MỘT CÕI ĐI VỀ
Đời người là một chuyến đi, một hành trình liên tục, và điểm đến của hành trình này không ai không đến một lần: cái chết! Cái chết chấm dứt tất cả, thiêu rụi tất cả, hư vô tất cả! Có người đi với cuộc đời cả trăm mùa thay lá, có cuộc đời chưa kịp cất lên tiếng khóc đầu tiên. Có cuộc đời với hành trình dài tẻ nhạt, và cũng có những cuộc đời ngắn ngủi nhưng đáng sống, kém may mắn nhưng giàu nghị lực, bi đát nhưng đầy chất thơ. Chúng ta đang sống với con người của mình và cũng đang chứng kiến những mảnh đời ái ố khác nhau, nhưng liệu ta có đủ tinh tế để đọc được nơi đó những giá trị và triết lý của sự sống, niềm tin, niềm hy vọng và cả nỗi thất vọng, bi ai nhất của cuộc đời? Và trước một bất hạnh, chúng ta có nhất thiết phải đau đớn, sợ hãi không? Đâu là những giá trị cuộc sống mà người ta cảm nhận được trong hành trình một cõi đi về? Liệu còn điều gì khác để ta bám víu ngoài những thực tại trước mắt? Cậu bé Oscar trong tác phẩm Oscar và Bà Áo Hồng sẽ có vài câu trả lời cho những trăn trở này.
Oscar - cậu bé mới chỉ 10 tuổi đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác. Có lẽ cậu gắn liền với biệt danh “Sọ Trứng” hơn là chính tên thật của cậu. Những đợt hóa trị, xạ trị làm cái đầu của Oscar trọc lóc. Nỗ lực cứu chữa cho Oscar gần như tuyệt vọng. Án tử đã treo sẵn, thời gian thi hành án chỉ còn 12 ngày.
Trong bệnh viện, mọi người đều tỏ ra ái ngại cho Oscar, thương hại cho cậu vì quá ngây thơ để nhận ra sự thật bi đát của căn bệnh không thuốc chữa. Gặp Oscar, ai cũng tránh né cái điềm gở, tránh né nói sự thật là cậu sẽ chết, họ giả vờ bị điếc để lảng tránh câu hỏi của cậu. Ngay cả bố mẹ cũng không muốn gặp mặt con mình trong tình cảnh ấy, mà thực sự thì cậu đã biết tỏng mọi chuyện. Trong mắt cậu, bác sĩ và đám người lớn kia mới thật đáng thương vì vẻ mặt thất vọng của họ. Họ đáng thương vì không biết đâu là giới hạn của mình để chấp nhận, và cũng không chịu hiểu rằng những nỗ lực của họ giờ chỉ là vô vọng. Oscar như đang cười vào cái vẻ mặt căng thẳng và quan trọng hóa vấn đề của bác sĩ Dusseldorf đã trở nên như diễn viên chuyên đóng cảnh bi hài. Ông bác sĩ và đám người lớn ấy cứ làm như đến bệnh viện chỉ để khỏi bệnh, trong khi người ta đến bệnh viện còn để chết nữa. Người ta quên rằng cuộc sống không phải là bất tử và con người thì không vạn năng.
Nhưng thật ngạc nhiên, con người cứ ôm hết tham vọng vào mình để rồi phải nhăn nhó, ủ rũ trước một nhiệm vụ bất thành. Họ không biết rằng, khi chấp nhận thất bại của mình, ta sẽ không còn thấy căng thẳng, không còn buồn khổ nữa. Oscar đã giúp bác sĩ hiểu rằng họ chỉ là người sữa chữa thôi, bác sĩ không phải là Đức Chúa Cha nên hãy chấp nhận tự nhiên như chính quy luật của nó. Chỉ khi hiểu được điều này, bác sĩ Dusseldorf mới vỡ lẽ, mới thấy cậu bé đang chữa trị căn bệnh hoang tưởng cho mình. Và cũng chính lúc nhận ra điều này, ông mới có thể mỉm cười, một nụ cười đúng nghĩa của nó.
Như thế, trước những điều vượt quá khả năng con người, chúng ta chẳng còn cách nào khác là học cách chấp nhận nó. Biết chấp nhận giới hạn của mình giúp ta đón nhận cuộc sống một cách bình an hơn, và chỉ khi đó ta mới có thể nở một nụ cười không chua chát, đối mặt mà không lảng tránh, chấp nhận mà không lừa dối chính mình.
