuy không tỏ lộ hoàn toàn mầu nhiệm này và không muốn biến nó thành một giá trị tích cực tự tại, Kitô giáo cung cấp những "lý do" của đau khổ, biến đổi tính vô lý của nó thành một dụng cụ có thể đem lại ích lợi cho bản thân mình và cho người khác. Hướng giải đáp này cũng có thể mang hình thức thăng hoa tâm lý bởi những cá nhân muốn lý giải một kinh nghiệm đau đớn, hoặc thậm chí một sự bù trừ về hành vi.

Dù sao, bên cạnh những lối giải thích này, chúng ta không thể không biết đến một chiều kích tuyệt đối cá nhân của sự đau khổ mà ý nghĩa của nó vượt ra khỏi mọi sự tổng quát hóa, bởi vì nó chỉ có ý nghĩa trong thế giới hiện sinh của mỗi cá nhân mà thôi. Sự đau khổ trong bối cảnh này trở thành một yếu tố thuộc về tiểu sử mỗi con người mà mầu nhiệm sâu xa nhất không bao giờ có thể tỏ lộ hay diễn giải bằng lý luận một cách thoả đáng.

2.1.2    Đau Khổ Nói Chung, Và Đau Khổ Theo Kitô Giáo

Theo quan điểm Do thái-Kitô giáo, đau khổ và sự ác mà nó diễn tả không nằm trong chương trình khởi thủy của Tạo hoá: nói cách khác, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Vì vậy, khác với những tôn giáo khác, Kitô giáo không có một vị thần ác là nguyên nhân của đau khổ. Đau khổ và sự ác mà nó diễn tả nằm trong thân phận con người, nhưng đồng thời bộc lộ mầu nhiệm về một điều mà Thiên Chúa không mong muốn, không ưa thích, và chỉ đơn giản là sự mong đợi ơn cứu độ. Đau khổ là một thực tại tiêu cực, một sự "vắng mặt" hơn là một sự hiện diện, theo quan niệm của thánh Âu-cơ-tinh. Để diễn tả điều này, Kinh Thánh sử dụng hình ảnh thần thoại về tình trạng con người nguyên thủy hoàn toàn không có đau khổ, nhưng đau khổ đã bước vào vì con người bất tuân giới luật của Thiên Chúa, nghĩa là, vì chúng ta tự mình lìa xa tình yêu của Thiên Chúa. Hình ảnh con rắn trở thành biểu tượng của việc tôn thờ ngẫu tượng, biểu tượng của thái độ không "tin tưởng Thiên Chúa", yêu thích tạo vật hơn Thiên Chúa và biến tạo vật thành thần linh.

Suốt nhiều thế kỷ, mối tương quan "hữu thể học" này giữa tội lỗi và đau khổ mà người ta coi là một hình phạt của tội lỗi đã được Israel quan niệm theo một nghĩa "cá nhân", coi mọi trường hợp đau khổ đều là một hình phạt của một tội nào đó (tư tưởng này vẫn còn khá phổ biến hôm nay). Và không chỉ có thế: bằng cách đối chiếu tình trạng nghịch lý giữa "hạnh phúc của quân vô đạo" với "sự đau khổ của người công chính", các nhà hiền triết của Israel đã giải thích khác đi rằng rốt cuộc kẻ vô đạo sẽ bị trừng phạt nơi con cháu của họ, và người công chính đang chịu khổ là để đền tội cho cha ông họ.

Tiếng kêu gào thảm thiết đầu tiên chống lại quan điểm này đã được gióng lên trong sách Gióp. Với một sự nhậy cảm rất hiện đại mà ngày nay chúng ta vẫn còn phải kinh ngạc, Gióp đã phản kháng lại quan niệm này về đau khổ và đòi Thiên Chúa phải trả lời tại sao một "người chính trực" như ông lại phải chịu đau khổ không tương xứng với một lỗi lầm nào mà ông đã có thể mắc phải. Tuy nhiên Thiên Chúa không trả lời một cách minh nhiên, mà cơ bản ngài ngỏ lời mời gọi ông chấp nhận mầu nhiệm mà không đòi hỏi lời giải thích, cũng không rời bỏ niềm tin của ông vào một vị Thiên Chúa chỉ muốn điều lành cho con cái Ngài mà thôi.

Khuôn mẫu vĩ đại này về "người chính trực chịu khổ" được biểu trưng một cách long trọng bằng hình ảnh "người tôi tớ đau khổ của Yavê", con người mà truyền thống sau này đồng hóa với hình ảnh Đấng Kitô "gánh lấy" những đau khổ của dân Người, và nhờ đó giải thoát họ khỏi những đau khổ của họ. Việc "đền tội thay" này đã được thánh Phaolô minh giải rất hùng hồn trong Thư Rôma 3:25, không được hiểu như "hình phạt" của một người đại diện cho toàn dân, mà phải hiểu theo nghĩa các hy tế xá tội xưa kia trong đó tế vật toàn thiêu trở thành một công cụ để Thiên Chúa tha tội. Hy tế của Chúa Kitô, và do Nhiệm Thể của Người, sự đau khổ mà mọi tín hữu phải chịu (nhưng theo nghĩa nói trong Rm 8:19 và Ep 1:7-10, cũng là cả thế giới phải chịu) trở thành một công cụ cho ơn tha thứ của Thiên Chúa.

2.1.3    Sứ Điệp Giải Phóng của Tin Mừng

Khía cạnh chủ quan của sự giải phóng theo đó Chúa Giêsu Kitô giải phóng con người khỏi tội lỗi trong chính thân xác của họ và vì thế cứu chuộc con người khỏi mọi hậu quả của tội, cũng có một khía cạnh thực tiễn trong các công cuộc và hành động mà Ngài thực hiện. Chữa bệnh, đón nhận những con người ngoài lề xã hội, và bênh vực người nghèo là một phần cốt yếu của sứ mạng Ngài. Thực vậy, hoạt động vì người nghèo và "những kẻ thấp hèn" được coi là dấu chỉ đặc thù cho tư cách Thiên sai của Ngài (xem Mt 11:3-5). Bằng cách này, Ngài đã hoàn toàn khôi phục quyền năng giải phóng và cứu độ toàn diện của Thiên Chúa cho con người, mà biến cố Xuất hành đã là một kinh nghiệm lịch sử và một bằng chứng biểu tượng. Thái độ của Chúa Giêsu đối với bệnh nhân không chỉ giàu ý nghĩa mà còn là một tấm gương cho chúng ta noi theo. Ngài đã sống trọn vẹn các biến cố đời sống của Ngài và của những người bà con họ hàng (xem Mt 14:14; 15:32; Lc 7:13; Ga 11:36); Ngài không thách đố, không phê bình hay quở trách bệnh nhân khi họ đến xin Ngài chữa bệnh; ngược lại, ngài thường là người khởi xướng (xem Mc 10:49; Lc 8:49; Ga 5:6); Ngài gạt bỏ mọi sự tương quan giữa tội lỗi cá nhân và bệnh tật hiện tại (xem Ga 9:1-13); Ngài chữa lành toàn diện con người bệnh nhân (xem Mt 9:1-7). Nói cách khác, hoạt động của Ngài không chỉ giới hạn vào việc chữa một căn bệnh, mà nhắm tới lợi ích toàn diện của con người, tới sự cứu rỗi (salus) chứ không chỉ là sức khoẻ (sanitas) của con người.

Vì vậy, việc chăm sóc người nghèo khổ mang những ý nghĩa rất đa dạng, trước hết nó trở thành một dấu chỉ mới về giao ước giữa con người và Thiên Chúa. Giao ước giữa Tạo hóa và Tạo vật vì vậy được tái đề nghị bởi tình yêu của Thiên Chúa, đấng hồi phục "sức khoẻ" lại cho người nghèo, người bệnh, và người bị bỏ rơi, để họ được sống trở lại, và tràn ngập tình yêu ấy. Chính trong việc ủy thác cho các Kitô hữu (Christifideles) nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng chữa lành của Chúa Kitô mà chúng ta tìm thấy nền tảng "đoàn sủng" của tinh thần Trợ thế, nền tảng này có những nguồn gốc thần học và kinh thánh đáng chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu rộng.

2.2  Tính Trợ Thế Hay Lòng Mến Khách Trong Cựu Ước

2.2.1  Thiên Chúa là Lòng mến khách (+)

Khi nói về Lòng mến khách ngày nay, chúng ta thường nghĩ tới việc tiếp đón khách vào nhà mình. Nhưng ý nghĩa thần học đích thực của thái độ nhân bản này trước tiên là ở trong chiều kích hữu thể học của Lòng mến khách.

Không phải là nói quá khi cho rằng trong bản thể Ba Ngôi Thiên Chúa có chứa đựng những nguồn gốc sâu xa nhất của một đời sống thần linh cũng chính là Lòng mến khách. Lòng mến khách của Chúa Cha là Đấng đã "lập cư" nơi bản thể mình từ đời đời để sinh ra Chúa Con, và Lòng mến khách của Chúa Con -Đấng đón nhận nơi mình hồng ân sinh thành của Chúa Cha. Sau cùng, Lòng mến khách của Chúa Thánh Thần-Đấng kết hợp Cha và Con, và vì thế Ngài trở thành hiện thân của một tình yêu tiếp đón.

Chiều kích Ba Ngôi này của Lòng mến khách không chỉ liên quan tới bản thể Thiên Chúa mà còn liên quan tới việc Thiên Chúa cư ngụ nơi con người nay trở thành chủ nhà đón tiếp Thiên Chúa (xem Ga 13:20). Trong Lễ Qui Latinh cũ, việc tham dự Thánh Thể được mô tả giống như việc đón tiếp Chúa Giêsu vào dưới mái nhà mình, và Chúa Thánh Thần cũng được gọi là "Khách của linh hồn". (2)

Trên bình diện nội tại, Tạo dựng được nhìn như là kết quả của Lòng mến khách nguyên thủy của Thiên Chúa, mà do bản chất của nó, nó vừa sinh ra vừa đồng thời đón tiếp một kế hoạch được hình thành ở ngoài chính bản thể của nó. Chính Lòng mến khách đã đóng tính vĩnh cửu lại để đặt nó trong một chiều kích lịch sử và do đó làm cho chính thời gian trở thành khách của nó, cả trước khi có con người. Nhưng chính khi tạo dựng con người mà Thiên Chúa tỏ lộ đầy đủ nhất chính mình Ngài như là Lòng mến khách, bằng cách thông ban cho con người một sự hiện diện rộng khắp và cho con người làm chủ mọi tạo vật của ngài. Thực ra điều này đã được thực hiện từ trước nữa, khi Ngài có con người trong trí tạo dựng của ngài, và con người được mang chính hình ảnh của trí tạo dựng ấy.

Tiếp theo Tạo dựng là Giao ước, được diễn tả dưới vô vàn hình thức với đủ loại biểu tượng trong các trình thuật của Kinh thánh. Chính vì nó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nên Giao ước mà Kinh thánh nói tới không chỉ trở thành cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và khách của ngài, mà còn giữa con người và vị khách thần linh của con người. Cho dù Giao ước này được diễn tả bằng những thực tại hữu thể khác nhau, Lòng mến khách trong giao ước trở thành một hành vi trao ban hai chiều, một cuộc trao đổi quà tặng. Và mỗi khi Giao ước này bị vi phạm trong lịch sử của các cá nhân hay cộng đồng, lòng tha thứ và sự hòa giải của Thiên Chúa với con người chính là bằng chứng cho nguồn mạch vô tận của một Lòng mến khách luôn luôn mới mẻ.

2.2.2    Khái niệm về Lòng mến khách

Kinh Thánh Cựu Ước được đặt trong bối cảnh văn hóa của thế giới Sêmít, trong đó có một sự căng thẳng giữa việc tiếp đón khách mà trong lòng vẫn nuôi một mối nghi ngờ nào đó, coi người khách như một "mối đe dọa" đối với cá tính của dân tộc. Trong mọi trường hợp, thái độ chung của Israel đối với người ngoài là coi họ là những ngoại kiều. Ít nhất có ba kiểu nói, cho thấy ba thái độ khác nhau. Thuật ngữ thứ nhất là zar, nghĩa là một người thuộc một chi tộc hay dòng tộc khác, là người xa lạ, và đôi khi là một kẻ thù (Đnl 25:5; G 15: 19; Is 61:5; 25:2-5). Thuật ngữ thứ hai ger chỉ về một người ngoại kiều cư ngụ trong nước (người Israel ở Ai Cập, hay người Canaan ở Israel); và thuật ngữ thứ ba tosab dùng để nói về người ngoại kiều cư ngụ tạm thời ở một nước khác (St 23,4; Dnl 14,21). Việc có những tên gọi khác nhau này cho thấy có sự khác biệt về thái độ đối với người ngoài hay người lạ tùy theo tính chất xa lạ riêng biệt vào mỗi thời. Tóm lại, chúng ta có thể nói Israel đã có một sự phân biệt giữa các dân tộc ngoại bang, những người ngoại kiều đã định cư trong nước, và những ngoại kiều vãng lai riêng lẻ từng người.

Hạng người thứ ba này là hạng người được mở rộng Lòng mến khách với hình thức cao nhất. Chúng ta chỉ cần nhớ lại đoạn truyện trong St 19:1-8 nói về việc ông Lót sẵn sàng dâng hiến các cô con gái của ông cho người dân trong thành để họ không đụng tới những vị khách của ông. Trên thực tế, việc nhấn mạnh sự phân biệt các thái độ này có thể mang cùng một ý hướng và mục đích: khắc phục mối đe dọa của người ngoài đối với cộng đồng hay bản chất riêng của mình, cả bằng việc đối kháng họ và coi họ như thù địch, và bằng việc tỏ ra quan tâm đặc biệt tới họ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy những dấu vết của thái độ nước đôi này trong lối cắt nghĩa lại khái niệm này của tiếng Latinh thời sau, với cùng một ngữ căn chung cho hai từ hospes (khách) và hostis (kẻ thù).

Hiển nhiên, dù đây là quan điểm chuyên biệt và thích hợp nhất về Lòng mến khách trong Israel, chúng ta không được quên rằng Israel đã sống và thực hành Lòng mến khách này thế nào với chính dân của mình. Nói theo sát nghĩa, "người thân cận" (một khái niệm đã bị Đức Giêsu làm đảo lộn) có nghĩa là người đồng bào, người đồng đạo. Thực hành Lòng mến khách đối với người thân cận là một nghĩa vụ cơ bản bởi vì người ấy là thành viên của một dân tộc được xác định không chỉ do chủng tộc mà trên hết là do tôn giáo. Vì là dân được tuyển chọn của Thiên Chúa, Israel khám phá ra những nhu cầu và đòi hỏi của Lòng mến khách đối với những nhóm người nghèo khổ (ta chỉ cần nghĩ tới những cô nhi quả phụ).

2.2.3    Những động cơ của Lòng mến khách

Lòng mến khách trong bối cảnh Cựu Ước, cũng như trong mọi nền văn hóa cổ xưa, không được hiểu theo nghĩa thời nay là chỉ đón tiếp khách, và cho khách ăn ở. Nó còn mang một ý nghĩa triệt để hơn, đó là coi khách như người nhà, bảo vệ khách chống lại địch thù, đùm bọc che chở khách, kính trọng khách một cách sâu xa vì là một con người, và quan tâm đến khách bằng cách chăm lo cho các nhu cầu của khách.

Có nhiều lý do để có sự quan tâm sâu sát đối với khách như thế (ngoài những lý do chăm lo cho những phần tử của một dân tộc hay một quốc gia như đã nói trên kia). Trước hết, có một lý do văn hóa mà Israel chia sẻ với các nước lân bang. Đó là ý tưởng rằng một vị thần có thể ẩn mình dưới hình dáng bề ngoài của một người lạ tìm nơi trú chân. Trong tôn giáo độc thần, ý tưởng này được khai thác lại và các thần linh biến thành các thiên thần. Chúng ta thấy rõ điều này trong thư Do thái 13:2: "Anh em đừng quên tỏ Lòng mến khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết."

Một lý do thứ hai chuyên biệt hơn và liên quan rõ ràng tới lịch sử Israel. Abraham là "người Aram du mục", là tổ phụ của dân được chọn, đã sống cuộc đời một người khách lạ, và chính Israel cũng đã sống cuộc đời khách lạ trên đất Ai Cập. Vì thế Israel hiểu thấu thân phận và hoàn cảnh đau khổ của người khách lạ, và biết khách lạ cần được Lòng mến khách thế nào. Thực vậy, mỗi khi Israel bị cám dỗ khinh miệt khách lạ, lời cảnh cáo trong Kinh Thánh luôn luôn rất rõ ràng: "Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập." (Lv 1:34; xem Ed 22: 20; 23:9)

Cuối cùng là động cơ tôn giáo (mà sau này được khai triển trong Tân Ước), đó là gương mẫu của chính Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa của Lòng mến khách, trước tiên và trên hết, Ngài tiếp đón khách lạ và mời vào nhà ngài (xem Đnl 10: 18) và muốn được chia sẽ những phẩm vật hiến thánh cho ngài (xem Đnl 26:12). Sự kiện Israel cũng được đòi hỏi phải cư xử như thế không là gì khác hơn việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, là một trong những cách để tỏ ra trung thành với Luật pháp (xem Lv 16:29; 18:26; 19:10-33).

2.2.4    Những đoạn tham chiếu Kinh Thánh chính

Một trong những câu chuyện giàu ý nghĩa nhất chúng ta cần ghi nhớ là cuộc viếng thăm của ba thanh niên tại nhà ông Abraham ở rừng sồi Mamrê. Cần lưu ý rằng Abraham đã nhận ra vị khách của ông và gọi ngài là "Chúa tôi". Ngay cả trước khi biết những lý do của cuộc thăm viếng, và mặc dù đối diện với ba người, ông vẫn biết rằng đó là "cuộc thăm viếng" của Thiên Chúa. Mọi hành vi của ông đều phát xuất từ đó và chắc chắn có thể chú giải theo một nghĩa thần học rõ ràng: ông phục xuống đất (thờ lạy), ông đích thân bắt con bê và sữa (dâng lễ), và ông tin những lời ba người thanh niên nói với ông (lòng tin), và xin họ đừng tiêu diệt Sôđôma (cầu nguyện). Nói khác đi, Lòng mến khách trở thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong câu chuyện về việc bà góa thành Zarepta thực hiện Lòng mến khách với ngôn sứ Êlia, chia sẻ với ông chiếc bánh cuối cùng bà còn lại cho bà và con trai bà, tác giả nhằm mục đích nêu một gương sáng và một câu chuyện giáo dục. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện còn phong phú hơn nữa: chính nhờ Lòng mến khách này mà con trai bà được nhà Tiên tri chữa lành bệnh (1V 1:20). Về nhiều khía cạnh, cùng một hoàn cảnh tương tự đã được tả trong câu chuyện về cô gái điếm Rahab đã che giấu hai người thám tử mà Giôsuê đã phái từ Shittim đến Giêrikhô, và để đáp lại hành vi hiếu khách này, cô và cả gia đình cô đã được cứu (xem Gs 2:1-12). Mối tương quan giữa đời sống của người chủ nhà và đời sống của người khách có thể thấy trong Sách Tôbia, trong đó ông Tôbít kể rằng ông đã phân phát một phần mười tài sản của mình cho các cô nhi, quả phụ và khách ngoại kiều (xem Tb 1:8). Lòng mến khách, vì là hành vi tiếp đón sự sống của một người khác, nên được thưởng công bằng quà tặng của chính sự sống.

Sách Huấn ca cũng đưa ra một lời mời gọi tỏ Lòng mến khách đối với mọi hạng người nghèo khổ: "Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, còn với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng; được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa" (Hc 4:10). Lòng mến khách mà Kinh Thánh mời gọi thực hiện làm chúng ta một cách nào đó trở thành "thân nhân" của người khách, đồng thời cho chúng ta cảm nghiệm được tình mẫu tử dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên sắc thái đậm nữ tính của toàn thể khái niệm về lòng thương xót. Vì từ rachamin của tiếng Do Thái có cùng gốc với từ chỉ về dạ mẹ, được giãn nở ra để đón nhận hay làm nơi cư ngụ cho một sự sống mới. Do đó Lòng mến khách và sự thương xót cùng kết hợp với nhau để trở thành một biểu tượng duy nhất về Thiên Chúa Thương Xót, "Đấng yêu thương mọi sinh linh" (xem sách Khôn ngoan 11:26).

Và đây chính là lập trường chúng ta phải có để hiểu Lòng mến khách đối với các bệnh nhân, nói một cách cụ thể là thái độ và những hành vi đặc biệt chúng ta phải có để tiếp nhận và chăm sóc người bệnh. Một mẫu gương trong điều này là tổng lãnh thiên thần Raphael, được gọi là "thần dược của Thiên Chúa", là người không chỉ chữa lành mà còn niềm nở tiếp đón người bệnh. Vì vậy ngài không chỉ trở thành một biểu tượng của "giải pháp y học" cho vấn đề, nếu ta có thể gọi như thế, mà còn là biểu tượng của việc đồng hành với người bệnh tật, người bị gạt ra lề xã hội, người hấp hối và người nghèo mà đối với họ đôi khi sự hiện diện của một người bạn là thứ thuốc duy nhất họ có.

Nhưng thái độ hiếu khách này cũng phải được tỏ ra cả đối với người chết, như được minh chứng trong sách Tôbia, khi sách này liên kết nó rất mật thiết với ý tưởng về Lòng mến khách theo nghĩa truyền thống (Tb 1:1-4). Vì Tôbia đã sai con mình đi tìm một người nghèo để mời họ ăn tối với mình. Nhưng ông chỉ tìm được một người đã chết, là một trong số gia nhân của ông bị người ta bóp cổ và vứt xác ra chợ. Thế là ông không chần chờ gì cả. Ông bỏ dở bữa ăn, và đưa xác chết đi chôn. Có thể nói đây là một hình thức ông chia sẻ bữa ăn của mình với người nghèo khổ.

Sau cùng, chúng ta không nên coi thường một đoạn tường thuật khác gói ghém chiều kích của Lòng mến khách cả trong gia phả lịch sử của Đấng Mêsia: truyện bà Rút, người phụ nữ ngoại kiều đã đi theo mẹ chồng Naomi về quê của bà và cưới ông Boas mà hai mẹ con thường đi mót lúa trong đồng ruộng của ông. Từ sự phối hợp này đã sinh ra ông nội của Đavít. Cả hai vợ chồng đều được "thưởng công" bằng việc trở thành tổ tiên của Chúa Giêsu, vì cả hai đã tỏ Lòng mến khách đối với nhau: ông Boas lấy người đàn bà ngoại kiều, còn bà Rút thì đã bỏ quê hương của mình để đón nhận miền đất ngoại bang: là sự tiếp đón hỗ tương, Lòng mến khách gạt bỏ mọi lo lắng về sự an toàn và chắc chắn để tìm kiếm một sự an toàn mới trong sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ.

2.2.5    Lòng mến khách trở thành một cơ chế

Một tình huống đặc biệt thú vị, đó là việc chọn lựa sáu thành phố "làm nơi trú ẩn cho dân Israel, và cho người ngoại kiều và khách vãng laiï, để cho bất cứ ai lỡ giết một người mà không cố tình đều có thể đến nuơng náu tại đây" (Ds 35:15) . Với việc thiết lập 6 thành phố trú ẩn này, Lòng mến khách không còn là việc của một cá nhân hay một cộng đồng nữa, mà đã trở thành một cơ chế. Không còn là một cá nhân được mời gọi tỏ Lòng mến khách nữa, cũng không còn là những con người thực hiện hành vi hiếu khách cá nhân nữa, mà cả cộng đồng trở thành một "cơ chế hiếu khách". Thành phố trở thành gần như một biểu tượng cho mọi cơ chế tương lai hoàn toàn dấn mình đón nhận những con người nghèo túng, cho họ mọi sự họ cần, không chỉ một nơi dành cho họ chỗ cư ngụ tạm thời, mà là một thành phố, cả một hệ thống đời sống trong đó cá nhân lại có thể bắt đầu sống trở lại.

2.3   Lòng Mến Khách Trong Tân Ước

2.3.1  Quan điểm của Tin Mừng

Trước khi xem xét những hành vi mến khách cụ thể của Chúa Giêsu, chúng ta cần suy tư về biến cố của "Lòng mến khách" là nền tảng cho toàn thể đức tin Kitô giáo, đó là biến cố "Nhập Thể". Đức Maria trở thành người "chủ nhà" vĩ đại của Thiên Chúa bằng cách đón nhận ngài vào trong lòng mình, cũng như Đấng Emmanuel, "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" đã trở thành Vị Chủ Nhà vĩ đại của toàn thể nhân loại. Không phải tình cờ mà từ hành vi đón nhận ấy của Đức Maria, được mô tả đầy thi vị trong biến cố Truyền tin, ngay lập tức đã tiếp nối hành vi hiếu khách tuyệt vời của việc thăm viếng bà Elidabét, rồi sự kiện tiếp theo là việc tiếp đón Mẹ Chúa Giêsu.

Bên cạnh những động cơ của Lòng mến khách mà ta đã thấy trong Cựu Ước, Tân Ước còn thêm vào sự đóng góp mới mẻ của sứ điệp và hành động của Chúa Giêsu. Việc tiếp đón người khác, đặc biệt những người nghèo khổ, nay mặc lấy ba chiều kích mới trong ánh sáng của Tin Mừng.

Chiều kích thứ nhất bắt nguồn từ cách thức mà Chúa Kitô tự đồng hóa mình với người nghèo (xem Mt 25:31-45). Khi đón nhận người nghèo, chúng ta đón nhận Chúa Kitô; muốn yêu Chúa Kitô chúng ta phải yêu thương người nghèo; bất cứ điều gì chúng ta làm (hay không làm) cho người nghèo là chúng ta làm (hay không làm) cho Chúa Kitô. Có một sự biến hình thực sự của người nghèo thành Chúa Kitô, cũng không kém biểu tượng như cuộc biến hình chúng ta đọc trong một giai thoại được nhiều người biết về cuộc đời của Thánh Gioan Thiên Chúa. Theo một truyền thống, Gioan Thiên Chúa đang rửa chân cho một người nghèo thì người này biến hình thành Chúa Giêsu. (3)

Chiều kích thứ hai quan điểm về Cuộc Chung Thẩm. Chỉ dựa vào lòng bác ái (chứ không dựa vào việc tuân giữ bề ngoài các Giới luật), một trong những tiêu chuẩn để chúng ta được phán xét vào ngày tận thế chính là Lòng mến khách của chúng ta. Nhưng không chỉ có thế: hiểu theo nghĩa rộng hơn, chúng ta có thể nói Lòng mến khách-đón tiếp người khác vào nhà mình và quan tâm tới họ- chính là trọng điểm của tất cả sứ điệp Cánh chung.

Sau cùng, Thiên Chúa Hiếu Khách của Cựu Ước, Đấng bảo vệ khách ngoại kiều, trẻ cô nhi và người góa bụa, đã trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô, một con người sống cả cuộc đời để phục vụ người khác. Những lời ngài dạy do đó không chỉ là những lời khích lệ suông, mà được cụ thể hóa trong các hành động của ngài, để trở thành một tấm gương cho mọi tín hữu noi theo. Không thể nào tóm tắt hết được mọi hành vi hiếu khách và thái độ tiếp đón niềm nở của ngài. Chúng ta chỉ nhắc lại ở đây sự dịu dàng ngài tỏ ra mỗi khi tiếp xúc với người ốm đau bệnh tật, không chỉ chữa lành sự yếu đau của họ, mà còn quan tâm cứu chữa con người toàn diện của họ. Ngài chạm vào những người phong, phá vỡ hàng rào cách ly đã từng cô lập họ khỏi xã hội; ngài cho người mù được sáng mắt, mở mắt cho mọi người thấy sự sai lầm khi tin rằng có một sự tương quan giữa tội lỗi cá nhân và bệnh tật; và ngài đã cho con trai của bà góa phụ ở Naim được sống lại, vì xúc động trước cảnh đau buồn của bà. Ngài tiếp nhận những cô gái điếm, chấp nhận những lời chỉ trích của những người chính trực; ngài lui tới với những người thu thuế, ngồi ăn cùng bàn với họ và chấp nhận sự thù nghịch của chính dân tộc của ngài, việc làm của những kẻ giết ngài nhưng ngài không ngần ngại tha thứ, sự phản bội và hèn nhát của các bạn bè, sự hổ nhục ghê tởm của Thập giá.

Tóm lại, Đức Kitô là "vị chủ nhà vĩ đại của lịch sử", và cùng với ngài, tất cả những ai muốn đi theo con đường hiếu khách của ngài đều phải quyết tâm noi gương ngài.

2.3.2    Philoxenía

Mặc dù các kiểu nói trong Cựu Ước có thể chuyển dịch thích hợp bằng những thuật ngữ trong Tân Ước, nhưng tất cả những kiểu nói đó phần nào đã được "thế chỗ" bởi một thuật ngữ mang ý nghĩa chuyên biệt của Lòng mến khách: philoxenía, lòng thương yêu đối với khách lạ. Sự liên kết có tính quyết định này giữa Lòng mến khách và tình thương (philoxenía) là nét đặc trưng riêng biệt của Lòng mến khách theo Tân Ước.

Vì vậy có thể nói philoxenía gần như là một thuật ngữ "chuyên môn" đã đi vào từ vựng Kitô giáo để chỉ về một khả năng đặc biệt để tiếp đón người đồng loại nói chung, và những người nghèo khổ nhất nói riêng. Không phải tình cờ điều này được tìm thấy trong những gương bác ái trong Tin Mừng Matthêu liên quan tới cuộc phán xét vào ngày tận thế (Mt 25:35); thánh Phaolô đã đưa nó vào số những lời khuyến dụ theo sau việc thực hành bác ái (Rôma 12:13); thánh Phêrô cũng làm như thế khi nhấn mạnh bổn phận tiếp đón nhau (1P 4:9); thư Do Thái coi nó là điều không thể tách rời với tình yêu thương đồng loại, philadelphia. Mọi người chúng ta được đòi hỏi thực hành nó, nhưng đồng thời nó là một yêu sách đặc biệt đối với Giám Mục (1Tm 3:2; 5:10; Tt 1:8).

Vì vậy, về bản chất, Kinh Thánh cho thấy rằng những gì mà đức ái nói chung đòi hỏi cũng có thể trở thành một cách diễn tả đoàn sủng đối với một số người được kêu gọi để thực hành điều đó.

2,3.3     Lòng mến khách và việc Rao Giảng Tin Mừng

Ngoài chiều kích liên kết mật thiết giữa Lòng mến khách và đức ái này, còn có một lý do đặc thù của Tân Ước để diễn tả giá trị của nhân đức này: những đòi hỏi của việc rao giảng Tin Mừng. Chúng không bao giờ tách rời với lệnh truyền chữa lành trong sứ điệp Tin Mừng: Hãy chữa lành những người bệnh tật. . . và nói với họ, Nước Thiên Chúa đã đến gần anh em (Lc 10,9; xem Mt 10,7-8). Khá giống với các "xứ đạo truyền giáo" ngày nay, nhà của các Kitô hữu đã trở thành những "trung tâm lắng nghe". Bổn phận tiếp đón người khác đã được nêu rõ một cách đặc biệt trong thư 3Gioan 7-8: "Quả thật, chính vì danh Chúa, họ đã ra đi mà không nhận gì của người ngoại. Vậy, chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc truyền bá sự thật." Có một số bằng chứng về việc thực hành này (Rôma 16,4,23; Pl 22) và do sách lược rao giảng tin mừng này mà thỉnh thoảng có cả một gia đình đã trở lại đạo (xem Cv 16). Như thế Lòng mến khách trở thành một công cụ truyền bá Tin Mừng, cả bằng chứng tá và lời nói, và các cơ cấu của Lòng mến khách trở thành cho cả cộng đoàn một dấu chỉ và nơi để loan báo sự giải phóng toàn diện theo nghĩa của Tin Mừng.

2.3.2  Người Samaria Nhân Hậu

Dụ ngôn tuyệt vời về Lòng mến khách là câu chuyện "Người Samaria Nhân Hậu" mà sau này truyền thống Kitô giáo đồng hóa với chính Đức Kitô, và người Kitô hữu lý tưởng(4). Trước hết, động cơ của câu chuyện này là điều quan trọng. Có người hỏi Chúa Giêsu: Ai là anh em của ta. Theo tư tưởng Do Thái giáo đương thời, chỉ những người đồng bào hay những người có những mối quan hệ đặc biệt (huyết nhục, bạn bè, v.v... ) mới có thể được coi là "người thân cận" và vì vậy đáng được người Israel yêu thương. Bằng một nghịch lý hoàn toàn mới lạ, Chúa Giêsu đã nêu tấm gương của "người xa nhất", người Samaria, kẻ thù của người Do Thái, để nói rằng đó là "người thân cận", nghĩa là "người gần nhất" của ta.

Dụ ngôn này thật thú vị, vì nó cho chúng ta những ý tưởng về một thứ phương pháp luận của Lòng mến khách có thể thích hợp với chúng ta hôm nay. Trước hết, người Samaria đặt việc tiếp nhận người bị thương lên trước và trên những việc riêng của mình (ông đang đi đường, ông dừng lại, ông gác lại tất cả những công việc của ông) và ông làm điều này ngược với thái độ của những người khác (không những thày tư tế và Lêvi, mà cả những người Samaria khác). Nói tóm, ông đã hành động theo điều ông cho là nghĩa vụ của mình mà không cần nghĩ tới nghĩ lui xem liệu "mọi người có làm giống như thế không."

Rồi ông cố gắng sử dụng tối đa những phương tiện ông có. Không có sẵn băng, ông lấy vải cột các vết thương lại, rửa sạch và lấy những thứ thuốc ông có để xức vết thương, đặt người bị nạn lên lưng ngựa, rồi đi tìm một chỗ trọ thích hợp cho người bị nạn.

Sau cùng, ông sắp đặt một cơ cấu săn sóc, và làm thế ông đã lôi kéo cả cộng đoàn vào công việc này. Do đó, người chủ quán trọ đã trở thành tiêu biểu cho mọi tình huống trong xã hội, và mỗi tình huống này lại trở thành một cơ chế tiếp đón và chăm sóc nếu được thúc đẩy bởi những người có đặc sủng về Lòng mến khách. Người Samaria có óc rất thực tế này bắt đầu quyên góp tiền bạc để giúp người bị nạn, nói khác đi, người bị nạn được hưởng số tiền này, và như thế người Samaria này đã hành động như một trung gian của sự liên đới xã hội.

Kết luận của dụ ngôn là một lời mời gọi muôn thuở, nó đã trở thành lịch sử trong đời sống của Thánh Gioan Thiên Chúa và của tất cả những ai đã đón nhận ơn đoàn sủng mến khách: hãy đi và làm như thế.

 CHÚ THÍCH CHƯƠNG 2

(1)   VATICAN II: Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng (Gaudium et Spes), § 10, 1964.

(2)   Xem kinh Veni Sancte Spiritus (Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến)

(3)   Theo truyền thống, khi Thánh Gioan Thiên Chúa đang rửa chân cho một người nghèo, người này đã biến hình thành Chúa Giêsu.

(4)  Xem GIOAN PHAOLÔ II, Salvifici Doloris (Giá Trị Cứu Rỗi của Đau Khổ), §7, 1984.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 2

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1)      Dùng các ví dụ để cho thấy rõ những quan điểm phổ biến nhất của chúng ta (Các Tu huynh, Cộng tác viên và bệnh nhân) đối với những nỗi đau đớn và khổ sở của con người (Cf. 2.1.1).

2)      Cho thấy Lòng mến khách đã phát triển dần dần như thế nào từ Cựu Ước sang Tân Ước (những khác biệt, tương đồng, vượt qua những tư tưởng cũ, v.v...)

CHƯƠNG 3

ĐẶC SỦNG TRỢ THẾ

NƠI THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA

VÀ DÒNG TRỢ THẾ

3.1  Đặc Sủng Trợ Thế Nơi Thánh Gioan Thiên Chúa

Đặc sủng Trợ Thế phải được xem như một quà tặng của Chúa Thánh Thần để thực hiện một sứ mạng chuyên biệt của Hội Thánh vì người nghèo, bệnh nhân và người túng quẫn.

Đặc sủng này và sứ mạng liên quan đến đặc sủng đã được Đấng sáng lập của chúng ta sống theo phong cách riêng của ngài, và chính trong phong cách đặc trưng này mà ngài đã chuẩn bị một nền "văn hóa" trợ thế độc đáo và vô cùng hiệu quả. Nền "văn hóa" trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa có một giá trị tiên tri độc đáo cho sự canh tân trong Hội Thánh và trong xã hội. (1)

Đối với Gia Đình Trợ Thế, đặc sủng này phải tiếp tục là men làm dậy lên sức sống mới cho các việc phục vụ của Dòng trên khắp thế giới. Sau đây là một số đặc điểm chính.

3.1.1. Tinh thần trợ thế như biểu hiện của lòng thương xót

Tinh thần trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa bắt nguồn từ kinh nghiệm Kitô giáo về tình thương xót của Thiên Chúa đối với Đấng Sáng Lập chúng ta, là kinh nghiệm đã tỏ cho ngài thấy thân phận tội lỗi của mình và lòng thương xót và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng tự nguyện tha thứ và tạo lập sự hiệp thông đời sống với mọi con cái của ngài. Kinh nghiệm này là nét đặc trưng cơ bản và là nguồn mọi sự phong phú trong Tinh thần trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa.

"Nếu chúng ta suy nghĩ về lòng thương xót bao la của Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng làm việc thiện mỗi khi có thể." (2)

Chúng ta dễ có khuynh hướng coi Thánh Gioan Thiên Chúa như là một con người bẩm sinh đầy lòng thương xót, trắc ẩn, cảm thông, tha thứ, và có khả năng giúp đỡ mọi người, và chúng ta có lý để tin như vậy. Nhưng đây là hậu quả của việc ngài luôn ý thức và thường xuyên cảm nghiệm lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa và của Chúa Kitô đối với ngài. Ngài nhìn cuộc sống và mọi sự trong cuộc sống như những ân huệ do lòng thương xót của Thiên Chúa ban cách nhưng không cho ngài:

"Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta . . . tỏ lòng thương xót chúng ta biết bao, ngài cho chúng ta của ăn, áo mặc, và mọi thứ khác, mặc dù chúng ta không đáng được. . ." (3)

Điều duy nhất mà Đấng Sáng Lập của chúng ta ao ước và tìm kiếm thường xuyên nhất trong cuộc hoán cải của ngài là lòng tha thứ và từ bi của Chúa, như chúng ta đọc thấy trong các chương VII, VIII và IX trong cuốn tiểu sử của Castro. Ngài khao khát lòng từ bi và ngài nài xin Chúa ban nó cho ngài, và một khi nhận được nó, ngài đã trở thành người trung gian của nó cho mọi người cùng khổ.

Tinh thần trợ thế đầy từ bi của thánh Gioan Thiên Chúa chắc chắn là điều đánh động người đọc nhất khi họ chiêm ngắm những công cuộc kỳ diệu ngài đã làm cho mọi hạng người cùng khổ và khó nghèo.

Chúng ta có thể nói một cách chính đáng rằng cảm nghiệm thâm sâu của ngài về lòng  thương xót từ bi của Thiên Chúa đối với ngài đã biến đổi ngài thành một con người từ bi thương xót vì lợi ích của mọi người không loại trừ ai, và chúng ta thậm chí có thể nói là không giới hạn.

Qua tất cả những gì chúng ta biết về các hành động của ngài, ngài không hề đặt giới hạn về số lượng những người cùng khổ mà ngài giúp đỡ. Danh sách những người cùng khổ ở Granada và vùng phụ cận từng được ngài giúp đỡ được ghi lại trong chương XII cuốn tiểu sử của Castro và danh sách do chính Thánh nhân cung cấp trong lá Thư II của ngài gửi cho Gutierrez Lasso thì trùng nhau và bao gồm hầu như mọi hạng người sống ở Granada vào thời ngài.

3.1.2   Lòng mến khách như là tình liên đới

Kinh nghiệm này và sự tỏ lộ lòng từ bi của Thiên Chúa đối với ngài đã làm phát sinh hai lời đáp trả: một là kenosis (sự hủy mình) (4) hay sự hạ mình đền tội được thấy rất rõ trong các nguồn tài liệu, và tiếp đến là lời đáp trả bằng lòng từ bi thương xót đối với mọi người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi. (5) F. de Castro kể cho chúng ta biết, vào ngày ngài hoán cải, làm sao từ một người bán sách nghèo nàn, Gioan Thiên Chúa đã giũ bỏ mọi sự mình có để có thể trở thành một môn đệ của Chúa Giêsu. Tác giả này cũng nói:

Ngài luôn luôn đi chân đất cả trong thành phố và trong mọi cuộc hành trình của ngài, đầu để trần, tóc râu cạo nhẵn, mình không mặc áo sơ-mi hay bất cứ một thứ gì khác ngoại trừ một chiếc áo khoác thô màu xám và chiếc quần len. Đi đâu ngài cũng đi bộ, không bao giờ đi ngựa, cả khi đi đường xa, cho dù ngài mệt đến đâu và chân bị đau đến mấy. Dù thời tiết xấu thế nào, dù trời mưa hay tuyết, ngài không bao giờ che đầu kể từ ngày ngài bắt đầu phục vụ Chúa cho tới ngày Chúa gọi ngài về. Thế nhưng ngài luôn động lòng trắc ẩn trước những đau khổ nhỏ nhoi nhất của đồng loại, và tìm cách giúp đỡ họ, như thể chính ngài đang sống rất sung túc vậy. (6)

Mái nhà đầu tiên của ngài là một nơi ở tồi tàn, nơi ngài có thể mời mọi người cũng nghèo khổ như ngài đến ở. Castro giải thích vắn gọn như sau: Sau khi đã quyết định thực hiện việc an ủi và cứu giúp những người nghèo, Gioan Thiên Chúa nói chuyện với một số người đạo đức đã từng an ủi ngài trong lúc khốn khổ, và nhờ sự trợ giúp và lòng đạo đức nhiệt thành của họ, ngài thuê một căn nhà ở khu chợ cá của thành phố, vì chỗ ấy ở gần Công trường Bibarrambia, từ đó ngài có thể đi ra ngoài để tìm kiếm những người nghèo, bị bỏ rơi, ốm đau tật nguyền ở bất kỳ nơi nào ngài nghĩ có thể tìm thấy họ; và ngài mua những chiếc chiếu và một ít tấm mền cũ để cho họ ngủ, vì dạo đó ngài không có nhiều tiền để làm hơn nữa, cũng không thể cung cấp cho họ một sự chăm sóc nào khác. (7)

Chúng ta có thể nói thánh Gioan Thiên Chúa hiện thân nơi người nghèo khổ và bệnh tật, bằng cách đón tiếp họ và chăm lo cho những nhu cầu của họ, như thể ngài là một người như họ. Ngài tiếp đãi họ và chăm sóc họ mặc dù ngài cũng thiếu thốn mọi bề, nhưng với sự sung mãn của đặc sủng trợ thế mà Thiên Chúa phú ban cho ngài. Ngài không bao giờ từ chối giúp đỡ bất cứ ai cần đến, trái lại, ngài cho họ mọi điều mà ngài có thể trong phạm vi nghèo khó của ngài.

3.1.3   Tinh thần trợ thế như là hiệp thông

Là một người trung gian giữa người giàu và người nghèo, giữa người sung túc và người túng thiếu, giữa người quyền thế và người hèn hạ, thánh Gioan Thiên Chúa đã thực hành Tinh thần trợ thế của sự hiệp thông.

Với thánh Gioan Thiên Chúa, việc xin của bố thí đã trở thành một phần của di sản và của cải thiêng liêng của Dòng, và Dòng không thể tồn tại nếu thiếu nó, tuy rằng chúng ta phải thích nghi các phương pháp cho phù hợp với mỗi thời và mỗi nền văn hóa. Bố thí phải được coi như một hình thức luân chuyển của cải để xây dựng xã hội dựa trên cơ sở của tình liên đới và trên những nền tảng thiêng liêng.

Khi ngài đi rảo khắp các đường phố, vừa đi vừa hô lớn, "Vì tình yêu Thiên Chúa, anh chị em hãy làm phúc cho chính mình," ngài muốn đánh động và khơi dậy lương tâm của dân chúng để họ không ngủ yên trên những sự khốn cùng của đồng loại, bằng cách cho và nhận dựa trên cơ sở tương trợ lẫn nhau.

Khi viết thơ cám ơn những người đã dâng tặng và kể cho họ mối đau đớn ngài cảm thấy trước sự đau khổ của những người nghèo khó mà ngài không thể không giúp đỡ, và khi thường xuyên đi vay tiền mà ngài cảm thấy khó trả, ngài có ý xây dựng một cộng đồng hiệp thông trong đó mọi người cảm thấy mình là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa yêu thương, giúp đỡ và tha thứ, như chính ngài đã từng cảm nghiệm. Ngài biết rằng nếu ai ai cũng cảm nhận được lòng từ bi của Thiên Chúa một cách thâm sâu như ngài, Giáo hội và xã hội có thể thực sự trở thành một gia đình con cái Thiên Chúa, với đời sống và sự hiệp thông thần linh, và khắc phục được tất cả mọi nhu cầu của những con người khốn khổ.

