Từ bi Phật Giáo và Đức Ái Ki-tô Giáo

Muốn thoát khỏi cảnh hồng trần khổ hải, hoàng tử  Thích ca Cổ đàm (S akya Gautama) bỏ đời đi tu. Dĩ nhiên là hồi ấy, người Bàlamôn-giáo tu thế nào, ngài cũng tu như thế thôi. Lại theo Radhakrishnan, cũng như tỳ kheo Bàlamôn-giáo, ngài nương theo quan niệm truyền thống hồi ấy về ý nghĩa tu hành, cũng là tư tưởng Áo nghĩa thư (Upanisad) vốn coi tất cả là sắc tướng, coi cái Tôi cá thể cùng với thân xác chỉ là ảo ảnh mà thôi. Chứ thật ra, theo Radhakrishnan, Đức Phật cũng chẳng quan tâm đến triết lý siêu hình : triết lý Phật giáo không phải chính Dharma nguyên thủy của Đức Phật, mà Abhi-dharma, cái thêm vô sau này cho Dharma (Pháp).

Cũng theo Radhakrishnan, để tới cảnh giới an lạc, Đức Phật chỉ theo con đường tâm lý, tu sao cho thoát tục, đạt kinh nghiệm và trực giác huệ trí nó giải thoát khỏi cuộc sống luân hồi khốn khổ, và đây là việc riêng của mỗi người, không ai giúp được.

Mỗi người cho riêng mình, đó là chủ trương hồi đầu của Phật giáo. Sau này, những tỳ kheo cách tân, cho rằng đã Tự giác phải Giác tha nữa, và họ tự xưng là Đại thừa, Mahâ-yâna, cái xe lớn độ được nhiều kẻ, dành tiếng Tiểu thừa, Hina-yâna, để gọi phe thủ cựu Thera-vâda. Nếu Thera-vâda chỉ có mặt ở dăm ba nước, thì Đại thừa lại phát triển rất mạnh, nhất là tại Đông Á châu, có lẽ vì trình bày một chân dung Đức Phật như đấng Thế tôn từ bi vô lượng, gần gũi với đám đông dân chúng hơn.

Phật giáo Đại thừa và con đường Từ, Bi

Dù từ giã cúng tế, tu hành Bàlamôn-giáo không chống lại cúng tế, vì người ta chỉ vào rừng tu (tại lâm sỹ, vanapra-stha) sau khi đã làm xong các bổn phận giữa đời, trong đó có bổn phận cúng thần linh. Lại dù đã vào rừng, đương sự cũng không bỏ cúng tế ngay, mà phải làm những cúng tế trước đây đã không thể làm ở giữa làng xóm vì chúng có hại cho xung quanh. Tại nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ khi trí đã an và tâm thoát tục rồi, người ta mới bước vào giai đoạn thứ tư của cuộc sồng Ấn hữu: giai đoạn bỏ đời (samnyâsin), lang thang không nhà cửa (anâgarin), cũng gọi là khất sỹ hay tỳ kheo (bhikshu) vì lẽ phải ăn xin mà sống. Vâng, tỳ kheo Bàlamôn-giáo tuy từ giã cúng tế, nhưng vẫn gán cho cúng tế trước đó vai trò thanh tẩy nó chuẩn bị cho hạnh tu.

Phật giáo cũng như Jaina-giáo ban đầu chỉ là đạo nhà tu thôi. Vì không thừa nhận Veda và các thần Veda, nên tỳ kheo cũng bỏ luôn cúng tế. Thay vì thanh tẩy bằng cúng tế, họ thanh tẩy bằng đạo đức và sự diệt dục (a-kâma). Đạo đức càng được nhấn mạnh hơn khi Đại thừa xâm nhập vùng đất của Khổng Lão, tức Trung quốc và các nước xung quanh như Việt nam, quê hương của Lễ, Đức và Đạo, hơn là của tôn giáo.

Nếu luân lý Bàlamôn chỉ quy về ngũ giới của đạo Yoga, ngũ giới mà toàn dân Ấn Độ giữ, thì luân lý Phật giáo còn đi vào Từ và Bi nữa. Từ-Bi bên Tầu và bên Ta, gặp đức Nhân nho giáo như sương mai tưới gội, sẽ bốc thật cao, vượt trên những giá trị khác:

Dẫu xây chín đợt phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người!

