Chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Sài Gòn
“BIẾT ĐỌC BẢN THÂN” ĐỂ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
WHĐ (3.12.2020) – Chương trình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) trong ba năm 2020-2022 chọn hướng mục vụ giới trẻ. Trong hướng đi đó, HĐGMVN kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa, nhất là những người có trách nhiệm trong Giáo hội Việt Nam, hướng về giới trẻ trong việc mục vụ của mình, và đồng thời, đi theo cách nhìn của tông huấn Christus Vivit, các giám mục cũng mời gọi giới trẻ hãy trở thành tác viên của việc mục vụ, trở thành người chủ động trong việc dấn thân xây dựng Giáo hội và thế giới.[1] Định hướng chung cho ba năm và cách riêng cho năm 2020, thư chung của HĐGMVN nói đến việc phân định ơn gọi.[2]
Trong bối cảnh ấy, tôi muốn suy nghĩ về việc phân định ơn gọi. Những suy nghĩ này xin được chia sẻ với các bạn trẻ và cả những người đồng hành với các bạn trẻ dưới những hình thức khác nhau. Tôi xin được khép góc vào việc “biết đọc bản thân” để phân định ơn gọi. Tôi được gợi hứng về đề tài này do từ tư tưởng của tài liệu hướng dẫn cho việc đào tạo linh mục của Bộ Giáo sĩ: để có thể phân định ơn gọi, cần phải biết đọc lịch sử bản thân, biết đọc “các chuyển động trong lòng mình” và “các động cơ bên trong của những hành động mình làm”.[3]Những yếu tố này vừa mang tính chất nhân bản vừa mang tính chất tâm linh rất sâu sắc, và không thể tách biệt hai tính chất ấy ra khỏi nhau được!
Tôi giới hạn những suy tư này dựa trên hai tài liệu:
1/ Đào Tạo Linh Mục. Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis) của Bộ Giáo sĩ (2016) (xin gọi tắt là Ratio 2016);
2/ và tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về giới trẻ (2019).
“Những người đánh mất tự do”!
Trong bối cảnh của người trẻ Việt Nam, việc phân định ơn gọi gặp một chướng ngại rất lớn, đó là việc đánh mất tự do!
Chính người trẻ là người bị giới hạn trong sự tự do chọn lựa ơn gọi. Họ bị giới hạn tự do có khi bởi vì đời sống linh mục, tu sĩ như là một thăng tiến mang tính chất xã hội: họ được kính trọng, họ là đối tượng của những tấm lòng rộng rãi của các tín hữu... Tuy rằng xã hội Việt Nam hôm nay đã có nhiều cơ hội để những người trẻ có thể thăng tiến trong việc làm giàu có, địa vị xã hội, nhưng không phải người trẻ nào cũng có thể thành đạt như mong muốn. Vì thế, đi theo ơn gọi cũng là một cách để thăng tiến xã hội! Bên cạnh đó, một yếu tố vốn được coi là mang ý nghĩa tích cực để có được con số ơn gọi dồi dào, đó là lòng đạo đức của gia đình, của giáo xứ, nhưng chính điều này nhiều khi cũng trở thành tiêu cực cho việc phân định ơn gọi: trong bầu khí đạo đức ấy, người trẻ bước vào đời tu như một chuyện đương nhiên, như con đường mà gia đình và nhiều người trong giáo xứ đều khuyến khích, như điều tốt nhất mình có thể làm và có khi phải làm nữa! Không thể trở lui được, dù thấy mình không thích hợp! Đó là những con người đánh mất tự do!
Không chỉ giới trẻ, những người đồng hành trong nhiều vai trò khác nhau có khi cũng đánh mất tự do của chính mình. Tôi chứng kiến “ông bà cố” của một người đang đi tu được những nhà đào tạo cho “chuyển hướng”: họ bị áp lực quá lớn từ giáo xứ. Giáo dân trước nay vẫn gọi họ là ông bà cố, bây giờ người ta không gọi vậy nữa, lại còn đưa ra những câu hỏi làm xoáy sâu nỗi đau của những bậc sinh thành ấy! Tôi nhận ra một điều: không chỉ những người được gọi là “tu xuất” gặp khó khăn trong việc phải chuyển một hướng đi khác cho cuộc đời mình, mà gia đình người ấy cũng khó khăn không kém! Những con người không thể sống cuộc đời mình cách tự do, thanh thản. Những bối cảnh ấy làm cho việc phân định ơn gọi trở nên khó khăn không ít!