Lúc y học không còn giúp gì được, người ta tìm đến một sự nâng đỡ khác. Bởi vì con người không đơn giản chỉ là biết mình đang sống hay sắp chết, mà hơn nữa là nhận ra mình đang ở đâu, thuộc về ai và còn điều gì để hy vọng.
Oscar cũng thế, cậu tìm đến Bà Hoa Hồng như là nơi để trút bầu tâm sự, để giãi bày cuộc sống nội tâm đầy cảm xúc của mình. Cậu đã kể bà nghe tất cả những diễn biến của tâm trạng buồn vui, giận hờn, thao thức, và cả những hành vi nổi loạn như để chứng minh rằng mình đang tồn tại trong thế giới này. Bà Hoa Hồng đã giúp Oscar đi một bước xa hơn bằng cách dẫn cậu đến một cuộc gặp gỡ nội tâm với Chúa qua những bức thư kể về cuộc sống hơn 100 tuổi trong trí tưởng tượng. Cậu đã hăm hở bước vào cuộc trò chuyện ảo mà thật và cũng trưởng thành lên từ đó. Có lẽ vị Chúa mà Bà Áo Hồng giới thiệu cậu đã không thể thấy bằng mắt thường, nhưng cậu cảm thấy Ngài thật gần gũi để có thể sẻ chia tất cả chuyện đời, cảm nghĩ, suy tư, khắc khoải về cuộc sống trong suốt hơn 100 năm.
Vậy là Oscar bắt đầu cuộc đối thoại với Chúa qua những lá thư viết đều đặn mỗi ngày, kể lại “cuộc đời hơn một trăm tuổi” của mình với biết bao biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống, từ lúc mới sinh ra và làm quen với Chúa, những cảm xúc của trẻ con, đến những rung động của tuổi mới lớn, nụ hôn đầu đời, kết hôn với cô bạn chung buồng bệnh, rồi những ghen tuông, đổ vỡ trong tình yêu, những ưu tư khi tuổi đã xế chiều...
Cứ như thế cậu bé trải qua mọi giai đoạn của đời người, mỗi giai đoạn là một bước đệm để nhận ra giá trị của cuộc sống, trưởng thành hơn, chín chắn hơn trong suy nghĩ và những lựa chọn, quyết định nhiều vấn đề ngày càng quan trọng cho đời mình. Trong mấy chục năm cuối đời, Oscar dường như không còn bận tâm nhiều đến những lo nghĩ của tuổi trẻ, những gánh nặng về gia đình, nhưng nỗi bận tâm lớn nhất của Oscar là đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống, đức tin, Chúa. Đến đệ nhất bách chu niên, ông già thượng thọ Oscar mới đúc kết được triết lý của cuộc sống một cách đầy tâm đắc. Theo “lão già” Oscar, cuộc sống thực ra là một món quà kỳ lạ, kỳ lạ đến buồn cười. Ban đầu người ta đánh giá quá cao nó và cho rằng đó là món quà vĩnh hằng, mình có thể sống mãi mãi, rồi người ta coi thường cuộc sống, thấy nó hỏng bét và quá ngắn, người ta sẵn sàng vứt bỏ nó.
Cuối cùng người ta hiểu ra rằng cuộc sống không phải là một món quà mà là một khoản vay, thế là người ta cố gắng cho bõ cái khoản vay. Oscar đã dùng kinh nghiệm của hơn 100 tuổi đời để có thể đúc kết nên triết lý đó chứ không hề là chuyện dễ dàng. Thật thế, càng sống lâu, người ta càng trở nên tinh tế, sống nghệ sĩ, không còn cảm nhận cuộc sống của một đứa trẻ trâu, nhưng là của một ông lão đầu bạc khôn ngoan, thâm thúy, dạn dày kinh nghiệm. Như thế đó, sự “trải đời” đã giúp Oscar rút ra những triết lý khiến người lớn phải giật mình: triết lý về sự sống và cách người ta cảm nhận về cuộc sống.
