“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B 


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

( Ed 2, 2-5; 2Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6)

Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5

“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd. 3-4

Ðáp: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con (c. 2cd).

Xướng: Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những người nam tôi tớ, nhìn vào tay các vị chủ ông.

Xướng: Như mắt của những người tỳ nữ, nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa, là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Người thương xót chúng tôi.

Xướng: Nguyện xót thương, lạy Chúa, nguyện xót thương, vì chúng con đã bị khinh dể ê chề quá đỗi! Linh hồn chúng con thật là no ngấy lời chê cười của tụi giàu sang, nỗi miệt thị của lũ kiêu căng.

Bài Ðọc II: 2 Cr 12, 7-10

“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

ĐỪNG ĐÁNH GIÁ BÊN NGOÀI

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Thời Cựu Ước, Sách ngôn sứ Giêrêmia tường thuật lại việc Thiên Chúa gọi tiên tri Giêrêmia,  làm ngôn sứ của Thiên Chúa, ngôn là nói, sứ là người. Ngôn sứ là người nói Lời của Thiên Chúa. Ngôn sứ Giêrêmia khi Thiên Chúa gọi Ngài còn trẻ, con nhà tư tế nhưng rất nghèo, không biết ân nói nhưng được Thiên Chúa sai đi Ngài sẵn sàng đi rao giảng vì thế khi rao giảng lời Thiên Chúa, Giêrêmia bị dân chúng chống đối. Họ khước từ lời rao giảng và giao chiến với ông vì cho Ngài không xứng đáng.  Rõ ràng thời Cựu ước người ta đã đánh giá các ngôn của Thiên Chúa bên ngoài và theo lý lịch rồi. Bây giờ, sang Tân ước não trạng ấy vẫn còn, chẳng hạn, trong bài Tin Mừng Máccô kể Chúa Giêsu trở về Nadarét, quê hương của Ngài, trong tư thế một vị Ngôn Sứ, một Đấng có uy quyền, có các môn đệ tháp tùng. Dân làng Nadarét lấy làm ngạc nhiên sững sốt. Họ hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vây nghĩa là làm sao? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”. “Ông ta là ai?”. “Ông ta không phải là bác thợ mộc trong làng, con của bà Maria, không phải là anh em họ hàng và chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Họ biết quá người thợ mộc nghèo nàn và lý lịch của Chúa Giêsu có điểm gì nổi bậc đâu? Nên họ không thể nào nhìn nhận sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài, không nhận ra Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế mà họ đang mong đợi. Bởi vì họ cho rằng Đấng Thiên Sai Cứu Thế thì phải xuất thân từ dòng dõi “trâm anh thế phiệt” (hạng người cao sang quyền quý có nhiều tiền tài, quyền lực), phải là một “trang anh hùng xuất chúng” đầy uy thế và quyền lực, khôn ngoan lỗi lạc chứ! Còn ông Giêsu này thì quá nghèo nàn, tầm thường từ xuất xứ, lý lịch gia đình đến nghề nghiệp và địa vị xã hội. Tất cả đều trở thành “chướng ngại cho họ tin vào Ngài”. Nói cách khác đi, chướng ngại làm cho những người đồng hương vấp ngã chính là dáng vẻ đối nghịch giữa con người bên ngoài của Đức Giêsu và sứ mạng thần linh bên trong của Chúa. Vì thế, họ quay lưng lại với Ngài, với cả Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài.

