"Nó sinh hoa kết quả gấp trăm".
Lời Chúa: Mt 13, 1-9
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.
Ai có tai để nghe, thì hãy nghe".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Có tai thì nghe
Suy niệm:
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2: Hãy đón nhận lời yêu thương
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa yêu thương. Yêu thương nên phải ngỏ lời. Từ tạo thiên lập địa đến tận thế Thiên Chúa không ngừng nói với nhân loại. Bằng những hình thức khác nhau.
Lời quyền năng. Tạo dựng vũ trụ vì yêu thương. Đưa con người từ hư vô trở thành hiện hữu. Ngoài Thiên Chúa không ai làm được. Đó là yêu thương sáng tạo.
Lời giải thoát. Lời Chúa hướng dẫn Mô-sê lập nên kỳ tích chiến thắng quân binh Ai cập, lập nên Dân Chúa. Đó là yêu thương che chở.
Lời chăm sóc. Chúa chăm sóc Dân Chúa từng miếng ăn ngụm uống. Hướng dẫn lấy nước từ tảng đá, thu lượm man-na bởi trời. Đó là yêu thương nuôi dưỡng (năm lẻ).
Lời kết hợp. Yêu thương ngày càng mãnh liệt. Thiên Chúa đặt lời vào miệng Giê-rê-mi-a để cùng vị tiên tri rao giảng. Đó là yêu thương trao ban (năm chẵn).
Lời ân sủng. Đến thời sau hết, Thiên Chúa ban chính Con Một. Là Ngôi Lời nhập thể. Trở nên một với loài người. Chúa Giê-su chính là người đi gieo hạt giống Lời Chúa. Suốt đời lặn lội gieo vãi. Yêu thương của Chúa chờ đợi con người đáp trả.
Tự do của con người thật khủng khiếp. Vì thế Lời Chúa gặp nhiều thất bại. Có những tâm hồn thờ ơ chai lì như con đường bị người ta dẫm đạp lên. Lời ân sủng như nước đổ lá khoai không thấm xuống được. Có những tâm hồn cứng cỏi lạnh lùng như sỏi đá. Lời ân sủng đành héo khô. Có những tâm hồn tràn đầy ham hố dục vọng như những bụi gai xù xì. Ân sủng đành bị bóp nghẹt không trổ sinh hoa trái. Nhưng Thiên Chúa kiên trì quyết đi đến thành công.
Lời yêu thương là lời tự hiến. Chính Chúa Giê-su, người đi gieo Lời Chúa giờ đây trở thành hạt lúa chịu mục nát đi. Mục nát đi để chìm xuống con đường. Mục nát đi để làm mềm đá sỏi. Mục nát đi để tiêu diệt gai góc. Người trở thành hạt giống mục nát đi cho cây đời chúng ta mọc lên lớn mạnh. Người chịu tàn lụi đi để ta trổ sinh hoa trái trăm ngàn. Đó là tình yêu tuyệt đối.
Lời Chúa yêu thương tha thiết muốn ngỏ với ta. Xin cho ta trở thành thửa đất tốt đón nhận. Xin cho ta sẵn sàng đem Lời Chúa đi gieo khắp nơi.
SUY NIỆM 3: Hạt Giống Lời Chúa
Một em bé 13 tuổi bị phong cùi và bị xua đuổi ra khỏi làng, có nhà truyền giáo nọ đưa em về nhà nuôi dưỡng, săn sóc. Cảm động trước tấm lòng tốt của nhà truyền giáo, em bé hỏi:
- Tại sao ông quan tâm lo lắng cho tôi như vậy?
Nhà truyền giáo trả lời:
- Bởi vì Thiên Chúa là Cha đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta yêu thương liên đới với nhau. Ngài đã sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để dạy mỗi người chúng ta sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì thế vâng lời Ngài dạy, cha săn sóc cho con.
Từ đó, em bé này không bao giờ quên được cử chỉ yêu thương của nhà truyền giáo. Chẳng những thế, em còn xin làm môn đệ Chúa Giêsu và dùng thời gian còn lại để săn sóc cho những người phong cùi khác tại trung tâm của nhà truyền giáo.
"Vâng lời Chúa dạy, tôi săn sóc phục vụ anh chị em". Ðó là điều Thiên Chúa, qua hình ảnh của người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay mong đợi nơi những môn đệ Chúa Kitô, những kẻ đã lãnh nhận hạt giống ân sủng và Lời Chúa trong cuộc đời của mình. Câu chuyện trên đây là một trong muôn vàn sự kiện cụ thể để chứng minh Lời Chúa qua các thế hệ phải trổ sinh hoa trái tốt đẹp trong lịch sử cuộc đời con người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công việc của Ngài, nhưng nhiều khi chính con người từ chối chấp nhận Ngài và làm cho hạt giống ân sủng và Lời Chúa không trổ sinh được.
