31/10 – Thứ Tư tuần 30 thường niên.
"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Lời Chúa: Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.
Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Suy Niệm 1: Hãy Vào Qua Cửa Hẹp
Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Con Ðường Dẫn Ðến Tự Do
Chính phủ Nam Phi mới đây đã quyết định cho đúc bức tượng cao ba mươi tầng lầu của nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền là cựu tổng thống Nelson Mandela. Theo dự trù, tượng đài kỷ niệm ông Mandela sẽ cao một trăm mười thước và được đặt tại hải cảng Elisabeth để cho những du khách tới Nam Phi qua đường biển phía đông chiêm ngưỡng người lãnh tụ khả kính này.
Song song với dự án bức tượng này, chính phủ Nam Phi sẽ làm một con đường đi bộ dài khoảng sáu trăm thước dẫn tới tượng đài. Con đường đi bộ này được đặt tên như trong bảng tóm lược đọc lên khi ông Nelson Mandela nhận giải Nobel Hòa Bình như sau: "Con đường dẫn đến tự do". Ông Nelson Mandela được trả tự do sau hai mươi bảy năm bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi cầm tù. Ông đã được bầu là tổng thống Nam Phi năm 1994.
Con đường dẫn đến tự do cho cá nhân ông Nelson Mandela, cho dân tộc Nam Phi cũng như cho cả thế giới là một con đường dài đến hai mươi bảy năm, qua đó ông đã trải qua không biết bao nhiêu gian khổ trong chốn tù đày. Con đường dẫn đến tự do nào cũng là con đường hẹp, đầy chông gai. Qua hình ảnh con đường của nhà đấu tranh Nelson Mandela chúng ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa thánh Luca lại đặt Chúa Giêsu trong tư thế lên đường tiến về Giêrusalem. Với cái nhìn của vị thánh sử này cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình về Giêrusalem mà điểm đến cuối cùng là Núi Sọ và vinh quang phục sinh.
Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng Tin Mừng ngoài đường, cuối cùng cũng chết ngoài đường. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc lên đường và ra đi không ngừng. Ngài kêu gọi tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài lên đường và ra đi như thế: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Ta". Trong lệnh lên đường ban bố cho các môn đệ, Ngài nói rõ với các môn đệ: "không mang theo giày dép, bao bị, túi tiền, vào nhà nào người ta cho ăn thứ nào hãy ăn thứ đó, ai không đón tiếp thì đi ra".
Tóm lại, ra đi và lên đường là tư thế đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai muốn làm môn đệ để đi theo Chúa Giêsu. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ một nơi này để đến một nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Ðây chính là cuộc ra đi và lên đường mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở ra cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria
Ðấng đã vội vã lên đường để đến với người chị họ Elisabeth luôn đồng hành với chúng ta, Mẹ giúp chúng ta biết nhìn về phía trước và tiến bước trong hân hoan, tin tưởng và cậy trông.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Không Có Đồ Bổ Béo Trên Bàn Tiệc Nước Trời
Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài những kẻ được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc. 13, 23-24)
Đức Giêsu lên đường về Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Nhiều lần Đức Giêsu nói Giê-ru-sa-lem là thành nơi các ngôn sứ bị kết án chết. Lời kêu gọi của Đức Giêsu càng ngày càng khẩn cấp. Thời giờ gần hết, phải lo cải thiện kẻo quá trễ.
Kẻ không được vào
Trong dân Ít-ra-en, người ta tranh luận nhiều về ơn cứu độ, một số kẻ cho rằng tất cả con cái Ít-ra-en đều được cứu độ. Số khác nói chỉ có những kẻ còn sót lại thôi. Khi nghe Đức Giêsu nói về nước trời đã đến, người ta hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?”. Người không đáp thẳng. Người nhấn mạnh mọi người phải cố gắng để vào vì cửa nước trời rất hẹp, những kẻ kiêu ngạo bành trướng, những kẻ tham lam, nông nổi chạy theo những tham vọng xác thịt không thể vào được nước trời. Chỉ có những kẻ bé mọn, những kẻ kiềm chế được dục vọng xác thịt, mới có thể ép mình lại chui qua cửa hẹp để vào được dự tiệc thiên quốc.
Xã hội chúng ta chỉ thích tìm an nhàn thoải mái, sung sướng thỏa mãn và tiêu xài phung phá của cải trái đất, không nghĩ gì đến tương lai. Mọi người đều phì nộn cả thể xác lẫn tinh thần vì đã thỏa mãn những ham muốn thì những lớp mỡ béo bọc lấp con tim không còn chỗ cho lời Chúa thấm nhập nữa.
