KHUNG CẢNH NÀO CHO MỘT CUỘC GẶP GỠ ?
Trên chặng đường đời, ta trải qua biết bao cuộc gặp gỡ: gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh em. Chính trong mối tương quan này mà chúng ta có thể hiểu biết nhau hơn, chia sẻ, cảm thông hơn, và đó cũng là chất keo kết dính mỗi người tu sĩ cách riêng và mạnh mẽ hơn với Chúa. Thật vậy, cuộc gặp gỡ nào cũng cần chúng ta phải dừng lại, phải dành thời gian, nhưng làm sao ta có thể dừng lại trong một nhịp sống đang quá náo nhiệt, và chúng ta sẽ dừng lại ở đâu, dừng lại để làm gì, đâu là một khung cảnh phù hợp cho một cuộc đối thoại có kết quả…?
Chúa Giê-su đã tha thiết mời gọi con người dừng lại và ở lại với Ngài (Ga 1,12), là nơi mà họ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, được phục hồi và tăng triển, để được an tĩnh và sáng suốt. Thế nhưng, lời gọi mời của Chúa dường như vẫn thường bị chúng ta lãng quên, Ngài vẫn chưa phải là điểm dừng chân thiết yếu cho riêng mình. Ta vẫn mải miết, vẫn vội vã bước qua những trạm dừng đó mà không mảy may nhận ra Chúa đang chờ đợi.. Chúa vẫn ở đó với ta, nhưng tâm trí ta đã bị chen lấn, che khuất, bị đặt vào trong vòng xoáy của công việc hay nơi đủ thứ bận tâm khác...
Vậy làm sao chúng ta có thể gặp Chúa?
Đầu tiên, chúng ta hãy trở về với nội tâm của mình. Chúa vẫn nói với chúng ta hằng ngày qua Phúc Âm, qua Thánh Thể. Chúng ta cần chậm lại một chút, tĩnh lặng một chút và hãy cố gắng lắng nghe tiếng nói từ nội tâm của mình. Điều này đôi khi đòi hỏi chúng ta phải tạm thời cách ly khỏi những ràng buộc, kêu réo của thụ tạo. Một tu sĩ đành rằng phải lo lắng cho công cuộc tông đồ của mình, nhưng không vì thế mà đời sống cầu nguyện bị xao lãng. Ta vẫn tham dự giờ phụng vụ với cộng đoàn nhưng tâm trí đang đặt nơi phòng làm việc hay nơi một ai đó, ta hoàn thành tốt công việc chuyên môn nhưng lại chẳng có tâm tình nào với Chúa. Kinh nghiệm cho thấy rằng, những người gặp khó khăn trong ơn gọi, thiếu bền đỗ đều có bóng dáng của một đời sống thiếu tinh thần cầu nguyện.
Theo gương Chúa Giê-su, chúng ta hãy biết lui vào nơi cô tịch để tâm hồn được an tĩnh, để dễ lắng nghe tiếng Chúa và dễ thấy chính mình hơn, đặc biệt sau những hoạt động tông đồ của mình. Muốn thinh lặng và lắng nghe, chúng ta cần biết sống khiêm nhu, tự hạ, tự xóa mình đi, như Chúa Giê-su đã “hủy mình ra không” để hoàn toàn lắng nghe và làm theo thánh ý Chúa Cha.
Trở nên bé mọn nội tâm là biết hạ mình xuống để đón nhận ơn đổi mới, đừng tự hào vì thành quả của mình, vì “không có Thầy, các con sẽ chẳng làm gì được”. Cũng thế, một Giáo hội muốn đến được với người khác cũng cần biết khiêm tốn, sống đơn giản và khả năng thinh lặng, để từ đó người khác có thể nhìn thấy nơi chính cuộc sống của chúng ta gương mặt của Đức Ki-tô.
Ghi: Công Nguyễn