Những tiêu chí phân định ơn gọi
Hiển nhiên tôi hiểu rõ tại sao người ta yêu cầu tôi bàn về vấn đề này. Nhưng trong lãnh vực này cũng như trong biết bao nhiêu lãnh vực khác, kinh nghiệm không luôn luôn mang lại sự chắc chắn mà người ta nghĩ; trái lại, nó có thể gia tăng sự phức tạp; dù sao, nó giúp nắm bắt tốt hơn tính phức tạp của thực tại.
Ở đây, vấn đề là những tiêu chí khả năng/tư cách (aptitude) cho thừa tác vụ linh mục. Vấn đề này trở nên mấu chốt hơn trong những thời kỳ khủng hoảng, thay đổi, khi các thể chế mong manh hơn, khi các quỹ đạo cá nhân trở nên biến chuyển hơn, khó dự kiến hơn. Một trong những đặc điểm của những năm tháng mà chúng ta sống, – khi nhấn mạnh nó người ta chỉ lập lại một điều tầm thường –, đó là khó khăn dấn thân và đồng thời đứng vững trong những gì mà chúng ta gọi là lòng trung tín. Một kinh nghiệm mới mẻ, một sự thất bại, một vấn đề, có thể đặt lại vấn đề những gì mà dường như đã ổn định vững chắc; chắc chắn một phần bởi vì mặt xúc cảm ngày nay có khuynh hướng chiếm một chỗ ưu thế hơn. Như thế, mỗi thế hệ có những sự mong manh của nó. Thế hệ của tôi được gắn chặt vào qũy đạo của nó và gắn kết với những thể chế mà người ta nhận xét rằng nó không nhận thấy kịp thời những thay đổi và nó đã chịu những rạn nứt đau thương. Các thế hệ hiện nay thì nhạy cảm hơn nhiều với những gì thay đổi và có khả năng thích nghi hơn nhiều; nhưng khi tính nhạy cảm quá mãnh liệt, thì nó cũng có thể mang lại những đoạn tuyệt.
Dĩ nhiên, những gì tôi nói đó là có tính biếm họa. Nếu tôi muốn làm cho tinh tế hơn những gì thậm chí không phải là phần đầu của một bài phân tích, thì đúng hơn tôi sẽ nói rằng thế hệ của tôi đã không biết rõ rằng nó đã là mong manh, vậy mà nó là như thế, đang khi mà những thế hệ hiện nay có thể biết rằng chúng mong manh, và đó là một cơ hội; chúng có thể biết rằng chúng mong manh nhưng không vì thế mà mất phẩm giá, vì ý thức về tính mong manh, về tính tổn thương, đã trở nên một giá trị, trong chừng mực mà nó không làm tê liệt, nhưng là xây dựng nền tảng cho một óc hiện thực mà cho phép hành động bằng cách chấp nhận những giới hạn của nó, (và) cũng mang lại một ý nghĩa lớn lao hơn về sự thương lượng và cũng cho phép một cuộc sống huynh đệ đích thực nơi mà các khuôn mặt trở nên ít mờ đục hơn.
Nhìn nhận những sự mong manh và tin tưởng.
Tôi nói rõ : những thế hệ hiện nay có thể biết rằng chúng mong manh. Vì, hiển nhiên, mỗi người sẽ trở về với cách thức mà mình thực hành công việc này trên bản thân, hệ tại việc nhận ra và chấp chận những mong manh của riêng mình. Khoảng cách đối với chính mình này là thiết yếu. Chính trong không gian được tạo ra bởi khoảng cách này mà có thể được thực hiện những quyết định đích thực, đích thực là bởi vì khiêm tốn, điều không ngăn cản chúng nên sâu sắc; thậm chí chính sự khiêm tốn của chúng cho phép chúng nên sâu sắc; vì người nào đã ý thức về sự mong manh của mình và chấp nhận nó thì biết rằng mình phải và mình có thể dựa vào một người khác. Người ấy giống như Giacóp bị què chân đã cầu xin sự chúc lành của Thiên Chúa và bây giờ có thể bước đi nương tựa vào Ngài. Lòng trung tín sẽ không còn là hoa trái của sức mạnh mà người ta chỉ tìm thấy nơi chính mình từ những khả năng nhân loại của mình, nhưng nó sẽ là tiếng vọng của một cuộc đối thoại với Đấng mà người ấy đã hiến dâng cuộc sống của mình và là Đấng đang tuyên bố : ngươi có thể tiến tới, vì Ta ở với ngươi.
