Làm sao ta biết có Thiên Chúa? Là câu hỏi không chỉ những người lương dân, những người không chân nhận có Thiên Chúa nhưng trong suy tư của mỗi người Ki-tô hữu vẫn không khỏi thắc mắc, xao xuyến khi chưa có một giải đáp làm cho thỏa mãn. Mặc dầu đã dồn nhiều công sức để tìm hiểu nhằm chứng minh Thiên Chúa hiện hữu những không thể được vì bởi tính chất và giới hạn của lý chứng thuần lý, cũng như do cách hiểu biết Kinh Thánh nói về tri thức con người có về Thiên Chúa.
Triết học nhìn nhận hai con đường có thể biết được những gì có thể biết. Con đường qua kinh nghiệm và con đường qua lý luận. Duy nghiệm cho rằng không thể chứng minh được những sự kiện và những gì hiện hữu thực sự nếu không qua kinh nghiệm giác quan, vì chúng ta sẽ chẳng có cái gì để lý luận nếu chưa một lần qua kinh nghiệm giác quan. Trong tôn giáo hay bất cứ lãnh vực nào cũng thế. Nếu Thiên Chúa hiện hữu và để con người có thể nhận biết Ngài thì cách nào đó Ngài phải tỏ lộ mình ra trong kinh nghiệm của nhân loại.
Kết luận này chống lại chủ trương duy lý rất thịnh hành từ thời Descartes cho đến nay. Chủ trương của Descartes là ta chỉ có thể nhận biết chân lý do suy luận thuần túy từ những tiền đề hiển nhiên. Ông cho rằng giác quan của chúng ta có thể bị thần ma quái nào đánh lừa và làm cho tâm trí ta ra hư hỏng.Vì thế, để đảm bảo cho ta không bị đánh lừa, chúng ta phải hoài nghi tất cả những gì có thể hoài nghi.
Có một thứ không thể hoài nghi đó là “Tôi suy tư, nên tôi hiện hữu”. Trong tôi xuất hiện một tư tưởng hoàn hảo, nhưng tôi lại là hữu thể có giới hạn nên phải có một đấng nào đó là chủ thể của tư tưởng hoàn hảo đó, ông cho đó chính là Thượng đế. Nhưng nếu một khi đã chấp nhận hoài nghi tất cả thì ta không thể sử dụng lý luận để dẹp bỏ hoài nghi bởi vì hoài nghi đó cũng bao gồm cả việc hoài nghi khả năng lý luận của ta.
G.E.More và một số tác giả khác phản bác sự vô lý hoài nghi của Descartes. Ta không cần phải chứng minh thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, vì không có gì chắc chắn hơn thực tại môi trường vật thể xung quanh. Một khi hoài nghi thành toàn diện, thì nó không còn ý nghĩa gì nữa.
Tuy nhiên, phủ nhận giá trị của hoài nghi toàn diện về giá trị giác quan không có nghĩa là ta không nhìn nhận có ảo giác hay ảo vọng, hay không nhìn nhận là có nhiều và vô số những vấn đề triết lý liên quan tới tri giác giác quan. Vì giác quan nhận thức đúng là một chuyện, còn tìm ra những phân tích chính xác trên phương diện triết lý lại là chuyện khác.
Các triết gia duy lý cho rằng biết có nghĩa là có thể chứng minh. Trong khi đó các tác giả kinh thánh cho rằng, thật là điều vô lý khi chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng lý luận thuần lý, vì Thiên Chúa luôn ở bên họ, và họ ở bên Ngài trong mọi trạng huống của cuộc sống. Họ nghĩ đến Thiên Chúa như một thực tại được kinh nghiệm hơn là một thực tại được suy diễn là hiện hữu.
Rõ ràng theo quan điểm đức tin của kinh thánh, các “lý chứng hữu thần” truyền thống là không quan trọng. Vì ngay cả khi Thiên Chúa có thể được suy diễn từ những tiền đề được công nhận, thì đối với niềm tin Ki-tô giáo đó chỉ mối quan tâm học thuật mà thôi, vì trong mối tương quan với Thiên Chúa, họ đã nhận biết Ngài hiện hữu một cách sống động.
Vậy Thiên Chúa tỏ lộ chính mình trong môi trường kinh nghiệm của con người như thế nào? “Qua mặc khải chân lý và đức tin”. Quan niệm mạc khải như là việc thông truyền chân lý nào đó cho thụ tạo có lý trí qua những phương thế vượt quá tiến trình của tự nhiên. Còn quan niệm về đức tin là việc con người vâng phục những chân lý do Thiên Chúa mạc khải. Hai quan niệm lệ thuộc nhau: mạc khải như là việc công bố những chân lý và đức tin như là việc vâng phục tiếp nhận các chân lý được chứa đựng trong kinh thánh.
Học thuyết mạc khải thông truyền chân lý luôn đi kèm với sự phân biệt giữa thần học tự nhiên và thần học mạc khải.Thần học tự nhiên bao gồm những chân lý thần học mà trí tuệ con người không cần ơn thánh trợ giúp có thể khám phá ra được. Trái lại, thần học mạc khải bao gồm những chân lý siêu việt hơn lý trí con người không thể nào đạt tới được, và chúng chỉ nhận biết khi được Thiên Chúa mạc khải một cách đặc biệt. Nhưng chứng cứ nào xác tín thông truyền mạc khải chân lý? Những người bênh vực tôn giáo nhấn mạnh vai trò của ý chí trong đức tin tôn giáo.
Lập luận “Đánh Cược” của Pascal bàn về vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa như là một câu đố mà chúng ta phải quyết định lập trường sau khi tính toán kỹ những hơn thiệt. Nếu chúng ta cá rằng Thiên Chúa hiện hữu, chúng ta sẽ có được sự sống đời đời và chúng ta chỉ thiệt chút ít nếu chúng ta sai.
Trái lại, nếu chúng ta cá không có Thiên Chúa thì chúng ta sẽ mất hạnh phúc đời đời nếu chúng ta sai, và chỉ thu hoạch không bao nhiêu nếu chúng ta đúng. Vì thế, đừng ngần ngại, hãy đánh cá là Ngài hiện hữu. Nhưng liệu ta có thể tin vào Chúa được hay không? Pascal trả lời có thể, nhưng không phải tức khắc nhưng phải qua một tiến trình để cảm nghiệm.
William James lập luận rằng, chúng ta không thể tránh né vấn đề bằng thái độ hoài nghi và chờ đợi thêm ánh sáng, bởi vì, mặc dù chúng ta tránh được sai lầm bằng cách giữ thái độ đó nếu như tôn giáo là sai lạc, song chúng ta sẽ mất đi điều lành, nếu như tôn giáo là đúng, ngay cả khi chúng ta chọn lập trường không tin.
Hơn nữa, nếu như có một Thiên Chúa ngã vị, lập trường chúng ta không muốn tiến bước theo giả định Ngài hiện hữu thực sự làm cho ta không thể nào được Ngài chấp nhận. Ai đó cứ khép kín chính mình trong lý luận và đòi thần minh ra tay buộc mình tin, mà không nhận được gì cả, thì sẽ không có điều gì cả, thì sẽ đánh mất mãi mãi cơ hội làm bạn với thần minh.
F.R. Tennant cho rằng không có gì bảo đảm rằng ta có thể biện minh cho đức tin. Đức tin bao hàm sự liều lĩnh; nhưng chỉ nhờ liều lĩnh mà tri thức con người mới được mở rộng. Khoa học và tôn giáo giống nhau ở chỗ đòi hỏi phải lên đường trong niềm tin.Trong khoa học, kiểm chứng từ những sự kiện ngoại tại. Nhưng kiểm chứng trong tôn giáo lại hệ tại ở niềm an thỏa nội tâm và những hậu quả kiên cường thiêng liêng của đức tin trong lòng các tín hữu.
Quan niệm của Tillich về đức tin như là quan tâm tối thượng. Đó là mối quan tâm tôn giáo tuyệt đối, toàn diện và vô hạn.Quan tâm tối thượng không phải là một vấn đề của con người mang một thái độ trước đối tượng là thần linh, nhưng là hình thức tâm trí con người tham dự vào nền tảng của hiện hữu của mình.
