Thứ Tư 22/07/2020 – Thứ tư tuần 16 thường niên – THÁNH NỮ MARIA MADALENA. Lễ Kính. – Hãy báo tin cho anh em Ta hay.

Thứ Tư 22/07/2020 – Thứ tư tuần 16 thường niên – THÁNH NỮ MARIA MADALENA. Lễ Kính. – Hãy báo tin cho anh em Ta hay.

"Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?"

 

Vốn là người phụ nữ tội lỗi đã được Chúa Giêsu ban ơn tha thứ, Maria Mađalêna đã hết tình phục vụ Người. Trong cuộc thương khó, khi các Tông Đồ mạnh ai nấy chạy thì thánh nữ đã can đảm đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu, cùng với Đức Maria, tông đồ Gioan và một số phụ nữ khác. Đức Giêsu đã tưởng thưởng lòng trung thành đơn sơ của thánh nữ khi hiện ra với thánh nữ sáng ngày phục sinh và trao cho thánh nữ trách nhiệm loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ của Người. Chẳng phải vô cớ mà phụng vụ Đông phương đã gọi thánh nữ là “tông đồ của các tông đồ”.

 

Lời Chúa: Ga 20, 1. 11-18

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.

(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu".)

Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Họ để Người ở đâu?

Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna

đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện.

Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu

trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,

đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,

trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.

Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,

dù câu chuyện giữa CGS và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.

Theo các sách Tin Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.

Chị không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),

hay cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).

Chị cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).

Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.

Chị đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ,

và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).

Chị đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).

Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).

Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho 2 môn đệ khác (c. 2).

Sau đó chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).

Nếu không mến Thầy, chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.

Ngôi mộ tự nó là nơi buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.

Những giọt nước mắt của chị làm ai cũng phải mủi lòng.

Thiên thần và Đấng phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?

Maria khóc vì thấy mình mất đi một điều quý báu.

Bận tâm duy nhất ám ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.

“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”

Ba lần chị đã nói lời tương tự như thế (cc. 2.13.15).

Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.

Ngài chạm đến nỗi đau của chị: Sao chị khóc?

Ngài chạm đến khát vọng của chị: Chị tìm ai?

Ngài gọi tên của chị bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.

Với giọng nói ấy, chị nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.

Đức Giêsu đã lau khô những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.

Chị chỉ mong tìm được xác Thầy,

thì lại gặp được chính Thầy đang sống.

Maria Mađalêna là người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),

và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).

Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.

Chúng ta đau đớn vì mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.

Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?

Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,

vì biết mình sẽ gặp được điều quý hơn cái mình đã mất.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của thập giá,

xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách

chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,

thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến

và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng

chúng con không thể nên hoàn thiện

nếu như không biết từ bỏ chính mình

và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,

không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc

chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,

là hy vọng hạnh phúc bất diệt, *** là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;

xin lấy niềm vui của Người

mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ

và trở thành mối dây yêu thương,

bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM 2: Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Bêtania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Nồng Nhiệt Ði Tìm Chúa

Maria Mađalêna là mẫu gương cho chúng ta, mẫu gương với tình yêu nồng nhiệt đi tìm Chúa, một tình yêu luôn thao thức muốn được sống gần bên Chúa. Và vì thế mà sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Maria vội vàng lên đường đi tìm Chúa. Ðây là quan tâm đầu tiên, quan tâm có ưu tiên trong cuộc sống của Maria, và khi chưa tìm được đối tượng là Chúa Giêsu trong ngôi mộ đã an táng Chúa, Maria đứng ngoài và khóc.

Chúa Giêsu phục sinh đã không để cho Maria gặp thử thách lâu. Chúa đến với Maria và gọi đích danh bà, rồi biến đổi cuộc đời từ bên trong để sai bà đi làm người chứng đầu tiên cho Ðấng phục sinh nơi các môn đệ Chúa. Trong biến cố được ghi lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây, chúng ta thấy rằng để gặp được Chúa Giêsu, những cố gắng riêng của con người không mà thôi thì chưa đủ. Chính Chúa Giêsu phục sinh là người đi bước đầu, Chúa hiện ra và gọi: Maria. Chúa đáp lại thiện ý và cố gắng của Maria. Chúa luôn làm như vậy với tất cả những ai thành tâm tìm Chúa.

Chúng ta hãy noi gương Maria luôn đi tìm Chúa. Tìm Chúa trong lời cầu nguyện ngõ hầu cuối cùng chính Chúa mạc khải chính mình ra cho kẻ tìm Ngài, ngõ hầu chúng ta có thể nhận ra Ngài và loan báo cho anh chị em chung quanh: tôi đã gặp Chúa, tôi đã nhìn thấy Chúa.

Lạy Chúa,

Xin cho con được gặp Chúa. Xin đừng để con phải rời xa Chúa là Thiên Chúa mãi mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la

(Lm. Anthony Trung Thành)

Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la mà chúng ta mừng kính hôm nay, sinh ra tại Mác-đa-la, gần biển hồ Ga-li-lê. Mặc dầu từ thế kỷ thứ VI, Giáo hội Tây Phương thường đồng hóa tên của Ngài với một số phụ nữ có tên Ma-ri-a trong Kinh Thánh. Nhưng thực sự Ngài không phải là Ma-ri-a người chị em với Mát-ta và La-za-rô (x. Lc 10,39.42), cũng không phải là người phụ nữ vô danh xức dầu cho Đức Giêsu tại Bê-ta-ni-a mà các sách Tin mừng kể lại (x. Mc 14,3-9; Mt 26, 6-13; Ga 12, 1-8). Ngài không phải là người phụ nữ tội lỗi “đã được tha thứ nhiều nên yêu mến nhiều” trong Tin mừng theo Thánh Luca (x.7,36-50), và càng không phải là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,2-11).

Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi 7 qủy (Lc 8,2). Sự việc này không có nghĩa Ngài là người phụ nữ có quá khứ tội lỗi, nhưng chúng ta chỉ có quyền hiểu vì Ngài bị qủy ám. Đây là biến cố hết sức quan trọng trong cuộc đời của Ngài. Vì sau khi được Đức Giêsu chữa lành, Thánh Nhân đã đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu. Ngài có mặt trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Ngài đã lấy của cải mình có để giúp Chúa và các môn đệ trong công việc loan báo Tin mừng. Thánh Luca kể lại: “Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ” (Lc 8,1-3).

Trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, hầu hết các Tông đồ bỏ trốn thì chính Ngài đã trung thành theo Đức Giêsu mãi tới đồi Can-vê, cùng với Đức Maria và Thánh Gioan đứng gần bên Thập Giá Đức Giêsu (x. Mc 15, 40-41). Không những thế, Ngài còn có mặt khi Đức Giêsu được người ta an táng trong hang đá.

Đặc biệt, theo Tin mừng thì Ngài là người đầu tiên gặp được Đức Giêsu phục sinh (x. Mt 27,56.61; 28,1; Mc 15,40.47; 16,1.9; Lc 8,2; 24,10; Ga 19,25; 20,1.11.16.18). Vì sao Ngài lại được vinh dự đó ? Có lẽ nhờ lòng yêu mến và nhiệt thành của Ngài đối với Đức Giêsu.

Tin mừng hôm nay kể lại rằng: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”(Ga 20,1). Ngài nhìn vào trong mộ không thấy xác Đức Giêsu đâu, nên Ngài khóc (x. Ga 20,11). Lúc đó, Đức Giêsu hiện ra với Ngài và gọi chính tên Ngài. Rồi, Đức Giêsu nhắn nhủ Ngài đi báo cho các Tông đồ biết là Người đã sống lại. Ngài đã đi và báo với các môn đệ rằng: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với Ngài (x. Ga 20,15-18).

Theo truyền thống Hy Lạp, Thánh Nữ Ma-ri-a Mác-đa-la sống quảng đời cuối cùng ở Êphêsô và qua đời tại đó.