Dĩ nhiên, người ta hiểu ngay rằng có một thái độ khác được liên kết với thái độ mà tôi vừa mô tả : sự tin tưởng. Không thể tiến tới, không thể mạo hiểm cuộc sống của mình nếu người ta không tin vào một người khác. Cho dầu sự dấn thân cam kết như thế nào, người ta vẫn không bao giờ một mình, (vì) luôn có một sự hỗ tương. Lòng trung tín của Thiên Chúa không thiếu cho chúng ta là nền tảng của sự trung tín của chúng ta, nó hàm ý lòng trung tín này; chúng ta có thể tin vào khả năng đổi mới bản thân trong tình yêu, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa không ngừng đổi mới chúng ta. Vả lại, vấn đề không hệ tại ở một thứ tin tưởng ngây thơ: nếu tôi thiếu, thì Thiên Chúa sẽ lấp đầy, điều này có thể biện minh tất cả những sự khinh suất hay những nguy cơ phi lý; lòng tin tưởng không miễn chuẩn cho sự khai thác hợp lý những gì là khả thể; nhưng nó biết rằng chính cái khả thể này luôn luôn được trải qua bởi tính mong manh và nó chỉ có thể tự thể hiện trong sự tiếp nhận của một sự hiện diện, của một tha thể tính (altérité), đang xây dựng nền tảng cho nó như là khả thể. Theo nghĩa này, Thiên Chúa không đến lấp đầy những chỗ thiếu hụt nơi con người của chúng ta, và chúng ta không cần phải quay lại chống Ngài trong sự thất vọng về những thất bại của chúng ta; Ngài đến nói với chúng ta : hãy chọn những gì là có thể, tức là những gì tương ứng với những khả năng của ngươi, với những gì mà ngươi đã được tạo thành; và hãy biết rằng trong cái khả thể này Ta sẽ không quên ngươi, cho dầu xảy ra là ngươi không thành công như ngươi mong muốn.
Sự tin tưởng đối với Thiên Chúa luôn được trung gian bởi những sự tin tưởng đối với những con người. Những chọn lựa mà chúng ta xác quyết, những quyết định mà chúng ta đảm nhận, là hoa trái của những cuộc đối thoại với những người mà chúng ta lượng giá điều gì tốt và đích thực cho chúng ta. Trong trường hợp thừa tác vụ linh mục, trong trường hợp của đời sống tu trì, có những người đã lãnh nhận sứ mệnh vì điều đó và với họ mà cuộc đối thoại sẽ xác định hơn. Ở đây, sự tin tưởng là thiết yếu, vì nó có nghĩa rằng dự phóng mà chúng ta muốn vận dụng nơi chúng ta không thuộc về chúng ta; nó là của chúng ta, thế nhưng chúng ta không phải là những sở hữu chủ của nó, nó được ghi khắc trong kế hoạch của Thiên Chúa; muốn thực hiện dự phóng này mà không quan tâm đến những gì được nói với chúng ta sẽ là mâu thuẫn với bản chất của chính dự phóng : việc phục vụ Nước Thiên Chúa.
Để giới hạn, những gì tôi vừa nói hẳn có thể đủ. Chúng tôi xin lưu ý đến hai tiêu chí này : tiêu chí về sự nhìn nhận và chấp nhận những mong manh với hệ quả của nó, việc làm nổi bật cái khả thể mà thực ra không gì khác hơn là vị trí của những khả năng ; và tiêu chí về sự tin tưởng mà đưa chúng ta đến sự kiện rằng những khả năng chỉ trở nên những khả năng cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa nếu người ta chấp nhận tự bỏ đi quyền sở hữu chúng. Hai điểm này chẳng phải là lối diễn tả về một sự tự do thiêng liêng đích thực mà có lẽ là tiêu chí chủ yếu của một ơn gọi, với điều kiện là kết hợp nó lại dưới những cách thức khác nhau ?
Những điểm lưu ý ngày nay
Nhưng dù sao, hẳn sẽ không lương thiện lắm nếu dừng lại ở đó, vì vấn đề mà tôi phải trả lời là vấn đề về những khả năng cho thừa tác vụ linh mục; vì thế, nó hệ tại một vấn đề khách quan : « Những khả năng nào ? », đang khi mà đúng hơn cho đến đây tôi đã đề cập vấn đề theo cách chủ quan, bằng cách trước tiên đặt những khả năng này trong tương quan với những sự mong manh, và tiếp đến bằng cách gợi lên sự bất khả sinh ích của chúng trong khuôn khổ của việc phục vụ Nước Thiên Chúa nếu chúng không ngừng được từ bỏ để được lãnh nhận tốt hơn.
Người ta hiểu gì khi nói « những tiêu chí khả năng » ? Đối với tôi, dường như thành ngữ này chỉ sự thích nghi của chủ thể với sứ mệnh và với những nhiệm vụ được liên kết với nó. Một tiêu chí, hay một loạt những tiêu chí, diễn tả một tương quan tương hợp với một sứ mệnh được trao ban và lãnh nhận. Khi những tiêu chí xê dịch, di chuyển, thì điều đó có nghĩa rằng sứ mệnh đang tiến triển, rằng các nhiệm vụ không hoàn toàn có cùng những mục tiêu nữa, dĩ nhiên vì lý do hoàn cảnh của chính Giáo Hội trong xã hội.