Người Kitô hữu chúng ta có thể biến những cánh đồng xã hội thành những cánh đồng tốt tươi, hoặc làm cho chúng trở thành những cánh đồng hoang, cỏ lác mọc um tùm. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta ý thức bổn phận làm cho hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt đẹp, có sức biến đổi cuộc đời mình và làm chứng cho tình yêu Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Người Gieo Giống (Mt 13,1-9)
Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc và suy niệm chương thứ 13 Phúc Âm theo thánh Mátthêu. Chương 13 này được các nhà chú giải gọi là bài diễn văn thứ ba trong số năm bài diễn văn của Chúa Giêsu được tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại trong sách Phúc Âm của mình. Và mục đích của bài diễn văn dài này được ghi nơi chương 13 là để trình bày một chương trình sống của người đồ đệ của Chúa, người đồ đệ lắng nghe Lời Chúa.
Có tất cả là bảy dụ ngôn được tác giả xếp lại với nhau và hôm nay chúng ta suy niệm dụ ngôn về người gieo giống. Dụ ngôn này dài và gồm có ba phần. Phần thứ nhất Chúa Giêsu công bố dụ ngôn người gieo giống. Phần thứ hai Chúa Giêsu giải thích thêm tại sao Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Và phần thứ ba Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cho các môn đệ.
Chúng ta hãy suy niệm ý nghĩa chung của dụ ngôn. Chúa Giêsu dạy cho các đồ đệ của Ngài ngày xưa và cho chúng ta hôm nay một bài học về tinh thần lạc quan trong đời sống đức tin. Cuối cùng, ơn Chúa sẽ thắng, Lời Chúa sẽ được đón nhận và sinh hoa kết quả tốt đẹp. Những hoa trái đó có thể bù cho những thiệt mất trong thời gian chờ đợi chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn của Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Ngài.
Bài học về tinh thần lạc quan tin tưởng này được giãi bày trong bốn dụ ngôn về hạt giống, về hạt cải, về men trong bột và về hạt giống tự động mọc lên. Ở những câu đầu công bố dụ ngôn (Mt 13,1-9) chúng ta thấy yếu tố chính mà tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu muốn chúng ta lưu ý đến không phải là mảnh đất, không phải là người gieo giống mà là chính hạt giống. Tuy có bị mất mát, bị thiệt thòi vì những hoàn cảnh môi trường khác nhau, nhưng có hạt giống trổ sinh được hoa trái.
Sau này, khi giải thích về dụ ngôn cho các môn đệ, yếu tố chính không còn là hạt giống nữa mà là các loại đất khác nhau đón nhận hạt giống. Các loại đất tốt xấu là những trạng thái tâm hồn con người đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Nhưng hôm nay chúng ta hãy dừng lại chiêm ngắm hạt giống trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, không ngã lòng thất vọng trước những nghịch cảnh, những môi trường không thuận lợi cho Lời Chúa. Những người Do Thái chống đối khước từ Chúa đã không làm hư chương trình cứu rỗi của Ngài. Ngày hôm nay cũng không thiếu những hoàn cảnh đối nghịch với Lời Chúa nhưng chắc chắn sẽ không diệt bỏ được sức mạnh trổ sinh hoa trái của Lời Chúa. Ðây là điểm tựa cho niềm hy vọng của người đồ đệ.
Lạy Chúa là niềm hy vọng của con,
Chúa là người gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi. Xin thương mở rộng tâm hồn chúng con đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được trổ sinh nơi đời sống chúng con, trổ sinh tinh thần kiên trì, phục vụ quảng đại và hoán cải canh tân đời sống mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Dụ Ngôn Là Gì?
Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt. 13, 3b. 4-8)
Trong chương mười ba này, thánh Mát-thêu gom lại tất cả bảy dụ ngôn. Trong bài Phúc Âm này, ta chỉ đọc bốn là dụ ngôn cỏ lùng, kho bạc, ngọc quý, và chiếc lưới. Còn ba dụ ngôn khác, thì hai dụ ngôn Người gieo giống và hạt cải cùng có chung với Mát-cô và Lu-ca, riêng dụ ngôn men trong bột có chung với một mình Lu-ca mà thôi. Bảy dụ ngôn này quen gọi là: “Những dụ ngôn ven Biển Hồ về Nước Trời”, đã được giảng cho dân chúng trong cùng một ngày hay không thì không rõ, còn đám đông dân chúng, theo như Phúc Âm thứ nhất trình bày, thì rõ ràng vẫn là một đám đông ấy đã nghe Chúa giảng.