Các nhà đào tạo ơn gọi cũng không hẳn là người tự do hoàn toàn! Nếu vượt qua được những thứ “gửi gắm”, những áp lực từ hình thức “con ông cháu cha”, thì các nhà đào tạo vẫn còn có thể gặp phải một thứ chi phối trong việc phân định ơn gọi cho các ứng viên, đó là chính các nhà đào tạo cũng bị đóng khung trong một “hình mẫu” mà mình đã có. “Hình mẫu” ấy có thể đến từ nền giáo dục “hoàn hảo” mà chính mình đã được nhận lãnh hoặc từ một quan niệm “chắc nịch, không thể thay đổi” do từ những kinh nghiệm, những nghiên cứu mà mình đã có về ơn gọi. Như thế, ứng viên nào vào được “cái khung” ấy thì được coi như có ơn gọi, và các ứng viên ấy phải được đào tạo theo đúng “hình mẫu” ấy! Các nhà đào tạo có thể là những người không có đủ tự do trước những soi sáng, những thúc đẩy của Thánh Thần cho chính mình và nhận ra những thúc đẩy nơi ứng viên!
Biết đọc lịch sử bản thân, các chuyển động nội tâm và các động cơ bên trong để phân định ơn gọi
Thời kỳ mà mọi thứ đều buộc phải khai lý lịch, người Việt Nam rất quen thuộc với đề mục “trình độ văn hóa” và cụm từ được điền
vào đó là “biết đọc, biết viết”. Đó được coi là trình độ tối thiểu cần đạt tới. Trong đề tài đang bàn đến, chúng ta lại phải bàn từ điều cơ bản này, mà không phải ai cũng lưu tâm thực hành: “Biết đọc” các chuyển động nội tâm và các động cơ bên trong!
Tôi đã từng nghe nhiều lần các ứng viên ơn gọi nói về những suy nghĩ trước kỳ thi tuyển: “Thôi kệ, cứ thi, nếu được thì đi tu, không thì thôi!” Trong khi việc chuẩn bị cho kỳ thi không được quan tâm đủ (mà việc chuẩn bị cũng chỉ dừng lại ở phạm vi kiến thức), câu nói ấy thể hiện một người không biết rõ mình muốn gì, không quyết tâm thực hiện điều mình mong ước! Dĩ nhiên, chúng ta vẫn hiểu rằng ơn gọi kitô giáo đến từ Thiên Chúa chứ không phải do ước muốn của con người, nhưng lòng ao ước thực sự, sâu xa và sắp xếp cuộc sống để thực hiện ước muốn đó cũng có tầm quan trọng không nhỏ!
Bối cảnh xã hội Việt Nam một thời gian dài đầy bất ổn và không theo những quy luật khách quan (bây giờ cũng thế), cho nên nhiều người trẻ không thể theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích, không thể xây dựng tương lai theo khả năng mình có và không ít trường hợp, theo “văn hóa” Việt Nam, con cái phải học, phải làm theo những ngành mà cha mẹ muốn chứ không phải mình muốn! Những điều này làm cho tuổi trẻ Việt Nam cứ để cho cuộc đời mình trở thành “bèo dạt, mây trôi”, “trong nhờ đục chịu”, dù họ là nam hay nữ! Rốt cục, ước mơ của nhiều người chỉ đơn giản là có một gia đình và đủ sống!
Để có thể phân định ơn gọi, người trẻ cần đọc được những ước muốn của mình, những thúc đẩy nội tâm. Rồi việc phân định ơn gọi sẽ giúp cho họ phân biệt được đâu là lời mời gọi của Chúa, đâu là ước muốn chỉ của riêng mình. Người trẻ cần biết mình ước mong gì, biết chọn lựa, sắp xếp cuộc sống và nỗ lực để thực hiện ước muốn ấy.