Chắc chắn sự định nghĩa này là hơi sơ lược; (nhưng) đối với tôi, nó đủ để theo đuổi sự suy tư, và tôi sẽ tiếp tục bằng cách nói rằng tôi hoàn toàn không thích cho diễu ra trước mắt quý vị hàng loạt những tiêu chí. Việc nại đến một loạt những tiêu chí chẳng hữu hiệu tí nào cho sự phân định. Có lẽ nó dùng để tự trấn an. Nhưng nó thường gây phiền toái hơn là trợ giúp. Trong một cuộc họp hội đồng chủng viện, khi tiến hành phân định, người ta thử hiểu một nhân cách từ bên trong. Người ta nhận thấy những điểm mạnh và những giới hạn của người ấy, người ta thử giữ cân bằng chúng, cân nhắc liệu một số giới hạn là thực sự làm cho vô hiệu lực hay liệu chúng được bù lại bằng những phẩm chất khác; người ta thử đánh giá khả năng tiến bộ của một người; vì những khả năng không thể được nhận xét trong giây lát, cho dầu luôn luôn có một lúc nào đó cần phải bày tỏ ý kiến; nhưng khi người ta bày tỏ ý kiến, thì những khả năng luôn được đặt lại vào trong một lịch sử đang tiến triển, đang đình trệ hay đang thụt lùi. Bởi thế, người ta không tiến hành phân định bằng cách đánh dấu vào các ô và và cuối cùng tính toán tổng số điều tích cực và tích cực. Vả lại, sự phân định luôn được thực hiện trong tiến trình của một nền đào tạo mà người ta đang đối thoại, mà ứng viên phản ứng lại những gì mà các nhà đào tạo nói với mình, sửa đổi hay không cách cư xử của mình, tiếp nhận cách sẵn lòng hay chừng mực những gợi ý được đề nghị cho mình. Dĩ nhiên, tất cả những điều đó, trong một viễn ảnh đức tin, bằng cách tự để cho Chúa Thánh Thần linh động để nhận ra tốt hơn những dấu chỉ của Người.
Vì thế, vấn đề đúng hơn là : làm thế nào chúng ta lưu ý đến một số điểm thiết yếu, nghiêm trọng, nào đó mà sẽ là có lỗi nếu thinh thặng để cho qua ?
Tôi sẽ thử tìm kiếm chúng hoàn toàn đơn giản trong những văn kiện quan trọng mà Giáo Hội đề nghị cho chúng ta, biết rằng những văn kiện này không trình bày những điều tiên thiên trừu tượng, nhưng phản ánh một kinh nghiệm; cũng biết rằng những tiêu chí mà các văn kiện này trình bày đều gắn kết với một hình ảnh nào đó về thừa tác vụ linh mục và với một nền thần học nào đó về thừa tác vụ này.
Tôi xin dừng lại ở bốn văn kiện : một mặt, các văn kiện Optatam Totius và Presbyterorum Ordinis, và mặt khác, các văn kiện Pastores dabo vobis, và bản Ratio của các chủng viện Pháp. Dĩ nhiên, còn có các văn kiện khác nữa. Nhưng đó là bốn văn kiện chuẩn mực quan trọng mà chúng tôi quy chiếu hôm nay. Về phương pháp, tôi xin đề nghị với quý vị xem liệu một số chuyển đổi đã được thực hiện từ những bản văn của công đồng hay không. Vì những chuyển đổi điểm nhấn, cho dầu nhẹ nhàng, cũng cho phép chú tâm đến những tiến triển mà không có chúng, chúng ta có lẽ sẽ không nhận thấy mối quan tâm.
Tôi sẽ xúc tiến công việc này, và vẫn theo cách không đầy đủ, đối với việc đào tạo nhân bản và việc đào tạo thiêng liêng. Đối với việc đào tạo tri thức, vì thiếu thời gian, nên tôi sẽ không tìm cách xem xét các chuyển đổi, và cách đơn giản tôi sẽ nhấn mạnh hai điểm. Tôi sẽ bỏ sang một bên việc đào tạo mục vụ, nhưng việc đào tạo nhân bản sẽ đề cập biết bao khía cạnh liên quan trực tiếp đến việc đào tạo mục vụ.