3.1.4   Lòng mến khách đầy sáng tạo

Trong một thành phố với mười bệnh viện và nhà tế bần, thật khó có thể tin rằng sự nhậy cảm của Gioan Thiên Chúa đã khám phá ra rằng còn quá nhiều người bệnh tật và nghèo khổ bị bỏ mặc để tự mình xoay sở. Và chúng ta cũng phải ngạc nhiên khi thấy ngài đã tìm ra cho mình một đường lối mới để thực hành tinh thần trợ thế. Ngài là người tiên phong cho tất cả những ai có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của người bệnh tật, nghèo khổ và khốn quẫn.

Tinh thần trợ thế của ngài là một sự đáp ứng cho những ai không thể tìm thấy sự nâng đỡ ở đâu khác (người bị bỏ rơi) và sự chăm lo cho những người có những nhu cầu mới mà những người khác chưa nhận thức được (đau khổ vì tội lỗi, oán ghét hay hận thù). Thánh Gioan Thiên Chúa đã nhìn thấy mọi loại đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần. (8)

3.1.5  Tinh thần trợ thế toàn diện

Có thể nói một trong những giá trị đặc trưng nhất của tinh thần trợ thế nơi thánh Gioan Thiên Chúa là cung cách ngài đối xử với người đau khổ như một con người toàn diện. Theo ngài, người bệnh và người nghèo khổ không chỉ là một thân xác và linh hồn, không chỉ là những kẻ tội lỗi, những kẻ tìm kiếm hận thù, dối trá hay bất xứng. Tất cả đều là những con người, những anh chị em của ngài, và mọi người đều đáng được hưởng sự giúp đỡ và tha thứ của ngài và các Cộng tác viên của ngài. Tại sao thế? Vì Thiên Chúa đã làm đúng như vậy, khi ngài chăm lo cho nhu cầu hằng ngày của mọi người (9), tha thứ và cứu rỗi họ (10). Và vì trông thấy họ đau khổ mà không được cứu giúp làm ngài "tan nát con tim." (11)

Tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa, như ta có thể nói hôm nay, vừa dự phòng vừa khẩn trương chữa trị và phục hồi, vì ngài chữa lành những ai có thể chữa lành, và chăm sóc những ai không thể chữa lành. Lòng mến khách đó cũng mang tính giáo dục và đào luyện đối với những cô nhi, những trẻ em bị bỏ rơi có thể chết nếu không được cứu giúp, và những cô gái điếm mà ngài giúp xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, xây dựng và thực hiện một kế hoạch đào luyện và tái hội nhập vào xã hội. Trong bệnh viện của ngài, ngài cung cấp của ăn, giường ngủ, củi lửa và nhà ở để tiếp đón khách hành hương, với thuốc thang, Điều dưỡng, bác sĩ, tuyên uý và sự trợ giúp thiêng liêng cho các bệnh nhân. (12)

Việc thực hành tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa cho chúng ta thấy câu chuyện ngụ ngôn Trung Hoa về con cá và cái cần câu là một vấn đề sai lạc khi cắt nghĩa nó theo kiểu chỉ được chọn một trong hai (hoặc cái này. . .hoặc cái kia). Tinh thần trợ thế để cứu giúp người nghèo khổ phải luôn luôn bao gồm (cả cái này . . . lẫn cái kia), tùy theo hoàn cảnh thời gian, không gian và những người có liên quan.

3.1.6  Lòng mến khách đem lại sự hòa giải

Thánh Gioan Thiên Chúa thông cảm, đối xử với mọi người đúng như Chúa đã đối xử với ngài: ngài tha thứ và giúp đỡ, chăm sóc và chữa lành những vết thương thể chất và tinh thần của mọi người. Rất thường xuyên ngài chăm lo chữa lành các vết thương tinh thần và tâm hồn trước vì ngài coi đó là điều kiện để có thể chữa lành và tạo sự hoà hợp nơi thể xác.

Trong một thế giới bị xâu xé bởi quá nhiều thứ ý thức hệ, chủ nghĩa cực đoan và sự kỳ thị chủng tộc là những cái gây nên sự ghen ghét, oán giận và ước muốn báo thù, thì khả năng của thánh Gioan Thiên Chúa để tha thứ, hòa giải và bắc những nhịp cầu huynh đệ thật đáng được học hỏi và cảm nghiệm bởi mọi người chúng ta trong Gia Đình Trợ Thế. Ngài là vị lương y chữa lành những vết thương, những mối căng thẳng và tranh chấp nơi tất cả những người mà ngài giúp đỡ và những người cùng cộng tác với ngài.

Giống như Chúa Kitô, ngài chữa lành bằng chính các vết thương của ngài. Các người viết tiểu sử ngài luôn luôn kể lại những cách thức ngài bị tổn thương: phải chia lìa với cha mẹ, phải cô đơn, phải thất vọng bởi đời sống trong quân đội, nhưng trên hết là bởi ý thức tội lỗi, những vất vả ngài phải gánh vác, nỗi đau khổ vì nợ nần chồng chất do việc ngài phải thường xuyên vay tiền để giúp đỡ người nghèo khổ và bệnh tật, các anh chị em của ngài. Những cảm nghiệm về các vết thương hiện thực này cũng đã biến ngài thành một người Trợ thế chuyên chữa lành và giao hòa các kẻ thù, biến họ thành những Cộng tác viên của ngài, như trong trường hợp của Antôn Martin và rất nhiều người khác nữa.

Với nữ Bá tước Sessa, ân nhân của ngài, ngài nói cho bà biết cách ngài chữa lành bằng những thương tích của Chúa Kitô chịu đóng đinh, và ngài khuyên bà cũng làm y như thế:

"Khi tôi gặp khó khăn, tôi không tìm thấy phương thuốc hay niềm an ủi nào khác hơn là suy niệm và chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh." (13)

"Khi gặp khó khăn hay phiền muộn, bà hãy suy niệm sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và những Thánh tích của ngài, như thế bà sẽ cảm thấy niềm an ủi vô bờ”. (14)

Bằng cách này, ngài đã thành công thuyết phục được Antôn Martin tha thứ và hoà giải với Pedro Velasco và đã chinh phục được cả hai ông để trở thành các Cộng tác viên trợ thế trực tiếp của ngài, trở thành các Tu huynh đầu tiên của ngài.

Và chính bằng cuộc khổ nạn và sự đau khổ của Chúa Kitô mà vào các ngày thứ sáu, ngài chữa lành những tổn thương của tình trạng mại dâm từng huỷ diệt cuộc đời của quá nhiều phụ nữ do lối sống phóng đãng của họ. Bằng đặc sủng của tinh thần trợ thế và thương người, ngài đã tha thứ cho người đàn bà lăng mạ ngài sau khi đã được ngài cứu: "Sớm hay muộn tôi cũng phải tha thứ cho chị, vì thế tôi tha thứ cho chị ngay lập tức" (15). Nhờ hành vi này, ngài đã cải hóa chị lần thứ hai, như chị đã làm chứng trong tang lễ của ngài.

Khi bị báo cáo lên Tổng giám mục và bị tố cáo là đưa về "nhà của Chúa" những con người bất xứng, ngài trả lời ngài là người bất xứng duy nhất và "vì Chúa luôn dung thứ cho người lành lẫn kẻ dữ và hằng ngày ngài cho mặt trời mọc lên để chiếu sáng mọi người, vậy thì có lý gì chúng ta lại xua đuổi ra khỏi nhà chúng ta những người đã bị bỏ rơi và những người đau khổ ?" (16)

3.1.7 Tinh thần trợ thế, nguồn phát sinh các Tình nguyện viên và Cộng tác viên

Tình yêu nhân từ bao la của thánh Gioan Thiên Chúa là nguồn sinh lực mãnh liệt làm phát sinh tình yêu, lòng bác ái Kitô giáo và sự hợp tác. Đó là một lòng mến lan tỏa xa rộng, là một đặc sủng không ngừng được chia sẻ với những người khác.

Sức mạnh đoàn sủng này mà thánh Gioan Thiên Chúa nhận được từ Thiên Chúa và ngài hằng trung thành triệt để với nó đã biến ngài thành ngọn hải đăng toả sáng Lòng mến khách ở mọi bình diện của sự liên đới và hợp tác với ngài trong công cuộc giúp đỡ người nghèo và bệnh nhân.

Chúng ta có thể phân biệt nhiều loại Cộng tác viên khác nhau: những người giúp ngài một cách thiết thực và bằng của bố thí khi này hay khi khác, và những người trở thành những Cộng tác viên thường xuyên, như Angulo và tất cả những người được ngài nhắc tới trong các thư của ngài, cũng như trong sách của Castro và hồ sơ về Vụ kiện chống lại các Tu huynh Dòng thánh Hiêrônimô. Một số người hoạt động với danh nghĩa Tình nguyện viên của thánh Gioan Thiên Chúa và số khác trở thành những thành viên thực thụ, đồng nhất hoàn toàn với đặc sủng của ngài.

Những Cộng tác viên thân cận nhất của ngài là những người bạn đồng chí đầu tiên của ngài hay các Tu huynh chia sẻ cùng một nếp sống với ngài, các ân nhân chấp nhận đặc sủng của ngài và cảm thấy công việc của ngài cũng là của chính họ. Và cảm nghiệm được thuộc về bệnh viện hay công cuộc của ngài đã làm phát sinh một làn sóng mãnh liệt của tình liên đới. Sự tự đồng hóa mình với đặc sủng của ngài đã khiến nhiều Cộng tác viên ra sức vun trồng đặc sủng này, và bảo vệ tính độc đáo của nó bằng sự trợ giúp vật chất và nhân sự (17). Cảm giác coi mình là một thành viên của Gia đình thánh Gioan Thiên Chúa vẫn tiếp tục là một khuôn mẫu sinh động và vững chắc ngày hôm nay và trong tương lai, như nó đã từng là như thế vào thời ngài.

3.1.8 Lòng mến khách mang tính tiên tri

Một trong những nét độc đáo nhất của Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa là tính chất tiên tri. Từ một con người xa lạ nhập cư không có tiền của gì, bị mang tiếng là điên cuồng, bằng việc hiến mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu Kitô và những người đau khổ, ngài đã mở ra những con đường mới cho Hội Thánh và xã hội.

Những thái độ trợ thế của ngài thật kỳ lạ và làm người ta phải sửng sốt, nhưng chúng đã là những ngọn hải đăng soi đường cho những cách thức mới của việc chăm sóc và lòng nhân đạo đối với những bệnh nhân và người nghèo khổ. Từ không có gì, ngài đã tạo ra một khuôn mẫu chọn lựa cho người công dân, người Kitô hữu, và người Trợ thế để phục vụ những người hoàn toàn bị bỏ rơi. Lòng mến khách có tính tiên tri này là một thứ men canh tân trong thế giới chăm sóc con người và trong Hội Thánh. Khuôn mẫu mà thánh Gioan Thiên Chúa đã sáng tạo cũng là một sự thức tỉnh lương tâm và hướng dẫn để kích thích những người khác chấp nhận những thái độ mới và thực hành những đường lối mới nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.

3.2  Tinh Thần Trợ Thế Trong Lịch Sử

3.2.1   Tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa nơi các Cộng tác viên đầu tiên của ngài và qua các thế kỷ.

Các Tu huynh đầu tiên(18), những người bạn đồng chí của Gioan Thiên Chúa, đã chia sẻ đoàn sủng Trợ thế của ngài, thực hành và truyền bá nó. Tài liệu về việc sáng lập bệnh viện của Antôn Matin ở Madrid đáp ứng các nhu cầu của "những bệnh nhân mang những vết thương truyền nhiễm". Trong di chúc của mình, Antôn Martin tuyên bố Gioan Thiên Chúa đã đặt ông thay ngài điều hành bệnh viện và ngài coi ông như thể là chính ngài(19).

Qua các nhân chứng, chúng ta được biết các người bạn đồng chí của ngài là những Tu huynh Trợ thế sống rất gần gũi với những người nghèo và bệnh nhân mà họ chăm sóc. Con người của ngài xuất hiện trong thân phận nghèo hèn và khiêm tốn với thái độ sống hoàn toàn xả thân và không vương vấn mọi danh vọng để hạ mình xuống địa vị thấp hèn của người nghèo để có thể tiếp tục phục vụ họ và trở thành tấm gương cho các bạn đồng chí và các Cộng tác viên của ngài.

Các nhân chứng về thời kỳ đầu này của Dòng đều nhất trí tuyên bố rằng "Các thày tiếp đón mọi người nghèo không trừ ai, với đầy lòng bác ái và quảng đại, và bất kỳ ai, dù là người nước ngoài hay bản xứ, dù là bệnh có thể chữa được hay là bệnh nan y, dù tâm thần bình thường hay điên loạn, trẻ em và các cô nhi. Và các thày làm điều này theo gương Gioan Thiên Chúa, đấng sáng lập của các thày. Các thày tiếp nhận mọi người, người "Moricos" (người Moor) cũng như người Kitô hữu." (20)

Kể từ thời kỳ đầu này trong đời sống của Dòng Trợ Thế, và trải qua gần năm thế kỷ lịch sử của Dòng, rất đông các Tu huynh và các Cộng tác viên của Dòng, trong số đó một số đã qua đời, số khác vẫn còn sống, một số được nhiều người biết đến, số khác sống cuộc đời âm thầm, nhưng tất cả đều đã để lại chứng tá quí báu về lòng trung thành với đặc sủng trợ thế(21).

Hoạt động trợ giúp ở chiến trường, trên các con tàu và trong quân đội, ngay cả trong thời bình, đã trở thành một nét đặc trưng của công cuộc phục vụ của Dòng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, hoạt động này đã bắt đầu tồn tại ngay từ mấy thập niên đầu tiên của Dòng.

Công cuộc của Dòng cũng phối hợp với hai hình thức khác: dịch vụ cấp cứu và săn sóc trong những thời kỳ dịch bệnh, và điều hành các bệnh viện tại các xứ truyền giáo, trong đó có một số bệnh viện chuyên lo cho người bản xứ.

Một dạng công cuộc khác đã được phát triển tại một số quốc gia, đó là mở các trường trung cấp và đại học y khoa và phẫu thuật, và các khoá đào tạo Điều dưỡng cho các hội viên và Cộng tác viên của Dòng.

Trong thế kỷ XIX và XX, với khoa tâm bệnh học ngày càng trở thành một ngành y khoa chuyên biệt, Dòng đã nhạy cảm nắm bắt được tình thế để thiết lập và điều hành những trung tâm chuyên khoa cho những người mắc bệnh tâm thần. Công cuộc này phát triển đáng kể tại Pháp nhờ thày Paul de Magallon ở thế kỷ XIX khi Dòng được phục hưng sau khi bị giải tán bởi cuộc Cách mạng 1789. Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng thế, nhờ hoạt động của Cha Biển Đức Menni. Tiếp theo việc phục hưng Dòng tại những miền khác nhau ở châu Âu vào thế kỷ XIX (Đức, Ba Lan, Áo và Ý), các Tỉnh Dòng khác đã lập những trung tâm chuyên chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần và người khuyết tật, trẻ em, thanh niên và người lớn. Các Tỉnh Dòng ở Ai Len, Anh và Úc đều đã chuyên hóa trong lãnh vực chăm sóc người khuyết tật tâm thần và đã làm rất nhiều để phân biệt những người này với những người mắc tâm bệnh, đồng thời cũng thay đổi các thuật ngữ trong việc mô tả những loại người này, nhằm đề cao nhân phẩm và quyền con người của họ.

Sự đáp ứng của Cha Biển Đức Menni tại Tây Ban Nha là cống hiến việc chăm sóc cho những thanh niên và trẻ em khuyết tật thể lý, là một nhu cầu hết sức cấp bách mãi cho tới ít năm gần đây, và hiện vẫn còn là một nét đặc trưng của một số bệnh viện đa khoa nhi đồng, trong số đó có những bệnh viện đã đi tiên phong trong lãnh vực này, cũng như những bệnh viện phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Một trong những cách thức mà đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa đã phát triển rất cao trong ít thập niên vừa qua, đó là việc cung ứng chỗ trú qua đêm cho những người không nhà không cửa, và các nhà dưỡng lão và các trung tâm cho những người bị thiểu năng học tập hay khuyết tật tâm thần.

Một trong những chiều kích mà Dòng từng gia tăng phát triển là hoạt động truyền giáo. Có thể nói sự mở mang truyền giáo của Dòng đã có từ thời kỳ sơ khởi của Dòng. Cơ sở truyền giáo ở Cartagena (Colombia) được thiết lập năm 1596 là cơ sở đầu tiên trong hàng chục cơ sở được thiết lập ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á cho tới thế kỷ vừa qua.

Sau một thời kỳ các cơ sở truyền giáo ngưng phát triển, chúng lại tiếp tục trở lại ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại dương. Dòng ao ước tiếp tục công cuộc truyền bá tin mừng cho thế giới chăm sóc y tế hôm nay, cũng như thánh Gioan Thiên Chúa đã làm trước kia, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô.

3.2.2        Sự hiện diện của chúng ta hôm nay

Những đòi hỏi của việc rao giảng Tin Mừng mới mà Hội Thánh đang hoạch định cho đầu thiên niên kỷ III này đã thúc đẩy Dòng đáp ứng bằng việc thiết lập một Tinh thần Trợ Thế Mới. Tinh thần "Trợ Thế" mới phải được diễn tả theo hai hướng: canh tân các trung tâm trong cộng đoàn và cống hiến những đáp ứng mới tại những nơi mà việc chăm sóc này không được cung cấp bởi ai khác.

Kể từ Tổng Tu Nghị 1976, và mạnh hơn kể từ Tổng Tu Nghị Ngoại Thường năm 1979, Dòng đã có một cố gắng to lớn nhằm cập nhật việc chăm sóc của mình trong những trung tâm truyền thống. Nhiều lãnh vực đã được phát triển. Nhắc lại những lãnh vực chính yếu ở đây có thể là điều hữu ích.

Việc chăm sóc nhân đạo và mục vụ đã được làm sống động trong hai chục năm qua, để áp ứng nhu cầu bổ sung những phát triển về kỹ thuật và nghiệp vụ trong những bệnh viện cũng như để chăm sóc những đau khổ chuyên biệt của người bệnh và các thân nhân của họ.

Sự chăm sóc của các Tu huynh thánh Gioan Thiên Chúa luôn luôn là toàn diện, trọn vẹn, nghĩa là nó không bao giờ được cung cấp mà không có sự chăm sóc mục vụ và thiêng liêng.

Chiều kích nhân đạo và mục vụ, đi đôi với sự đào luyện và giáo dục liên tục của các Tu huynh và Cộng tác viên của Dòng, nếu được thực hiện đúng mức, có thể canh tân sự hiện diện của Dòng trong những trung tâm truyền thống. Đây là những cách thức cống hiến sự hiện diện của Dòng trong thế giới chăm sóc, nếu chúng được thực hiện đúng mức, sẽ là một Tinh Thần Trợ Thế Mới và một cuộc Rao Giảng Tin Mừng Mới.

Những năm gần đây, lãnh vực chăm sóc nhân đạo đã được bổ sung bởi việc đào luyện và giáo dục về Đạo đức sinh học và đạo đức chăm sóc y tế, và việc áp dụng nó trong việc phục vụ bệnh nhân.

Nhiều bệnh viện và trung tâm của chúng ta đã được trợ giúp để tự đổi mới bằng việc nâng cấp các phương tiện chăm lo cho những nhu cầu mới và những đòi hỏi mới về chuyên môn và nhân bản, cùng với những tiêu chuẩn quản lý mới đặt ưu tiên cho việc xác định các nguồn lực dựa theo những chương trình được vạch ra rõ nét.

Những sự phát triển mà các trung tâm truyền thống của chúng ta đã trải qua đều đã ảnh hưởng đến mọi lãnh vực của các trung tâm ấy. Sự đổi mới kỹ thuật trong lãnh vực các ngành khoa học về sức khoẻ con người được phản ánh nơi những thay đổi không ngừng xảy ra trong các trung tâm của chúng ta. Cấu trúc vật lý của các trung tâm này đã thay đổi đáng kể bằng việc kết nạp những tổ chuyên môn, thay đổi các kỹ thuật chăm sóc và trợ giúp, và những phương pháp lao động mới, đặc biệt qua việc chấp nhận lối làm việc tập thể liên ngành. Và tất cả điều này là nhằm cải thiện việc chăm sóc chúng ta cống hiến cho các cá nhân xét như là những con người.

Sự thay đổi quan trọng nhất đã xảy ra với việc kết nạp các Cộng tác viên vào công cuộc của Dòng. Cho tới ít năm trước đây thôi, cộng đoàn các Tu huynh, với sự trơ giúp của một ít người thường, cũng đủ khả năng để phục vụ bệnh nhân. Nhưng ngày nay chính các Cộng tác viên của chúng ta lãnh trách nhiệm điều hành các trung tâm, và không có trung tâm nào họ bị gạt ra ngoài, và trong nhiều trường hợp, việc quản trị nay đã được các Cộng tác viên của chúng ta đảm nhiệm.

Ngoài các Cộng tác viên là những người được trả lương, ngày càng có thêm nhiều người tình nguyện làm việc trong các trung tâm của chúng ta, đảm nhận các nghĩa vụ chăm sóc nhân đạo và công tác mục vụ.

Sự hiện diện đổi mới và cập nhật tại các trung tâm truyền thống của chúng ta đang mang lại những kết quả tuyệt vời nhờ những khóa đào luyện ở cấp địa phương, cấp tỉnh và cấp thế giới.

Tương lai của các trung tâm chúng ta vì vậy tuỳ thuộc một phần vào việc cập nhật liên tục các công cụ và phương tiện kỹ thuật, các phương pháp làm việc và hệ thống quản trị, đặc biệt đối với các phương tiện truyền thông và vi tính hóa.

Nghiên cứu khoa học là một lãnh vực khác đang được phát triển dựa theo những chương trình đôi khi được thực hiện phối hợp với khác phân khoa đại học.

Các Tu huynh phải là những người hướng dẫn luân lý/đạo đức, phải hành động như người đánh động lương tâm, như những người tiên phong trong việc canh tân, và là dấu chỉ tiên tri về Tin Mừng cho người nghèo, người bệnh tật và người đau khổ hôm nay, bất luận họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào.

3.2.3        Những hình thức hiện diện mới

Cách nay ít năm, Dòng đã bắt đầu những hình thức chăm sóc đổi mới phát xuất từ sự bén nhậy trước những nhu cầu mới của xã hội và từ ước muốn tìm ra những đáp ứng mới dựa trên đặc sủng của chúng ta để chăm lo cho các nhu cầu hiện có.

Trong một số trường hợp, việc này được thực hiện theo những hình thức đã được thánh Gioan Thiên Chúa thực hành xưa kia. Nhưng nay chúng ta đang mở rộng phạm vi của mình tới cộng đồng xã hội, tới các gia đình và các nhu cầu của họ.

Tinh thần trợ thế của chúng ta nay đang ngày càng vượt ra ngoài phạm vi các bệnh viện và các trung tâm để mở rộng tới lãnh vực chăm sóc y tế dự phòng và giáo dục, phục hồi và tái hội nhập xã hội, và việc chăm sóc y tế cộng đồng. Thánh Gioan Thiên Chúa đã hết sức nhấn mạnh việc chăm sóc và giáo dục các cô nhi, việc tái hội nhập các cô gái lỡ lầm, v.v...

Ngày nay Dòng đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới các bệnh viện bán trú, việc chăm sóc sức khoẻ tại nhà, và nhiều khoa điều trị bệnh nhân ngoại trú. Dòng cũng đang cổ võ những hình thức chăm lo cho những người mắc những chứng bệnh mới của thế kỷ: những con nghiện ma túy, những nạn nhân AIDS, những bệnh nhân mãn tính ở thời kỷ cuối.

Những người đau khổ vì cảnh cô đơn, tuyệt vọng, và mất ý nghĩa trong cuộc đời, đang tìm được những câu trả lời nhờ những chương trình trợ giúp truyền thanh, những tập san và tờ bướm mang những thông điệp nhân bản và Kitô giáo, những tạp chí đề cập đến những vấn đề cần phải suy nghĩ, và cung cấp sự đào luyện đạo đức và trợ thế.

Một trong những lãnh vực Dòng đang cố gắng để đáp ứng những nhu cầu mới của xã hội là đưa các Tu huynh và các Cộng tác viên của Dòng vào làm việc trong các trung tâm, các dự án và các chương trình được điều hành bởi Giáo hội và các tổ chức quốc gia và quốc tế khác trong lãnh vực chăm sóc y tế, nghiên cứu và cứu trợ. Những hoạt động này đang được thực hiện bởi những nhóm trong một hay nhiều tỉnh Dòng, những cơ sở do chính họ thiết lập hay liên kết với các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các chính phủ của các nước khác, đặc biệt trong thế giới đang phát triển.

Đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa thật hết sức phong phú và tràn trề sinh lực, nên khi Dòng, các Tu huynh và các Cộng tác viên để cho mình được Thần Khí của Chúa hướng dẫn và nhanh nhậy nắm bắt được những nhu cầu mới nảy sinh của xã hội, thì những hoa trái do tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa được trổ sinh dồi dào phong phú, cả khi những nguồn phương tiện xem ra thiếu thốn.

 

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 3

(1)   Dòng Trợ thế có một kho tài liệu phong phú để tìm hiểu và nghiên cứu những hoạt động và sinh lực chính yếu của đặc sủng trợ thế. Vì vậy các nguồn tài liệu trở thành phương tiện để chúng ta có thể rút ra những nguồn của đặc sủng Trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa và các tính chất của đặc sủng này.

Theo thứ tự thời gian và tầm quan trọng, chúng ta có sáu Lá thư của thánh Gioan Thiên Chúa, và các lá thư thánh Gioan Avila viết cho ngài. Những lá thư này có nhiều ấn bản bình luận và cung cấp cho chúng ta một chân dung rất sinh động của thánh Gioan Thiên Chúa. Chúng giúp chúng ta thấy và yêu mến một con người, một môn đệ sống động của con người Trợ thế đầu tiên trong lịch sử, Chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng cho chúng ta thấy niềm say mê của ngài đối với nhân loại nghèo khó và đau khổ, đối với mẹ Giáo Hội, và đối với mọi con cái của ngài.

Nguồn tài liệu thứ hai xét theo tầm quan trọng chắc hẳn là Tiểu sử vị thánh, do Francisco de Castro xuất bản năm 1583. Đây là một cuốn tiểu sử rất trung thực và cho chúng ta một mô tả đầy đủ về sự thăng tiến nhân bản và thiêng liêng của thánh nhân, trên bước đường mà tình yêu của Thiên Chúa đối với ngài được nhấn mạnh như là nguồn của tình yêu vô bờ mà ngài tỏ ra đối với mọi người nghèo và bệnh tật.

Từ năm 1995, Gia đình Trợ thế cũng đã có một nguồn rất quí báu khác về đời sống và tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa. Đó là tài liệu thuộc Công Hàm của Hội Đồng Tỉnh Dòng Granada thuộc về Vụ Kiện giữa các Tu huynh Dòng Trợ Thế  Thánh Gioan Thiên Chúa và các Tu huynh của Đan viện Thánh Hiêrônimô.

Văn kiện này đề ngày 12-03-1570 (mặc dù vụ kiện bắt đầu năm 1572) và gồm 171 tờ giấy viết tay được José SÁNCHEZ MARTÍNEZ sao chép lại trong cuốn: Kénosis y Diakonía en el itínerario espíritual de San Juan de Dios, Madrid 1995. Trong số 17 nhân chứng trả lời cho 26 câu hỏi, 10 nhân chứng có quen biết bản thân với thánh Gioan Thiên Chúa. Văn kiện này và những chứng cớ khác đã được Sánchez sử dụng trong một cuốn sách khác viết về vụ kiện tụng, và trở thành nguồn tài liệu quan trọng thứ ba để nghiên cứu tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa.

Chúng ta cũng có ba bản Hiến Pháp tiên khởi của Bệnh viện Granada và ba Sắc lệnh cơ bản của giáo hoàng:

Licet ex debito của Piô V (1 tháng 1, 1572)

Etsi pro debito của Sixtô V (1 tháng 10, 1586)

Chiếu thư Piorum Virorum của Phaolô V (12 tháng 4, 1608).

Đây là những tài liệu rất quí giá vì chúng cho phép chúng ta hiểu rõ thánh Gioan Thiên Chúa và những nguyên tắc thần học và pháp lý của tinh thần trợ thế hơn. Ngoài những tài liệu này, chúng ta còn có những thỉnh nguyện của các Bề trên Tổng Quyền để xin phép và xin phê chuẩn những công cuộc khác nhau dẫn đến việc công bố những sắc lệnh nói trên. Cả hai loại này đều được coi là những nguồn tài liệu về tinh thần trợ thế của chúng ta.                           

 

Các Hiến Pháp tiên khởi gồm:

Regia y Constituciones para el Hospital de Ioan de Dios, desta ciudad de Granada. . . . . . , 1585;

Constituciones hechas en el primer Capitulo General hecho en Roma ano de 1587;

Costitutioni et ordini da osservarsi dagli Frati dell'Ordine di Giovanni di Dio. . . 1589;

Costitutioni del devoto Giovanni di Dio – d'Italia, 1596;

Regla del Bienaventurado Padre San Agustín y Constituciones de la Orden de Iuan de Dios, Madrid 1612.

Các tài liệu hiện đại cũng rất dồi dào, nhưng để trình bày vắn gọn, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến một vài tài liệu quan trọng nhất được xuất bản sau Tổng Tu Nghị 1976, theo thứ tự thời gian.

- P. Marchesi, Các Cơ Sở Để Canh Tân (1978).

- P. Marchesi, Nhân Bản Hoá (1981).

- Chiều Kích Tông Đồ Của Dòng Thánh Gioan Thiên  Chúa (1982).

- Hiến Pháp Của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa (1984).

- P. Marchesi, Tinh Thần Trợ Thế Của Các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa Hướng Tới Năm 2000 (1986).

- Tuyên Ngôn Của Tổng Tu Nghị LXIII (1988).

- B. O’Donnell, Tôi Tớ Và Sứ Ngôn (1990).

- B. O'Donnell, Gioan Thiên Chúa Sống Mãi (1991)

- Các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa Và Các Cộng tác viên Cùng Nhau Phục Vụ Và Cổ Võ Sự Sống (1992).

- Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới Và Tinh Thần Trợ Thế Mới (1994).

- Pascua Piles, Sức Mạnh Của Đức Ái (1995).

- Pascual Piles, Gioan Thiên Chúa: Được Gọi Thi Hành Tinh Thần Trợ Thế Mới (1996).

- Pascual Piles, Hãy Để Thánh Thần Hướng Dẫn Bạn (1996).

- Chiều Kích Truyền Giáo Của Dòng Trợ Thế. Các Ngôn Sứ Trong Thế Giới Chăm Sóc Y Tế (1997).

Các nghiên cứu và học hỏi phê bình thực hiện qua các thế kỷ và gần đây về đời sống, linh đạo, và tinh thần trợ thế của thánh Gioan Thiên Chúa cung cấp thêm cho chúng ta những đóng góp vô giá khác để đi sâu vào trong nội dung của bản "Hiến chương" này.

(2)   Thư I gửi nữ Bá tước Sessa (1 DS), 13. Xem thêm A. Gamiero, Koinonía, filoxenía e martyrion em S. Jaão de Deus e na sua Ordem nascente, Rôma 1996.

(3)       Thư II gửi nữ Bá tước Sessa (2 DS), 18.

(4)       Xem J. SÁNCHEZ MARTÍNEZ,  Kénosis y Diakonía en el itinerario espiritual de San Juan De Dios, Madrid 1995.

(5)       Xem Thư II gửi Gutierrez Lasso (2 GL, 5). Nhưng những danh sách này chắc chắn không đầy đủ. Trong chương XVI cuốn tiểu sử thánh Gioan Thiên Chúa, Castro tìm cách kể thêm những người nghèo khó. Thánh nhân cứu trợ những con người chịu đau khổ vì những sự ác luân lý sâu sắc nhất. Chúng ta biết mối quan tâm của ngài đối với các cô gái mại dâm, những tù nhân, những người bị đẩy ra bên lề, người Moor và có thể cả những người "Kitô hữu mới" gốc Do Thái, những nô lệ và những người khác chịu đau khổ vì bị gạt ra bên lề xã hội, như những người mắc những căn bệnh nan y.

(6)       CASTRO, sách đã dẫn, ch. XVII.

(7)       Như trên,  Ch. XII.

(8)       Xem 2 GL, 8.

(9)       Xem thư 1 gửi Gutierrez Lasso (1 GL, 2).

(10)   Xem thư gửi Luis Bautista (LB, 19).

(11)   Xem 1 DS, 15.

(12)   Từ chương XII đến XX trong tác phẩm của ông, Castro cung cấp cho chúng ta một minh họa rất hấp dẫn về tất cả những chiều kích khác nhau của tinh thần trợ thế nơi Thánh Gioan Thiên Chúa.

(13)   Xem 2 DS, 9.

(14)   Xem 1 DS, 9.

(15)   Xem CASTRO, sách đã dẫn,  ch. XV.

Xem CASTRO, sách đã dẫn,  ch. XX.

(17)   Tình liên đới qua việc đồng hóa xuất hiện rất rõ trong những lá thư gửi Gutierrez và nữ Bá tước Sessa, trong tác phẩm của Castro và trong tài liệu Vụ Kiện, và có liên quan tới hàng chục Cộng tác viên.

(18)   Tuy nhiên, Hồ sơ Vụ kiện là tài liệu được viết trước cuốn tiểu sử của Castro, đã nhắc tới nhiều thái độ trợ thế của các Tu sĩ thánh Gioan Thiên Chúa. Gioan Avila (Angulo) cũng nhắc tới tên của bốn tu huynh này: Antôn Martin, Pedro Pecador, Alonso Retingano và Domingo Benedicto.

(19)   ORTEGA LÁZARO, L, OH, Antôn Martin, tr. 17-18 và 31.

(20)   Các tuyên bố trong Vụ Kiện giữa các Tu huynh "Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa" và các "Thày dòng và Nữ tu thuộc tu viện thánh Hiêrônimô", 1572-1573. Trong SÁNCHEZ MARTÍNEZ, José, sách đã dẫn, tr. 181-188 và 285 tt.

(21)   Để có một ít ý tưởng về căn tính và nguồn gốc của Dòng, chúng tôi cảm thấy cần làm quen phần nào với một số Tu huynh lỗi lạc nhất về những giá trị trợ thế. Các Tu huynh Hiển thánh, Chân phước và Đáng kính đáng được chúng ta nhắc đến trước tiên: Thánh Gioan Grande, Thánh Richard Pampuri, Chân phước Benedict Menni, và nhiều vị Chân phước tử đạo của chúng ta. Trong số các vị Đáng kính và những vị đang được xin phong Chân phước có Francis Camacho, Antôn Martin, José Olallo Valdés, Eustace Kugler và một nhóm các vị tử đạo khác, cộng với rất nhiều những vị khác trong suốt lịch sử của Dòng đã từng chịu tử đạo hay bị bách hại vì Chúa Kitô và vì tinh thần trợ thế ở Brazil, Colombia, Chilê, Ba Lan, Philippin, Pháp, Tây Ban Nha và gần đây ở những quốc gia khác.

Rất nhiều các Tu huynh khác đã từng là những vị "sáng lập" và "tái sáng lập" những cộng đoàn và trung tâm trong Dòng đáng được chúng ta biết đến nhiều hơn như biểu hiện sống động của sức sống và những giá trị của đặc sủng chúng ta. Những vị này gồm có các Tu huynh Bonelli (France), Gabriele Ferrara và Giovanni Battista Cassinetti (Ý và Đức), Francisco Hernández (Hoa Kỳ). Gần đây hơn chúng ta phải nhắc tới Cha Giovanni Maria Alfieri (Ý), Paul de Magallon (Pháp), Eberhard Hacke và Magnobon Markmiller (Đức), Chân phước Benedict Menni (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mêxicô).

Trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử của Dòng, nổi bật lên một số Tu huynh: Juan Santos, Cote y Parra, Gabriele Russotto, mà tình yêu đối với Dòng và những đầu óc khoa học đã giúp chúng ta làm quen với đường lối mà đặc sủng của chúng ta đã đi trong suốt lịch sử.

Một nhóm Tu huynh lỗi lạc khác bao gồm những con người nổi tiếng là các bác sĩ, phẫu thuật viên, dược sĩ, nhà thực vật học, nha sĩ, và vô số những tên tuổi khác không thể kể tên từng người. Một số sẽ được kể tên trong chương 6 (chú thích 11) khi chúng ta đề cập tới việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong Dòng.

Sau tên tuổi của những Tu huynh này đã từng là những tiên tri của tinh thần trợ thế, có lẽ chúng ta phải kể tên những Cộng tác viên mà tình yêu của họ đối với Dòng và những giá trị của Dòng đáng được chúng ta ghi nhớ.

(22)   ANTIA, Juan Grande trong "Labor Hospitalario-Misionera de la Orden de San Juan de Dios en el mundo, fuera de Europa", AA. V.V. Madrid, 1929.

Các Tu huynh Trợ thế, từ thời vua Philip II tới Fernando VII đã tự động được lựa chọn vào các đoàn quân y đặc biệt trong các cuộc viễn chinh tới vùng Đông Indies và trong các thời chiến tranh và dịch tễ.

Thêm vào số hàng trăm bệnh viện tại những cộng đồng vừa mới trở lại đạo ở Châu Mỹ (gọi là Hospitales-Doctrinas), tại đó sự chăm sóc được cung cấp cho quân lính Tây Ban Nha và dân bản xứ, với một cộng đồng dân bản xứ rất đông và được chăm sóc chu đáo, họ cũng có những phòng bào chế và bệnh viện và các trạm xá để chăm sóc và phục vụ mọi người. Dân bản xứ không chỉ được cung cấp sự chăm sóc về sức khỏe thể xác trong những "cộng đồng-bệnh viện" này, mà cả sự chăm sóc linh hồn. Luôn luôn tỏ ra trung thành, các thày Dòng nhiệt tình của thánh Gioan Thiên Chúa đã sống theo nguyên tắc được truyền lại từ Cha Thánh và các bậc Tiền bối và các thày luôn luôn tiếp tục nguyên tắc ấy để là những người Trợ thế tốt lành chăm lo cho "thể xác và linh hồn" mọi người.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 3

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG CÔNG NGHỊ

Gợi ý suy tư:

Dòng của chúng ta (các Tu huynh và các Cộng tác viên) đang tái tạo lại những nét đặc trưng và những đức tính cơ bản của Tinh Thần Trợ Thế như thế nào?

ĐIỂM MẠNH              ĐIỂM YẾU                  ĐỀ NGHỊ

Tinh thần trợ thế từ bi

Tinh thần trợ thế trong tình liên đới

Tinh thần trợ thế trong hiệp thông

Tinh thần trợ thế sáng tạo

Tinh thần trợ thế toàn diện

Tinh thần trợ thế hòa giải

Tinh thần trợ thế linh động hóa các nhân viên tình nguyện và Cộng tác viên

Tinh thần trợ thế tiên tri

CHƯƠNG 4

NHỮNG NGUYÊN TẮC SOI SÁNG

HOẠT ĐỘNG TRỢ THẾ CỦA CHÚNG TA

Chấp nhận tiếng gọi của Hội Thánh để ngày càng ý thức hơn về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mọi nhóm hay trung tâm/ hoạt động trong Hội Thánh, Dòng tự cảm thấy có nhiệm vụ rõ ràng triển khai căn tính của mình khi hoạch định hoạt động trợ thế trong ánh sáng của điều mà chúng ta gọi là "Nền Văn Hóa của Dòng". Mọi người chúng ta đều dấn thân vào nền văn hóa trợ thế này. Các Tu huynh và Cộng tác viên cùng ôm ấp những nguyên tắc soi sáng tính trợ thế của chúng ta trong mọi điều chúng ta làm. Giờ đây chúng ta xét đến từng nguyên tắc một.

4.1    Phẩm giá con người

4.1.1   Tôn trọng phẩm giá con người là một đặc tính cốt yếu của thái độ Kitô giáo chân chính.

Việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) cho họ một phẩm giá không thể phủ nhận. Trong số tất cả các sinh vật, con người là sinh vật duy nhất giống Thiên Chúa, được gọi để sống hiệp thông với Ngài, và có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Phẩm giá của mọi con người trong con mắt Thiên Chúa là nền tảng phẩm giá của họ trong con mắt của loài người, và của chính họ. Đây là lý do nền tảng để có sự bình đẳng cơ bản và tình huynh đệ giữa mọi người bất luận chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa và giai cấp xã hội. Đây là lý do tại sao không một người nào có thể sử dụng người khác như là những đồ vật. Ngược lại, mọi người phải được đối xử như một con người độc lập chịu trách nhiệm về chính mình, và phải được kính trọng.

Chính do phẩm giá của con người trước mắt Thiên Chúa mà con người có quyền lợi và nghĩa vụ tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Vì vậy, tất cả chúng ta phải coi mình là một giá trị cho chính bản thân mình, và có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ của chính mình. Chính do phẩm giá của mỗi con người trước mắt Thiên Chúa mà chúng ta có nghĩa vụ yêu thương đồng loại như chính mình, và sự sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm, chính là vì trên khuôn mặt của mỗi con người dọi chiếu một tia sáng của vinh quang Thiên Chúa (St 9,6).

4.1.2   Phải tôn trọng hết mọi người.

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, nên sự tôn trọng phẩm giá của con người đòi hỏi hết mọi người, không trừ một ai, phải coi đồng loại như một "bản thân khác", trước hết bằng việc chăm lo cho đời sống của họ và cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để họ có thể sống xứng với nhân phẩm. (1) Phẩm giá của mọi con người là một sự thực, cho dù họ có thể có những khiếm khuyết hay giới hạn nào, hay họ có thể bị rơi vào tình trạng thấp hèn nào trong xã hội.

Sự tôn trọng phẩm giá của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa luôn luôn được tìm thấy trong triết học và trong ý thức ngày càng gia tăng của thế giới về phạm vi rộng lớn của các quyền con người.

Bản chất phổ quát của sự tôn trọng phẩm giá con người đã được làm sáng tỏ trong phát biểu của Kant rằng con người là cùng đích có giá trị tuyệt đối và tự tại, được phú bẩm một phẩm giá không thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Hệ quả đạo đức là, trong tư cách con người, mọi người nam và nữ đều bình đẳng với nhau và đáng được đối xử và kính trọng như nhau. Phẩm giá nội tại trong con người vì họ là chủ thể có những quyền lợi và nghĩa vụ. (2)

4.1.3    Thái độ nội tâm và phương thức hiệu quả trong việc đón tiếp bệnh nhân và người nghèo khổ.

Vì giá trị và nhân phẩm của đau khổ, của khuyết tật và sự chết ngày càng bị con người nghi ngờ nhiều hơn, và có nguy cơ bị coi nhẹ, nên khi Dòng Trợ Thế chăm sóc cho bệnh nhân và người nghèo khổ, Dòng loan báo cho mọi người về di sản tuyệt vời của đức tin và niềm hy vọng mình đã nhận được từ Tin Mừng.

Noi gương thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Trợ Thế coi thái độ của Chúa Giêsu đối với những người thấp hèn nhất và những người bị gạt ra ngoài xã hội như một lời kêu gọi chúng ta dấn thân để bảo vệ và vun trồng những quyền cơ bản dựa trên sự tôn trọng phẩm giá con người.

Khi nhìn vào những cách thức khác nhau mà Dòng đã dùng để biểu hiện đặc sủng của mình hôm nay, chúng ta cảm thấy có một số lãnh vực có những dấu chỉ có ý nghĩa đặc biệt của Tin Mừng về tinh thần Trợ Thế Mới:

Cung cấp chỗ trọ qua đêm: như một biểu hiện về chiều kích cho không mà xã hội ngày nay hầu như không chấp nhận vì xã hội này dựa trên nhu cầu năng suất và hiệu quả;

Cung cấp nhà tế bần cho người bệnh ở giai đoạn cuối, như là nơi biểu hiện giá trị của sự sống trong giờ chết;

Chăm sóc những nạn nhân AIDS: để xoá bỏ sự sợ hãi và thành kiến phi lý;

Chăm sóc những người nghiền ma tuý: yêu thương những người không biết yêu chính bản thân họ;

Chăm sóc những người nhập cư: đón tiếp người xa lạ như đón tiếp Chúa Giêsu, là biểu hiện chân chính của Lòng mến khách;

Chăm sóc người già: khẳng định giá trị của sự sống trọn vẹn và toàn diện;

Chăm sóc người bệnh mãn tính và người khuyết tật: như một biểu hiện về giá trị và phẩm giá của con người.