Trong Kinh cải tội bảy mối có bảy đức dạy rằng tội đầu tiên của con người là kêu ngạo. Cho nên trong bài đọc 1 Ngôn sứ Êdêkien kể rằng dân Chúa vì quá kiêu ngạo nên họ phản nghịch, nổi lên chống đối Thiên Chúa. Lòng họ trở nên chai đá không còn tin vào Thiên Chúa, Đấng cứu thoát ra khỏi Ai-cập và hằng yêu thương chăm sóc, dạy họ tuân giữa giáo ước qua các Ngôn Sứ. Đến bài đọc 2, Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm của Ngài rằng vì kiêu ngạo cho mình là Đạo gốc Do Thái, có học thức uyên thâm nên chẳng những không tin Thiên Chúa mà còn lùng bắt giết những người tin vào Chúa Kitô. Nhưng khi ông được Chúa Phục Sinh hiện ra chỉ cho thấy cái tội kiêu ngạo của Thánh nhân nên ngài nói lúc ấy tôi như cái dằm đâm vào mắt, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả vào mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại. Vì vậy, giờ đây tôi tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

          Thánh Máccô cho thấy thái độ đánh giá bên ngoài của dân làng Nadarét đối với Chúa Giêsu như thái độ chung của loài người. Chúng ta hôm nay không những là người đồng hương của Chúa Giêsu mà còn anh anh chị em với Chúa Giêsu nữa. Chúng ta đã trở thành anh chị em của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta. Nhưng hình như chúng ta vì biết Ngài quá rõ đến độ chẳng thấy ở nơi Ngài cái gì khác hơn là một Chúa Giêsu quen thuộc qua  giờ kinh, đọc và Nghe Lời Chúa, giờ cử hành các bí Tích nhất là bí Tích Thánh Thể, hòa giải. Người ta nói: “quen quá hoá nhàm” nên chúng ta chẳng còn nhận ra sự khôn ngoan, linh thánh, và sức sống Lời Chúa, Lời quyền năng và sự cứu độ của Chúa qua việc cử hành các Bí Tích trong Giáo Hội. Cho nên chúng ta đọc và nghe Lời Chúa chúng ta cũng thấy hay, lý thú… nhưng không thấy Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời, lời Ngài hạnh phúc cho đời ta.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta rằng Thiên Chúa đã đến chia sẻ thân phận nghèo hèn của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã mạc khải tình thương, quyền năng và ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người thật và ở giữa chúng ta. Chúng ta là những người có phúc vì được Thiên Chúa ban đức tin nhờ máu và nước của Chúa Giêsu Kitô đổ ra trên cây thập giá. Vâng, Đức tin mời gọi chúng ta phải vượt qua dáng vẻ tầm thường bên ngoài để đạt tới mầu nhiệm thâm sâu bên trong của Chúa Giêsu. Ngài là Ngôn Sứ tuyệt vời, là Lời Vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa đã để đem đến cho nhân loại Tin Mừng cứu độ. Với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã nói lên tiếng nói cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người kiêu ngạo, phản bội, chống đối Thiên Chúa. Cái chết thập giá của Con Thiên Chúa không phải là một thất bại, nhưng là một chiến thắng của tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của con người.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được biết Tin Mừng cứu độ qua vị Ngôn Sứ vĩ đại là chính Con Một Thiên Chúa, qua các Tông Đồ, qua Giáo Hội. Nhờ Tin Mừng này chúng ta được đến với Chúa, sống với Chúa và hoạt động tông đồ cho Chúa qua việc tích cực hiệp thông tham gia thi hành sứ vụ như lời mời gọi của Các Đức giám mục trong năm nay rằng “nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời” (Thư chung 2023). Amen.

SUY NIỆM II

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

Hãy thử đặt mình vào tâm trạng của những người sống cùng thời với Ðức Giêsu, cùng sống tại một làng quê và là bà con với Ðức Giêsu.

Từ thời niên thiếu, chúng tôi đã biết rõ về Người: chúng tôi cùng thuộc về một cộng đoàn, một “hệ thống xã hội”. Chúng tôi cùng có một nền đạo đức, cùng có chung những giá trị: hội đường, ngày Sabát. Chúng tôi sống với Người rất thân tình. Ðã có những cuộc gặp gỡ tại nhà cô Maria, tại nhà ông Giuđa, ông Simon và những người khác. Chúng tôi là những người bà con, những người quen biết nhau cùng sống trong ngôi làng nhỏ bé. Ðức Giêsu đã gây được ấn tượng tốt: dân làng nghĩ rằng Ðức Giêsu là người kín đáo, hay giúp đỡ, siêng năng, “khôn ngoan”… Nói chung, người ta có thể tin cậy được.