“Món quà của ơn gọi chắc chắn sẽ là một món quà đòi hỏi gắt gao. Quà tặng của Thiên Chúa có tính tương tác và để thưởng thức chúng, chúng ta phải tham gia tích cực, phải mạo hiểm. Tuy nhiên, nó sẽ không phải là một đòi hỏi bị áp đặt từ bên ngoài, mà là điều gì đó sẽ kích thích các con lớn lên và lựa chọn để làm cho món quà này nên thành toàn và trở nên một món quà cho người khác” (Christus Vivit, 289).
Đọc ra được những ước muốn để “gạn đục khơi trong”: những mong ước về đời sống ơn gọi mang tính ích kỷ, chỉ muốn thể hiện chính mình, thực hiện ước vọng về cuộc đời mình (quy ngã), hay là ước muốn sống cho người khác và Đấng Khác (hướng tha).
Đi tu không chỉ là ước muốn sống một lối sống đẹp, mẫu mực, nhưng còn là một đời sống được Thánh Thần thúc đẩy. Đó không chỉ là một đời sống tuân giữ những chuẩn mực, những quy định để làm nên những con người không ai trách cứ được điều gì, nhưng là những người lãnh nhận sứ mạng và nhiệt tình dấn thân.
Biết đọc những chuyển động nội tâm và những động lực bên dưới những chọn lựa, những hành động, sẽ làm cho người trẻ nhận ra đâu là lý do tôi muốn đi tu: tôi muốn tìm kiếm gì trong đời sống ơn gọi. Những động lực ơn gọi ấy không bao giờ hoàn toàn tinh tuyền cả, những cảm xúc nội tâm sẽ chuyển dịch, có thể từ tiêu cực sang tích cực hoặc ngược lại. Biết đọc để thay đổi theo hướng tích cực.
Đọc những chuyển động nội tâm để sống ơn gọi như một đời sống theo thúc đẩy của Thánh Thần
Trong quá trình khám phá và sống ơn gọi[4], người ta dễ bị khuynh hướng sống theo những chuẩn mực có sẵn, những việc đạo đức đã được quy định, và cảm thấy an tâm với lối sống đó! Nhưng ý nghĩa và lối sống của ơn gọi là một đời sống theo Thánh Thần. Tiếng gọi luôn mang ý nghĩa “ở phía trước”, không phải là chuyện “xong rồi”! Theo ơn gọi là bước theo Chúa Giêsu Kitô, đi theo con đường mà Thánh Thần dẫn dắt, luôn trên đường. Cả về mặt nhân bản lẫn tâm linh, một đời sống chỉ mang tính chuẩn mực thì khô cằn, không hấp dẫn. Chỉ có đời sống theo những thúc đẩy mới mang lại sức sống, bởi vì là bước theo Thánh Thần Sự Sống (sống mà, đâu phải là máy). An tâm với đời sống đều đặn, nề nếp, theo chương trình... làm cho cộng đoàn đời tu mang tính cơ chế hơn là một cộng đoàn được Thánh Thần soi sáng, thúc đẩy để sống ơn gọi trong những bối cảnh cụ thể.[5]
“Với những người trẻ hôm nay, Tôi muốn nhắn nhủ điều này: các bạn hãy ngoan ngoãn hơn nữa đối với Thánh Thần, hãy để cho vang vọng lên trong lòng các bạn những nỗi mong chờ lớn lao của Giáo hội và của nhân loại, đừng ngại mở rộng tâm trí các bạn trước lời mời gọi của Chúa Kitô, hãy khám phá ra ánh mắt yêu thương của Đức Giêsu đang hướng thẳng về phía các bạn và hãy đáp lại một cách hăng say lời Người đề nghị nối gót theo Người cho đến cùng”.[6]
Đọc lịch sử bản thân để nhận ra con đường Chúa dẫn tôi đi
Những cảm xúc, lý do của những chọn lựa, những phản ứng, những định hướng... vẫn mang theo chúng những dấu vết của quá khứ của ứng viên. Những dấu vết ấy có khi là những dấu ấn tích cực, có khi là kết quả tích cực rút ra từ những kinh nghiệm tiêu cực, có khi ứng viên trở thành nạn nhân của quá khứ!