Bất cứ nơi đâu có nghèo đói, bệnh tật, hay đau khổ, nơi đó là chỗ ưu tiên để chúng ta, các Tu huynh Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, thực hành và sống Tin Mừng của lòng thương xót. (3)

4.2   Kính Trọng Sự Sống Con Người

2. 1 Sự sống là một sự thiện cơ bản của con người và là một điều kiện tiên quyết để vui hưởng những lợi ích khác.

Vì là một sự thiện cơ bản của con người và là một điều tiên quyết để vui hưởng những lợi ích khác, sự sống không thể bị lệ thuộc những lợi ích khác, nhưng mỗi con người phải được nhìn nhận là có cùng một phẩm giá như mọi người khác trong những gì liên quan đến sự sống.

Mọi người đều có nghĩa vụ hoàn thành bản thân - nghĩa là phải coi sự sống không những là một hồng ân mà còn là một sự dấn thân hành động. Nghĩa vụ này đòi hỏi chúng ta duy trì sự sống như một điều kiện tất yếu để có thể hoàn thành nghĩa vụ gìn giữ sứ mạng mà chúng ta đã nhận được do việc chúng ta được phú ban sự sống. Bất luận bằng cách thức nào, luôn luôn phải theo một nguyên tắc luân lý cơ bản: chúng ta phải theo đuổi mục đích mà chúng ta đã được tạo dựng để thực hiện, chúng ta phải cố gắng hoàn thiện bản thân trong tư cách những phần tử của xã hội.

Đối với người tín hữu, sự sống con người là một hồng ân Chúa ban, và phải được kính trọng từ lúc bắt đầu sự sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên của nó. Vì quyền sự sống là bất khả xâm phạm và là cơ sở mạnh nhất cho quyền sức khoẻ và các quyền khác của con người, nên không thể có bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc phá thai hay sử dụng cái chết êm dịu một cách chủ động.

4.2.2    Việc bảo vệ đặc biệt các bệnh nhân mắc các chứng bệnh thể lý, tâm thần hay tâm lý.

Mọi người có bệnh thể lý hay tâm thần đều phải được coi như một phần tử của cộng đồng nhân loại, một con người đang đau khổ và hơn ai hết cần được chúng ta nâng đỡ và kính trọng để giúp họ tin vào giá trị của họ như là một con người. Điều này rất quan trọng hôm nay vì xã hội chúng ta đang tỏ ra ngày càng ít bao dung hơn đối với những bệnh nhân và người khuyết tật.

Dòng Trợ Thế phải tỏ rõ bản chất đặc trưng của mình bằng thái độ sẵn sàng giúp đỡ bao nhiêu có thể để thực hành và thể hiện thực tế những nguyên tắc về sự hội nhập, bình thường hóa và nhân vị hóa. Nguyên tắc hội nhập đối chọi với khuynh hướng cô lập, kỳ thị hay bỏ rơi những người khuyết tật. Nguyên tắc bình thường hóa bao gồm sự dấn thân của mình để phục hồi người khuyết tật bằng cách tạo ra một môi trường bình thường bao nhiêu có thể. Nguyên tắc nhân vị hóa nhấn mạnh sự kiện là khi đối xử với người khuyết tật, phải dành vị trí ưu tiên cho niềm hạnh phúc và sự phát triển nhân vị của họ, và đó là nghĩa vụ bảo vệ và phát huy những khả năng thể lý, tâm thần và đạo đức của họ.

4.2.3    Cổ võ sự sống, xây dựng hay cộng tác vào việc xây dựng những hoàn cảnh giúp khắc phục nghèo đói và bệnh tật.

Bằng việc Rao Giảng Tin Mừng Mới, Dòng Trợ Thế nhắm mục đích biểu hiện rõ ràng Tin Mừng sự sống bằng cách làm mọi cố gắng để bảo đảm xóa bỏ mọi cơ cấu bất công và vô nhân đạo, và tạo ra những khả năng để có một đời sống xứng với nhân phẩm tại những nơi đang tồn tại sự nghèo khó, bệnh tật, sự gạt ra ngoài lề xã hội, sự bóc lột và bỏ rơi.

Do tư cách môn đệ Chúa Giêsu theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, việc trợ giúp và cổ võ sự sống con người phải được chúng ta thực hiện bằng việc phục vụ của đức ái qua chứng tá cá nhân và tập thể dưới các hình thức khác nhau của việc phục vụ tự nguyện, việc lãnh đạo xã hội hay dấn thân chính trị.

Phục vụ sự sống phải bao gồm việc bảo vệ mầm sống mới phát sinh và tiếp tục bằng việc chăm sóc đầy tình huynh đệ tất cả những người đang đau khổ vì bệnh tật, bị xa lánh, bị gạt ra ngoài lề xã hội hay túng quẫn, bằng việc tôn trọng, bảo vệ và phát huy nhân phẩm của họ. Phải đặc biệt quan tâm tới những người đang ở giai đoạn cuối cùng của sự sống trần gian này.

Việc phục vụ để phát huy sự sống phải được thực hiện bằng những hoạt động và những biện pháp dự phòng, giúp đỡ những người khuyết tật và phục hồi những người có ngăn trở. Vì vậy sẽ không bao giờ là đủ khi giúp đỡ người khuyết tật đóng một vai trò đầy đủ của họ trong đời sống và trong sự phát triển của xã hội mà họ đang sống, và tạo một môi trường xã hội hoàn toàn chấp nhận họ như là thành viên của cộng đồng với những nhu cầu đặc biệt phải đáp ứng cho họ. Luôn luôn có rất nhiều việc còn phải làm.

4.2.4    Các bổn phận và giới hạn trong việc duy trì sự sống của mình.

Sự sống là một điều thiện cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để hưởng những lợi ích khác, nhưng nó không phải điều thiện tự tại và tuyệt đối. Có thể hy sinh sự sống mình cho người khác hay cho những lý tưởng cao thượng mang lại một ý nghĩa cho đời sống. Sự sống, sức khoẻ, và mọi hoạt động trần thế phải lệ thuộc các mục đích tinh thần.

Chúng ta bác bỏ khái niệm về việc con người có quyền làm chủ tuyệt đối và triệt để sự sống, và vì thế chúng ta không thể đồng tình với bất kỳ điều gì đòi hỏi quyền làm chủ sự sống hoàn toàn và độc lập, như quyền tiêu diệt sự sống. Đồng thời chúng ta có thể khẳng định quyền làm chủ "có ích" đối với sự sống của mình, nhưng không có nghĩa vụ bằng mọi giá phải bảo vệ nó. Sự sống là linh thiêng, nhưng chất lượng của sự sống, khả năng sống xứng phẩm giá con người và tạo cho sự sống một ý nghĩa cũng là điều quan trọng cần phải xét đến. Chúng ta không có bổn phận duy trì sự sống trong những điều kiện tệ hại đặc biệt.

Không phải mọi loại điều trị nhằm kéo dài sự sống sinh học đều có lợi cho người bệnh trong tư cách một con người. Các cá nhân không có bổn phận phải chấp nhận những phương tiện không cân xứng để duy trì sự sống mình. Trong mọi trường hợp, người ta luôn luôn có thể thẩm định xem các phương tiện sử dụng có cân xứng hay không, bằng cách xét đến tình trạng thể lý và tâm lý của bệnh nhân để rồi so sánh; phương pháp trị liệu, mức độ khó điều trị hay rủi ro có thể gặp; có thể có khả năng thành công hay không; chất lượng sự sống sẽ được bảo đảm như thế nào (trên quan điểm người bệnh); thời gian có thể kéo dài sự sống sống; những bất tiện có thể xảy ra (đối với người bệnh và thân nhân) mà việc điều trị và các chi phí tất nhiên gây nên.

4.2.5    Bổn phận không được đặt sự sống người khác vào nguy hiểm.

Sự sống con người là thiêng liêng vì từ khởi thủy nó đã là kết quả của hành vi sáng tạo của Thiên Chúa và luôn luôn tiếp tục ở trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo hóa là cùng đích duy nhất của nó. Duy mình Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc. Không một ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào có quyền giết một người khác một cách trực tiếp. (5) Trên cơ sở của nguyên tắc đặc sủng trợ thế mở ra cho mọi người và đón nhận mọi người, Dòng Trợ Thế chống lại án tử hình trong mọi hoàn cảnh.

Cái chết êm dịu theo nghĩa hẹp của thuật ngữ, nghĩa là một hành động hay một sự bỏ sót hành động mà tự nó cố tình gây ra cái chết với mục tiêu cắt đứt mọi đau đớn, là một sự vi phạm nghiêm trọng Luật Chúa. Khuynh hướng sử dụng cái chết êm dịu có vẻ là một trong những hội chứng nguy hiểm nhất của "nền văn hóa sự chết" đang lan tràn hôm nay, đặc biệt trong những xã hội thịnh vượng." (6)

4.2.6   Các bổn phận đối với các nguồn tài nguyên của bầu sinh quyển – môi trường

Việc bảo vệ sự toàn vẹn của vạn vật cho thấy rõ sự gia tăng quan tâm đối với môi trường.  Sự cân bằng sinh thái và việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của thế giới là những yếu tố quan trọng của việc đối xử công bằng đối với mọi cộng đồng trong "ngôi làng toàn cầu" của chúng ta. Và đây cũng là những đối tượng của sự công bằng phải được chia sẻ cho những thế hệ tương lai là những người sẽ nhận lấy di sản này từ tay chúng ta. Việc khai thác vô trách nhiệm những nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sẽ làm giảm chất lượng đời sống, phá hoại các nền văn hóa và đẩy những người nghèo tới chỗ khốn cùng ghê sợ. (7) Chúng ta phải cổ võ những thái độ chiến lược để tạo những mối quan hệ hữu trách với môi trường mà chúng ta sống và được chia sẻ, và chúng ta chỉ là những người quản lý của nó mà thôi.

Vì các cơ sở của chúng ta là những nơi chúng ta tiêu thụ vô số loại vật liệu khác nhau, nên chúng ta có thể cho thấy những dấu chỉ cụ thể và giàu ý nghĩa rằng chúng ta quan tâm tới môi trường bằng việc thiết lập các ủy ban cho mục đích này, dành ưu tiên cho việc sử dụng những vật liệu có thể bị phân hủy và có thể tái chế, đồng thời khơi dậy sự nhậy cảm của mọi người, các Tu huynh cũng như Cộng tác viên, qua những khóa học và hội thảo. (8)

4.3         Cổ võ sức khoẻ và đấu tranh chống đau khổ thể chất và tinh thần

4.3.1   Bổn phận tỏ lộ sự quan tâm tới việc cổ võ sức khoẻ của dân chúng.

Chúng ta phải nhấn mạnh nhu cầu giúp quần chúng nắm bắt thông tin và tổ chức những chương trình giáo dục để cổ võ những lối sống mạnh khoẻ và giảm bớt những nguy hại có thể tránh được cho sức khoẻ như việc sử dụng thuốc lá, rượu và các chất gây nghiện khác, coi đó là một phần của hoạt động cổ võ sức khoẻ của dân chúng. Những chương trình giáo dục này cũng bao gồm việc tránh những hoạt động tình dục có thể gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh AIDS và các thứ bệnh truyền qua đường tình dục, những thói quen ăn uống quá kém, thiếu vận động cơ thể và mức độ tiêm chủng miễn nhiễm không đầy đủ nơi trẻ em.

Tại nhiều nước, giáo dục chăm sóc sức khoẻ là một trong những phương tiện được dùng đễ giảm tỉ lệ tử vong và giảm khả năng nhiễm bệnh nơi trẻ sơ sinh bằng việc nuôi con bằng sữa mẹ và thông tin đầy đủ cho cha mẹ về việc dinh dưỡng và những rủi ro của nguồn nước bị ô nhiễm. (9)

4.3.2    Bổn phận đạo đức trong việc bảo đảm lợi ích tối đa của bệnh nhân.

Những người chúng ta hoạt động chăm sóc sức khoẻ có bổn phận đạo đức là phải luôn luôn tìm kiếm lợi ích tối đa cho những bệnh nhân của chúng ta, và đưa trách nhiệm này vào trong sự dấn thân của chúng ta để cổ võ và bảo đảm sức khoẻ cho dân chúng. (10) 

4.3.3   Cứu giúp người nghèo, người bị bỏ rơi và người đau khổ là một đòi buộc của Tin Mừng về công bằng.

Trong một thế giới đói nghèo và đau khổ (nghĩa là phần lớn dân số thế giới), sứ mạng làm cho thánh Gioan Thiên Chúa hiện diện hôm nay là sứ mạng đặc biệt quan trọng, bởi vì sự nghèo đói áp bức - do những cơ cấu xã hội bất công loại bỏ người nghèo - đang tạo ra sự bạo lực có hệ thống chống lại phẩm giá con người, đàn ông, đàn bà, trẻ em và thai nhi, là điều không thể chấp nhận trong Vương quốc của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta bộc lộ chiều kích tông đồ của đời sống chúng ta với một ý nghĩa tiên tri, trong tư cách "là người hướng đạo luân lý, là người soi sáng lương tri, là sự hiện diện báo trước và là sức mạnh ngôn sứ."

"Lý do tồn tại của Dòng chúng ta là để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đồng hành với họ và nâng đỡ họ trong những khổ đau của họ theo phong cách của thánh Gioan Thiên Chúa (.. .) Chúng ta thấy hiện đang có một số cố gắng để thích nghi đời sống và các cấu trúc của chúng ta nhằm phục vụ tốt hơn những con người bị xã hội bỏ rơi: các bệnh viện bán trú, các nhà trọ qua đêm, việc chăm sóc những người mắc bệnh AIDS, những con nghiện ma tuý và những bệnh nhân thời kỳ cuối, việc thúc đẩy những sự cải thiện trong các dịch vụ và môi trường tại những khu vực bị lãng quên - dựa trên cơ sở của những trung tâm hiện có (. . .) Những cố gắng này luôn luôn đòi hỏi những hành động nhất quán của Dòng để có thể hiện diện một cách không thể lầm lẫn được trước mắt người nghèo qua phong cách sống của Dòng như là một sự chọn lựa đặc trưng của mình; như thế, bằng đời sống, việc phục vụ, sứ mạng loan báo và cảnh giác của mình, Dòng có thể tạo được trong lãnh vực này một ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với Hội Thánh và những cơ cấu của xã hội." (11)

4.3.4    Cung cấp việc điều trị thích hợp cho bệnh nhân, và tránh việc điều trị vô ích.

Cho dù các bệnh viện của chúng ta có được tổ chức tối đa để cổ võ sức khoẻ, chúng ta cũng không được coi cái chết như là một hiện tượng quái lạ cần phải loại trừ, mà là một phần tất yếu trong cuộc đời, là một điều quan trọng đặc biệt để người bệnh có thể hoàn thành bản thân mình một cách sung mãn và siêu thoát. Do đó, chúng ta không được phép ngăn cản một bệnh nhân nào đối diện với cái chết một cách có trách nhiệm, nhưng ngược lại, chúng ta phải giúp đỡ để họ chấp nhận nó theo tôn giáo của họ và theo sự hiểu biết của họ về ý nghĩa đích thực của đời sống. Có nghĩa là không được che giấu họ sự thật, và không được cách ly họ với những mối quan hệ quen thuộc của họ đối với bạn bè, gia đình và các cộng đồng tôn giáo và ý thức hệ của họ, trừ khi điều này là thực sự và cấp bách cần thiết cho lợi ích của chính họ. (12)

Đây là cách duy nhất mà, trong giờ phút quyết định như thế của đời sống con người, người ta có thể thể hiện tính nhân đạo của y học.

4.3.5   Việc điều trị giảm đau.

Các bệnh viện của Dòng Trợ Thế mà điều trị những căn bệnh nghiêm trọng thì cần cố gắng bao nhiêu có thể phải có những khoa chăm sóc giảm đau để làm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được vào những giai đoạn cuối cùng của căn bệnh và đồng thời cung cấp sự chăm sóc nhân bản cân xứng cho người bệnh. (13)

4.4    Năng Lực, Hiệu Quả và Quản Lý Tốt

4.4.1   Chúng ta có bổn phận làm cho người ta ý thức rằng chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ không chỉ là vấn đề kinh tế.

Ở mọi quốc gia, những đòi hỏi cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vượt quá khả năng cung ứng của quốc gia. Một bổn phận quan trọng là cộng tác để gây ý thức cho toàn thể xã hội rằng chi phí cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y khoa không thể được nhìn đơn thuần dưới khía cạnh tài chính. Những chi phí đó là một sự đầu tư cho nguồn nhân lực nhằm giảm nhẹ sự đau khổ cho cá nhân và tạo điều kiện cho người ta có thể lao động sản xuất hay sống ở nhà hay giảm nhẹ các phí tổn điều trị. Các chi phí cho y học vì vậy làm giảm nhẹ các chi phí xã hội khác.

4.4.2    Trông coi và quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả.

Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ phải chấp nhận trách nhiệm bảo đảm quản lý hiệu quả các chi phí cho việc chăm sóc và trợ giúp, bao gồm những phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả, và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao phù hợp với những thông số khả thi và thực tế.

4.4.3   Bệnh viện được nhìn như một doanh nghiệp phải được quản trị thế nào để phục hồi con người trong sự toàn diện của họ.

Bệnh viện được coi như một "công ty", phải được điều hành hay tái điều hành thế nào để có thể tái hội nhập con người toàn diện, nghĩa là con người nhìn dưới khía cạnh thể lý, tâm lý, xã hội, và thiêng liêng, tóm lại là chính yếu tính của sự nhân bản hoá việc chăm sóc y khoa. Trong bệnh viện, được coi như một công ty, đầu tư cho việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo sẽ thúc đẩy năng suất và kích thích tính hiệu quả của công việc tại đây. (14)

4.4.4   Đầu tư cho việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo là một phương thế để bảo đảm kết quả tốt hơn cho sự đầu tư.

Giống như trong mọi doanh nghiệp khác, việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo trong một bệnh viện cũng góp phần vào việc sử dụng các nguồn một cách tốt hơn và cải thiện điều kiện lao động của các nhân viên chăm lo sức khoẻ. Bằng cách đối xử nhân đạo với chính mình, họ cũng có thể giúp tạo những điều kiện nhân đạo hơn cho các bệnh nhân. (15)

Trong số những sự cải thiện cần làm, phải đặc biệt lưu tâm tới những khóa bồi dưỡng và tu nghiệp để cập nhật hóa nhân sự về kiến thức và kỹ năng qua việc đào luyện liên tục được tổ chức cho phù hợp với các hoàn cảnh của mỗi thời và mỗi nơi.

4.4.5   Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

Quyền lao động được cung cấp bởi hợp đồng lao động theo luật pháp hiện hành. Các chuyên gia về luật lao động phải tìm ra những giải pháp kỹ thuật và pháp lý tốt nhất để dung hoà quyền phản đối theo lương tâm và quyền lao động khi soạn thảo hợp đồng lao động, hay khi duyệt lại chúng sau đó, và khi thi hành các hợp đồng mới về lao động tập thể. Các bệnh viện, dưỡng đường và các trung tâm điều trị và chăm sóc của chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng các quyền của người lao động ở mức cao nhất để đề cao công bằng xã hội, nhưng không được gây thiệt hại cho sự tồn tại của chính mình, vì như thế cũng là đi ngược với công bằng xã hội.

4.5   Tinh Thần Trợ Thế Mới và Những Đòi Hỏi Mới:

       Các Thế Giới Thứ Ba và Thứ Tư

Hố ngăn cách giữa miền Bắc đã phát triển và miền Nam đang phát triển ngày càng mở rộng. Song song với sự dư dật của cải và các dịch vụ ở một số phần của thế giới, đặc biệt ở miền Bắc phát triển, là tình trạng lạc hậu không thể chấp nhận ở miền Nam, mà phần lớn nhân loại lại đang sống trong phần địa chính lạc hậu này. Khi chúng ta nhìn vào một phạm vi rộng lớn các lãnh vực khác nhau tại phần đất này: việc sản xuất và phân phối lương thực, chế độ vệ sinh, việc chăm sóc sức khoẻ và nhà ở, nguồn nước uống, điều kiện làm việc, đặc biệt đối với phụ nữ, mức tuổi thọ trung bình và các thông số xã hội và kinh tế, bức tranh toàn thể thật là ảm đạm, dù chúng ta chỉ xét riêng nó hay đối chiếu với những số liệu tương đương về những quốc gia phát triển cao trên thế giới. (16)

Ngay cả ở những nước đã phát triển, hàng triệu người của cái gọi là "thế giới thứ tư" bị gạt ra ngoài những phúc lợi xã hội bởi những lực lượng kinh tế và xã hội: đó là những người đàn ông, đàn bà và trẻ em sống trong cảnh nghèo khổ và khốn cùng, họ "không chỉ sống trong những điều kiện ngặt nghèo về thể lý và tâm lý, họ còn bị mất quyền công dân theo luật pháp, vì họ không được sự bảo vệ nào của luật pháp hay xã hội." Những ví dụ hiển nhiên nhất là những người thất nghiệp, những thanh niên không hy vọng kiếm được việc làm, những đứa trẻ đường phố bị khai thác và bỏ mặc cho số mệnh, những người già sống trong cảnh cô đơn và không được sự bảo vệ nào của xã hội, những người mới ra tù, những nạn nhân ma tuý, những người mắc bệnh AIDS, những người nhập cư nói chung và những người nhập cư bất hợp pháp nói riêng. . . tất cả đều là những con người bị kết án sống một cuộc sống cùng khổ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và có đời sống văn hóa bấp bênh. (17)

4.5.1   Liên đới và hợp tác.

Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là một sứ điệp tự do và một sức mạnh giải phóng. Giải phóng chủ yếu và trên hết là giải phóng khỏi tình trạng nô lệ triệt để của tội lỗi. Điều này một cách lôgích kéo theo sự giải phóng khỏi nhiều hình thức nô lệ khác về văn hóa, kinh tế, chính trị, và xã hội, tất cả rốt cuộc đều phát sinh từ tội lỗi và là những cản trở khiến con người không thể sống xứng với nhân phẩm. (18)

"Tình liên đới là một nhân đức Kitô giáo cao vời. Nó thể hiện sự chia sẻ những của cải thiêng liêng ngay cả trước những của cải vật chất." Nguyên tắc liên đới là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô hữu. Liên đới được biểu hiện trên hết qua việc phân phối của cải và trả công cho công việc đã làm. Các vấn đề kinh tế-xã hội chỉ có thể giải quyết nếu con người thể hiện mọi hình thức liên đới: liên đới giữa người giàu với người nghèo, nhưng cũng giữa người nghèo với nhau; liên đới giữa người lao động và chủ, nhưng cũng giữa những người lao động với nhau; liên đới giữa các quốc gia và các dân tộc. Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi đạo đức. Nói rộng ra, hoà bình trên thế giới tuỳ thuộc vào tình liên đới. (19)

4.5.2   Hợp tác và các người hợp tác: quyền lợi và nghĩa vụ.

Văn kiện của Tổng Tu Nghị LXIII nêu lên khá rõ những nghĩa vụ chính của các Tu huynh và Cộng tác viên Dòng thánh Gioan Thiên Chúa. (20) Sau đây là một số nghĩa vụ được nêu lên. Chúng ta phải:

- Sống nhân đạo nơi mình để giúp người khác sống nhân đạo: để là những chứng nhân cho sự thánh thiện theo tinh thần triệt để của Các Mối Phúc Thật theo gương thánh Gioan Thiên Chúa giữa người nghèo, là một người tôi tớ và một tiên tri.

- Thăng tiến mọi chiều kích của con người: chăm sóc người đau yếu, ân cần tiếp đón người bệnh mãn tính, quan tâm đặc biệt tới những người yếu đuối và nghèo khổ nhất, ở bên cạnh những người đang sống những giờ phút cuối cùng cuộc đời trầân thế của họ, biến việc chăm sóc và điều trị thành những hành vi rao giảng tin mừng.

- Truyền bá nền văn hóa trợ thế của chúng ta thay cho "nền văn hóa thù nghịch" hiện đang gia tăng sự thống trị không chỉ trên những mối quan hệ giữa các dân tộc, quốc gia và chủng tộc, mà cả những mối quan hệ giữa những con người với nhau. Chúng ta phải chứng tỏ một khả năng mới cho sự chấp nhận và tiếp đón, tạo lập những cộng đồng đức tin cởi mở cho tất cả những ai có quan hệ với chúng ta: những bệnh nhân, thân nhân của họ, những Cộng tác viên và bạn hữu. Mỗi trung tâm phải là một Hội Thánh nhỏ tại gia có khả năng tạo sự hiệp thông Kitô giáo trong đó mọi người cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Ngày nay hơn bao giờ hết, các Tu huynh Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa được kêu gọi trở nên chứng nhân của Thiên Chúa "Đấng Yêu Sự Sống" (Kn 11, 26) trong mọi quan hệ nhân bản của mình, hoà mình với dân tộc của mình và qua sự hiện diện của mình làm cho nơi mình sống trở thành một nơi tiếp đón và làm con người trở thành thực sự con người.

- Đề cao và phát huy những đức tính của các nhân viên và thiện nguyện viên cùng làm việc với Dòng và giúp họ dấn thân vào việc phục vụ và truyền bá Tin Mừng cho những người sống trong các trung tâm của chúng ta và trong các biến cố đặc biệt trong đời sống của Cộng đoàn.

- Đào tạo những chuyên gia chấp nhận triết lý và những giá trị của Dòng để họ có thể đảm nhiệm những chức năng quản lý và lãnh đạo trong các trung tâm của chúng ta.

- Đề cao và hành động theo các nguyên tắc về công bằng xã hội.

Các Cộng tác viên của chúng ta phải:

- Thực hiện các bổn phận chuyên môn của họ phù hợp với những nguyên tắc của tinh thần trợ thế, được diễn tả chủ yếu qua việc chăm sóc nhân đạo.

- Chứng tỏ ước muốn tôn trọng hay thực hiện tinh thần Tin Mừng.

4.5.3    Việc phục vụ tự nguyện: cho tự nguyện và xác định căn tính

Người tình nguyện là người mà, ngoài các bổn phận do công việc và bậc sống của mình, dâng hiến một cách liên tục và vô vị lợi một phần thời gian của mình cho các hoạt động không phải vì lợi ích bản thân hay các đồng sự của mình (khác với trong các hiệp hội) nhưng vì lợi ích của người khác hay những lợi ích tập thể của xã hội, theo một kế hoạch tự nó không được coi là mục đích (khác với đức bác ái) nhưng nhằm khử trừ hay thay đổi những nguyên nhân gây ra sự nghèo khổ và sự ruồng bỏ trong xã hội. (21)

Triết lý của chúng ta hoàn toàn giống triết ý của mọi hình thức phục vụ tình nguyện khác. Chỉ có một khác biệt duy nhất là những điều cơ bản cho mọi người chúng ta thì trở nên chuyên biệt trong trường hợp này vì đây là một hoạt động Trợ thế và xã hội được thực hiện trong các trung tâm của Dòng, theo tinh thần thánh Gioan Thiên Chúa. Trong việc phục vụ tình nguyện của chúng ta, phải có:

Nguyên tắc tự nguyện: các người tình nguyện thuộc về cùng một tổ chức, và tự ý gia nhập tổ chức này, vì họ xin gia nhập;

Nguyên tắc cho một cách tự nguyện: sự cống hiến phát sinh từ một nhu cầu nội tâm, một sự dấn thân cá nhân mà không có bó buộc nào từ bên ngoài;

Nguyên tắc liên đới: phát sinh từ nhu cầu muốn hiện diện trong cảnh thiếu thốn của người khác, tỏ lòng thiện cảm với họ và chấp nhận những thiếu thốn của họ;

Nguyên tắc bổ sung: đề ra những mục tiêu mà xã hội không thể hoàn thành một mình, làm xã hội thêm phong phú và nhờ đó cổ võ công bằng xã hội;

Nguyên tắc toàn vẹn nhân cách: ý hướng hầu như luôn luôn là cho đi, nhưng nhiều khi chúng ta thấy có những người quan tâm hơn tới việc họ được lợi lộc gì trong đó;

Nguyên tắc chuẩn bị: đòi hỏi sự huấn luyện và chuẩn bị thích hợp để họ có  những hiểu biết thực tiễn cần thiết, chiều kích tông đồ và những giá trị của Dòng chúng ta, và khả năng tỏ ra thoải mái trong Dòng trong mọi hoàn cảnh;

Nguyên tắc hợp tác: hoạt động dựa trên cơ sở phối hợp, hình thành một tập thể không có cá nhân chủ nghĩa;

Nguyên tắc Tin Mừng: vì việc phục vụ tự nguyện của chúng ta không phân biệt giáo phái, nên nó dựa trên Tin Mừng theo cung cách mà thánh Gioan Thiên Chúa đã sống sự tận tuỵ đối với người nghèo, người bệnh tật và người đau khổ. Các nơi mà chúng ta thực hiện phục vụ tự nguyện là những trung tâm có các giáo phái khác nhau: việc phục vụ tự do và sự đồng hóa với đặc sủng của Dòng là hai yếu tố nền tảng của việc phục vụ tình nguyện của chúng ta. (22)

4.6   Rao Giảng Tin Mừng, Hội Nhập Văn Hóa và Sứ Mạng

4.6.1  Toàn cảnh.

Rao giảng Tin Mừng là ơn gọi của Hội Thánh, và làm nổi bật căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh. Hội Thánh tồn tại là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là làm chứng tá, giảng dạy và loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cốt lõi và tâm điểm của Tin Mừng này là ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo, là hồng ân của Thiên Chúa để giải phóng con người khỏi tất cả những gì áp bức, và trên hết là sự giải phóng khỏi tội lỗi. (23) Việc rao giảng Tin Mừng bắt nguồn từ sứ mạng truyền giáo mà chính Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. . . Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20; xem Mc 16,15-18; Lc 24,46-49; Ga 20,21-23).

Để hoàn thành sứ mạng này, Tin Mừng phải được đón nhận, nhập thể, "chuyển dịch" (mà không phản bội) thành những nền văn hóa khác nhau. (24) Không thể có rao giảng Tin Mừng mà không có hội nhập văn hóa.

Sự phân cách giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là thảm kịch lớn nhất của thời đại chúng ta, cũng như nó đã từng là như thế trong những thời đại khác. (25) Hiện tượng tục hóa trong thực tế cũng có nghĩa là sự thiết lập một nền văn hóa vô tín ngưỡng như chúng ta đã nói ở trên, đặt nền trên ý tưởng rằng thế giới là tự tại, và mọi khẳng định về sự siêu việt đều là vô nghĩa về phương diện văn hóa và xã hội. Trong một tình hình như thế, những ai muốn trở thành Kitô hữu mà không phải từ bỏ thời đại của mình, cũng như không phải cắt đứt với nền văn hóa mà mình đang sống, thì chỉ có cách là phải ra sức đưa Kitô giáo hội nhập vào những nền văn hóa mà thời đại mới đã tạo ra.

Hội nhập văn hóa cho phép chúng ta đưa Tin Mừng vào trong mỗi nền văn hóa, nhờ đó chúng ta góp phần làm cho phong phú sự nhập thể lịch sử của Tin Mừng. Có nghĩa là khi Tin Mừng được nhập thể một cách cụ thể, nó sẽ chịu đựng những sự biến đổi mãnh liệt so với những hình thức nhập thể của nó trước đó. Bằng cách này, hội nhập văn hóa giúp chúng ta có thể hiểu và biến đổi "nhờ sức mạnh của Tin Mừng, các tiêu chuẩn phán đoán của con người, việc thẩm định giá trị, các mối quan tâm, các dòng tư tưởng, các nguồn cảm hứng và các mẫu đời sống, khi chúng đi ngược lại Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi." (26)

Khi thực hiện đúng đắn, việc hội nhập văn hóa phải được thúc đẩy bởi hai nguyên tắc: bảo đảm các nền văn hóa khác nhau phải phù hợp với Tin Mừng, và bảo đảm sự hiệp thông với Hội Thánh Toàn Cầu. (27)

4.6.2    Rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa, và sứ mạng của Dòng.

Con người thời nay tin vào những chứng nhân hơn là những thày dạy, vào kinh nghiệm hơn là học thuyết, vào đời sống và sự kiện hơn là lý thuyết. (28) Trong thế giới này, Dòng chúng ta có một vị trí đặc biệt ưu tiên đối với việc rao giảng Tin Mừng và hội nhập đức tin, chính là vì Dòng đang hiện diện tại rất nhiều nền văn hóa, tại 46 quốc gia, và trên cả năm châu lục. Nền văn hóa kỹ thuật, tuy có thể là nền văn hóa đối chọi nhất với các giá trị Kitô giáo, nhưng lại rất nhậy cảm trước những chứng tá sống động của chúng ta trong việc dấn thân phục vụ con người.

Đặc sủng của Dòng đòi buộc chúng ta sự dấn thân trọn vẹn này, vì sứ mạng của chúng ta chính là sự thăng tiến của mọi người xét trên mọi quan điểm: chăm sóc người đau yếu, ân cần tiếp đón người bệnh mãn tính, quan tâm đặc biệt tới những người yếu đuối và nghèo khổ nhất, ở bên cạnh những người đang sống những giờ phút cuối cùng cuộc đời trần thế của họ.

Chỉ khi sống trung thành với đặc sủng, chúng ta mới có thể rao giảng Tin Mừng và hội nhập văn hóa cho thế giới kỹ thuật, là thế giới của nền văn hóa thù nghịch đang thách thức nền văn hóa của tinh thần trợ thế mới.

Câu hỏi chúng ta sẽ phải trả lời trong tương lai là làm thế nào chuyển các hành vi chăm sóc của chúng ta thành các hành vi rao giảng Tin Mừng đích thực, làm thế nào biến đổi những nơi chúng ta đang hoạt động để trở thành những nơi rao giảng Tin Mừng đầy ý nghĩa. Đối với chúng ta, thăng tiến nhân bản và rao giảng Tin Mừng phải thuộc về một thực thể duy nhất không phân chia, bởi vì "ở đâu không có đức bác ái, thì ở đó Chúa không hiện diện, dù rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi." (29)

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 4

(1)     VATICANÔ II, Gaudium et Spes, (GS) §27.

(2)  Khái niệm về phẩm giá con người và quyền con người liên kết mật thiết với nhau trong Tuyên Ngôn Thế Giới vềâ Nhân Quyền (1948); trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa (1966); trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Công Dân và Chính Trị (1966); và mới đây tại Hội Nghị về Quyền Con Người trong Y khoa sinh học (1997): mặc dù những Tuyên ngôn này không minh nhiên định nghĩa nhân phẩm là gì, hay nó dựa trên cơ sở nào, nhưng tất cả đều nhìn nhận rằng nhân phẩm thuộc về bản tính con người và cũng nhìn nhận rằng những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới.

(3)  TỔNG TU NGHỊ LXIII, Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới Trước Thềm Thiên Niên Kỷ III, Bogotá, 1994, §5.6.1.

(4)   Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi sự mất hay kém hoạt động của một cơ cấu giải phẫu học hay một chức năng thể lý hay tâm lý là một sự khiếm khuyết. Một khuyết tật là sự giảm thiểu hay mất khả năng thực hiện một hoạt động theo cách thức và với những kết quả bình thường. Sự suy yếu là một điều bất lợi mà một người mắc phải vì một sự khiếm khuyết hay vì một khuyết tật hạn chế hay cản trở người đó thực hiện những hoạt động lẽ ra là bình thường đối với người ấy khi xét về tuổi tác, phái tính, văn hóa và xã hội. (Alastair Anderson, Simplemente otro ser humano, Salud Mundial, tr. 34, Tháng 1, 1981: 6)

(5)   GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium Vitae (EV), §5.

(6)   Như trên, §§64-65.

(7)   PHAOLÔ VI, Octogesima Adveniens §21: GIOAN PHAOLÔ II, EV §§27 và 42.

(8)       Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §5.6.3

(9)  Hiệp Hội Y Học Thế Giới: Dự Thảo Tuyên Ngôn Cổ Võ việc Chăm Sóc Y Tế 10.75/94 Tháng 8, 1994.

(10) Như trên.

(11) Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §3.6.3

(12) EV, §15. . .

(13) EV, §44.

(14) GIOAN PHAOLÔ II, Centesimus Annus §§40; 20; 32.

(15) MARCHESI PIERLUIGI, Humanisation 1981.

(16) GIOAN PHAOLÔ II, Sollicitudo Rei Socialis, §14.

(17) Thư của Hồng Y CARLO MARIA MARTINI, The Pastoral Biennium 1991-1993.

(18)   HUẤN THỊ CỦA THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tự Do Kitô Giáo và Giải Phóng, Rôma 1986.

(19) CCC 1939-1942

(20) Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, §4.4.

(21)   CARITAS. CM. Del Carmen Furés: El voluntariado en nuestra sociedad en Labour Hospitalaria 1985; 1984: 206.

(22)   PILES F. PASCUAL, Origen y trayectoria del Voluntariado en la Orden Hospitalaria de San Juan de Dios; Congreso Nacional de Voluntarios de San Juan de Dios, 18-20 tháng 10, 1995.

(23) PHAOLÔ VI, Evangelii Nuntiandi (EN) §9, 14.

(24)   Văn hóa là cách thức mà con người sống, suy nghĩ, cảm thấy, tự tổ chức bản thân mình, vui mừng và chia sẻ đời sống. Mọi nền văn hóa đều có một hệ thống giá trị nền tảng, hệ thống ý nghĩa, thế giới quan, được diễn tả ra bên ngoài bằng ngôn ngữ, hành vi, biểu tượng, nghi thức, và lối sống.

(25) Như trên §20: Gaudium et Spes, §43.

(26) EN, §19.

(27) Xem GIOAN PHAOLÔ II, Redemptoris Missio, §54.

(28) Nt., §42.

(29)   Thánh GIOAN THIÊN CHÚA, Thư gửi Luis Bautista §15. Xem thêm Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Thế Mới, 4.3.    

 

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 4

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1)      Mô tả những dấu hiệu cho thấy các Trung tâm và Cộng đoàn của Dòng đang sống các nguyên tắc trợ thế như thế nào trong các lãnh vực sau:

- phẩm giá con người

- kính trọng sự sống con người

- cổ võ sức khoẻ và đấu tranh chống đau khổ thể chất và tinh thần

- tính hiệu quả và việc quản lý tốt

- tinh thần Trợ thế Mới

- Rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa và sứ mạng.

2)      Mô tả những gì làm chúng ta khó thực hành những nguyên tắc sau đây:

- phẩm giá của con người

- kính trọng sự sống con người

- cổ võ sức khoẻ và đấu tranh chống đau khổ thể chất và tinh thần

- tính hiệu quả và việc quản lý tốt

- tinh thần Trợ thế Mới

- rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa và sứ mạng.

3)      Chúng ta đang truyền bá thế nào các nguyên tắc soi sáng tinh thần Trợ thế và việc đào luyện được cung cấp cho các Tu huynh, Cộng tác viên và những người chúng ta phục vụ?

4)      Chúng ta cần phải làm gì để bảo đảm việc phổ biến các nguyên tắc ấy sâu rộng hơn và được sử dụng cho việc đào luyện?

CHƯƠNG 5
ÁP DỤNG VÀO CÁC HOÀN CẢNH CHUYÊN BIỆT

5.1         Sự Chăm Sóc Toàn Diện và Quyền Lợi của Bệnh Nhân

Đóng góp của chúng ta cho xã hội chỉ đáng tin nếu chúng ta có khả năng biểu hiện được những tiến bộ của kỹ thuật và khoa học. Vì vậy điều quan trọng cho sự đáp ứng của chúng ta trong lãnh vực chăm sóc và trợ giúp là phải không ngừng cố gắng cập nhật về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Trên cơ sở này, chúng ta phải cung cấp sự chăm sóc nhắm đến mọi chiều kích của con người: thể lý tâm lý, xã hội và thiêng liêng. Chỉ khi việc chăm sóc của chúng ta lưu ý tới tất cả những chiều kích này, ít là theo những tiêu chuẩn thực tế và như một mục tiêu phải đạt, thì chúng ta mới có thể nói là mình đang cung cấp một sự chăm sóc toàn diện.

Có lẽ đây là lãnh vực đã giúp Dòng thành công trong việc vun trồng truyền thống cao quí của mình qua các trung tâm. Mức độ chăm sóc đã luôn là một đặc điểm nhờ đó các trung tâm của chúng ta đã kiên cường phát triển qua thời gian.

Hiến Pháp đầu tiên của Dòng nhấn mạnh cách thức chúng ta phải đối xử với bệnh nhân, và điều này đã luôn luôn được thi hành từ ngày đó, khi Dòng dành ưu tiên cho khía cạnh này trong suốt lịch sử của mình.

 

5.1.1   Thái độ của chúng ta đối với bệnh nhân, người nghèo khổ, và thân nhân của họ

Trong mọi hoạt động chăm sóc sức khoẻ và phục vụ xã hội, việc chăm lo cho những nhu cầu của con người (bao gồm cả tinh thần và những khía cạnh siêu nhiên của họ) là một yếu tố có tính quyết định.

Con người là một hữu thể có tương quan. Tùy theo mức độ tiếp xúc với người khác mà chúng ta xây dựng vững mạnh con người mình. Khi chúng ta chuyển mối tiếp xúc này thành một cuộc gặp gỡ hay trao đổi, chúng ta thể hiện sự sung mãn trong chiều kích tương quan của mình.

Vì vậy ta thấy được tầm quan trọng của việc gặp gỡ, lắng nghe, chấp nhận, đón tiếp, và biết cách bộc lộ những khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực hiện diện trong mỗi người đang sống và nhận ra những nhu cầu của tha nhân.

Dù xuất hiện dưới hình thức bề ngoài ra sao, bệnh tật là một biểu hiện sự giới hạn và yếu đuối của con người, và chính trong hoàn cảnh cụ thể đặc biệt này mà chúng ta nhận ra một đòi hỏi hiển nhiên và mặc nhiên của sự giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau.

Mọi người khi gặp những giới hạn và đau khổ đều tìm đến một ai đó để chia sẻ hoàn cảnh thương đau của mình, để trút đi gánh nặng của mình. Vì vậy tất cả những người thuộc Dòng Trợ Thế - Tu huynh, Cộng tác viên, Tình nguyện viên, v.v... - Cần phải đắc thủ, nuôi dưỡng và phát triển những đức tính sau:

5.1.1.1   Cởi mở và tầm nhìn rộng trước những đóng góp mới của xã hội, những tiêu chuẩn hành động mới, những nhu cầu mới của nhân loại, những nền văn hóa khác. Chúng ta là con người cởi mở khi chúng ta biết cách đón nhận những gì xã hội và thế giới cống hiến cho chúng ta, và biện phân ra được điều gì là tích cực trong những cống hiến đó để biến thành của mình. Dòng cũng là một tổ chức cởi mở khi biết cách chấp nhận cùng một thái độ như thế, tuy rằng trong trường hợp này cần có sự đối thoại giữa các cá nhân để có thể cùng nhau thảo luận, điều gì là tích cực cho mọi người.

5.1.1.2   Tiếp đón và tiếp thu.

Biết tiếp đón và chấp nhận những người đến với mình bằng một tinh thần yêu mến và hy vọng để tạo sự tin cậy nơi họ đối với những người và những tổ chức chăm lo cho họ. Sự tiếp xúc đầu tiên này rất quan trọng, và có thể mở ra hay đóng chặt cửa lòng người ta. Trong hoàn cảnh có nhu cầu của họ, mối tiếp xúc đầu tiên này với bệnh nhân là yếu tố rất quan trọng đối với họ. Giữa lúc gặp khó khăn, việc họ cảm thấy mình được chấp nhận và quan tâm là một yếu tố quyết định để họ có sự tin cậy và cảm giác an toàn đối với những người chăm sóc họ. Chúng ta phải bảo đảm không để cho chế độ bàn giấy và các thủ tục hành chánh trở thành một cản trở cho việc tiếp đón các bệnh nhân.

5.1.1.3   Khả năng lắng nghe và đối thoại.

Cho phép người ta giãi bày hoàn cảnh, nhu cầu, và những nỗi lo sợ của họ, và tìm thấy nơi chúng ta sự tin cậy và thanh thản của tâm hồn, trong những lúc vui mừng cũng như trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Các bệnh nhân phải hiểu ra rằng những lời giãi bày của họ không bị bỏ ngoài tai, nhưng được lắng nghe, xem xét và lưu tâm. Lúc đó người bệnh chỉ nói những gì họ có thể nói, có thể họ sẽ kể cho chúng ta mọi sự về bản thân họ.

Cũng có thể có những trường hợp bệnh nhân yêu cầu hay ao ước một điều không hẳn là thích hợp nhất cho họ. Dựa vào sự phán đoán riêng của mình, chúng ta phải có khả năng hiểu và giúp bệnh nhân hiểu được việc chúng ta định làm cho họ cả trong những trường hợp mà chúng ta có thể đang hành động theo những đường lối hoàn toàn khác với sự mong ước của họ.

5.1.1.4   Khả năng phục vụ.

Luôn luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân và những người thân của họ, luôn luôn sẵn sàng cống hiến khả năng chuyên môn, sự hiểu biết của chúng ta, và chính bản thân chúng ta trong tư cách là người, để phục vụ họ nhằm lợi ích toàn diện của họ. Chúng ta không phải luôn luôn làm những gì bệnh nhân muốn chúng ta làm, nhưng qua thái độ chúng ta đối xử với họ, họ sẽ hiểu chúng ta đang hành động vì lợi ích của họ hay vì lợi ích của chúng ta.