Có lẽ Từ-Bi xuất hiện từ rất sớm trong Phật giáo Ấn, ngay cả trong Trung bộ kinh của Tiểu thừa cũng gặp. Ta hãy nghe Đức Phật nhắc đi nhắc lại lời căn dặn sau đây ở chương XXI của Majjhima-nikâya:

-“Hỡi các tỳ kheo, ở đây các thầy phải học tập như sau :”Chúng ta phải giữ tâm không dao động, chúng ta không được nói ác ngôn; chúng ta phải sống Từ và Bi, lòng thì lân ái, không tà ý; hãy bao bọc người khác trong sự yêu thương của mình, rồi từ người đó mở rộng ra để bao phủ cả thế giới trong một yêu thương bất tận, vượt mọi giới hạn, không mảy may ghét hận nào cả…”

Để minh họa cho thứ từ bi vô lượng này, người ta kể câu chuyện về nhà sư Âryasangha như sau: Ông thấy lũ chó sói đang xông vào cắn xé một con chó nhà, ông bèn suy tính trong bụng : nếu ta để vậy thì chó nhà chết mất, bằng như tìm cách đuổi đàn sói đi, thì chúng cũng chết đói thôi. Thế rồi ông đi đến quyết định, cũng là giải pháp lưỡng toàn : cắt thịt mình quăng cho sói ăn để nó buông cho chó nhà chạy đi.[1]

Chủ trương Từ-Bi ấy rồi sẽ gặp đất để phát triển rất mạnh trong Đại thừa, đến nỗi trở thành nền tảng của lối tu Đại thừa này, như chính nhà sư Phổ Hiền nói ra:

-“Đại Bi là nền tảng của tất cả Phật Pháp.” [2]

Như thế, Từ-Bi không còn thuộc lãnh vực của Luật (Vinaya) nữa, mà Pháp (Dharma, nền tảng hay nguyên tắc, giáo lý căn bản) luôn.

Vì Từ-Bi quan trọng đến thế, nên không thể hiểu Đại thừa nếu không nghiên cứu kỹ Từ và Bi của họ.

Vâng, Từ và Bi đấy. Không phải một từ kép đâu, nhưng hai từ rõ ràng và phân biệt. Từ (Maitri), đó là lòng nhân ái nó biểu hiện trong hành động bằng sự giúp đỡ. Đối với kẻ khốn cùng, từ tâm ấy chuyển thành Bi (Karunâ), tức thương xót, nó biểu hiện bằng sự hy sinh cứu vớt.

Lòng yêu thương nói trên không thuộc lãnh vực đam mê, như trai gái mê nhau, như người mẹ giữ chặt lấy con mình. Bởi lẽ đam mê là ham muốn, mà Phật giáo thì chống lại Tham, tức ham muốn. Lòng yêu thương ấy cũng không hướng về một số người giới hạn, nhưng mở rộng đến mọi người, thậm chí mọi sinh linh như chủ trương chung của Ấn Độ trong luật Ahimsâ cấm sát sinh. Ngoài ra, Từ-Bi nói trên còn đặt nền trên nguyên tắc bất di bất dịch của Phật giáo là Bình đẳng, coi mọi chúng sinh như nhau, không phân biệt bạn-thù hay thân-sơ chi cả. Tại sao lại không phân biệt người thân với kẻ xa lạ như thế? Chỉ vì Phật giáo chủ trương Vong ngã, an-âtman, bỏ cái Tôi đi, thế mà coi người này là bố mẹ anh, chứ không phải bố mẹ tôi, thì cái Tôi đã nổi cộm lên rồi.

Đại thừa chủ trương Từ Bi vô lượng, không giới hạn số sinh linh như đối tượng, cũng không giới hạn hy sinh về phía mình : người lành thánh hay bồ tát không thể không làm hết cách để cứu mọi chúng sinh khỏi luân hồi nghiệp quả. Lại không chỉ cứu vớt thiêng liêng thôi, mà cứu vớt thể xác nữa, và đây là cho kẻ đói ăn, nâng đỡ và cứu vớt kẻ bất hạnh. Cứu vớt dù cho vì thế phải hi sinh, và đây thuộc địa hạt của Thí xả, tức Cho đi và Xả thân cứu giúp.

Quả thật, Phật giáo quen nói đến Tứ vô lượng tâm : Từ-Bi-Hỉ-Xả. Bắt đầu, Hỉ (Priti) chỉ nhắm sự an định và an lạc sâu xa, do tu tập mà thành. Còn Xả (Upeksâ) cũng chỉ là Bỏ đi, không quyến luyến, vương vấn[3]. Thế nhưng rồi trong Đại thừa, để đi đôi với Từ và Bi, Hỉ-Xả còn đeo thêm một ý nghĩa khác nữa : Hỉ là vui vì hạnh phúc người khác được, Xả là Hi sinh mình đi như Đức Phật rời bỏ Niết bàn an lạc để xuống trần độ thế.[4] Vâng, theo Đại thừa, Đức Phật không chỉ có một thân (thân thể), không chỉ có mặt ở dương gian một lần, mà vô số lần, do lòng từ bi vô lượng của Ngài.

