Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa mới là Đấng đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng vào ta, để nhờ đó ta biết hy vọng vào Ngài. Mọi sự đều là sáng kiến và khởi đầu của Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô biên và yêu thương ta vô bờ. Quyền năng và tình yêu Ngài là sự bảo đảm duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta. Ngoài Chúa ra, mọi hy vọng vào trần thế này hay bất cứ thần tượng nào cũng sẽ là vô vọng.
MÙA VỌNG : THIÊN CHÚA HY VỌNG VÀO CON NGƯỜI.
Do hy vọng và cho hy vọng
Do hy vọng, Thiên Chúa đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào vận hành sự sống của chính Ngài.
Cho hy vọng, Thiên Chúa đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với loài người, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. Ngay từ Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán qua tiên tri Ezekiel : “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”. Qua dân Israel, ta thấy Thiên Chúa không ngừng tái lập lại các Giao ước mà con người luôn phá vỡ, do sự bất trung bất tín với Thiên Chúa, và bất nhân bất nghĩa với nhau. Vì vậy, Mùa Vọng chính là thời gian, là một mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo của Thiên Chúa: Đấng đã hy vọng vào con người qua lịch sử dân Chúa, Đấng vẫn hy vọng vào con người trong lịch sử Giáo Hội, và Đấng mãi hy vọng vào người đời trong chính cảnh huống cụ thể của từng đời người.
Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô Đấng đã đến viếng thăm nhân loại lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài đã đến cách lặng lẻ và sống âm thầm giữa mọi người, đã đảm nhận lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra nẻo đường cứu độ cho những kẻ tin. Và Ngài hứa sẽ đến lần thứ hai vào ngày chung kết vũ trụ và con người, để đặt mỗi người đối diện với chính Ngài như chuẩn mực phân chia đôi bờ thiện ác, và đặt mỗi người đối diện với chính mình như trách nhiệm cuối cùng đối với ơn cứu rỗi. Ngày đó là ngày thiết lập công bình tuyệt đối, nên: “Thiện ác đối đầu chung hữu báo” = ai làm việc thiện hay việc gian ác đều có quả báo). Bởi vậy: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”.
Lần thứ nhất do hy vọng, Người đến gieo ơn cứu rỗi, và lần thứ hai cho hy vọng, Người đến gặt những gì mình đã gieo. Tuy nhiên, giữa hai lần đến chính thức ấy thì Đức Kitô vẫn âm thầm đến với con người, qua những biến cố xẩy đến với Giáo Hội, cộng đoàn hoặc cá nhân, qua những khuôn mặt người anh chị em dẫu lạ hay quen ta tiếp cận, và nhất là qua những cảm nghiệm đến với lòng ta và lòng người, cho xanh lên niềm hy vọng cứu rỗi. Và bất ngờ lớn nhất giữa những cái bất ngờ vẫn là cái giờ và cái cách Chúa đến với mỗi cá nhân trong cảnh tranh sáng tranh tối của của cuộc đời họ. Chúa đến bất ngờ không phải để bắt chợt chúng ta, nhưng mong thấy được tình yêu của chúng ta đã triển nở và đang sinh hoa kết trái. Vì vậy Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người.
Thiên Chúa – Người Cha luôn hy vọng vào con cái
Việc Thiên Chúa hy vọng vào con người được mạc khải rõ nhất qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Thiên Chúa qua hình ảnh người Cha chấp nhận cho con mình tự do ra đi, chấp nhận cho con mình từ bỏ mình, để rồi từ đó trông ngóng, chờ mong và hy vọng không ngừng ngày nó trở về…
Khi đứa con ngông cuồng dở sống dở chết trở về thì từ ở đàng xa người Cha đã thấy, và rồi ông vô cùng vui mừng chạy ra đón con... Điều này muốn nói rằng người cha đã mòn mỏi đợi con. Quả thực, Thiên Chúa là Đấng hy vọng vào con người.
Ở đây ta thấy Thiên Chúa tự xóa mình trước con người. Ngài là Đấng quyền năng vô biên, nhưng cũng là Đấng khiêm hạ vô ngần trước con người mà Ngài đã dựng nên. Hy vọng có một danh xưng khác là sự khiêm hạ. Jean Tauler cho biết: “Sự khiêm nhường là nhân đức ẩn tàng nơi sự sâu thẳm của Thiên Chúa”.