5.1.1.5   Tính đơn sơ.

Là lòng khiêm tốn của những ai mang sự trợ giúp đến cho những người cần giúp đỡ, và cơ bản là không muốn họ trở thành bị lệ thuộc.

Tính đơn sơ phải là đức tính của những người đang đi tìm sự thật, tìm lợi ích của mọi người, bao gồm cả những cơ cấu rất phức tạp như các bệnh viện của chúng ta.

5.1.2    Quyền lợi của bệnh nhân

Quyền lợi của bệnh nhân là một phần trong khung rộng lớn hơn các quyền cơ bản của con người. Trên quan điểm nhân quyền, quyền có sức khoẻ là một trong các quyền lợi được gọi là quyền sinh ra lần thứ hai, đó là các quyền lợi có bản chất kinh tế và xã hội. Thập niên 70 đã có nhiều sự nhậy cảm hơn về vấn đề này, và đã phát triển sự quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân, khi nhận thức rằng người bệnh, vì là một con người, nên được hưởng cùng những quyền lợi như mọi người, nhưng trong trường hợp của họ, do hoàn cảnh đau khổ, họ có một số nét cá biệt đòi hỏi được sự quan tâm tế nhị và tình liên đới nhiều hơn. Sự kiện này đã dẫn đến sự xuất hiện của các tuyên ngôn nhân quyền trên cấp quốc gia, miền, và địa phương.

Dòng chúng ta đón nhận tất cả những quyền đã được nhìn nhận hay công bố, và để cống hiến một sự chăm sóc toàn diện, Dòng nhấn mạnh những quyền sau đây:

5.1.2.1    Sự riêng tư.

Sự riêng tư gồm ba giá trị có tương quan mật thiết với nhau trong mối quan hệ giữa người chăm sóc và bệnh nhân: sự thầm kín, bí mật, và tin cậy. Lòng kính trọng đối với cá nhân con người đòi hỏi lòng kính trọng đối với sự riêng tư (1) và sự thầm kín của bệnh nhân, nghĩa là lãnh vực đặc biệt trong đó mỗi người có thể tự giãi bày chính mình, nhìn nhận mình, khẳng định và củng cố căn tính riêng của mình. Kính trọng sự riêng tư của mỗi người làm cho những cá nhân rất khác biệt nhau có thể sống chung trong xã hội. Bức màn bí mật bảo vệ sự kính trọng lẫn nhau, và mở ra khả năng tin cậy và tín nhiệm lẫn nhau như con đường đưa tới vùng riêng tư của người khác.

Lòng kính trọng và tin cậy lẫn nhau mở ra đường cho quyền thông tri những bí mật riêng của mình, vì biết rằng chúng sẽ không bị tiết lộ ra ngoài. Đây là bổn phận giữ bí mật chức nghiệp được coi là hiển nhiên và được hàm chứa trong cam kết không phổ biến cho người khác những gì mình biết được trong khi thi hành nghiệp vụ của mình.

Bổn phận giữ bí mật chức nghiệp đi đôi với bổn phận tiết lộ một bí mật chỉ khi không còn cách nào khác để ngăn ngừa một sự tổn thương hay thiệt hại gây ra một cách bất công cho người khác hay cho xã hội, chẳng hạn để ngăn ngừa sự lây nhiễm hay một điều xấu khác mà xã hội không thể tránh nếu không biết được điều bí mật.

Đà gia tăng việc chuyên môn hóa và mức độ kỹ thuật tinh vi trong y học đang làm gia tăng số trường hợp trong đó việc điều trị được giao cho một nhóm. Điều này tạo ra một sự chia sẻ bí mật, do đó đòi hỏi những người có liên quan phải đặc biệt chú ý để bảo đảm rằng sự riêng tư của bệnh nhân không bị xâm phạm.

Phải gây ý thức cho mọi nhân viên làm việc trong bệnh viện hay các trung tâm săn sóc sức khoẻ và xã hội, để họ hiểu rõ những cách thức mà quyền riêng tư và quyền tin cậy có thể bị xâm phạm. Có thể là những lời bàn tán về các bệnh nhân tại nơi công cộng, hay sự dễ dàng đọc các hồ sơ bệnh án bởi những nhân viên không có phép. Phải đặc biệt thận trọng đối với mọi danh sách của bệnh nhân có kèm tài liệu chẩn đoán và/hoặc điều trị được lưu trữ trong máy vi tính.

Để tạo điều kiện cho sự kính trọng quyền riêng tư của bệnh nhân, các Trung tâm của chúng ta bao nhiêu có thể phải có những phương tiện cố định hay di động (có thể là những phòng ngủ cá nhân hay những phòng dành riêng, hay có màn che) để khi cần các bệnh nhân có thể được cách ly. Cũng phải lưu ý tới tuổi tác và mức độ trầm trọng của căn bệnh đối với những bệnh nhân ở cùng phòng hay cùng khoa.

Các bệnh nhân có thể yêu cầu được ở một mình hay với một người mà họ tin cậy khi họ được bác sĩ khám bệnh, hay khi được y tá săn sóc. Bằng cách này họ có thể nói chuyện tư riêng với các nhân viên hữu trách. Cũng phải nhớ rằng mọi bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện đại học hay có sinh viên thực tập, đều là những trung tâm đào tạo, và sự hợp tác của họ là điều tối quan trọng trong vấn đề này.

5.1.2.2    Nói sự thật.

Quyền của bệnh nhân được biết sự thật thì gắn liền với quyền tin cậy chúng ta vừa nói trên đây. Đó là những quyền bổ sung nhau và cung cấp cơ sở chắc chắn nhất để thiết lập sự tin tưởng cần thiết vào bác sĩ, nhưng cả hai quyền này có thể mâu thuẫn nhau về lý do cơ bản cho mối tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân: đó là việc phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Trong mọi trường hợp, mọi quyết định phải được làm vì lợi ích cao nhất của người bệnh, xét như một con người toàn diện, đồng thời không được quên rằng sức khoẻ là một lợi ích xã hội.

Quyền của mỗi người được biết sự thật liên quan đến mình, và bổn phận tương ứng là thông tri sự thật cho họ, là hai quyền làm cơ sở cho sự hòa hợp xã hội. Sự tin cậy và tín nhiệm không chỉ bị phá vỡ bởi những lời nói dối, mà còn bởi sự thiếu thành thật, và sự tin cậy này vô cùng cần thiết trong mọi quan hệ giữa người với người khi có sự mập mờ trong dáng vẻ bề ngoài của con người chúng ta. Sự tin cậy và tín nhiệm đặc biệt quan trọng trong các tương quan giữa bệnh nhân và bác sĩ của họ. Vì vậy nói sự thật là điều rất quan trọng, và luôn luôn bao gồm một mức độ trách nhiệm nào đó, vì điều này không chỉ liên quan đến những sự kiện khách quan mà còn đến những hoàn cảnh có tầm quan trọng chủ quan rất lớn, đặc biệt khi tiên lượng về tương lai của người bệnh hay các khả năng của họ (tự do và khả năng vận động) hay tử vong, hay các sự thật khác mà người bệnh khó chấp nhận.

Điểm đầu tiên phải ưu tiên là người bệnh có quyền biết sự thật về sức khoẻ của họ, nhưng điều này không được gây phương hại cho những gì là thích hợp cho bệnh nhân xét như một con người toàn diện. Đôi khi có những động lực tình yêu chính đáng khuyên ta nên giữ im lặng: nói ra sự thật chỉ gây sự đau khổ không cần thiết. Nhưng giữ im lặng chỉ để trốn tránh sự phiền toái sẽ là một thái độ thiếu trung thực. Nếu chúng ta tìm được cách khéo léo để nói sự thật cho bệnh nhân, điều đó luôn luôn có thể có ích cho họ. Bác sĩ không có sự bó buộc chung chung là phải luôn luôn nói sự thật, mà họ còn phải lưu ý đến những xung đột về lợi ích có thể có nơi chính người bệnh, nhất là sự quan tâm của họ đến sức khoẻ, là lý do của mối tương quan giữa họ và bác sĩ.

Các nguyên tắc về giải pháp ngăn ngừa chúng ta áp dụng một giải pháp cứng nhắc và có sẵn cho mọi trường hợp. Bác sĩ phải nói sự thật, nhưng không được gây thiệt hại không cần thiết cho sức khoẻ hay những giá trị khác của bệnh nhân. Mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi ích toàn diện của bệnh nhân xét như một con người.

Có một số yếu tố ảnh hưởng tới những gì là thích hợp để nói cho bệnh nhân: sự kiên cường và sức mạnh nội tâm của bệnh nhân, những xác tín cá nhân và sự quân bình tinh thần của họ, và cả hình thức tương quan giữa một bệnh nhân nào đó với một bác sĩ nào đó. Cũng không được quên ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, gia đình và hoàn cảnh xã hội của bệnh nhân, khi bệnh nhân đến khám bệnh. Dù sao, việc chẩn đoán và tiên lượng có một tầm quan trọng đặc biệt. 

Trong những trường hợp mà căn bệnh tự nó và theo cái nhìn của bệnh nhân là ít nguy hại, bệnh nhân sẽ được an tâm nếu biết mình không bị che giấu điều gì. Miễn là căn bệnh có thể chữa khỏi, ta cần phải thông tin khá đầy đủ cho bệnh nhân để đón nhận sự hợp tác của họ. Điều này là tuyệt đối cần thiết, đặc biệt trong trường hợp mà không có sự hợp tác của họ, căn bệnh có thể dẫn tới tử vong.

Quyền của bệnh nhân được biết sự thật là tuyệt đối cần thiết khi bệnh nhân phải có một quyết định với đầy đủ hiểu biết. Bác sĩ có nhiệm vụ giúp đỡ họ trong điều này. Bác sĩ không thể quyết định thay cho bệnh nhân, và phải thận trọng không để bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi chính những điều lo ngại hay ức chế của chính bác sĩ. Họ phải tìm ra những cách thích hợp nhất để thông báo sự thật sao cho bệnh nhân có thể hiểu rõ những khía cạnh quan trọng nhất để họ có một quyết định khôn ngoan. Đôi khi phải để cho bệnh nhân có đủ thời gian nắm bắt thông tin trước khi họ có quyết định.

Khi cần phải nói cho bệnh nhân biết về cái chết không thể tránh khỏi và đã gần kề, phải nói cách nào để họ có thể thể hiện mình một cách trọn vẹn trong hành vi cuối cùng của đời họ. Nhiệm vụ này đòi hỏi người bệnh có khả năng đảm nhận và diễn tả đầy đủ vai trò của mình trong giờ phút quyết định này của đời họ. Cho bệnh nhân nuôi một chút hy vọng mong manh cũng có thể giúp họ phần nào, nhưng chúng ta không được quên rằng khi từ bỏ những hy vọng hão huyền, chúng ta có thể đạt được một thứ hy vọng khác có khả năng giúp chúng ta chấp nhận sự thật một cách thanh thản hơn và nhờ đó thể hiện mình trọn vẹn trong tư cách một con người. Điều này cũng xảy ra đối với những người không tin vào cuộc sống mai sau, nhưng đã tạo được một định hướng và một ý nghĩa cho đời sống của mình trong tương quan với người khác. Kiểu nói mơ hồ "quyền được chết của bệnh nhân" có một tầm quan trọng và ý nghĩa đích thực: không một con người nào có thể bị tước bỏ quyền sống cái chết của mình, nhờ đó họ làm tròn cuộc đời mình qua cái chết.

Chúng ta phải giấu sự thật khi chúng ta biết bệnh nhân không có khả năng chấp nhận nó. Quyền được biết sự thật không còn tồn tại khi bệnh nhân có thể bị rơi vào sự tuyệt vọng của định mệnh và trong sự huỷ diệt bản thân mình: nói cách khác, khi việc thông báo sự thật bị coi như một bản án tử vô nghĩa.

Bệnh nhân là những người nắm giữ quyền được biết sự thật, miễn là họ là những con người trưởng thành và làm chủ được chính mình. Khi bệnh nhân không có khả năng đảm nhận trách nhiệm này vì họ không đủ trưởng thành hay vì một lý do nào khác, phải nói sự thật cho những người phải làm quyết định thay cho bệnh nhân, trong tư cách những người được ủy thác hay những người quan tâm nhất tới lợi ích và sự an toàn của họ. Nếu bệnh nhân có khả năng, thì chúng ta chỉ được phép nói cho những bà con và những người thân thiết nhất của bệnh nhân những thông tin nào mà chúng ta tin một cách hợp lý rằng bệnh nhân muốn cho họ biết.

Cả về phương diện quyền được biết sự thật và bổn phận giữ bí mật, phải luôn luôn lưu ý tới sự tôn trọng tự do lương tâm của bệnh nhân cũng như của thày thuốc. Ở đây chúng ta chỉ nói về những bổn phận đối với bệnh nhân.

"Lương tâm là trung tâm và thánh điện thầm kín nhất của một người. Tại đây con người một mình đứng trước Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội tận đáy tâm hồn họ." (2) Chắc hẳn ngay cả người vô thần cũng cảm nhận được tiếng lương tâm nói với họ và sự kiện này đáng được sự kính trọng hoàn toàn, cho dù người ta muốn hiểu và cắt nghĩa nó thế nào. Giống như linh mục, người bác sĩ trong khi thi hành phận sự cũng phải đi vào thánh điện này, và phải đặt biệt lưu tâm để không xâm phạm đến nó. Cho dù là nhà nước hay Giáo hội cũng không bao giờ có thể nhân danh một điều gì mà mình cho là công ích để xâm phạm tự do lương tâm.

Thày thuốc không bao giờ được gây áp lực đối với lương tâm của bệnh nhân. Bổn phận của thày thuốc là chăm sóc sức khoẻ của bệnh nhân, cả khi họ phản đối lối sống làm cho bệnh nhân mắc bệnh (các bệnh hoa liễu, nhiễm trùng do phá thai bừa bãi, v.v...) và thày thuốc không được lợi dụng tình trạng lệ thuộc của bệnh nhân để giảng dạy đạo đức. Nhưng trong khi thực hiện việc điều trị và giúp đỡ nhân đạo, phải giúp bệnh nhân tìm lại sự an bình lương tâm của họ. Nhưng phải luôn hết sức kính trọng tự do của họ, cho dù chúng ta thấy phán đoán của họ sai lạc thế nào. Hơn nữa, cần tạo điều kiện để bệnh nhân có thể gặp các thừa tác viên tôn giáo hay những người khác mà họ cảm thấy có thể giúp họ cảm nghiệm một cách có ý nghĩa bệnh tật và cả cái chết của họ, bất kể họ thuộc tôn giáo hay ý thức hệ nào.

5.1.2.3   Tính tự trị.

Sự cổ võ và tôn trọng tính tự trị, đặc biệt trong lãnh vực y khoa, là một trong những thành tựu lớn nhất của thế giới hiện đại. Chỉ mới vài thập niên trước đây thôi, người ta luôn mang một não trạng rõ rệt là có sự chiếu cố trong quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, với hệ quả bác sĩ là người quyết định, còn bệnh nhân chỉ việc tin tưởng tuân theo lời khuyên của bác sĩ, vì biết rằng mình không chuyên môn cũng không có đủ hiểu biết để chọn quyết định tốt nhất. Bệnh nhân cũng hoàn toàn tin rằng bắc sĩ luôn luôn hành động vì lợi ích cao nhất của bệnh nhân. 

Những bệnh nhân của thời hiện đại không còn suy nghĩ theo kiểu đó nữa. Bệnh nhân ngày nay ý thức rõ các "quyền" của  mình, bao gồm quyền sống và bảo vệ sức khoẻ là những quyền hiển nhiên ưu tiên của họ. Và bệnh nhân cũng ý thức họ không chỉ là người nắm giữ những quyền này, nhưng hơn thế nữa, việc bảo vệ chúng không thể được ủy quyền cho người khác, ít là bao lâu họ còn có khả năng để tự mình làm những quyết định có ý thức.

Nhưng sự thay đổi thái độ này không phải không gây sự đau đớn, và mặc dù chủ nghĩa "bảo hộ" trước kia không còn được chấp nhận hôm nay, nhưng thay vào đó thường lại là một "chủ nghĩa hợp đồng" quá khích, theo đó người ta coi mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân chỉ như là một "hợp đồng" mà cả hai bên đều phải tuân thủ theo những điều khoản và điều kiện nêu trong đó. Hiển nhiên chỉ có thể vượt qua tính lưỡng cực này bằng cách thiết lập một giao ước điều trị theo đó bác sĩ cộng tác với bệnh nhân cho lợi ích cao nhất của họ, cùng biết tôn trọng những quyết định và chọn lựa của nhau. Để phương thức này đạt kết quả tốt nhất, phải có một sự hiểu biết rõ ràng thế nào là tính tự trị của bệnh nhân.

Theo một định nghĩa cổ điển, một quyết định có thể coi là có tính tự trị khi nó đáp ứng ba điều kiện. Thứ nhất là ý hướng. Nghĩa là quyết định đó phải là một sự chọn lựa "tự ý" tuyệt đối chứ không chỉ là một sự chọn lựa "mong muốn". Thứ hai, người quyết định phải biết mình đang quyết định gì. Hiển nhiên điều này đặt ra vấn đề nói sự thật cho bệnh nhân, đã được đề cập ở đoạn trên. Cuối cùng, quyết định này phải không bị một sự cưỡng bức bên ngoài nào. Nghĩa là không thể có một hình thức ép buộc nào (dù là sự ép buộc do uy tín của bác sĩ đối với bệnh nhân, hay do việc sợ rằng bệnh nhân có thể bỏ điều trị) hay sử dụng một mánh khoé nào (như thay đổi hay lèo lái sự thật, dù là với ý hướng mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân). Thường những tiêu chuẩn này cũng có nghĩa là không được "thuyết phục" bệnh nhân, tuy nhiên, một cách khôn ngoan hơn, chúng ta tin rằng một cố gắng thuyết phục dung hoà và tôn trọng thậm chí có thể là một bổn phận nếu thực sự là nhắm tới lợi ích của bệnh nhân.

Đương nhiên trong thực tế, những tiêu chuẩn về sự tự trị trên đây của bệnh nhân được biểu hiện đầy đủ trong việc họ ưng thuận hành động mà bác sĩ đã chọn, dù trong việc chẩn đoán hay điều trị. Chúng ta sẽ nói thêm về điều này ngay sau đây.

5.1.2.4   Tự do lương tâm.

Quyền tự do lương tâm được nêu rõ ở Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền và là thành phần của hầu hết Hiến Pháp của các nước ngày nay, là một đòi hỏi của chiều kích đạo đức của con người và của việc con người hiểu sự hiện hữu của mình như là một tặng vật và một kế hoạch phải thực hiện. Điều này không loại trừ chiều kích tôn giáo của hiện hữu. Chúng ta nên nhớ rằng Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Phẩm Giá Con Người) của Công Đồng Vaticanô II mở đầu bằng lời phát biểu "con người có quyền tự do tôn giáo".

Việc thực hành quyền tự do này đương nhiên tuỳ thuộc nguyên tắc chung về trách nhiệm cá nhân và xã hội, sự kiện mỗi cá nhân hay tập thể xã hội đều buộc phải tôn trọng quyền lợi của người khác và nghĩa vụ đối với người khác và đối với công ích. Những sự hạn chế này mang hình thức của một trật tự pháp lý có tác dụng bảo vệ sự tự do tôn giáo và che chở nó khỏi sự cưỡng bức tôn giáo. 

Mọi cá nhân và toàn thể Hội Thánh có nhiệm vụ làm chứng đức tin của mình. Quyền tự do tôn giáo bao gồm quyền làm chứng đức tin này trong khi luôn tôn trọng công lý và phẩm giá của lương tâm người khác. Nhưng sự cưỡng bức tôn giáo là làm sai lạc chứng tá này, vì nó là một sự lạm dụng và là một việc thực hành chứng tá Kitô giáo quá khích đe doạ sự tự do tôn giáo của người khác. Theo Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới và Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Hữu, phải lên án các thái độ chính sau đây:

v   bất cứ thứ áp lực thể lý, luân lý hay xã hội nào làm sai lạc hay tước đoạt khả năng chọn lựa ý muốn tự do, tính độc lập và trách nhiệm của cá nhân;

v   bất cứ lợi ích vật chất hay thế tục nào được cống hiến một cách công khai hay gián tiếp để đánh đổi lấy việc theo đạo;

v   bất cứ lợi ích nào mà một người đang trong tình trạng thiếu thốn có thể nhận được nếu theo đạo, hay sự lợi dụng địa vị xã hội thấp hèn hay thiếu giáo dục của một người để lôi kéo người ấy theo đạo;

v   bất cứ điều gì có thể khơi dậy sự nghi ngờ về lòng tin chân thật của người khác;

v   bất cứ ám chỉ bất công hay thiếu bác ái nào về các tín đồ của các giáo phái Kitô giáo khác hay các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo nhằm lôi kéo tín đồ;

v   bất cứ hình thức tấn công xúc phạm nào đối với tình cảm của các Kitô hữu khác hay các tín đồ của các tôn giáo khác.

5.1.3   Các chương trình chăm sóc nhân đạo và mục vụ cho bệnh nhân

5.1.3.1  Các chương trình chăm sóc nhân đạo.

Một bệnh viện không theo sát đà tiến của kỹ thuật và khoa học sẽ có thể mang thái độ tự mãn và vì vậy không còn đối thoại được với ai, thì cũng thế, khoa học và kỹ thuật cũng có những rủi ro của nó.

Sự phát triển liên tục và sự xuất hiện không ngừng những nhóm chuyên gia và những phương pháp kỹ thuật làm việc mới đang đe doạ gạt con người ra một bên, bao gồm cả bệnh nhân và nhà chuyên môn, bởi vì trong nhiều qui trình làm việc, bệnh nhân có thể không còn đóng một vai trò cơ bản mà chỉ là vai trò thứ hai, và thậm chí không còn vai trò gì nữa trong một số phương pháp kỹ thuật. Chúng ta đang nói đến tất cả những loại dịch vụ chẩn đoán hay tiến trình thông tin mà trong quá khứ người chuyên gia đóng vai trò quyết định để công việc có thể thực hiện đúng mức, trong khi bây giờ vai trò của người bệnh trong nhiều trường hợp chỉ là thứ yếu hay không có.

Nhưng không một sự phát triển nào trên đây không ảnh hưởng tới phản ứng của con người, và chúng không làm cho người ta trở nên dửng dưng, mặc dù có nguy cơ người ta có thể trở nên dửng dưng. Khuynh hướng cách ly và phân biệt, và khuynh hướng tôn thờ sự độc quyền của kỹ thuật xuất hiện đặc biệt chống lại bệnh nhân, vì họ là những con người thụ động trước mọi hoạt động chuyên môn này: Mọi sự được làm cho người bệnh, nhưng không có sự góp phần của người bệnh. 

Đó là lý do tuyệt đối quyết định để thực hiện những chương trình nhân đạo trong các Trung tâm của chúng ta. Ở đây chúng ta không chỉ nói đến việc thực hiện các dịch vụ, mà là hoạch định những chương trình nhân đạo đúng nghĩa.

Mọi chuyên viên chăm sóc phải cảm thấy mình được gọi để chăm sóc cho người bệnh, cá nhân họ và thân nhân của họ. Đó là ý nghĩa nhân bản của các Trung tâm của thánh Gioan Thiên Chúa, khi bảo đảm rằng mọi nhân viên chăm sóc sức khoẻ đều làm việc cho bệnh nhân và với bệnh nhân, bằng cách sử dụng những phương tiện kỹ thuật tốt nhất để phục vụ con người mà mình chăm sóc.

5.1.3.2    Chăm sóc mục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ.

Bệnh nhân hay người nghèo khổ là người sức khoẻ bị suy yếu, vì thế cả con người họ rơi vào khủng hoảng.

Nhưng vì chúng ta tin rằng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô là một nguồn của sức khoẻ và sự sống, nên người bị khủng hoảng vì bệnh tật có thể được hướng dẫn để đưa họ tiếp xúc với chiều kích đức tin của họ, nếu họ có, để sự gặp gỡ giữa đức tin và khủng hoảng có thể biến thành một nguồn sức khoẻ toàn diện.

Một trong những giá trị lớn của xã hội chúng ta là sự đa nguyên đã được thiết lập. Đã qua từ lâu thời kỳ mà các thể chế chính trị được áp đặt trên chúng ta, hay thời kỳ mà quyền bính và thậm chí đức tin và tôn giáo cũng là một sự áp đặt. Đức tin là một quà tặng, và vì thế có thể chấp nhận hay khước từ", gạt bỏ hay vun trồng để giúp nó phát triển và trưởng thành.

Trong các trung tâm của mình, chúng ta đã chọn nguyên tắc đa nguyên trong sự hiện diện của các nhà chuyên môn. Vì vậy chúng ta có những chuyên viên đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Trong các trung tâm, chúng ta cũng có những bệnh nhân đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Chúng ta muốn phục vụ và giúp đỡ mọi người. Chúng ta muốn đồng hành với họ để giúp họ đi qua toàn thể lịch sử cuộc đời họ, để làm cho giờ phút khủng hoảng này do sức khoẻ suy yếu tạo ra mang lại những lợi ích tối đa cho họ.

Bằng việc chấp nhận những giới hạn và lệ thuộc mà bệnh tật hay sự nghèo khổ gây ra, chúng ta có thể đồng hành với bệnh nhân để giúp họ khám phá lại lịch sử của họ, con người và ý nghĩa cuộc đời của họ. Chúng ta phải làm việc này với sự tế nhị và tôn trọng, phù hợp với tiến độ của bệnh nhân và người nghèo khổ. Với tất cả những ai trong số này cảm nghiệm ân sủng đức tin nơi mình, chúng ta có thể cử hành các nghi thức của tiến trình đức tin này, nhưng luôn luôn phù hợp với mức độ phát triển và trưởng thành của họ.

Các Trung tâm chăm sóc sức khoẻ và xã hội của chúng ta là những công cuộc của Hội Thánh, vì vậy sứ mạng của các trung tâm này là rao giảng Tin Mừng, bắt đầu bằng việc quan tâm toàn diện và chăm sóc những bệnh nhân và người nghèo khổ theo gương thánh Gioan Thiên Chúa. Khi nói về sự chăm sóc toàn diện, chúng ta muốn nói chúng ta quan tâm và chăm lo cho chiều kích thiêng liêng của con người như một thực tại hiện sinh, liên kết một cách hữu cơ tới những chiều kích khác của con người: sinh vật, tâm lý và xã hội.

Chiều kích thiêng liêng không phải chỉ đơn giản là chiều kích "tôn giáo" như chúng ta thường nghĩ tới, mặc dù nó bao gồm chiều kích tôn giáo. Nhiều người tìm thấy nơi Thiên Chúa câu trả lời cho những vấn nạn lớn của đời sống, trong khi đó với những người khác, việc tin vào Thiên Chúa không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời họ, và vì thế họ đi tìm những câu trả lời ở những nơi khác. Hơn nữa, Thiên Chúa không có cùng ý nghĩa đối với mọi người, và quan niệm và cảm nghiệm về Thiên Chúa cũng không giống nhau nơi mọi người.

Chúng ta phải chăm lo cho những nhu cầu thiêng liêng của bệnh nhân và người nghèo khổ, kính trọng họ và tự do của họ, mà không tìm cách ra vẻ người hùng hay người ban phát, nhưng phải cho họ những gì họ cần tuỳ theo khả năng chúng ta.

Chắc chắn bệnh tật, sự nghèo khổ và bị bỏ rơi là những cơ hội để nêu lên nhiều câu hỏi về ý nghĩa của đời sống và sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế chúng ta phải tìm ra những cách thức để theo sát và đáp ứng những hoàn cảnh này bao nhiêu có thể. Vì vậy chúng ta cần quan tâm tới việc chăm sóc mục vụ đối với các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Chăm sóc mục vụ có nghĩa là rao giảng Tin Mừng bằng cách theo sát những con người đang đau khổ, cống hiến cho họ Tin Mừng bằng lời nói và chứng tá của chúng ta, giống như Chúa Giêsu đã làm, nhưng luôn luôn trân trọng những niềm tin và giá trị của mỗi người.

Việc Phục vụ Mục vụ được lập ra chủ yếu như một phương tiện chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của các bệnh nhân và người nghèo khổ, và nhu cầu của gia đình họ và của các nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Việc phục vụ này cần có một cơ cấu tương xứng, bao gồm nhân sự, các phương tiện, và một kế hoạch để bảo đảm việc hoàn thành sứ mạng.

Nhóm Mục vụ bao gồm những người được đào tạo để hoàn toàn hiến mình cho công tác mục vụ của Trung tâm, với sự cộng tác của những người khác cùng dấn thân cho công cuộc này trọn thời gian hay bán thời gian, hoặc trong tư cách tình nguyện viên. Phải có một kế hoạch hành động mục vụ và một chương trình chuyên biệt được thiết lập thích hợp để đáp ứng những nhu cầu của Trung tâm và của những người được chăm sóc tại trung tâm. Cũng phải có những đường hướng mục vụ liên quan đến những nội dung triết lý, thần học và mục vụ của kế hoạch. Trên cơ sở những đường hướng mục vụ này, phải soạn một kế hoạch mục vụ đáp ứng được những nhu cầu thiêng liêng thực sự của các bệnh nhân, gia đình họ và những nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Phải xác định rõ những mục tiêu, chương trình và dự án với những thông số cho việc đánh giá, đồng thời phân biệt những lãnh vực khác nhau hay những loại người khác nhau được phục vụ trong trung tâm, để thiết lập cho mỗi lãnh vực một chương trình chăm sóc mục vụ chuyên biệt và thích hợp.

Nhóm mục vụ phải đặc biệt lưu tâm tới việc đào luyện của mình để có thể theo kịp sự tiến bộ, được cập nhật về chuyên môn và thiêng liêng để có thể cải thiện việc phục vụ của mình. Một hình thức giúp đỡ tốt cho nhóm mục vụ có thể là việc thiết lập một Hội Đồng Mục Vụ bao gồm những nhóm chuyên viên của Trung tâm, nhưng không chỉ là họ mà thôi. Những người này phải nhậy cảm với hoàn cảnh mục vụ và có chức năng chính là suy tư và hướng dẫn hoạt động của nhóm mục vụ.

5.2     Những Vấn Đề Chuyên Biệt Liên Quan Tới Việc Chăm Sóc Của Chúng Ta

5.2.1    Tính dục và sự sinh sản

5.2.1.1   Trách nhiệm trong việc làm cha mẹ.

Sự sinh sản của con người là cách mà Thiên Chúa cộng tác với con người khi họ tự ý để Ngài sử dụng như một dụng cụ của hành động sáng tạo của ngài qua việc truyền sinh. Điều này cắt nghĩa giá trị cao vời của sự sinh sản, vì là hành vi được trao phó cho cặp vợ chồng chấp nhận làm cha mẹ có trách nhiệm. (3)  Trách nhiệm sinh sản này có nghĩa là cặp vợ chồng phải rất chú ý tới hai ý nghĩa không thể tách rời của tính dục vợ chồng: kết hợp và sinh sản. Khi thực hiện nhiệm vụ cao cả này, cặp vợ chồng phải được hướng dẫn bởi Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh mà họ chấp nhận một cách có trách nhiệm trong tính độc đáo của lương tâm họ.

Trong các Trung tâm của Dòng, phải cổ võ tất cả những cơ cấu có thể khuyến khích việc sinh sản có trách nhiệm đích thực, những cơ cấu này bao gồm việc tư vấn đầy đủ, tuỳ theo những phương thức và kiểu mẫu chuyên biệt thích hợp với các điều kiện chăm sóc sức khoẻ và hoàn cảnh văn hóa tại mỗi nước.

Những tiêu chuẩn này cũng được dùng làm cơ sở cho những việc phục vụ chuyên môn mà các nhân viên chăm sóc sức khoẻ cống hiến cho những bệnh nhân ngoại trú cũng như nội trú.

5.2.1.2   Cắt đứt quá trình mang thai.

Sự sống con người là một giá trị tự tại được mọi người nhìn nhận, tuy rằng mỗi nền văn hóa và hoàn cảnh lịch sử nhìn nó với những sự nhậy cảm khác nhau. Sự kính trọng và bảo vệ sự sống là nền tảng cho mọi hoạt động và tổ chức chăm sóc sức khoẻ.

Việc bảo vệ sự sống trải dài suốt đời sống từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc tự nhiên, bất chấp những cách thức và hoàn cảnh mà sự thụ thai xảy ra, hay tình trạng sức khoẻ trước và sau khi sinh, những biểu hiện của nó về các quan hệ và sự chấp nhận của xã hội. Thực vậy, theo gương thánh Gioan Thiên Chúa, mọi trường hợp mà sự sống gặp rủi ro đều là lý do để cá nhân và xã hội dấn mình bảo vệ và chăm sóc quà tặng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người chăm sóc.

Khi chúng ta nói rằng, đối với chúng ta, sự sống con người là bất khả xâm phạm, chúng ta thiết lập một nguyên tắc đạo đức đòi buộc phải tuân theo, bất luận những vấn đề tranh cãi thần học liên quan tới lúc "bắt đầu sự sống" (xảy ra vào lúc thụ thai hay sau khi thụ thai). Theo quan điểm quân bình và thận trọng trong Donum Vitae và Evangelium Vitae, con người phải được kính trọng "như một con người" từ lúc thụ thai. (4)

Tính bất khả xâm phạm của sự sống con người có nghĩa Dòng Trợ Thế phải ngăn cấm tất cả những gì tiêu diệt sự sống trong những giai đoạn ban đầu của nó hay cản trở sự phát triển bình thường của nó, không chỉ dưới hình thức phá thai, mà còn bằng bất kỳ biện pháp nào khác mà trong thực tế tạo ra hậu quả này.

Cũng thế, phải đặc biệt chú ý để bảo đảm các thủ thuật chẩn đoán trước khi sinh không nhằm mục đích duy nhất là cắt đứt quá trình mang thai khi phát hiện thai bị dị dạng. Thực vậy, đối với chúng ta, việc dấn thân tích cực cho sự sống và đón tiếp và chấp nhận những người yếu đuối nhất và nghèo khổ nhất, chẳng hạn những người dị tật, đòi hỏi chúng ta phải trung thành với đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa. Điều này lại càng cần thiết hơn ngày hôm nay, khi nền văn hóa và những chính sách thống trị của nhiều quốc gia đang có khuynh hướng loại trừ sự sống của những cá nhân bị coi là "không hoàn hảo" một cách nào đó. Sự kiện có thể có loại chẩn đoán nói trên được thực hiện trong nhiều Trung tâm của Dòng có nghĩa là các Trung tâm này phải thiết lập những dịch vụ tư vấn cao cấp cho những cặp vợ chồng và những gia đình đang gặp khó khăn vì sự sinh ra của một đứa con dị tật.

Cũng phải áp dụng những tiêu chuẩn này để bảo đảm rằng việc chúng ta phản đối sự phá thai không dẫn tới việc miệt thị con người đã phá thai. Thực vậy, với đức ái Kitô, các công cuộc của chúng ta phải trở thành những Trung tâm không chỉ để tiếp đón sự sống, nhưng cũng để "xây dựng lại" một cuộc đời từng dày vò sâu sắc do việc phá thai. Không những phải tránh sự kết án lỗi lầm trở thành sự kết án con người lầm lỗi, nhưng chúng ta phải dùng tình yêu biến đổi con người lầm lỗi, để giúp họ trở thành người ý thức về lỗi lầm của mình, nhưng đồng thời tin cậy ở lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.

Tính bất hợp pháp của việc cố ý cắt đứt quá trình mang thai không có nghĩa là không được phép sử dụng những biện pháp phẫu thuật hay thuốc để bảo vệ sức khoẻ của người mẹ, khi việc này cũng có thể dẫn đến cái chết của bào thai, miễn là cái chết của bào thai không phải là một ý định trực tiếp, và sức khoẻ của người mẹ không thể đạt được nếu không nhờ sự giải phẫu hay điều trị bằng thuốc, và biện pháp này không thể trì hoãn. (5)

5.2.1.3    Sinh sản bằng trợ giúp kỹ thuật.

Có nhiều cặp vợ chồng không có con phải nhờ đến sự trợ giúp sinh sản của kỹ thuật như một phương tiện hiệu quả để khắc phục một vấn đề không phải do lỗi của mình.

Không một Trung tâm nào của Dòng được phép cung cấp dịch vụ này trừ khi có trình độ chuyên môn cao để làm việc này và được luật pháp công nhận cho mục đích này. Trong trường hợp đó, chúng ta coi việc giúp đỡ các cặp vợ chồng sinh sản bằng trợ giúp kỹ thuật là điều có thể chấp nhận về mặt đạo đức, để giúp cho sinh hoạt tính dục vợ chồng của họ mang lại kết quả là sự truyền sinh, khi sử dụng giao tử của cặp vợ chồng, và kính trọng sự sống của phôi.

Ở những nơi mà chính sách y tế công cộng đòi hỏi những loại hành động khác, phải tìm ra những giải pháp có thể chấp nhận được, hay có những chọn lựa thích hợp. Trong lãnh vực này, các Ủy Ban Đạo Đức và Đạo Đức Sinh học có thể là những nguồn trợ giúp tuyệt vời.

5.2.2    Hiến và cấy ghép cơ quan

5.2.2.1   Các loại cấy ghép.

Các khả năng của kỹ thuật cấy ghép ngày nay là một trong những thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta về mặt đạo đức, và mời gọi chúng ta chấp nhận một chiều kích mới về tình liên đới giữa con người với nhau. Mọi người nam cũng như nữ, và tất nhiên mọi người Kitô hữu, nên coi việc hiến tặng các cơ quan của mình sau khi chết như là một nghĩa vụ. Dòng Trợ Thế ủng hộ những cố gắng của cả cộng đồng trong việc tán thành, quảng bá và chấp nhận một "nền văn hóa hiến tặng." Ngoài những khía cạnh pháp lý đòi hỏi phải có sự ưng thuận ít nhiều rõ ràng về việc lấy cơ quan của một người, khía cạnh hiến tặng này không bao giờ có thể được bỏ qua.

Đương nhiên cần có một cố gắng về văn hóa và giáo dục để khắc phục một số sự miễn cưỡng vẫn còn tồn tại trong việc lấy đi cơ quan từ một thi hài, bởi vì một số quan niệm sai lầm về tính "linh thiêng" của thi hài. Vì Dòng có hai chiều kích, vừa là một thực thể Hội Thánh vừa là một cơ cấu chăm sóc sức khoẻ, nên Dòng có thể giúp khắc phục sự miễn cưỡng này. Sự kính trọng đối với người chết mà lòng đạo đức Kitô giáo thấm nhuần không được trở thành một sự tôn thờ đối với xác chết.

Một vấn đề khác nảy sinh liên quan tới việc cấy ghép giữa những người sống với nhau. Mặc dù đây là một hành vi vô cùng quảng đại và đôi khi là anh hùng khi hiến tặng cơ quan mình cho một người khác, nhưng chính vì nó là một hành vi phi thường, nên không thể xét nó theo cùng những tiêu chuẩn đạo đức như khi hiến tặng cơ quan sau khi chết. Vì vậy nó thuộc số những hành vi phi thường mà con người không buộc phải làm theo nghĩa hẹp, nhưng dù sao cũng là biểu hiện của lòng quảng đại cao cả phi thường.

5.2.2.2   Chết não.

Vì mục đích lấy các cơ quan từ một xác chết, nảy sinh vấn đề tế nhị là xác định rằng não đã chết. Rõ ràng chỉ có thể lấy đi cơ quan từ một người đã thực sự chết. Vì lý do này có những luật rất khắt khe để xác định cái chết mà chúng ta phải "tin". Một người được kể là chết thật khi, theo một số thông số lâm sàng và/hay máy đo, không còn có một hoạt động nào ở vỏ não và thân não. (8) Đây là những tiêu chuẩn đầy đủ đã được cộng đồng khoa học quốc tế nhìn nhận và đáng tin cậy hơn là những tin tức giật gân do một số tờ báo lá cải tung ra. Chết là một tiến trình, chứ không phải một biến cố, và vì thế sự kết thúc cuộc đời trần thế của một người không phải là cái chết của toàn bộ cơ thể (bởi vì một số bộ phận có thể còn tiếp tục sống cho dù não đã ngừng hoạt động) mà là cái chết của cơ thể xét như một toàn thể.

5.2.2.3   Việc sử dụng mô của phôi và thai.

Việc cấy ghép mô của thai (tế bào gan hay não, v.v...) cho đến nay đã được sử dụng một thời gian để điều trị một số bệnh, đặc biệt các bệnh về máu và thần kinh. Vì những cá nhân mà những mô này được lấy đi thường là những bào thai cố tình bị phá, nên nảy sinh vấn đề đạo đức tế nhị liên quan tới việc "sử dụng" những cá nhân này, và vấn đề "sử dụng phá thai như một dụng cụ" và vấn đề về giá trị của sự ưng thuận bằng chữ viết của người mẹ. Tự nó, việc sử dụng các mô của phôi và thai không gây ra vấn đề đạo đức nào nếu những rủi ro và những ích lợi đã được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên phải tránh bất kỳ một sự khuyến khích ít nhiều ngấm ngầm nào về việc phá thai, và không bao giờ được coi các bào thai như là những "đời sống có thể vứt bỏ" mà người ta có thể sử dụng thế nào tùy thích. Phẩm giá con người của các bào thai phải tiếp tục được kính trọng, và mặc dù việc sử dụng chúng có thể cứu sinh mạng của những người khác, nhưng điều này không bao giờ được dùng làm cơ sở để hợp thức hóa việc phá thai. (9)

5.2.3    Bệnh Nhân Mãn Tính và Bệnh Nhân Ở Giai Đoạn Cuối

5.2.3.1   Cái chết êm dịu.

Sự kính trọng đối với sự sống từ lúc bắt đầu, và tiếp tục trong suốt đời sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên của nó. (10) Thuật ngữ "cái chết êm dịu" có nghĩa là cái chết được cung cấp hay tìm kiếm bằng cách sử dụng những phương thức có tính toán và cố tình gây ra cái chết này (cái chết êm dịu chủ động) hay cái chết do bỏ qua hay không làm những hành động mà có thể ngăn ngừa cái chết. Trường hợp thứ hai này thường được gọi một cách không đúng là cái chết êm dịu thụ động, là một từ ngữ mơ hồ và không thích hợp, vì hoặc là một hành động cố tình tiêu diệt sự sống con người (do làm hay không làm) hay chỉ là tránh sử dụng những phương thức trị liệu mạnh mà xem ra vô ích (trong trường hợp này không phải là cái chết êm dịu.)

Áp dụng cùng một nguyên tắc hiệu quả đôi đã được dùng đối với việc phá thai, không phải là cái chết êm dịu khi có hành động nhằm cải thiện tình trạng bệnh tật của một người (ví dụ để giảm đau) mà hành động này cũng tất yếu dẫn tới cái chết nhanh hơn, dù không cố tình.

Bổn phận bảo đảm mọi người được chết một cái chết xứng với phẩm giá con người có nghĩa là trong mọi trường hợp, mọi người phải được điều trị cho tới giây phút cuối cùng của đời họ. Vì có sự khác biệt cơ bản giữa chữa trị và chăm sóc, không một bệnh nhân nào mà không thể được chăm sóc, mặc dù có những bệnh nhân không thể chữa trị. Việc nuôi ngoài bằng tĩnh mạch, săn sóc vết thương, vệ sinh thân thể và những điều kiện thích hợp về môi trường là những quyền bất khả xâm phạm của mọi bệnh nhân, và không thể tước mất của họ những quyền lợi này cho tới giây phút cuối cùng của đời họ.

5.2.3.2   Di chúc lúc còn sống.

Di chúc lúc còn sống là một chứng từ nói lên ước muốn của một người để bảo đảm rằng những giá trị và xác tín của người ấy được tôn trọng nếu do thương tật hay đau ốm họ không có khả năng diễn tả chúng. Nói riêng, trong di chúc lúc còn sống, người ta yêu cầu thi hành quyền lợi của họ trong những hoàn cảnh mà họ không muốn được điều trị một cách quá mức hay không cần thiết; họ không muốn cái chết bị kéo dài một cách vô lý; và họ muốn giảm đau đớn bằng sử dụng những thuốc thích hợp, cho dù hậu quả của chúng có thể giảm bớt tuổi thọ của họ.

Khi tuyên bố một ý định như thế, di chúc lúc còn sống chắc chắn là tốt và đáng khuyến khích. Nó biểu lộ rõ người bệnh muốn các thày thuốc điều trị họ như thế nào vào giờ phút cuối cùng của đời họ. Ngày nay, di chúc còn sống không có hiệu lực pháp lý theo nghĩa hẹp của từ ngữ, và vì thế một bộ phận lớn của xã hội ngày nay tỏ ra có lý khi đòi hỏi phải có sự bảo vệ pháp lý đối với di chúc còn sống, để khi có tranh chấp, toà án có thể giải quyết trên cơ sở của luật chuyên biệt.