Bỗng nhiên, sau ba mươi năm bình lặng, yên ổn, có một điều gì đó rất lạ lùng. Không còn là anh bạn Giêsu quen thuộc “của chúng tôi nữa”. Lời anh nói, việc anh làm, chúng tôi không hiểu nổi. Một điều gì đó đã xảy ra, và chúng tôi phải thay đổi cách nhìn về anh, về sự việc.

Ðối với chúng tôi, thật là khó để nhận ra người bà con, người bạn này, người đã từng sống với chúng tôi trong suốt 2 quãng thời gian dài. Lời anh nói, việc anh làm gây xáo trộn cuộc đời, cách suy nghĩ của chúng tôi. Khó quá! Cũng thật là khó khi phải nghĩ rằng nhờ con người đơn giản, bình thường và thân quen này, Thiên Chúa lại có thể nói với chúng tôi một điều gì đó. Anh làm chúng tôi sững sờ: điều anh loan báo về Nước Thiên Chúa, về Ðấng Mêsia hoàn toàn khác hẳn quan niệm xưa nay của chúng tôi. Anh quả là người gây khó khăn cho chúng tôi và chúng tôi không chấp nhận nổi.

Theo Tin Mừng, Ðức Giêsu “lấy làm lạ vì họ không chịu tin”. Rồi Người “đi khắp các làng chung quanh mà giảng dạy”.

Tại những nơi xa lạ, chẳng ai rõ về nguồn gốc của Người, nhờ đó, lời Người nói có thể được dân chúng đón nhận. Các cư dân ở những miền này chẳng thắc mắc gì về nguồn gốc, về thói quen, về nghề nghiệp của Ðức Giêsu; họ dễ dàng đón nhận lời Người nói và tin vào Người.

Về phần mình, Ðức Giêsu đi hết chỗ này đến chỗ kia: lời của Người không còn bị đóng khung trong Hội đường hay trong vòng bà con thân thuộc, nhưng vang xa hơn. Lời ấy đến với một người nghèo, một người bệnh và họ được giải thoát. Lời của Người không chỉ là những từ ngữ, nhưng còn là hành động cứu người nghe khỏi tình trạng khốn khổ. Họ tín nhiệm vào Người, họ “tin” vào Người. Họ nhận ra lời Người thật “sống động” và họ hiểu rõ: đó là lời Thiên Chúa. Họ nhận ra tính cách thần linh ẩn giấu nơi một con người bình thường

Chuyến đi không thành công

“Hành hương về nguồn”, tìm về nguồn cội là một trong những đề tài quen thuộc trong xã hội hiện tại. Thất bại của Ðức Giêsu tại chính quê hương của mình cho thấy những giới hạn của một cuộc ra đi như thế. Kitô hữu là người cắm rễ trong lịch sử, nhưng tự bản chất vẫn là người của tương lai, của điều sẽ đến.

Đức Giêsu bị giam hãm Theo cái nhìn bình thường, việc Ðức Giêsu xuất hiện trong hội đường của quê hương sẽ là điều kiện thuận lợi để lời giảng của Người có thể tác động đến các thính giả.

Thế nhưng, những người đồng hương với Ðức Giêsu lại muốn xác định, đánh giá “người con của quê hương”, thay vì để cho những lời giảng thúc đẩy. Dù những lời Người nói rất chân tình và sống động, nhưng hình như chúng vẫn đủ làm họ quên đi những ấn tượng về nguồn gốc và quá khứ của Người.