Qua một số chi tiết liên quan đến cuộc đời của thánh Ma-ri-a Mác-đa-la chúng ta có thể rút là những bài học sau đây:

Thứ nhất, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la là một người phụ nữ quảng đại, đã góp công, góp của để giúp Đức Giêsu và các môn đệ trên con đường truyền giáo. Mỗi người chúng ta cần phải có lòng quảng đại giúp đỡ không chỉ trong công việc xây dựng các công trình vật chất của giáo xứ, giáo phận, mà còn đóng góp công của để giúp đỡ các hoạt động truyền giáo của Giáo hội tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Thứ hai, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la là người phụ nữ can đảm và trung thành. Ngài không chỉ theo Chúa khi Người rao giảng, làm phép lạ, được dân chúng tung hô mà Ngài còn trung thành ở bên cạnh Chúa trên con đường khổ giá. Cụ thể khi Ngài đứng bên Thập giá lúc Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Khi mọi người đang an giấc thì chính Ngài đã chạy ra mộ để xức thêm dầu thơm cho Thầy mình. Mỗi người chúng ta cũng hãy noi gương Thánh Nhân biết can đảm theo Chúa nhất là những lúc gặp gian nan, đau khổ và gánh nặng cuộc đời, vì “Ai muốn theo Thầy hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Thứ ba, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la đã trở thành người đầu tiên loan báo Tin mừng phục sinh. Thần học gia Augustine, Chính thống giáo, thế kỷ IV đã gọi Ngài là : “Tông đồ đối với các Tông đồ”. Tiếp tục sứ mạng của Thánh nhân và các Tông đồ, mỗi người chúng ta cũng hãy cố gắng loan báo Tin mừng phục sinh bằng lời nói, qua các phương tiện truyền thông, qua đời sống cầu nguyện và đặc biệt là bằng đời sống chứng nhân…

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la, xin cho mỗi người chúng con biết luôn trung thành với Chúa, can đảm trước những thử thách gian nan, nhất là nhiệt tâm trong việc loan báo Tin mừng Phục Sinh. Amen.

 

SUY NIỆM 5: CHÂN DUNG THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

 (dongcong.us // TRẦM THIÊN THU)

Thánh Maria Mađalêna (hoặc Maria Mácđala, Mai Đệ Liên) được cả Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, và Tin lành Luther tôn kính là một vị thánh, lễ nhớ ngày 22-7 hằng năm. Các Giáo hội Tin lành khác tôn kính bà là nữ anh hùng đức tin. Chính thống giáo Đông phương cũng kính nhớ bà vào Chúa nhật Myrrh-bearers (người mang dầu thơm).

Tên “cúng cơm” của Thánh Maria Mađalêna là Μαρία (Maria), và người ta thường chấp nhận ở dạng Latin được viết là Μαριὰμ (Mariam). Tên Maria rất phổ biến trong thời Chúa Giêsu vì liên quan việc cai trị thời Hasmonea và các triều đại Hêrôđê.

Tuy nhiên, bà bị tai tiếng vì bà bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” đã khóc và xức dầu thơm chân Chúa Giêsu.

Thực ra Maria Mađalêna (Hy ngữ: Μαρία ἡ Μαγδαληνή) là một phụ nữ đạo đức và can đảm. Trong Tân ước, Thánh Maria Mađalêna được coi là người phụ nữ quan trọng thứ nhì sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Bà đồng hành với Chúa Giêsu cùng với các Tông đồ. Bà hiện diện trong hai thời điểm quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Chịu đóng đinh và phục sinh. Trong 4 Phúc Âm, tài liệu lịch sử cổ xưa nhất nhắc đến tên bà, ít nhất 12 lần, hơn cả các Tông đồ khác. Phúc Âm diễn tả bà là người đủ can đảm nên mới có thể đứng bên Chúa Giêsu trong thời gian Ngài chịu khổ nạn, chịu chết và sau đó.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã trừ bảy quỷ và chữa bệnh cho bà (x. Lc 8:2; Mc 16:9), đôi khi được hiểu là các chứng bệnh phức tạp. Bà nổi bật nhất trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên thế gian. Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bà có mặt ở đó với Ngài, trong giây phút khủng khiếp nhất, và bà đã than khóc Ngài. Sau khi các Tông đồ “bỏ của chạy lấy người”, trừ Thánh Gioan Tông đồ, bà vẫn ở bên Chúa Giêsu. Khi an táng Chúa Giêsu, bà là người duy nhất được kể tên trong cả 4 Phúc Âm khi biết Chúa Giêsu phục sinh và chính bà là nhân chứng đức tin. Ga 20:11-18 và Mc 16:9 xác nhận bà là người đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh. Bà có mặt vào ngay giây phút đầu tiên mà sau đó biến đổi Tây phương. Bà là “Tông đồ đối với các Tông đồ”, một cách nói kính cẩn mà thần học gia Augustine (Chính thống giáo, thế kỷ IV) đã dành cho bà, và những người thời Giáo hội sơ khai cũng nói về bà như vậy.

Mặc dù ngày xưa bà bị mang tai tiếng khi người ta mô tả trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, và cả những cuốn sách và các bộ phim mới đây, như The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), ngày nay người ta cũng đồng ý điều này: “Không có chứng cớ Kinh Thánh nào chứng tỏ bà là gái điếm, người vợ, người mẹ, hoặc người yêu bí mật”.

Trong cả 4 Phúc Âm, Thánh Maria Mađalêna hầu như luôn được phân biệt với các phụ nữ khác tên là Maria bằng cách thêm chữ Mađalêna vào tên bà. Theo truyền thống, điều này có nghĩa bà là người vùng Mađalêna, một thành phố thuộc Tây duyên hải Galilê. Lc 8:2 nói rằng bà thực sự được gọi là Mađalêna. Theo tiếng Do thái, Mađalêna (Migdal, מגדל) nghĩa là “tháp”, “thành lũy”; theo tiếng Aram, Mađalêna nghĩa là “tháp” hoặc “được nâng lên, cao cả, nguy nga”. Các bản văn truyền thống Do Thái nói: “Miriam, hamegadela se’ar nasha” – Maria, người bện tóc phụ nữ (Hagigah 4b; x. Shabbat 104b), có thể nói Maria Mađalêna phục vụ như một người thợ làm tóc (kiểu làm đầu, uốn tóc ngày nay).

Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Thánh Maria Mađalêna cũng được nhắc tới bằng tên Maria ít nhất là 2 lần. Các văn bản không chính thức khác thì dùng tên Maria, Maria Mađalêna, hoặc Mađalêna.

Ngày nay, hầu như người ta đồng ý điểm quan trọng: Người ta cho rằng Thánh Maria Mađalêna là “gái điếm sám hối”, đó là vô căn cứ. Tuy nhiên, Thánh Maria Mađalêna vẫn bị lầm lẫn với các phụ nữ khác cũng tên Maria và vài phụ nữ nặc danh vẫn bị coi là phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người ta đồng hóa Maria Mađalêna với nữ tội nhân vô danh nào đó (thường biết đến là phụ nữ ngoại tình) trong trình thuật Lc 7:36-50. Mặc dù Thánh Maria Mađalêna được nhắc tên trong cả 4 Phúc Âm, nhưng không lần nào nói bà là gái điếm hoặc tội nhân. Tân ước không hề có “gợi ý” nào nói bà là một cô gái làng chơi hoặc một phụ nữ trắc nết. Các học giả đương đại đã phục hồi “danh tiếng” cho Thánh Maria Mađalêna là người dẫn dắt quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai.

Nhiều thế kỷ qua, Công giáo Tây phương dạy rằng Thánh Maria Mađalêna là người được nói tới trong các Phúc Âm vừa là Maria ở Bêthania vừa là “người đàn bà tội lỗi” xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Lc 7:36-50). Khái niệm về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm sám hối đã phổ biến qua nhiều thế kỷ, ít là từ Ephraim người Syria (thế kỷ IV), Thánh GH Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), nhiều họa sĩ, văn sĩ và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng theo xu hướng đó. Từ thế kỷ XII, Abbot Hugh ở Semur (qua đời năm 1109), Peter Abelard (qua đời năm 1142), và Geoffrey ở Vendome (qua đời năm 1132) đều nhắc tới Thánh Maria Mađalêna là người tội lỗi và được tặng danh hiệu “apostolarum apostola” (Tông đồ đối với các Tông đồ), danh hiệu này trở thành phổ biến trong các thế kỷ XII và XIII.

Do đó, hình ảnh cô-gái-điếm-sám-hối trở thành “đặc điểm” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna trong nghệ thuật và văn chương tôn giáo ở Tây phương. Vì hiểu sai về bà nên trong nghệ thuật, người ta thường vẽ bà mặc áo hở cổ, lả lơi, thậm chí có họa sĩ còn vẽ bà khỏa thân bên chiếc sọ đầu lâu với bình dầu thơm, và một tay cầm Thánh Giá, hoặc là một phụ nữ xa lánh mọi người để sám hối nơi hoang địa.