Hội Thánh không thể chấp nhận bất cứ điều gì gây ra cái chết, cho dù đó là ước muốn của người trong cuộc và do người này tự do bộc lộ. Những hạn chế về quyền tự do định đoạt sự sống mình nhờ sự can thiệp của thành phần thứ ba trong trường hợp bị bệnh bất trị hay mất khả năng vĩnh viễn, đến độ sự can thiệp đó trực tiếp gây ra cái chết, cho thấy rõ sự khác biệt giữa một di chúc còn sống có thể chấp nhận được đối với người Công giáo và những hình thức biểu lộ khác.

Ngoài vấn đề di chúc còn sống, cũng phải xét đến những hình thức khác của việc bảo vệ các quyền của bệnh nhân khi các thành phần thứ ba phải hành động cho một bệnh nhân mất khả năng. Việc này đòi hỏi sự nhìn nhận hợp pháp của người giám hộ được ủy quyền để lấy những quyết định y khoa. Người giám hộ này do bệnh nhân chọn có thể quyết định với cùng quyền hành như chính bệnh nhân, về những hành động nào là tốt nhất để bảo vệ lợi ích của bệnh nhân xét như một con người toàn diện.

5.2.3.3   Cân nhắc mức độ tương xứng giữa việc điều trị và điều trị vô ích.

Các bệnh viện của chúng ta được lập ra để cổ võ và bảo vệ sức khoẻ, vì vậy chúng không thể coi cái chết như điều gì xa lạ phải gạt ra một bên, mà coi cái chết như một phần cốt yếu của đời sống và là điều đặc biệt quan trọng cho sự hoàn thành viên mãn và siêu việt của bệnh nhân. Vì vậy mọi bệnh nhân có quyền không bị ngăn cản để lãnh trách nhiệm về biến cố sự chết của mình, hơn nữa, họ phải được giúp đỡ để làm điều này hợp với tôn giáo của họ và ý nghĩa đời sống của họ. (11) Điều này có nghĩa là, ngoại trừ trường hợp cần thiết thực sự và cấp bách, bệnh nhân không thể bị che giấu hay từ chối sự thật, và không được ngăn trở họ hưởng mối quan hệ của họ với gia đình, bạn bè, các cộng đồng tôn giáo và chính trị của họ. Đây là cách duy nhất để bảo đảm tính nhân đạo của Y khoa trong những giây phút quyết định này của đời sống con người.

Hiển nhiên, điều này có nghĩa bệnh nhân phải cảm nghiệm cái chết của mình với đầy đủ trách nhiệm và phẩm giá con người. Mặc dù không được phép trực tiếp gây ra cái chết, nhưng không được cung cấp một việc trị liệu vô hiệu quả đối với việc kéo dài đời sống hay chất lượng đời sống, mà chỉ là kéo dài một cách vô ích những đau đớn của cái chết bằng việc trị liệu vô ích. Mọi người có quyền được chết một cách xứng đáng và thanh thản, không phải chịu đựng những đau đớn không cần thiết, và mọi việc điều trị phải được cung cấp cho bệnh nhân tương xứng với nhu cầu của họ, chứ không được quá đáng. (12)

5.2.3.4   Điều trị giảm đau.

Có thể nói ngay từ thời sơ khai con người đã thực hành việc điều trị giảm đau mỗi khi đứng trước giai đoạn "chót" của một căn bệnh, vừa tìm cách giảm nhẹ nó bằng những thứ thuốc có thể có, vừa giúp đỡ, an ủi và ở bên người hấp hối cho tới giây phút cuối cùng. Ngày nay chúng ta có một ý tưởng tinh vi hơn về loại điều trị này, với một hệ thống cơ cấu cao hơn để xử lý nó (trong các viện Điều dưỡng, trong các khoa điều trị giảm đau, v.v...). Những điều kiện mới này cho phép chúng ta không bỏ mặc những người mắc bệnh nan y phải đau đớn một cách vô vọng. Điều trị giảm đau vì vậy là một sự "điều trị toàn diện" được cung cấp cho con người như một hình thức toàn diện để đáp ứng mọi yêu cầu của việc chăm sóc bệnh nhân. (13)

Trong thực tế, điều trị giảm đau có nghĩa chính xác là làm những gì cần phải làm cho bệnh nhân đặc biệt này. Chắc chắn nó không chữa được bệnh nhân, vì nó không thể. Nhưng nó bao gồm cả một loạt các việc trị liệu (đôi khi đòi hỏi rất nhiều về mặt kỹ thuật) để có thể bảo đảm một chất lượng đời sống tốt cho thời gian còn lại.

Vì những lý do này, mọi cơ sở của Dòng Trợ Thế đang chăm sóc những bệnh nhân trong thời kỳ cuối phải bao nhiêu có thể cung cấp những khoa điều trị giảm đau để làm cho giai đoạn cuối căn bệnh của bệnh nhân có thể chịu đựng nổi, đồng thời cống hiến cho bệnh nhân sự trợ giúp nhân đạo cân xứng.

5.2.4        Các vấn đề liên quan tới việc nghiên cứu trên con người

5.2.4.1   Các thử nghiệm lâm sàng.

Nghiên cứu là một trong những "đầu tàu" đã đẩy mạnh sự tiến bộ y khoa. Cùng với một số những khám phá tình cờ, như các chất kháng sinh hay quang tuyến X, việc nghiên cứu là tác nhân dẫn đến mọi thành tựu của khoa học hôm nay. Việc nghiên cứu không còn được thực hiện đóng kín trong các phòng thí nghiệm hay giới hạn trên súc vật nữa, mà còn trực tiếp trên người. Phương thức thí nghiệm này không phải một sự chọn lựa của một số nhà nghiên cứu nào, mà đã trở thành một nhu cầu sống còn, nhất là đối với một số loại thuốc mới. Sau những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên súc vật, mọi loại thuốc phải được thử nghiệm lần đầu tiên trên người. Rõ ràng trong trường hợp này, con người không được sử dụng như một vật thí nghiệm, mà chỉ là để tìm ra cách tốt nhất có thể áp dụng việc điều trị đang thử nghiệm, để rồi cũng có thể sử dụng cho những người khác sau này. Việc nghiên cứu trên người chỉ có thể thực hiện với một số điều kiện khắt khe được nêu rõ trong các tuyên ngôn và hiến chương quốc tế. (14) Và vì việc nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện trong các bệnh viện, nên các Trung tâm của chúng ta phải biết rõ những điều kiện này và áp dụng chúng một cách cẩn thận.

Điều kiện thứ nhất là mọi thí nghiệm phải thực hiện với giả thiết là các kết quả sẽ là có ích. Nói cách khác, phải đưa ra thị trường một loại trị liệu hay một loại thuốc chưa có trước đây vì nó tốt hơn một trị liệu hay một thuốc khác vì nhiều lý do: hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn, rẻ hơn, dễ dàng phân phối hơn, v.v...

Hiển nhiên mọi việc thí nghiệm phải được thực hiện với sự đồng ý của người liên hệ. Để bảo đảm giá trị của sự đồng ý này, người ưng thuận phải hoàn toàn tự do. Có nghĩa là không được gây một ảnh hưởng nào trên người ấy, dù là âm thầm hay thậm chí có áp lực "tinh thần", như cách nói có quyền của bác sĩ, hay mối e sợ rằng nếu không ưng thuận, bệnh nhân có thể sẽ không được điều trị đúng mức.

Sự ưng thuận này cũng phải có đầy đủ sự hiểu biết, để bệnh nhân biết rõ mình đang là một thành phần của một cuộc thí nghiệm lâm sàng và biết rõ các rủi ro cũng như lợi ích, các chọn lựa, các sự bảo hiểm, v.v... Một điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ưng thuận này có đủ sự hiểu biết, đó là bệnh nhân phải biết chính xác tình trạng bệnh lý của mình. Không được phép che giấu sự thật đối với bệnh nhân một cách vô thời hạn và thường xuyên. Bệnh nhân phải biết tình trạng sức khoẻ của mình vào mọi lúc. Nhưng không có nghĩa là không được thông báo sự thật dần dần hay chờ đợi thời gian thông báo, và chia sẻ với các thân nhân của người bệnh. Và chắc chắn không có nghĩa là bệnh nhân phải được thông báo với bất kỳ giá nào một khi họ đã nói rõ ràng họ không muốn biết sự thật. Cũng không buộc giải thích sự thật về những hiệu quả phụ xa xôi và có thể xảy ra. Chỉ cần nói sự thật một cách đúng mức.

Để bảo đảm việc ưng thuận là đúng và hoàn toàn, các Nhà hay các Tỉnh phải soạn ra một mẫu đơn đặc biệt để sử dụng cho mục đích lâm sàng trong các Trung tâm khác nhau. Điều quan trọng cơ bản là mọi nhân viên chăm sóc sức khoẻ phải ý thức rằng việc đòi hỏi sự ưng thuận không phải một thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ các bác sĩ, mà là một quyền lợi của bệnh nhân, và theo nghĩa này nó đòi hỏi nghĩa vụ đạo đức của các nhân viên chăm sóc sức khoẻ.

5.2.4.2   Nghiên cứu trên những người mất khả năng và những nhóm người dễ bị tổn hại bệnh.

Tất cả những điều vừa nói trên đây về việc thử nghiệm lâm sàng trên những cá nhân có khả năng về pháp lý và đạo đức, nghĩa là những người có khả năng hiểu rõ người ta nói gì và làm gì cho họ, và có sự ưng thuận với đầy đủ hiểu biết, nhưng không thể chỉ nói riêng về những nhóm người đó. Chúng ta vẫn chưa nói đến những nhóm bệnh nhân như trẻ em, những người mắc bệnh tâm thần và những người bị hôn mê, những nhóm người này cũng cần có những phương pháp trị liệu mới. Vì vậy phải nghĩ ra những hình thức "ủy quyền" cho những người có quan hệ gắn bó mật thiết với bệnh nhân hay những người có điều kiện để luôn luôn quan tâm tới lợi ích của bệnh nhân. Trong những điều kiện này và sau khi cân nhắc khả năng chấp nhận sự rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp với những lợi ích mà họ có thể nhận được, các việc thử nghiệm loại này có thể được thực hiện một cách hợp pháp.

Một vấn đề đặc biệt nảy sinh liên quan đến việc thí nghiệm trên những người lành mạnh. Khó có thể tìm ra những người chấp nhận chịu thí nghiệm loại này mà không đánh đổi lấy một thứ gì khác. Thường là những tù nhân chấp nhận thí nghiệm để đánh đổi lấy việc họ được giảm hạn tù. Việc thực hành này thường được biện minh như một thứ "tiền chuộc" mà họ trả lại cho xã hội. Trường hợp khác là những sinh viên được trả tiền cho một dịch vụ, hay có những trường hợp các "vật người thí nghiệm" được mua  trong các nước thuộc thế giới thứ ba bằng những khoản tiền rẻ mạt. Khỏi phải nói, yêu cầu cơ bản trong những trường hợp này là các cá nhân liên hệ phải hoàn toàn tự do trong việc chấp nhận làm thí nghiệm lâm sàng và không bao giờ được có sự xúc phạm nhân phẩm của họ. Trong các trung tâm của mình, chúng ta phải rất cẩn thận để bảo đảm mọi việc thử nghiệm trên những người lành mạnh phải luôn được thực hiện với sự ưng thuận hoàn toàn tự do của họ và với những bảo đảm cân xứng rằng không có những rủi ro quan trọng nào xảy ra.

5.2.4.3   Nghiên cứu trên phôi và thai.

Về việc thí nghiệm tiền sinh sản, có hai hoàn cảnh cơ bản. Thứ nhất, các thí nghiệm trên các phôi dư thừa do các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tạo ra. Thường người ta thực hiện các cuộc thí nghiệm này bằng sự biện minh dựa trên những lợi ích giả danh nhân đạo, cho rằng thà "sử dụng" cái phôi còn hơn là tiêu diệt nó hay đặt nó vào rủi ro bị đóng băng. Hoàn cảnh thứ hai có thể xảy ra là việc thực hiện thí nghiệm trên những phụ nữ có thai mà đã yêu cầu phá cái thai đó. Ở đây cũng vậy, người ta lý luận rằng cái thai được "sử dụng" bởi vì đàng nào nó cũng sẽ bị phá. Trong thực tế, cho dù những nghiên cứu này có vẻ sẽ mang lại lợi ích cho những con người khác, nhưng kết quả thực sự của nó là cố ý sử dụng con người như một phương tiện, dù là vì một lý do cao cả, khiến con người không còn là một "mục đích" nữa mà chỉ là một "phương tiện". (15)

Hoàn cảnh hoàn toàn khác đối với việc trị liệu thử nghiệm, dù có thể có những rủi ro, vì trong loại thử nghiệm này, cái thai có thể được lợi. Đương nhiên cái lợi phải có khả năng cao hơn hoàn cảnh không thí nghiệm hay với việc sử dụng một phương pháp trị liệu khác.

5.2.4.4    Các Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học.

Để cổ võ việc nghiên cứu, các bệnh viện lập ra các Ủy Ban Nghiên Cứu Lâm Sàng để phát triển những lãnh vực khác nhau của việc nghiên cứu lâm sàng và dược lý. Các Ủy Ban này cũng là một nguồn đào tạo và huấn luyện giúp khuyến khích và nuôi dưỡng các cơ hội suy tư, cung cấp thông tin, đổi mới và tạo lập ý thức trong lãnh vực chăm sóc, khoa học, giảng dạy, và quản trị.

Các Ủy Ban Đạo Đức phải được thiết lập hay cổ võ tại mỗi Trung Tâm của Dòng, và có nhiệm vụ bảo vệ sự độc lập và tự trị của bệnh nhân cũng như bảo đảm rằng các quyền lợi của bệnh nhân được tôn trọng. Các ủy ban này phải có cơ cấu cân xứng để đại diện cho mọi thành viên trong Cơ sở mà họ thuộc về và trên hết họ phải là những cá nhân có chuyên môn về lãnh vực đạo đức.

Không phải mọi quốc gia đều có một bộ luật cho lãnh vực đạo đức, và việc thiết lập các Ủy Ban này cũng thay đổi tùy theo mỗi nước. Ở một số nước có các Ủy Ban "quốc gia" trong khi ở một số khác có các Ủy Ban cấp bệnh viện. Một số Ủy Ban chỉ lo việc nghiên cứu, số khác lo những vấn đề lâm sàng. Một số hoàn toàn độc lập, trong khi số khác liên kết với một tổ chức nào đó, v.v...

Bất luận dưới hình thức nào, các Ủy Ban Đạo Đức đều có ba chức năng chính sau đây:

Thứ nhất là chức năng cho phép. Các Ủy Ban chịu trách nhiệm về việc xem xét các cuộc thí nghiệm thuộc cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Vì vậy các Ủy ban được yêu cầu cho ý kiến của mình sau khi cân nhắc mọi điều kiện cho phép thực hiện cuộc thử nghiệm (lý do cơ bản của việc nghiên cứu, tỉ lệ giữa rủi ro và lợi ích, sự bảo vệ bệnh nhân, sự ưng thuận có hiểu biết, v.v...).

Thứ hai là chức năng tư vấn, khi họ được yêu cầu bởi một thành phần thứ ba (các nhân viên chăm sóc sức khoẻ, bệnh nhân, các tổ chức bên ngoài, v.v...) để đưa ra ý kiến của mình về những vấn đề có ảnh hưởng đạo đức quan trọng, hay để làm sáng tỏ những hoàn cảnh có xung đột nơi lương tâm của những nhân viên chăm sóc sức khoẻ.

Thứ ba là chức năng văn hóa, các Ủy ban này có thể đưa ra những hướng dẫn về thái độ đạo đức hay tổ chức các sự kiện (hội nghị, sách báo, v.v...) nhằm cổ võ khả năng và trình độ chuyên môn cao hơn về đạo đức nơi các nhân viên và các tổ chức trong lãnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Ngoài ra, tuy đây không phải là một chức năng của họ theo nghĩa chặt, các Ủy ban này có thể có một ảnh hưởng lớn đối với việc đào tạo. Thực vậy, họ có thể được coi là những công cụ đào tạo theo đúng nghĩa để khơi dậy sự nhậy cảm đạo đức nơi các Tu huynh cũng như các Cộng tác viên trong các Trung tâm của chúng ta.

5.2.5        Những vấn đề đặt ra do ngành y khoa dự đoán

5.2.5.1   Tiết lộ sự chẩn đoán.

Ngành y khoa dự đoán được thực hành trong nhiều trung tâm của chúng ta ngày nay đặt ra những vấn đề đạo đức sinh học chưa từng được đặt ra trước đây. Vấn đề thứ nhất là việc thông báo sự chẩn đoán. Phải thông báo cho ai? Bệnh nhân, thân nhân của bệnh nhân, hay cả hai? Tiêu chuẩn đạo đức chung của việc nói sự thật cho bệnh nhân xác định rằng, tuy không phải là người duy nhất, bệnh nhân phải là người trước nhất có quyền biết sự thật, cho dù căn bệnh trầm trọng đến đâu. Thực ra, chính khi việc chẩn đoán xấu thì vấn đề lại là đặc biệt cấp bách.

Vấn đề về các căn bệnh di truyền cũng không là một ngoại lệ đối với luật này. Tuy nhiên, tính chất đặc thù của nhiều căn bệnh loại này, trong đó một số thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng theo nghĩa lâm sàng, đòi hỏi phải đặt ra cùng một câu hỏi như trên. Đương nhiên không thể phân tích đầy đủ vấn đề này, và phải cẩn thận xem xét riêng từng trường hợp, lưu ý tới những "quyền lợi" của mọi con người chịu ảnh hưởng, dành ưu tiên tuyệt đối cho bệnh nhân (mà không bao giờ được tước bỏ của họ điều gì là tư riêng nhất đối với họ) nhưng phải lưu tâm đầy đủ tới nhu cầu của những người thân của họ, nếu hoàn cảnh đòi hỏi.

5.2.5.2   Mẫu gen và việc bảo về sự tư riêng.

Trong những giai đoạn sắp tới của nghiên cứu y học, đang mở ra khả năng cho sự hiểu biết đầy đủ về mẫu gen của mỗi cá nhân, không chỉ theo nghĩa cấu trúc sinh lý của họ, mà quan trọng hơn, đó là khả năng hiểu rõ hơn những căn bệnh tiềm tàng. Tuy rằng đây là một điều kiện thiết yếu để bảo đảm có thể chữa trị các căn bệnh đó một ngày nào đó trong tương lai (qua công nghệ gen) nhưng khả năng này cũng nêu lên những vấn đề đạo đức học nghiêm trọng.

Vấn đề thứ nhất liên quan tới sự tư riêng và sự giữ bí mật dữ liệu này. Việc cất giữ dữ liệu này trong những "ngân hàng gen" có thể là một hình thức nguy hiểm cho các vụ tống tiền hay xâm nhập sự tư riêng của một cá nhân. Thực ra vấn đề này cũng giống hệt vấn đề xâm nhập các hồ sơ bệnh án hay xâm nhập máy vi tính. Tuy nhiên, đây là việc nêu lên một vấn đề cũ, đó là vấn đề giữ bí mật về các thông tin tư riêng, nhưng theo những hình thức khác. Có lẽ điều đáng lưu ý nhất ở đây là tính chất thâm sâu và "mật thiết" của một sự xâm nhập vào những gì là bí mật nhất của cấu tạo con người. Nhưng những tiêu chuẩn áp dụng trong những trường hợp khác cũng được áp dụng ở đây.

Vấn đề thứ hai cũng gắn liền với vấn đề trên, đó là về một thứ "thẻ căn cước di truyền" của mỗi cá nhân, mục tiêu cao nhất của ngành y khoa dự đoán mà ngày nay đang được nói đến rất nhiều. Một dụng cụ như thế có thể phát sinh những vấn đề gì? Nó có thể ảnh hưởng thế nào đối với sức khoẻ tâm lý của một người, khi biết rằng mình đang mang những căn bệnh di truyền khác nhau hiện chưa phát hiện ra về mặt lâm sàng nhưng vẫn tiềm ẩn nơi mình? Nó ảnh hưởng thế nào đối với vấn đề chọn người bạn đời? Chung chung trong quá khứ người ta luôn luôn nói rằng việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân để ngăn ngừa các bệnh di truyền là điều chính đáng. Đây có thể là phương án cuối cùng. Nhưng nó có thể chi phối sự chọn lựa của một cá nhân về mặt tình yêu không? Chắc chắn viễn tượng này còn rất xa vời, nhưng chúng ta phải chuẩn bị kịp thời cho viễn tượng ấy.

Một khía cạnh cuối cùng và thực tiễn hơn, nhưng cũng không kém quan trọng bởi nó liên quan đến những hệ quả và những vấn đề nghiệp vụ về sự bảo hiểm. Một ngày nào đó trong tương lai, một người chủ có thể đòi hỏi "thẻ căn cước di truyền" (giống như ngày nay người ta đòi hỏi giấy khám sức khoẻ) và vì thế loại bỏ mọi công nhân không thích hợp, hoặc bây giờ hay trong tương lai. Đây sẽ là một hình thức phân biệt đối xử lao động rất nghiêm trọng và đứng trước tình trạng này, triết lý chăm sóc của các Trung tâm của chúng ta phải bảo đảm có sự bảo hiểm nhằm bảo vệ các công nhân này, vì nếu không, điều này có thể tạo nên những hình thức nghèo khổ mới trong tương lai.

5.2.6   Các vấn đề đạo đức trong hoàn cảnh bị loại trừ và bị nghèo túng

5.2.6.1   Các người nghiện ma tuý.

Ở mọi thời và trong mọi cộng đồng, luôn luôn có những hình thức lệ thuộc thể lý hay tâm lý vào những chất kích thích khác nhau, thường mang một màu sắc pháp thuật hay tôn giáo, nhưng chỉ hôm nay vấn đề này mới mang những chiều kích đạo đức và xã hội to lớn đến như thế. Lý do chính là việc sử dụng chất kích thích đang lan rộng ngày nay, đặc biệt trong thành phần giới trẻ, gây tai hại cho cả cá nhân và xã hội.

Đây là một vấn đề rất phức tạp và Dòng Trợ Thế chúng ta được kêu gọi xem xét nó dưới những quan điểm khác nhau. Trước hết là dưới khía cạnh chăm sóc sức khoẻ do vấn đề này nêu lên: công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, các phương pháp lâm sàng giúp cai nghiện và việc điều trị nội khoa những biến chứng.

Thứ hai, vì những biện pháp tâm lý và giáo dục phải đuợc chọn để giúp những con người này khắc phục sự lệ thuộc tâm lý của họ. Khắc phục sự lệ thuộc thể lý tương đối còn dễ, nhưng khắc phục sự lệ thuộc tâm lý thì không dễ chút nào. Bởi vì, trừ khi có một ý chí mạnh để lấp đầy khoảng trống giá trị đã dẫn tới việc nghiện ngập, người nghiện sẽ không bao giờ thắng được cuộc chiến chống lại việc lạm dụng chất kích thích. Đây là lý do khiến Hội Thánh hiện diện khắp nơi trên thế giới trong một số cơ cấu của mình (các viện bác ái, các cộng đồng trị liệu) và nhờ đó đã giúp cho những con nghiện trước đây được hoàn toàn phục hồi và lấy lại địa vị của mình trong xã hội.

Sau cùng, chúng ta không được quên chiều kích xã hội của sự cam kết này của Dòng Trợ Thế, hoàn toàn phù hợp với đặc sủng của mình. Bởi vì rõ ràng nạn nghiền ma tuý là một trong những hình thức "mới" của sự nghèo đói mà chúng ta nói đến quá nhiều hôm nay, và Dòng được mạnh mẽ kêu gọi để cung cấp một lời giải đáp. (16)

Đương nhiên, những hoạt động này không được mâu thuẫn với những vụ việc công cộng, nhưng phải bổ túc cho những việc phục vụ ấy. Nói thế không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải tán thành những biện pháp pháp lý hay xã hội đã được chấp nhận, nếu chúng không phù hợp với sứ mạng đoàn sủng của các Trung tâm của chúng ta.

Dưới nhiều khía cạnh, nạn nghiền ma tuý cũng giống các hình thức nghiện ngập khác, như nghiện rượu chẳng hạn. Vì ở một số nước trên thế giới, nạn nghiện rượu quá tràn lan khiến nó là một vấn đề có tầm mức cao hơn nạn nghiền ma tuý rất nhiều. Hơn nữa, các thành phần xã hội liên quan thì đa dạng hơn nhiều, và đây cũng là một sự kích thích lớn hơn để Dòng dấn thân một cách hữu hiệu trong lãnh vực này.

5.2.6.2   Các nạn nhân AIDS.

Sự lan tràn căn bệnh này hiện nay và những đặc tính xã hội cá biệt của nó đòi hỏi Dòng chúng ta tìm ra một giải đáp lành mạnh cho vấn đề này, có thể tóm lược trong những sáng kiến đa dạng sau đây.

Trước hết phải là văn hóa. Tránh thái độ phân biệt đối xử với những người này, bên trong cũng như bên ngoài. Điều này trở nên rất cần thiết trong mọi trường hợp chăm sóc sức khoẻ mà các nạn nhân có HIV dương tính hay đã phát triển bệnh AIDS đang được điều trị trong những bệnh viện đa khoa vì những lý do khác nhau (sơ cứu, cần giải phẫu, v.v...) và vì thế chia sẻ tình trạng bệnh nhân nội trú của họ với những bệnh nhân khác và những khách đến thăm.

Thái độ tiếp đón và mở rộng này cũng phải được biểu hiện một cách thích hợp hơn trong tinh thần thể hiện chuyên biệt chiều kích đặc sủng, trong những cấu trúc đặc biệt để săn sóc những bệnh nhân hay ở bên những người đang ở trong giai đoạn cuối của căn bệnh. Dòng phải cổ võ những cấu trúc này, làm cho những cấu trúc ấy thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vốn luôn được thể hiện khi săn sóc cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất. Thực vậy, nhìn lại di sản lịch sử của mình, chúng ta không bao giờ được quên rằng nhiều Tu huynh của chúng ta đã chứng tỏ sự anh hùng của họ trong những thế kỷ trước qua việc họ phục vụ những người mắc các căn bệnh truyền nhiễm khác nhau.

Ngoài việc chăm sóc những bệnh nhân này, Dòng cũng phải góp phần vào việc phòng ngừa bệnh này chủ yếu bằng việc giáo dục dân chúng về những giá trị lành mạnh. Nếu những sách lược này tỏ ra kém hiệu quả hay không đủ, có thể làm giảm đi những tai hại bằng việc giúp người ta ý thức rằng, vì những biện pháp này tự nó có thể sai lầm, nên chúng sẽ không bao giờ tạo ra được bảo đảm tuyệt đối cho việc phòng ngừa lây nhiễm.

Ngoài ra, bao nhiêu có thể Dòng chúng ta phải cộng tác vào công việc nghiên cứu do các tổ chức chăm sóc sức khoẻ khác thực hiện, để tìm ra những phương thuốc mới và những cách trị liệu mới, hay những thuốc phòng ngừa để cuối cùng có thể đánh bại căn bệnh.

Sau cùng, chúng ta phải đặc biệt thận trọng để bảo đảm rằng thái độ đầy thông cảm sâu xa và chân thực của chúng ta và sự chấp nhận các bệnh nhân AIDS, việc chúng ta phản đối mọi hình thức gạt các bệnh nhân này ra ngoài lề xã hội, và bác bỏ mọi quan niệm cho rằng AIDS là một sự "trừng phạt của Thiên Chúa", không có nghĩa là chúng ta coi lối sống gây nên căn bệnh này là hợp pháp.

5.2.6.3    Người tàn tật.

Mặc dù xã hội hôm nay hình như đã tái khám phá ra được sự quan tâm đối với người tàn tật, mặc dù chung chung họ chấp nhận những người tàn tật như là "khác biệt", bằng những biện pháp đặc biệt như gỡ bỏ "những hàng rào cơ cấu", nhưng trên bình diện văn hóa và thành kiến của người ta, vẫn còn tồn tại một hình thức ruồng bỏ những người tàn tật. Thái độ ruồng bỏ này mở rộng tới việc cổ võ chủ nghĩa ưu sinh tiền sinh sản, được đẩy mạnh tới độ huỷ diệt những phôi có dị tật, đến độ đòi hỏi cái chết êm dịu để giết bỏ những trẻ sơ sinh dị dạng hay những người lớn tàn tật.

Nhưng đổ lỗi cho tất cả những thái độ này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đồng thời chúng ta không dấn thân để bảo đảm việc đón tiếp và yêu thương mọi con người trong tình trạng thua kém trong mọi xã hội muốn tự xưng là văn minh. Một xã hội thực sự xứng với con người không thể hướng về những "người mạnh", nhưng phải hướng về những "người yếu". Ngoài việc có những biện pháp chuyên biệt để nâng đỡ người tàn tật, Dòng cũng phải mang chức năng làm chứng tá này nữa.

Vì trong thực tế, các khuyết tật thể lí và tâm thần thường đi chung với nhau, nên chúng ta cũng lại phải xét đến những vấn đề đã nói ở đoạn trước. Nếu khuyết tật chỉ là thể lí, việc cung cấp sự phục hồi cũng không kém cần thiết. Bản thân xã hội cũng cần được sự phục hồi về khía cạnh này, bởi vì nó thường không có khả năng nhìn những người tàn tật một cách đơn giản như là những con người phải đối phó với những vấn đề đặc biệt.

5.2.6.4    Những người mắc bệnh tâm thần.

Do kinh nghiệm bản thân trong cuộc đời của Đấng Sáng Lập chúng ta, Dòng đã có một truyền thống tỏ lòng trìu mến đặc biệt đối với những người mắc bệnh tâm thần. Vì vậy chúng ta đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm và khả năng trong việc chăm sóc họ, và trong thực tế chúng ta đã thường xuyên là những người đi tiên phong trong việc đề xướng những ý tưởng và giải pháp mới mà nay đang được chính các giới chức chăm sóc sức khoẻ công cộng sử dụng. Thế nhưng, ngoài một số những vấn đề chuyên biệt liên quan tới pháp luật ở những nước khác nhau, các hoạt động chăm lo cho người tâm thần cũng nêu lên một số vấn đề đạo đức chuyên biệt.

Vấn đề thứ nhất được coi như mẫu số chung cho mọi vấn đề khác, đó là khả năng của người bệnh để diễn tả sự ưng thuận của mình. Việc khắc phục thái độ cha chú trong việc chăm sóc trong quá khứ và sự đề cao tính tự trị của bệnh nhân nói chung cũng áp dụng cho những bệnh nhân tâm thần. Thực ra, nó còn phải áp dụng vào những bệnh nhân này một cách triệt để hơn vì họ là những người bị hạn chế trong việc tự mình lấy những quyết định. Vì vậy người ta dễ bị rơi trở lại vào hình thức cha chú trước kia, dù điều này có thể là vì lí do bác ái. Nhưng không thể hành động như thế, trừ những trường hợp rất giới hạn khi những bệnh nhân này ở trong tình trạng cần thiết và họ không có những thân nhân hay các uỷ ban đạo đức sinh học, v.v..., và do đó không có chọn lựa nào khác cũng như không có ai khác để chia sẻ những quyết định. Bất luận thế nào, bệnh nhân phải dự phần của mình trong mọi quyết định trong mức độ khả năng của họ cho phép, hay chúng ta phải kêu gọi sự tham dự của những người có quan hệ mật thiết với bệnh nhân hay có vai trò luôn luôn lo cho lợi ích tốt nhất của bệnh nhân.

Điều này rõ ràng là cần thiết trong những trường hợp điều trị bằng thuốc an thần, bằng sốc điện, bằng những biện pháp hạn chế thể lý và cấm đoán sự tự do. Nhưng khi làm điều này, chỉ cần có sự ưng thuận chung chung và thường là mặc nhiên của những người được ủy quyền đưa ra sự ưng thuận đó mỗi khi cần phải làm cho với bệnh nhân.

Một vấn đề đặc biệt nhậy cảm nảy sinh liên quan tới việc sinh hoạt tính dục. Một điều kiện thiết yếu cho điều này là nó phải hoàn toàn tự do. Người mắc bệnh tâm thần bị giới hạn tự do quyết định ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đòi hỏi tính dục của họ luôn luôn tồn tại. Tuy có vẻ là một sự vi phạm nhân phẩm khi làm bất cứ điều gì gây hại cho một chức năng hoạt động nào của con người (trong trường hợp này là chức năng sinh sản), nhưng người mắc bệnh tâm thần không chỉ không có khả năng thể hiện quyền lợi này một cách tự do, mà hơn thế nửa, việc sử dụng tính dục của họ có thể dẫn tới việc mang thai, vì khả năng sinh vật nơi họ vẫn không thay đổi. Đây chính là lí do để chúng ta phải tỏ lòng kính trọng tối đa đối với con người trong bản chất thể lí toàn diện của họ, và phải có trách nhiệm ngăn ngừa những người tâm thần, do tình trạng hiện sinh của họ vào bất cứ lúc nào, không gây hại cho bản thân họ hay cho người khác.

Trong mọi trường hợp, ngoài những vấn đề chuyên biệt này, các trung tâm xã hội hay tâm thần của Dòng phải luôn luôn thấm nhuần tình nhân đạo sâu xa trong việc điều trị những người mắc bệnh tâm thần. Đây là một phần trong việc thực hành đoàn sủng trường tồn của sự nhậy cảm đặc biệt mà thánh Gioan Thiên Chúa đã tỏ ra đối với những người này, cũng là một lời tiên tri được lập lại trong một môi trường đang không ngừng cần đến những hoạt động nhân đạo. Điều này không chỉ được nhìn dưới khía cạnh của việc cung cấp cho người bệnh một chỗ ở thích hợp, một môi trường vệ sinh tốt, thực phẩm có chất lượng, tự do vận động và giữ các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, v.v..., nhưng còn phải mở rộng một cách tích cực sang lãnh vực "hoàn thành bản thân" của người bệnh. Để đạt điều này, chúng ta phải kêu gọi các tiềm năng của đương sự, mọi nguồn năng lực của họ, bao gồm các nguồn năng lực thiêng liêng. Tiến trình này phải làm chúng ta kính trọng một nhân vị, mà bất chấp những khuyết tật của họ, luôn có thể cho phép toả sáng khuôn mặt của con người.

5.2.6.5  Người già.

Thế hệ những người già đang không ngừng gia tăng dân số trong xã hội ngày nay, đồng thời không chỉ gia tăng bệnh tật mà họ mắc phải, kèm theo sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, mà còn tạo ra những vấn đề chuyên biệt về xã hội và an sinh con người. Những khó khăn có thực của một số gia dình trong việc chăm sóc những người già sống trong nhà, hay của một số gia đình ích kỉ ruồng bỏ người già, đã khiến cho những người già thường phải đến trú thân tại các viện dưỡng lão. Ngày nay Dòng chúng ta có nhiều cơ sở nuôi người già như thế trên khắp thế giới.

Đương nhiên có nhiều lí do khiến người già phải đến sống tại các viện dưỡng lão. Tuy chúng ta không có quyền xét đoán những gia đình đã đưa các người già của mình vào viện, nhưng Dòng phải cố gắng hết sức để khuyến khích tình cảm yêu thương giữa họ và gia đình họ, đồng thời giúp loại bỏ mọi cản trở cho lòng thương yêu này.

Chúng ta không được coi các Nhà của chúng ta để chăm sóc người già như chỉ để giải quyết vấn đề ăn ở cho họ, mà phải làm cho những Nhà này thấm nhuần ý nghĩa và tinh thần đoàn sủng của Dòng. Có nghĩa là chúng ta phải đánh giá cái "tuổi thứ ba" này không phải bằng ảo tưởng của sự hồi xuân vĩnh cửu, mà như là kinh nghiệm của một giai đoạn đặc biệt khác của cuộc đời, với tất cả tiềm năng và vấn đề của nó, giống như đối với mọi giai đoạn khác trong cuộc đời. Đương nhiên trong giai đoạn đặc biệt này, người già phải chịu một sự mất mát (sức khoẻ, vai trò xã hội, tình cảm, công việc, nhà cửa, v.v...) nên họ phải nội tâm hóa và bù đắp bằng những hình thức khác (kinh nghiệm, kí ức, những việc thiện họ đã làm trong quá khứ, v.v...). Sau cùng, nhìn từ quan điểm đức tin, có thể coi giai đoạn này của cuộc đời như là một đêm canh thức dài để chuẩn bị gặp gỡ vĩnh cửu.

5.2.6.6   Những vấn đề mới xuất hiện.

Chúng ta dùng thành ngữ này để chỉ những hình thức gạt ra bên lề xã hội hay những hình thức nghèo khổ mới, một số đã tồn tại, và Dòng đã đang hoạt động để cung cấp những giải pháp chuyên biệt qua sự chăm sóc và giúp đỡ nhân đạo, số khác vừa mới bắt đầu xuất hiện, nhưng là một thách đố cho sự tưởng tượng và dấn thân đạo đức của chúng ta.

Hình thức nghèo khổ mới thứ nhất là sự nghèo khổ của những người di cư và tị nạn, với con số đang tăng vọt hiện nay tại mọi nước phương Tây. Mặc dù những vấn đề do tình trạng này tạo ra chủ yếu có tính chất xã hội (việc hòa nhập văn hóa và tôn giáo, vấn đề việc làm, v.v...), nhưng cũng có một lãnh vực có ý nghĩa đặc biệt cho việc phục vụ đặc sủng trợ thế của chúng ta. Những giải đáp cho vấn đề này thì rất đa dạng, tùy theo óc sáng tạo của những con người biết lắng nghe hướng dẫn của Thánh Thần, và họ cũng có thể được kích thích bởi những nhu cầu chuyên biệt tại mỗi quốc gia hay hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đương nhiên, ngoài việc làm cho người di cư được tiếp nhận, còn có những vấn đề về chăm sóc sức khoẻ cho những người mà thường là không có khả năng nhận được những sự chăm sóc hay trợ giúp công cộng nào khác. Dòng cũng phải hoạt động để giải quyết những nhu cầu này bằng cách thiết lập những cơ sở đặc biệt để lo việc này khi có thể, cũng như tìm ra những giải pháp thích hợp cho các vấn đề này trong các Trung tâm hiện có của mình.

Một hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra đối với một nhóm người khác được xếp loại một cách đa dạng như những người vô gia cư, những người lang thang, những người chiếm dụng đất, những hạng người này có cùng một đặc tính chung của sự nghèo khổ triệt để, đó là họ không có một chỗ ở ổn định nào vì họ bị buộc phải sống trên đường phố, ngoài thềm cửa, và ở những phòng đợi của các nhà ga xe lửa. Có lẽ bức tranh của nhân loại đau khổ này, mặc dù sau bao nhiêu thế kỉ, rất giống bức tranh của nhân loại mà thánh Gioan Thiên Chúa hay thánh Gioan Grande đã từng đối diện. Chính vì lí do này, mọi loại biện pháp nhằm chăm sóc những con người này (vật chất, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, v.v...) đều nằm trong đường lối tiếp tục đặc sủng của Dòng một cách tuyệt đối.

Ngoài những hoàn cảnh này, rất có thể trong tương lai Dòng sẽ được yêu cầu có một đáp ứng mau chóng cho những tình huống khác mà hiện nay còn hiếm hay ít nhận ra hơn. Ví dụ những phụ nữ nạn nhân của bạo lực, những trẻ em bị lạm dụng, những người đã tìm cách tự tử, những người góa bụa cô đơn, những vấn đề tâm lí về chế độ ăn uống của họ (chứng biếng ăn và cuồng ăn), v.v... Sự quan tâm đúng mức cho nhu cầu của con người đau khổ tất nhiên cũng phải lưu ý tới những "đau khổ mới" này mà chắc sẽ xảy ra theo thời gian, và Dòng phải luôn sẵn sàng để chăm lo với óc sáng tạo và tình yêu.

5.3     Việc Quản Trị

5.3.1    Việc Quản Trị

5.3.1.1   Tổ chức và sử dụng các nguồn lực.

Đấng Sáng Lập Dòng chúng ta đã biết cách phải làm thế nào để là người tiên phong trong việc trợ giúp và chăm sóc vào thời đại của ngài, và ngài đã làm việc này bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn để tổ chức và phân phối các nguồn lực. Giống như ngài, chúng ta cũng được yêu cầu đề ra những sáng kiến tiên phong cho xã hội chúng ta. Còn hơn cả trong thời đại ngài, việc tổ chức và quản trị trong thời đại chúng ta phải là một yếu tố quan trọng của sự đóng góp của chúng ta.

Một trong các phương châm của các Trung tâm của ta có thể là: chứng tỏ khả năng hoạt động của chúng ta bằng cách phân chia đúng mức các nguồn lực, dành ưu tiên cho những khía cạnh chuyên biệt nhất của mỗi cơ sở của chúng ta. Ở cấp mỗi Trung tâm, điều này sẽ bảo đảm tương lai của nó; các việc phục vụ và các cơ cấu phải được bố trí nhằm cung cấp sự trợ giúp toàn diện và đầy đủ cho các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Việc trả lương và đào tạo nhân sự của chúng ta, cung cấp những sản phẩm cần thiết để điều hành tốt các Trung tâm, theo kịp đà tiến của nền kĩ thuật hiện đại và cổ võ việc chăm sóc nhân đạo-tất cả những điều này phải hòa nhịp với nhau. Nếu có hoạt động nào không theo kịp những hoạt động khác, chúng ta sẽ đi tới chỗ phân hóa và khủng hoảng.

Cố gắng bảo đảm sự cân đối trong chiều kích địa phương và miền, đồng thờøi không quên chiều kích ơn gọi toàn cầu của chúng ta, phải là điều chúng ta lưu tâm khi lấy những quyết định, cho dù có những lúc và những hoàn cảnh điều này có thể tỏ ra khó thực hiện.

Mối quan tâm ưu tiên của những người quản trị phải là nắm được những nguồn lực này, và vì thế họ phải dành một phần đáng kể về thời gian và công việc của họ cho vấn đề này. Họ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ công cuộc của các Trung tâm của chúng ta, đồng thời cổ võ những Trung tâm và những kế hoạch của họ.

5.3.1.2   Tính chuyên nghiệp.

Vì chúng ta mong muốn cung cấp sự chăm sóc toàn diện và cảm thấy được kêu gọi để thể hiện sự đáp ứng chuyên nghiệp trong các công cuộc của chúng ta, nên tính chuyên nghiệp của chúng ta phải là điều tuyệt đối không thể nghi ngờ và tranh cãi.

Bằng việc thực hiện sự đáp ứng chuyên nghiệp phù hợp với những nguyên tắc đạo đức chức nghiệp của ta, và được sinh động nhờ triết lí của Dòng, chúng ta có thể bảo đảm rằng các Trung tâm của ta có chính căn tính mà nó phải có. Những năng lực và tài khéo kĩ thuật và nhân bản là cơ sở thiết yếu để làm cho sự đáp ứng chuyên nghiệp này của chúng ta thực hiện được.

5.3.1.3   Trình độ kĩ thuật.

Cũng vậy, mọi Trung tâm phải bảo đảm rằng các trang thiết bị và phương tiện chuyên môn và kĩ thuật là đúng mức để cung cấp chất lượng chăm sóc đòi hỏi. Chỉ khi có trình độ kĩ thuật đúng mức, chúng ta mới có thể thực hiện sự đóng góp chuyên môn mà chúng ta muốn.

Những thay đổi không ngừng trong lãnh vực kĩ thuật đòi hỏi chúng ta phải có những cố gắng vượt bực để theo kịp chúng. Các nhân viên của ta phải quyết tâm cập nhật bằng việc đào tạo kĩ thuật của họ và dự những khóa bồi dưỡng để hiểu biết tường tận hơn những thành tựu mới của khoa học.

5.3.2  Việc tổ chức

Cách diễn tả đúng đắn sứ mạng công cuộc của chúng ta là qua các phương tiện tổ chức. Sứ mạng của chúng ta trong các Trung tâm rất phong phú và đa dạng, vì thế cách chúng ta tổ chức Trung tâm phải dựa theo nguyên tắc đa nguyên. Không phải mọi môi trường của sứ mạng chúng ta đều tương thích với cùng một hệ thống tổ chức chung. Tùy theo mức độ mà việc tổ chức của chúng ta thấm nhuần triết lí của sứ mạng, chúng ta sẽ có thể cổ võ sự truyền thông trong khắp Trung tâm và nhân viên của Trung tâm với triết lí này.

Phương thức mà chúng ta đã thực hiện cho đến nay là phân biệt các chức năng của bề trên và giám đốc đã chứng minh đây là một giải pháp rất hiệu quả và thích hợp, và trong giai đoạn hiện nay, nó là yếu tố quyết định trong nhiều Trung tâm của ta. Vị Bề trên Cộng đoàn và vị Giám đốc Trung tâm phải làm việc như một tập thể, cùng với mọi thành viên khác trong Ban Quảntrị hay Ban Giám đốc. Chức năng chính của cơ chế này là làm việc trên cơ sở liên ngành và cổ võ lề lối làm việc này trong các nhóm khác của Trung tâm.