Do đó, Ðức Giêsu không thể giảng dạy cho họ điều gì cả. Họ bị giam hãm trong những thói quen và xác tín của mình, nên cũng đóng khung Ðức Giêsu vào trong tình trạng “anh thợ mộc, con của…” Ðối với các thính giả của Ðức Giêsu, xưa nay Người đã xuất hiện bên họ với tình trạng như thế, thì giờ đây Người cũng chỉ thế thôi. Người không thể nào khác đi được, Người không phải là vị ngôn sứ. Vì vậy, họ thẳng thừng chối bỏ lời giảng của Ðức Giêsu mà họ cho là không thể lọt tai.

Đức Giêsu bị ngăn cản “Người đã không làm được phép lạ nào”. Ðó là chuyện hợp lý, chuyện bình thường sau những sự kiện mới xảy ra. Hoạt động của Thiên Chúa không bức bách con người. Phép lạ, đó là trao ban sự sống, sự sống mới, là làm cho phục sinh. Thiên Chúa không thể làm phép lạ khi con người  không muốn.

Thiên Chúa không thể bày tỏ uy quyền của Người trước những kẻ có thái độ lãnh đạm đối với lời Thiên Chúa. Do lòng yêu thương và tôn trọng, Thiên Chúa để con người tự do lựa chọn. Con người phải bày tỏ thái độ là mở ra trong đức tin. Thiếu đức tin của con người, Thiên Chúa không thể làm gì được, và điều đó có thể làm Thiên Chúa ngạc nhiên. Như thế, cuộc trở về Nadarét của Ðức Giêsu là một thảm kịch biểu hiện cho thảm kịch của toàn bộ Tin Mừng.

Sự từ chối của dân làng Nadarét báo trước sự từ chối của nhân loại trước mầu nhiệm Thiên Chúa, trước tình yêu của Ðấng muốn trao tặng tất cả. Thái độ này cũng đã hé mở số phận của Ðức Giêsu, tức là mầu nhiệm thập giá. Nỗi kinh ngạc của Ðức Giêsu trước thái độ quyết liệt của những người đồng hương cũng là nỗi kinh ngạc của một vị Thiên Chúa mang đến tất cả và bị từ chối tất cả. Ðó cũng là nỗi kinh ngạc của các sứ giả Tin Mừng, khi lời nói và hành động của họ không chiều theo sở thích của con người thời đại. Thiên Chúa luôn có những đường lối bất ngờ và con người phải chọn lựa, phải đáp lại bằng đức tin.

Khi con người muốn đóng khung Thiên Chúa vào những thành kiến hẹp hòi của mình, thì cũng là lúc họ đóng lại con đường ân sủng. Phải biết hy vọng Từ trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra hai bài học.

Trước hết, cách đơn giản nhất để làm cho người khác bị tê liệt, không hoạt động gì được là không tin vào họ, là giam giữ họ trong những ý tưởng tiên thiên, những phạm trù có sẵn nơi  mình. Biết bao năng lực bị bỏ quên, biết bao tài năng bị dở dang, biết bao niềm hạnh phúc phải tắt ngúm vì những phán đoán, những định kiến về những người mà ta tưởng rằng biết rất rõ. Trong cái nhìn của chúng ta về người khác, phải biết hy vọng.

Sau nữa, Thiên Chúa gọi chúng ta, ngỏ lời với chúng ta, không phải qua những con người có dáng vẻ siêu đẳng, nhưng qua những con người rất bình thường. Thiên Chúa vẫn thường bày tỏ những chân lý siêu việt qua những phương tiện đơn sơ, tầm thường. Chính Thiên Chúa vẫn hiện diện nơi những con người yếu đuối, mỏng manh. Họ là những sứ giả của Thiên Chúa và chúng ta phải nhận ra sự hiện diện kỳ diệu của Người. Họ có thể là người khách trọ hay người bà con; họ có thể là một người bệnh, một người xa lạ, hay là một người thân; họ có thể là một người bạn thân thiết hay có khi là một người chống lại chúng ta… Con đường ân sủng vẫn mở rộng nếu chúng ta luôn giữ trong lòng niềm hy vọng sống động.