Từ chủ trương Từ-Bi đến học thuyết về Bồ tát

Vì đề cao Từ-Bi, nên Đại thừa cũng biến Đức Phật thành một Thế tôn, nghĩa là Chúa (isvara), và Chúa ấy từ cao đang cúi nhìn xuống (ava-lokita) cõi hồng trần khốn khổ. Có lẽ đây là do ảnh hưởng của trào lưu Bhakti (sùng mến) đang thống trị Ấn Độ trong thời gian này. Vâng, theo một số học giả, thì Đại thừa phát sinh vào khoảng thế kỷ -I đến thế kỷ +II, và đây cũng là lúc xuất hiện cuốn kinh gối đầu giường của Bhakti trong Visnu-giáo, cuốn Ca tụng Đức Chúa (Bhagavad-gitâ). Bởi nhấn vào lòng thương xót của Thượng thần, tôn giáo ngành thờ Visnu đã chế tác những hình thức giáng trần (ava-târa) của Ngài, thành những “Thiên Chúa ở với chúng ta”. Thậm chí đấng ấy còn cứu trợ kẻ Ngài thương bằng “ân sủng” prasâda) nữa. Trong Phật giáo Đại thừa, “Chúa ở giữa chúng tôi” chính là các bồ tát.

Bồ tát là gì?

Bodhi là trí huệ đưa tới giác ngộ. Sattva là dương quang, cũng là sinh linh. Bodhi-sattva hay Bồ tát chính là người tuy đã giác ngộ, nhưng không muốn hưởng Niết-bàn an lạc ngay, mà ở lại trong xác phàm để cứu nhân độ thế. Sau này, người ta cũng dùng danh hiệu Bồ tát để xưng tụng một cao tăng đáng kính, thậm chí một cư sỹ (Phật tử) đạo hạnh luôn. Người ta cũng nghĩ ra lối tu bồ tát, cho cả tỳ kheo lẫn tín đồ. Tu bồ tát cho tỳ kheo thì có 58 giới, cho tín đồ có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Tu bồ tát thì không chỉ tìm huệ trí để giác ngộ cho riêng mình, mà còn phải phát nguyện độ trì cho mọi chúng sinh nữa. Và đây là điều đáng quý ở Phật giáo Đại thừa, không chỉ Tự giác, mà còn Giác tha, phải thề mang lấy cho mình số phận hẩm hiu của hết thảy, như nói đến trong kinh Vajradvaja-sutta như sau:

-“Tôi phải mang lấy gánh nặng của mọi chúng sinh!”

Theo Đại thừa, có hằng hà những vị đắc đạo bồ tát như thế. Nổi tiếng nhất, đó là Maitreya-sattva và Avalokitesvara hay Đức Thế tôn Quán thế âm, vị từ cao nghiêng mình nhìn xuống (ava-lokita), nghe âm thanh từ dương thế khốn khổ vang vọng lên.

Vị Quan âm bồ tát này, bên Ấn Độ (và Tây Tạng nữa) đang là nam nhân, sẽ thành nữ khi sang đến Trung quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung quốc. Theo giải thích của một học giả Tây phương, thì sở dĩ Bồ tát biến giới tính như thế, là vì bắt gặp bên nước chủ nhà một nữ thần được quảng đại quần chúng thờ bái : Phật tăng chỉ việc thuyết pháp rằng vị nữ thần nói trên chính là một trong những giáng trần thành người của Đức Quán thế âm, và thế là nữ thần biến thành Phật bà Quan âm luôn. Theo tôi, cũng rất có thể chẳng có nữ thần nào cả, nhưng vì Bồ tát quán thế âm hiền từ quá, nên ngày càng hiển thị thành mẹ trước mắt người Trung quốc vốn không quá trọng nam như người Ấn.

Một khi Quan âm đã thành Phật bà Quan âm như thế, Ngài dễ được quảng đại quần chúng mến thương thờ phụng. Y như thần mẫu Durgâ bên Ấn và Đức Maria trong Công giáo chúng ta. Riêng bên Việt Nam, Phật bà còn “nhập thể” thành Quan Âm Thị Kính đã chịu tiếng oan để làm mẹ một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Quan âm bồ tát được nói đến trong rất nhiều kinh Đại thừa, trong đó có kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Diệu pháp liên hoa, kinh Địa tạng… Trong những kinh này, Ngài hiển thị với rất nhiều thân (xác), để dù người hay ma quỷ, ai cầu Ngài thế nào cũng được Ngài cứu độ hay giúp tai qua nạn khỏi.

Bồ tát, như một thứ “Chúa ở cùng chúng ta” như thế xem ra rất gần gũi với mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể của KTG, và Từ bi Đại thừa cũng gần gũi với Đức Ái của chúng ta.

Đức Ái Kitô giáo

Nếu Phật giáo Đại thừa nhấn vào Từ-Bi như dharma hay căn bản của họ, thì Ki-tô Giáo cũng nhấn vào Đức ái như nền tảng của Đạo, khi mà Thiên Chúa đã được thánh Gioan định nghĩa là Tình yêu: “Theos agapê estin” (1Ga.4.8).

Thật ra, người thường ai nấy đều nghĩ : quan trọng nhất đối với chúng ta là đức Tin, và đức Tin này có đối tượng là những chân lý, -cụ thể hơn-, những tín điều (dogma). Có điều đức tin không thể cứu nếu không đi đôi với việc làm (Giac. 2.18-26), và đây là “đức tin nó thành hành động bởi đức Ái” (Gal.5.6), bởi lý do Tin mà không Ái chỉ là vô ích (1Cor.13.2), cũng như nói tiếng thiên thần mà không yêu thương cũng chỉ vang như tiếng thanh la trống rỗng (1Cor.13.1). Ngoài ra, trên Trời thì Tín hay Vọng chẳng đóng vai trò gì, mà duy nhất chỉ còn Mến yêu thôi (1Cor.13.13,8).

Hơn nữa, Tin theo đúng nghĩa Thánh kinh, dù CƯ hay TƯ, đều là nương tựa vào bản thân Thiên Chúa, cũng như Vọng là nương tựa vào lời hứa của Ngài, và đó là tín nhiệm. Để rồi mức cao của sự tín nhiệm ấy sẽ là phó thác, buông mình trong vòng tay yêu thương của Ngài. Vâng, cái đích mà tín vọng phải tiến tới chính là yêu mến vậy.

Tình yêu đối với Thiên Chúa luôn có hệ luận (corollaire) của nó là tinh yêu đối với đồng loại, khiến cho ngay từ trong Cựu Ước, mọi khoản luật đã quy hết về mến Chúa yêu người rồi (Mt.22.40)[5] . Trong Tân Ước, mến Chúa và yêu người không còn phải hai luật nữa, nhưng hai mặt của một lệnh duy nhất Chúa để lại cho chúng ta (Gio.13.34), đến nỗi ai không yêu anh em thì cũng không yêu Thiên Chúa, không có sự sống Thiên Chúa trong mình (1Gio.4.7-8, 12,16, 20-21)

Quả thật đức Ái vô cùng quan trọng, nhất là khi nó đã tỏ hiện nơi Thiên Chúa thành người, một Thiên Chúa yêu đến chịu chết vì ta, lại yêu ta trước nữa, yêu ngay khi ta còn là kẻ ác, kẻ thù của Ngài, chẳng có gì đáng yêu, mà chỉ đáng ghét thôi : một tình yêu không lý giải nổi! Kinh nghiệm cả một đời về tình yêu ấy, được sáng soi từ bên trên, “môn đồ mà Thầy yêu” đã làm một phát hiện lớn :”Thiên Chúa là Tình yêu”. Vâng, không phải Ngài chỉ yêu và yêu đến vô tận, một cách dị thường, mà Ngài là chính sự Yêu thương, bản chất là Yêu thương, thế thôi. Để rồi mai ngày trên Thiên quốc, hạnh phúc của tôi cũng không là gì khác ngoài yêu thương, được nên một với Đấng là Yêu thương. Để rồi ngày nay, dù mới chỉ thấy Thiên Chúa qua tấm gương (1Cor.13.12), các huyền nghiệm nhân như Tiên sa Avila đã ngất ngây vì say yêu, đến nỗi khát Chúa như không chịu nổi, đến nỗi chỉ cần nghĩ đến Ngài là xuất thần ngay, đến nỗi chỉ cần một ý tưởng chưa thể chết ngay để về với Ngài là như bị xuyên suốt bởi một mũi tên lửa, đau không chịu nổi (Lâu đài bên trong, cung 6, ch.XI).

Với kinh nghiệm về Thiên Chúa và về Đức Ái như thế, Tiên sa Avila hiểu ngay rằng luyện ngục chẳng cần thứ lửa nào cả, ngoài lửa Đức Ái nó thiêu đốt mãnh liệt trong sự khát Chúa, khát yêu không gì thỏa mãn được (sđd., cung 6, ch.XI). Chính tình yêu và khát yêu thiêng liêng ấy sẽ thanh lọc đến tận cùng, cho hết những ham muốn vị kỷ, sự tự ái và tìm mình của chúng ta.