Nhìn về ơn gọi, Ratio 2016 không dừng lại ở những lúc ứng viên được đánh động mạnh mẽ muốn đi theo ơn gọi hay chỉ ở giai đoạn được đào tạo nơi các cơ sở, nhưng nhìn ơn gọi trong chiều dài của lịch sử bản thân mỗi ứng viên. Người được Thiên Chúa mời gọi thì đã có những dấu chỉ trong cuộc đời trước đó và việc đào tạo ơn gọi cũng phải dựa trên lịch sử bản thân để biết phải đào tạo những gì đặc thù cho từng người một. Sự phát hiện ơn gọi phải được thực hiện theo chiều dài lịch sử bản thân của ứng viên. Biết đọc lịch sử bản thân để khám phá ơn gọi, để sống và phát triển ơn gọi.[7]
“Vấn đề cần phân định trước nhất chính là đời sống của mỗi người. Công việc này nhằm đưa vào đời sống thiêng liêng, cả lịch sử bản thân lẫn tất cả những gì làm nên lịch sử ấy” (Ratio 2016, 43).[8]
Thiên Chúa có con đường cho từng người và Thánh Thần là Đấng dẫn dắt từng người qua các chặng đường khác nhau để đi về điều mà Người muốn cho người ấy. Đó là một chuỗi những điều được nối kết với nhau cách chặt chẽ, với tính hợp lý của nó. Với nhãn quan nhân loại, chúng ta gọi là “chuyển hướng”, nhưng đối với Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Người, điều trước luôn có giá trị cho những điều đến sau. Với nhãn quan thần linh, đó là con đường luôn đi tới, không có chuyển hướng! Và Thánh Thần dẫn dắt từng người đi con đường có vẻ là khúc khuỷu ấy!
“Trong tài khéo và lòng thương xót của Người, Người đã lấy những chiến thắng và những thất bại của chúng ta và dệt thành những tấm thảm đẹp đầy trớ trêu. Mặt trái của vải có vẻ lộn xộn với các sợi chỉ rối bời -những biến cố trong cuộc sống của chúng ta- và có lẽ đó là cái mặt khiến chúng ta mất bình an khi chúng ta nghi ngờ. Tuy nhiên, mặt phải của tấm thảm trình bày một câu chuyện tuyệt vời, và đây là mặt mà Thiên Chúa thấy” (Maria Gabriela Perin).[9]
Khám phá ơn gọi chỉ qua một giai đoạn ngắn trong cuộc đời thì không có được cái nhìn toàn diện và không thể đào tạo đúng chỗ cần đào tạo cho từng người. Chuyện kể về một linh mục tiền bối (đã qua đời), là một cha xứ có lòng tốt và rất rộng rãi về tiền bạc với người khác và với việc chung. Ngài siêng năng cầu nguyện và làm việc riêng, nhưng rất ngại tiếp xúc với giáo dân! Khi đang học ở đại chủng viện, cha linh hướng khuyên ngài nên chuyển sang ơn gọi chiêm niệm, nhưng ngài không muốn. Năm cuối, khi ngài sắp chịu chức linh mục, đức cha đổi cha linh hướng đi làm nhiệm vụ khác. Ngài nhận một cha linh hướng mới và cha này chỉ biết con linh hướng vào lúc đó nên khuyên ngài chịu chức linh mục.
Đọc lịch sử bản thân để biết làm chủ chính mình, tránh việc bắt những người được giao cho mình phục vụ lại trở thành “nạn nhân” của mình. Biết những điểm mạnh và yếu của mình để phục vụ hữu hiệu nhất và biết mình cần đến người khác bổ túc cho mình.
“Khi chọn lựa ơn gọi linh mục, chủng sinh được mời gọi ‘ra khỏi chính mình’ để trong Chúa Kitô, họ đến với Chúa Cha và những người khác. Như vậy, chủng sinh cũng dấn thân cộng tác với Chúa Thánh Thần để thực hiện sự hòa hợp nội tâm giữa những điểm mạnh và điểm yếu một cách thanh thản và sáng tạo. Chương trình giáo dục giúp chủng sinh đặt nơi Chúa Kitô tất cả các khía cạnh nhân cách của mình, để có thể sống tự do cho Thiên Chúa và cho người khác một cách cóý thức” (Ratio 2016, số 29).
