"Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút"

CHÚA NHẬT 16 MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Nhịp sống của thời hiện đại dễ làm cho con người trở nên vội vã, cạnh tranh, đầy thách thức tạo ra áp lực công việc nặng nề lên cả tinh thần và thể xác con người qua biểu hiện stress. Theo y học, stress là phản ứng của cơ thể cho thấy hệ thần kinh đang ở trong tình trạng căng thẳng, là dấu hiệu báo động sự quá tải của hệ thần kinh cũng như của cơ thể. Stress thường biểu hiện qua các dấu hiệu như: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn chán…, căn bệnh này tuy rất thông thường, nhưng chữa trị lại rất tốn kém và có khi không khỏi hẳn, gây mất hứng thú với các hoạt động công việc, hay cáu gắt, lo lắng, mất tập trung, trở nên trì trệ. Các triệu chứng này thường rất trầm trọng và kéo dài liên tục, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Đặc biệt là không có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Tin mừng Chúa nhật XVI thường niên hôm nay, thánh sử Maccô thuật lại sau thời gian thi hành sứ mạng trở về, các tông đồ rất phấn khởi vì đạt nhiều thành công rực rỡ. Những thành công ấy cũng rất lạ thường, bởi nó vượt xa khả năng tự nhiên của các tông đồ: như việc xua trừ ma quỷ và chữa lành nhiều bệnh nhân. Các tông đồ vui mừng tụ họp bên Chúa, báo cáo thành tích đạt được cho Chúa nghe. Chúa Giêsu là nhà sư phạm, đồng thời cũng là vị lương y siêu phàm đã “thăm mạch và chẩn đoán đúng căn bệnh” của các tông đồ. Một mặt Ngài đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các tông đồ, nhưng mặt khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn là những thành công trong việc làm. Thay vì mời gọi các ông tiếp tục thực hiện sứ mạng đang trên đà thành công. Người lại nhẹ nhàng kéo các tông đồ ra khỏi căn bệnh say “men chiến thắng”: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. (Mc 30, 31)

 

Bởi Người biết, con đường trước mắt mà thầy trò phải đối diện không phải là con đường bằng phẳng, sẽ không ít gập ghềnh. Đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách. Sứ mạng hôm nay dù thành công, nhưng chưa kết thúc, đúng hơn, chỉ mới mở ra. Đường còn dài đã vậy, sức lực con người lại có giới hạn. Vì thế, chưa cho phép người môn đệ có quyền ngủ mê trong những thành công đầu đời tông đồ này. Thành công đầu đời chưa phải là tất cả của sự thành công. Bởi thế, ngoài việc kéo các tông đồ ra khỏi căn bệnh “say men chiến thắng”, lời động viên của Chúa: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Điều này còn cho thấy sự quan tâm rất thực tế của Chúa Giêsu với các đồ đệ.

Chính lúc này đây, hơn bao giờ hết, các học trò của Chúa cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Bởi họ đã quá vất vả cho công việc. Sức lực thể lý của họ phần nào đã bị hao mòn vì đám đông, vì cảnh ồn ào, náo động. Chính lúc này phải là một bầu khí không gian cô tịch thanh vắng, mới có thể giúp các tông đồ tỉnh táo kiểm chứng nội tâm của mình, đồng thời bồi bổ sức lực thể xác tinh thần. Ðể duy trì mức độ thăng bằng trong cuộc sống, Ðức Giêsu dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc nghỉ ngơi. Kinh Thánh cũng đã ghi lại: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, và Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ ngơi, ngưng làm mọi công việc sáng tạo (St 2, 3).

Thực vậy, vì con người không phải là cỗ máy vô tri, nên con người cần có thời giờ để làm việc, thì cũng cần có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí để lấy lại sức khỏe làm việc. Cũng một cách tương tự về mặt tinh thần, con người cần tạm đóng cửa với thế giới bên ngoài, dành thời giờ trở về với chính mình trong sự tĩnh lặng, để tìm lại sự an bình nội tâm và nghị lực tinh thần nhằm có thể chu toàn bổn phận mà Chúa trao ban. Vì “Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện”. Sự thinh lặng bên trong và bầu khí tĩnh mịch bên ngoài được coi như mảnh vườn tâm hồn khao khát tình yêu và tìm kiếm an bình. Nơi đây, sự cô độc của tâm hồn không phải là sa mạc khô cằn nắng cháy, nhưng sẽ trở nên như thuở đất tốt trổ sinh hoa trái dồi dào.

