Có thể nói, một trong những điều giúp người ta ý thức về sự hiện hữu của mình đó là việc ý thức về chính sự tự do của bản thân. Điều gì khiến tôi có thể hoặc không thể khẳng định rằng tôi là một người tự do?
Trước hết, tự do không thể suy nghĩ về nó như là một thuộc tính. Nó phải được xét đến như là một yếu tính của con người. Khi một người thực sự diễn tả về chính mình bằng cách để tự do là chính yếu tính của họ, thì lúc đó họ khẳng định “Tôi là tự do”. Như vậy, khi một ai đó nói: “Tôi là tự do” có nghĩa là nói: “Tôi là tôi” chứ không phải là một ai khác. Do đó, tự do không thể được tách khỏi con người. Nếu nói “Tôi có tự do” thì tự do vẫn ở bên ngoài con người của mình. Thế nên, khi con người không là tự do, con người ấy sẽ đánh mất bản chất của mình, đánh mất sự hiện hữu của mình và đánh mất chính mình.
Hơn nữa, mỗi người vẫn nên cẩn trọng. Bởi lẽ, nếu khiêm tốn phản tỉnh về chính mình một cách cẩn thận, thì người ta phải thừa nhận rằng có vô số bối cảnh mà trong đó mình không tự do. Khi ấy, bản thân đã hành xử một cách máy móc, hành động theo đám đông, hành động theo một sự ám ảnh nào đó, hoặc hành động như thể là nô lệ cho dục vọng của chính mình. Những lúc như vậy, dường như bản thân đã gạt tự do ra ngoài con người của mình, không để tự do là yếu tính của mình nữa. Nói cách khác, người ấy không là tự do. Những lúc để bản thân hành động không có tự do như thế, người ta đã không ý thức đủ về chính sự hiện hữu của mình; đã để cho bối cảnh lèo lái.
Gabriel Marcel đã từng nói: “Tự do như là một kẻ xâm lược, tất cả chúng ta phải làm cho mình thành những người tự do”, bởi vì chúng ta không được tự do sinh ra, hoặc không được hiện hữu cách tự do. Nghĩa là, mỗi người đã không tự chọn cho mình được sinh ra, cũng không tự chọn cho mình được hiện hữu. Tuy nhiên, con người được ban cho món quà của sự hiện hữu. Do đó, ông đề nghị rằng mỗi người được trở nên tự do bởi việc làm tăng chủ quyền đối với chính mình, bởi việc đạt được sự kiểm soát những mong muốn và đam mê của mình, nhờ đó con người mới được tự do thật. Henri – Dominique Lacordaire (1802-1861) nói: “Tự do là làm chủ được chính mình.” Thánh Augustinô nói: “Người tốt thì tự do, dù họ là nô lệ. Người xấu là nô lệ, dù họ là vua.” Vì thế, để mỗi người là chính mình thì cần phải làm cho mình được tự do khỏi chính cái tôi trung tâm của mình, trở nên sẵn sàng cho người khác và đi vào tương quan liên chủ thể với họ.
Như vậy, đâu là ý nghĩa của thuật ngữ “tự do”? Liệu tự do có được hiểu là tôi muốn làm điều gì thì làm không?
Marcel cho rằng tự do là chính con người của mình, vì nó là một phần con người. Trước hết, tự do đơn giản là một năng lực về sự chấp nhận hay chối từ. Ông gọi sự tự do này là “năng lực sáng tạo” (creative power). Nhờ năng lực này, con người có thể quyết định mình sẽ trở nên một người như thế nào, một người có thể kiểm soát những ước muốn và đam mê của chính mình, một người mở ra cho người khác hay là người mở ra cho cái tôi trung tâm của mình,… Đúng vậy, con người có tự do chọn lựa để chấp nhận hoặc không chấp nhận bổn phận của mình đối với người khác; để diễn tả niềm tin và tình yêu không điều kiện như sự phi lý hay như bắt nguồn từ một sự đối diện với cái mình là; để bước theo ơn gọi của mình hay là từ chối; để tin vào Thiên Chúa hay không tin. Thậm chí, người ta có thể chấp nhận sự tự do căn bản của mình hoặc giả bộ chấp nhận nó. Con người có thể tự do chọn lựa để cam kết với những người khác bằng một tình yêu và niềm tin vô điều kiện.
Như vậy, tự do của mỗi người trong một vài cảm thức là đặc tính trung tâm nhất, nơi bản chất của con người. Bởi vì, nó là năng lực sáng tạo, là nguồn bền vững cho tất cả những gì mà người ấy trở thành. Có thể nói rằng tự do như thể là “linh hồn của linh hồn con người”. Vậy, người ta cần phải ý thức về sự tự do của mình; ý thức mình là tự do dể sống đúng phẩm giá của một người tự do, sống không bị lệ thuộc, không đánh mất chính mình; đồng thời, cũng phải ý thức về sự tự do là cái có đó trong con người, là chính con người.
“Chỉ có người phó thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa mới có sự do đích thực, tự do sáng tạo vô hạn để làm điều thiện.” (ĐGH Bênêdictô XVI)
——————————
Tham khảo
MARCEL, Gabriel, Being and Having: An Existentialist Diary. 1949. New York: Harper & Row, Harper Torchbooks, The Cathedral Library, 1965.
——, Homo Viator: Introduction to a Metaphysic of Hope. Translated by Emma Craufurd. New York: Harper & Row, Harper Torchbooks, 1962, originally 1944.
——, The Mystery of Being; Vol. II. Trans. R. Hague, South Bend: St. Augustine’s Press, 2001.
ANDERSON, Thomas, A Commentary on Gabriel Marcel’s The Mystery of Being, Marquette University Press, 2006.
KEEN, Sam., Gabriel Marcel, Virginia, John Knox Press, 1967.
TREANOR, Aspects of Alterity (Levinas, Marcel, and the Contemporary Debate), University Press New York, 2006.
Youcat – Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Cho Người Trẻ, NXB Tôn Giáo, 2013.
Nguồn:dongten.net