Nâng niu cuộc sống hay ghét bỏ nó là sự lựa chọn trong thái độ sống của ta, nhưng theo lý luận của Oscar, thì cho tới sau cùng, người ta mới thấy hối tiếc vì cái khoản vay đã không biết tận dụng, thế rồi người ta lao vào chắt chiu nó. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như Oscar, họ thấy cả cuộc đời đều đáng chán như nhau hết, chẳng có giai đoạn nào người ta có thể thấy vui và cần sống cho ra sống. Họ sống chán và cũng chẳng vui vẻ gì khi thấy người khác bên cạnh. Trong số những người đó, phải kể đến Sartre, người sinh ra trước Oscar nhưng cùng quê với cậu. Ông thích sống với một bộ mặt bi quan và ủ dột hơn cả. Triết lý của ông nặng mùi mệt nhọc, chán đời, chán đời kiểu trưởng giả hạng nặng, của những người không biết dùng đời làm chi hết.
Vì không tin gì, không hy vọng gì nên ông đâm ra chán ngán, bi quan, thất vọng. Vạn vật với ông là thứ phi lý, chúng đều lầm lì, vô hồn và đáng buồn nôn hết cả . Nhưng Oscar thì không nghĩ thế, mặc dù cậu đang trong hoàn cảnh bi đát nhất. Nếu như Sartre chịu nói chuyện với Oscar, cậu sẽ kể cho ông nghe câu chuyện mà cậu mới cảm nghiệm được mới đây thôi khi đã ở tuổi thất thập. Đó là chuyện đời của một cái cây sống ở sa mạc Sahara - món quà mà Bà Hoa Hồng tặng cậu trong dịp Giáng Sinh. Cuộc đời cái cây chỉ kéo dài một ngày. Một ngày để nứt mầm, ra lá, kết nụ và nở hoa. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ như bất cứ một loại cây to lớn nào khác. Nó không thấy cuộc sống mình ngắn ngủi mà buồn khổ chán đời, cũng không vì thấy mình nhỏ nhoi mà tự ti thất vọng. Nó sống một cách cần mẫn, dũng cảm, trách nhiệm và yêu đời đến kỳ lạ. Nó chỉ có một ngày để sống và dâng hiến thành quả của cuộc đời ngắn ngủi hòa trộn vào vẻ đẹp của vạn vật chung quanh.
Trong cuộc đời mỗi người, có rất nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ với thần linh là một kinh nghiệm thật đặc biệt. Vào một ngày đẹp trời, khi Oscar đã vào độ hai mươi hai lăm, Bà Hoa Hồng đã quyết định đưa cậu đi thăm Chúa nơi nhà nguyện của bệnh viện. Cảm giác lần hẹn hò với một người chưa biết mặt chắc là hồi hộp lắm, vì cậu chưa thể tưởng tượng ra Chúa sẽ như thế nào, và Ngài có chịu trả lời cho những thắc mắc của cậu không. Lần gặp gỡ đầu tiên bao giờ cũng để lại nhiều ấn tượng hơn cả, nhưng khi nhìn thấy tượng Chúa chịu đóng đinh, cậu thật sự bị sốc với tình trạng của Ngài trên thập giá. Thân thể gần như trần truồng, còm nhom, thương tích đầy mình, đầu thì méo xẹo...
Oscar cảm thấy bực bội, thất vọng vì một vị Chúa mà phải chịu đau khổ như thế thì không thể nào chấp nhận được chứ đừng nói tới chuyện tin vào Ngài. Đối với cậu, Chúa có quyền năng thì không có lý do gì để phải chịu đau khổ cả. Hình ảnh một vị Chúa trên thập giá đã thử thách niềm tin của cậu một cách nặng nề. Cậu nghi ngờ sự toàn năng của Chúa, vì nếu Chúa không thể tự cứu mình được thì làm sao có thể cứu mình đây? Nhưng Bà Hoa Hồng đã giúp cậu nhận ra rằng không ai tránh được đau khổ cả, ngay cả Chúa, và vị Chúa đó mới thực sự là người gần gũi với cậu lúc này hơn cả. Một vị Chúa không có đau khổ là vị Chúa xa lạ với con người, Ngài sẽ chẳng nghe thấy và cũng sẽ chẳng thấu cảm cho kiếp con người bệnh tật như Oscar. Một Thiên Chúa gần gũi phải là Thiên Chúa cùng sống kiếp con người, chịu thân phận giới hạn và cảm xúc với con người. Nhưng cách mà Chúa đối mặt với đau khổ đã giúp Oscar hiểu ra rằng đau khổ hay không là một sự lựa chọn.