Mặc dù là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài không muốn chiếm giữ hay chiếm hữu tình yêu của con người nếu họ không muốn. R. Tagore đã nghiệm ra chân lý này, và ông diễn đạt lời của Đấng Toàn Năng như sau: “Ta yêu người và xin người cho lại một tấm tình. Chúng ta khao khát tình yêu, vì cả hai cùng thiếu thốn. Ta là Tạo hóa, có thể tạo ra tất cả, trừ tình yêu tự nguyện, tình yêu tận hiến”. Đây không phải là điều mà Chúa Giêsu nói lên trên Thập giá sao? “TA KHÁT”. Khát cái gì? Chẳng lẽ Ngài khát một chút nước trước khi chết? Cái khát tận cùng đó không gì khác hơn là khát tình yêu của con người.
Do đâu mà chúng ta có thể nói về niềm hy vọng và sự hạ mình của Thiên Chúa? Thưa do tình yêu vô hạn của Thiên Chúa là Cha. Trong tiếng Dothái, có hai từ để chỉ tình yêu của Thiên Chúa: Hesed và Rachamim.
- Hesed nói lên một tình yêu có màu sắc nam tính, cho thấy một Thiên Chúa uy dũng và tín thành, là sự bảo đảm cho ta.
- Rachamim được Cựu Ước sử dụng, có nghĩa đen là “lòng dạ người mẹ”, nói lên một tình yêu có màu sắc nữ tính: tình yêu của một người mẹ, không phải vì công trạng nào của con, nhưng chỉ vì nó là con mình (x. Is 49,14-16 ; 63,16 ; Gr 31,20 ; Tv 131). Tình yêu phát xuất từ lòng dạ người mẹ là một tình yêu đầy lòng trắc ẩn (compassion). Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn nên hằng chờ mong và hy vọng nơi con cái mình. Ngài yêu thương như một người mẹ, bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu trung tín dù con người bất tín bất trung.
Dù mọi người đã hoàn toàn thất vọng về ta, và dù chính ta cũng đã thất vọng về chính mình, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hy vọng vào ta. Thánh Kinh và kinh nghiệm đời sống thiêng liêng của bao vị thánh, cũng như chỉ cần một chút thao thức của lòng mình đều cho ta chứng nghiệm điều đó. Chính tình yêu vô biên của Thiên Chúa làm cho Ngài hy vọng vào chúng ta, và rồi cũng chính tình yêu đó mà Ngài cho chúng ta hy vọng vào chính Ngài. Chính vì sự bở ngỡ lạ lùng trước một Thiên Chúa hy vọng vào con người, khiến con người hy vọng vào Thiên Chúa.
MÙA VỌNG : CON NGƯỜI HY VỌNG VÀO THIÊN CHÚA
Tỉnh thức trong hy vọng
Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường nẻo bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua sự tỉnh thức không ngừng.
Tỉnh thức trong hy vọng là nhận thức rằng đời mình có một Thiên Chúa là người Cha yêu thương chí tình, nên đời mình có một vận mệnh tương lai sáng ngời. Nếu dụ ngôn người Cha nhân lành cho thấy Thiên Chúa hy vọng vào con người, thì cũng chính là dụ ngôn cho thấy con người hy vọng vào Thiên Chúa. Chính vì hy vọng và tin tưởng vào người Cha yêu thương chí tình nên người con mới quyết tâm quay về với Cha.
Tiếc thay, nó quay về trước tiên không phải vì yêu thương gì cha nó, mà chỉ vì đói rách, khốn cùng, nhục nhã, ê chề, tuyệt vọng trước thế thái nhân tình, và nhất là đứng trước một tương lai bế tắc hoàn toàn không lối thoát. Dù vậy người Cha vẫn vui mừng khôn tả để đón nhận con mình, vì nó là con, thế thôi.
Có một sự kiện rất kiêu căng, hàm hồ và ảo tưởng của con người trong đầu thế kỷ 19, đó là khi đứng trước ngưỡng cửa của văn minh tiến bộ, với nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật lớn lao, người ta đã trương ra khẩu hiệu: “Con người là tương lai của con người’’. Điều này có nghĩa là con người bất cần đến Thiên Chúa, hay chẳng có Thiên Chúa nào khác ngoài chính con người là chủ vận mệnh tương lai của mình. Nhưng tương lai ngay sau đó là gì? Thưa là hai cuộc thế chiến đẩm máu, đem lại tang thương khốn cùng và để lại những hậu quả thảm khốc trên đời sống con người.
Chỉ hy vọng vào con người thôi là sự hão huyền trên mọi hão huyền. Nói như thế không phải ta thất vọng về con người, nhưng phải nhận ra sự giới hạn của khả năng con người và lòng người, để mình đừng rơi vào ảo tưởng. Chẳng ai và chẳng có cơ cấu hay chế độ nào có thể bảo đảm tương lai cho loài người ngoài một mình Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của nhân loại trong nhiều sự kiện lịch sử của xã hội cũng như cá nhân. Thánh Kinh cũng cho thấy: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17, 9).