Người đồng hành biết đọc nội tâm của ứng sinh
Trong cùng nhãn giới đó, các nhà đào tạo cũng đồng thời là các người đồng hành, có nghĩa là cùng với ứng viên đọc ra những chuyển động nội tâm và những động lực bên dưới của ứng viên.
Việc đào tạo, việc linh hướng đôi khi chỉ dừng lại ở việc giúp cho ứng viên biết sống kỷ luật, thực hiện được những quy định, tuân giữ cách trung thành những việc đạo đức... Cả hai đều không chú ý đủ đến lịch sử bản thân của ứng viên và những thúc đẩy trong cuộc sống của ứng viên. Điều này làm cho ứng viên trở nên những người luôn chu toàn bổn phận, hoàn thành những việc được phân công, có khi xuất sắc nữa, nhưng không phải là những con người nhạy bén, biết quan sát đời sống cộng đoàn và đời sống xã hội để sống cách sáng tạo, thích hợp, hay nhận ra những lời mời gọi của thời đại, của môi trường mình đang sống! Trong cách nhìn đó, mọi ứng viên đều có một bộ tiêu chuẩn chung để được phân định ơn gọi và có một “cái khung” chung để được đào tạo!
Không quen đọc và sống theo những thúc đẩy, ứng viên ơn gọi “học gạo” thật kỹ những quy định, những “hoạt động mẫu” và sẽ áp dụng y như vậy khi được sai đi sứ mạng. Họ áp dụng quy định, luật lệ cách máy móc và không quen “đọc” những điều Thánh Thần mời gọi trong môi trường được sai đến! Chúng ta đang thực hành một “công nghệ đào tạo” các thừa tác viên chứ không phải là những người được Thánh Thần sai đi.[10]
Việc chia sẻ trong chân thành và tín nhiệm của ứng viên dành cho người đồng hành trở nên không thể thiếu.
“Tiến trình đào tạo đòi hỏi chủng sinh phải hiểu biết chính mình và để cho mình được hiểu biết nhờ vào một mối tương quan thành thật và trong sáng với các nhà đào tạo. Vì nhắm đến sự ngoan ngùy (docibilitas) đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng với từng người là một phương tiện đào tạo thiết yếu” (Ratio 2016, 45).
Người đồng hành biết đọc nội tâm của chính mình và sống tự do
Để thực hiện sứ mạng đồng hành trong ơn gọi, người đồng hành, trước hết cũng phải là người đọc được nội tâm của chính mình.
“Để đồng hành với những người khác trên cuộc hành trình này, trên hết, chính chúng ta cần phải đi theo cuộc hành trình này mỗi ngày. Đức Mẹ đã làm điều ấy, đối diện với những vấn đề và những khó khăn của chính Mẹ khi còn rất trẻ” (Christus Vivit, số 298).
Người đồng hành chỉ có thể giúp ứng viên đọc được lời mời gọi của Thánh Thần khi chính người đồng hành cũng từng có kinh nghiệm đọc được những lời mời gọi ấy trên cuộc đời của chính mình. Đồng hành không phải là hoạt động của học thuật, người đồng hành cũng không phải là nhân viên của một tổ chức với những cơ chế, nhưng đồng hành là một nghệ thuật thần linh.
Người đồng hành phải đọc được nội tâm của mình để tránh những trường hợp -không phải là ít- lấy chính mình làm “hình mẫu”, áp đặt kinh nghiệm của mình trên người khác! Người đồng hành càng tự do với chính mình thì càng dễ trở thành người giúp nhận ra con đường của Thánh Thần cho người đến với mình. Người đồng hành là ngón tay chỉ về phía Thánh Thần.
Và trong ý thức tự do với chính mình đó, lúc này hay lúc khác, cách này hay cách khác, người đồng hành cũng phải để cho ứng viên tự do trước người đồng hành, người đồng hành như “tự biến mất” để ứng viên sống sự tự do, sáng tạo theo thúc đẩy của Thánh Thần.
