CHÚA GIÊSU LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI ?

CHÚA GIÊSU LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI TÔI

 LmGiuse Nguyễn Quốc Quang

Một nhà lãnh đạo Trung Hoa theo Kitô giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi nhà lãnh đạo Trung Hoa rằng: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô giáo?” Ông đáp: “Có ba lý do. Thứ nhất, Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư. Thứ hai, Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống. Thứ ba, Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế là vị thẩm phán”. Đó là những lý do và cũng là lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế được lưu truyền trong suốt lịch sử Giáo hội, khởi đầu từ các Tông đồ.

Quả thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không hỏi các Tông đồ: “Các con tin gì? Các con coi điều gì là phải, là quan trọng nhất trong đời? Nhưng Ngài hỏi: “Các con nói Thầy là ai?” Các Tông đồ đã nói cho Chúa biết dư luận của dân chúng rằng: Kẻ thì nói Chúa là ông Gioan Tẩy giả. Kẻ thì bảo là ông Êlia. Có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Vì sao người ta lại nghĩ Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy giả sống lại? Vì Vua Hêrôđê sau khi nghe những việc Chúa Giêsu đã làm, ông đã xác định đó là Gioan bị Vua chém đầu đã sống lại, cho nên dân cũng nghe theo (Mt 14,1-2: Mc 6,14-16). Tại sao có người nghĩ Chúa Giêsu là ông Êlia?

Bởi vì, thời đó, trong niềm mong đợi Đấng Mêsia, người ta luôn mong đợi ngôn sứ Êlia sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến (Ml 3, 23-24). Tại sao có người lại nghĩ Chúa Giêsu là ông Giêrêmia hay là một trong các ngôn sứ? Vì đối với dân Do Thái, một vị ngôn sứ xuất hiện là dấu chỉ niềm hy vọng: Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước. Ngài sắp đến viếng thăm cứu chuộc dân Ngài. Rõ ràng, tùy góc cạnh tiếp xúc, tùy trình độ hiểu biết, các người dân có những những câu trả lời khác nhau về Chúa Giêsu. Nhưng những câu trả lời ấy chưa chính xác cho nên Chúa Giêsu hỏi chính các Tông đồ: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Thánh Phêrô đã thay mặt toàn thể anh em khác thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

“Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”, lời tuyên xưng ấy của Thánh Phêrô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha (Mt 9, 1-8 ; Ga 5,17-23 ), vừa là người thật như ta (Pl 2,7; Dt 4,15 ). Ngài có hai bản tính, vừa bản tính Thiên Chúa, vừa bản tính loài người, trong cùng một ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa (Ga 1,14;20,24-29). Ngài cao trọng biết bao trong chức vụ của Ngài. Ngài còn cao trọng hơn tất cả những tước hiệu, vì Ngài là chính con Thiên Chúa hằng sống. Vậy phải biết vượt qua các tước hiệu bên ngoài để tìm tới chính Ngôi vị thâm sâu của Đức Kitô. Đó là tất cả ý nghĩ cao xa của đức tin: Đức tin là cuộc gặp gỡ trực tiếp với Con Thiên Chúa. Câu trả lời của Thánh Phêrô dựa trên hai yêu tố vững chắc đó là yêu tố tự nhiên và siêu nhiên.

Trước hết, yêu tự nhiên: ông Phêrô, người là kẻ từng chứng kiến lời nói và phép lạ của Chúa Giêsu. Nào những lần được thấy Chúa chữa bệnh, hai lần hoá bánh ra nhiều, nào những lần chứng kiến Chúa đi trên mặt biển và trợ giúp Phêrô bị lao đao trên sóng nước. Còn yếu tố siêu nhiên của đức tin Phêrô là chính ngài được thêm ánh sáng Chúa Thánh Thần soi dẫn bên trong mà chính Chúa Giêsu đã nói rõ với ông hôm nay: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Đức tin Công giáo của chúng ta trước hết không phải là một vấn đề lý thuyết, một tổng số chân lý siêu hình, hay chỉ là một tín điều mà là chính Đức Giêsu Kitô. Trong Ngài, Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài là hành động quyết định, là biến cố chủ yếu trong đời sống chúng ta. Cho nên, hôm nay Đức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho mỗi người chúng ta rằng: “Con bảo Thầy là ai?” Ngài nhắm thẳng vào mỗi người trong chúng ta, đòi chúng ta phải trả lời. Và câu trả lời của ta không phải là câu trả lời máy móc, không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở, nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ, phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm gặp gỡ và sống thân tình với Đức Giêsu.

Vì vậy, câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi của Chúa Giêsu là hãy sống tận căn thân phận của Chúa Giêsu, tức sống chân thật với Lời Chúa hằng ngày. Cụ thể, ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi, Chúa Giêsu loan báo con đường duy nhất dành cho người môn đệ đó là con đường Thập Giá mà Chúa đã đi qua. Chúa Giêsu đã sống phận con người với tất cả bấp bênh tăm tối, đã phải chịu đau khổ, chịu hành hạ và sỉ nhục, chịu vác thập giá và chịu chết.

Tôi có dám sống chết với phận con người của tôi hay chính hoàn cảnh của tôi giờ này trong cuộc sống hiên tại với niềm vui, tin tưởng và phó thác không? Tôi có dám từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ngài để trọn tình nghĩa với ông, bà cha mẹ, vợ chồng hay con cái trong gia đình tôi chưa? Chúa Giêsu đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật, tôi có dám hiến mạng sống của tôi vì Chúa và vì Tin Mừng của Chúa không? Chúa Giêsu đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt, tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó để phục vụ Chúa và tha nhân chân tình chưa?

Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, một đức tin có thật bên trong, một đức tin mà ông sẵn sàng sống chết với nó, thì Đức Giêsu tuyên bố: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi». Chúng ta cũng vậy, trước khi chịu Phép Rửa Tội, linh mục hỏi người chịu rửa tội, anh chị em xin gì? Chúng ta thưa, xin đức tin. Linh mục hỏi tiếp, đức tin sinh ích cho con. Anh chị thưa: đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Như vậy, để đức tin của chúng ta sống và sinh ích thì chúng ta phải hành động và chứng tỏ đức tin ấy bằng chính cuộc sống người môn đệ của Chúa, bằng những lời ăn tiếng nói và hành động cụ thể phù hợp Chúa và với Lời Chúa vì chưng /, nhà thần học Arialdo Beni nói rằng: “Đức Tin không phải là kết quả của hoạt động con người, nhưng mà kết quả của hoạt động phối hợp với Thiên Chúa và con người.

Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết luôn lấy Chúa làm gia nghiệp và Lời Chúa làm lẽ sống hằng ngày như thế chúng ta mới xứng đáng là những viên đá tảng của gia đình, của giáo xứ và Giáo Hội. Và đó gia đình chúng ta chan hoà yêu thương, giáo xứ chúng ta luôn hiệp nhất nên một trong Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo Hội được làn rộng khắp nơi. Amen.