Thuyết nhị nguyên

Dualismus,  Dualism, Dualisme

Nhị: hai; nguyên: nguồn gốc ban đầu; thuyết: lập luận.

Thuyết nhị nguyên hay nhị nguyên luận là một lập luận triết học cho rằng có hai nguyên lý nền tảng đối lập nhau, cùng xuất hiện, cùng tồn tại song hành.

Thuyết nhị nguyên đã xuất hiện từ rất sớm trong tôn giáo cổ đại (Zoroastres hay Zarathushtra, Manes) và triết học Hy Lạp cổ đại (Pythagoras, Socrates, Platon, Aristoteles).

Thời cổ đại, tư tưởng nhị nguyên chưa thực sự đề cập đến hai thực thể vật chất và tinh thần, mà thường đề cập đến các khái niệm đối lập song hành như: tốt với xấu, thiện với ác, đơn với đa... Ðến thời cận đại, R. Déscartes phát triển thành thuyết nhị nguyên, đối lập với các thuyết nhất nguyên (duy tâm, duy vật).

Theo đức tin Kitô giáo, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự tốt đẹp (x. St 1,1tt), Ngài không phải là nguyên lý của sự ác. Sự ác là hậu quả của tội lỗi (x. Rm 5,12; GLHTCG 408). Niềm tin này đối nghịch với thuyết của Manes (thuyết Manichée): sự hiện hữu của thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, là hai nguyên lý cùng tồn tại trong trần gian.

 Tiểu ban Từ vựng - UBGLÐT/HÐGMVN