Qua những dụ ngôn này, Chúa Giêsu chủ tâm làm rõ nét những đặc tính của Nước Trời, đặc biệt là những tính chất mà truyền thống Do-thái hoặc không biết đến đã làm cho méo mó.
Để diễn tả phát triển của Nước Trời, Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh tương phản nhau: Ở hai giai đoạn đầu, Nước Trời có vẻ khiêm tốn nhỏ bé, tăm tối, nhưng ở giai đoạn chót thì kết quả lại tuyệt vời, xán lạn. Nước Trời có giá trị cao quý, nhưng được giấu kín theo kiểu kho báu bị chôn vùi mà người ta phải khám phá, hoặc theo kiểu viên ngọc mà chỉ những người biết và kiếm tìm mới lượng giá được. Nước Trời đem lại những kết quả khác nhau tùy thái độ tâm tình và lòng mở ra đón nhận của mỗi người. Giai đoạn hiện tại của Nước Trời là thời kỳ pha trộn, chung sống giữa người lành kẻ dữ đợi ngày phân biệt và lựa chọn cuối cùng này.
Dụ ngôn là gì?
Đó là những câu chuyện được tạo dựa theo những phong tục và nếp sống thường ngày với mục đích trình bày một giáo lý nào đó trong lãnh vực siêu nhiên, tức là những mầu nhiệm về Nước Trời. khi so sánh hình ảnh tự nhiên trong câu chuyện của dụ ngôn. Tóm lại dụ ngôn là một sự so sánh cụ thể cốt để trình bày một giáo huấn trừu tượng.
Nước Trời.
Người ta rất hay bỏ qua ý nghĩa chính dụ ngôn để quan tâm đến những ý nghĩa ám chỉ, quên đi Nước Trời để đem áp dụng vào một hoàn cảnh cá nhân, cụ thể. Làm như vậy không phải là điều sai trái, nhưng khi ta chăm chú nghe lời ấy đúng như Chúa đã phán thì lời lẽ của Chúa cũng có sức mạnh, càng “thúc bách” để ta cố gằng hiểu biết đúng như ý Chúa muốn. Tại sao ta lại cho là khó thực hiện điều ấy, khi mà chính Chúa thực ra muốn nói gì, thì Người đều giải thích rõ cho ta vậy.
J.M
SUY NIỆM 6: HÃY LÀ THỬA ĐẤT TỐT (Mt 13, 1-9)
Xem lại CN 15 TN A
Hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho những người đương thời nhận ra mình đang thuộc thành phần nào trong dụ ngôn, qua đó cần có một thái độ phù hợp với Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu nói: “Có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. Hình ảnh này cho thấy có nhiều kẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng Lời ấy không sinh ích lợi cho họ vì sự hời hợt chóng qua, nên Lời Chúa không thấm nhập gì trong lòng, khiến những thứ tội lỗi sớm chiếm hữu tâm hồn họ.
Rồi: “Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo”. Thật vậy, có người đón nhận theo trào lưu, theo sở thích hay hiệu ứng đám đông, chứ không có chiều sâu. Vì thế, khó khăn xảy đến, họ là những người cao chạy xa bay vì sợ liên lụy, không dám can đảm để chấp nhận mình là người thuộc về Chúa nữa. Tâm hồn họ sẽ héo dần theo năm tháng vì không có Chúa ở cùng.
Và: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt”. Trong đời sống của con người hiện nay cũng vậy, họ có quá nhiều sở thích, đến nỗi cái chính yếu lại trở thành phụ thuộc, cái bên lề lại đưa vào chính diện. Tin Chúa, nhưng đồng thời cũng tin đủ thứ, đời sống đức tin của họ thuộc dạng người thiếu lập trường, nên: “Gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”.
Cuối cùng: “Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả... ”. Tuy nhiên, để trở thành thửa đất tốt theo tinh thần Tin Mừng, mảnh vườn tâm linh của con người phải là một mảnh vườn đơn sơ, chân thành để hạt giống một khi được gieo vãi, thì sẽ có cơ hội phát triển và trổ sinh bông hạt dồi dào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là hạt giống tốt và thửa ruộng màu mỡ, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và được phát triển qua hành động tốt chúng con làm hằng ngày. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6: Dụ ngôn người gieo giống
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hình ảnh người gieo giống thật lạ: không những chỉ gieo vào đất tốt, mà còn gieo vào cả những nơi hạt giống khó có thể mọc lên như đá sỏi, bụi gai... Nhưng cuối cùng, chỉ có những hạt gieo nơi đất tốt mới sinh hoa kết trái.