Sự tĩnh lặng cũng được ví như ngôi nhà nơi nghỉ ngơi của tâm hồn bị xáo trộn và là điểm tựa cần thiết cho tâm hồn. Thế nhưng, sự tĩnh lặng và nơi cô tịnh không hẳn là chỗ mọi người đều ưa thích và muốn ở lại lâu giờ, bởi vì chúng ta thường dễ bị chi phối bởi những cám dỗ lôi kéo theo những thỏa mãn chóng qua. Trái lại, sự thinh lặng mời gọi chúng ta trở về với nội tâm, đối diện với những khuyết điểm và đối phó với những hạn hẹp bởi bản tính yếu đuối của con người, chỉ những ai không trốn chạy chính mình, chỉ những ai can đảm ở lại trong thinh lặng, người đó mới có thể tìm lại được con người thật của chính mình.

Hơn thế nữa, sự nghỉ ngơi yên tĩnh sẽ là môi trường tốt giúp chúng ta dễ dàng cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa, thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bên ngoài hơn là nội tâm bên trong. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành việc của riêng ta, và vì thế sinh ra tự phụ, tự mãn, kiêu căng. Không cầu nguyện, công việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém.  

Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp ta chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn. Cũng chính vì sự cần thiết của nghỉ ngơi và cầu nguyện, mà hàng năm Giáo hội khuyên những người sống đời thánh hiến phải dành những khoảng thời gian trong năm, tạm gác lại mọi công việc bận rộn ồn ào để đi vào nơi tĩnh lặng tĩnh tâm, linh thao hay thường huấn, nơi đây họ sẽ nhìn lại những thành công, những thất bại, và ngay cả những dự tính cho tương lai sứ vụ nữa. Như vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu ngày xưa với các tông đồ, cũng là lời mời gọi bổ ích cho mỗi người chúng ta ngày nay, là cần phải dành thời gian cho việc nghỉ ngơi dưỡng sức sau những ngày tháng làm việc vất vả: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một thế giới với biết bao ồn ào náo động của những công việc, giữa những sôi nổi của thành công và thất bại, Giữa những đam mê quay cuồng, của những khát khao thèm muốn; những trói buộc của sợ hãi và âu lo. Giữa lúc bị cuộc đời khước từ, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm tối mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa. Vòng xoáy của cuộc đời có khi khiến chúng con chẳng còn dành chút thời gian để nghỉ ngơi và sống an bình thư thái. Dường như từ sáng đến khuya, chúng con luôn bị những công việc hay những bận tâm chiếm hết những giờ phút nghỉ ngơi cần thiết. Đã mệt mỏi, đời sống của chúng con càng trở nên căng thẳng và bất an hơn. Chính vì thế mà việc dành thời gian nghỉ ngơi không phải là lãng phí, nhưng là điều rất cần thiết cho mình. Khi thể lý và tinh thần chúng con được thư thái, chúng con mới có thể cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào của cuộc sống.

Sau những bôn ba, vất vả của mưu sinh, nghỉ ngơi là nhu cầu cần thiết để phục hồi thể xác và tinh thần. Nghỉ ngơi không phải chỉ là để “tạm dừng” sau những giờ lao tác mệt nhọc, mà còn giúp mang lại sự hồi sinh để con người tiếp tục vui sống. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho con người có nhu cầu nghỉ ngơi để con người biết dừng lại, để biết chăm lo cho sức khỏe và tưới mát tâm hồn. Khi biết cách tách mình ra khỏi vòng xoáy lo lắng của cuộc sống, con người mới có thể đứng vững trước gánh nặng của phận người. Xin giúp chúng con biết quay về bên Chúa, để gặp gỡ Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa; nhờ đó chúng con được lãnh nhận sức mạnh Chúa ban để tiếp tục lên đường trong yêu thương và phục vụ anh chị em. Amen.

Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH