Sự quan tâm, nuôi trồng ơn gọi linh mục của Cha Thánh Phêrô Hoàng Khanh là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta. Bởi vì, công việc nâng đỡ ơn gọi dâng hiến trong Giáo hội luôn luôn là cần thiết. Hôm nay, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, chúng ta thử hỏi xem ai có trách nhiệm đối với ơn gọi linh mục và tu sĩ? Xin trả lời ngay rằng: Tất cả mọi người Kitô hữu cách này hay cách khác đều có trách nhiệm đối với ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đặc biệt, trước khi các ứng sinh vào chủng viện hay tu viện, họ cần được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt từ các gia đình, các linh mục, nhất là các linh mục quản xứ, các thầy cô giáo lý viên và hết thảy mọi thành phần trong Giáo hội.
Trước hết, nơi các gia đình: Gia đình là chủng viện và tu viện đầu tiên. Thực tế cho chúng ta thấy, hầu hết ơn gọi của các linh mục và tu sĩ được chớm nở từ các gia đình: Có thể nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ; có thể nhờ đời sống đạo đức và gương sáng của các thành viên trong gia đình; có thể nhờ lòng yêu mến và quí trọng các linh mục và các tu sĩ của các bậc cha mẹ đã làm cho ơn gọi nơi con cái được hình thành và phát triển. Chính vì thế, “cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, trong môi trường giáo dục gia đình theo luân lí Kitô giáo” (PC 2). Thư gửi các gia đình công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016 mời gọi các gia đình công giáo trở thành hội thánh tại gia bằng cách: Gia đình là ngôi nhà thờ phượng; gia đình là mái ấm của tình thương và lòng thương xót; gia đình là nơi đón nhận và trân trọng sự sống; gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản về các phương diện nhân bản, đạo đức và đức tin.
Thật vậy, các bậc cha mẹ cần tạo bầu khí gia đình đạo đức: Siêng năng đọc kinh tối sáng trong gia đình, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể, đọc và suy niệm Lời Chúa. Trong đời sống thường ngày: Các thành viên trong gia đình phải yêu thương gắn bó với nhau, quan tâm giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, khích lệ nhau làm việc thiện và biết sống tình liên đới với hết mọi người. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến ơn gọi nơi con cái, giúp con cái hiểu rõ ơn gọi dâng hiến là gì? Nếu con cái có ước mong được làm linh mục hay tu sĩ, cha mẹ cần động viên, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi để các em đạt được ý nguyện của mình. Nếu các ứng sinh linh mục và tu sĩ phát xuất từ các gia đình đạo đức, được sự giáo dục đầy đủ của cha mẹ như thế sẽ giúp ích nhiều cho ban đào tạo trong các chủng viện cũng như các dòng tu. Và chắc chắn, họ sẽ trở thành những linh mục, tu sĩ có ích cho Giáo hội.
Thứ hai, các linh mục quản xứ: Trước khi trở thành linh mục, hầu hết các linh mục đều chịu sự giúp đỡ của các linh mục đi trước, nhiều vị đã có “cha đỡ đầu” hay còn gọi là linh mục nghĩa phụ. Vì thế, đến lượt mình, các linh mục cần có trách nhiệm “đỡ đầu” kẻ khác, nghĩa là phải có trách nhiệm khơi dậy, nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi linh mục, tu sĩ. Phải khẳng định cách chắc chắn rằng, các linh mục quản xứ có đầy đủ điều kiện thuận lợi nhất để cổ động và giúp đỡ ơn gọi dâng hiến. Các Ngài có thể giúp đỡ bằng nhiều cách:
Nhắc nhở các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo lý viên và các thành phần trong giáo xứ quan tâm đến ơn gọi linh mục và tu sĩ bằng việc đào tạo con em phát triển con người toàn diện về mọi mặt trong đời sống đức tin, tri thức, đạo đức và nhân bản.