Sự đồng hóa đó là do Công giáo Tây phương, có trong bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả vào khoảng năm 591. Thánh GH Grêgôriô Cả được coi là một trong những người ảnh hưởng nhất và trở thành giáo hoàng. Trong các bài giảng nổi tiếng của ngài về Thánh Maria Mađalêna, giảng tại Rôma, ngài đã xác định Mađalêna không chỉ là phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca, mà còn là Maria ở Bêthania, chị của Matta và Ladarô; chính bảy quỷ được Chúa Giêsu trục xuất “đã tạo thành 7 tội trọng, và Maria Mađalêna bắt đầu bị kết án không chỉ vì tội dâm dục mà còn vì tội kiêu ngạo và tham lam”. Bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả về Phúc Âm theo Thánh Luca đã tạo thành cách hiểu chính thức của Giáo hội về Thánh Maria Mađalêna, cho rằng bà là phụ nữ “alabaster jar” (gái điếm).

Trong bài giảng XXXIII, Thánh GH Grêgôriô Cả nói: “Bà [Maria Mađalêna] là người mà Thánh Luca gọi là phụ nữ tội lỗi, Thánh Gioan gọi là Maria, chúng ta tin là Maria được trừ bảy quỷ trong Phúc Âm theo Thánh Máccô. Bảy quỷ này biểu hiện điều gì, nếu không phải là các thói hư? Anh chị em thân mến, rõ ràng là phụ nữ này trước đó đã xức thơm thân xác cô bằng những hành động bị cấm. Do đó điều cô biểu hiện càng khiếm nhã hơn, nhưng nay cô dâng cho Chúa bằng động thái đáng khen. Cô đã ham muốn bằng con mắt trần tục, nhưng nay cô ăn năn bằng nước mắt. Cô đã xõa tóc che mặt, nhưng nay cô dùng tóc lau khô nước mắt. Miệng cô đã nói những điều kiêu ngạo, nhưng nay cô dùng miệng hôn chân Chúa, cô đặt miệng mình lên chân Đấng Cứu Thế. Do đó, đối với mỗi niềm vui, cô đã có trong lòng, nay cô hy sinh chính mình. Cô biến tội lỗi thành nhân đức để phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn trong sự ăn năn”.

Với điều này, tác giả Susan Haskins viết trong cuốn “Mary Magdalene: Myth and Metaphor” (Maria Mađalêna: Huyền thoại và Ẩn dụ): “Cuối cùng, hình ảnh xung đột của Thánh Maria Mađalêna cũng được sáng tỏ… sau gần 140 năm”.

Năm 1969, trong triều đại giáo hoàng của Chân phước Phaolô VI, Tòa Thánh không phê bình về nhận xét của Thánh GH Grêgôriô Cả, mà chỉ bỏ điều đó bằng cách tách biệt người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca với bà Maria ở Bêthania và Maria Mađalêna qua Sách lễ Rôma.

Do đó, tai tiếng vẫn cứ “lờn vờn” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna. Sau thời gian quá lâu, cách tin này trở thành “thâm căn cố đế” không chỉ trong Giáo hội Tây phương mà còn trong một số Giáo hội Tin lành đã từng theo truyền thống Công giáo Rôma.

Cách hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là cô-gái-điếm-sám-hối vẫn được nhiều văn sĩ và họa sĩ hồi thập niên 1990. Thậm chí ngay cả ngày nay, cách hiểu sai đó vẫn được truyền bá. Điều đó được phản ánh trong bộ phim của Martin Scorsese – phỏng theo tiểu thuyết “Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Đức Kitô” (The Last Temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis, trong phim “Phúc Âm theo Chúa Giêsu Kitô” (The Gospel According to Jesus Christ) của José Saramago, trong “Siêu Sao Giêsu Kitô” của Andrew Lloyd Webber, trong “Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô” của Mel Gibson, trong “Màu Thập Giá” (Color of the Cross) của Jean-Claude La Marre và trong “Sách Sự Sống” (The Book of Life) của Hal Hartley.

Vì hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm nên người ta mới chọn bà làm bổn mạng của “các phụ nữ hư hỏng”, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật lại trong Lc 7:36-50, và Viện tế bần Mađalêna đã được thành lập để “cứu vớt” các chị em từ nhà thổ. Bà còn được coi là bổn mạng của những người bị vu khống.

Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:1-3).

Lúc Chúa Giêsu chịu khổ hình và phục sinh, Thánh Maria Mađalêna đã có mặt bên Chúa Giêsu. Trong số những người theo Chúa Giêsu chỉ có bà được nói rõ tên là nhân chứng 3 sự kiện quan trọng: Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Chúa Giêsu chịu mai táng, và ngôi mộ trống. Mc 15:40, Mt 27:56 và Ga 19:25 nói đến Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, cùng với các phụ nữ khác. Thánh Luca không nêu tên nhân chứng, nhưng nói: “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23:49). Thánh Máccô nói: “Còn bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ ông Giôxết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người” (Mc 15:47), và Thánh Matthêu nói: “Còn bà Maria Mađalêna và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 27:61). Lc 23:55 cho biết: “Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào”. Ga 19:39-42 mô tả: “Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó”.

Thánh Máccô, Matthêu và Gioan đều nói Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên đối với việc Chúa phục sinh. Ga 20:1 cho biết Thánh Maria Mađalêna mô tả việc thấy ngôi một trống. Mc 16:9 nói: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ”. Thánh sử Mátthêu cho biết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ” (Mt 28:1).

Sau khi thuật lại cho các Tông đồ biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Thánh Maria Mađalêna không được nhắc đến trong Tân ước nữa. Bà cũng không được nhắc tên trong sách Công vụ, và “số phận” bà vẫn không được tài liệu ghi lại và không được “minh oan”. Có phải vì vậy mà bà cứ bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” chăng?

Đa số các học giả Kinh thánh ngày nay đều chứng tỏ rằng không có nền tảng Kinh thánh nào để lẫn lộn hai phụ nữ này. Maria Magđalêna, nghĩa là Maria ở Magđalêna, là người mà Chúa Giêsu đã đuổi “bảy quỷ” (Lc 8:2). Maria Mađalêna là một trong những người “giúp Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai”. Bà là một trong những người đứng bên Thánh giá với Đức Mẹ.

LM W.J. Harrington, Dòng Đa Minh, viết trong cuốn “Chú giải Công giáo mới” (New Catholic Commentary): “Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là Thánh Maria Mađalêna đã sống cuộc đời vô luân, một kết luận chỉ đạt được bằng cách lầm lẫn với phụ nữ vô danh trong Lc 7:36”. LM Edward Mally, Dòng Tên, viết trong cuốn “Chú giải Kinh thánh của Thánh Giêrônimô” (Jerome Biblical Commentary): “Bà (Maria Mađalêna) KHÔNG là phụ nữ tội lỗi trong Lc 7:37, mặc dù có truyền thống lãng mạn Tây phương đã nói về bà”.

Hy vọng Thánh Maria Mađalêna sẽ không còn bị “mang tiếng” và không còn bị chúng ta hiểu lầm như xưa nay nữa!

Lạy Thánh nữ Maria Mađalêna, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.

