Thập giá do những người dốt nát rao truyền đã thuyết phục được nhiều người, đúng hơn, đã thuyết phục được toàn thể địa cầu. Thập giá không bàn về những chuyện tầm thường, nhưng bàn về Thiên Chúa, về đạo thật, về đời sống theo Tin Mừng, cũng như về cuộc phán xét mai sau, đồng thời làm cho mọi người quê mùa thất học thành những người khôn ngoan thông thái. Thế mới hay điều điên dại của Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn con người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn con người.
Nhưng mạnh mẽ hơn như thế nào ? Thưa, thập giá đã lan tràn khắp địa cầu và đã chinh phục được mọi người. Nhiều người cố tìm cách bôi tên Đấng bị đóng đinh, nhưng kết quả ngược hẳn lại : danh Người lừng lẫy, và ngày càng vang xa, còn những kẻ chống đối Người thì tiêu vong, tàn lụi ; những người sống gây chiến chống một người chết, nhưng chẳng đi đến đâu hết. Vì thế, khi người Hy-lạp bảo tôi đã chết, thì chính là lúc tỏ ra họ khờ dại hơn cả. Còn tôi, khi bị họ coi là khờ dại thì rõ ràng tôi còn khôn ngoan hơn kẻ khôn ngoan. Khi gọi tôi là kẻ yếu đuối, họ cho thấy chính họ còn yếu đuối hơn. Những điều mà nhờ ơn Thiên Chúa, những kẻ thu thuế, những anh thuyền chài làm được, thì các bậc triết gia, các vị vua chúa, và dám nói là cả thế gian vẫn theo đuổi không biết bao nhiêu chuyện này, ngay việc hình dung ra những điều đó thôi cũng chưa hình dung nổi.
Đó cũng chính là điều thánh Phao-lô để tâm suy nghĩ. Người nói : Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Quả vậy, rao giảng là việc của Thiên Chúa, điều ấy cũng hiển nhiên thôi. Làm sao mà mười hai anh đàn ông dốt nát, sống trên ao hồ, sông lạch hay trong vùng hoang địa lại dám nghĩ đến chuyện toan tính những việc đại sự ấy ? Làm sao những kẻ có lẽ chưa khi nào đặt chân tới một vùng phố thị, chưa khi nào xuất hiện trước công chúng, lại dám tung ra một trận chiến chống lại cả thế gian ? Chính người viết về họ cũng nói rõ là họ nhát đảm, hay sợ sệt. Ông không phủ nhận điều đó, không muốn che giấu khuyết điểm cho họ. Và đây là chứng cứ mạnh mẽ nhất chứng tỏ rằng ông viết sự thật. Vậy ông kể gì về họ ? Ông kể rằng khi Đức Ki-tô bị bắt, dầu trước đó Người đã làm vô số phép lạ, mấy anh kia cũng trốn hết, còn lại có anh đứng đầu thì lại chối Người.
Vậy, khi Đức Ki-tô còn sống, họ đã không chịu nổi sức tấn công của người Do-thái, thì khi Đức Ki-tô đã chết, mà nếu Người không phục sinh -nhiều người vẫn nói là đâu có chuyện Người phục sinh-, nếu Người không nói chi với họ, không ban sức can đảm cho họ, làm sao họ dám tung ra một trận chiến chống lại cả địa cầu rộng lớn đến thế ? Làm gì lúc đó họ lại chẳng bảo nhau : “Chuyện chi lạ vậy ? Ông ấy không cứu nổi chính mình mà lại bảo vệ được chúng ta ư ? Lúc sống, ông ấy không tự giúp gì được cho mình, mà khi chết lại đưa tay trợ giúp chúng ta được ư ? Lúc sống, ông ấy không khuất phục được một dân tộc nào, thì chúng ta sẽ nhờ rao tên ông ấy mà chinh phục được cả thế giới ư ? Nghĩ đến những điều đó mà thôi đã là phi lý lắm rồi, huống chi là thực hiện, làm sao hợp lý được ?”
Chính vì vậy mà nếu họ không thấy Chúa đã sống lại, nếu họ không có bằng chứng rõ ràng về quyền năng của Người, thì họ đã không dám liều đến thế.