Quan niệm không thông truyền chân lý rất phổ biến trong giáo hội Tin Lành.Theo quan niệm này, nội dung của mạc khải không phải là một loạt các chân lý về Thiên Chúa, nhưng là chínhThiên Chúa đến trong quỹ đạo kinh nghiệm con người bằng cách hành động trong lịch sử con người. Các mệnh đề về Thiên Chúa tự chúng không phải là do mạc khải, nhưng là biểu hiện những nỗ lực của con người tìm cách hiểu ý nghĩa của các biến cố mạc khải.
Để nhận biết Thiên Chúa, ta không thể nhận biết Ngài như một nhân vật nào khác, nhưng nhận thức trong tình yêu bao hàm cả chính bản thân mình trong đó có một nét nào đó giống với nhận thức về Thiên Chúa.Trong tình yêu, sự hiện hữu của người mình yêu không phải là vấn đề dửng dưng nhưng ảnh hưởng tới toàn bộ đến sự hiện hữu của mình. Thiên Chúa, đối tượng của nhận thức tôn giáo chính là đối tượng như thế.
Thiên Chúa là nguồn mạch và nền tảng chính hữu thể của ta. Thái độ xứng hợp nhất của ta là thờ lạy và vâng phục. Thiên Chúa tạo nên không gian và thời gian để con người hiện hữu tương đối độc lập. Trong môi trường này Thiên Chúa tỏ lộ mình ra qua nhiều cách và cho phép con người tự do quyết định nhìn nhận hay không nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Như thế đức tin gắn liền với tự do.
Quan niệm mạc khải như là những biến cố diễn ra trong lịch sử thế giới và lịch sử cuộc đời cá nhân. Và quan niệm đức tin như là kinh nghiệm về các biến cố đó như những hành động của Thiên Chúa đối với con người cũng đưa lại một quan niệm về kinh thánh khác với quan niệm theo học thuyết thông truyền mệnh đề chân lý.
Trong bối cảnh quan niệm thông truyền mệnh đề chân lý, kinh thánh được gọi là Lời Thiên Chúa. Ngược lại, quan niệm phi mệnh đề chân lý cho rằng kinh thánh chỉ là chứng từ tiên khởi và không được hiểu như là Lời, và chỉ Đức Ki-tô mới được gọi là Lời Thiên Chúa.
Kinh thánh được xác định bởi những nguyên tắc mà nhờ đó Giáo Hội quyết định đưa những bản văn nào vào. Cựu ước không có vấn đề gì vì nó xuất hiện trước khi có Ki-tô giáo, nhưng Tân ước phải dựa vào nguyên tắc quyền của các tông đồ. Nhờ những bút tích này mà các biến cố mạc khải tiếp tục tác động trên nhân loại, cùng với tài liệu Cựu ước làm nên cơ sở cho suy tư Ki-tô giáo.
Qua nội dung trên, tôi cảm nhận được một điều là ta không thể nhận biết Thiên Chúa bằng những suy tư lập luận, hay bằng trí hiểu của chúng ta nhưng bằng đức tin được Thiên Chúa đặt để trong mỗi thâm khảm, trong chính nội tâm sâu xa của mỗi con người. Nhưng không vì thế mà ta loại bỏ hay xem thường lý trí con người trong việc nhận biết Thiên Chúa hiện hữu, vì nhờ sự hiểu biết, nhờ lý trí, nhờ suy tư lập luận mà ta có thể đón nhận đức tin từ Thiên Chúa, đồng thời giúp ta làm thăng tiến đức tin, củng cố đức tin ngày càng vững mạnh hơn.
Cũng qua nội dung chương ba giúp tôi ý thức hơn về sự khiêm nhường trong sự nhận biết Thiên Chúa. Đồng thời kết hợp với Chúa nhiều hơn qua Thánh Lễ, kinh nguyện và các giờ đạo đức để củng cố đức tin bản thân.
Antôn Ngọc Hoàng. OH
Tóm lược và suy tư