 

SUY NIỆM 6: Một nhận định khác về Thánh nữ Maria Mađalêna

(http://giaophanvinh.net //Đỗ Trân Duy)

Trong chiều hướng duy trí (intellectualism) và duy ngã (egoism) của thời hiện đại, ồn ào nhất là nhóm muốn phục hồi tín l‎ý‎ của Ngộ Giáo (Gnosticsm); tín l‎‎ý này cho rằng khi trí huệ của một người nào đó đạt tới mức thượng trí, người ấy có thể tự cứu độ cho mình. Định hướng đề cao trí thức và năng lực cá nhân của mô thức sống đạo này có sức hút rất mạnh nơi giới thanh niên. Một phần nó phù hợp với nếp sống phóng túng của người đương thời, phần khác nó rất gần với những niềm tin dễ dãi vào cõi huyền bí. Những vị sư phụ “đắc đạo” thần thông gặp thời xuất hiện khắp nơi. Đã có nhiều bạn Việt gọi sư phụ của mình là Thượng Đế, mặc dù họ thuộc những nhóm tu khác nhau. Trong giới lãnh tụ Tây Phương, hai nhà khoa bảng Robert Langdon và Leigh Teabing (1) là hai tay nổi bật nhất. Việc làm của hai vị này có chủ trương và hệ thống chặt chẽ. Trước hết hai ông phủ nhận vị thế Đấng Cứu Độ của Đức Giêsu. Nếu con người có thể tiếp xúc thẳng với Thương Đế thì đâu cần Đấng trung gian là Đức Giêsu. Sau đó họ phủ nhận Giáo Hội Công Giáo vì hệ thống này không còn giá trị và không cần thiết. Để hạ uy tín Đức Giêsu, hai ông vin vào kinh điển Ngộ Giáo và 2 sách Phúc Âm theo Philíp và Maria [Mađalêna] của ngụy kinh, để đưa ra luận chứng rằng Đức Giêsu đã có mối tình trần thế với bà Maria Mađalêna. Nhà văn Dan Brown phụ họa theo sáng tác ra truyện Da Vinci Code. Brown viết rằng bà Mađalêna đã có con với Đức Giêsu. Brown khéo léo viết truyện theo dạng tài liệu nghiên cứu nên cũng đã nổi danh khắp thế giới một thời. Điện ảnh Hollywood chộp cơ hội làm thương mại, họ tung ra phim cùng tên Da Vinci Code để ăn có, nhưng không tạo ra thêm một tiếng vang nào.

Sách và phim Da Vinci Code đã bị rất nhiều người lột trần sự sai lầm của chúng nên xin miễn nhắc lại. Vấn đề muốn nêu ra ở đây là ‎ý đồ họ muốn dùng bà Maria Mađalêna làm đòn bẩy để hủy bỏ vị thế “Đấng Cứu Thế Giêsu”. Thánh Maria Mađalêna trở thành vấn nạn cho “đức tin tôn giáo” khi càng ngày càng có nhiều người lợi dụng sự mờ nhạt lịch sử, cố ý đưa ra những nhận định hàm hồ (2). Vô tình, bà là vị tông đồ duy nhất chịu rất nhiều ngộ nhận từ phía thế tục và, đáng tiếc, cả từ Giáo Hội.

Bà Maria Mađalêna Trong Ngụy Thư

Các học giả công giáo cho rằng hai sách phúc âm của Philíp và Maria [Mađalêna] được viết vào khoảng cuối thế kỷ II hay đầu thế kỷ III. Điều đáng nói là sách không do Philíp và Maria viết, vì lúc đó họ đã qua đời. Susan A. Calef (3) có công khảo sát hai quyển sách trên để tìm hiểu về mối tình giữa Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna. Trong sách của Philíp, bà chỉ thấy có chữ “cảm thương” khi diễn tả lòng nhân từ của Đức Giêsu dành cho bà Maria Mađalêna. Một lối bộc lộ tình cảm rất bình thường. Trong sách của Maria có một đoạn nói rõ hơn. Đó là lần các tông đồ khiếu nại với Đức Giêsu rằng, “Tại sao Thầy lại yêu bà ấy hơn chúng tôi?” Câu nói này không đủ chứng cớ để đưa ra những nhận xét ác ý. Ngoài ra nếu phân tích kỹ câu nói, người ta sẽ thầy nhiều điểm vô lý của nó. Nếu thật sự Đức Giêsu và bà Maria có tình nghĩa vợ chồng, không lẽ các Tông Đồ lại ganh tị với bà.

Bà Maria Mađalêna Trong Chính Kinh

Cả bốn sách Phúc Âm chính kinh đều viết về bà Maria Mađalêna, nhưng lại không làm sáng tỏ vị thế đặc biệt của bà. Maria Mađalêna là ai? Tên thật của bà là Maria, bởi sinh trưởng ở xứ Mađala nên được gọi là Maria Mađalêna. Maria là một tên nữ rất thông dụng của dân Do Thái. Ngay mẹ của Đức Giêsu cũng có tên là Maria. Đa số các bà theo Đức Giêsu đều có tên là Maria. Thánh Kinh khi nhắc đến họ thường chỉ nói là “bà Maria.” Vì vậy người đọc hầu như không thể xác định được người được nhắc đến là bà Maria nào.

Theo các giáo phụ Hy Lạp, trong số những môn đồ nữ của Đức Giêsu, có ba vị trùng tên là Maria:

Bà Maria tội lỗi, người lấy nước mắt rửa chân cho Đức Giêsu (Luca 7:36-50).

Bà Maria chị của Martha và Lazaru (Gioan 11:1-3 và Luca 10:38-42).

Bà Maria xứ Mađala, tức Maria Mađalêna, người bị 7 quỉ ám (Luc 8:2).

Theo truyền thống Protestant chỉ có hai bà Maria.

Bà Maria xứ Bêthani, tức người đàn bà tội lỗi, cũng là chị em của Martha và Lazaru.

Bà Maria xứ Mađala, tức người bị 7 quỉ ám.

Theo truyền thống Latin ba nhân vật nói trên chỉ là một người, đó là bà Maria Mađalêna. Ngoài ra Thánh Kinh còn nói tới một cô gái giang hồ, tức người đàn bà phạm tội ngoại tình (Gio 8:1-11). Cũng theo truyền thống Latin, Maria Mađalêna bị đồng hóa với cô gái này.

Chúng ta hãy lần theo sử liệu để thấy rõ tại sao lại có vấn đề bất nhất về sự nhận diện về bà. Trước hết theo thánh sử Luca, Đức Giêsu gặp bà Maria lần đầu tiên tại miền Galilê. Bà Maria này được nhận diện là người đàn bà tội lỗi, người rửa chân cho Đức Giêsu (Luc 7:36-50). Kế đó Đức Giêsu rời Galilê đến một tỉnh nào đó và Ngài đã làm phép đuổi 7 quỉ ám ra khỏi bà Maria Mađalêna (Luc 8:1-3). Tuy Thánh Kinh không nêu địa danh nơi Đức Giêsu làm phép đuổi quỉ, nhưng căn cứ vào địa danh Mađala, người ta có thể biết Đức Giêsu đã đi về hướng Bắc của xứ Galilê. Thánh Luca không nói gì đến sự đồng nhất giữa bà Maria bị quỉ ám và bà Maria “tội lỗi” ở Galilê. Sau đó Đức Giêsu đến một tỉnh khác, ta có thể phỏng đoán là tỉnh Bêthani. Tại đây Ngài gặp bà Maria chị em của Martha và Lazaru (Luc 10:38-42). Căn cứ vào 3 địa điểm khác biệt và cách quãng, nên đã có khuynh hướng tin rằng có 3 nhân vật Maria khác nhau. Tuy nhiên thánh sử Gioan lại khảng định 3 nhân vật trên chỉ là một người, đó chính là bà Maria Mađalêna (Gio 11:1-3; 12:1-3). Vì vậy sự lẫn lộn hàm hồ bắt đầu từ đấy.

Đã có nhiều giả thuyết giải thích về sự khác biệt của sử liệu, nhằm mục đích thống nhất những cá biệt về một mối. Chẳng hạn có thuyết cho rằng Bà Maria Mađalêna vốn là người xứ Mađala nhưng sinh sống ở Bêthani và có một thời cư ngụ ở Galilê. Thần học gia Elizabeth A. Johnson phủ nhận ý này vì nó đầy vẻ gượng ép. Elizabeth nhận xét rằng vì thánh Gioan khẳng định 3 nhân vật nói trên là một người, nên tín hữu đã có khuynh hướng uốn nắn lối nhìn theo chiều hướng ấy.