Thiên Chúa của chúng ta cũng vậy, mặc dù con người có tội đến đâu đi nữa, nhưng ơn Chúa vẫn tuôn tràn trên tất cả. Nếu chúng ta để cho ơn Chúa biến đổi, Người sẽ làm cho chúng ta được sinh lợi gấp trăm. Còn nếu chúng ta cố chấp, lười biếng... khiến hạt giống bị chết nghẹt, đó là trách nhiệm về phía chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tin tưởng vào sức mạnh của Chúa và tích cực cộng tác với ơn Chúa ban.
2. Chính vì lớn lên ở thôn quê, chứng kiến cảnh gieo trồng, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã để nói về Nước Trời. Việc gieo giống là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi của cuộc sống để trình bầy giáo lý của Ngài. Tất cả những sự việc bình thường hằng ngày có thể trở thành đề tài cho chúng ta chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn, biết chiêm ngưỡng và một thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.
Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hằng ngày và hàng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho chúng ta một cách quảng đại. Khi chúng ta dự Thánh Lễ, khi chúng ta nghe giảng, khi chúng ta đọc sách đạo đức, khi chúng ta nguyện ngắm, khi chúng ta nghe huấn đức, khi chúng ta học...
3. Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu chôn vùi, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành mầu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
Thiên Chúa luôn luôn gieo vãi Lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn (Hiền Lâm).
4. Quả thật, Thiên Chúa vô cùng quảng đại, mặc dầu Ngài biết chúng ta sẽ lãng phí thật nhiều ân huệ của Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ vung tay ban phát thật rộng rãi. Chúng ta thử tưởng tượng: nếu Chúa so đo tính toán để không uổng phí chút nào những ân huệ của Ngài thì tình cảnh chúng ta sẽ ra sao? Nhưng không bao giờ Thiên Chúa hành động như thế. Sự quảng đại của Thiên Chúa trong việc ban phát các ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại tình yêu ấy, chỉ có chúng ta có thể từ chối hoặc bóp nghẹt, không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta mà thôi.
5. Chắc chắn thính giả của Chúa Giêsu hôm ấy không điếc, họ đều có tai và nghe được lời Ngài giảng dạy. Thế mà cuối dụ ngôn, Chúa lại thêm một câu “khó nghe”: “Ai có tai thì nghe”. Quả thật, có những tâm hồn bịt tai lại trước Lời Chúa, như trường hợp những mảnh đất mà hạt giống bị chối từ hoặc chết yểu vì không đâm rễ sâu. Không phải Ngài sợ người ta không nghe được câu chuyện, nhưng Ngài muốn nhắc nhở người nghe hãy biến Lời Ngài thành hiện thực. Nghĩa là: nghe thôi thì không đủ, mà còn phải làm theo Lời đó nữa. Lời Chúa chỉ đem lại ơn cứu độ cho những ai biết hoán cải cuộc sống của mình bằng việc thực thi Lời đó.
Muốn cho hạt giống phát triển tốt thì phải bỏ thời gian chăm nom tưới bón đàng hoàng. Muốn cho Lời Chúa sinh hoa kết quả, chúng ta cũng không làm gì khác. Cần phải biết dùng thời giờ để lắng nghe, suy gẫm xem Chúa muốn ta làm gì mới có thể làm đúng ý Ngài và chắc chắn sẽ cho hoa quả tốt: “Hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi” hay không là tùy thuộc mức độ thấm nhuần Lời Chúa trong tâm hồn người tín hữu (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện: Không có lối học đế vương.
Cách đây 23 thế kỷ, nhà toán học Euclide, thành Athènes ở Hy Lạp, đến thành Alexandria để mở trường dạy học. Vua Ptolémée nước Ai cập lúc đó dẫn hoàng tử Seronus đến xin học. Nhà vua xin dạy môn toán sao cho thật dễ bởi vì Seronus là hoảng tử.
Euclide trả lời:
- Tâu đức vua, không có lối học đế vương. Mọi môn đồ giàu cũng như nghèo đều phải hết sức tập trung ý chí và cố gắng làm việc hăng say thì mới có kết quả. Cách ngôn nói: “Không bao giờ thời tiết làm nên một thủy thủ” hoặc “Đại dương dễ dàng rơi ra những viên sỏi nhưng giấu kín những hạt ngọc”.
Lời Chúa cũng chỉ có kết quả nơi những tâm hồn biết đón nhận và đem ra thực hành như thế.
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-tu-21072021-thu-tu-tuan-16-thuong-nien-gieo-vai-loi-chua.html