Vì thiên đường chẳng qua là Thiên Chúa và sự kết hiệp trong yêu thương say đắm với Ngài, nên Thiên đường đã manh nha ngay hôm nay, trong đáy tâm hồn của chúng ta khi chúng ta sống trong ân sủng Chúa. Quả vậy, ân sủng không phải là món quà bên cạnh Chúa : ân sủng là chính Thiên Chúa mà ta đang kết hiệp với trong cõi vô thức của hồn ta. Bởi lẽ ân sủng chính là sự thông ban chính mình của Chúa cho ta, thành của ta, do đó đây là ân sủng vô tạo (increata gratia), còn mặt thụ tạo (creata gratia) của ân sủng là chính hồn ta được thiên chúa hóa, có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa trong yêu thương, và đây là những đức thiên phú quen gọi Tín-Vọng-Ái. [6]

Quả thật, ở bề tối sâu vô thức, tôi đang gặp gỡ TC, đang nương tựa vào Ngài trong Tín-Vọng-Ái. Có điều đây mới chỉ là sự bắt đầu trong mầm mống. Tôi phải học hỏi và sống Tin mừng bên ngoài, thì rồi Tín-Vọng-Ái kia mới tỏ hiện dần trong cuộc sống và hành động của tôi, khiến do đó ân sủng cũng lớn lên. Khi các đức thiên phú hiện thể ra ngoài như thế, thì đây là Sống nghiệm huyền ẩn đức tin (mystique expérientielle de foi) : tôi đang được thánh hóa dần trong đức Ái, bởi đức Ái.

Nên thánh với tác động từ trong bởi đức Ái, với cố gắng của tôi trong sự trợ giúp của Thánh Thần, thì sự đức hạnh ấy mới chỉ là thủ đắc (vertu acquise) với rất nhiều khiếm khuyết của nó. Để hoàn thiện sự thanh lọc và đức hạnh ấy, Thánh Thần và đức Ái thiên phú phải vào cuộc trực tiếp. Khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp như vậy, thì vì chưa quen, nên sáng thành tối : tức Đêm tối theo từ vựng Gioan Thánh giá. Và sốt sắng khi ấy cũng biến thành khô khan một cách rất kỳ dị. Để rồi khi đã quen với ánh sáng và sức nóng mới, hồn sẽ hưởng một hạnh phúc như chưa bao giờ biết đến, khiến vì say yêu Chúa quá bội, khát Chúa muôn vàn, người ta vừa sướng vừa cực kỳ đau khổ trong cái mà Tiên sa Avila gọi là Mũi tên lửa [7]. Đây mới chỉ là Nếm trước hạnh phúc vô song của Thiên quốc, ở đó chỉ còn Đức Ái thống trị : người ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự đáng kính mến của Thiên Chúa, khiến tất cả chỉ còn là say yêu và chúc tụng trong yêu thương.

*

Sự thánh thiện thiên phú và niềm an lạc sâu xa ấy đang diễn ra tràn lan trong các tâm hồn kể từ khi Chúa Thánh Thần giáng hiện. Vâng, cả muôn ngàn người đã và đang thành thánh để nói lên giữa trời đất rằng có một Thiên Chúa đã thành người, đã chịu chết vì ta để biến ta thành thần, thành con Thiên Chúa. Thánh KTG, đó là những con người được tinh luyện trong Đức Ái và cháy lửa Đức Ái, khiến họ chỉ còn biết theo chân Chúa Giêsu liều thân đi cứu giúp mọi người. Và đây là Maximilianô Kolbê dâng mình chết thay cho một người trong trại tập trung Đức quốc xã. Đây là Gioan Thiên Chúa hiến cả cuộc đời chăm lo cho kẻ bệnh tật, là Phêrô Claver bênh đỡ kẻ nô lệ như người thân, là Đamiêng thành cùi để sống với anh em phong cùi, là Mẹ Tiên sa Calcutta đón về nhà những kẻ sắp chết gặp ở lề đường để họ tìm được tình thương và một mái ấm trong những giờ phút sau hết, là Phan sinh Xaviê bất chấp bệnh tật và nguy cơ chết rũ tù, đến nằm chờ ở cửa ngõ Trung Quốc, hầu có thể đem Tin mừng và Tình yêu Thiên Chúa đến cho phần lớn dân chúng Á châu.

Vâng, thánh đúng KTG là những “bồ tát” đúng nghĩa, không thánh cho riêng mình, mà thánh vì mọi người theo gương Đấng đã đến giữa loài người chúng ta để chia sẻ cho họ quyền làm con Thiên Chúa với Ngài. KTG đúng là đạo Tình yêu khi mà chính Thiên Chúa đã là Tình yêu do bản chất. Quả Thiên Chúa là Yêu thương do bản chất khi mà để yêu thương thì Thiên Chúa phải là hai, ba cái Tôi được xướng lên để có yêu thương thiêng liêng, và sự hiến dâng toàn vẹn đến nỗi ba cái Tôi thành Một hoàn toàn ở tận gốc : thành một thể ngay ở gốc, tức một bản thể.

Nếu KTG là đạo Tình yêu, thì yêu đúng KTG phải là thế nào đây? Và nhờ đâu để có được thứ tình đó?

Để có thứ tình yêu vị tha hoàn toàn đó, tôi phải được cải biến từ gốc đến ngọn. Ân sủng đến với tôi khi mà Thánh Thần được sai đến trong tôi để la lên : Abba, Cha (Rom.8.15). Nơi Đức Giêsu tôi trở thành con Cha cũng là nơi tôi tiếp nhận Tình yêu (đức Ái) Đức Kytô để yêu Cha và yêu anh em mình trong Cha : không có yêu Chúa nếu không yêu anh em; yêu Chúa và yêu anh em chỉ là hai mặt của tình yêu thiêng liêng thôi! Yêu thiêng liêng, nghĩa là yêu theo Thần khí và yêu bời Thần khí Chúa. Và cũng là yêu vì Chúa và trong (nơi) Chúa luôn. Chẳng có gì giống với một đam mê thường phàm cả!

Dẫu thế, đây vẫn là tình yêu của một con người có thần có thịt, và do đó có trái tim. Và một tình yêu sâu xa sẽ “mạnh như sự chết”, khiến người ta có thể rời bỏ tất cả để dấn thân dù vào nơi nguy hiểm nhất vì anh em, như các thánh tử đạo Bắc Mỹ đã làm.

Thật ra, yêu theo cách KTG thì không cần từ bỏ tình cảm tự nhiên, như tình mẹ đối với con thơ hay tình trai gái đối với nhau, mà chỉ cần thanh lọc trong tinh thần Phúc âm, trong hướng đi Vì Chúa, thế thôi. Và đây là một Monica vượt biển tìm con ở Milanô để đưa con trở về với Sự thật, một Marie de l’Incarnation dù yêu con trai thắm thiết (như thư từ sau này nói lên) vẫn rời bỏ con thơ để theo ơn gọi Ursulines, để rồi khi con đã lớn lại rời xa hơn nữa để mang Tin mừng đến người da đỏ mãi tận chân trời xa, bên Tân thế giới. Tình cảm thì vẫn tự nhiên với dòng lệ nhớ thương bất tận, mà vẫn siêu nhiên khi người ta dám vượt lên trên tự nhiên để đi theo tiếng Chúa gọi hoặc để tìm một lợi ích thiêng liêng hơn cho người mình yêu mến.

Thế thì phải chăng Đức Ái KTG khác hẳn Từ-Bi Phật giáo vốn đặt nền trên Bình đẳng, nghĩa là không phân biệt thân sơ, mà gồm chung tất cả trong yêu thương?

Thật ra trong Kytô-giáo, vẫn có một nguyên tắc Bình đẳng nào đó làm nền cho hiếu nhân, và đây là Thiên Chúa vốn làm mưa trên cả kẻ ác lẫn người lành (Mt.5.45), đây là lệnh phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, làm ơn cho kẻ làm hại mình (Lc.6.27-28). Nghĩa là phải coi hết thảy chúng nhân, bất kể lành ác, bạn thù, là anh chị em trong Chúa và hết lòng yêu thương họ.

Sau khi đã đối xử “bình đẳng” như thế rồi, tôi có thể quan tâm hơn đến những ai mà theo quan hệ tự nhiên, tôi có bổn phận chăm lo đến một cách đặc biệt. Thế rồi, dù yêu ai chăng nữa, hãy luôn nhớ phải yêu trong Chúa, vì Chúa, và yêu bằng Đức Ai Chúa Kytô, chứ không chỉ ngả theo khuynh hướng tự nhiên của tôi. Và đó chính là thập giá của yêu thương KTG vậy!

Tình yêu mà như thế thì gọi là tình yêu thiêng liêng, yêu theo Thần khí. Để hiểu yêu thiêng liêng hay theo Thần khí là thế nào, hãy nhìn nó từ đỉnh siêu cao, nơi Thiên Chúa.

Loài người có xác, nên có trái tim hay tâm hồn, khiến yêu luôn là một thụ cảm (passion), nó nhoi nhói trong tim (thương tâm), quặn đau trong ruột (đoạn trường). Chứ Thiên Chúa đâu có xác, do đó đâu có tim hay ruột để mà nghe quặn đau hay nhoi nhói như thế? Chính vì vậy, Ngài phải giáng trần để tình yêu Ngài có thể rung lên trong một trái tim người, để Ngài có thể khóc, có thể đổ mồ hôi máu trong Vườn Dầu, có thể la lên :”Cha ôi, Cha ôi, sao nỡ bỏ con!”, nhờ đó giúp ta hiểu được phần nào tình thương vô tận của một Thiên Chúa.