Trong Thánh Kinh, sự kiện sụp đổ tháp Babel cũng chính là biểu tượng sụp đổ niềm hy vọng của con người vào con người mà không cần đến Thiên Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm sống chết của người con hoang đàng trước tình cảnh bi đát bị đồng loại bỏ rơi, đến nỗi muốn ăn chút cám heo thừa thãi mà người khác cũng không cho. Bởi vậy, hy vọng cuối cùng và duy nhất của nó giờ đây chỉ còn đặt vào người cha nhân lành, vì nó biết rằng chẳng ai thương yêu mình bằng chính cha mẹ mình. Mà Thiên Chúa chính là người cha và là người mẹ yêu thương con người hơn hết mọi cha mẹ trên trần gian này (x. Rm 8, 32; 1Ga 4, 10).
Kết cục chỉ có một mình “Thiên Chúa là tương lai của con người”. Theo nghĩa này, đúng là những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có bao thứ hy vọng, thì cuối cùng cũng chỉ là vô vọng (x. Eph 2,12). Niềm hy vọng vững vàng, bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng” (x Ga 13:1; 19, 30). Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất.[1] Chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới bảo đảm cho sự hiện hữu đích thực, là sự sống “viên mãn” mà ta vẫn trông đợi. Bởi vậy con đường chúng ta đi hôm nay, cho dù qua bao thung lũng âm u, thì vẫn là con đường hy vọng, một niềm hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Ba tiêu chí để sống niềm hy vọng
“Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm gọi họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài” (ĐHV 964). Để sống niềm hy vọng vững vàng vào Thiên Chúa, trong Thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđictô đưa ra ba tiêu chí: Cầu nguyện; dám dấn thân và chịu đau khổ; hướng đến cuộc phán xét.
- Cầu nguyện như trường học của niềm hy vọng. Con người đã được dựng nên cho Thiên Chúa, nhưng tâm hồn con người lại quá hẹp hòi, nhỏ bé để đón nhận Ngài. Vì thế, cầu nguyện là tập mở rộng lòng mình ra với Thiên Chúa, và nhờ đó cũng mở rộng lòng ra với đồng loại. Nhờ cầu nguyện, ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình. Cầu nguyện làm thức tỉnh lương tâm ta, cho ta khả năng xóa mờ cái “tôi” ảo tưởng của mình, để có thể lắng nghe chính Chúa và vững tâm hy vọng vào Ngài.
- Đau khổ như những môi trường học hỏi hy vọng. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4, 13). Nhờ kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ mà ta được tinh luyện để sống đức tin trưởng thành hơn, góp phần làm cho thế giới này được tươi sáng và nhân bản hơn. Đau khổ vì lòng yêu mến đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn.
- Hướng đến cuộc phán xét như phương cách sống hy vọng. Từ thời xa xưa, viễn ảnh cuộc phán xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Họ coi cuộc phán xét như:
. Là tiêu chuẩn để tổ chức lại đời sống hiện tại của mình.
. Là một sự mời gọi hoán cải tâm hồn.
. Là niềm hy vọng vào sự công bình của Thiên Chúa.
Như vậy hy vọng vào Thiên Chúa là cách sống rất hiện sinh và cụ thể để làm đẹp cuộc sống của mỗi người hôm nay.
Mẹ Maria - Ngôi sao hy vọng
Bằng một thánh thi được viết vào khoảng Thế kỷ IX, Giáo Hội đã chào mừng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa như “Ngôi sao biển”: Ave maris stella.[2]
Cuộc đời như hành trình trên đại dương lịch sử, lắm khi u tối và đầy bão táp, cần có những ngôi sao đích thực dẫn đường cho cuộc đời chúng ta. Chắc hẳn Đức Kitô là ánh sáng chính danh, là mặt trời chính ngọ bừng sáng trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đi tới Ngài, chúng ta cần đến những điểm sáng gần gũi, là những người đang phản ảnh ánh sáng của Đức Kitô, để giúp ta dễ định hướng cho lộ trình của mình. Vậy ai có thể hơn Đức Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta.
Đức Maria là con người tuyệt vời, vì đã sống niềm hy vọng bằng hai tiếng “xin vâng”. Mẹ là người diễm phúc vì đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ điều phi thường là được cưu mang và sinh hạ Đấng là niềm hy vọng của Israel và của cả nhân loại.
