Tội lỗi và ơn thứ tha

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - NĂM B

"Hãy sám hối và tin vào Phúc âm", đó là lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu, khi Người khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng. Tin vào Phúc âm là tin vào Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha. Sám hối là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa.

 
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành. Bức tượng này gắn liền với một câu chuyện kể rằng, ngày kia, tại nhà thờ này có một người đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục răn đe: "Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh". Hối nhân ra khỏi tòa giải tội, lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: "Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!". Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lổ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: "Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con". Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: "Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ!".
 
Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm ấp cả vũ trụ này, trong đó có cả người tốt và người chưa tốt, người công chính và các tội nhân. Ngài luôn mời gọi con người hãy canh tân hối cải. "Hãy sám hối và tin vào Phúc âm", đó là lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu, khi Người khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng. Tin vào Phúc âm là tin vào Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha. Sám hối là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa. Khi sám hối, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Ý thức thân phận tội lỗi và những khuyết điểm yếu kém nơi bản thân, chúng ta sẽ có cái nhìn quảng đại và bao dung hơn đối với người khác.
 
Câu chuyện ngôn sứ Giona là một minh chứng về lòng bao dung rộng lượng của Thiên Chúa. Dân thành Ninivê đang sống trong tội lỗi. Chúa đã sai ngôn sứ Giona đến để kêu gọi họ sám hối. Khi nghe lời cảnh báo của vị ngôn sứ, từ bậc vua chúa cho đến thứ dân tại Ninivê đều ăn năn sám hối. Chúa không phạt họ như đã báo trước, vì họ đã nhận ra tội lỗi của mình và hối cải canh tân. Câu chuyện này cho thấy, dù con người tội lỗi đến mức nào, nhưng thành tâm sám hối lỗi lầm và thiện chí canh tân, thì Chúa sẽ tha thứ.
 
Nhiều người biện minh cho sự lười biếng của mình bằng cách đưa ra lập luận: "Tôi không muốn đi xưng tội, vì tôi biết xưng xong sẽ phạm tội tiếp". Người khác lại dựa vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa để biện minh cho lối sống buông thả của mình. Cả hai cách lập luận trên đều là cố tình hiểu sai giáo huấn của Giáo Hội. Vẫn biết rằng con người yếu đuối, dễ dàng phạm tội sau mỗi lần xưng tội, nhưng việc năng xưng tội nói lên thiện chí của chúng ta, muốn chừa bỏ tội lỗi để sống đẹp lòng Chúa. Vẫn biết rằng Thiên Chúa bao dung nhân hậu, nhưng Ngài chỉ tha thứ cho những ai có lòng cậy trông và chân thành sám hối những lỗi lầm của mình. Lòng chân thành ấy, chúng ta có thể chứng minh bằng lời cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích và xa lánh các dịp tội.
 
Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân từ bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen và khắt khe với người đồng loại. Câu chuyện trên đây cho thấy điều đó. Vị linh mục đã diễn tả Thiên Chúa theo lối hành xử của con người, mà không nghĩ đến lòng bao dung vô bờ của Thiên Chúa. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường xét đoán và phê phán nhau. Có những lúc, do ích kỷ và hận thù, chúng ta nhận định sai lạc về một con người và làm cho họ bị tổn thương. Đây là lời mời gọi chúng ta hãy có lòng bao dung như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.
 
Lời Chúa hôm nay cũng muốn dạy chúng ta: Cuộc sống này, dù giàu có sang trọng hay nghèo hèn khiêm tốn, cũng đều có điểm kết thúc. Vì thế, đừng quên rằng mình sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Nghĩ đến lúc kết thúc cuộc đời sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn. Nghĩ đến ngày phán xét, ta sẽ sám hối tội lỗi, canh tân bản thân và xa lánh những hành vi xấu. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: trong cách sở hữu của cải, lúc vui chơi hưởng thụ, lúc gặp cảnh đau buồn, hãy nghĩ rằng cuộc đời này rất mong manh ngắn ngủi. Chỉ có hạnh phúc nước trời là lâu bền vĩnh cửu. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, bởi lẽ “thời gian chẳng còn bao lâu”. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”. Những gì ta sở hữu, chỉ là phương tiện giúp ta nên hoàn thiện ở đời này, chứ không phải mục đích. Vì vậy, đừng gắn bó đam mê tới mức tôn thờ chúng như một thứ ngẫu thần (Bài đọc II).
 
Canh tân bản thân để đón nhận lòng thương xót của Chúa, mỗi tín hữu còn được gọi lên đường theo Chúa để trở nên những sứ giả của lòng nhân hậu. Thánh Máccô kể với chúng ta việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để theo Chúa. “Hãy theo tôi”, Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta hôm nay. Như các môn đệ, chúng ta hãy nhiệt thành lên đường theo Chúa để làm chứng nhân cho Ngài trên mọi nẻo đường của cuộc sống trần gian.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://gphaiphong.org