Thiết lập lớp mầm ơn gọi trong giáo xứ để quy tụ những con em có ý hướng làm linh mục và tu sĩ: Qua đó, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, gợi ý hướng tốt lành cho các các em; làm gương sáng về mọi mặt, sắc lệnh đào tạo linh mục nhắc nhở rằng: “Tất cả các linh mục phải nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để vun trồng thật nhiều ơn gọi và lôi cuốn tâm hồn người trẻ đến với chức linh mục, bằng chính đời sống khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục” (OP, 2); giúp các em tránh xa phim ảnh, sách báo xấu, những gì ảnh hưởng đến ơn gọi linh mục và tu sĩ; giúp các em nâng cao về đạo đức, nhân bản, tri thức, mục vụ, tông đồ; đặc biệt, cần dành thời gian để hướng dẫn lớp mầm ơn gọi để các em phát triển về đời sống tâm linh. Điều này sẽ làm nền tảng thuận lợi cho việc đào tạo và sống đời linh mục, tu sĩ sau này. Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này - họ cũng đang khao khát những giá trị tuyệt đối - và trở thành một lời chứng hấp dẫn.”
Làm được như vậy, các linh mục góp phần rất lớn trong việc đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ cho Giáo hội.
Thứ ba, các thầy cô giáo lý viên: Nhiệm vụ chính yếu của các thầy cô giáo lý viên là dạy giáo lý cho các em học sinh. Họ làm thế nào để giúp các học sinh có một nền tảng chắc chắn về Lời Chúa, về Đức Tin và về Giáo hội. Điều này hết sức quan trọng, vì đặt nền tảng cần thiết về sự hiểu biết cho các em trong đời sống đạo sau này. Đồng thời, họ còn phải lưu tâm đến việc dạy nhân bản và đạo đức nữa, nhằm giúp các em trở thành những con người toàn diện, những con người thấm nhuần lễ giáo. Để truyền đạt những điều đó một cách thuyết phục, đòi hỏi các thầy cô giáo lý viên cần có một đời sống mẫu mực về mọi phương diện để làm gương cho các em. Ngoài ra, các Giáo lý viên cần khơi dậy ơn gọi dâng hiến nơi các em học sinh, giúp các em hiểu được về sự cần thiết của ơn gọi linh mục, tu sĩ. Khi biết được những em nào có ý hướng theo đuổi ơn gọi linh mục và tu sĩ, các thầy cô giáo cần tạo điều kiện thuận lợi để các em thực hiện được ước vọng của mình, hầu mưu ích cho các em và Giáo hội.
Thứ tư, các thành phần khác trong Giáo hội: Mỗi tín hữu đều có trách nhiệm với ơn gọi linh mục và tu sĩ tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình: Có thể cầu nguyện cho ơn gọi như lời Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thờ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”(x. Mt 9,37-38). Có thể nâng đỡ ơn gọi bằng cách giúp các chủng viện, dòng tu hay tham gia vào các hội bảo trợ ơn gọi linh mục và tu sĩ. Những gia đình khá giả hơn có thể giúp đỡ một chủng sinh, giúp đỡ một tu sĩ hay thậm chí giúp một em học sinh đang có ý hướng sống đời dâng hiến. Thông thường để chắc ăn hơn nên chúng ta chỉ giúp đỡ các thầy đã vào chủng viện hay các thầy các Sr. đã sống ổn định trong các dòng tu. Điều đó rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta sẵn sàng giúp các em đang đi học. Bởi vì, các học sinh, sinh viên đang đi học là những đối tượng cần sự giúp đỡ hơn cả. Tại Việt Nam chúng ta, hầu hết các học sinh, sinh viên có ý hướng sống đời dâng hiến đều phát xuất từ các gia đình thiếu thốn về kinh tế. Vì vậy, sự nâng đỡ các em trong thời gian đang đi học rất cần thiết. Câu nói “một miếng khi đói bằng gói khi no” thật đúng trong trường hợp này.
Ngoài ra, các Giáo phận cần có các trung tâm mục vụ ơn gọi, các khóa tìm hiểu ơn gọi, các lớp ơn gọi theo từng lứa tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ xác định được chính xác ơn gọi của mình hầu giúp ích cho các em và cho Giáo hội. Ước mong rằng, mỗi người chúng ta đều ý thức trách nhiệm của mình trong việc đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ để Giáo hội ngày càng có nhiều linh mục và tu sỹ như lòng Chúa mong muốn.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, xin cho mọi người trong Giáo hội biết chu toàn trách nhiệm với ơn gọi linh mục và tu sĩ. Xin cho Giáo hội tăng số các linh mục tu sĩ thánh thiện để mưu ích cho các linh hồn. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Nguồn:http://conggiao.info/trach-nhiem-nang-do-on-goi-linh-muc-va-tu-si