Đẹp thay hình ảnh một Từ Mẫu đã vững vàng đứng dưới chân thập giá của con mình, và đã trở thành Mẹ của những kẻ tin. Lưỡi gươm đâm thâu qua trái tim Chúa Giêsu cũng là đâm thâu qua lòng Mẹ để niềm hy vọng cứu độ lan tràn tới mọi tâm hồn. Niềm hy vọng đó đã đạt tới đích điểm là niềm vui Phục Sinh của ngày thứ nhất trong tuần, để Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria quả thật là Ngôi sao hy vọng, là Mẹ của hy vọng, là mẫu mực của chúng ta, những người gieo hy vọng vào đời sống nhân loại.
III. SỐNG MÙA VỌNG, CHÚNG TA TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI GIEO HY VỌNG
Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận đã xác định như sau: “Người Kitô hữu là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là một hy vọng giữa một nhân loại thất vọng”. (954). Chắc chắn câu này ngài họa lại lời Chúa Giêsu: “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13). “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14).
Phần thứ 3 của câu đó có lẽ cũng nói lên giáo huấn của thánh Phaolô. “Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15). Bởi vậy, “Không thể quan niệm được một Kitô hữu mà không say mê đem niềm hy vọng ngập tràn thế giới.” (ĐHV 972).
Chị Chiara Lubich với kinh nghiệm nội tâm, cũng nói với chúng ta rằng: “Với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc, và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc”. Nên nhớ đây là kinh nghiệm sống niềm hy vọng và rắc gieo niềm hy vọng, chứ không phải chỉ là hiểu biết suông về niềm hy vọng. Chúng ta có thể hiểu biết rất nhiều khi nói về niềm hy vọng, nhưng hiểu biết đó sẽ trở thành hư không, nếu nó không được kinh nghiệm, cảm nghiệm, chứng nghiệm, để trở thành sức sống cho tâm hồn mình và cho mọi người chung quanh.
Gieo hy vọng không chỉ là gieo tư tưởng hay ý thức cho người khác, mà chính yếu là gieo hạt mầm sự sống cho một tâm hồn, nên đòi hỏi hy sinh, quên mình. Câu chuyện ngắn sau đây của O Henry cho ta thấy được tâm tình cao thượng và hy sinh cao cả của người gieo niềm hy vọng:
Có một nữ bệnh nhân chỉ còn biết đếm ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn chiếc lá duy nhất, thì cô nói với người thân của mình rằng: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết”. Niềm hy vọng của cô gái đang tắt dần, chỉ còn lại những giây phút tuyệt vọng.
Ở phòng trọ bên dưới có một họa sĩ tình cờ nghe được. Thế là nữa đêm, giữa trời tuyết lạnh, người họa sĩ bắc thang leo lên vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô khi chiếc lá thật đã rụng xuống. Sáng hôm sau, người bệnh thức giấc, vội nhìn ra cành cây, thấy chiếc lá vàng vẫn còn đó. Thế là cô an tâm và bảo: “Em vẫn còn có thể sống thêm ngày nữa”.
Chiếc lá vàng được vẽ đã cứu mạng sống người con gái đang thoi thóp chờ chết. Không biết cô còn sống thêm được bao nhiêu ngày, nhưng cô có ngờ đâu mạng sống của cô đã được đánh đổi bằng mạng sống của người họa sĩ, vì anh ta đã bị lạnh cóng giữa trời đêm băng giá, và đã âm thầm từ giã cõi đời.
Kitô hữu không phải là người vẽ cho đời chiếc lá hy vọng sao? Còn hơn thế nữa, vì chúng ta là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng đã chết đi để đem lại niềm hy vọng sự sống cho con người, không chỉ là sự sống kéo dài cách tạm bợ trong trần gian này, nhưng chính là sự sống phục sinh vinh hiển ngàn đời.
Người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào khác ngoài tính cách của Đức Kitô, tính cách của con người dấn thân phục vụ và dám hy sinh chính mình vì tha nhân. Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, chúng ta mới có thể chu toàn sứ vụ của mình là người gieo hy vọng. Đó là niềm hy vọng vượt mọi biên cương của thất vọng, vì là niềm hy vọng vào Thiên Chúa toàn năng, vào nguồn lực của Chúa Thánh Thần, vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại hiển vinh vì chúng ta và cho chúng ta, để nhờ chúng ta, niềm hy vọng của con người vào Thiên Chúa được lan tràn khắp nơi trên mọi nẻo đường đời.
Lm. Thái Nguyên
[1] Đức Bênêđictô, Thông Điệp Se Salvi, số 27.
[2] Kính Chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu (Ave Maris Stella). Bài này được dùng trong Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều II các ngày lễ Đức Mẹ: Kính Chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu, Đấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời. Chói lòa trinh khiết gương soi, Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung…
Nguồn: https://www.simonhoadalat.com