5.3.2.2   Bảo vệ tính đa nguyên.

Sự đa dạng về quan điểm và văn hóa là một đường lối thích hợp phải theo để hiểu sự đa dạng giữa con người.

Vì vậy chúng ta phải cung cấp những phương tiện tổ chức để diễn tả sự đa nguyên này.

Các giá trị của chúng ta, nền văn hóa của mỗi Trung tâm sẽ là những phương tiện chuyên biệt để biểu hiện rõ nét chiều kích đa nguyên này.

5.3.2.3   Uỷ quyền. Tham dự. Đảm nhận các vai trò hoạt động.

Chúng ta phải cố gắng hết sức để làm cho mỗi người đạt được tất cả những năng lực họ có thể thể hiện, từ những người có trách nhiệm thấp nhất tới người có trách nhiệm cao nhất.

Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện cho việc đảm nhận các trách nhiệm này, bằng cách cung cấp các phương tiện tổ chức, và bảo đảm rằng việc uỷ thác các quyền hành và trách nhiệm được củng cố bằng những sắp xếp về chức vụ cho mỗi người trong Trung tâm.

5.3.2.4   Phân quyền và Tập quyền.

Chúng ta phải tổ chức thế nào để các nhân viên quản trị lưu tâm tới các sáng kiến và mong đợi của các Cộng tác viên và bảo vệ chúng.

Chúng ta phải thực hiện các chương trình hoạt động giúp nâng cao trình độ của các Cộng tác viên của ta để họ đảm nhận những trách nhiệm mà thường ta vẫn dành cho các vai trò cao hơn. 

Chúng ta phải giúp các nhà chuyên môn phát huy khả năng và thẩm quyền của họ, giúp các nhóm làm việc có nhiều lãnh vực hoạt động hơn, các chức vụ trách nhiệm trực tiếp có nhiều khả năng thực hiện sáng kiến riêng của mình, và các giám đốc tăng thêm trách nhiệm của mình-tất cả những điều này cần phải đạt được.

Chúng ta cũng phải bảo đảm rằng một trong những giá trị đặc biệt gắn liền với truyền thống Kitô giáo-sự bổ sung (subsidiarity)- là một nét đặc trưng của cách thức điều hành các trung tâm của ta.

Hội Dòng ao ước phát huy một sự phân quyền đúng mức, kết hợp với một sự tập quyền hiệu quả theo những nguyên tắc và giá trị mà chúng ta đang cố gắng vun trồng.

5.3.2.5   Những kiểu mẫu mới về tư cách pháp lý.

Giáo Luật luôn luôn là tiêu chuẩn pháp lí của ta. Nhưng đồng thời, cũng có những kiểu mẫu khác giúp chúng ta có thể chấp nhận những hình thức mới về quản trị, uỷ quyền và tham gia.

Trong quá khứ, các Trung tâm của ta vốn mang tư cách pháp lí là những tài sản của Dòng Trợ Thế. Nhưng với thời đại chúng ta đang sống hôm nay, và với kích thước to lớn của các Trung tâm của chúng ta hiện nay, cộng với sự tiến hóa không ngừng trong lãnh vực dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần nhậy bén hơn để dễ tiếp thu những phát triển mới đang diễn ra trong lãnh vực này.

Các Tổ chức, các Hiệp hội, các thực thể phi lợi nhuận hay các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đều là những kiểu mẫu pháp lí mới có thể thích hợp hơn trong một số trường hợp và thậm chí có thể thuận tiện hơn. Kinh nghiệm trong mỗi Trung tâm đã chứng tỏ điều này. Chúng ta phải hết sức thận trọng để phân định đâu là kiểu mẫu thích hợp nhất để đáp ứng những đòi hỏi khác nhau vào những thời gian và nơi chốn khác nhau.

5.3.2.6 Làm việc tập thể.

Nếu chúng ta thực sự muốn chăm lo cho con người và đáp ứng các nhu cầu của họ, chúng ta chỉ có thể làm được nếu chúng ta làm việc chung với nhau:

v   Ở cấp quản trị. Khi các giám đốc của một Trung tâm có thể tổ chức một đội ngũ nhân viên làm việc tập thể, họ có thể gợi hứng và khích lệ các nhân viên khác trong Trung tâm cũng làm như vậy. Khuynh hướng nhắm tới hiệu quả trên hết dựa trên cơ sở cá nhân còn rất mạnh, cũng như những kết quả phản ứng dây chuyền đối với khuynh hướng này.

v   Ở những cấp trung gian. Vai trò khó khăn nhất trong những Trung tâm là vai trò của những người ở giữa. Họ cũng phải được giao những công tác tập thể để giúp họ chăm lo những nhu cầu thuộc trách nhiệm của họ để có thể đệ đạt những nhu cầu đó lên các cấp trên: cũng thế, họ phải thông tri kế hoạch làm việc của ban quản trị xuống cho những người ở cấp dưới họ.

v   Ở lãnh vực dịch vụ chăm sóc và các dịch vụ khác. Khi tất cả những người có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân và người nghèo khổ mà có khả năng làm việc chung với nhau, khi đó chúng ta có thể cung cấp một sự phục vụ và chăm sóc toàn diện và đầy đủ.

Tại các Trung tâm phức tạp hơn, chúng ta không thể nào thuộc về cùng một nhóm, nhưng tất cả chúng ta đều có thể là những thành viên của một nhóm nào đó và cảm thấy mình được gọi để thể hiện một sự đáp ứng toàn diện cho các bệnh nhân và người nghèo khổ, và sự đáp ứng này đòi hỏi sự làm việc chung của tất cả những người hợp thành nhóm đó.

5.3.3    Chính sách về nhân sự

5.3.3.1 Những tiêu chuẩn chung.

Xét như một tổ chức, Dòng Trợ Thế của Thánh Gioan Thiên Chúa:

v   là một công trình chủ yếu của con người bởi vì nó là kết quả của cố gắng con người và hợp thành bởi những con người mang yếu tố trách nhiệm;

v   ý thức rằng các công cuộc của mình thấm nhuần một tính chất chuyên biệt bởi vì nó là một thực thể phi lợi nhuận và vì thế nó phải phối hợp những mục tiêu kinh doanh với trách nhiệm kinh tế và xã hội, và trách nhiệm của nó trong tư cách là một tổ chức Giáo hội.

v   dễ tiếp thu các ý tưởng hiện đại từ thế giới kinh doanh-xã hội học, các quan hệ nhân bản, tâm lí học-bởi vì nó phải hoạt động phù hợp với thời đại hiện tại, chấp nhận những thay đổi cần thiết về tổ chức để đáp ứng những đòi hỏi về quản trị của một số công cuộc dựa trên cơ sở hiệu quả và năng suất như là những doanh nghiệp, trong khi duy trì triết lí, phong cách, và văn hóa riêng của nó;

v   hiện diện với một ban nhân sự làm việc trong các Trung tâm của nó, và vì lí do này, nó đề nghị thiết lập một mối quan hệ giữa tổ chức và ban nhân sự sao cho có thể đáp ứng những đòi hỏi và thỏa mãn những quyền lợi của cả hai phía, bằng cách thiết lập những thể thức để tạo điều kiện cho sự hành động phối hợp của mọi người nhằm đạt những mục đích và nguyện vọng của nó.

Vì tất cả những lí do trên, chúng ta phải cởi mở chứng tỏ một thái độ sẵn sàng và chân thành trong việc làm rõ các mối quan hệ của ta với các nhân viên, trong ánh sáng của luật pháp hiện hành, giáo huấn xã hội học của Hội Thánh, bảo đảm và bênh vực những quyền lợi của bệnh nhân và người nghèo khổ, vì đó là mục đích chính của mọi Trung tâm và công cuộc của chúng ta.

5.3.3.2 Tương quan với các nhân viên.

Ý thức rằng con người là yếu tố cơ bản trong tất cả tổ chức của chúng ta, chúng ta phải bảo đảm việc quản lí nhân sự được tổ chức thế nào để có thể kích thích, thu hút, cổ võ và kết hợp chặt chẽ các nhân viên với những nhu cầu của họ và những mục đích của các Trung tâm chúng ta, và phải luôn dựa trên những tiêu chuẩn về công bằng xã hội.

Việc quản trị bao gồm việc quản lí con người, vì không có con người thì không thể nào hoàn thành được hoạt động hay công cuộc nào. Đó là lí do tại sao việc quản lí nhân sự ngày nay bao gồm một số vai trò quản trị có trình độ chuyên môn cân xứng và có những tài khéo quân bình trong những mối quan hệ nhân bản.

Một khía cạnh phải được phát huy trong mọi Trung tâm của Dòng là việc truyền thông. Chúng ta phải thiết lập một sự truyền thông có tổ chức, phát triển những phương tiện truyền thông thích hợp để đến được với mọi cấp bậc của tổ chức và mọi nhân viên. Các kênh truyền thông chuyên biệt ít ra phải được thiết lập, và phải có sự truyền thông đúng đắn và đầy đủ các thông tin.

Một nét quan trọng khác của Dòng và các Trung tâm là phải đón nhận và hội nhập toàn diện một con người khi họ bắt đầu làm việc với chúng ta, và giúp đỡ họ trong suốt những giai đoạn đầu của công việc của họ.

5.3.3.3  Sinh hoạt công đoàn.

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh nhìn nhận các quyền của công nhân trong việc lập các hiệp hội để bảo vệ những lợi ích chung và những lợi ích lao động. Công đoàn là một thực tại xã hội trên khắp thế giới. Vì vậy Dòng nhìn nhận và tôn trọng quyền tự do của công đoàn.

Giáo huấn của Hội Thánh ủng hộ thực tại này và coi nó là một nhân tố thiết yếu trong đời sống xã hội hiện đại, như một lực lượng xây dựng đối với trật tự và tình liên đới xã hội, không chỉ bảo đảm người công nhân có được nhiều hơn, mà còn bảo đảm họ là con người hơn. Công đoàn không chỉ là những công cụ trong việc thương lượng, mà còn là nơi để nhân vị của công nhân được biểu lộ. Các dịch vụ của công đoàn tạo thành sự phát triển một nền văn hóa lao động chân chính, và giúp các công nhân đóng một vai trò nhân bản trọn vẹn trong đời sống của công ti mà họ làm việc.

Bẳng việc chấp nhận điều này, chúng ta phải tìm cách bảo đảm lưu lượng thông tin và truyền thông giữa ban lãnh đạo và các công đoàn, với một thái độ chân chính và thực tế, nhưng luôn luôn bảo vệ quyền lợi của các bệnh nhân và các khách của chúng ta.

 

5.3.3.4  Việc tuyển nhân sự và các hợp đồng lao động.

Nhân viên phải được tuyển chọn dựa theo trình độ chuyên môn và nhân cách của họ, đồng thời bảo đảm rằng những động lực, khả năng và hạnh kiểm của họ tôn trọng những nguyên tắc của Dòng.

Mỗi Trung tâm phải thiết lập những qui luật rõ ràng liên quan tới việc tuyển nhân sự, và mong rằng mọi người biết rõ những thủ tục của việc tuyển nhân sự: các chức vụ, các điều lệ và qui định, các điều khoản hợp đồng, . . .

Phải đặc biệt lưu ý tới những tiêu chuẩn về hợp đồng sau đây:

v   Khả năng chuyên môn. Để chọn một người vào một chức vụ, phải bảo đảm đương sự có đủ trình độ văn hóa hay nghề nghiệp theo đòi hỏi của luật pháp hiện hành. Tuy không đòi hỏi bằng cấp, chúng ta phải bảo đảm đương sự có đủ năng lực và khả năng chuyên môn để làm công việc đó.

v   Các đức tính nhân bản. Chúng ta phải đánh giá đầy đủ và lưu ý tối đa tói các đức tính nhân bản như khả năng thiết lập những mối quan hệ con người, quân bình tình cảm, tinh thần trách nhiệm và khả năng quyết định cũng như thiên hướng về việc chăm sóc y-tế và xã hội.

v   Phẩm chất đạo đức. Những người làm việc trong các Trung tâm của Dòng phải đề cao Qui tắc đạo đức của mỗi ngành nghề của họ, và tôn trọng những nguyên tắc của Cơ quan, vì sự tôn trọng cả hai bộ nguyên tắc này là điều kiện tối thiểu để làm việc trong các Trung tâm của Dòng.

v   Chiều kích tôn giáo. Chúng ta phải nắm chắc rằng những khả năng của mỗi nhân viên phải giúp củng cố sự quan tâm tới chiều kích tôn giáo trong Trung tâm.

5.3.3.5   Ổn định công việc.

Điểm khởi đầu cơ bản của chúng ta là tất cả những gì chúng ta làm trong Dòng liên quan tới lao động phải phù hợp với luật pháp quốc gia hiện hành miễn là điều này không vi phạm những nguyên tắc của Dòng.

Bất luận những gì đã được làm ở đây (tuy rằng chủ yếu là nhằm lợi ích của Trung tâm và những người chúng ta chăm sóc trong Trung tâm) chúng ta phải tránh tình trạng tạo ra sự bất ổn định và thiếu động cơ nơi những con người có liên quan, bằng cách cống hiến cho họ những điều kiện để có sự bảo đảm và ổn định về việc làm, là điều họ cần có để dốc hết sức lực hoàn thành các trách nhiệm của họ.

Tuy nhiên, vì cách thức hoạt động của các Trung tâm xã hội và săn sóc sức khỏe là làm việc 24/24 giờ, nên thiết yếu phải chấp nhận một hệ thống thay thế và đổi ca phức tạp, khiến khó có thể bảo đảm sự ổn định việc làm cho những nhân viên làm việc tạm thời. Nhưng cả ở lãnh vực này, cần phải nghiên cứu để tìm ra những hệ thống hạn chế việc sử dụng những nhân viên làm việc tạm thời.

5.3.3.6   Vấn đề Lương bổng.

Trả lương công bằng là một vấn đề chủ chốt trong tất cả đạo đức xã hội. Vấn đề lương bổng là vấn đề thường được các người lao động nêu lên nhiều nhất. 

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh coi lương bổng như là bằng chứng rõ nhất về sự tồn tại của công bằng xã hội trong các tương quan lao động. Nó không phải là bằng chứng duy nhất, nhưng chắc chắn là quan trọng nhất.

Không phải dễ đo lường một cách vật chất mức lương chính đáng hay công bằng phải là bao nhiêu bởi nó rất uyển chuyển do những yếu tố như tình hình kinh tế của quốc gia liên hệ, những yêu cầu của các thị trường khác nhau(bao gồm các thị trường chăm sóc y-tế và chăm sóc xã hội, tình trạng của mỗi Trung tâm, những mong đợi và nhu cầu của mỗi người lao động, v.v...

Tất cả điều này đòi hỏi chúng ta trả lương cho người lao động một mức lương bao nhiêu có thể thỏa mãn những đòi hỏi của họ, cho dù đôi khi không thể thỏa mãn đầy đủ những mong đợi của họ. Nhưng bên cạnh chế độ trả lương thích đáng hiện có, chúng ta phải luôn có thái độ mở rộng thực sự là quyết tâm cải thiện các điều kiện xã hội và tài chánh của các người làm việc cho chúng ta. Sự thoải mái và hạnh phúc của họ sẽ luôn luôn là một yếu tố tích cực cho sự thoải mái và hạnh phúc của các bệnh nhân và người nghèo khổ.

5.3.3.7   Động lực.

Động lực của một nhân viên tuỳ thuộc mức độ mà những nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng và nhận thức của họ về những điều hấp dẫn mà một công ti hay tổ chức cống hiến để giúp họ phát huy những khả năng nhân bản và nghề nghiệp của họ.

Động lực nhân sự là một công cụ cơ bản để đạt một trong những mục tiêu của toàn thể tổ chức, đó là sự thăng tiến nhân bản và nghề nghiệp của người lao động. 

Hệ thống lương bổng (tiền công, khuyến khích, thưởng, v.v...), điều kiện lao động (môi trường, sự an toàn, bầu khí, lao động tập thể, v.v...) và kích thích cá nhân (sự bảo đảm, ổn định việc làm, sự kính trọng, thăng tiến bản thân, v.v...) có một ảnh hưởng cơ bản làm cho người lao động cảm thấy hài lòng và có động lực. Vì vậy chúng ta phải cố gắng hết sức để bảo đảm rằng ba lãnh vực cơ bản này đạt được mức độ cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu của những người làm việc cho chúng ta.

Để tạo động lực cho các nhân viên, Hội Dòng nhấn mạnh đặc biệt đến sự thăng tiến bản thân. Đây là một lãnh vực chuyên biệt mà ban quản trị phải hành động, đặc biệt bộ phận quản lí nhân sự. Chúng ta phải bảo đảm cho các nhân viên thấy được rằng họ có thể mong đợi một tương lai tốt đẹp cho nghề nghiệp của họ trong các Trung tâm của chúng ta. Vì lí do này chúng ta phải xác định rõ những công cụ thích hợp nhất: với một số người có thể là việc đào tạo, với người khác là việc nghiên cứu, người khác nữa là việc dạy học, v.v...

5.3.3.8   Hội tụ các giá trị giữa mọi người của Trung tâm.

Một trong những nét đặc trưng của xã hội hôm nay là sự đa nguyên. Có thể nói thời đại mà một nền văn hóa thống trị một nền văn hóa khác nay đã gần tới lúc cáo chung. Đã khá lâu rồi, trong nhiều Trung tâm của mình, chúng ta đã bắt đầu áp dụng những phương thức quản trị và chăm sóc hướng tới việc hội tụ và kết hợp thực tại đa văn hóa này.

Thật cấp thiết phải tiếp tục đi theo đường lối này, và mọi người chúng ta phải lao mình vào kế hoạch phối hợp và thống nhất các nỗ lực và các văn hóa, chúng ta phải có khả năng kết hợp mọi yếu tố văn hóa khác biệt đang hiện diện đồng thời trong các Trung tâm của chúng ta. Mọi kế hoạch hội tụ đòi hỏi sự hợp nhất: các giá trị không thể được thiết lập bằng sự áp đặt.

Có thể sẽ cần phải đề ra một số tối thiểu các điểm cơ bản không thể thay đổi. Nhưng trên cơ sở những điểm này, cần làm việc để thiết lập một nền văn hóa với những giá trị được mọi người cổ võ và chấp nhận.

Tuỳ mức độ các Cộng tác viên của chúng ta có khả năng diễn tả các ý tưởng và các giá trị của họ, chúng ta sẽ dấn thân vào việc theo đuổi một kế hoạch chung. Cũng cần làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm đối với những vấn đề, lãnh vực và các chuyện khác được uỷ thác cho họ.

5.3.3.9   Tạo lập một văn hóa của tư cách thành viên của Trung tâm, Tỉnh Dòng và Hội Dòng.

Nghiên cứu ngày nay về các khoa học quản trị đã khám phá ra tầm quan trọng của việc phát triển một "văn hóa tổ chức" phù hợp với sứ mạng và những giá trị của một tổ chức. Trong tư cách một Tổ chức, Dòng Trợ Thế đã đang xem xét phương án này trên cơ sở đặc sủng sáng lập của mình.

Trong quá khứ có lẽ chúng ta đã quá bao cấp, quá bảo vệ đối với các nhân viên của mình do một thái độ vô thức bảo vệ tất cả những gì là của ta, và đặc biệt bảo vệ văn hóa của chúng ta. Trong khi không bỏ mất tất cả những giá trị của văn hóa ấy, chúng ta phải khắc phục thái độ tự vệ này, và một phương cách thích hợp để làm điều này là thiết lập một tổ những nhà chuyên môn biết cách định hướng và điều hành việc sáng tạo một nền văn hóa chung.

Một yếu tố cốt thiết không thể thiếu trong tiến trình này là nó phải phù hợp và có hiệu lực đối với luật lao động hiện hành, đặc biệt luật về an toàn lao động và luật về sức khỏe của người lao động.

Điều này sẽ thúc đẩy việc bảo vệ các quyền lợi của người lao động.

Sự mãn nguyện cá nhân, sự hài lòng với công việc vì kết quả tốt, cảm giác sung sướng khi thấy những mục tiêu đang đạt được, nói cách khác, sự thanh thản nội tâm tràn ngập khi chúng ta cảm thấy mình được sung mãn trong nghề nghiệp, và khi chúng ta thấy những gì chúng ta đang làm chung với các đồng nghiệp đang giúp xây dựng thế giới của chúng ta, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện các dịch vụ xã hội-tất cả là những điều chúng ta phải thăng tiến.

Một điều chúng ta phải cảnh giác để bảo đảm tình trạng lao động của chúng ta không cản trở sự thăng tiến các nhà chuyên môn. Với thời gian, người ta có khuynh hướng ngủ quên trên chiến thắng và mất đi nhiệt tình ban đầu. Trách nhiệm của ban lãnh đạo là lay tỉnh và kích động những người này để không xảy ra tình trạng như thế và trong những trường hợp quá đáng, ban lãnh đạo phải có những quyết định cần thiết.

Tuy nhiên, những Trung tâm nào không bảo đảm được sự ổn định sẽ không bao giờ có thể là nơi thích hợp để mời gọi các Cộng tác viên làm việc trong một dự án phối hợp.

Hội Dòng phải ủng hộ và bảo vệ các nhân viên của mình nếu họ bị đưa ra tòa, trừ trường hợp có sự sai sót rõ ràng về nghề nghiệp. Khi họ bị tố cáo, và thật đáng tiếc điều này có xảy ra trong các Trung tâm của ta, chúng ta phải tuân theo nguyên tắc trung thực liên quan tới việc thực hành của Dòng ta, và tỏ sự thông cảm công khai đối với những người liên hệ. 

Cũng thế, nếu chúng ta muốn thực hiện văn hóa chuyên biệt của các Trung tâm của mình, chúng ta phải thiết lập các phương thức hành động đặc biệt trong những trường hợp có khó khăn và căng thẳng thường có thể xảy ra trong các quan hệ làm việc. Cả trong trường hợp xung đột, cũng có thể có hình thức can thiệp đặc biệt để giải quyết những tình huống như thế.

5.3.4    Chính sách kinh tế và tài chánh

5.3.4.1   Các thực thể phi lợi nhuận.

Tổ chức của chúng ta luôn luôn được định nghĩa là một "thực thể phi lợi nhuận", nói cách khác, mục đích trên hết của nó không phải là tích lũy của cải.

Tất cả các nguồn lợi chúng ta nhận được phải dành cho Trung tâm để chúng ta chắc chắn rằng các trang thiết bị, đội ngũ nhân viên và các phương tiện làm việc luôn luôn phù hợp và cân xứng với nơi đặt Trung tâm, và với tiêu chuẩn phân loại khu vực.

5.3.4.2 Tính chất bác ái và xã hội.

Nguồn gốc Tổ chức của ta là ở đức bác ái, ở sự hợp tác quảng đại giữa những người khác nhau để giúp Trung tâm thể hiện sứ mạng của mình. Chúng ta phải ra sức cổ võ chiều kích đức bác ái Kitô giáo này để có thể tiếp tục theo đuổi sáng kiến nguyên thủy của Dòng.

Đã đến lúc chúng ta phải làm cho tinh thần liên đới của mình mang một chiều kích toàn cầu hơn. Trong thế giới hôm nay, những sự bất bình đẳng đang gia tăng và những khác biệt đang không ngừng mở rộng. Chiều kích bác ái-xã hội này trong các Trung tâm của ta có thể tìm được một hình thức hợp tác tại chỗ thích hợp giữa các Trung tâm của ta hay giữa các nước khác nhau trong lãnh vực phục vụ sức khỏe hay xã hội.

5.3.4.3    Cân đối tài chánh.

Nghệ thuật quản lí là nghệ thuật phân phối các nguồn lợi cho các nhu cầu khác nhau. Đối với các Trung tâm của chúng ta, đó là việc phân phối nguồn lợi cho các hoạt động khác nhau đang diễn ra tại trong Trung tâm.

Phải có một quyết định cho việc phân phối các nguồn lợi cho mỗi bộ phận của Trung tâm đồng thời bảo đảm tương lai của toàn thể Trung tâm, nói một cách đơn giản, là cần phải thiết lập sự cân đối tài chánh.

Nếu Trung tâm không có đủ ngân sách để phân phối cho các bộ phận, thì tương lai của Trung tâm và của mọi người thuộc Trung tâm sẽ bị đe doạ.

5.3.4.4   Sự trong sáng về quản lý.

Nếu mọi giá trị mà chúng ta muốn phát huy trong các Trung tâm của ta và tạo ý nghĩa cho sứ mạng của ta mà được thể hiện đầy đủ, thì không có lí do nào khiến chúng ta phải che giấu thực tế của Trung tâm đối với các nhân viên chuyên môn, các người được chăm sóc, xã hội và chính quyền.

Sở dĩ như vậy là vì việc quản lí của ta phải trong sáng: nếu có những nguyên tắc rõ ràng, và nếu chúng ta có ý thực hành chúng, thì đây lại là một lí do khác nữa để muốn cho chúng được người ta biết đến.

Các số liệu thống kê về các Trung tâm của chúng ta (các hoạt động, các khoản thu nhập, chi tiêu, các kết quả, các khoản đầu tư, các nguồn tài chánh) là một phần trong toàn thể thực tại của Trung tâm chúng ta, và vì thế cũng có thể được tiết lộ.

Một cách thích hợp để làm nhiều người biết đến các Trung tâm của ta và khuyến khích sự minh bạch và tinh thần đồng trách nhiệm, có thể là việc soạn thảo một báo cáo hằng năm về các hoạt động của mỗi Trung tâm.

5.3.5    Trách nhiệm xã hội

5.3.5.1   Việc phục vụ xã hội như là phương tiện để biện minh cho giá trị công cuộc của chúng ta.

Mọi tổ chức và mọi Trung tâm đều có nguy cơ trở nên đóng kín và dấn mình vào con đường tự biện minh, tự cô lập mình với thực tại.

Thực vậy, người ta thường thấy có những tổ chức thực hiện những hoạt động trong sự cô lập này và là những hoạt động không cần thiết và thậm chí không được ai yêu cầu cả. Điều này không bao giờ được xảy ra trong các Trung tâm của ta. Tất cả lí do tồn tại của các Trung tâm của ta là ở việc phục vụ chúng ta cống hiến và vì vậy chúng phải biết tiếp thu những sự thay đổi và phát triển đang diễn ra để bảo đảm việc phục vụ của mình là thích đáng và phù hợp.

Hiến pháp của ta xác định rằng chúng ta là những người quản lí chứ không phải chủ nhân của các tài sản của mình, với sứ mạng chuyên biệt là bảo đảm các nguồn lực được sử dụng đúng đắn trong các Trung tâm của chúng ta.

5.3.5.2   Tôn trọng và tuân theo luật pháp.

Vì chúng ta muốn cống hiến sự đóng góp chuyên biệt của mình cho xã hội, nên chúng ta tất yếu phải hoạt động phù hợp với các qui định của luật pháp.

Nếu chúng ta coi luật pháp là cái tối thiểu phải chi phối tất cả những người sống trong xã hội, thì chúng ta phải là những người nổi bật hơn hết trong cách thức mà chúng ta dành cho yếu tố chung tối thiểu này. Nhưng chúng ta không thể chỉ tự giới hạn vào việc áp dụng luật pháp tối thiểu này. Bao nhiêu có thể chúng ta phải vượt lên trên nóù bằng cách cố gắng cổ võ những nguyên tắc của chúng ta vượt quá những gì mà luật pháp đòi hỏi.

Một tình huống đặc biệt xảy ra khi có một luật mâu thuẫn với căn tính và những giá trị mà Tổ chức cổ võ. Trong những trường hợp như thế, bằng việc chấp nhận ý tưởng đa nguyên mà chúng ta muốn cổ võ trong xã hội, chúng ta phải giải quyết bằng việc nại tới sự phản kháng của lương tâm liên quan tới việc áp dụng điều luật đặc biệt đó trong các Trung tâm của ta.

5.3.5.3   Dấn thân cho công bằng xã hội trong việc phân phối các nguồn lợi.

Việc bảo đảm có sự phân phối công bằng các nguồn lợi trong xã hội không phải là chuyện dễ. Một bên là những nhóm tạo áp lực và bên kia là những sự bất bình đẳng sâu rộng có thể làm cho sự cân bằng này có thể đạt được một cách tương đối.

Chúng ta phải cố gắng dùng việc giáo dục về quản lí và giá trị để bảo đảm rằng luật kẻ mạnh nhất không phải luôn luôn thắng thế. Chúng ta phải luôn luôn lưu ý đến mọi tình huống khác nhau đang diễn ra nhằm bảo đảm có một sự phân phối công bằng các tài nguyên.

Đặc biệt chúng ta phải ý thức về chiều kích toàn cầu của đời sống chúng ta và của các Trung tâm của ta. Chúng ta phải thừa nhận có những sự bất công trong việc phân phối tài nguyên trên thế giới. Chúng ta không được cho phép mình trở thành một phần tử của sự phân phối bất công này. Chúng ta muốn hoạt động cho sự chia sẻ, với một sứ mạng phổ quát và với một cái nhìn phổ quát về các vấn đề.

Đây phải là một lãnh vực để chúng ta áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội, và tùy theo mức độ mà chúng ta áp dụng nó, chúng ta sẽ có thể truyền bá nó. và chúng ta sẽ có thể đóng góp phần mình vào việc đưa học thuyết này vào thực hành rộng rãi hơn nữa, như một tổng hợp các giá trị cho xã hội chúng ta.

5.3.5.4   Vai trò tố giác những hoàn cảnh cần tố giác.

Chúng ta hãy đóng góp phần của mình bằng những ý tưởng và đề nghị cho những hoàn cảnh mà chúng ta thấy là rõ ràng sai trái và có những trục trặc. Tuy nhiên chúng ta không được chỉ biết phàn nàn. Ngoài việc vạch rõ những sai trái và trục trặc, chúng ta cần đưa ra những gợi ý và cống hiến sự hướng dẫn của mình.

Nếu chúng ta có thể cung cấp những giải pháp cụ thể và rồi tìm cách thực hiện chúng, chúng ta đã biểu hiện được mức độ tối đa của việc tố giác những điều sai trái.

5.3.6    Sự hiện diện của xã hội trong Trung tâm

5.3.6.1   Các thân chủ của chúng ta.

Các hiệp hội bệnh nhân và gia đình họ. Trong truyền thống, các "thân chủ” của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội được gọi là các "bệnh nhân", một tên gọi nói lên sự thụ động. Nhưng ngày nay, họ muốn chấm dứt tư cách "thụ động" để trở thành chủ động thực sự, và họ có lí để làm thế.

Hiện nay có hai loại hiệp hội bệnh nhân:

Các hiệp hội tổng quát, với chức năng quan trọng là trình bày những đòi hỏi và yêu sách, và thường có khuynh hướng dẫn tới việc thưa kiện;

Các hiệp hội chuyên biệt, liên quan tới một loại bệnh đặc biệt nào đó, thường là những bệnh mãn tính hay những bệnh nan y.

Cả hai loại hiệp hội bệnh nhân này đều cần được nhìn nhận và quan tâm trong các Trung tâm của ta.

Rất có khả năng loại thứ nhất sẽ đến với chúng ta với một lời phàn nàn, một yêu sách hay một vụ thưa kiện. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp họ có thể nói ra điều họ nghĩ, để họ cảm thấy mình là những người phát ngôn xã hội có giá trị, và có thể thường xuyên cộng tác với lề lối làm việc và hoạt động của ta, và có thể tham gia vào hoạt động mà ta đang thực hiện.

Loại hiệp hội thứ hai phải được sự nâng đỡ đặc biệt trong các Trung tâm của ta, nhất là khi mới bắt đầu thành lập. Theo cách hoạt động của xã hội ngày nay, chỉ khi nào người ta tập hợp lại với nhau, người ta mới có thể đạt được những mục tiêu, và trong nhiều trường hợp việc thành lập bước đầu rất khó. Các Trung tâm của chúng ta luôn luôn có thể là một mặt bằng để giúp họ khắc phục những khó khăn ban đầu này.

Trong cả hai trường hợp, sự đối thoại và đầu óc cởi mở sẽ giúp cả hai phía có liên quan-Trung tâm và Hiệp hội-hiểu biết đời sống, những khả năng cũng như những giới hạn của nhau, và cả những lỗi lầm của nhau nữa.

Chẳng may chúng ta không luôn luôn tránh được những vụ kiện tụng, nhiều khi chỉ là để làm tiền, nhưng chúng ta có thể tìm ra những cách thức khác nhau để thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tín nhiệm lẫn nhau.

Khi thực hiện những dịch vụ có liên quan tới dân chúng, nếu chúng ta biết để cho họ bộc lộ ý kiến của họ theo những cách thức khác nhau, chúng ta sẽ làm được những điều thích hợp để thu hút dân chúng hiện diện và quan tâm tới các Trung tâm của chúng ta.

5.3.6.2   Các nhân viên của ta.

Các nhân viên của ta có một số cơ cấu tổ chức đại diện cho họ, được luật pháp thừa nhận, nhờ đó họ tổ chức sự hợp tác của họ với Trung tâm.

Vì vậy, tuỳ theo mức độ mà chúng ta coi Trung tâm như một thực tại được dựng lên và được chia sẻ bởi mọi người, chúng ta sẽ có thể tổ chức đúng mức những sự ràng buộc, những mối tương quan và những phương thức hợp tác với những hiệp hội này để tạo cơ hội cho kế hoạch mới này mà chúng ta đang cố gắng thực hiện trong mọi Trung tâm của thánh Gioan Thiên Chúa, mà không bỏ quên những nhu cầu của các nhân viên.

Trong một số trường hợp, các nhân viên chỉ làm việc cho một mình Trung tâm mà thôi. Những nhân viên này sẽ được ràng buộc với chúng ta bằng qui chế.

Các người khác được thúc đẩy bởi một ơn gọi vượt xa hơn những quan tâm nghề nghiệp của họ. Với những nhân viên này, phải thiết lập những phương tiện chính thức và không chính thức để giúp họ gia tăng sự dấn thân cho tình liên đới với các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Sau cùng, một số người làm việc với các Trung tâm của ta như biểu hiện sự cam kết đức tin của họ. Ở đây cũng thế, phải dành đủ chỗ để họ diễn tả điều gì là động lực của đời sống họ trong việc phục vụ người bệnh tật và người nghèo khổ trong một tập thể, và tại sao họ ước ao được hiện diện trong một Trung tâm của thánh Gioan Thiên Chúa.

Không kể trường hợp thứ nhất được qui định bởi luật pháp, những trường hợp khác được thiết lập trong mỗi Trung tâm sẽ là cách chắc chắn nhất để biểu lộ mối quan hệ này trong các Trung tâm của thánh Gioan Thiên Chúa.

5.3.6.3   Các Ân nhân.

Các ân nhân đã giúp Cha Thánh chúng ta tiến bước với công cuộc của ngài. Họ có khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ và trọng trách bất kì nào mà thánh Gioan Thiên Chúa đảm nhận để phục vụ các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Trải qua bao thế kỉ, các ân nhân luôn luôn tiếp tục gắn bó và nâng đỡ công cuộc của chúng ta. Tuy có nơi họ hoạt động mạnh hơn có nơi ít hơn, nhưng trước khi chế độ an sinh của nhà nước được thiết lập, hầu hết các công cuộc của ta chỉ tồn tại nhờ vào lòng hảo tâm và những quà tặng quảng đại của những người đã đặt lòng tín nhiệm vào Dòng Trợ Thế và vào việc phục vụ của Dòng cho con người.

Ngày nay, hầu hết các Trung tâm của ta không còn lệ thuộc vào việc quyên góp tài chánh như trước đây nữa, nhưng điều này vẫn còn và quan trọng cơ bản cho tình liên đới và tình bác ái. Vẫn còn đó cái lí tưởng của một con người muốn biểu hiện tình liên đới với những con người khác, và họ thực hiện điều này thông qua Dòng Trợ thế.

Hình thức thể hiện tình liên đới này có thể thay đổi, và thực sự đã thay đổi, và còn tiếp tục thay đổi. Nhưng trách nhiệm của chúng ta là làm cho tình liên đới này trở nên hiệu quả một cách trung thực và công bằng bao nhiêu có thể, và hi vọng gia tăng điều đó.

Để có hiệu quả và tình liên đới cao hơn, có lẽ đây là lúc để chúng ta làm cho tình liên đới này mang một bản chất tập thể hơn để giúp chúng ta có thể giúp đỡ những nơi cần thiết nhất.

Đây chắc chắn là một vấn đề còn mở ngỏ cho sự thảo luận và sáng tạo, để tìm ra những phương thức quyên góp mới và những phương thức mới giúp cho việc thể hiện tình liên đới ngày càng hiệu quả hơn.

Đây đã từng là, và vẫn còn là, một vấn đề ăn sâu trong não trạng của nhiều Trung tâm và Tỉnh Dòng, và mỗi người chúng ta phải quyết tâm bảo đảm việc vun trồng nó. Những phương tiện truyền thông mới có lẽ sẽ là một cách thức để thực hiện thành công điều này, đặc biệt để thắt chặt mối quan hệ giữa các ân nhân và các Trung tâm của ta.

5.3.6.4   Các Thiện nguyện viên.

Cho tới nay, Dòng đã luôn luôn biết cách thu hút sự hợp tác đầy lòng vị tha của những người khác, như một biểu hiện của sự chia sẻ trong một số trường hợp, và như một biểu hiện của tình bác ái Kitô giáo trong một số trường hợp khác.

Cha Thánh của chúng ta đã có thể tiến bước trong công cuộc của ngài nhờ sự cộng tác của rất nhiều người, một số bằng những đóng góp tài chánh trong tư cách là ân nhân, một số khác tự nguyện cống hiến sức lao động và cố gắng của mình trong tư cách là những thiện nguyện viên.

Hội Dòng đã cố gắng đưa ra một đáp ứng ban đầu cho các phong trào phục vụ thiện nguyện viên mới. Tại một số nước, Dòng đã đi tiên phong trong việc phát động các phong trào thiện nguyện viên trong các Trung tâm của mình. Tuy nhiên, chúng ta phải không ngừng cập nhật và sẵn sàng thực hiện những thay đổi, để không bị trói buộc vào những tư tưởng và những cấu trúc cổ hủ và lỗi thời.

Mỗi Trung tâm đều khác nhau, và mỗi Trung tâm phải cổ võ một sáng kiến và một nét độc đáo giữa các nhân viên tình nguyện của mình. Trong trường hợp này, sự đa dạng là bằng chứng của sự phong phú.

Tiến trình hướng dẫn và tuyển lựa ứng sinh, phẩm chất con người của các nhân viên tình nguyện, sứ mạng của họ trong Trung tâm, thời gian dành cho sứ mạng, việc đào tạo và huấn luyện mà họ cần, tất cả là những vấn đề cần thảo luận trong Dòng, và trong mỗi Trung tâm.

Có lẽ đây là lúc thích hợp để các hiệp hội thiện nguyện viên và các thành viên của hiệp hội nêu lên những nhận xét của họ cho ban lãnh đạo của Trung tâm. Họ có thể nhìn hoàn cảnh khác với cách mà Trung tâm nhìn chính mình. Sẽ là một ý tưởng hay nếu có được những dụng cụ thích hợp để có thể hiểu rõ quan điểm của họ.

5.3.6.5   Giáo hội địa phương.

Chúng ta là một tổ chức không thuộc quyền pháp lí của Bản Quyền địa phương. Đây là một tiền đề chúng ta luôn luôn phải nhớ, nhưng dù sao, nếu Dòng thực sự muốn có một sự hiện diện đầy ý nghĩa trong thế kỉ tới, Dòng phải làm việc liên kết và phối hợp với Giáo hội.

Nếu Giáo hội là Dân của Chúa và tất cả chúng ta được gọi để làm thành viên của dân này, chúng ta phải suy nghĩ xem chúng ta có thể làm việc chung với nhau thế nào trong tư cách là Dân Thiên Chúa.

Chúng ta có thể làm điều này cách dễ nhất trong cơ cấu của giáo phận và cộng đoàn giáo xứ.

Có lẽ chúng ta còn nhiều việc phải làm để có thể hợp tác chung với nhau trong cùng một kế hoạch: linh mục, Tu huynh, cũng như giáo dân.

Không có chuyện từ bỏ căn tính của mỗi người hay từ bỏ một kế hoạch mục vụ đặc thù nào. Mỗi người có chỗ đứng riêng của mình và trong chỗ đứng này mọi người phải làm việc chung với nhau để xây dựng một kế hoạch mục vụ chung. Nếu chúng ta không làm điều này, kế hoạch đó sẽ không phải là một kế hoạch chung, hoặc sẽ chẳng là một kế hoạch gì cả.

5.3.6.6   Chính quyền.

Các Trung tâm của chúng ta làm việc với quần chúng, và trong nhiều trường hợp các trung tâm này hoạt động trong các ngành chăm sóc sức khỏe của quốc gia hay ngành phục vụ xã hội công cộng.

Hoàn cảnh này đòi hỏi chúng ta một mức quan hệ với chính quyền phải đủ linh động để giúp chúng ta nắm bắt được những gì đang xảy ra lúc này, những kế hoạch và dự án cho tương lai, và giúp chúng ta có thể cho chính quyền nắm bắt được hoàn cảnh và những dự án của ta cho tương lai.

Chúng ta phải tiếp tục duy trì đường lối quan hệ và thông tin này với chính quyền. Điều này sẽ đòi hỏi sự trung thực, rõ ràng và trong sáng về phía chúng ta. Tính trung thực như một biệu hiện về sự trung thành với các nguyên tắc mà chúng ta bảo vệ; sự rõ ràng về lập trường, mong đợi, và đòi hỏi của ta; và sau cùng là sự trong sáng trong những tiêu chuẩn liên quan đến việc phân phối những nguồn lợi chúng ta nhận được.

Trong các mối quan hệ mang tính cơ chế của mình, Hội Dòng phải suy tư về vai trò mà mình phải đóng. Ở đây có hai nguy cơ đối chọi nhau: hoặc là bị mắc kẹt trong những mối quan hệ này, và vì vậy để cho bản chất căn tính của mình dần dà bị xói mòn theo thời gian; hay là chúng ta có nguy cơ làm suy yếu những mối quan hệ này và làm cho cả Trung tâm lẫn kế hoạch phục vụ việc chăm sóc của mình bị mờ nhạt đi, cắt đứt khỏi thực tế.

Có một điều hiển nhiên: để có thể nuôi dưỡng những mối quan hệ cơ chế này, cần phải có một sự đào luyện khá toàn diện về nghề nghiệp, nhân bản và tôn giáo. Bằng không sự hiện diện của chúng ta sẽ phản tác dụng. Một lần nữa, điều này cho thấy nếu chúng ta muốn nói lên điều gì, chúng ta phải nói bằng một ngôn ngữ mà xã hội này có thể hiểu được.

5.3.7    Kiểm chứng

Nếu chúng ta muốn trung thành với sứ mạng mà chúng ta đang dần dần cập nhật và tái tạo, chúng ta phải định kì duyệt xét lại những thành tựu trong quá khứ của mình.

Chúng ta phải xem mình đang áp dụng những nguyên tắc triết lí và những tiêu chuẩn chung của Dòng như thế nào trong việc quản lí và trong việc chăm sóc mà chúng ta cống hiến.

5.3.7.1   Chú tâm tới những dấu chỉ thời đại.

Xã hội chúng ta là một thực tại rất năng động. Khoa học không ngừng phát triển và mỗi ngày đều xuất hiện những phương pháp làm việc mới, những kĩ năng chuyên môn mới và những dụng cụ kĩ thuật mới.

Một sứ điệp hay một nguyên tắc triết lí chỉ có giá trị thích hợp và đúng chỗ nếu nó có thể được truyền đạt bằng cách sử dụng những phương tiện, phương pháp và kĩ thuật  thích hợp và đúng chỗ. Bằng không, đề nghị của chúng ta chỉ là những lời nói vô ích.

Trong tiến trình này chúng ta phải đánh giá tính thích hợp của những phương tiện mà xã hội cống hiến cho chúng ta, bởi vì có thể xảy ra là, trong khi ao ước làm việc hiệu quả hơn nhiều, chúng ta lại sử dụng những phương tiện đi ngược lại triết lí của Dòng ta.

5.3.7.2      Đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.

Trong xã hội đang tiến hóa không ngừng này, con người cũng thay đổi và tiến hóa không ngừng, dù rằng chúng ta không biết sự thay đổi của xã hội dẫn tới sự thay đổi của con người hay sự thay đổi của con người dẫn tới sự thay đổi của xã hội.

Có  một điều chắc chắn: trong tiến trình thay đổi toàn diện này, đang xuất hiện những điều sau đây:

v   những căn bệnh mới mà chúng ta phải đối phó;

v   những cách nhiễm bệnh mới, đòi hỏi những hình thức chăm sóc và trợ giúp mới;

v   những vấn đề mới trong gia đình mà chúng ta phải có khả năng đáp ứng, bằng việc cung cấp sự trợ giúp, soi sáng và nâng đỡ;

v   những nhu cầu mới đòi hỏi chúng ta có óc sáng tạo và tình liên đới, nếu chúng ta muốn đáp ứng những nhu cầu đó một cách thích hợp và đúng mức;

v   những hình thức ích kỉ mới, đòi hỏi chúng ta tìm ra những đường lối đáp ứng mới bằng sự liên đới trên bình diện cơ chế.