Theo Elizabeth, thánh Gioan viết Phúc Âm khoảng 50-80 năm sau khi Đức Giêsu chịu nạn. Thời gian 50-80 năm đủ để làm phai nhạt trí nhớ về độ chính xác của sự kiện. Hơn nữa thánh sử đặt trọng tâm vào sứ mạng truyền bá đạo lý hơn là việc ghi chép sử liệu. Do đó mọi tình tiết phụ thường chỉ dựa vào truyền thuyết mà viết lại chỉ cốt cho câu truyện được đầy đủ mà thôi. Vào lúc ấy bà Maria Mađalêna đã qua đời. Những gì viết về bà dù không được chính xác cũng không còn ai đính chính nữa. Một dẫn chứng về độ chính xác của thánh sử Gioan là biến cố bà Maria Mađalêna rửa chân cho Đức Giêsu. Cả hai thánh Máccô và Mátthêu đều nhất trí cho biết trước ngày lễ Vượt Qua 2 ngày, Đức Giêsu ở trong nhà ông Simon thuộc tỉnh Bêthani. Tại đây bà Maria Mađalêna đã rửa chân cho Đức Giêsu (Mac 14: 1-3; Mat 26: 1-8). Tuy nhiên thánh Gioan lại kể rằng sự kiện rửa chân xảy ra tại nhà bà Martha trước lễ Vượt Qua 6 ngày (Gio 12: 1-3). Nếu không muốn chấp nhận có hai lần rửa chân, chúng ta đành phải lựa một bỏ một. Trong trường hợp này sử liệu của hai thánh Máccô và Mátthêu chính xác hơn của thánh Gioan. Bởi vì hai vị đều tường thuật như nhau. Hơn nữa sách của họ được viết sau biến cố phục sinh khoảng 10 – 20 năm, thời gian rất gần với biến cố nêu ra và còn được hỗ trợ bởi nhiều nhân chứng còn sống.

Đi tìm Chân Dung Thánh Maria Mađalêna

Như vậy những gì chúng ta có thể biết chính xác về bà Maria Mađalêna là: bà là người xứ Mađala và là người bị 7 quỉ ám (Mac 16:9). Bà phụ giúp Đức Giêsu trong mọi hành trình rao giảng tin mừng (Luc 8:2-3). Bà là người đứng dưới chân Thập Tự giá lúc Đức Giêsu từ trần (Mac 15:40; Mat 27:56; Luc 23:49; Gio 19:25). Bà chứng kiến cảnh táng xác Đức Giêsu (Mac 15:47). Bà là nhân chứng đầu tiên của biến cố Đức Giêsu phục sinh (Gio 20:1-18). Với những sự kiện này, xét theo cương vị môn đồ, bà phải là một vị Tông Đồ có một vị thế rất cao trọng.

Sáu trăm năm sau, đại chúng dựa vào truyền thuyết cho rằng bà Maria Mađalêna là “người đàn bà tội lỗi” và là “người đàn bà ngoại tình.” Sự kiện này được hợp thức hóa bởi Giáo Hoàng Gregory Cả (590-604). Lỗi lầm về sự ngộ nhận này có thể hiểu là do sự vô ý hơn là chủ ý. Vào thời đó giáo hội không có lợi điểm lãnh hội sự đa dạng thâm sâu của thần học như ngày nay. Nhận định của Giáo Hoàng Gregory Cả chỉ là phản ảnh niềm tin của đại chúng. Theo truyền thống, tín hữu công giáo tin rằng người bị 7 quỉ ám phải là người tội lỗi nặng nề. Giáo hoàng Gregory Cả nhận định 7 quỉ tượng trưng cho 7 tội, trong đó nặng nhất là tội dâm ô. Trong chiều hướng ấy giáo lý về 7 mối tội đã được giáo hội khai triển ra. Nghiên cứu về lịch sử, các học giả thấy rằng vào thời đó giáo hoàng Gregory Cả khởi xướng chương trình cải tổ nền luân lý Kitô giáo. Vì nhu cầu lợi ích cho giáo dân, giáo hoàng đặt bà Maria Mađalêna vào địa vị gương mẫu cho chủ thuyết của ngài. Ngài muốn đại chúng thấy một bằng chứng điển hình để chứng minh kẻ tội lỗi nhất cũng có thể cải hóa.

Trên thực tế Thánh Kinh nói rất nhiều về trường hợp đàn ông bị quỉ ám, nhưng không có trường hợp nào nam nạn nhân bị gán là kẻ tội lỗi. Các thánh sử không hề đồng hóa sự việc bị quỉ ám với tội lỗi. Thần học cũng không thấy có sự liên hệ giữa hiện tượng quỉ ám và tội lỗi. Tại sao lại có thành kiến xấu về phía nữ nạn nhân bị quỉ ám. Thánh Kinh ghi rằng Đức Giêsu chữa lành bệnh quỉ ám cho bà Maria Mađalêna chứ không nói tha tội cho bà. Về vấn đề cô gái giang hồ, không hề có phúc âm nào, kể cả Phúc Âm theo thánh Gioan, cho biết người đàn bà ngoại tình là bà Maria Mađalêna (Gio 8:1-11). Tại sao chúng ta phải gán cho bà những tội mà chứng cớ sử liệu không có. Các giáo phụ thời giáo hội sơ khai không hề nói bà Maria Mađalêna là người tội lỗi, trái lại các ngài rất tôn trọng bà. Câu tuyên bố nổi tiếng của bà với các Tông Đồ: “Tôi đã thấy Chúa” (Gio 20:18) khiến các Tông Đồ cho bà là kẻ nói sảng (Luc 24:11). Nhưng chính câu tuyên bố ấy là nền móng xây dựng giáo hội Kitô và là bản tuyên xưng khải hoàn của giáo hội phục sinh. Cảm phục thành tích của bà, thánh Hippolytus Thành Lamã (khoảng năm 200) đã đặt cho bà tước hiệu “Apostolorum Apostola” (Tông Đồ của các Tông Đồ). Hợp lòng với thánh Hippolytus, thánh Augustine (354-430) nói, “Chính Chúa Thánh Thần đã khiến bà Maria Mađalêna trở nên Tông Đồ của các Tông Đồ.”

Với một vị thế như vậy, tại sao Maria Mađalêna không được Kinh Thánh lưu ý một cách đúng mức? Thực ra Thánh Kinh đã có nêu tên bà một cách đặc biệt, nhưng vẫn còn vướng mắc trong vấn đề văn hóa trọng nam khinh nữ. Vào thời đó người phụ nữ không có chỗ đứng trong xã hội. Ngay cả mẹ Đức Giêsu cũng ít được nhắc đến. Họ không được nêu tên ra trước công chúng. Các thánh sử thường dùng cách nói trống như “có mấy người phụ nữ” để gọi họ (Luc 23:55). Nếu có nhắc đến một cá nhân đặc biệt nào, người ấy thường được xác nhận nương vào tên của người đàn ông. Chẳng hạn “bà Maria vợ của Clôbát”, “bà Maria mẹ của Giacôbê” (Gio 19:25; Mac 15:40; Luc 24:10). Tuy thế tên của bà Maria Mađalêna đã được các thánh sử nhắc đến nhiều lần. Điều đó chứng tỏ bà là người nổi bật không thể bỏ qua. Nhiều khi có nhiều bà hiện diện, nhưng thánh sử vẫn chỉ nêu danh của riêng bà: “có bà Maria Mađalêna và những bà Maria khác” (Mat 28:1).

Các học giả và thần học gia Công Giáo kêu gọi tín hữu hãy có một nhận định mới về thánh Maria Mađalêna (4). Xưa kia bà đã là nạn nhân của sự ngộ nhận gán cho bà là kẻ đầy tội lỗi. Ngày nay bà lại là nạn nhân trong sự lợi dụng của phong trào đề cao cá nhân và giải phóng phụ nữ. Chủ thuyết Ngộ Giáo đề cao năng lực cá nhân, nhưng con người không thể nào là chính mình. Ta là một cá nhân bất toàn, tội lỗi, một con người chưa trọn vẹn. Muốn vươn lên để hòa nhập với Thiên Chúa, con người cần sự cứu chuộc của Đức Giêsu để trở nên hoàn hảo. Về vấn đề nữ quyền, gần đây đã có phòng trào yêu cầu giáo hội Công Giáo phong chức linh mục cho nữ giới. Sự yêu cầu, phần nào liên hệ đến chủ đề bình quyền giới tính, nhưng phần lớn đặt căn bản trên nhu cầu thiếu hụt nhân số trong giới chức phụng vụ. Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tiếp nối là Giáo Hoàng Bênêđic XVI cho rằng việc truyền chức linh mục cho nam giới là một cổ tục thuộc lãnh vực truyền thống, vốn do Đức Giêsu lập ra. Nghi thức này không đặt trên sự kỳ thị giới tính, nhưng vì Giáo Hội không đủ tư cách để thay đổi thể thức của Đức Giêsu.

