Lễ Thánh Gia Thất là một dịp rất quý báu để cùng suy nghĩ về gia đình Ki-tô hữu. Na-gia-rét đã trở thành một địa danh quen thuộc không hẳn vì là nơi được Tân Ước nhắc đến, mà vì từ nơi đó mọi Ki-tô hữu có thể chiêm ngưỡng một gia đình gương mẫu nhất, đẹp nhất, hạnh phúc nhất, thánh thiện nhất.
Đó là gia đình thánh, gồm ba thành viên Giu-se – Ma-ri-a và Giê-su. [*]
Vài nét về gia đình Na-gia-rét
Người trụ cột gia đình là Giu-se, một bác thợ mộc và là cha nuôi của Đức Giê-su. Giu-se vẫn được coi là một con người hiền lành và ít nói. Thánh kinh dường như không ghi lại lời nào của ngài. Thay vào đó, con người kín đáo ấy lại luôn là biểu tượng của lòng trung tín, tinh thần trách nhiệm và sự chuyên cần lao động.
Giu-se trung tín vì ông vâng phục và thi hành trọn vẹn ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc khó khăn và trong những tình huống khó hiểu nhất.
Giu-se cũng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao vì ông hoàn thành tốt đẹp bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình. Giu-se ít nói và hiền lành nhưng con người ấy sống dũng cảm và đầy nghị lực. Ông đã vượt qua chính mình để cho thánh ý Thiên Chúa thể hiện nơi bản thân và trong cuộc sống mình.
Giuse cũng rất chuyên cần lao động để nuôi sống gia đình, để làm gương cho con trẻ Giê-su. Tấm ảnh đạo “Thánh Gia” trong đó Giu-se thợ mộc cầm cưa xẻ gỗ trong khi con trẻ Giê-su phụ việc lăng xăng bên cạnh, còn Ma-ri-a đang chuyên chú làm việc nội trợ…vẫn còn là một trong những ảnh đạo được trân trọng, ưa thích nhất bởi nét đáng yêu mộc mạc của cảnh sinh hoạt đầm ấm, thân thương nơi gia đình Na-gia-rét.
Về phần Ma-ri-a, người đã đính hôn với Giu-se, là một thiếu nữ được chị Ê-li-sa-bét xưng tụng là “Trong nữ giới có người là diễm phúc!” (Lc 1,42). Ma-ri-a thật diễm phúc vì được chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế. Nhưng Ma-ri-a lại là một phụ nữ rất kín đáo, thánh thiện, khiêm nhu và trong sáng.
Ma-ri-a diễm phúc không phải do công đức của mình nhưng do tình thương của Thiên Chúa, nên cô hết mực khiêm nhu, hết mực kín đáo. “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài” (Lc 1,38).
Cũng như bạn mình, ông Giu-se, Ma-ri-a hiền hậu, ít nói, cô sống vâng phục và lo chu toàn mọi bổn phận của một người vợ hiền, của một người mẹ đầy tình yêu thương. Sự kín đáo, tế nhị và thánh thiện của Ma-ri-a đã biểu lộ trong bài ca Magnificat và nhất là trong suốt cuộc đời trần gian của ngài.
Cuộc đời của Ma-ri-a có thể đóng khung trong tiếng “Xin vâng!”. Tại tiệc cưới ca-na (x. Ga 2, 1-12), Ma-ri-a chỉ lẳng lặng nói một câu, “Ngài có bảo gì, hãy làm theo!”. Và ý định của Thiên Chúa đã thành sự bắt đầu từ hai tiếng “Xin vâng!” lúc diễn ra biến cố truyền tin, cho đến đồi Gôn-gô-tha nơi mà ngài chỉ biết đứng lặng yên để nghĩ suy mầu nhiệm của Con và đón nhận trong vâng phục ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19, 25-27).
Niềm kính thờ Thiên Chúa, tình yêu thương đầm ấm trong cộng đồng gia đình, sự chấp nhận hoàn cảnh sống và tình huống nào bất kỳ theo ý Thiên Chúa, sự lo toan chu toàn bổn phận của cha, của mẹ, của con…đã tạo nên nơi gia đình Na-gia-rét một nét đặc trưng và một khuôn mẫu sống đạo tuyệt vời cho các gia đình Ki-tô hữu mọi thời, mọi nơi.
Bầu khí gia đình Giu-se - Ma-ri-a - Giê-su đã được thánh Lu-ca mô tả tóm lược như sau: “Và Ngài đã xuống với ông bà về Na-gia-rét. Và Ngài hằng tùng phục hai ông bà. Còn mẹ ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng bà. Và Đức Giê-su cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng, và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,51-52).
. . . . . . . . . . . . . . .
Còn gia đình của chúng ta thì sao?
Xin nhắc lại là thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục VN năm 2002 chủ đề “Thánh hóa gia đình” đã nêu rõ như sau:
“Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị…” (số 6).
Qua giáo huấn trên, mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta có nhiều gợi ý để suy nghĩ và quyết tâm thực hành Lời Chúa, noi gương gia đình thánh ở Na-gia-rét khi xưa, hướng tới mục đích:
- Xây dựng một gia đình Ki-tô giáo thánh thiện, yêu thương, đầy lòng bao dung và tinh thần trách nhiệm;
- Xây dựng một mái ấm hạnh phúc, trong đó mọi thành viên biết hy sinh cho nhau, biết sống và lao động vì người khác;
- Xây dựng một cộng đồng nhỏ bé ngày càng bền vững, gắn bó, thủy chung, dõi theo sự hiệp thông mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh của Ngài;
- Xây dựng một môi trường thuận lợi, thích hợp nhất nhằm đào tạo những tín hữu ưu tú cho Hội thánh và những công dân hữu ích cho xã hội ./.
Aug. Trần Cao Khải
________________
[*] Các câu Thánh Kinh sử dụng trong bài dựa theo bản dịch Thánh Kinh của LM Nguyễn Thế Thuấn DCCT năm 1976