“295. ...một sự phân định tốt là một cuộc hành trình tự do làm sáng tỏ điều độc đáo của mỗi người, là điều thật sự của người ấy, rất cá nhân, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được. Nhìn từ bên ngoài, những người khác không thể hoàn toàn hiểu hoặc thấy trước người ấy sẽ phát triển thế nào.
“296. Chính vì thế, khi chúng ta lắng nghe người khác bằng cách này, đến một lúc nào đó, chúng ta phải biến mất để người kia đi theo con đường mà người ấy đã tìm ra. Chúng ta phải biến mất như Chúa đã biến mất khỏi nhãn quan của các môn đệ, bỏ họ ở lại một mình với của con tim bừng cháy, biến đổi thành một sự thúc đẩy không thể cưỡng lại được để lên đường (x. Lc 24:31-33)...
“297. Vì ‘thời gian vượt trên không gian’, chúng ta phải khơi lên và đồng hành cùng tiến trình này, mà không áp đặt những con đường của mình. Và đây là các tiến trình của những con người luôn luôn độc đáo và tự do” (Christus Vivit).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 103 (Tháng 9 & 10 năm 2020)
[1] Phanxicô, tông huấn Đức Kitô đang sống (Christus Vivit) (2019), số 168-174.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính các người trẻ phải là những tác nhân trong việc mục vụ giới trẻ, được đồng hành và hướng dẫn, nhưng tự do tìm ra những con đường mới với óc sáng tạo và táo bạo của các em” (Christus Vivit, số 203).
[2] HĐGMVN, Thư chung năm 2019, số 4 và 7.
[3] Ratio 2016, số 27, 43, 69, 94,130.
[4] Hai điều này luôn đi song song với nhau cho đến hết cuộc đời. Trong giai đoạn đào tạo, chính khi sống hết mình với ơn gọi, chính ứng viên và nhà đào tạo có thể nhận ra đâu là ơn gọi của ứng viên. Khi đã xác định dứt khoát (khấn trọn hay chịu chức linh mục), thì hai điều này vẫn đi với nhau, vẫn phải khám phá ơn gọi. Người ta nói về ơn gọi của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta là “ơn gọi trong ơn gọi”: trong ơn gọi tu sĩ đang theo đuổi, Mẹ lại nhận ra ơn gọi mới trong việc phục vụ những người bị bỏ rơi.
[5] “Các rễ cây không phải những mỏ neo đang xích chặt chúng ta vào những thời đại khác và không cho chúng ta tái sinh trong thế giới hiện tại để tạo ra một điều gì mới. Trái lại, chúng là một điểm móc nối cho phép chúng ta phát triển và đáp ứng với những thách đố mới. Do đó, chúng ta không được phép “ngồi đó mà tiếc nuối những thời gian quá khứ; chúng ta phải chấp nhận cách hiện thực nền văn hóa của mình, yêu nó và đổ đầy nó với Tin Mừng. Chúng ta được sai đi hôm nay để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu trong thời đại mới. Chúng ta phải yêu thời đại của mình với những khả năng và những rủi ro của nó, với những niềm vui và những nỗi buồn của nó, với sự giàu có và những giới hạn của nó, với những thành công và những thất bại của nó” (Christus Vivit, số 200).
[6] Gioan Phaolô II, tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), số 82.
[7] X. Ratio 2016, số 59.
[8] “Mỗi chủng sinh là người chủ chốt để đào tạo bản thân mình. Chủng sinh được mời gọi kiên trìlàm tiến bộ về mặt nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, tùy theo lịch sử cánhân và lịch sử gia đình mình. Chủng sinh cũng cótrách nhiệm tạo ra và duy trì một bầu khí đào tạo phùhợp với các giátrị Tin Mừng” (Ratio 2016, số 130).
[9] X. La saggezza del tempo. In dialogo con Papa Francesco sulle grandi questioni della vita. Chủ biên Antonio Spadaro, Venezia 2018, số 162-163. Trích trong Christus Vivit, số 198.
[10] “Được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4,14-15).
Nguồn: https://hdgmvietnam.com