Bà Maria Mađalêna đã được các học giả và thần học gia Công Giáo nhận diện là một trong những vị sáng lập ra giáo hội sơ khai. Bà là người duy nhất chia sẻ với Đức Giêsu trong hành trình giảng đạo từ Galilê, trung thành với Ngài cho đến phút cuối cùng của cuộc khổ nạn, và đón chào Ngài lúc phục sinh. Đó là những kho tàng ẩn dấu cần khai quật hơn là trưng bày những gán ghép lấy từ dã sử và truyền thuyết.

Theo truyền thống Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, thánh Maria Mađalêna cùng thánh Gioan và Đức Mẹ Maria di chuyển về miền Êphêsô, Tiểu Á. Thánh Maria Mađalêna sống một cuộc đời sám hối đúng với chân lý Phúc Âm rồi qua đời ở đó. Lễ kính thánh nhằm ngày 22 tháng Bảy. Từ năm 1970, Giáo hội Công Giáo đã điều chỉnh bài phúc âm trong thánh lễ kính thánh Maria Mađalêna.  Bài đọc về câu truyện “người đàn bà ngoại tình” được thay thế bằng câu truyện bà gặp Đức Giêsu phục sinh (Gio 20:11-20). Đáng tiếc sự sửa sai này đã không được đại chúng chú ý đúng mức. Đại chúng vẫn thấy bà vốn là một cô gái giang hồ, người bị 7 quỉ ám, hơn là một vị Tông Đồ, người đần tiên gặp Đức Giêsu phục sinh. Kitô hữu chúng ta hãy rửa chân cho sạch bụi bặm của những bước đi lạc đường, để đứng cúi đầu tôn kính một vị thánh cao cả.

____________________________________

(1) Robert Langdon là gíáo sư môn Ký Hiệu Tôn giáo (Religious Symbology) tại Harvard University. Leigh Teabing là nhà sử học của hoàng gia Anh

(2) Phim “the Last Temptation of Christ” của Hollywood và sách “The Da Vinci Code” của Dan Brown có thể coi là tiêu biểu cho khuynh hướng sai lạc hiện nay.

(3) Susan A. Calef, Ph.D. thành viên trong ban giám đốc khoa thần học tại Creighton University, Omaha, bang Nebraska.

(4) Xin coi sách “Cracking The Da Vinci Code: Theologian Elizabeth Johnson on Mari Magdalene”

 

SUY NIỆM 7: THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA THỐNG HỐI

(http://giaophanvinhlong.net)

"Vì bà đã yêu mến nhiều nên bao nhiêu tội của bà được tha hết" (Lc 7,47). Phải, chúng ta không còn hồ nghi gì về lòng mến Chúa của bà Mađalêna. Chính lòng mến yêu nồng nhiệt ấy đã lôi kéo Bà từ tình trạng tội lỗi của một phụ nữ giang hồ về một đời sống thánh thiện gương mẫu.

Mađalêna sinh trưởng trong một gia đình đạo đức. Không ai biết rõ bà chào đời vào năm nào, nhưng Phúc âm đã nói nhiều tới bà, vậy bà đã sống đồng thời với Chúa Cứu Thế. Tuy thuộc về một gia đình đạo đức, nhưng chẳng may tính đa sầu đa cảm của bà đã khiến bà dấn thân vào con đường nhơ nhớp.

Trong lúc vùi mình trong con đường lạc lõng ấy thì một ánh hào quang xuất hiện. Ánh hào quang ấy soi thấu tận đáy lòng bà khiến bà tỉnh ngộ và quyết tâm quay về đường ngay nẻo chính, trở thành một chiến sĩ hảo hạng của Phúc âm. Ánh hào quang đó chính là Chúa Cứu Thế vậy. Như một chiên non lạc đàn khi nghe tiếng chủ chăn thì vội vã về đàn, Mađalêna cũng vậy, vừa nghe lời kêu gọi tha thiết của Chúa chiên lành, bà liền mau mắn trở về không chút luyến tiếc cuộc đời phóng túng xưa.

Nhưng, bao ngày tháng qua, những vết nhơ tội lỗi còn đó, biết lấy chi gột rửa cho sạch! Mađalêna quyết một lòng thống hối lấy nước mắt để lau sạch tội xưa. Thánh Luca đã kể lại cho ta cái quang cảnh vô cùng cảm động ấy: "Một người biệt phái mời Chúa đến dự tiệc. Chúa đến và ngồi vào chỗ đã dọn, chợt bước vào một phụ nữ là người tội lỗi trong thành ai cũng biết. Nghe nói Chúa dùng bữa tại nhà ông biệt phái, bà liền mang đến một bình thuốc thơm. Ngồi dưới đất đàng sau Chúa, bà khóc lóc, tưới nước mắt lên chân Ngài rồi lấy tóc mình mà lau, hôn chân Ngài và xức thuốc thơm. Thấy thế, ông biệt phái đã mời Chúa nghĩ bụng rằng: "Nếu ông này là tiên tri chắc biết người đàn bà đang chạm tới mình là ai, là hạng người nào, là một đứa tội lỗi mà". Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này, ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông". Ông trả lời: "Dạ, xin Thầy cứ hỏi". "Một chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm, một người nợ năm mươi đồng. Vì họ không có gì để trả, nên chủ tha nợ cho cả hai. Ai trong hai người ấy đã yêu mến ông chủ hơn?". Simon trả lời: "Theo thiển ý tôi, người đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu đáp: "Ông luận đúng lắm". Rồi quay lại phía người đàn bà, Ngài bảo Simon:

"Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi vào nhà ông, ông đã chẳng cho tôi nước rửa chân, bà ta, trái lại, đã lấy nước mắt mình mà rửa chân tôi và lấy tóc mình mà lau. Ông không hôn tôi, còn bà, từ lúc tôi vào đã hôn chân tôi không ngừng. Ông không đổ dầu thơm trên đầu tôi, nhưng bà ta, đã đổ thuốc thơm trên chân tôi. Vì thế tôi bảo ông, tội lỗi bà ta, dù hằng hà sa số, đã được tha cả vì bà ta đã tỏ ra yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu ít". Rồi Chúa bảo người phụ nữ đó: "Tha các tội cho bà". Những khác đồng bàn nghĩ bụng: Ông này là ai mà lại tha được tội. Nhưng Ngài bảo người đàn bà: "Lòng tin của bà đã cứu bà, hãy đi bằng an" (Lc 7,36-50).

Phải, đức tin đã cứu Mađalêna. Ngay từ giây phút đầu tiên bà đã cảm mến Chúa và, một cách mặc nhiên, bà tin rằng: Đấng mà bà cảm mến là vị Cứu tinh. Nay sự tin tưởng đó lại được củng cố thêm và đã trở thành toàn vẹn vì Đấng đó đã trực tiếp tha tội cho bà. Trước kia tội lỗi làm bà đỏ như son thì nay bà được gội sạch và nên trắng như tuyết.

Cuộc đời của bà từ nay đã định hướng, bà quyết tâm tự hiến để giúp việc truyền bá tin Hạnh phúc. Lòng nhiệt thành của bà đã được các Phúc âm gia ghi lại nhiều lần. Gia đình của bà chỉ còn có một chị một anh là Matta và Lagiarô đã trở nên như trụ sở của Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Bêtania, cái tên êm ái, nơi bà sinh trưởng, đã được Phúc âm nhắc đi nhắc lại một cách rất đáng yêu. Chính tại đây, vì tình thương nên gia đình Mađalêna mà Chúa đã thổn thức rơi lệ trước khi cho Lagiarô sống lại. Chính tại đây, một lần nữa, Mađalêna đã tỏ ra hâm mộ lời Chúa. Phúc âm thuật lại rằng: "Khi đi đường, Chúa Giêsu vào một làng kia (Bêtania) và có một bà tên là Matta đón Ngài vào nhà mình. Bà này có người em gái tên là Maria, cô này ngôi dưới chân Chúa, lắng nghe Ngài nói. Còn Matta thì bận rộn với bao công việc săn sóc, hầu hạ. Bà đến thưa Chúa: "Thưa Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy cũng không coi sao ư? Xin Thầy bảo nó giúp tôi một chút". Nhưng Chúa đáp: "Matta, Matta, con lo lắng bận rộn nhiều quá. Thật ra chỉ cần ít thôi, chỉ một việc thôi. Chính Maria đã chọn phần tốt hơn cả, phần ấy không ai cất lấy được" (Lc 10,38-42). Thái độ của Mađalêna đã được Chúa công khai khen ngợi, mặc dầu bà đã không giúp đỡ chị trong việc hầu hạ Chúa. Chúa khen bà vì bà đã biết nghe lời Chúa nói. Lời Chúa là chân lý đưa tới sự cứu rỗi mà Mađalêna đã chăm chú nghe lời đó, bà quả đã chọn lấy phần tốt nhất thật. Và cũng chính tại Bêtania thân yêu này, Mađalêna một lần nữa, lấy một cân cam tùng hương nguyên chất rất đắt xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau (Ga 12,3). Với lòng mến Chúa tận tình, Mađalêna đã dùng tất cả những gì có thể biểu lộ tấm lòng yêu mến ấy.