Đào tạo nhân bản
Nếu quan sát cách tổng thể, thì người ta nhận thấy rằng Pastores Dabo Vobis (PDV) là văn kiện đầu tiên nói về việc đào tạo nhân bản như là nói về một chiều kích riêng biệt hoàn toàn của việc đào tạo các linh mục và nhất là văn kiện đầu tiên cho thấy việc đào tạo nhân bản như là « nền tảng của tất cả việc đào tạo linh mục ». Diễn ngữ này là mới mẻ và nó táo bạo. Ai nói về nền tảng (fondement) thì nói về căn bản (base) mà không có nó thì không thể có công trình vững chắc : « Không có một sự đào tạo nhân bản thích đáng, thì việc đào tạo linh mục toàn thể sẽ bị lấy đi nền tảng cần thiết của nó », điều này được khẳng định ở phần đầu của số 43 của PDV, mở đầu cho suy tư về việc đào tạo nhân bản, bằng cách lấy lại nguyên văn Đề nghị 21 của Thượng Hội Đồng. Bởi thế, để đào tạo linh mục, trước hết cần phải đào tạo con người trở thành linh mục.
Nhưng không được hiểu lầm. Việc đào tạo không vì thế mà có chiều hướng một công trình xây dựng theo những giai đoạn liên tiếp nhau mà người ta chỉ có thể xây dựng giai đoạn này sau khi đã xây dựng giai đoạn kia. Câu mà tôi vừa trích dẫn bao gồm kiểu nói : « đào tạo nhân bản thích đáng » ; khi nói thích đáng, đó là nói thích đáng đối với điều gì, và điều gì này, đó chính là thừa tác vụ linh mục. Vả lại, bản văn của PDV nói tiếp ngay : « Lời khẳng định này của các Nghị Phụ không chỉ diễn tả một dữ kiện được lý trí gợi ý và được kinh nghiêm xác nhận : đó còn là một đòi hỏi mà tìm thấy động cơ sâu xa và đặc thù nhất của nó nơi chính bản chất của linh mục và thừa tác vụ của ngài. Linh mục, được kêu gọi trở nên « hình ảnh sống động » của Chúa Giêsu-Kitô, là Đầu và là Mục Tử của Giáo Hội, phải tìm kiếm phản ảnh nơi chính mình, trong mức độ có thể, sự hoàn thiện nhân bản, mà phản chiếu nơi Con Thiên Chúa làm người, và trong sáng, với một sự hữu hiệu đặc biệt, qua những thái độ của mình đối với người khác, như các tác giả Tin Mừng trình bày ».
Bởi thế, những phẩm chất nhân bản được đòi hỏi đối với các linh mục, và rõ ràng nằm trong việc hình thành những tiêu chí ơn gọi, là những phẩm chất cho phép thừa nhận nơi các linh mục những vị đại diện của Chúa Kitô-Mục Tử ; những phẩm chất làm cho nhân cách linh mục không trở nên những trở ngại cho việc gặp gỡ với Chúa Kitô nhưng trái lại tạo điều kiện dễ dàng cho sự gặp gỡ này; có một nhân cách mang lại sự tiếp xúc với Chúa Kitô, bởi vì chính nó được thấm nhiễm bởi Chúa Kitô, bởi vì nó được kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô.
Từ đó việc nhấn mạnh đến sự hiểu biết nội tâm và bằng kinh nghiệm về những gì là nhân bản (Chúa Giêsu biết có gì trong con người), đến những khả năng tương quan, đến lòng trung thực, lòng trung tín với lời đã hứa, lòng trắc ẩn đích thực, sự quân bình nhân cách và phán đoán. Từ đó cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong đời sống tình cảm; trong chừng mực mà sự thống nhất nội tâm của đời sống linh mục được xây dựng xung quanh những gì mà Công đồng Vatican II gọi là « đức ái mục vụ », chúng ta hiểu rằng trong việc đào tạo, chúng ta nhấn mạnh đến sự thủ đắc được một ý nghĩa đích thực về lòng yêu mến đức khiết tịnh, càng hơn thế nữa vì linh mục được kêu gọi sống thừa tác vụ của họ trong sự độc thân.
Từ đó cũng nhấn mạnh đến hai điểm khác : đào tạo tự do được nhận thức như là « sự hiến thân chân thành, như là con đường và là nội dung căn bản của sự thể hiện chính mình đích thực ». Sự hiến thân chân thành này đòi hỏi một nhân cách thực sự làm chủ bản thân, được giải thoát khỏi những cưỡng buộc và có đủ khả năng đáp trả nhanh nhẹn những tiếng kêu gọi mà mình lắng nghe ; đó là một sự tự do được quan niệm như là khả năng đi đến với tha nhân cách đứng đắn. Và như thế việc giáo dục lương tâm luân lý, được xem như là khả năng vui mừng đáp trả lại tiếng gọi của những gì là thiện hảo và chân thật.