Quả thật, để tự bày tỏ chính mình, Thiên Chúa cần đến con người. “Thiên Chúa đi những bước trước, nhưng Người đợi chúng ta đáp trả. Người gõ cửa, nhưng Người chỉ bước vào khi chúng ta lên tiếng mời. Người kêu gọi, nhưng chỉ ban ơn khi chúng ta thực sự ước muốn. Chính vì vậy, Ðức Giêsu chỉ bày tỏ công trình cứu độ của Người cho những ai đón nhận Người trong lòng tin. “Ðức tin chính là thái độ cởi mở của tâm hồn mà Thiên Chúa chờ đợi để biết chắc rằng những kẻ tìm kiếm Thiên Chúa chỉ kiếm tìm Người vì một mình Người, và được thúc đẩy do lòng mến”

 

SUY NIỆM III

CHÚA GIÊ-SU BỊ KHINH BỈ TẠI QUÊ NHÀ

(Hội An 7/7/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chuyện xảy ra tại Nazareth xưa cũng là chuyện đang xảy ra trong xã hội hôm nay, ngay cả trong đời sống tín hữu, và đòi hỏi chúng ta sống đúng là những người tin vào Chúa Giê-su và là môn đệ đích thực của Ngài.

Chuyện xảy ra tại Nazareth

            Tại sao người đồng hương của Chúa Giê-su tẩy chay Chúa?

            Nazareth là một làng nhỏ thời Chúa Giê-su chỉ khoảng 500 dân sinh sống, vì thế họ chẳng xa lạ gì với Chúa Giê-su và gia đình Ngài. Thời ấy có hai cái nhìn từ những người đồng hương đối với Chúa Giê-su.  Một số người biết Chúa Giê-su giảng dạy chẳng những như một kinh sư, mà còn hơn kinh sư của họ và đào tạo các môn đệ như một kinh sư, dù Ngài không là kinh sư, nên họ càng ngạc nhiên về quyền năng những lời Chúa dạy dỗ và những phép lạ Ngài làm. Mộ số khác biết rõ Chúa Giê-su không hề được đào tạo ở trường ngôn sứ hay kinh sư nào, họ biết Ngài không có bằng cấp để gọi là kinh sư và biết rõ gốc gác gia đình của Ngài là nghề mộc, vì thế, họ lấy làm khó chịu và chống đối lời tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Thế, phủ nhận những phép lạ cứu chữa của Chúa. Vả lại, theo lời ngôn sứ Isaia, Đấng Cứu Thế được sinh ra từ một trinh nữ và thuộc vương quyền vua Đa-vít, sẽ đến “bẻ gãy cái roi của những kẻ hà hiếp”, mà họ hiểu là giải thoát họ ra khỏi ách đô hộ Rô-ma. Nhưng trước mắt họ, Chúa Giê-su là con bà Maria và ông Giuse thợ mộc, được sinh ra nơi máng cỏ chứ đâu ở lâu đài xa hoa. Họ không biết quyền năng giảng dạy và làm phép lạ của Chúa do đâu, vì thế họ không tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế.

            Lẽ ra, dân Nazareth là những người dễ nhận biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa hơn, bởi họ được nghe lời ngôn sứ báo trước về Chúa Giê-su, được nghe và chứng kiến những phép lạ Chúa làm đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói, thế mà họ phải nghe lời than trách của Chúa Giê-su: “Không một ngôn sứ nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương mình” (Mc 6,4). Chỉ bởi vì họ không tin nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người và muốn một đấng cứu thế phù hợp với ý nghĩ của họ.

Chuyện xảy ra trong thời đại hôm nay

Thái độ nào của người thời đại và ngay cả một số người trong Giáo Hội đối với Chúa Giê-su?