Trên bước đường truyền giáo của Chúa Giêsu, Mađalêna cùng với một số bà đạo đức khác hầu như lúc nào cũng đi tới Chúa để giúp đỡ Ngài. Đặc biệt là những ngày cuối đời Chúa, nhất là trong giây phút thương đau nhất trên Núi Sọ, Mađalêna lúc nào cũng có mặt, trong khi các môn đệ Chúa quá sợ hãi đã bỏ Thầy chạy trốn cả. "Đứng gần khổ giá Chúa Giêsu, có Mẹ Người, chị Mẹ Người, là Maria vợ ông Clêopha và có Maria Mađalêna" (Ga 19, 25). Rồi, "sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Chúa nhật) Maria Mađalêna đến mồ khi trời còn tối và bà thấy tấm đá đã cất khỏi mồ. Bà bèn chạy đi tìm Simon Phêrô và môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu, và nói với họ rằng người ta đã lấy mất xác Chúa khỏi mồ rồi và chúng tôi không biết họ để đâu" (Ga 21,1-2). Thật không còn lời nào hùng hồn hơn nói lên lòng trung thành yêu mến của Mađalêna đối với Chúa Giêsu. Bà hăng hái nhiệt thành, can đảm và trung thành hơn cả các Tông đồ. Chính vì thế mà bà đã được Chúa ân thưởng bội hậu. Sau khi sống lại, Ngài đã hiện ra với bà trước khi tỏ mình cho các Tông đồ. Quang cảnh cảm động ấy đã được sử gia Gioan mô tả khéo léo như sau: "Còn Maria đứng gần mộ ở ngoài mà than khóc, vừa khóc bà vừa cúi đầu nhìn vào một. Bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi một vị ở đàng đầu, một vị ở đàng chân, tại chỗ đã đặt xác Chúa Giêsu.

Các đấng ấy nói cùng bà rằng: "Bà kia, sao mà khóc?" Bà đáp: "Vì người ta đã lấy xác Chúa tôi đi mà tôi không biết họ để ở chỗ nào". Nói đoạn bà quay lại, thấy Chúa Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Chúa, Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia sao mà khóc? Bà tìm aỉ". Bà tưởng đó là người coi vườn nên nói rằng: "Thưa ông, nếu ông có lấy xác Người đi, thì xin ông cho tôi biết ông để ở chỗ nào để tôi đến lấy". Chúa Giêsu gọi tên bà Maria. Bà nhận ra Người nên vội nói bằng tiếng Hi bá rằng: "Rabboni nghĩa là: Lạy Thầy". Chúa Giêsu nói: "Đừng giữ Thầy lại như thế vì thầy chưa về cùng Cha Thầy và cũng là Cha các con". Maria Mađalêna đi loan báo cho các môn đệ biết bà đã thấy Chúa và Ngài đã nói với bà như thế" (Ga 20,11-18). Bà đã làm tròn sứ mệnh Chúa trao là đi báo ngay cho các tông đồ tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với bà. Chính vì thế mà bà đã được tặng danh hiệu cao quý: "Apostola Apostolorum" (Tông đồ của các tông đồ).

Sau khi Chúa về Trời, Mađalêna vốn tiếp tục sống cuộc đời thánh thiện. Cùng với các tông đồ, và cùng với hai anh chị em là Lagiarô và Matta, bà tích cực tham gia mở mang nước Chúa. Không ai được biết bà tạ thế ngày nào, nhưng theo một truyền thuyết đông phương đáng tin cậy thì ông Lagiarô đã tạ thế tại đảo Chyprô vào năm 899, di hài ngài được cải táng về Constantinôpôli. Còn xác thánh Mađalêna khi tạ thế đã được mai táng tại Êphêsô, đến thế kỷ thứ VI cũng được di chuyển về Contantinôpôlị

Để kính nhớ công đức của bà, ngay từ đầu Giáo hội đã tôn kính bà như một vị đại thánh, đồng thời lấy đời sống của bà như một tấm gương trong sáng cho mọi người soi chung.

Kính xin thánh nữ Maria Mađalêna cầu cho chúng con nhất là những ai đã chọn ngài làm thánh bổn mạng, được theo gương ngài mà ăn năn thống hối tội xưa, đồng thời quyết một lòng sắt đá bước theo Chúa Giêsu vì Ngài là chân lý, sự sống, và là đường dẫn nhân loại tới hạnh phúc vô biên.

 

SUY NIỆM 8: Thánh Nữ Maria Madalenna

(tonggiaophanhanoi.org// Enzo Lodi)

1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Vào thế kỷ thứ X, ở Constantinople, tại tu viện Thánh Ladarô, người ta đã cử hành lễ này, vì người ta tin rằng hài cốt của bà đưa từ Ephèse về chôn cất tại đây vào năm 899, sau khi bà theo Thánh Tông Đồ Gioan đến đó (Mađalêna có nghĩa là người thị trấn Magdala ND). Magdala là tên một thành phố nằm trên bờ hồ Galilée về phía Tây Bắc, giữa đường từ Tibériade đến Capharnaum. Từ thế kỷ XI, lễ Thánh Nữ Maria Mađalêna được cử hành ở Roma và ở phương Tây; đến thế kỷ XII, sách lễ Latran vẫn lẫn lộn xem Maria thành Magdala và Maria làng Bêtania (mà phụng vụ Hy Lạp mừng lễ ngày 18 tháng Ba), và cả nữ tội nhân vô danh (phụng vụ Byzantin mừng lễ ngày 31 tháng Ba), người mà theo Luca 8, 2, được giải thoát khỏi bẫy quỉ trước khi theo phục vụ Đức Giêsu: cả ba phụ nữ được nêu danh trong Thánh Kinh được xem như một người. Thời Trung Cổ, việc tôn kính Thánh Nữ Maria Madalenna cũng phát triển ở Vézelay và Sainte Baume gần Marseille, vì tại đây có truyền thuyết rằng bà đã lui ẩn trong một hang núi sau khi lên bờ ở miền Provence.

2. Thông điệp và tính thời sự

Tất cả các bản văn trong Thánh Lễ và Phụng vụ giờ kinh (gồm 8 điệp ca, một số đáp ca và hai ca vãn riêng) đều nhắc đến Maria thành Magdala, người đầu tiên được Thầy “giao việc loan báo tin sống lại” (lời nguyện của ngày). Maria đã thấy Chúa phục sinh (Ga 20, 18), nhận sứ mệnh báo tin đó. Chúa bảo bà: “Hãy đi tìm các anh em của Thầy...” (cách Đấng Phục Sinh gọi môn đệ là anh em chỉ thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan [20, 17]). Đức Giêsu hiện ra trước tiên với Maria thành Magdala (Mc 16, 9), đã giao cho bà sứ mệnh làm chứng nhân và là tông đồ của sự phục sinh. Nên bà trở thành mẫu gương cho chúng ta, vì chúng ta cũng được kêu gọi để “loan báo Đức Kitô Phục Sinh” (lời nguyện của ngày).

Bài Phúc Âm Gioan đọc trong Thánh Lễ (20, 1-18) nhấn mạnh một khía cạnh khác trong nhân cách của Maria Madalenna: bà là một tâm hồn đi tìm Chúa giữa đêm tối đức tin. Trời còn tối khi bà tới mộ. Bà khóc vì thấy mộ trống. Buồn bã, bà hỏi kẻ mà bà tưởng là người giữ mồ...Bấy giờ, Đức Giêsu mới tự tỏ lộ khi gọi tên bà: Maria ! “Bà liền thưa với Người: Rabbouni, nghĩa là Thầy ơi, bởi vì Đấng bà tìm bên ngoài là chính Đấng từ bên trong dạy bà đi tìm kiếm” (Bài giảng Thánh Grêgoriô Cả, Phụng vụ Bài đọc).