Do đó, những khả năng nhân bản của linh mục trong PDV được xem xét theo cứu cánh mục vụ của việc đào tạo và theo đức ái mục vụ nằm ở trung tâm của đời sống linh mục. Theo nghĩa này, PDV không bước vào trong một viễn ảnh thực sự mới mẻ so với các bản văn của Công đồng Vatican II. Quả thế, trong Presbyterorum Ordinis (PO) cũng như trong Optatam totius (OT), người ta gặp thấy cùng chính những định hướng nền tảng. Nói về « hoàn cảnh của các linh mục trong thế giới », PO tuyên bố : « Các linh mục không thể là những thừa tác viên của Chúa Kitô nếu họ không là những chứng tá và là những người phân phát một cuộc sống khác với cuộc sống trần thế, nhưng họ cũng sẽ không có khả năng phục vụ con người nếu họ vẫn xa lạ với cuộc sống và những điều kiện sống của con người. Thậm chí, thừa tác vụ của họ đòi hỏi cách đặc biệt rằng họ không được chạy theo khuôn mẫu của thế gian hiện tại và, đồng thời, nó đòi hỏi rằng họ phải sống trong thế gian này ở giữa nhân loại, mà, như là những mục tử tốt lành, họ biết chiên của họ và tìm cách đưa về những con chiên không thuộc đàn này, để chúng cũng lắng nghe tiếng của Chúa Kitô, để chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên duy nhất. Để đạt đến đó, một số phẩm chất đóng một vai trò quan trọng, những phẩm chất mà chúng ta đánh giá cách chính đáng trong những mối tương quan nhân bản, như lòng nhân từ, thành thật, sức mạnh tinh thần, sự kiên trì, lòng thiết tha công lý, sự tế nhị, và những phẩm chất khác nữa, những phẩm chất mà thánh Phaolô tông đồ khuyên nhủ khi ngài nói : « Tất cả những gì là chân thật, đáng kính trọng, tất cả những gì là chính trực, tinh tuyền, đáng được yêu mến, tất cả những gì là đức hạnh và xứng lời ca ngợi, thì xin anh em hay để tâm suy nghĩ » (Ph 4, 8 ; cũng xem số 4 và 10 của PO).
Trong OT, người ta cũng thấy cùng những viễn ảnh, đặc biệt ở số 11 : « Các chủng sinh phải học biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô, như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, giữ lời hứa, cư xử lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ ». Cách chung chung, có thể nói rằng việc nhấn mạnh đến đức ái mục vụ của các bản văn của Vatican II liên quan đến linh mục dẫn đến định nghĩa một kiểu mẫu linh mục mà biểu lộ nơi chính nhân tính của mình đức ái mục vụ này.
Do đó, nói đúng ra, không có gì mới mẻ khi đi từ Vatican II đến PDV. Thế nhưng có thể nói rằng PDV cho thấy rõ ràng hơn nhiều những gì được chứa đựng trong Vatican II. Sự nhấn mạnh mà văn kiện này thể hiện đối với việc đào tạo nhân bản bó buộc phải có một sự chú tâm đặc biệt đối với văn kiện này, và đưa vào cách rõ ràng những tiêu chí khả năng nhân bản trong số những tiêu chí khả năng cho thừa tác vụ linh mục.
Sáu năm sau và cách minh nhiên quy chiếu về PDV và OT, bản Ratio của các chủng viện Pháp cũng đặt việc đào tạo nhân bản ở nền tảng của toàn bộ việc đào tạo, sau khi đã đánh dấu cứu cánh mục vụ của việc đào tạo này. Nó đặc biệt nhấn mạnh ba điểm. Trước hết, tương quan của các ứng viên với lịch sử riêng và với cội nguồn của họ; trong một xã hội được đánh dấu bởi sự vắng mặt của ký ức và thiếu các điểm mốc, thì sự hiểu biết của các ứng viên về cội rễ của họ, việc đọc lại lịch sử cá nhân của họ cho phép « bày tỏ tốt hơn dự phóng đời sống linh mục của họ và nhận thức tốt hơn những vấn đề của sứ vụ tương lai của mình ». Quả thế, khả năng đặt vào một lịch sử những yếu tố này so với những yếu tố kia, những yếu tố khác nhau, mà đóng góp vào việc đánh thức rồi củng cố ước muốn thừa tác vụ, cho phép diễn tả ước muốn này cách sáng suốt hơn, ăn sâu hơn vào mảnh đất màu mỡ gia đình, xã hội, Giáo Hội, và do đó, cuối cùng cách nhân bản hơn. Qua đó, nó trở nên một tiêu chí trong số các tiêu chí khác của ơn gọi thừa tác vụ linh mục.
Điểm thứ hai mà bản Ratio nhấn mạnh là mối tương quan của các ứng viên với đời sống tình cảm (affectivité) và với tính dục của mình: tôi không nhấn mạnh ở đây, vì về điểm này, bản Ratio của các chủng viện Pháp chẳng mang lại điều gì mới mẻ đặc biệt so với PDV, trừ việc là nó được diễn tả theo một lối khá cụ thể bằng việc cho thấy một vài dấu hiệu rõ ràng, chẳng hạn như « khả năng nối kết tình bạn cao thượng và chín chắn », hay bằng cách diễn đạt rõ ràng về vấn đế đồng tính luyến ái.
