Thứ Tư 25/11/2020 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa.

Thứ Tư 25/11/2020 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa.

"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất".

 

Lời Chúa: Lc 21, 12-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Một sợi tóc

Suy niệm:

Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,

một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.

Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.

Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.

Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.

Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,

muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.

Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,

đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.

Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại

xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.

Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.

Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).

Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,

và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).

Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).

Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy

đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.

Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.

Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.

Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,

như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do và lương tâm,

khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.

Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,

chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.

Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.

Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.

Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.

Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,

dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.

Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.

Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).

Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.

Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).

Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).

Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.

Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).

Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.

Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)

nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.

Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),

nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.

Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Càng về cuối thời gian người tôi tớ Chúa càng khốn đốn. Vì thế gian càng trở nên điên cuồng. Quyền lực trần gian muốn khẳng định mình. Ra tay bắt bớ hành hạ những người tôi tớ của Thiên Chúa. Quyền lực này thật ghê gớm. Gây nên chia rẽ trong bản thân. Trong người thân. Trong gia đình: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”. Người công chính sẽ bị nộp. Bị kết án. Và bị giết chết. Nhưng Chúa căn dặn ta đừng sợ. Đó chính là cơ hội làm chứng cho Chúa. Và Thánh Thần sẽ soi sáng cho ta biết phải nói gì để chống lại thế gian gian ác bất công. “Cứ kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Điều đó đã được chứng nghiệm thời ông Đa-ni-en. Đế quốc Ba-by-lon vô đạo quá hùng mạnh. Dân Chúa bị bắt làm nô lệ. Những thanh niên ưu tú như Đa-ni-en phải phục vụ nhà vua. Vua Bên-sát-xa càng ngông cuồng hơn vua cha Na-bu-cô-đô-nô-sô. Coi mình hơn Thiên Chúa. Chúa đã ra tay. Bàn tay hiện lên viết những hàng chữ mà nhà vua không hiểu. Bấy giờ phải thỉnh cầu Đa-ni-en. Đa-ni-en cho biết: “Ngài tự cao tự đại, đã chống lại chúa Tể trời cao….Vì thế, Thiên Chúa đã cho phần bàn tay ấy đến viết những hàng chứ kia…vương quốc của ngài đã bị phân chia và trao cho các dân Mê-đi và Ba-tư”. Đa-ni-en, người nô lệ đã trở thành người làm chứng cho Chúa (năm lẻ).

Thế lực trần gian điên cuồng ngạo mạn. Nhưng rồi sẽ tàn lụi. Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Cơn lôi đình của Thiên Chúa sẽ đến chấm dứt thời gian và không gian của thế lực trần gian. Thiết lập vương quốc mới “như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa và hát bài ca của ông Mô-sê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên; họ hát rằng: ….Chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan, vì ai ai cũng đều thấy rõ những phán quyết công minh của Ngài” (năm chẵn).

Trong thời gian cuối cùng này chúng ta sẽ gặp rất nhiều khốn khó. Sự dữ nổi lên tư bề. Ma quỉ muốn một lần cuối cùng vùng vẫy chống lại Thiên Chúa. Bắt bớ những tôi tớ trung tín. Muốn áp đặt sự dữ và vương quốc của nó trên trần gian. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Hãy can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt các vua quan thời đại mới. Bằng đời sống siêu thoát. Không theo thói đời. Hãy tin tưởng. Trần gian rồi sẽ qua đi. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Chúa. Cứ kiên trì. Ta sẽ được giải thoát.

 

Suy Niệm 3: Cơ hội làm chứng

Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.

Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.

Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.

Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.

Xin cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả cảnh huống nào của cuộc đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Đối mặt với thử thách

Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc. 21, 17-19)

Người ta cứ tưởng rằng những người Kitô sẵn lòng tuyên xưng sứ điệp tình yêu và lòng thương xót, thì họ phải luôn luôn được đón rước, được thông cảm và được ca ngợi. Quá ảo tưởng! trái lại, họ là những tuyển sinh hoàn toàn được chỉ định chịu bắt bớ khổ nhục, chỉ vì lý do đơn giản này: sứ điệp của Đức Kitô là cách mạng, nó quấy rầy và phản đối những thói sống và những cách suy nghĩ của người đời.

Người ta chống đối Đức Kitô từ hai ngàn năm rồi. Người ta đã tấn công, hành xích các tông đồ và các Kitô hữu thời đầu tiên. Người ta cũng thấy xảy ra cho các tín hữu thời nay như vậy.

Là dịp để làm chứng

Đối với một Kitô hữu, phải được dự phần vào bị chống đối, bị dẫn đến khổ đau và bị đánh giá là tiêu cực. Sự chống đối cho họ có dịp làm chứng tốt hơn khi được đặc quyền đặc lợi. Người Kitô trở nên tốt hơn cho nhiều người khi người ta tấn công mình. Thử thách làm mình trưởng thành, sửa chữa mình, tăng nghị lực gấp bội cho mình, quyết tâm xác tín hơn và để có thể đạt nhiều thành tích tốt đẹp hơn. Thật ngược đời, chính giữa cơn thử thách và bị hành khổ, người Kitô có thể đạt tới đỉnh phong phú. Tất cả xảy ra đối với mình như xảy ra đối với Đức Kitô. Chính giờ phút này Thiên Chúa ở gần mình nhất và thực hiện một lần nữa mầu nhiệm đau khổ và sự chết để trở thành nguồn sự sống.

Những Kitô hữu quá yên ổn thì sao?

Nếu tất cả những điều trên là đúng, thì chúng ta phải tự hỏi mình: Có khi nào tôi đã chịu bắt bớ vì đức tin chưa? Có khi nào tôi chịu thử thách và chịu đau khổ vì lý do xác tín tôi là Kitô hữu không? Nếu chưa có bao giờ thì có lẽ niềm tin của tôi quá yếu, vì tôi là Kitô hữu quá sống yên ổn, vì tôi là một môn đệ quá yếu hèn của Đức Kitô. Khi một Kitô hữu thật sự không lo lắng tới ai, thì phải dành nhiều giờ để xét mình, để tự tra hỏi mình về giá trị hiện sinh Kitô hữu của mình? Đời sống Kitô hữu của mình có giá trị gì không?

RC

 

Suy Niệm 5: ĐAU KHỔ VÌ ĐỨC TIN (Lc 21, 12 – 19)

Xem lại thứ Sáu tuần 14 TN

Mang trong mình thân phận con người, với đầy đủ những giới hạn nhất định, chúng ta hẳn không thoát ra khỏi cảnh sợ hãi khi thử thách, đau khổ và cái chết xảy đến. Những người Công Giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặt khác, người Công Giáo cũng không phải là hội của những người liều lĩnh để rồi coi những đau khổ, thử thách và bắt bớ như là một thành tích... Chắc chắn là không, và Đức Giêsu cũng không cổ súy cho chúng ta lựa chọn với thái độ như vậy!

Tuy nhiên, có những thử thách mang lại cho chúng ta niềm tin. Có những đau khổ mang lại cho chúng ta sự hãnh diện. Có những cái chết sẽ trả lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu! Tại sao thế? Thưa chính vì Chúa, vì Đạo mà chúng ta bị như thế thì thật là phúc cho chúng ta.

Theo lẽ thường, những người sống niềm tin của mình, thi hành cốt lõi Tin Mừng trong cuộc sống, thì sự bắt bớ, đàn áp, đánh đập và giết chết là số phận phải trả cho những lựa chọn vì Nước Trời.

Hậu quả này đã đến với Đức Giêsu và tất cả những ai tin cũng như rao giảng danh Ngài thì cùng chung số phận như vậy.

Thật thế, suốt dòng lịch sử hơn 2000 năm, Giáo Hội Công Giáo không ngừng bị bắt bớ... hàng hàng, lớp lớp, những con người trung kiên với đức tin đã phải đầu rơi máu đổ trên khắp mọi nơi... Vì thế, số phận của Thầy cũng là của trò, vì: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”.

Ở mọi thời, người ta có thể kết án với đầy đủ mọi thứ tội. Tuy nhiên, mẫu số chung cho các bản án đó là chết vì đức tin, vì đạo, vì danh Chúa Kitô. Như thế, cuộc đời đầy thử thách của các ngài đã ứng nghiệm với Lời của Đức Giêsu: “Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét”.

Trong cuộc sống hôm nay, những bách hại đó vẫn còn, nhưng có khác hơn vì nó đến từ nhiều phía, như: tự do tôn giáo không được đảm bảo; lương tâm con người bị chà đạp, o ép, công lý thuộc về đám đông. Số phận của những người lương thiện bị coi rẻ. Sự thật không được tôn trọng. Công bằng, công lý bị tước đoạt... Tất cả những thứ đó đưa người Kitô hữu vào một cuộc bách hại tận sâu thẳm từ lương tâm khi khước từ những điều bất chính, nghịch với đạo lý Tin Mừng.

Trước thực trạng đó, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trung thành với Lời Chúa dạy để sống trọn vẹn giá trị của Tin Mừng. Chấp nhận thiệt thòi phần xác để được lợi phần hồn. Đón nhận mọi đau khổ khi đứng lên đấu tranh cho công lý và công bằng. Và, nếu có phải đánh đổi để đón nhận phần thưởng sự sống đời đời thì hãy sẵn sàng và cố gắng, vì quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường đưa đến hạnh phúc thật chính là con đường khổ giá. Xin Chúa ban cho chúng con cam đảm, trung thành đi theo Chúa đến cùng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News