LỜI TẠ LỖI CUỐI NĂM

Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 19/01/2023

LỜI TẠ LỖI CUỐI NĂM

Chuyện kể rằng tại một vùng quê nọ, một người cha già đã chia hết tài sản và đất đai của mình cho năm đứa con. Ông nghĩ rằng mình đã già, chỉ mong các con có ruộng đất làm ăn và nhà cửa yên ổn. Phần ông, ông chỉ muốn được luân phiên đến ở trong nhà của từng đứa con để vui vầy với con cháu.

Thế nhưng, sau khi nhận phần tài sản của mình, những người con lại không muốn đón cha đến ở trong nhà mình. Họ dựng cho ông một gian nhà tranh nhỏ tít ngoài xa, gần vườn táo của người con trai cả để ông ở đó một mình và thay phiên nhau đem cơm nước đến cho ông. Ông cụ tủi thân, ngày ngày lủi thủi một mình sống nhờ vào những thức ăn ít ỏi của những đứa con đem tới.

Lần nọ, đã nhiều ngày trôi qua, mà chẳng thấy bóng dáng đứa con hay đứa cháu nào mang thức ăn tới, người cha không chịu nổi cơn đói đã lần đường vào vườn táo của người con cả để mong tìm trái táo ăn lót dạ. Không ngờ, khi ông đang loay hoay hái trái táo thì người con cả đang đi canh vườn tiến tới. Thấy bóng người, anh ta tưởng là kẻ trộm, tiện cây gậy dò đường trên tay, anh đánh vào lưng người đó một cái khiến người đó ngã lăn ra và rơi vào cái hố gần đó.

Soi đèn vào hố, anh vô cùng hốt hoảng khi nhận ra đó là cha của mình. Anh vội vàng nhảy xuống hố đưa ông cụ vào nhà, nhưng ông đã tắt thở. Anh hối hận kêu khóc, chạy sang báo tin cho các em của mình. Mọi người tề tựu đông đủ và người con trai cả thì cứ quỳ bên xác cha mà than khóc. Những người em an ủi anh ta rằng:

- Là anh vô ý mà giết nhầm cha thôi. Ai bảo cha đang đêm lần mò vào vườn táo làm gì!

Nhưng, người anh cứ đấm ngực, lớn tiếng khóc và nói:

- Anh đã giết cha, chúng ta đã giết cha. Trước khi cha bị anh giết chết bằng cây gậy thì cha đã bị tất cả chúng ta giết chết, khi phải sống trong cô đơn và đói khổ.

Sau khi chôn cất cha tử tế, người con cả tự trói tay mình và cùng các em lên quan để nhận tội.

Quý vị và các bạn thân mến,

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Câu nói này diễn tả mối tương quan gắn bó mật thiết giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ có bổn phận nuôi nấng, che chở và là nơi nương tựa, cậy nhờ của con cái, đặc biệt khi chúng còn ở tuổi thơ ấu, chưa thể tự lo cho bản thân. Theo thời gian, khi con cái lớn lên thì cha mẹ cũng dần già yếu đi và không còn có thể làm việc hay chăm sóc bản thân nữa.

Do vậy, con cái chính là nơi cha mẹ nương tựa trong lúc tuổi già. Không phải chỉ đến lúc cha mẹ già yếu, đau bệnh, con cái mới quan tâm chăm sóc, nhưng việc kính trọng, vâng lời và quan tâm đến cha mẹ là điều mọi người con phải chuyên tâm thi hành kể từ khi biết đọc, biết viết và biết sống chữ Hiếu, khi mình còn tấm bé và cha mẹ vẫn còn đang khỏe mạnh.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, việc sống trọn chữ Hiếu không chỉ là một bổn phận mà chính là phương thế làm đẹp lòng Chúa và là điều kiện để chúng ta được hưởng phúc lành của Thiên Chúa. Ngay từ lúc vừa được quy tụ, dân Israel đã được Thiên Chúa truyền dạy phải thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban cho (Xh 20, 12). Người cũng nghiêm khắc tuyên bố rằng ai đánh cha mẹ, hoặc nguyền rủa cha mẹ thì phải bị giết chết (Xh 21, 15.17).

Lệnh truyền ấy vẫn tiếp tục được duy trì qua muôn ngàn thế hệ, với lời dạy của Sách Huấn ca: Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng; và của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng; của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi (Hc 3, 4-5.12).

Chính Chúa Giêsu trong cuộc đời tại thế của mình cũng đã sống chữ Hiếu với cha mẹ, khi Người hết lòng vâng phục cha mẹ khi còn tấm bé (Lc 2, 51) và cả lúc sắp lìa đời, trên thập giá, Người cũng hết tình lo lắng cho Mẹ mình và trao gửi bà cho người môn đệ mình yêu thương để ông tiếp tục thay mình chu toàn đạo Hiếu.

Ngày hôm nay, trào lưu đô thị hóa và gánh nặng mưu sinh khiến nhiều người phải rời khỏi mái nhà của cha mẹ để đi hợp tác lao động hoặc lập nghiệp ở nước ngoài hay những thành phố lớn. Có khi suốt một năm hoặc nhiều năm, họ chỉ trở về nhà được vài lần thăm cha mẹ mà thôi! Những cuộc gọi điện thoại, những món tiền, phần quà gửi về cho cha mẹ từ phương xa là cách thức mà họ thể hiện lòng hiếu thảo.

Nhưng cũng có nhiều người, ngay khi ở gần và sống bên cạnh cha mẹ, những thú vui và lo toan, bận rộn trong cuộc sống cá nhân cũng làm họ quên mất sự hiện diện của những đấng sinh thành, và cha mẹ già trở thành gánh nặng mà họ muốn cất đi càng sớm càng tốt. Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta nhìn lại cách mình đã sống Đạo Hiếu với cha mẹ trong một năm qua và nói lên lời tạ lỗi với cha mẹ, vì những thiếu sót và chểnh mảng đã qua của mình. Ước mong rằng trong năm mới, chúng ta sẽ trao gửi thêm nhiều yêu thương và dành thêm nhiều thời gian hơn cho cha mẹ của mình.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con người cha và người mẹ trong cuộc đời này. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm và thiếu sót của chúng con đối với cha mẹ mình và xin ban cho các ngài mọi ơn lành, phần hồn cũng như phần xác, ở đời này và đời sau. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ  

Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org