Điểm thứ ba được bản Ratio làm nổi bật, đó là « tương quan với người khác và với xã hội » ; các Giám mục Pháp đặc biệt trở lại với những khả năng tương quan, với « khả năng của các ứng viên cảm thông với cuộc sống của những người đương thời của họ », mà đã được Công đồng chỉ ra, bằng cách nói rõ : « khả năng xem xét nghiêm chỉnh những nỗ lực chỉnh đốn của xã hội trong sự tiến triển không ngừng của nó » ; các ngài cũng nhấn mạnh những khả năng đón tiếp, lắng nghe, chia sẻ, kín cẩn, điều này nhằm đến sự đối thoại mục vụ, và cả khả năng ý thúc về sự tương giao, định vị đúng đắn trong các mối xung đột, chọn lựa rõ ràng, điều này quy chiếu minh nhiên đến sự kiện rằng các linh mục tương lai được « dự định cách đặc biệt trở nên những con người hiệp thông ». Tất cả những điều đó hoàn toàn gắn kết với một quan niệm Phúc Âm hóa như là sự đối thoại khơi lên và đón nhận những gì mà mỗi người có tốt nhất nơi mình, và gắn kết với Giáo Hội mà sự cộng tác linh mục – phó tế – tu sĩ nam nữ – giáo dân đã trở nên một dữ kiện không thể tránh khỏi.
Như thế, bản Ratio của các chủng viện Pháp xuất hiện như là một cách thức giải thích các bản văn của Vatican II và của PDV trong một bối cảnh nhất định, với những điểm nhấn mạnh thích nghi với hoàn cảnh hiện nay của thừa tác vụ linh mục ở Pháp.
Từ đó, tôi xin đưa ra hai nhận xét.
+ Nhận xét đầu tiên tóm tắt những gì tôi đã nhấn mạnh: những phẩm chất nhân bản được đòi hỏi cho thừa tác vụ là những phẩm chất phải tạo điều kiện dễ dàng tiếp xúc với nhân tính của Chúa Giêsu. Nó hệ tại nhân bản như Chúa Giêsu đã là nhân bản, nhờ sự hiệp thông với nhân tính của Ngài. Bởi thế, khi thỉnh thoảng nghe: chủng sinh kia có bằng cấp như thế, hành trình chuyên nghiệp như thế, anh ta thông minh, sáng giá; càng hay, người ta chỉ có thể vui mừng về điều đó ; và thậm chí người ta cảm thấy rằng nếu chủng sinh này đã từ bỏ không dùng tất cả những phẩm chất này để phục vụ cho một nghề chuyên nghiệp sáng lạng và có lợi, thì đó là người ấy có một tương quan đích thực với Chúa Kitô. Nhưng cũng phải luôn tự hỏi : phải chăng kinh nghiệm, trí thông minh của anh ta được hòa hợp trong một nhân cách mà phẩm chất của nó cho phép người khác đi vào nhân tính của Chúa Kitô ?
+ Nhận xét thứ hai : tôi muốn thêm vào một tiêu chí mà đối với tôi có vẻ thiết yếu trong bối cảnh hôm nay : tiêu chí ý thức về những trách nhiệm. Không phải như chúng ta thường nghe, khả năng nhận lấy trách nhiệm (phẩm chất mà vả lại nhất thiết phải có); nhưng khả năng hiểu rằng chúng ta không dấn thân gì hơn là chính chúng ta trong những chọn lựa mà chúng ta đặt ra. Chúng ta không chỉ dấn thân trước mắt chúng ta, nhưng còn trước và đối với người khác, mà qua đó, chúng ta cần có trách nhiệm. Tôi nói điều đó bởi vì các thế hệ hiện nay cần được học tập nhiều. Nhưng bao lâu còn là học viên, người ta không có trách nhiệm. Nếu học viên sai lỗi, thì chính người bảo trợ đảm nhận. Nhưng khi dấn thân cách cá nhân trong thừa tác vụ, người ta trở nên có trách nhiệm. Bởi thế, cần phải canh chừng để sự dấn thân dứt khoát không được sống như là một sự học tập dấn thân, nhưng như là một sự dấn thân thực sự đối với Giáo Hội, đối với dân Chúa rất cụ thể mà người ta trở nên có trách nhiệm và phải tính sổ.
Đào tạo thiêng liêng
Liên quan đến việc đào tạo thiêng liêng, tôi nghĩ rằng người ta có thể nhận xét điểm này : PO đặc biệt bận tâm xác định tính đặc thù của đời sống thiêng liêng của các linh mục (x. số 12), điều đó là bình thường trong đường hướng xác định tính đặc thù của chính thừa tác vụ và của sứ mệnh của nó. Dĩ nhiên, nó đã thực hiện điều đó dựa trên nền của ơn gọi nên thánh chung (không được tách PO khỏi Lumen Gentium).