Đáp ứng những nhu cầu của con người qua việc sử dụng những phương tiện và phương pháp hiện đại, duy trì cung cách và những giá trị của Dòng, có nghĩa là tiếp tục trung thành với Tinh thần Trợ thế mới, là tóm lược và tổng hợp kế hoạch tông đồ của ta.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 5

(1)   Sự tư riêng là thuật ngữ được một số người ưa thích để nói về sự "tín nhiệm", vì nó là một ý tưởng rộng hơn và bao gồm toàn thể những khía cạnh của nhân vị mà từng khía cạnh xét riêng rẽ sẽ không có giá trị nội tại, nhưng khi chúng được liên kết chặt chẽ với nhau, chúng mô tả nhân cách của một người có quyền được đối xử bằng sự tín nhiệm.

(2)   VATICANÔ II, Gaudium et Spes (GS) §16.

(3)   GIOAN PHAOLÔ VI, Evangelium Vitae (EV) §44.

(4)   THÁNH BỘ GIÁO LÍ ĐỨC TIN, Donum Vitae, 22 tháng 2, 1987, §2.

(5)   ỦY BAN GIÁO HOÀNG ĐẶC TRÁCH MỤC VỤ CHĂM SÓC CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ, Hiến Chương cho các Nhân Viên Y Tế, Vatican 1995, tr. 142.

(6)   nt, §21.

(7)   nt, §87.

(8)   nt, §129.

(9)       nt, §146.

(10)   EV, §57.

(11)   THÁNH BỘ GIÁO LÍ ĐỨC TIN, Tuyên Ngôn về Cái Chết Êm Dịu, 5 tháng 5, 1980, tr. 549.

(12)   ỦY BAN GIÁO HOÀNG ĐẶC TRÁCH MỤC VỤ CHĂM SÓC CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ, Hiến Chương cho các Nhân Viên Y Tế, Vatican 1995, tr. 119-120.

(13)   EV,  §65.

(14)   Bộ Luật Nuremberg, Tuyên Ngôn Helsinki, Tuyên Ngôn Geneva, Thực Hành Lâm Sàng Tốt, v.v...).

(15)   EV, §63.

(16)   PIERLUIGI MARCHESI, Tính Trợ Thế của các Tu huynh Thánh Gioan Thiên Chúa hướng tới năm 2000, Rôma 1986, Phụ Lục III.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 5

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1)         Nêu rõ những thành công và những khó khăn "khi áp dụng vào những hoàn cảnh chuyên biệt" thường gặp trong các Trung tâm và các Cộng đoàn của chúng ta trong những lãnh vực sau:

ü    cung cấp sự chăm sóc toàn diện và các quyền của bệnh nhân

ü    những vấn đề chuyên biệt liên quan tới hoạt động chăm sóc của chúng ta

ü    việc quản trị.                            

2)         Xác định những ưu tiên mà Dòng phải tự đặt ra trên cơ sở duyệt xét điểm nói trên, trong những lãnh vực sau:

ü    sự trợ giúp toàn diện và các quyền của bệnh nhân

ü    những vấn đề chuyên biệt liên quan đến hoạt động chăm sóc của chúng ta

ü    việc quản trị.

CHƯƠNG 6

VIỆC ĐÀO LUYỆN, GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU

6.1       Đào Luyện

6.1.1.   Đào luyện về chuyên môn, nhân bản và đặc sủng

Ngoài những gì đã nói ở các chỗ khác trong văn kiện này, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh một số khía cạnh chuyên biệt liên quan đến trách nhiệm đối với các hội viên của Dòng và đối với các Cộng tác viên của chúng ta, để họ được đào tạo thích đáng và có một nền đào luyện cân xứng. Chúng tôi sẽ không nhấn mạnh về nhu cầu đào luyện nhân bản, nghĩa là việc đào luyện giúp chúng ta trở nên ý thức về mình và đi sâu vào những cách thức chúng ta tương quan với người khác và với xã hội, vì sự đào luyện này là thiết yếu nếu chúng ta muốn là những người hoạt động cho việc phát triển nhân bản trong các Trung tâm của Dòng.

Một số nét đặc thù của thời đại chúng ta là kết quả của  bước tiến bộ nhanh chóng của khoa học nói chung, và của y khoa-sinh học nói riêng, cũng như tốc độ và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, sự toàn cầu hóa các vấn đề, não trạng khoa học kĩ thuật khi tiếp cận thực tại và ý tưởng về con người-chủ nghĩa giản lược khoa học, và não trạng cực đoan tôn giáo-chủ nghĩa giản lược siêu nhiên. Chúng ta có thể thấy rằng tiêu chuẩn đạo đức duy nhất có thể được mọi người chia sẻ hôm nay, ít là trên lí thuyết, đó là sự kính trọng phẩm giá con người, không được sử dụng con người như phương tiện để đạt một mục đích, dù mục đích đó cao cả hay có vẻ cao cả đến đâu. Đây không phải là điều gì mới, nhưng nó mang một sắc thái quan trọng đặc biệt hôm nay, trong lãnh vực các mối tương quan giữa nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân.

Từ những năm của thập niên 70, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi triệt để nhất xảy ra trong mối tương quan giữa các bác sĩ và bệnh nhân của những thế kỉ trước. Dần dần đã xuất hiện một nhận thức rằng một bệnh nhân còn khả năng thì phải được nhìn nhận là người có quyền tự quyết định về sức khỏe của mình. Giờ đây vấn đề ưu tiên là cung cấp thông tin đúng mức cho bệnh nhân. Vai trò của bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe ngày nay cũng đã mất đi vị trí độc tôn mà nó vốn có trong quá khứ, ít là trong thế giới phương Tây. Ngày nay chúng ta nói đến những tương quan giữa một tập thể chăm sóc, một bệnh nhân, và một môi trường xã hội. Trong lãnh vực thăng tiến nhân bản, một số kĩ thuật dù đuợc sử dụng đúng đắn, nhưng do bản chất hàm hồ của chúng, chúng không tránh khỏi gây ra những xung đột giữa các giá trị của sự sống và các giá trị tinh thần. Cũng có sự gia tăng tầm quan trọng của các điều dưỡng viên tại các thành phố, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong khoa chẩn đoán, tất cả sự kiện này đòi hỏi một sự đào tạo chính xác hơn trước đây. Cả trong những bệnh viện và những dịch vụ y tế ban đầu hay những trung tâm an sinh/xã hội, mức độ chăm sóc toàn diện tuỳ thuộc rất nhiều vào mức độ đào luyện mà các nhân viên chăm sóc y tế đã nhận được.

Một mặt là việc đào tạo và huấn luyện về kĩ thuật và nghiệp vụ, mặt khác là việc đào luyện nhân bản và đạo đức, cả hai việc huấn luyện này phải đi song song với nhau theo hướng đào luyện liên tục và giáo dục suốt đời, và đòi hỏi phải được định hướng ưu tiên hoặc cho khía cạnh kĩ thuật/nghiệp vụ hay cho khía cạnh nhân bản/đạo đức, tuỳ trường hợp. Có khi phải đi theo hướng thứ nhất, nhưng có khi phải nhấn mạnh ở hướng thứ hai, khi việc cập nhật kiến thức của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải có thể cung cấp những dịch vụ săn sóc sức khỏe toàn diện để đáp ứng những tiêu chuẩn hiện hành của chúng ta.

Mỗi Trung tâm phải có một quyết tâm phát triển các chương trình đào luyện ở mọi cấp, do đó phải có những thích nghi cần thiết trong ngân sách của họ.

Xét chung, việc cập nhật kiến thức khoa học kĩ thuật không đòi hỏi cố gắng hay động lực phi thường, nhưng trong việc đào luyện nhân bản/đạo đức, cần phải có động lực trổi vượt để có thể thấm nhuần những tiêu chuẩn triết lí và đặc sủng của Dòng về việc chăm sóc. Phải cống hiến cơ hội phát huy ý thức mình thuộc về Tổ chức, bằng cách cập nhật những giá trị đang hiện diện trong khắp nền văn hóa và trong căn tính của Dòng, và điều này phải được cổ võ bởi ban lãnh đạo của các Trung tâm của chúng ta, và được kết hợp đầy đủ vào trong chương trình đào luyện của Trung tâm.

Bao nhiêu có thể phải được thông tin về các chương trình và kinh nghiệm từ các miền khác nhau của thế giới để thấy chúng có thể thích nghi thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi địa phương. Vì số giảng viên và hướng dẫn viên vừa có khả năng hiểu biết các vấn đề chăm sóc y tế vừa đồng thời có khả năng lãnh đạo trong các lãnh vực tư tưởng hiện đại về triết học, thần học, mục vụ và thiêng liêng ngày nay còn rất hiếm, nên phải có những cố gắng để thiết lập những nhóm và phát huy những đức tính của những cá nhân khác nhau đang làm việc cho  một chương trình chung. Chương trình này phải thực tiễn và có hiệu quả. Các uỷ ban đạo đức của bệnh viện có thể thi hành nhiệm vụ này một cách hoàn hảo.

Ở thời điểm mà Hội Thánh đặc biệt ý thức nhu cầu đối thoại liên tôn, như Vaticanô II đã diễn tả, để "các giá trị đạo đức và thiêng liêng của các tôn giáo khác được nhìn nhận, duy trì và cổ võ, cùng với các giá trị văn hóa xã hội của họ, và để hợp tác và tìm kiếm một thế giới hoà bình, tự do, công bằng, và có các giá trị đạo đức" (1) Điều thiết yếu phải làm không chỉ là cung cấp việc đào tạo kĩ thuật và nghiệp vụ, mà còn phải cống hiến một sự đào luyện vững chắc hơn về đặc sủng của Dòng, triết học và thần học, tập trung đặc biệt vào con người và mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.

Phải lấy các trường phái tư tưởng triết học lớn (2) làm những cột trụ nền tảng cho mọi việc huấn luyện và đào tạo, trong đó đặc sủng của Dòng và sự am tường đặc sủng này phải luôn luôn gợi hứng cho các thái độ và cách đối xử với người nghèo khổ và người túng quẫn.

Sự đào luyện này sẽ đưa chúng ta vào một tư thế có thể đối thoại về bốn lãnh vực cần thiết trong thế giới đa nguyên ngày hôm nay. (3)

- Đối thoại về đời sống, trong đó mọi người cố gắng sống tinh thần tiếp đón và tình hàng xóm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và những vấn nạn và những mối quan tâm của mình.

- Đối thoại về hành động, trong đó người Kitô hữu và những người khác cùng hợp tác cho sự phát triển và tự do toàn diện của loài người.

- Đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo, trong đó mỗi người trung thành với truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ sự giàu có thiêng liêng của mình liên quan tới kinh nguyện và chiêm niệm, đức tin và những con đường đi tìm Thiên Chúa và Đấng Tuyệt Đối.

- Đối thoại về thần học, trong đó các chuyên viên cố gắng trở nên ngày càng am tường gia sản tôn giáo của họ và đánh giá cao những giá trị thiêng liêng của mỗi tôn giáo.

6.1.2    Các Ủy ban Đạo đức như là những công cụ đào luyện

Tuy đã đề cập tới điều này ở chương 5, chúng tôi cũng muốn phân tích lại ở đây trên quan điểm nghiên cứu và đào luyện mà những ủy ban này chấp nhận.

Trong lãnh vực lâm sàng, thuật ngữ "đạo đức sinh học" vẫn luôn luôn gắn liền với ý tưởng về việc đối thoại liên ngành như một phương pháp nghiên cứu và, từ năm 1978, gắn liền với những nguyên tắc quen thuộc của khoa Đạo đức sinh học: tính tự trị, có lợi/không gây hại, và công bằng. Theo khuôn mẫu nhân văn của mỗi con người dưới quan điểm Kitô giáo, những nguyên tắc này diễn tả trong thực tế nguyên tắc tôn trọng phẩm giá của con người, bằng việc phục vụ lợi ích của người bệnh trong tính toàn diện, và tình liên đới.

Nhu cầu bảo vệ những người tham dự những thử nghiệm hay nghiên cứu lâm sàng, và tính thích hợp và đúng đắn của phương thức nghiên cứu đã dẫn tới việc cơ chế hóa các uỷ ban có trách nhiệm thi hành những nhiệm vụ này. Đó là các Ủy Ban Đạo Đức về Nghiên Cứu Lâm Sàng và các Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học. Trong các ấn phẩm của Hoa Kỳ, những Ủy Ban này được gọi là các Hội Đồng Duyệt Xét Cơ Chế và các Ủy Ban Đạo Đức Cơ Chế (Institutional Review Boards và Institutional Ethics Committees). Loại thứ hai này cũng còn gọi là các Ủy Ban Đạo Đức Lâm Sàng (Clinical Ethics Committees). Các Ủy Ban Đạo Đức Nghiên Cứu Lâm Sàng tại mỗi quốc gia khác biệt nhau về thành phần, nhiệm vụ, và tư cách pháp lí. Nhưng tất cả đều buộc phải tuân theo và bảo đảm việc tuân theo việc thực hành lâm sàng đúng đắn. Các quyết định của các Ủy ban này có giá trị pháp lí bắt buộc. Các thành viên của Ủy Ban Đạo Đức Nghiên Cứu Lâm Sàng phải có trình độ để duyệt những dự án nghiên cứu, trước tiên là xét xem có đủ các số liệu khoa học, các thử nghiệm về dược lí và độc chất trên loài vật, để bảo đảm những rủi ro mà bệnh nhân đang được thử nghiệm có thể gặp phải là ở mức có thể chấp nhận, và bảo đảm bệnh nhân này được thông tin đầy đủ và tham dự cuộc thử nghiệm hoàn toàn tự ý. Các khía cạnh khác phải lưu ý đến là xét xem mục tiêu nghiên cứu có phải là một vấn đề quan trọng hay tầm thường; kế hoạch thí nghiệm được đề nghị có thích hợp với mục tiêu nó nhắm tới hay không; có sự bảo hiểm nào về tổn thất hay thiệt hại mà người được thử nghiệm gặp phải do hậu quả của các thử nghiệm lâm sàng hay không.

Chắc chắn những Ủy Ban này có một giá trị sư phạm và đào luyện. Thật vậy, đối thoại đạo đức sinh học luôn đóng một vai trò đào luyện quan trọng trong một bệnh viện khi mà các trường hợp cụ thể được thảo luận trong các Ủy ban Đạo đức trong việc Chăm Sóc. Tự bản thân các Ủy ban này là một nguồn đào tạo vì thành phần cấu tạo liên ngành của chúng, và vì chúng sử dụng phương pháp luận thông tin và đào luyện. Nhưng cũng vì sự tôn trọng lẫn nhau, tầm quan trọng của các trường hợp được đưa ra thảo luận, và nhu cầu tìm giải pháp cho những sự xung đột có thể xảy ra giữa những giá trị khác nhau mà cần được dung hòa bằng cách này hay cách khác.

Chức năng giảng dạy rất quan trọng. Trước hết vì đây là nơi mà chính các thành viên của Ủy ban nhận được sự đào luyện. Thứ hai, cũng quan trọng như thế, là vì các Tỉnh sẽ dựa vào những Ủy ban này để lên kế hoạch giảng dạy đạo đức sinh học cho các Trung tâm, và thực hiện những kế hoạch đó. Việc đối thoại liên ngành là cần thiết như một phương pháp làm việc. Nói chung các quyết định phải đến từ một sự nhất trí về đạo đức học, chứ không chỉ dựa trên một sự đồng ý chiến thuật. Các tư vấn cho các trường hợp chuyên biệt-bác sĩ, Điều dưỡng, các nhà tâm lí, phải là những thành viên có mặt tại chỗ khi Ủy ban đang quyết định, để bảo đảm những quyết định có giá trị bắt buộc về đạo đức. Thành phần của Ủy ban có thể thay đổi tuỳ theo loại bệnh viện, hay tuỳ theo nó là một trung tâm cư trú hay một trung tâm chăm sóc sức khỏe/xã hội.

Mục đích của Ủy ban là thiết lập hệ thống những giá trị tiêu chuẩn phải sử dụng trong trường hợp có xung đột: các nguyên tắc Kitô giáo, các quyền con người, các qui tắc hành xử chức nghiệp, quốc gia đối với quốc tế, v.v........ Ủy ban Đạo đức Chăm sóc phải qua cuộc kiểm tra về tính nhất quán trong những gì liên quan đến những quyết định của nó.

Điều cốt yếu là phải bảo đảm rằng Ủy ban hoạt động đúng đắn bằng cách áp dụng một số biện pháp khác nhau, mà một trong những biện pháp quan trọng nhất là Uỷ ban đặc trách giải quyết những trường hợp khẩn cấp.

Ở đây chúng ta cần xác định một số khía cạnh đặc biệt. Trước hết, chúng ta tin rằng cần phải phân tích những yếu tố tiên quyết để đạt đến một quyết định đạo đức đúng đắn: a) một lịch sử lâm sàng rõ rệt, b) khả năng chuyên môn để thảo luận những khía cạnh khoa học khác nhau của trường hợp lâm sàng đặc thù, và c) việc kiểm tra chất lượng. Sau khi đã thiết lập vấn đề lâm sàng và những chọn lựa có thể chấp nhận để giải quyết vấn đề, bước tiếp theo là cần xét đến các chiều kích đạo đức của các vấn đề có liên quan đến chất lượng đời sống, và việc này được thực hiện cả theo quan điểm chuyên môn lẫn quan điểm của gia đình và bệnh nhân, và phải tôn trọng những hệ thống giá trị của họ. Ngoài các yếu tố lâm sàng cũng phải đặc biệt xét đến những yếu tố khác nữa trong việc thực hành y khoa, chủ yếu là các yếu tố kinh tế và xã hội, nếu muốn việc thực hành này mang tính toàn diện.

Sự ưng thuận của thành phần thứ ba vì lí do bệnh nhân không có khả năng, cũng nêu lên những vấn đề rất khó trong các lãnh vực như khoa sơ sinh, khoa tâm bệnh học, các bệnh nhân trong trạng thái hôn mê, các bệnh nhân tâm thần, v.v... Trong những trường hợp này, khi người ta phải đối phó với những vấn đề nan giải, Ủy ban Đạo Đức Chăm Sóc sẽ là một sự trợ giúp đặc biệt quí báu trong việc phục vụ một nền y khoa mang chất lượng khoa học, kĩ thuật và nhân bản cao.

Việc đào luyện cần thiết để giải quyết những vấn đề trong lãnh vực nghiên cứu và thực hành lâm sàng đòi hỏi những nhân tố quan trọng cơ bản sau: 1) trình độ chuyên môn và khả năng hiểu vấn đề được nêu lên từ quan điểm của người có liên quan; 2) suy tư về thái độ đạo đức của bản thân mình và một cơ sở hợp lí tối thiểu cho thái độ ấy. Ở đây cần phân biệt rõ giữa bản thân sự kiện (một thái độ nhất quán trong đời sống giữa nhân cách và hành động) và khả năng trừu tượng hóa. Phải giúp đạt được điều này bằng một chương trình cung cấp việc đào luyện về nhân văn và đạo đức triết học và/hay thần học; 3) một phương pháp giải quyết xung đột trong một bầu khí đối thoại mặc dù không loại bỏ sự đối kháng.

Ở đây chúng ta không chỉ đề cập đến đoạn cuối cùng này. Chắc chắn những nguyên tắc đạo đức sinh học được nhắc tới đều là những dụng cụ sư phạm rất hữu ích trong việc đối thoại được thực hiện trong các Uỷ ban Đạo đức. Giải pháp cho các vấn đề có thể được tập trung vào sự thảo luận về các nguyên tắc mâu thuẫn nhau và về thứ tự ưu tiên của các nguyên tắc này trong một trường hợp đặc thù (ví dụ, ưu tiên cho nguyên tắc tự trị, hay nguyên tắc lợi ích của bệnh nhân) hay một phân tích về một ca bệnh án. Chúng tôi nghĩ đây là điều thích hợp nhất khi thảo luận về các ca lâm sàng.

6.2     Việc Giảng Dạy

6.2.1   Giảng dạy: một trong những nét truyền thống của Dòng

Việc giảng dạy trong Dòng bắt đầu với Đấng Sáng Lập, thánh Gioan Thiên Chúa, người đã để mình được dạy dỗ trước khi đi giảng dạy người khác. Ngài học ở Guadelupe, là nơi từ cuối thế kỉ 15 đã "cung cấp một phương pháp khoa học và bác ái bằng việc tổ chức các Trường Y khoa của mình mà chất lượng của trường này đã được các nhà nghiên cứu thời cận đại hết sức ca tụng. Điều mà trường này cung cấp thì hoàn toàn xa lạ đối với mọi bệnh viện khác ở Tây Ban Nha thời đó, và nó cống hiến cho sinh viên những bài học lí thuyết lẫn thực hành." (4) Người kế vị thứ nhất của thánh Gioan Thiên Chúa, Tu huynh Antôn Martin, hết sức quan tâm đến việc giảng dạy. Vào khoảng năm 1553, ngài đã có ý tưởng mở một "Trường Trung Cấp Phẫu Thuật" ở Madrid cho bệnh viện "Tình Yêu Thiên Chúa" của ngài. Ý tưởng này đã được người kế vị ngài, Tu huynh Pedro Delgado, thực hiện. (5)

"Trường phẫu thuật này rất được hoan nghênh và đã sớm thu hút những người muốn được sự đào tạo để được công nhận trước "Tribunal de Protomédicos" như là những phẫu thuật gia, thực tập trong các bệnh viện và đến học ở đây. Bệnh viện ở Plaza de Antôn Martin là bệnh viện giảng dạy đầu tiên ở Madrid, tại đây đã thiết lập những phân khoa y học chuyên biệt. (6)

 

Khi Dòng tiếp tục phát triển, trước tiên trên khắp Tây Ban Nha và ngay sau đó tại châu Âu và châu Mĩ Latinh cho tới khi có mặt trên cả năm châu lục, Dòng không bao giờ từ bỏ sự quan tâm đối với việc giáo dục bệnh viện. Việc giảng dạy của Dòng chủ yếu là bằng lời nói, nhưng cũng bằng sách vở, sử dụng một ngôn ngữ nặng về thực hành cho nhân viên dễ hiểu. Dòng cũng đã soạn những sách giáo khoa quan trọng trong những lãnh vực khác nhau của ngành y khoa.

Dòng đã thông truyền sự quan tâm của mình đối với việc giảng dạy cho nhiều Trường khác nhau ở mọi trình độ văn hóa khác nhau mà Dòng đang tiếp tục cổ võ và thiết lập tại những nơi khác nhau cho tới hôm nay.

6.2.2    Giảng dạy: một nhu cầu thiết yếu hôm nay

Năm 1956 Tổ Chức Y Tế Thế Giới định nghĩa bệnh viện là một trường học cho các nhân viên y khoa, chăm sóc y tế, và nghiên cứu sinh.

Từ năm 1956, pháp luật về việc chăm sóc y tế ở mọi quốc gia đều coi việc giảng dạy là thiết yếu. Không một mẫu chăm sóc y tế nào tồn tại nếu nó không dành nhiều chỗ cho việc giảng dạy. Dạy những điều được làm hằng ngày và phổ biến kiến thức này trong khắp cộng đồng bằng cách sử dụng nhiều phương tiện mà chúng ta có, là một nhiệm vụ cũng ngang hàng với nhiệm vụ điều trị, phòng ngừa, và nghiên cứu.

Hằng ngày trong cơ cấu chăm sóc sức khỏe, việc giảng dạy có tác động như một sự bảo đảm về chất lượng. Thực vậy, nếu chúng ta không chứng tỏ cho xã hội thấy được điều chúng ta đang làm qua việc giảng dạy của mình, thì chúng ta không thể làm việc với đủ sinh lực mà người ta đòi hỏi nơi chúng ta. Vì vậy chúng ta phải quyết tâm dự trù trong ngân sách hằng năm của Trung tâm cho các mục đích giảng dạy, và chúng ta ước muốn cộng tác với các tổ chức công và tư nhân khác, qua việc dễ tiếp thu một "ơn gọi giảng dạy" vốn đã có khi Dòng chúng ta được khai sinh.

Nhìn về tương lai, việc giảng dạy sẽ trở thành trách nhiệm của mỗi Trung tâm. Đó là điều sẽ làm chúng ta được tín nhiệm và biện minh cho sự hiện diện của chúng ta trong xã hội, như một yếu tố cơ bản của việc chăm sóc có chất lượng cao, và điều này đòi chúng ta phải cố gắng. Một sự dấn thân cho việc giảng dạy hay suy tư và hành động theo một phương thức mới mẻ, vì lợi ích của những người đau khổ.

6.3       Việc Nghiên Cứu

6.3.1    Thông truyền những quan điểm của Dòng

Việc chăm sóc, và hoạt động kĩ thuật và khoa học mà Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa đã thực hiện trong năm thế kỉ đã mang lại biết bao đóng góp tuyệt vời và đa dạng cho sự cải thiện sức khỏe và đời sống. Bản thân thánh Gioan Thiên Chúa đã bắt đầu "cuộc phiêu lưu trợ thế" của ngài khi ngài đến Baeza và Guadalupe để đón nhận sự đào luyện, theo lời khuyên của Tôn sư Gioan Avila. Theo một số tác giả, Tôn sư Avila là người nổi tiếng về sự say mê khoa học, và ngài cũng biết có lớp học của các bệnh viện do các thày dòng Thánh Hiêrônimô trông coi, nên đã gửi chàng sinh viên Gioan đến vừa như người hành hương vừa như một sinh viên thực tập để học hỏi cách điều hành những bệnh viện. (7)

Khi trở về Granada, Gioan bắt đầu thực hiện kế hoạch phục vụ người bệnh. Những đóng góp của ngài trong việc chăm sóc, trong việc tổ chức hai bệnh viện sử dụng những phương tiện rất tiến bộ vào lúc bấy giờ, đã khiến cho lịch sử nhìn nhận Gioan Thiên Chúa như là Sáng Lập Viên của bệnh viện hiện đại.

Trong tiến trình phát triển di sản năng động của thánh Gioan Thiên Chúa qua thời gian và không gian, các Tu huynh và Cộng tác viên Trợ Thế đã không ngừng cải tiến phương pháp, tích luỹ kinh nghiệm và gia tăng kiến thức. "Người ta có thể nói một cách chung chung rằng sự phát triển trong Dòng phản ánh sự phát triển của khoa tâm bệnh học và thần kinh học." (8)

Các Tu huynh Trợ thế là những người đầu tiên thiết lập một bệnh viện cho các người mắc bệnh động kinh ở châu Âu. (9) Từ khi xây dựng những bệnh viện đầu tiên của mình, họ luôn luôn bổ sung công tác chữa trị bằng việc đào tạo và giáo dục: ngay từ thế kỉ XVI đã có những thông tin nói về những trường phẫu thuật đầu tiên được mở trong những bệnh viện của Dòng. (10) Các thày cũng mở các trường khác về hóa, dược, y và điều dưỡng, một số được thiết lập gần đây hơn và hiện vẫn còn hoạt động.

Các Tu huynh nổi tiếng, cùng với nhiều vị khác ít được biết đến hơn, cũng là những bác sĩ, phẫu thuật viên, nha sĩ, điều dưỡng, một số là những gương mẫu trổi vượt về cách thức liên kết đặc sủng trợ thế với tinh thần khoa học và nghiên cứu. (11)

Dòng Trợ Thế là một tổ chức đã hiện diện trong nhiều thế kỉ trong thế giới chăm sóc sức khỏe và phục vụ xã hội. Đó là lí do để Dòng có thể và phải khuyến khích sự tìm tòi liên tục nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bằng cách cổ võ việc nghiên cứu. Nó không được bỏ một lãnh vực nghiên cứu nào, nhưng có lẽ những lãnh vực chuyên biệt hơn cho Dòng là việc chăm sóc toàn diện, chăm sóc nhân đạo và đạo đức sinh học nhìn dưới khía cạnh lâm sàng, dịch tễ học, quản lí và giáo dục, cả trong nội khoa và điều dưỡng, chăm sóc mục vụ, đối thoại liên ngành trong việc cung cấp việc phục vụ cho người nghèo khổ và bệnh nhân, những giá trị của cơ chế nói chung, v.v...

Việc học hỏi văn kiện này với óc sáng tạo, bảo đảm những nguồn nhân sự chất lượng cao để đối phó với mọi hoàn cảnh, và gây động lực cho các Cộng tác viên của chúng ta phát triển chiều kích canh tân của Dòng Trợ Thế vốn đã là một trong những nét đặc trưng của Dòng trong suốt lịch sử của mình, tất cả những điều này sẽ là những hướng dẫn thích hợp nhất cho sự hợp tác.

6.3.2    Cổ võ việc nghiên cứu hướng tới Thiên Niên Kỷ III

Sự tiến bộ không ngừng của khoa học và sự dấn thân của các nhân viên chăm sóc y tế, không chỉ trong việc cung cấp sự chăm sóc mà cả trong công việc thí nghiệm, khiến cho việc cổ võ sự nghiên cứu một cách đúng mức trở thành thiết yếu hôm nay. Không thể có tiến bộ y khoa nếu không có những cố gắng nghiên cứu thích hợp và quan trọng (lí thuyết, phòng thí nghiệm, trên xúc vật và trên người). Sự chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân và người nghèo khổ tất yếu đòi hỏi những giai đoạn chuẩn bị này phải được thực hiện trước tiên.

Mặc dù trong truyền thống Dòng đã hoạt động chủ yếu trong việc trực tiếp giúp đỡ bệnh nhân và người nghèo khổ, nhưng những sự kiện mới mẻ của xã hội và của việc săn sóc hôm nay làm cho việc nghiên cứu trở thành một điều tất yếu, không phải nhắm mục tiêu trở thành những nhà chuyên môn "khác", mà tạo thành một phần tự nhiên của nhũng hoạt động có thể được hoàn thành và cổ võ trong các Trung tâm hiện hành của chúng ta.

Điều này đã là thực tế rồi, và đã được thực hiện một ít năm rồi, mang lại lợi ích lớn cho các bệnh nhân và sự hài lòng đối với các Cộng tác viên, là những người hoàn toàn đi vào quĩ đạo của việc nghiên cứu quốc tế và như thế tham gia vào sự "tiến bộ trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe" trong đó cả cộng đồng khoa học đều đang quan tâm.

Các phương tiện chính để thực hiện công việc này sẽ là: các thử nghiệm lâm sàng, các thoả ước với các viện nghiên cứu, liên kết với các chương trình nghiên cứu quốc tế, và cung cấp trình độ chuyên môn đặc biệt và độc quyền cho một số Cộng tác viên của chúng ta trong lãnh vực này. Để việc cổ võ nghiên cứu hiệu quả hơn, cũng có thể lập các hiệp hội với mục đích thực hiện nghiên cứu một cách có tổ chức hơn, và theo phương thức phối hợp liên ngành hơn, dựa vào sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn có bằng cấp mà không làm việc trực tiếp tại Trung tâm.

Một vấn đề đặc biệt là việc gây quĩ tài trợ việc nghiên cứu. Không thể rút quĩ này từ việc chăm sóc bệnh nhân. Ngược lại, quĩ nghiên cứu được dùng để cung cấp việc điều trị tốt hơn cho bệnh nhân cả khi người ta không thể nhìn thấy ngay 'doanh thu' của việc đầu tư, bởi vì đôi khi các khoản tiền sử dụng có vẻ như không mang lại những kết quả tức khắc như người ta mong đợi.

Chính vì thế, Dòng không chỉ đánh giá cao và cổ võ việc nghiên cứu thực nghiệm trong các Trung tâm của mình, nhưng Dòng cũng có thể cổ võ việc nghiên cứu bằng những sắp xếp của mình với những thực thể khác đang hoạt động hợp pháp trong lãnh vực này. Phải lưu tâm tới điều này mỗi khi hoàn cảnh và địa điểm của một Trung tâm nào đó cho phép, khi kí những hợp đồng với chính quyền theo đó một phần của ngân sách, dù chỉ là nhỏ thôi, được dành cho việc nghiên cứu.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 6

(1)   VATICANÔ II, Nostra Aetate, 2 và tt.

(2)   Xem GIOAN PHAOLÔ, Đức Tin và Lí Trí, 1999, Ch. 1.

(3)   Uỷ Ban Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ Truyền Bá Tin Mừng các Dân Tộc, Dialogue and Annunciation, BCDR (1991), 210-250.

(4)   JAVIERRE, José Maria Juan de Dios, Ioco en Granada, Sigueme, Salamanca, 1996.

(5)   PLUMED MORENO, C., "Jornadas Internacionales de Enfermeria", San Juan de Dios, 1992.

(6)   ALVAREZ SIERRA, José Antón Martín y el Madrid de los Austrias, 1961.

(7)   JAVIERRE, sách đã dẫn, tr. 413.

(8)   RUMBAUT, Ruben, D., John of God: his place in the history of Psychiatry and Medicine, 1978, song ngữ (Anh/Tây Ban Nha), tr. 115.

(9) ALVAREZ SIERRA, José, Influencia de San Juan de Dios y de su Orden en el progreso de la Medicina y de la Cirurgia, Talleres Arges, Madrid, 1950, tr. 148.

(10)   RUSSOTTO Gabriele OH. San Giovanni di Dio e il suo Ordine Ospedalliero Rome, 1969, secondo volume, tr. 124.

(11)   Cuốn Lịch sử Dòng do Tu huynh Gabriele Russotto    viết gồm 73 trang liệt kê các tên tuổi và rất nhiều tài liệu dẫn chứng. Những Bác sĩ và phẫu thuật viên nổi tiếng có Tu huynh Gabriele Ferrara (Ý), Tu huynh Alonso Pabón (Tây Ban Nha), Tu huynh Bernard Fyrtram (Áo), Tu huynh José López de la Madera (Tây Ban Nha), Tu huynh Konstantin Scholz (Silesia, Áo), Tu huynh Abrogio Guivebille (Áo), Tu huynh Lazzaro Nobel (Đức), Tu huynh Matias del Carmen Verdugo ( Chi-lê), Tu huynh Micae Isla (Colombia), Tu huynh Probo Martini (Đức, Cộng hòa Czech, Silésia), Tu huynh Bertrand Schroder (Áo), Tu huynh Norberto Boccius (Hungary, Cộng hòa Czech), Tu huynh Manuel Chaparro (Chi-lê), Tu huynh Ludovico Pezima (Ba Lan), Tu huynh Eliseo Talochon (Pháp), Tu huynh Odilone Wolf (Cộng hoà Czech), Tu huynh Giusto Sarmiento (Mỹ), Tu huynh fausto Gradischeg (Áo), Tu huynh Giovanni Luigi Portalupi (Ý), Tu huynh Benedetto Nappi (Ý), Tu huynh Celestino Opitz (Cộng hoà Czech), Tu huynh Prosdocimo Salerio (Ý), Tu huynh Celso Broglio (Ý), Tu huynh Giovanni di Dio Sobel (Silesia), và Tu huynh Francis de Sales Whitaker (Ai-Len và Anh). Danh sách kết thúc bằng tên của Thánh Richard Pampuri.

Trong số các Dược sĩ và nhà Thực vật học, các tên tuổi nổi tiếng nhất trong lịch sử của Dòng là các Tu huynh Agostino Stromayer (Cộng hoà Czech), Innocenzo Monguzzi (Ý), Ottavio Ferraro (Ý), Gallicano Bertazzi (Ý), Atanasio Pellicia (Ý), và Antonio Matia dell'Orto (Ý).

Có hai Nha sĩ nổi tiếng: Tu huynh Gioavanni di Dio Pelizzoni (Ý) và Tu huynh Giovanni battista Orsenigo (Ý) rất nổi tiếng ở Rôma.

Ở Colombia, Tu huynh Miguel de Isla (thế kỉ 18) rất nổi tiếng. Tu huynh là một bác sĩ, một Giáo sư y khoa và người phục hưng Phân Khoa Y Học ở Đại học Rosario. Ở Chi Lê, Tu huynh Manuel Chaparro đề xướng việc tiêm chủng chưa từng được sử dụng trước kia và thậm chí chưa từng được biết đến ở Châu Âu, để kiểm soát một trận dịch đậu mùa tàn khốc kéo dài từ 1765 đến 1772.

Cũng đáng lưu ý rằng năm 1821, Thày Ottavio Ferrario, một dược sĩ, đã khám phá ra chất iodoform, mặc dù một người Pháp được nhìn nhận là khám phá ra nó cùng năm ấy. Năm 1882 Thày Ferrario là người đầu tiên ở Ý lấy được chất kí ninh, bằng cách phân lập những hoạt chất từ vỏ cây canh kí na.

 

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 6

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1) Trung tâm hay Tỉnh của bạn có những chương trình đào tạo, giảng dạy, giáo dục và nghiên cứu gì? Hãy đánh giá cách thức thực hiện và hiệu quả của những chương trình này.

2) Đâu là những ưu tiên của Dòng trong lãnh vực này?

- trong việc đào luyện

- trong việc giảng dạy

- trong việc nghiên cứu.

CHƯƠNG 7

TÍNH NGAY THẲNG LÀM CƠ SỞ HÀNH ĐỘNG

7.1       Tính Ngay Thẳng Là Một Dự Phóng Hiện Sinh

7.1.1   Sống phù hợp với những giá trị tạo thành nhân vị:

"Tính ngay thẳng" là thuật ngữ để nói về phẩm chất đạo đức của một con người có các hành vi phù hợp với những nguyên tắc và những giá trị tinh thần mà họ nhìn nhận: "operari sequitur esse" (bản chất thế nào thì hành động như thế). Tính ngay thẳng hay chính trực này đòi hỏi một quả tim không chia cắt, sự lương thiện và trung thực trong mọi hành động và luôn luôn trung thành giữa những khó khăn và thử thách. Người chính trực là người sống phù hợp với giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như thày đã yêu thương anh em."

Sự thống nhất giữa trí khôn và con tim, sự nhất quán giữa tình cảm và hành động đòi hỏi cả một tiến trình trưởng thành khá lâu dài về nhân bản, tâm lí và thiêng liêng tùy theo mỗi cá nhân, mức độ ơn gọi phục vụ của họ và sự đáp trả quảng đại của họ.

Tạo được sự hài hòa giữa hành động và sự kết hợp với Thiên Chúa theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa là nhiệm vụ của cả một đời người.

Nếu chúng ta hành động chỉ vì hay chủ yếu vì lợi ích của xã hội, hiệu quả và năng suất, mà gạt bỏ chiều kích chứng tá tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô theo đặc sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, thì chúng ta đang hành động ngược với sự ngay thẳng và chính trực của mình như một dự phóng hiện sinh, và các hành vi cũng như việc làm của chúng ta không còn mang sức mạnh Tin Mừng hóa như nó phải có. Nếu một người là chính trực, người ấy chính trực vì bản chất con người họ chứ không phải vì điều họ nói hay làm.

7.1.2   Con người là chứng tá cho sự siêu việt của tình yêu.

Ơn gọi của con người là đạt được sự sống Thiên Chúa: "Irrequietum est cor nostrum donec requiescat in Te" ("Lòng chúng con không bao giờ được yên cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài.") Làm môn đệ của Chúa Giêsu, sự mặc khải viên mãn của Thiên Chúa, chính là con đường để con người đạt tới sự sung mãn của nhân vị mình. Làm môn đệ Chúa Kitô theo cung cách của thánh Gioan Thiên Chúa tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ nhất, chính là mẫu gương của Dòng Trợ Thế.

Việc hiến mình vô điều kiện cho tha nhân như một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta một mức độ trưởng thành nhân bản và thiêng liêng: cảm nghiệm tình thân mật với Thiên Chúa, nhận ra và cảm thấy chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, hiểu biết mình và chấp nhận mình đúng theo thực chất của mình, đó là những điều kiện cần thiết để đạt đủ mức độ về căn tính, sự tin tưởng và tự do mà việc tông đồ đòi hỏi. Cầu nguyện là cần thiết để kích thích, thống nhất và kết hợp đời thiêng liêng và đời hoạt động.

Kinh nghiệm của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu vô điều kiện của ngài đối với chúng ta cho chúng ta đạt được mức độ tương quan mà chúng ta phải có đối với người nghèo khổ, bẳng cách giúp họ xây dựng đời sống họ, quí chuộng nhân phẩm của họ và bộc lộ cho họ khả năng yêu thương. Kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa giúp người ta khám phá ra ơn gọi của họ là con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng của Chúa Giêsu mặc khải cho con người thân phận của họ như là những con người tự do được kêu gọi để hiệp thông với Thiên Chúa, khơi dậy nơi họ ý thức về chiều sâu của tự do con người: giải phóng khỏi mọi sự nô lệ, giải phóng khỏi tội lỗi, giải phóng để công bố Tin Mừng, giải phóng để lớn lên trong tự do theo Thần Khí.

7.2     Lương Tâm Là Động Cơ Thúc Đẩy Mọi Hành Động của Chúng Ta

"Tự đáy lương tâm mình, con người khám phá ra một luật không phải tự họ đặt ra, nhưng bắt họ phải vâng phục. Luôn luôn kêu gọi con người làm lành lánh dữ, khi cần, tiếng lương tâm nói với quả tim của họ: hãy làm cái này, hãy tránh cái kia. Bởi vì con người có một luật của Thiên Chúa viết trong quả tim của họ; vâng nghe luật đó chính là phẩm giá của con người; họ sẽ được phán xét theo luật đó". (1)

"Phẩm giá con người bao hàm và đòi hỏi một lương tâm ngay thằng. Lương tâm bao gồm nhận thức về các nguyên tắc luân lí (lương tri); áp dụng những nguyên tắc này vào những hoàn cảnh cụ thể bằng việc phân biệt thực tiễn về các lí do và các điều thiện; và sau cùng là phán đoán về các hành vi cụ thể còn phải thực hiện hay đã thực hiện. Chân lí về điều thiện luân lí được phát biểu trong luật của lí trí được nhìn nhận một cách thực tiễn và cụ thể bởi phán đoán hiện tại của lương tâm. Chúng ta gọi một người là khôn ngoan khi người đó biết hành động phù hợp với phán đoán này của lương tâm." (2)

"Con người có quyền hành động theo lương tâm và tự do để tự mình làm những quyết định luân lí. Họ không thể bị ép buộc hành động ngược lại lương tâm của họ. Cũng không thể cấm họ hành động theo lương tâm, đặc biệt trong các vấn đề về tôn giáo." (3)

Trong việc đào luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta; chúng ta phải hấp thu Lời Chúa trong đức tin và cầu nguyện, và đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải tra xét lương tâm mình trước Thánh Giá Chúa. Chúng ta được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, của chứng tá hay lời khuyên của người khác, và được hướng dẫn bởi giáo huấn của Hội Thánh.

Sự suy tư cá nhân và cộng đoàn, mà các Uỷ ban Đạo đức là một trong số các biểu hiện của nó, có thể soi sáng cho những vấn đề khó khăn mà các luật được phát biểu bởi Huấn Quyền của Hội Thánh không nói rõ. Trình độ chuyên môn, lòng tôn trọng và tuân theo Huấn Quyền, và tinh thần đối thoại, là những yếu tố tiên quyết để tìm ra những đường lối hành động đặc biệt phải theo trong trường hợp xung đột mà cần phải đánh giá bậc thang các giá trị mâu thuẫn nhau.

Vì những vấn đề đạo đức quan trọng nhất của luật tự nhiên không được thiết lập một cách minh nhiên trong Kinh Thánh, nên cần phải lưu tâm nhiều hơn đến một nền tảng thuyết phục và hợp lí mà không chỉ dựa trên quyền bính. Thiếu điều kiện này, con người thời nay sẽ ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc ưng thuận một cách tự do, với ý thức về tính tự trị và trách nhiệm của mình.

7.3     Lương Tâm và Sự Ngay Thẳng Đạo Đức

7.3.1    Phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ như một "điều kiện tất yếu" (conditio sine qua non)

Từ "tôi tớ" trong cộng đoàn Hội Thánh thời kì đầu đã định nghĩa một cách trang trọng địa vị của người tín hữu như là người vì tình yêu mà hoàn toàn hiến thân phục vụ anh chị em mình. Thái độ này càng được biểu hiện rõ nét bởi cộng đoàn hội thánh trong việc quan tâm và chăm sóc những bệnh nhân và người nghèo khổ.

Thực ra, những bằng chứng đáng tin cậy nhất của quá khứ (lời thề của Asaph, kinh nguyện của Maimonides, v.v...) cũng đã từng nhấn mạnh sự dấn thân phục vụ của những người chăm sóc sức khỏe và chính ý tưởng về phục vụ xã hội hay sức khỏe cũng hiện diện trong nhiều trường phái ý thức hệ và văn hóa. Nhưng chính trong Kitô giáo mà ý tưởng này đã mặc lấy một tầm quan trọng hoàn toàn đặc biệt vì nó nêu lên gương mẫu là việc phục vụ của Chúa Giêsu, người "trợ tá" (diaconus) của Chúa Cha đối với loài người, và người Tôi tớ của Thiên Chúa để phục vụ anh chị em mình. Không phải tình cờ mà thánh Policarpô (cuối thế kỉ I) đã gọi Chúa Giêsu là "trợ tá, và tôi tớ của mọi người."