Quả thật, Thiên Chúa yêu chúng ta đến vô cùng tận dù không hề thụ cảm, mà nếu phản chiếu trên trái tim cảm thụ của con người thì tình Ngài xói buốt mãnh liệt như thế đó.

Sau Thiên Chúa thành người, ở chính loài người chúng ta, hãy tìm đến đỉnh cao của tình yêu thiêng liêng trong huyền nghiệm.

Theo huyền học, huyền nghiệm ở đỉnh càng cao, thì trí hiểu, trí nhớ và tưởng tượng càng bị treo, ngưng (sommeil des puissances), để cuối cùng chỉ còn an tĩnh (quiétude), chiêm hưởng thuần túy (contemplation pure), tức chiêm ngắm mà trống vắng, không đối tượng, nghĩa là không còn chỗ dựa là ý tưởng hay ảnh tượng chi nữa. Vâng, trong chiêm niệm thụ động hay thiên phú, hành giả biết bằng một thứ biết khác lạ, khiến cho hồi đầu chưa quen, ánh sáng mới này biến thành cái mà thánh Gioan Thánh giá gọi là Đêm tối. Theo Gioan Thánh giá, Đêm tối diễn ra không phải vì thiếu ánh sáng, mà trái lại vì sáng quá lóa mắt nên không thấy gì nữa.

Thật ra, khi nói đến treo ngưng khiếu năng, thánh Tiên sa Avila chỉ nói đến khiếu năng tri thức là trí hiểu, trí nhớ và tưởng tượng thôi, và đây là do khuynh hướng nghiệm tri (gnôsis, gnosticisme) của KTG cổ thời, chỉ quan tâm đến tri thức. Chứ ngày nay, trong thời đại phân tâm học, yếu tố cần chú ý hơn phải là cảm tính (affectivity). Vâng, trong huyền nghiệm đỉnh cao, cả cảm tính cũng bị treo ngưng để chuyển sang một thứ cảm tính khác, thiêng liêng hơn, tức gần hơn với tinh thần. Đây là điều mà vô tình Tiên sa Avila đã đề cập đến, bắt đầu từ cung 5 khi thánh nữ nhắc tới một thứ tình cảm mà ngài không hiểu do đâu và diễn ra thế nào :”Nếu linh hồn ấy yêu, thì y ở trong một thứ ngủ (sommeil, tức treo ngưng khiếu năng) đến nỗi không biết yêu thế nào, mà ngay cả yêu gì, muốn gì, cũng không biết nữa” (cung 5, ch.I). Vâng, nếu ở mặt tri thức, “linh hồn ấy chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng hiểu gì” (cung 5, ch.I), thì về mặt tình cảm cũng vậy: “linh hồn ấy như không cảm gì…Và nếu yêu, thì y cũng ở trong một giấc ngủ đến nỗi không biết yêu như thế nào và yêu gì, muốn gì” (cung 5, ch.I). Tuy thế, tình yêu ấy lại vô cùng mãnh liệt, một khát yêu ghê gớm (cung 6, ch.XI). Yêu tuy rất mãnh liệt, nhưng lại không ở phần thường phàm của cảm năng, mà “phần thượng đẳng của linh hồn” (cung 7, ch.I), chắc là gần như tinh thần thuần túy. Theo tôi, khi yêu bình thường, dù siêu nhiên chăng nữa, thì tình yêu ấy vẫn có gốc là tự nhiên, dù nó cố hướng thượng với sự trợ giúp của ân Chúa; còn trong giai đoạn huyền nghiệm cao là Hôn nhân thiêng liêng (cung 7), thì vì tự nhiên đã được biến cải hoàn toàn theo siêu nhiên rồi, nên tình yêu trong giai đoạn ấy trở nên siêu nhiên một cách rất “tự nhiên”, với gốc của nó nằm ở siêu nhiên, nơi Đức Ái thiên phú.

Vậy nơi con người, yêu đúng theo Thần khí là một thứ tình cảm vô cùng khác lạ, nó siêu cảm; cũng như biết theo Thần khí là một thứ siêu tri, tri do một khiếu năng khác với lý trí, khiếu năng được gọi trong huyền học Tây phương là Noũs, Intellect, còn trong huyền học Ấn Độ là Buddhi.

Nhìn tình cảm từ đỉnh cao của nó trong huyền nghiệm, ta có thể hiểu phần nào cái được gọi là tình cảm siêu nhiên ở người thường chưa tiến tới huyền nghiệm. Khi ấy, tình yêu còn nặng về tự nhiên hơn, nên chất “thụ” trong cảm cũng mạnh hơn. Có điều khi chúng ta cố yêu trong Chúa và vì Chúa, chúng ta vẫn cảm nhận có gì thiêng liêng rồi, chứ không còn phàm tục nữa.