Các viễn ảnh của OT không khác biệt ; nhưng các số 8 đến 12 được dành cho việc đào tạo thiêng liêng đã nhấn mạnh nhiều đến các khía cạnh riêng cho mọi kitô hữu, dù hoàn toàn làm rõ sự thích ứng của chúng với đời sống linh mục. Về phần mình, PDV khai triển cách rõ nét sự nhấn mạnh này đối với ơn gọi chung : « Vấn đề hệ tại một sự đào tạo thiêng liêng chung cho tất cả các tín hữu, nhưng yêu cầu cần được cấu trúc theo ý nghĩa và những nghĩa mở rộng xuất phát từ căn tính của linh mục và thừa tác vụ của ngài » (số 45). Bởi thế, PDV chú tâm cho thấy làm thế nào các linh mục sống chính đời sống thiêng liêng như mọi kitô hữu, với những định hướng đặc biệt mà hoàn cảnh đặc thù của họ trong Giáo Hội bao hàm ; như thế, chỉ sau một sự khai triển dài về « việc đòi hỏi một đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu-Kitô », sự khai triển được ứng dụng cho đời sống thiêng liêng của mọi người, mà PDV nói về sắc thái tình bạn mà mối quan hệ của các linh mục và các linh mục tương lai với Chúa Kitô bao hàm, vì lời của Chúa Kitô nới với các môn đệ Ngài : « Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu ».
Ở đây, như đối với việc đào tạo nhân bản, tôi không muốn nói rằng PDV mang lại một sự mới mẻ đích thực so với PO. Về nền tảng, định hướng là như nhau, nhưng ở đây tôi thấy có một sự nhẹ nhàng chuyển dịch điểm nhấn. Ít ra, PDV đã dành thời gian nhấn mạnh và khai triển rộng rãi những gì chung cho hết mọi kitô hữu trong việc đào tạo thiêng liêng các linh mục tương lai. Chẳng hạn, ở đâu PO tuyên bố cách rõ ràng : « Là những thừa tác viên của Lời Chúa, các ngài đọc và lắng nghe Lời Chúa mọi ngày để dạy dỗ Lời Chúa cho người khác ; đồng thời, nếu các ngài ưu tư tiếp nhận Lời Chúa nơi chính mình, thì các ngài sẽ trở nên những môn đệ của Chúa càng ngày càng hoàn hảo (số 13) », thì PDV bắt đầu bằng việc khai triển tầm quan trọng của việc đọc suy ngẫm và cầu nguyện Lời Chúa. Chỉ sau sự khai triển này mà bản văn mới tuyên bố : « sự hiểu biết yêu mến thâm sâu và tròn đầy Lời Chúa được thủ đắc trong việc cầu nguyện mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt đối với thừa tác vụ ngôn sứ của linh mục… » (số 47).
Theo tôi, đúng hơn, dường như bản Ratio của các chủng viện Pháp nằm trong viễn ảnh chung của PDV, dù hoàn toàn khai triển khá dài những gì là đặc thù đối với đời sống linh mục.
Phải chăng có một ý nghĩa nào đó đối với sự khác biệt điểm nhấn này mà không nhất thiết phải lớn lao nhưng cũng cần phải thừa nhận ? Tôi có cảm tưởng rằng cách thức mà đoạn văn về đời sống thiêng liêng được soạn thảo phải chăng nó không hé cho thấy những gì cấu thành một trong những dữ kiện thiết yếu của đời sống thiêng liêng của các linh mục hôm nay : sự kiện rằng chính sự dấn thân của họ là một chứng tá đức tin và thừa tác vụ linh mục là một cuộc mạo hiểm trong đức tin. Nếu là như thế, thì sự nhận xét này sẽ có một hệ quả tức thời và quan trọng trên vấn đề các tiêu chí phân định một ơn gọi linh mục; vì dù không loại trừ cách rõ ràng những tiêu chí mà việc phân tích các bản văn cho thấy, thì hệ quả là một trong những tiêu chí nền tảng sẽ là khả năng được chứng thực sống trong đức tin và bởi đức tin. Điều đó củng cố những gì tôi đã nói lúc nãy liên quan đến những phẩm chất nhân bản: thật thích hợp để đánh giá làm thế nào những phẩm chất nhân bản này được sáp nhập vào đức tin, linh mục phản ứng trong đức tin trước một thất bại như thế nào, họ sống trong đức tin một sự thành công ra làm sao, họ có cái nhìn đức tin nào hay không đối với con người và các biến cố. Họ có xem Giáo Hội như là mầu nhiệm đức tin, có xem các mối tương quan của họ với giáo dân, với các linh mục khác, với giám mục trong viễn ảnh về Giáo Hội như là mầu nhiệm đức tin này?