Trương phình do quá đầy đủ
Ngoài ra, đến lúc người ta không ngờ, cửa đóng lại và không ai có thể vào được nữa. Những kẻ đứng ngoài dù nói ngon ngọt hay lắm: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài và Ngài cũng từng giảng dạy trong những đường phố của chúng tôi. Chúng tôi còn là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham, thuộc gia đình thừa hưởng lời Chúa”. Chúng thích hiểu biết và giữ lề luật Chúa, nhưng không có con tim, tấm lòng mộ mến sống lề luật, nên tất cả những kẻ đó đều bị loại ra ngoài. “Tất cả các ngươi đều làm điều bất chính”.
Để thuộc về dân Thiên Chúa thật phải đón tiếp Đức Giêsu. Chính đức tin vào Đức Giêsu làm cho họ nhỏ bé, gầy gò đi để có thể vào cửa hẹp trước khi cửa đóng lại. Như vậy, con cháu của các tổ phụ là khách được mời trước nhất, lại tự thấy mình bị loại, trong khi lương dân đến sau đã sống theo lời Chúa, nên đã được nhận vào nước trời.
RC
Suy Niệm 4: ĐƯỜNG HẸP DẪN ĐẾN SỰ SỐNG (Lc 13, 22-30)
Xem lại CN 21 TN C
Một gia đình nọ có hai người con trai. Cha của hai anh em là một người nông dân bình thường. Mẹ là người nội trợ. Nói chung gia đình nghèo, cộng thêm chuyện ông bố lại thường xuyên đau bệnh. Hai anh em bàn tính với nhau, người anh nói với người em rằng: “Em ở nhà chăm sóc cha mẹ, anh đi kiếm tiền thật nhiều để về giúp mẹ cha tuổi già và lo thuốc thang cho cha”. Người em hỏi: “Anh định kiếm tiền bằng cách nào?” Anh trả lời: “Anh sẽ đi tham gia băng cướp, chỉ có cách này là nhanh có tiền để lo cho cha mẹ...”. Và cuối cùng thì người anh đã quyết định hành nghề đâm thuê, chém mướn. Lúc ban đầu tiền bạc đến với anh quá nhiều, đến nỗi không những có tiền lo cho gia đình, anh ta còn nổi tiếng về cách ném tiền qua cửa sổ nơi những cuộc ăn chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng... Tuy nhiên, chẳng bao lâu, anh ta đã bị căn bệnh thế kỷ Sida và đã chết khi tuổi đời còn khá trẻ.
Câu chuyện trên đây chỉ là ngụ ngôn nhằm dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay để hiểu được giáo huấn của Đức Giêsu rằng: con đường hẹp là con đường dẫn đến sự sống. Còn con đường thênh thang là con đường dẫn đến diệt vong. Muốn có được sự sống đời đời, con người phải cộng góp vào hành trình tìm kiếm đó bằng những sự hy sinh, và đôi khi cả cái chết hữu hạn để đổi lấy sự sống đời đời. Trên hành trình tìm kiếm đó, thánh Phaolô đã ví mình như một vận động viên chạy đua. Phải dày công tập luyện và chiến đấu với những cám dỗ... Vòng hoa chiến thắng chỉ được trao cho những ai đạt được thành tích xuất sắc sau những vất vả mà thôi.
Thật vậy, con đường theo Chúa của mỗi chúng ta sẽ gặp đầy thử thách chông gai. Con đường đó là con đường hẹp. Con đường lên Golgotha. Con đường của thập giá. Nhưng nếu muốn được hạnh phúc thật thì hẳn chúng ta không có con đường nào khác, đó là con đường đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy theo Ta”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy trung thành theo Chúa trên con đường thập giá. Con đường của yêu thương, phục vụ. Con đường đi đến với những người ốm đau, bệnh tật, những người nghèo... Con đường hy sinh của thập giá. Con đường đó là con đường hẹp. Con đường của tự hủy, hy sinh, từ bỏ chính mình để xây dựng hạnh phúc của tha nhân.
Đây là con đường khó và chẳng mấy ai đi! Tuy nhiên, nếu chúng ta trung thành đi trên con đường đó với tình yêu được lồng vào ngang qua hành động, cử chỉ của chúng ta, ắt chúng ta sẽ bình an và sẽ được phục sinh. Nếu không đi theo con đường đó, ngược lại, chúng ta cứ mải mê trong vũng lầy êm ái của tội, của thực dụng, của danh vọng, của quyền hành, thì đến ngày chung cuộc, chúng ta sẽ bị loại ra ngoài, nơi đó sẽ phải khóc lóc và nghiếm răng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm đi theo Chúa trên con đường hẹp, để được sống đời đời. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Cửa hẹp
Suy niệm:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.Amen
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.