Vì Đức Ái huyền diệu đến thế và quan trọng đến thế, nên Tiên sa Avila mới hiểu ra rằng, lửa thanh luyện trong luyện ngục chính là lửa Ái vậy. Vâng, chỉ có lửa Ái mới đủ sức thanh luyện cho hồn ta sạch trong, thanh thoát và lành thánh để xứng “mặt đối mặt” với Đấng là Tình yêu viết hoa: Thiên Chúa.

Kết luận

Chỉ có Từ-Bi Phật giáo Đại thừa có thể so sánh với Đức Ái Chúa Kytô xét cả về bề sâu lẫn bề rộng. Vì Từ-Bi Phật giáo không chỉ là đạo đức suông khi mà nó thuộc Pháp hay căn bản của Đạo. Và cũng do vậy, nó có gì đó thuộc huyền học nữa. Còn Đức Ái của chúng ta thì đúng là huyền nhiệm, siêu huyền nhiệm rồi, khi mà thanh lọc là do yêu [8], thánh thiện cũng do yêu, hạnh phúc thiên đường cũng là yêu thương hay kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, mà chính Ngài cũng là Yêu thương viết hoa luôn.

Riêng về mặt thực hành, chúng ta có thể tìm ở Từ-bi Phật giáo một số bài học : bài học về bình đẳng và thoát tục khi ta cần tập bớt đi những vương vấn, nhất là nệ cảm; bài học về bề rộng khi ta cần mở rộng cõi lòng để yêu thêm các sinh vật bên dưới người, và điều ấy phù hợp hơn với trào lưu sinh thái học (ecology) hôm nay, cũng như phù hợp với niềm tin của chúng ta về một Trời mới, Đất mới!

Cũng về mặt thực hành, anh em Phật giáo có thể thực hiện thật sự tâm bồ tát nhờ vào sức mạnh và động năng siêu nhiên của Đức Ái thiên phú KTG. Vâng, tâm bồ tát là một lý tưởng rất cao, nhưng vì quá cao nên nó mới chỉ là một ý tưởng trừu tượng, không thể hiện nổi trong cuộc sống nếu không có một can thiệp siêu nhiên nó thanh tẩy đến tận cùng sự vị kỷ vốn rất bẩm sinh nơi con người chúng ta.

Lại để thi hành tâm bồ tát, anh em Phật giáo có sẵn trong KTG một mẫu Siêu bồ tát có thật trong lịch sử : Đức Giêsu Nadaret, Ngài đang là Đấng Tối cao, đã tự hạ và tự hủy khi thành người và chịu chết nhục nhã trên thập tự để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết cũng như để nuôi sống chúng ta bằng chính thịt máu mình (Php.2.6tt.). Những bồ tát tiếp theo, cũng thuộc lịch sử luôn, là các nam nữ thánh nhân KTG khá đông đảo, đã can đảm bước vô con đường từ-bi-hỉ-xả của Thầy mình.

Riêng KTG đã gặp may khi bắt gặp sẵn trên vùng đất Đông Á này cái truyền thống “bồ tát” cao cả của Phật giáo Đại thừa, truyền thống ấy đã ăn sâu vào tâm tư và chuẩn bị tốt cho hạt giống “Tám mối phúc thật” chúng ta, với đúng “mối” 2 là Từ và “mối” 5 là Bi. Nhất là chuẩn bị cho một cái gì căn cội hơn : Đức Ái của và từ Chúa Giêsu Con Thiên Chúa!

[1] Radhakrishnan, Indian philosophy I, tr. 433.

[2] Xx. Thích Hằng Trường, Bước chân vào Đạo: Tu Hoa Nghiêm Phật Pháp, NXB. Tôn giáo, 2003, tr.94.

[3]Xx. Thích Minh Châu, Từ điển Phật học VN. Cũng thế trong Từ điển Phật học Huệ Quang.

[4]Xx. Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn.

[5]Chúa Giêsu nối Đnl.6.5 với Lv.19.18.

[6] Xx. K. Rahner trong Sacramentum mundi I, tr.416.

[7]Xx. Lâu đài bên trong, cung 6, ch.XI.

[8] Chẳng những vì lửa luyện ngục là Đức Ái, mà còn vì thanh luyện khỏi tội lỗi cách hoàn hảo ở đời này cũng là do Đức Ái. Vâng, sám hối do yêu được gọi là contritio, và tội do đó được tha ngay dù đương sự chưa kịp chịu phép Hối giải.

Hoành Sơn, S.J.

Nguồn:dongten.net