Đau đớn thể xác ta phải chấp nhận, nhưng đau đớn tinh thần thì không buộc phải thế. Đối diện với cái chết, chúng ta cũng không bắt buộc phải cảm thấy đau. Nó phụ thuộc vào sự lựa chọn của ta.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Oscar đã tìm được lời giải cho những đau khổ và giá trị của nó. Thật vậy, Chúa đã không miễn trừ cho mình quyền được thoát khỏi đau khổ, nhưng Ngài đã chấp nhận nó để đồng số kiếp với con người mà không thất vọng, không sợ hãi, không phản kháng, không trốn tránh, nhưng bình thản đón nhận. Chỉ khi nào người ta trốn tránh sự thật hữu hạn nơi mình, khi tin rằng cuộc đời là vĩnh cửu thì cuộc đời ta cũng bị đánh hỏng bởi niềm tin hão huyền đó. Bệnh tật cũng như cái chết, là một sự việc chứ không phải một hình phạt. Trên thập giá, Chúa chịu đựng nỗi đau thân xác nhưng không hề đau đớn trong tinh thần. Lòng tin đã giúp Chúa của Oscar vượt qua nỗi đau và nỗi sợ.
Trong cuộc sống con người, đau khổ là điều khó tránh khỏi, nó vẫn len lỏi trong kiếp nhân sinh, vẫn xảy đến qua những biến cố của cuộc đời. Mà Chúa cũng không phải là ngoại lệ. Ngài không tìm cho mình được miễn trừ khỏi những đau khổ. Đau khổ vốn là cơn cám dỗ nặng nề thường xuyên đối với chúng ta, cám dỗ khiến ta muốn đi tìm một vị Chúa không thập giá, một lối sống lãng mạn không nước mắt.
Ai rồi cũng phải đối mặt với cái chết. Nghĩ đến cái chết khiến người ta rùng mình khiếp sợ. Chính lúc sắp chết là lúc người ta thấy cô đơn nhất, hụt hẫng nhất vì họ sẽ phải bỏ lại tất cả và ra đi một mình. Nhưng đối với Oscar thì người ta sợ chết còn vì lý do khác là lo ngại cái điều mình không biết, mà không biết rằng điều cần biết đó chính là lòng tin. Một khi có lòng tin, thì sự đau đớn không làm ta thấy đau hơn. Nó làm cho chúng ta không sợ hãi và thất vọng vì những nỗi đau, ngay cả cái chết. Đức tin là điểm tựa và là nơi để ta bám víu trước những thử thách của cuộc đời trên hành trình trở về.
Khác với cảm nghiệm của Bà Hoa Hồng và Oscar tìm lý giải cho đau khổ bằng đức tin, Nietzsche thì không nghĩ thế. Ông coi mọi thứ đều hư vô trống rỗng, mọi giá trị đều bị ông xáo lên hết . Đức tin với ông là một vấn đề hão huyền cần phải dẹp qua một bên để xây dựng một con người chỉ tin vào ý chí của siêu nhân. Ông coi hiện sinh tôn giáo là hiện sinh nô lệ, vô bổ. Như thế, con người cần phải giết Thượng Đế, phải bước qua Thượng Đế đi mới mong có cơ hội trở nên người hùng. Nietzsche căm thù tôn giáo. Ông nghĩ rằng tôn giáo là sản phẩm của những kẻ bệnh tật, hèn yếu; những kẻ này không thể hưởng được những giá trị đích thực của đời này, nên mới tạo ra những giá trị của đời sau. Ông nói: “đau khổ và bất lực: đó là những căn nguyên đã sinh ra những “đời sau”. Đó là hạnh phúc của con người đau khổ quá. […] Chính những kẻ bệnh tật và những kẻ ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này, họ đã tạo ra những sự trên trời” . Không biết có phải vì thế mà cuộc đời của ông gần như mất phương hướng.