Chính vì thế mà trong Dòng, vì coi việc trợ thế là đoàn sủng chuyên biệt của mình, nên chiều kích phục vụ trở thành tuyết đối thiết yếu và diễn tả lí do hiện hữu của các công cuộc của Dòng và thái độ nội tâm của những Cộng tác viên tận tuỵ nhất của mình.

Trong lãnh vực này tồn tại những ơn gọi khác nhau, và vì thế tính đa nguyên trở thành một nguồn tạo sự phong phú, và các biến cố đời sống cá nhân, các bậc sống, và các môi trường làm việc trở thành biết bao cơ hội để dấn thân cho việc phục vụ. Ở đâu sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân Hội Thánh bao gồm một sự tham gia trực tiếp vào việc chăm lo cho các nhu cầu đời sống của tha nhân, như trong trường hợp Hội Dòng Trợ Thế, thì ở đó việc phục vụ trở thành một đường hướng chuyên biệt để hành động. 

7.3.2    Các mức độ dấn thân của cá nhân trong sứ mạng của Dòng

7.3.2.1   Các Tu huynh.

Hiển nhiên đây là những người dấn mình một cách triệt để nhất, do lời khấn tu trì của họ. Khấn trong Dòng cũng tương đương với việc sống một nghề ngoài xã hội. Cả hai hoàn cảnh đều đặc trưng bởi ba yếu tố: niềm tin, được tuyên bố công khai và chính thức trong thực tại hiện sinh mà các Tu huynh tự do ôm ấp; tư cách thành viên của một tập thể xã hội đặc thù biến thực tại này thành lí do hiện hữu duy nhất của mình; sự quyết tâm để biểu hiện thực tại được tuyên khấn trong đời sống của họ.

Chiều kích thứ nhất-niềm tin-liên quan tới bình diện tri thức và chúng ta có thể nói nó được thực hiện bởi "tin vào tính trợ thế." Chúng ta không thể sống và hành động theo phong cách của thánh Gioan Thiên Chúa một cách cụ thể trong việc ôm ấp đặc sủng trợ thế nếu chúng ta không tin vào tính trợ thế này trước hết và trên hết. Nói cách khác, đây là việc canh tân một chứng tá bắt nguồn từ đáy thẳm ơn gọi của một người, được canh tân mỗi ngày và lập lại mỗi ngày lời "thưa vâng" đối với tính trợ thế.

Chiều kích thứ hai-tư cách thành viên-là về môi trường tương quan, đó là ý thức mình là thành viên và mình thuộc về một tập thể, và chính xác hơn đó là chiều kích cộng đoàn của đời sống chúng ta. Chiều kích cộng đoàn này là sự phản ánh chính yếu của một ơn gọi, mặc dù nó không gạt bỏ chiều kích cá nhân của một vị Thiên Chúa Đấng "gọi chúng ta đích danh từng người", nhưng ơn gọi này được thể hiện trong một cộng đoàn. Hơn nữa, lời đáp của chúng ta bao gồm tư cách thành viên đặc biệt, và tư cách này trở thành một thực tại. Nó bao hàm một tư cách thành viên thực sự của một cộng đoàn: tư cách thành viên trong cơ cấu của Dòng và hành động của nó được diễn tả qua đời sống huynh đệ và qua sự cam kết chung của người Trợ thế.

Sau cùng là chiều kích của sự chọn lựa tự do-sự dấn thân-được diễn tả qua việc tuyên khấn. Một lần nữa, cần nhấn mạnh đến chiều kích dâng hiến hơn là chiều kích tu đức của các lời khấn, coi các lời khấn như là một "sự hiến tặng" hơn là một "sự từ bỏ". Hiểu như thế, các lời khấn có thể được coi là một tập hợp các giá trị mẫu mực được các Cộng tác viên của chúng ta noi theo, trong đó họ có thể tìm được một chiều kích hiệp thông là điều rộng lớn hơn là chỉ có làm việc chung với nhau. Nhờ đó, người Tu huynh có thể chia sẻ với người Cộng tác viên giáo dân lời khấn vâng phục của mình như là sự chấp nhận các hoàn cảnh trong đời sống để có thể nhìn thấy ý của Chúa trong những biến cố của đời sống; lời khấn nghèo khó như là sự hiến tặng tất cả những khả năng nội tâm của mình, thời giờ, trí khôn và quả tim; lời khấn khiết tịnh như là sự dâng hiến thể xác mình vànhững nguồn lực riêng của mỗi người trong tư cách một người nam hay một người nữ, và tính trợ thế như biểu hiện của sự rộng mở và phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ.

7.3.2.2   Các Cộng tác viên giáo dân

Chúng ta có thể bao gồm ở đây tất cả những người làm việc trong các Nhà của Dòng và tham gia vói tư cách "ngoại trú" vào những biến cố và công cuộc được Dòng khởi xướng, và nhờ đó giúp họ theo đuổi các mục đích của họ. "Đương nhiên các mức độ tham gia này rất rộng và đa dạng: có những người cảm thấy gắn bó đặc biệt với Dòng qua linh đạo của Dòng; những người khác thì tham gia trong việc thực thi sứ mạng của Dòng. Nhưng điều quan trọng là đặc sủng trợ thế mà Dòng nhận được từ thánh Gioan Thiên Chúa phải thiết lập một dây liên kết hiệp thông giữa các Tu huynh và Cộng tác viên để sự hiệp thông này có thể có tác dụng như một sự kích thích và một sự thúc đẩy để cả hai cùng phát huy ơn gọi Kitô hữuvà trở nên một dấu chỉ hữu hình về tình yêu nhân từ của Thiên Chúa đối với mọi người nam cũng như nữ, những người nghèo khổ và cùng quẫn." (4)

Ngoài vấn đề đức tin, các Cộng tác viên trong các Trung tâm của chúng ta đóng một vai trò quyết định trong việc giúp các trung tâm hoàn thành công việc bằng cách trở nên tích cực dấn thân trong sứ mạng. Họ thiết lập một quan hệ với Dòng chủ yếu dựa trên công việc, vì đa số họ là những người làm các việc phục vụ mà Trung tâm cống hiến cho cộng đồng. Do số đông và do cách thức họ thực sự cổ võ và phát triển các Trung tâm, họ có phần đóng góp quan trọng cho các công cuộc của Dòng mà không đòi chia sẻ đặc sủng một cách sâu hơn bằng việc sử dụng những thái độ và phong cách mà họ có thể cảm thấy không thích hợp đối với bậc sống hiện tại của họ. Nhưng với lòng tôn trọng sự chọn lựa của họ về các giá trị, và không tìm cách gây áp lực trên lương tâm của họ, chúng ta thấy cần cung cấp cho họ mọi phương tiện họ cần để họ có thể bước vào một con đường mà đến lúc thích hợp sẽ có thể dẫn họ tới chỗ tự do chấp nhận một sự dấn thân trực tiếp hơn vào sứ mạng của Dòng.

Các Cộng tác viên nhậy bén và tận tuỵ nhất của chúng ta mà muốn chia sẻ hoàn toàn sứ mạng của Dòng có thể nói một cách chắc chắn rằng họ tham dự vào đoàn sủng của thánh Gioan Thiên Chúa, đoàn sủng này bao bọc họ và sống trong họ và lan toả trong con người họ không kém gì trong các Tu huynh. Chính vì lí do này chúng ta cũng có thể thiết lập những hình thức hiệp hội đặc biệt của các Cộng tác viên được Hội Thánh nhìn nhận và làm chứng tá trực tiếp hơn về đặc sủng trợ thế trong lối sống giáo dân của họ, nhờ đó góp phần vào việc thể hiện và tái tạo sinh lực cho sứ mạng của Dòng. Trong viễn tượng này, sự hợp tác giữa các Tu huynh và các Cộng tác viên không còn là chuyện may rủi và được chăng hay chớ, nhưng làm cho họ trở thành những thành viên hoàn toàn đích thực thuộc cơ cấu đời sống của Dòng.

Điều này được cảm nhận một cách mãnh liệt trên bình diện Hội Thánh toàn cầu hôm nay: "Ngày nay, thường do hậu quả của những hoàn cảnh mới, nhiều hội dòng đã đi đến kết luật rằng đoàn sủng của họ có thể được chia sẻ cho giáo dân. Vì vậy giáo dân được mời gọi chia sẻ sâu đậm hơn trong linh đạo và sứ mạng của những hội dòng này. Trong ánh sáng của những kinh nghiệm lịch sử, như kinh nghiệm của các hội dòng giáo dân hay dòng ba, chúng ta có thể nói rằng một trang sử mới tràn trề hi vọng đã bắt đầu trong lịch sử các mối quan hệ giữa những người thánh hiến và những người giáo dân." (5) 

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 7

(1)   VATICANÔ II: Gaudium et Spes, §16.

(2)   Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, §1780.

(3)   nt., §1782.

(4)   TRỤ SỞ TỔNG QUYỀN, Các Tu huynh Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa và các Cộng tác viên Cùng Nhau Phục Vụ Và Phát Huy Sự Sống, §115.

(5)   GIOAN PHAOLÔ II, Vita Consecrata (Đời Thánh Hiến), §54.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 7

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1) Các nguồn lực đang được sử dụng như thế nào để phát huy tính ngay thẳng của nhân cách mà chúng ta bàn đến trong chương này?

2) Cần phải sử dụng những nguồn lực nào khác nữa? 

CHƯƠNG 8

TẠO DỰNG TƯƠNG LAI TRONG HI VỌNG

8.1     Những Thách Đố của Hiện Tại

Khi suy nghĩ về tương lai, và đặc biệt hơn về tương quan giữa óc sáng tạo và thời gian tính, chúng ta phải lưu ý và giải quyết một mâu thuẫn: thời gian mà chúng ta muốn xem xét không phải một khoảng không trừu tượng và xa xôi trong tâm trí, nhưng là chính hiện tại của chúng ta.

Chính thời đại chúng ta đang sống dọn đường cho tương lai: chính trong những giá trị chúng ta lấy làm nền tảng cho chứng tá của mình mà mầm tương lai có thể được tìm thấy. Bởi vì chúng ta không được phép trì hoãn mãi những cam kết dấn thân và chứng ta tới một tương lai giả tưởng nào đó để hòng làm nhẹ đi mãi gánh nặng của những trách nhiệm hiện tại của chúng ta.

Chúng ta phải bước vào thiên niên kỉ mới với sự dũng cảm của ơn gọi tiên tri để đảm nhận những vai trò mới và mang những hình thức chứng tá mới. (1) Trong thế giớiTrợ thế, niềm hi vọng biểu hiện ơn cứu độ chỉ có thể tạo nên một tương lai khả dĩ nếu các cơ cấu chăm sóc sứ khỏe được xây dựng có khả năng đón nhận những con người đau khổ thời nay. Đó là tạo ra được những phương tiện để thiết lập và phát triển những qui trình có khả năng làm cho thời gian trở nên hiệu quả, để nó có thể phát sinh những sáng kiến biết trung thành với Ý Chúa và với những dấu chỉ của thời đại qua đó Ý Chúa được thể hiện trong thời gian.

Có óc sáng tạo trong hoạt động trợ thế có nghĩa là tạo ra và không ngừng làm chứng cho một tình yêu sống động, hiệu quả và xây dựng đối với những anh chị em chúng ta đang đau khổ; không ngừng loại bỏ những lối hoạch định và phác họa tương lai mà không tạo ra CÁI MỚI, vì làm như thế có thể là đặt Dòng chúng ta ra bên ngoài lịch sử.

Những thay đổi làm nên thời đại mà chúng ta đang sống buộc chúng ta phải đánh giá rồi quyết định và có những giải đáp cụ thể phát sinh từ nền văn hóa đa nguyên đang lớn lên, từ các phong trào nhân quyền, từ tình trạng loài người đang già đi, từ sự gia tăng các hình thức nghèo khổ cũ cũng như mới, từ khát vọng hòa bình và từ sự thiếu hụt ngày càng lớn những nguồn tài chánh hiện có để bảo vệ sự an sinh của con người.

Như đã nói ở những phần khác trong văn kiện này, đối thoại đạo đức sinh học là một chỉ số cốt yếu để qua đó chúng ta có thể bảo đảm mình sẽ hành động đúng đắn trong tư cách là Tu huynh và những nhà chuyên nghiệp, chính bởi vì nó buộc chúng ta phải có một quan điểm phổ quát hơn về thái độ và các quyết định của mình, luôn luôn được thực hiện nhằm cổ võ tính nhân bản của con người.

Như đời sống chứng tá của thánh Gioan Thiên Chúa đã minh chứng, con người không phải là một sự vật trong toàn cảnh thiên nhiên, mà là một cao điểm để từ đó chúng ta nhìn toàn thể vạn vật trong thiên nhiên. (2)

Để làm chứng tá cho những chân trời trợ thế tương lai, chúng ta phải xem xét một cách toàn diện hơn những đòi hỏi của nhân loại nghèo khổ, bằng cách liên kết một cách thống nhất chiều kích đạo đức và chiều kích thiêng liêng với chiều kích nhân bản.

Ngày nay, nhiệm vụ của các Tu huynh và Cộng tác viên chúng ta là trở thành những sứ ngôn của hi vọng, những sứ ngôn của phẩm giá những con người đau khổ, những sứ ngôn của tình yêu thường bị dập tắt bởi kĩ thuật và những qui luật thị trường hiện đã xâm nhập thế giới chăm sóc sức khỏe ngày nay.

Trong nhiều trường hợp trong quá khứ, chúng ta đã thay thế hay chặn trước lãnh vực quyền bính của chính quyền. Ngày nay chúng ta phải bước vào lãnh vực này và tổ chức của thị trường với văn hóa và tinh thần của thánh Gioan Thiên Chúa, để bảo vệ người nghèo, người già và bệnh nhân mãn tính. Dòng phải đi theo một đường lối có thể dẫn đến việc thực hành giáo huấn xã hội của Hội Thánh, bằng cách dùng những nhà chuyên môn có uy tín để họ biết lưu tâm tới tính sáng tạo của tình yêu và linh đạo của Dòng.

Tất cả điều này có thể đòi hỏi chúng ta suy xét lại sự hiện diện của Dòng trong một số Trung tâm chuyên biệt, nhưng đồng thời nó có thể đòi hỏi chúng ta có một cuộc xây dựng lại trước thềm của thiên niên kỉ mới.

Tạo dựng tương lai có nghĩa là đi vào tương lai của nhân loại như men trong bột, từ chối giữ thái độ người bàng quan nhìn qua cửa sổ nhỏ hẹp của mình mà thường tưởng rằng mình đang nhìn thấy cả thế giới.

Chúng ta được uỷ thác sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho thế giới chăm sóc sức khỏe, và chúng ta phải loan báo cho người nghèo biết rằng ơn cứu độ đang ở giữa chúng ta và được biểu hiện qua việc tiếp đón Đức Kitô nơi những người anh chị em chúng ta: mọi hành vi trợ thế đều là một dấu chỉ của niềm hi vọng rằng sức khỏe, sự toàn vẹn phẩm giá và ơn cứu độ là điều có thể đạt được.

 

8.2     Sức Mạnh Tiên Tri của Việc Trợ Thế

Để sống tinh thần Trợ Thế Mới, chúng ta cần tái thiết kế sự hiện diện của chúng ta trong thế giới chăm sóc sức khỏe đang liên tục thay đổi, bằng cách ném mình vào một tiến trình chuyển biến mau lẹ mà rất có thể huỷ diệt chúng ta, trừ khi chúng ta xác định rõ những dự phóng của mình và đề ra những chiến lược cân xứng để thực hiện chúng. Không phải là việc cứu những "công cuộc" và những Trung tâm, mà là làm cho có thể loan báo Tin Mừng qua việc thực hành đoàn sủng trợ thế như một việc phục vụ Thiên Chúa nơi người nghèo khổ. Sau khi đã nhìn thấy biết bao đòi hỏi thay đổi, ngày nay chúng ta đang được gọi để đi xa hơn là sự thay đổi mà thôi: chúng ta phải kích thích một tiến trình có thể giúp chúng ta "tái phát minh" chính mình, và tái phát minh tính trợ thế.

Nếu chúng ta chỉ ngồi đợi hay thử để trở nên "hoàn thiện" trong tiến trình thay đổi này, điều đó có nghĩa chúng ta đã không nghe được tiếng nói của Thiên Chúa đấng đang nghĩ về chúng ta trong thân phận lịch sử của bản thân chúng ta chứ không chỉ trong lịch sử của các Trung tâm của chúng ta. Thời gian và tương lai sẽ không đứng về phía chúng ta nếu chúng ta không biết cách để sống giây phút hiện tại một cách dũng cảm và trọn vẹn.

Bởi vì sức mạnh tiên tri không chỉ được diễn tả trong khả năng của chúng ta biết cắt nghĩa những dấu chỉ của thời đại, nhưng trên hết nó được diễn tả trong việc chúng ta biết cách để vượt qua hiện tại và "đọc tương lai" bằng con mắt của Thiên Chúa.

". . . Cả khi sự canh tân không biến mất khỏi ngôn ngữ và những dự phóng của Dòng, và cả khi nó đang được các cá nhân và các Cộng đoàn theo đuổi, chúng ta vẫn phải nhấn mạnh hơn bao giờ về nhu cầu và sự đòi hỏi thực hiện việc canh tân này." (3)

Suy tư về việc canh tân với tinh thần tiên tri làm chúng ta lưu tâm tới rất nhiều điều buộc chúng ta phải có sự biện phân. Canh tân tính trợ thế có nghĩa là cống hiến những việc phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng những nhu cầu của con người, đánh giá đúng mức những nguồn lực kinh tế của chúng ta, xem xét những đòi hỏi của công bằng xã hội, bảo đảm việc đào luyện các Tu huynh và Cộng tác viên, và thích nghi các cơ cấu tổ chức của chúng ta.

Một chọn lựa ưu tiên tuyệt đối phải có là cố gắng thực sự để cung cấp cho các Tu huynh và Cộng tác viên một sự "đào luyện mới". Chúng ta không thể tiếp tục sự đào luyện "cấp tỉnh", mà phải là một sự đào luyện có tính toàn cầu. Vì vậy cần phải khai thác giá trị của các kinh nghiệm của tất cả các Tỉnh trong Dòng, với các cuộc giao lưu văn hóa và mục vụ cho các Tu huynh và Cộng tác viên của chúng ta, để nhận được một sự đột phá mới, sự hào hứng mới, có khả năng tạo cảm hứng cho một việc Rao Giảng Tin Mừng mới và một Tinh Thần Trợ Thế mới.

Nhưng không một điều nào có thể là đủ để tạo một phong trào canh tân tự nó là lâu dài thực sự.

Vì vậy, được gợi hứng và thúc đẩy bởi tình yêu đích thực đối với việc phục vụ đoàn sủng của chúng ta, chúng ta không được chỉ có những đề nghị sửa chữa hay cải thiện những hoàn cảnh còn khiếm khuyết hay không tương xứng.

Chúng ta phải đi vào tận gốc rễ của các vấn đề, thách đố chính điều mà chúng ta thấy là khó thách đố nhất: đó là thách đố chính bản thân chúng ta với tư cách là những con người, những Tu huynh và Cộng tác viên, thách đố những não trạng của chúng ta, cách thức chúng ta quan niệm về các Cộng đoàn và các Trung tâm của chúng ta.

Các Tu huynh phải dệt nên một cơ cấu Cộng đoàn mới trong đó chức năng của chúng ta như là những "sở hữu chủ" của Trung tâm phải ở thế cân bằng với chức năng như là "những linh hoạt viên." Vì vậy chúng ta phải cởi mở để chia sẻ một cách xác tín và nhất quán lớn hơn với tất cả những ai muốn tham gia với chúng ta trong một mối quan hệ gắn bó hơn chỉ là sự cộng tác đơn thuần.

Việc canh tân tinh thần Trợ Thế Mới mà chúng ta được yêu cầu qua việc "tái phát minh" sự hiện diện của chúng ta trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe không chỉ có nghĩa là thiết kế lại những cơ cấu hữu hình, mà cả những cơ cấu vô hình và văn hóa.

Chúng ta phải nghĩ tới mọi kiểu biến đổi có khả năng giúp chúng ta duy trì những sự cải tiến theo thời gian, mà không lệ thuộc vào những thay đổi trong môi trường kinh tế và chăm sóc sức khỏe bên ngoài.

Mục đích cao nhất của đời sống đối với các Tu huynh của Thánh Gioan Thiên Chúa là làm cho tình yêu và lòng bác ái hiện diện trong hoạt động tông đồ của họ, để mời gọi họ dâng hiến cả cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và người bệnh tật. (5)

Trong ánh sáng của việc Rao Giảng Tin Mừng Mới, Hội Thánh lúc này đang thôi thúc họ kiểm chứng xem:

v   việc tông đồ của họ có mang một giá trị Tin Mừng hóa trong mọi cách thức biểu hiện của nó không;

v   các Cộng đoàn ý thức tới mức nào vai trò Tin Mừng hóa của họ trong hoạt động tông đồ của họ;

v   các cá nhân nhận thức và đánh giá tới mức nào tư cách của mình như là những chứng nhân cho Tin Mừng;

v   họ có khả năng tới mức nào để là những linh động viên nhiệt tình, sống theo Tin Mừng nhưng cũng đồng thời bén nhậy trước những khoa học nhân văn và quản trị;

v   họ đã thành công tới mức nào trong việc hòa hợp chiều kích tông đồ với chiều kích chiêm niệm trong đời sống họ.

Sau cùng, điều quan trọng đối với họ là tái khám phá niềm vui mà người ngôn sứ cảm nghiệm khi khám phá ra chiều hướng và ý nghĩa của ơn gọi mình: "Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng!" như lời ngôn sứ Giêrêmia.” (Gr 20:7).

Sự chia sẻ trong việc quản trị, chứng tá, sứ mạng hay linh đạo là điều thiết yếu nếu chúng ta muốn hoàn thành thừa tác vụ chăm sóc sức khỏe và ơn cứu độ mà chúng ta đang loan báo cho nhân loại đau khổ.

Qua việc thực hành hằng ngày, chúng ta phải xác tín rằng giải pháp tham dự bao gồm những cá nhân và là thiết yếu để duyệt xét lại hệ thống cấp bậc vốn thường chi phối các tương quan giữa các Tu huynh và các Cộng tác viên, cũng như giữa các Tu huynh với nhau.

Sự tham dự phải đi theo một đường lối bao gồm cả những khía cạnh văn hóa và truyền thông, và những khía cạnh tổ chức, và dẫn tới việc làm cho các mối tương quan mới giữa bệnh viện và Cộng đoàn Tu huynh Trợ thế ngày càng phát triển hơn.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải không ngừng nghiên cứu những vấn đề cụ thể về năng suất, việc sử dụng tốt hơn các phương tiện kĩ thuật, chất lượng của các hoạt động và phục vụ của chúng ta, và sự nhìn nhận của chúng ta rằng các bệnh nhân là tâm điểm sự chú ý của chúng ta. Việc thỏa mãn các nhu cầu toàn diện của bệnh nhân phải được theo đuổi với cùng sự thông minh, trực giác và bền bỉ như khi chúng ta theo đuổi việc tạo dựng một môi trường làm việc thoả đáng.

Sự tham dự có thể làm cho các nhân viên và bệnh nhân của chúng ta hài lòng nếu nó được củng cố bằng việc thăng tiến trình độ chuyên môn của họ, bằng một chế độ lương bổng khá gần với sự tham dự trong guồng máy quản trị, và bằng việc lưu tâm đặc biệt tới sự đào luyện thiêng liêng của mọi người và sự trung thành với đặc sủng trợ thế.

Nhưng hơn cả những điều này và trên một bình diện khác, sự tham dự có nghĩa là truyền bá thông tin xa rộng, với một sự truyền thông tương tác nhiều hơn những gì chúng ta đã thành đạt trong quá khứ.

8.3     Sức Sống Nhân-Thần của Đặc Sủng Trợ Thế

Không có gì bảo đảm chúng ta sẽ thành công khi chấp nhận những thách đố của tương lai hay chúng ta sẽ có thể duy trì được bất cứ thành tựu nào của mình, ngoại trừ Con Người trung thành triệt để với Cha. Chúng ta có thể đầu tư vào mọi chuyện, nhưng nếu chúng ta không đạt mức tiêu chuẩn, mọi sự sẽ chỉ là con số không. Trong sự đáp trả đầy xác tín và toàn diện đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, chúng ta dâng hiến cả con người và mọi khả năng của chúng ta để phục vụ nhân loại.

Ở đây, đặc sủng trở thế trở thành ân sủng được ban phát cho nhân loại đau khổ qua trung gian của chúng ta, và đòi hỏi chúng ta dấn thân để trở thành những người hướng dẫn đạo đức. Là người hướng dẫn đạo đức có nghĩa là chúng ta phải sống đời sống hằng ngày của mình một cách nhất quán, trong việc chu toàn bổn phận, và trong mọi điều chúng ta làm và đề nghị khi chúng ta hoạt động trong tư cách người rao giảng Tin Mừng trong thế giới chăm sóc sức khỏe.

Ăn rễ sâu trong lòng trung thành với Chúa Kitô, đấng Cứu Thế nhân-thần, chúng ta phải tạo ra những cơ hội để bảo đảm rằng phẩm giá con người được tôn trọng, và bảo đảm rằng ý nghĩa và định mệnh siêu việt của mỗi con người được nhìn nhận.

Chính ở đây chúng ta nhìn thấy chiều kích thiêng liêng và thần học sâu xa hơn của đặc sủng chúng ta. Sức sống nhân loại của đặc sủng, khía cạnh hữu hình của phong cách sống đặc thù của chúng ta, phải là một sự biểu hiện tính chất vô hình trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Từ cách chúng ta nhìn nhận và biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa, và "ý nghĩa" vai trò của ngài trong lịch sử, thiên nhiên, sự tồn tại của con người, chúng ta xác định vai trò của Ngài trong đời sống cá nhân của chúng ta.

Khuôn mẫu hành động tông đồ mà chúng ta phải phác họa và thực hiện phải được dựa trên thần học về phục vụ. Bởi vì nếu sự chọn lựa ơn gọi của chúng ta là hướng tới việc làm vơi đi sự đau khổ của con người, thì chúng ta phải chọn lựa những cách thức để có thể nhìn nhiệm vụ này như một việc phục vụ chính Thiên Chúa. Vì Kinh Thánh đã viết:

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, . . . bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, cá ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25 : 31-40).

Nhưng,  điều xem ra quá tự nhiên đối với não trạng của Hội Thánh thời ban đầu theo tinh thần Tin Mừng, trong đó các sách Tin Mừng đã xuất hiện lần đầu tiên-đó là tinh thần hiệp thông và ý thức chứng tá bằng đời sống-thì trong thời đại hôm nay lại khó thực hiện hơn nhiều.

Bởi vì thế giới quan của chúng ta, tức nền văn hóa hiện đại, đã dẫn chúng ta tới chỗ gạt bỏ sự lệ thuộc của vật chất đối với sự sống thần linh và siêu nhiên.

Vì vậy chúng ta phải duyệt lại cách suy nghĩ và hành động của chúng ta, để có thể biến đổi đời sống của chúng ta, như những Tu huynh và Cộng tác viên, hầu trở nên những chứng tá thực sự sống động và "trong suốt" về tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

Chúng ta không bao giờ được thôi việc xây dựng khuôn mẫu hiệu quả riêng của mình về thần học phục vụ.

Khái niệm phục vụ nằm trong chính tâm điểm của truyền thống Kitô giáo.

Trong xã hội hiện đại vô cùng phức tạp này, việc tìm kiếm một mẫu thần học phục vụ phải được thực hiện gần như trong sự đoạn tuyệt với những thói quen giáo điều cũ, giống như chúng ta làm một cú liều mạng khi muốn phát minh ra điều gì mới. Tất cả chúng ta được gọi để chọn một phương thức mới để hình dung ra mối tương quan thiết  yếu và nền tảng, một mối tương quan luôn luôn đặc biệt, giữa đức tin Kitô giáo và các hình thức phục vụ tôn giáo, chính trị hay văn hóa cho thế giới qua việc thực hành xã hội của người Kitô hữu.

Cần một lòng dũng cảm tươi trẻ để mạo hiểm đi vào cả hai cánh cửa bằng một bước chuyển động duy nhất kết hợp giữa Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác, và con người, những kẻ hoàn toàn giống như chúng ta. Như thế cần có một khoa thần học xoay quanh hai chủ điểm là tình thương trợ thế của Thiên Chúa trong con người và của con người trong con người.

Chúng ta chỉ có thể xây dựng việc phục vụ của chúng ta trên nền tảng của sự cởi mở và nhìn xa trông rộng này, giống như một cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

Bằng cách này, những bệnh nhân, người đau khổ và nghèo túng trở thành một nguồn sức sống qua niềm tin vào Thiên Chúa. Xét ở một mức độ nào đó, việc mở cửa tiếp nhận người khác, thi hành đoàn sủng trợ thế, có nghĩa là cống hiến chỗ ở của ta cho họ và để họ sống với ta và sống trong ta.

Chuyển những nguyên tắc hay những hành động phiêu lưu này sang thực hành sẽ thay đổi và cách mạng chính con người chúng ta, giúp chúng ta trở thành những chứng tá để thu hút những người trẻ của thời đại chúng ta và cống hiến cho các Trung tâm của chúng ta chính nét đặc trưng mà Đấng Sáng Lập chúng ta đã muốn có cho bệnh viện của ngài.

Một thái độ sẵn sàng, nhưng cũng là sự sẵn sàng đấu tranh để tìm một chỗ "cho những người khác", trong kinh nguyện, lời nói, việc thi hành nghề nghiệp, sự cởi mở niềm nở, chăm sóc và nâng đỡ những người túng thiếu và bệnh tật.

Bằng cách này. tính trợ thế trở thành nơi ở của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa đã qui tụ chúng ta lại, và luôn luôn khơi dậy những hành vi trợ thế để làm cho Người cảm thấy được loài người tiếp đón, và làm cho Người hiện diện trong thế giới.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 8

(1)   Chúng ta có thể tìm thấy một phương thức đầu tiên ở đây trong văn kiện Tính Trợ Thế Của Các Tu Huynh Thánh Gioan Thiên Chúa Hướng Tới Năm 2000, đã được phổ biến cho các Tu huynh vào tháng 4, 1987.

(2)   Xem Thư thứ 2 của Thánh Gioan Thiên Chúa gửi Nữ Bá tước Sessa.

(3)   TỔNG TU NGHỊ LXVIII, Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới và Tinh Thần Trợ Mới trước thềm Thiên Niên Kỉ III, Bogotá 1994, §3.3, đoạn cuối.

(4)   Sức mạnh đầy đủ của những gợi ý hàm chứa trong những lời này có thể tìm thấy trong những trang cuối của văn kiện Việc Rao Giảng Tin Mừng Mới . . . , sđd., §5.6.

(5)   Hiến Pháp, §41.

(6)   Hiến Pháp, §2.

(7)   GIOAN PHAOLÔ II, Redemptor Hominis, 1979. Về vấn đề này, cũng xem Vita Consecrata, §73: Phục vụ Thiên Chúa và con người.

CÁC CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ PHÂN TÍCH CHƯƠNG 8

VÀ CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ

Gợi ý suy tư:

1) Những dấu chỉ nào hiện nay làm chúng ta lo sợ khi nhìn về tương lai?

2)  Những dấu chỉ nào hiện nay làm chúng ta hi vọng khi nhìn về tương lai? 

MỤC LỤC 

Lời giới thiệu

Chương 1 : Các nguyên tắc, đặc sủng và sứ mệnh của Dòng Trợ-thế Thánh Gioan Thiên Chúa. 

1.1         Hoạch định tương lai theo các nguyên tắc của Dòng chúng ta.

1.2         Đặc sủng của Dòng.

1.3         Sứ mạng của Dòng 

Chú thích chương 1.

Câu họi gợi ý chương 1. 

Chương 2 : Những cơ sở thần học – Kinh thánh của tinh thần Trợ Thế. 

2.1         Những giải đáp triết học và tôn giáo về đau khổ.

2.1.1      Con người đối diện với đau khổ.

2.1.2      Đau khổ nói chung và đau khồ theo Kitô giáo.

2.1.3      Sứ  điệp giải phóng của Tin Mừng. 

2.2         Tinh thần trợ-thế hay Lòng mến khách trong Cựu-ước.

2.2.1     Thiên Chúa là Lòng mến khách.

2.2.2     Khái niệm về Lòng mến khách.

2.2.3      Những động cơ của Lòng mến khách.

2.2.4      Những đoạn tham chiếu Kinh Thánh chính.

2.2.5      Lòng mến khách trở thành một cơ chế. 

2.3         Lòng mến khách trong Tân-ước.

2.3.1      Quan điểm của Tin Mừng.

2.3.2      Philoxénia.

2.3.3      Lòng mến khách và việc rao giảng Tin Mừng.

2.3.4      Người Samaritanô nhân hậu. 

Chú thích chương 2.

Câu hỏi gợi ý chương 2. 

Chương 3 : Đặc sủng Trợ-thế nơi Thánh Gioan Thiên Chúa và Dòng Trợ-thế.

3.1         Đặc sủng Trợ-thế nơi Thánh Gioan Thiên Chúa.

3.1.1      Tinh thần Trợ-thế như biểu hiện của lòng thương xót.

3.1.2      Tinh thần Trợ-thế như là tình liên đới.

3.1.3      Tinh thần Trợ-thế như là sự hiệp thông.

3.1.4      Tinh thần Trợ-thế đầy sáng tạo.

3.1.5      Tinh thần Trợ-thế toàn diện.

3.1.6      Tinh thần Trợ-thế hòa giải

3.1.7      Tinh thần Trợ-thế, nguồn phát sinh các Thiện nguyện viên và cộng tác viên.

3.1.8      Tinh thần Trợ-thế mang tính tiên tri. 

3.2         Tinh thần Trợ-thế trong lịch sử.

3.2.1      Tinh thần Trợ thế của Thánh Gioan Thiên Chúa nơi các Cộng tác viên đầu tiên của ngài và qua các thế hệ.

3.2.2      Sự hiện diện của chúng ta hôm nay.

3.2.3      Những hình thức hiện diện mới. 

Chú thích chương 3.

Câu họi gợi ý chương 3.

Chương 4 : Những nguyên tắc soi sáng hoạt động Trợ Thế của ta. 

4.1         Phẩm giá con người.

4.1.1      Tôn trọng phẩm giá con người là một đặc tính cốt yếu của thái độ Kitô giáo chân chính.

4.1.2      Phải tôn trọng hết mọi người.

4.1.3      Thái độ nội tâm và phương thức hiệu quả trong việc tiếp đón bệnh nhân và người nghèo khổ. 

4.2         Kính trọng sự sống con người.

4.2.1      Sự sống là một sự thiện cơ bản của con người và là một điều thiện tiên quyết để vui hưởng những lợi ích khác.

4.2.2      Việc bảo vệ đặc biệt các bệnh nhân mắc chứng bệnh thể lý, tâm thần hay tâm lý.

4.2.3      Cổ võ sự sống, xây dựng hay cộng tác vào việc xây dựng những hoàn cảnh giúp khắc phục nghèo đói và bệnh tật.

4.2.4      Các bổn phận và giới hạn trong việc duy trì sự sống của mình.

4.2.5      Bổn phận không được đặt sự sống người khác vào nguy hiềm.

4.2.6      Các bổn phận đối với các nguồn tài nguyên của bầu sinh quyển. 

4.3         Cổ võ sức khỏe và đấu tranh chống đau khổ thề chất và tinh thần.

4.3.1      Bổn phận tỏ lộ sự quan tâm tới việc cổ võ sức khoẻ của dân chúng.

4.3.2      Bổn phận đạo đức trong  việc bảo đảm lợi ích tối đa của bệnh nhân.

4.3.3      Cứu giúp người nghèo, người bị bỏ rơi và người đau khổ là một đòi buộc của Tin Mừng về công bằng.

4.3.4      Cung cấp việc điều trị thích hợp cho bệnh nhân và tránh việc điều trị vô ích.

4.3.5      Việc đìều trị giảm đau. 

4.4         Năng lực, hiệu quả và quản lý tốt.

4.4.1      Chúng ta có bổn phận làm cho người ta ý thức rằng chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ không chỉ là vấn đề kinh tế.

4.4.2     Trông coi và quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả.

4.4.3     Bệnh viện được nhìn như một doanh nghiệp phải được quản trị thế nào để phục hồi con người trong sự toàn diện của họ.

4.4.4     Đầu tư cho việc tạo dựng một bầu khí con người và nhân đạo là một phương thế để bảo đảm kết quả tốt hơn cho sự đầu tư.

4.4.5     Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. 

4.5         Tinh thần Trợ-thế mới và những đòi hỏi mới: các thế giới thứ ba và thứ tư.

4.5.1      Liên đới và hợp tác

4.5.2      Hợp tác và người hợp tác: quyền lợi và nghĩa vụ.

4.5.3      Việc phục vụ tự nguyện: cho tự nguyện và xác định căn tính. 

4.6         Rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa và sứ mạng.

4.6.1      Toàn cảnh.

4.6.2      Rao giảng Tin Mừng, hội nhập văn hóa và sứ mạng của Dòng.

Chú thích chương 4.

Câu hỏi gợi ý chương 4. 

Chương 5: Áp dụng vào hoàn cảnh chuyên biệt. 

5.1         Sự chăm sóc toàn diện và quyền lợi của bệnh nhân. 

5.1.1      Thái độ của chúng ta đối với bệnh nhân, người nghèo khổ và thân phận của họ.

5.1.1.1   Thái độ cởi mở và tầm nhìn rộng.

5.1.1.2   Tiếp đón và tiếp thu.

5.1.1.3   Khả năng lắng nghe và đối thoại.

5.1.1.4   Khả năng phục vụ.

5.1.1.5   Tính đơn sơ. 

5.1.2      Quyền lợi của bệnh nhân.

5.1.2.1   Sự riêng tư.

5.1.2.2   Nói sự thật.

5.1.2.3   Tính tự trị.

5.1.2.4   Tự do lương tâm. 

5.1.3      Các chương trình chăm sóc nhân đạo và mục vụ cho bệnh nhân.

5.1.3.1   Các chương trình chăm sóc nhân đạo.

5.1.3.2   Chăm sóc mục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ. 

5.2         Những vấn đề chuyên biệt liên quan tới việc chăm sóc của chúng ta. 

5.2.1      Tính dục và sự sinh sản.

5.2.1.1   Trách nhiệm trong việc làm cha mẹ.

5.2.1.2   Cắt đứt quá trình mang thai.

5.2.1.3   Sinh sản bằng trợ giúp kỹ thuật. 

5.2.2      Hiến và cấy ghép cơ quan.

5.2.2.1   Các loại cấy ghép.

5.2.2.2   Chết não.

5.2.2.3   Việc sử dụng mô của phôi và thai. 

5.2.3      Bệnh nhân mãn tính và bệnh nhân ở giai đoạn cuối.

5.2.3.1   Cái chết êm dịu.

5.2.3.2   Di chúc lúc còn sống.

5.2.3.3   Cân nhắc mức độ tương xứng giữa việc điều trị và điều trị vô ích.

5.2.3.4   Điều trị giảm đau. 

5.2.4      Các vấn đề quan tâm tới việc nghiên cứu trên con người.

5.2.4.1   Các thử nghiệm lâm sàng.

5.2.4.2   Nghiên cứu trên những người mất khả năng và những nhóm người dễ bị tổn hại bệnh.

5.2.4.3   Nghiên cứu trên phôi và thai.

5.2.4.4   Các Ủy ban đạo đức sinh học. 

5.2.5      Những vấn đề đặt ra do ngành khoa dự đoán.

5.2.5.1   Tiết lộ sự chẩn đoán.

5.2.5.2   Mẫu gen và việc bảo vệ sự tư riêng. 

5.2.6      Các vấn đề đạo đức trong hoàn cảnh bị loại trừ và bị nghèo túng.

5.2.6.1   Các người nghiện ma tuý.

5.2.6.2   Các nạn nhân AIDS

5.2.6.3   Người tàn tật.

5.2.6.4   Những người mắc bệnh tâm thần.

5.2.6.5   Người già.

5.2.6.6   Những vấn đề mới xuất hiện. 

5.3         Việc quản trị.

5.3.1      Việc quản trị.

5.3.1.1   Tổ chức và sử dụng các nguồn lực.

5.3.1.2   Tính chuyên nghiệp.

5.3.1.3   Trình độ kỹ thuật. 

5.3.2      Việc tổ chức.

5.3.2.1   Cách diễn tả đúng đắn sứ mạng công cuộc của chúng ta là qua các phương tiện tổ chức.

5.3.2.2   Bảo vệ tính đa nguyên.

5.3.2.3   Ủy quyền. Tham dự. Đảm nhận các vai trò hoạt động.

5.3.2.4   Phân quyền và tập quyền.

5.3.2.5   Những kiểu mẫu mới về tư cách pháp lý.

5.3.2.6   Làm việc tập thể. 

5.3.3      Chính sách về nhân sự.

5.3.3.1   Những tiều chuẩn chung.

5.3.3.2   Tương quan với các nhân viên.

5.3.3.3   Hoạt động công đòan.

5.3.3.4   Việc tuyển nhân sự và các hợp đồng lao động.

5.3.3.5   Ồn định công việc.

5.3.3.6   Vấn đề lương bổng.

5.3.3.7   Động lực.

5.3.3.8   Hội tụ các giá trị giữa mọi người của trung tâm

5.3.3.9   Tạo lập một văn hoá của tư cách thành viên của Trung tâm, Tỉnh Dòng và Hội Dòng. 

5.3.4      Chính sách kinh tế và tài chánh.

5.3.4.1   Các thực thể phi lợi nhụân.

5.3.4.2   Tính chất bác ái và xã hội.

5.3.4.3   Cân đối tài chánh.

5.3.4.4   Sự trong sáng về quản lý. 

5.3.5      Trách nhiệm xã hội.

5.3.5.1   Việc phục vụ xã hội như là phương tiện để biện minh cho giá trị công cuộc của chúng ta.

5.3.5.2   Tôn trọng và tuân theo luật pháp.

5.3.5.3   Dấn thân cho công bằng xã hội trong việc phân phối các nguồn lợi.

5.3.5.4   Vai trò tố giác những hoàn cảnh cần tố giác. 

5.3.6      Sự hiện diện của xã hội trong Trung tâm.

5.3.6.1   Các thân chủ của chúng ta.

5.3.6.2   Các nhân viên của ta.

5.3.6.3   Các ân nhân.

5.3.6.4   Các Thiện nguyện viên.

5.3.6.5   Giáo hội địa phương

5.3.6.6   Chính quyền. 

5.3.7      Kiểm chứng.

5.3.7.1   Chú tâm tới những dấu chỉ thời đại.

5.3.7.2   Đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội. 

Chú thích chương 5 .

Câu hỏi gợi ý chương 5. 

Chương 6 : Việc đào luyện, giảng dạy và nghiên cứu. 

6.1         Đào luyện.

6.1.1      Đào luyện về chuyên môn, nhân bản và đặc sủng.

6.1.2      Các Ủy ban đạo đức như là những công cụ đào luyện. 

6.2         Việc giảng dạy.

6.2.1      Giảng dạy – một trong những nét truyền thống của Dòng.

6.2.2      Giảng dạy như một nhu cầu thiết yếu hôm nay. 

6.3         Việc nghiên cứu.

6.3.1      Thông truyền những quan điểm của Dòng.

6.3.2      Cổ võ việc nghiên cứu hướng tới Thiên Niên kỷ III 

Chú thích chương 6.

Câu hỏi gợi ý chương 6. 

Chương 7: Tính ngay thẳng làm cơ sở hành động. 

7.1         Tính ngay thẳng là một dự phóng hiện sinh.

7.1.1      Sống phù hợp với những giá trị tạo thành nhân vị.

7.1.2      Con người là chứng tá siêu việt của tình yêu. 

7.2         Lương tâm là độngï cơ thúc đẩy mọi hành động chúng ta.

7.3         Lương tâm và sự ngay thẳng đạo đức.

7.3.1      Phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ như một “điều kiện tất yếu” (Conditio sine qua non).

7.3.2      Các mức độ dấn thân của cá nhân trong sứ mạng của Dòng.

7.3.2.1   Các Tu huynh.

7.3.2..2  Các Cộng tác viên giáo dân. 

Chú thíchh chương 7.

Câu hỏi gợi ý chương 7. 

Chương 8 : Tạo dựng tương lai trong hy vọng. 

8.1         Những thách đố của hiện đại.

8.2         Sức mạnh tiên tri của việc Trợ thế.

8.3         Sức sống Nhân-Thần của đặc sủng Trợ thế. 

Chú thích chương 8.

Câu hỏi gợi ý chương 8. 

Mục lục.