Tông Đồ Phaolô Trở Lại

Thứ Năm 25/01/2018 – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính. Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất. – Tông Đồ Phaolô Trở Lại.

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

 

* Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một.

Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

 

Lời Chúa: Mc 16, 15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

  

SUY NIỆM 1: Tông Đồ Phaolô Trở Lại

Người ta gọi Ngài một biệt danh như thế, nhưng Ngài không được hân hạnh như nhóm 12 các ông, đã được trông thấy Người, được nghe, được đi theo sau khi được Người chọn các ông. Đối với 12 vị, Đức Ki-tô không phải là người xa lạ, đó là người cùng làng xóm. Một người cùng chi họ. Còn Phaolô, ông không bao giờ trông thấy Đức Ki-tô. Nếu ông là kẻ bắt bớ các tông đồ và các môn đệ, không phải vì các ông này tuyên xưng danh Đức Ki-tô, nhưng các ông cũng như Đức Ki-tô, đã làm rối trật tự, Phaolô là người biệt phái, công dân Rôma, môn sinh của các thầy nổi tiếng thời đó. Ong không đấu tranh chống lại một bóng ma, nhưng chống lại những kẻ theo một giáo lý mới làm điên cuồng.

Một thế hệ mới...

Phaolô đã là một người thuộc thế hệ mới của các tông đồ. Công vụ tông đồ kể lại một cách tóm tắt cho chúng ta đoán được Phaolô chắc chắn đã tiêu hao nhiều năm đi bắt bớ các tín hữu, trước khi bị té ngựa trước ánh sáng Đức Ki-tô. Sứ điệp của Đức Ki-tô đã ban bố và được đón nhận khắp xứ Giuđa. Trước khi Phaolô xuất hiện. Phêrô đã làm cho nhiều người ngoài Do Thái trở lại rửa tội.

Phaolô, một người thuộc thế hệ mới, vì ông sống trong nền văn hóa Hy lạp, được giáo dục Rôma. Và cuộc trở lại của ông là nhờ ơn Chúa biến đổi ông tận gốc.

Cho tới ông, Tin Mừng còn hạn chế chỉ giảng cho người Do Thái, trừ Phêrô mới giảng một lần cho dân ngoại. Nhưng khi đến thời giảng Tin Mừng cho dân ngoại, thì Phaolô trở thành một Tarrê, một bổn đạo mới đã được trao trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Thánh Thần đổi mới.

Phải trông cậy vào Thánh Thần, Ngài đến canh tân mọi sự, Thánh Thần muôn đời tươi trẻ. Ngài không bảo chúng ta phải chiều theo những tính hay thay đổi của tuổi trẻ, bắt chước những tính đó là làm trò hề và ngu muội, Ngài bảo chúng ta phải biết lắng nghe những gì cao đẹp và tươi trẻ, và thi hành trọn vẹn những đòi hỏi của chân lý của chân thành, của ân huệ và hướng dẫn những tính tự nhiên đó sống theo Thánh Thần.

Ước mong những người đạo lâu đời trở nên những người đầu trong tình yêu và tái sinh thành trẻ trung và đổi mới theo Thánh Thần.

J.M

 

SUY NIỆM 2: Thánh Phaolô Trở lại

Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.

Theo Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.

Một hôm, đang trên đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".

Từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.

Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?

Theo từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra đi.

Nơi mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.

Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.

Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.

Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.

Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 3: Con phải làm gì?

Suy niệm :

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng

giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.

Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.

Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,

để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.

Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),

Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,

bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).

Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.

Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,

thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).

Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,

thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).

Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,

thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).

Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:

“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?

Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).

Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.

Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).

Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,

anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.

Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.

Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.

Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết

anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,

là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,

và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.

Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.

Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.

Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.

“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).

Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,

để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:

ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.

Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,

và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

 

Cầu nguyện :Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.