Maria thành Magdala, người được giải thoát khỏi bẫy quỉ (Mc 16, 9; Lc 8, 2) đã dâng mình phục vụ Đức Kitô. Bà đứng đầu trong danh sách các phụ nữ theo Chúa Giêsu (Lc 8, 2; Mc 15, 47; Mt 27, 56) và đứng gần Thập Giá (Mc 15, 40). Bà là biểu tượng của các dân trong giao ước mới.

 

SUY NIỆM 9: Suy Niệm Lễ Kính Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la

(mfvietnam.org // Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ thánh Maria Mađalêna, một Vị Thánh vừa được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng lễ nhớ Thánh nữ thành lễ kính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh nữ như là “Tông đồ của các Tông đồ”.

Thông báo viết : ”Qua một bức thư thông báo việc thay đổi này – quy định trong Sắc lệnh ký ngày 03 tháng Sáu năm 2016, nhằm ngày lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu - , Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích, viết : quyết định trên đây muốn nói rằng chúng ta “phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá của phụ nữ, về Tân Phúc âm hóa, và về sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa thương xót”.

Thánh Maria Mađalêna là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa sống lại, và là người loan báo Tin mừng ấy cho các Tông đồ.

Thánh nữ Maria Mađalêna là một người phụ nữ rất đặc biệt, bởi vì theo Tin Mừng thánh Máccô thuật lại “Khi Chúa Giêsu  bị kết án tử hình trong một phiên tòa hết sứ bất công, người ta bắt Chúa vác thập giá lên đồi Gongôtha, lúc đó các môn đệ như rắn mất đầu, các ông sợ sệt, nhát đảm, lẩn trốn, họ chỉ đứng xa xa để không ai có thể nhận ra họ. Trên núi Sọ, trên đồi Gongôtha, thánh Máccô viết: ”Nhưng cũng có mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria Mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxết, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem,cũng có mặt tại đó” (Mc 15, 40-41). Việc các người phụ nữ có mặt trên cuộc hành trình đi lên núi Sọ của Chúa Giêsu, nói lên lòng đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành và đồng thời biểu lộ sự can đảm, anh hùng của giới phụ nữ. Các bà không sợ nguy hiểm, không nhát đảm, không thối lui dù rằng các bà biết Thầy mình sẽ phải chết…Tính anh hùng của các người phụ nữ, đặc biệt của Thánh nữ Maria Mađalêna cho chúng ta hay Mađalêna đã được Chúa yêu nhiều, bà hết lòng đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Tội của Thánh nữ lớn lao thật nhưng Tình Thương của Chúa còn to lớn hơn gấp bội, khiến Thánh nữ hết lòng vì Chúa. Ngài không sợ bị bắt bớ, bỏ tù, giết chết nhưng như lời Thánh Phaolô nói :”Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2 Co 5, 14), Thánh nữ đã có mặt trên mọi nẻo đường Chúa đi. Thánh nữ Maria Mađalêna là người phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu phục sinh cho biết Ngài đã sống lại (Mc 16, 9). Thánh nữ theo như Thánh Mác cô nói “đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ”. Cụm từ được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ diễn tả bà mắc phải nhiều tội tầy trời, nhiều tội to lớn. Được yêu nhiều, bà phải đáp trả nhiều. Do đó, bà có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và Thánh Gioan. Bà đã ngồi trước mộ Chúa Giêsu cùng với bà Maria vợ ông Clêophas. Chính vì yêu nhiều, đáp trả tình thương vô biên của Chúa, Thánh nữ Maria Mađalêna đã được Chúa hiện ra đầu tiên khi Ngài từ cõi chết sống lại và chính Chúa phục sinh trao cho Thánh nữ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và nhiều người (Mc 16, 10; Ga 20, 17).

Đức Tổng giám mục Arthur Roche viết :”Thánh Maria Mađalêna là một gương mẫu của việc Phúc âm hóa đích thực. Thánh nữ là một nhà rao giảng đã loan báo tin vui Phục sinh”.

“Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra ngay trong bối cảnh của Lòng Thương Xót để nói lên tầm quan trọng của Thánh nữ - là người đã bày tỏ tình yêu lớn lao đối với Chúa Kitô và được Chúa Kitô yêu mến nhiều”.

Ngài cũng nhắc lại rằng Thánh Mađalêna đã được Thánh Tôma Aquinô gọi là “Tông đồ của các Tông đồ” (Apostolorum Apostola), vì Thánh nữ đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.

“Vì thế, ngày lễ Thánh Mađalêna có cùng bậc lễ với các Thánh Tông đồ trong lịch phụng vụ chung của Roma, để nhấn mạnh sứ vụ đặc biệt của Thánh nữ - một tấm gương và hình mẫu cho mỗi người phụ nữ trong Giáo hội”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương, tha thứ cho Thánh nữ Maria Mađalêna vì bà yêu mến nhiều, xin cho chúng con khi mừng lễ Thánh nữ trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, chúng con càng ngày càng yêu mến Chúa như Thánh nữ Mađalêna đã yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM 10: Thánh Maria Madalena, lễ kính

(http://tonggiaophansaigon.com // tổng hợp)

Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.

Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).

Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đấng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).

Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp “thầy”. Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).

Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.

Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ, là người nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.

Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.

Ngang qua kinh nghiệm của thánh Maria Madalena, xin Chúa ban cho mỗi chúng ta biết cảm nhận được mình tội lỗi để thật lòng sám hối. Đồng thời cũng biết cảm nghiệm sâu xa tình Chúa thương ta vô bờ để chúng ta biết tin tưởng cậy trông vào ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM 11: Thánh Maria Madalena

“Chúa ở cạnh tôi, nhưng nhiều khi tôi lãng quên người. Chúa ở cạnh tôi, nhưng mà sao nghe quá xa xôi. Chúa ở cạnh tôi, nhưng rồi tôi bưng mắt làm ngơ. Nhưng rồi tôi quay gót thờ ơ.” (Chúa ở cạnh tôi – Hoài Công)

Những lời hát trên như đang đánh động lòng ta rằng đã bao lần ta làm ngơ trước mặt Chúa, Chúa chờ ta nhưng ta lại bận rộn với những nhu cầu của bản thân, dẫu trên môi miệng đều có thể nói:  “Chúa ở cùng ta mọi phút giây trong đời.”

Trở lại với bài đọc trên, ta thấy bà Thánh Maria Madalena trong nỗi đau sau khi chứng kiến Chúa chịu đóng đinh và thấy ngôi mộ của Thầy bỏ trống, bà đã không thấy được Chúa sống lại và đang đứng trước mặt mình. Nhưng lời gọi thân thương của Chúa như để phá tan nỗi sầu của bà “Maria”. Bạn ơi, có bao giờ bạn nghĩ rằng Chúa yêu ta bằng cách gọi tên ta trìu mến không?

“Này ông Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,1-19)

“Sa-un, Sa-un, sao ngươi lại bắt bớ ta?” (Cv9, 4)

“Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước ‘Samuel! Samuel’ (1Sm 3,10)

Và bằng cách ấy ta nhận ra Ngài, ta được trở về với Ngài và trở nên khí cụ của Ngài.

‘‘Tôi đã thấy Chúa”, lời của thánh nữ với các tông đồ cũng là thông điệp cần thiết cho mọi Kitô hữu. Song, thông điệp sẽ chẳng nên toàn vẹn nếu ta không nhận biết Ngài hiện diện trong cuộc đời. Ta chỉ biết nói về Ngài nhưng sao lại không muốn gặp Ngài?

Trong xác tín rằng Thiên Chúa đã chết, chiến thắng tử thần, và sống lại (Ep 1,18), ta thấy được tình yêu của Ngài và vinh quang muôn đời Ngài muốn chia sẻ với ta; cách riêng là qua bài đọc hôm nay, cũng như qua lời khẳng định của thánh Phêrô: ”Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.” (1Pr 1,8-9)

Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con vì con đã nhiều lần hờ hững với Ngài và lãng quên lời Ngài dạy trong Tin Mừng. Xin giúp con nhận biết Ngài qua Tin Mừng, qua mọi thụ tạo chung quanh, và qua cách Ngài gọi tên con. Amen!

 

SUY NIỆM 12: Thánh Maria Madalena

Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.

Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).

Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).

Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp “thầy”. Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).

Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.

Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.

Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.

 nguon:http://gplongxuyen.org/New