Vả lại, đức tin chẳng phải sự trung gian khả thể duy nhất giữa những phẩm chất nhân bản và sự kiện rằng những phẩm chất này phản ánh nhân tính của Chúa Kitô-Mục Tử ?
Đào tạo trí thức
Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh đến hai điểm, mà không có thời gian phân tích những chuyển dịch điểm nhấn có thể xảy ra từ Vatican II. Chính trong viễn ảnh đức tin này, dưới phương thức hiểu biết đức tin, mà PDV xem xét vấn đề đào tạo trí thức của các ứng viên thừa tác vụ. « Bởi thế, thần học gia trước hết là một tín hữu, một con người đầy lòng đức tin. Nhưng đó là một tín hữu tự chất vấn về đức tin của mình, tự chất vấn để đạt đến một sự hiểu biết sâu xa hơn về đức tin của mình ». Phải chăng chúng ta có thể truyền đạt điều gì đó mà không làm cho chính chúng ta say mê ? Và chẳng phải là ở đây có một tiêu chí mà người ta hẳn có thể có khuynh hướng quên đi ? Muốn truyền đạt mà thôi thì chưa đủ. Còn cần phải biết rằng người ta chỉ truyền đạt những gì mà chính mình tìm kiếm cách say mê và không bị đóng kín trong sự chắc chắn tiên quyết là đã sở hữu nó hay thậm chí sẽ sở hữu nó một ngày nào đó. Vả lại, về điểm này, đối với tôi, dường như rất quan trọng để chú tâm đến những gì mà PDV đã nói về sự tìm kiếm chân lý, liên quan đến việc nghiên cứu triết học.
Một điểm khác cần được suy nghĩ, đó là khả năng phân định phê bình nhiều hình thức tư tưởng khác nhau đang diễn ra nơi các nền văn hóa hiện đại. Vả lại, đó là điểm được lấy lại trong số những điểm khác trong PDV liên quan đến đào tạo mục vụ. Định hướng này yêu cầu được mở rộng cho tất cả những gì liên quan đến khả năng phân định thiêng liêng và mục vụ, được khai triển rất rộng rãi nơi các bản văn của Vatican II.
Tôi không đủ thời gian để khai triển chiều kích mục vụ của việc đào tạo. Vì thế tôi sẽ không mở ra chủ đề này. Nhưng chính ở đây cần phải nói về phẩm chất của ý thức tông đồ, về ước muốn làm cho nhận biết Chúa Kitô trong sự tôn trọng sâu xa người khác mà không tin hay tin cách khác, trong khả năng đối thoại không áp đặt quan điểm nhưng đề nghị đức tin như là con đường tự do.
Kết luận
Tôi đã không thiết lập một danh sách các tiêu chí. Tôi hy vọng rằng đó không phải là điều mà qúy vị chờ đợi. Dù sao rất tóm tắt, tôi đã chỉ ra một cách thế làm việc. Theo tôi nghĩ, chính mỗi nhóm trách nhiệm cần làm rõ những tiêu chí mà nó vận dụng. Và vì thế, tôi tin rằng thật thích hợp để lấy lại những bản văn này cho mình, biến chúng thành một sự nghiên cứu so sánh, để tái giải thích chúng sát với bối cảnh hôm nay nhất và với sự tiến triển của Giáo Hội và của thừa tác vụ linh mục. Những bản văn này có nhiều điều nói với chúng ta, và chúng còn có thể làm cho chúng ta bất ngờ. Tôi đã thử phác thảo công việc này, cách rất tóm tắt như qúy vị đã có thể thấy. Những gì tôi đã nói không có gì là đầy đủ. Tôi đã nhấn mạnh một vài điểm, hẳn tôi đã nên nhấn mạnh những điểm khác. Nhưng một lần nữa, những gì tôi đã cố gắng thử chỉ có mục tiêu là chỉ ra một con đường khả thể để theo đuổi công việc.
Bernard Pitaud, pss*
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
—————
(*) Cha Bernard Pitaud là linh mục Xuân Bích. Vào thời điểm 2001, ngài làm giám đốc Viện Đào Tạo các nhà giáo dục hàng Giáo sĩ. Hiện nay, ngài là Bề trên giám tỉnh Xuân Bích, tỉnh Pháp (chú thích của người dịch).
Nguồn : PITAUD, Bernard, « Des critères de discernement », trong Théologie de la vocation, Colloque de l’Institut Catholique de Paris (février 2001), Revue Jeunes et Vocations, 3e trimestre, số 102, tr 99-106.
Trích đăng lại từ nguồn: http://conggiao.info/nhung-tieu-chi-phan-dinh-on-goi