            Đức Bênêđictô XVI trong bài khai mạc Mật Viện Hồng Y để bầu giáo hoàng năm 2005 đã cảnh báo chủ thuyết “tương đối” đang ảnh hưởng thế giới và làm nhiều Ki-tô hữu mất đức tin vào Chúa Giê-su. Chủ thuyết này cho rằng đạo nào cũng tốt, người ta có thể cùng lúc theo nhiều tôn giáo và xem Chúa Giê-su như các nhà sáng lập các tôn giáo khác, chứ không là Thiên Chúa, không là Đấng Cứu Độ Chúa Cha ban cho nhân loại. Về mặt luân lý, chủ thuyết tương đối khiến nhiều người nghĩ rằng điều gì tôi nói tốt là tốt, điều gì tôi nói xấu là nó xấu, nghĩa là chân lý và sự thánh thiện do tôi quyết định hay do đám đông quyết định, chứ không có chân lý tuyệt đối, không do Thiên Chúa hay Hội Thánh truyền lại. Do đó, nhiều người lên án giáo lý và những lời dạy của Chúa Giê-su được Hội Thánh truyền lại là bảo thủ, là bất khoan dung, vì Hội Thánh kiên trì trong việc loan báo Tin Mừng nhận được từ Chúa Giê-su. Họ không thành thật nhìn nhận chân lý là chân lý, không có mâu thuẫn trong chân lý.

Nói tóm lại, con người ngày nay, ngay cả trong Giáo hội bị cám dỗ cho rằng ý kiến và chọn lựa cá nhân của tôi là chân lý, mà không thành thật để xác tín chân lý chỉ có một nơi Chúa Giê-su và những lời giảng dạy của Ngài.

Sống như người môn đệ Chúa

Thử hỏi, Giáo Hội còn là Giáo Hội của Chúa Giê-su khi Giáo Hội thay đổi giáo lý của Chúa cho hợp thời không? Tin Mừng không được loan báo cách trung thực như Chúa Giê-su loan báo, thì tin mừng đó còn là Tin Mừng Chúa Giê-su không? Tín hữu tự cho mọi ý kiến và mọi chọn lựa của mình là chân lý chứ không phải từ Chúa Giê-su, thì họ còn là môn đệ Chúa Giê-su không?

            Nếu chúng ta không tin nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, nếu chúng ta không qui chiếu mọi ý tưởng và chọn lựa của chúng ta vào Chúa Giê-su, chúng ta chẳng khác gì kinh sư Do Thái. Vì không tin nhận Chúa, nhiều người Do Thái đã tẩy chay Chúa. Và ngày nay, nhiều tín hữu không đón nhận Chúa Giê-su vào trong cuộc đời và gia đình của họ cũng vì họ tự phong mình là chân lý.

            Vậy, là Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa, chúng ta có tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta không? Chúng ta muôn đón nhận Chúa Giê-su trên các điều kiện của Ngài hay đòi Ngài phải thỏa mãn ý riêng của chúng ta? Thực ra, không ai tin vào Chúa Giê-su mà lại không được Chúa Thánh Thần ngự đến và tái sinh tâm hồn của họ. Chỉ đến khi đôi mắt tâm hồn ta được mở để nhìn thấy Chúa Giê-su và đôi tai tâm hồn nghe được lời chân thật của Chúa, bấy giờ mới quả quyết ta có lòng tin vào Chúa Giê-su. Nếu không, chúng ta sẽ xa Chúa, thậm chí khinh bỉ Chúa như người Do Thái xưa.

            Ki-tô hữu nào cũng nhận biết luôn có sự xung đột giữa Nước Thiên Chúa và thế gian. Điều Chúa yêu và truyền dạy không dễ nghe và không dễ chịu đối với thế gian. Điều Chúa chê ghét không phải là điều thế gian chê ghét. Vấn đề của người theo Chúa có chấp nhận Chúa Giê-su theo các điều kiện của Ngài không? Chúng ta có chấp nhận cảm giác khó chịu và đau khổ như tử đạo khi đón nhận Chúa Giê-su vào cuộc đời ta và đời sống gia đình ta không? Chúa đang chờ ta trả lời với Chúa.

Nguồn: https://www.giaophandanang.org/