Những năm cuối đời của ông phải đối mặt với chứng nhức đầu kinh niên. Ông qua đời trong điên loạn và tê liệt hoàn toàn khi tuổi đời chưa bằng một nửa của Oscar. Nếu gặp Nietzsche, có lẽ cậu sẽ có lời khuyên cho sự căng thẳng và ước muốn nổi loạn của ông như đã từng dành lời khuyên cho bác sĩ Dusseldorf: hãy thả lỏng người ra, hãy chậm lại và xả hơi một chút. Và oscar sẽ nói thêm rằng: ông hãy tin là Chúa có thật đi, nếu ông cứ tin như vậy thì mỗi ngày Chúa sẽ thật hơn một chút. Niềm tin sẽ giúp ông thấy dễ chịu hơn, bớt cô đơn hơn thay vì cứ giữ những tư tưởng làm cho ông dễ đau đầu, cũ kỹ và thối khắm. Vì cháu cũng đã lớn rồi, hồi nhỏ cháu đã không tin là Chúa có thật, cháu cũng từng có cảm giác tin vào Chúa thật là phi lý, nhưng từ khi cháu tin, cháu đã thực sự thay đổi, cháu không muốn đánh mất đi kinh nghiệm từ sau lần gặp gỡ đó, cháu thấy Chúa có vẻ thật bình yên, tâm hồn cháu thanh thản, bớt cô đơn và không sợ hãi nữa khi cháu tin vào Ngài, mặc dù căn bệnh ung thư đang làm cháu sắp chết.
Kinh nghiệm về một cuộc gặp gỡ với Chúa và tìm được niềm tin tưởng nơi Ngài, Oscar không còn ước muốn điều gì thêm nữa, vì đó đã là một ngày thật tuyệt vời. Cậu thấy rằng cảm nghiệm được một điều quý giá như thế thì còn hơn một điều ước. Cậu đã dành điều ước duy nhất trong ngày cho ca phẫu thuật của Peggy Blue được suôn sẻ, và cậu cũng muốn cô bé sẽ vui lòng đón nhận kết quả phẫu thuật, dù kết quả có thể không mỹ mãn.
Nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp cho những vấn đề sự sống, đức tin, Chúa của Oscar vẫn chưa dừng lại, bởi đó là những câu hỏi lớn chứa nhiều bí ẩn mà chẳng có câu trả lời nào hoàn hảo cả. Nếu trả lời một cách dễ dàng thì cuộc sống vốn đã quá nhạt nhẽo rồi. Chẳng có ai hay sách vở nào cho ta một câu trả lời hoàn hảo, nhưng đó là câu trả lời bằng chính khao khát tìm kiếm ý nghĩa của sự sống, bằng sự trải nghiệm của riêng mình với vạn vật và trong thế giới nội tâm của chính chúng ta.
Tin có Chúa bên cạnh, Oscar trở nên yêu đời, yêu cuộc sống và vạn vật chung quanh, biết quý trọng từng chút ánh sáng, màu sắc, cỏ cây muông thú, cảm nhận được cuộc sống trong từng hơi thở. Cậu run lên bởi một niềm vui thuần khiết đang xâm lấn trong tâm hồn. Cậu biết ơn Chúa vì Ngài đã dẫn cậu tới tận cùng bí ẩn để ngắm nhìn bí ẩn ấy. Bí ẩn mà chỉ có Chúa mới giải đáp được.
Dẫu biết rằng cuộc đời là một cõi đi về, nhưng đi về đâu và phải chọn lựa thái độ sống thế nào trên đường trở về, đó là câu hỏi mà mỗi người phải tìm kiếm câu trả lời bằng cảm nghiệm của riêng mình. Ý nghĩa của đời người không nằm nơi tuổi tác, địa vị, giới tính, tình trạng sức khỏe, nhưng ở chỗ ta biết khám phá ra giá trị của nó, biết đón nhận, trân trọng, nâng niu từng phút giây ta sống.
Chung cuộc rồi ai cũng phải chết, nhưng chết chưa phải là dấu chấm hết. Cuộc đời của Oscar thật ngắn ngủi, nhưng cậu đã kịp sống một cuộc đời trọn vẹn. Niềm tin vào Chúa đã giúp cậu vượt qua nỗi sợ, để sống với trọn vẹn cảm xúc, niềm hy vọng và lan truyền niềm hy vọng đó cho người khác. Oscar đã giúp tôi nhận ra rằng không phải ai khác, mà là chính Chúa đã cho tôi niềm tin, cho tôi nghị lực để sống, và chỉ Chúa mới có quyền đánh thức tôi khỏi cơn ngủ vùi của cái chết.
Giuse Nguyễn Công Văn. OH