Thứ Tư 20/01/2021 – Thứ Tư tuần 2 thường niên. – Cần làm việc lành.

Thứ Tư 20/01/2021 – Thứ Tư tuần 2 thường niên. – Cần làm việc lành.

"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng.

Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Anh giơ tay ra!

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận

giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).

Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,

về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,

chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.

Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.

Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.

để có cớ tố cáo Ngài.

Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.

Ngài muốn công khai h óa và chính thức hóa việc làm của mình,

bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”

Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.

Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài

về điều được phép làm trong ngày sabát:

được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?

Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,

nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.

Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.

Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.

Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.

Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.

Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.

Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.

Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.

Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,

một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,

một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,

theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.

“Hãy giơ tay ra!”

Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.

Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.

Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,

và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.

Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường

vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.

Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,

Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).

Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.

Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.

Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau

để làm thành một vòng tròn khép kín.

Sau đó chúng con hiểu rằng

cần phải buông tay nhau

để nhận những người bạn mới,

để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng

và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng

cần phải nối vòng tay lớn

xuyên qua các đại dương và lục địa.

vòng tay người nối với người,

vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa

đứng chung một vòng tròn

với tất cả loài người chúng con,

nắm lấy tay chúng con

và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá

giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau

và nhận nhau là anh em. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: VUA CÔNG CHÍNH, VUA HÒA BÌNH

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Men-ki-sê-đê có nghĩa là “Vua Công Chính”, ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “Vua Hòa Bình”. Đa-vít, thánh vương báo hiệu triều đại Nước Chúa cũng là vua công chính và vua hòa bình. Chúa dùng ông để trả lại công bằng cho dân tộc bị áp bức. Và đem lại nền hòa bình cho Dân Chúa. Vì thế Chúa cho ông sức mạnh chiến thắng Gô-li-át khổng lồ của người Phi-li-tinh hùng mạnh.

Nhưng Chúa Giê-su mới thật là Vua Công Chính. Người trả lại mục đích nguyên thủy của lề luật là để phục vụ con người. Ngày sa-bát được Chúa dựng nên để con người được nghỉ ngơi và phát triển toàn diện. Trên hết, cần phát triển đời sống tâm linh. Khi chất vấn người Biệt phái: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ..?” Chúa nhắc họ phải tìm về đúng ý nghĩa nguyên thủy của ngày nghỉ sa-bát.

Người trả lại cho con người quyền được sống và sống dồi dào. Chúa tạo dựng nên con người để con người được hạnh phúc. Nhưng tội nguyên tổ đã phá hỏng công trình của Chúa. Vì thế Chúa đã phải sai Con Một xuống phục hồi lại phẩm giá cao quí, sửa chữa lại những hư hại nơi bản tính con người. Chúa chữa lành những vết thương không chỉ nơi thân xác mà cả nơi tâm hồn và trong xã hội nữa.

Chúa Giê-su là Vua Hòa Bình. Vì Chúa hòa giải con người với Thiên Chúa. Tội lỗi gây nên mối bất hòa. Chúa Giê-su chịu chết đền tội thay cho loài người để loài người được hòa giải với Thiên Chúa. Theo quan niệm của người Do thái, bệnh tật là dấu hiệu của tội lỗi. Khi Chúa Giê-su chữa bệnh phần xác, Người có ý chữa bệnh trong linh hồn, đưa con người trở về làm hòa với Cha của mình.

Chúa Giê-su hòa giải con người với nhau. Người bệnh tật là người bị loại trừ. Chữa lành bệnh là đưa người bệnh trở lại hội nhập với xã hội, làm hòa với anh em để sống đề huề trong gia đình nhân loại và gia đình của Chúa.

Chúa Giê-su hòa giải con người với chính mình. Người bệnh tật, người tội lỗi là người có sự phân hóa ngay trong bản thân, bất mãn với bản thân. Khi chữa lành bệnh tật, Chúa Giê-su đưa con người trở về chính mình, yêu thương chính mình, kính trọng chính mình. Chính khi làm hòa với chính mình, con người khởi đầu sống hạnh phúc.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con được theo Chúa trong phục vụ công bình và hòa giải.

 

Suy Niệm 3: Phản ứng của Chúa Giêsu

Trong diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh nhân dịp Năm Mới 1996, Ðức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tố giác các đàn áp Kitô hữu; Ngài nhận định như sau: "Người ta không thể đàn áp mãi hàng triệu tín hữu, nghi ngờ hoặc chia rẽ họ, mà những hành động đó lại không đưa đến những hậu quả tiêu cực, chẳng những đối với uy tín của các quốc gia trên trường quốc tế, mà cả trong nội bộ các xã hội liên hệ; trái lại, những mối quan hệ tốt giữa các Giáo Hội và nhà nước góp phần vào sự hòa hợp mọi thành phần trong xã hội".

Vừa đàn áp, vừa kêu gọi tin tưởng, chỉ có người mù quáng mới không thấy được sự mâu thuẫn trong hành động của mình. Người mù lòa ít ra còn biết mình không thấy, nhưng kẻ mù quáng vốn có mắt, nhưng lại không nhìn thấy.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: "Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ". Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.

Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được. Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán cải không ngừng của Chúa. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung động trước nỗi đau khổ của đồng loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa trị và san sẻ trao ban cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Làm việc lành khi nào?

Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sa bát không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh chỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày sa bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. (Mc. 3, 1-4)

Chúa Giêsu và các người Biệt phái đã nhiều lần đối đầu với nhau về vấn đề giải thích Luật. Chúa Giêsu có một cách tiếp cận Luật một cách khá thông thoáng, còn những người Biệt phái chủ trương một sự giải thích chặt chẽ khít khao. Thực ra mỗi bên đều theo đuổi những nguyên tắc và quan điểm riêng, nên không thống nhất được một thang giá trị về công lý. Một bên thì cọi trọng những luật lệ và thực hành cũ kỹ của quá khứ, bên kia lại sẵn sàng thích ứng với hiện tại.

Một vấn đề có tính thời sự

Sự phát triển về cấu trúc lao động trong các xã hội công nghiệp đã dẫn đến một sự quá chuyên biệt và phân cách trong các ngành nghề và hoạt động khác nhau, đồng thời khiến cho những luật về lao động càng rắc rối phức tạp. Kết quả là vì muốn tôn trọng người lao động mà người ta đã phạm phải những sai lầm vô lý, tỉ dụ như trên một công trường xây dựng, người thợ điện không được phép cưa một khúc gỗ cho anh mà phải đem khúc gỗ ấy đến xưởng cưa, ông thầy dạy học không thể cung ứng cho các sinh viên một sinh hoạt ngoài giờ học; những công nhân đã bị người ta rầy la khi làm việc vì đã tỏ ra quá nhiệt tình và đã bày ra thêm một lượng công việc lớn hơn mức trung bình.

Người ta lại phải tự hỏi: khi nào phải làm việc lành? Có phải tôn trọng hay bỏ qua những luật lệ tỉ mỉ này không?

Thí dụ nêu trên về tình hình lao động khiến chúng ta phải nêu lên mấy câu hỏi. Chúa Giêsu liệu có phải giận dữ rảo mắt nhìn ta khi thấy ta đôi khi vì những luật lệ tỉ mỉ này mà làm cho lòng quảng đại khó được thực hiện chăng? Chúng ta xây dựng loại thế giới nào khi chính những con người cần cù lao động lại bị coi như làm hại cho những kẻ lười biếng? Và biết bao người trong chúng ta thường ỷ vào những quy ước, văn bản đã ký, những nỗi lo toan việc chung để thoái thác một đơn thỉnh cầu và xếp lại hồ sơ hay gọi điện thoại đẩy công việc đó cho một người khác?

Phần Chúa Giêsu, Người đã trả lời những câu hỏi này và khi thấy việc lành cần làm thì Người đã làm ngay.

 

Suy Niệm 5: CÓ ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU THIỆN TRONG NGÀY SA-BÁT KHÔNG?

Khi nói đến Đức Giêsu, hẳn ai ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến một Đức Giêsu nhân từ, hiền hậu và khiêm nhường. Mà quả thật là như vậy, bởi đã có lần Ngài nói: hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường; hay trong các cử chỉ, hành động của Ngài cũng đều toát lên bản chất đó.

Tuy nhiên, chúng ta thấy có những lúc Đức Giêsu rất cương nghị. Chẳng hạn như khi Ngài loan báo cuộc khổ nạn thì Phêrô đứng ra ngăn cản Ngài, Ngài sẵn sàng mắng Phêrô là Satan và đuổi ông xéo lại đằng sau. Hay khi Ngài lên đền thờ Giêrusalem và thấy người ta buôn bán đủ thứ trong đền thờ, Ngài đã nổi nóng và lấy giây bện thành roi đánh đuổi và lật nhào bàn ghế của họ. Tại sao vậy, thưa vì nếu những gì làm cho con người xa ơn cứu chuộc, hay làm cản trở sứ vụ cứu thế của Ngài thì Ngài không khoan nhượng. Bởi nếu khoan nhượng thì họ bị mất ơn cứu chuộc.

Hôm nay cũng vậy, Ngài tỏ ra buồn bực và mạnh mẽ lên án cách nặng nề những người đang đứng đó với Ngài bởi vì lòng họ hóa ra trai đá, cứng cỏi, nên không thể có một cái nhìn tích cực về những việc làm tốt đẹp và như một điều tất yếu, họ khó có thể đón nhận được hồng ân cứu độ vì sự kiêu ngạo đã phủ lấp tâm hồn họ.

Lời Chúa hôm nay cật vấn lương tâm mỗi chúng ta. Liệu có khi nào vì ích kỷ, ghen tương và vụ luật mà chúng ta không thể có một cái nhìn tích cực hay nhìn đúng sự việc tốt lành của anh chị em mình? Hay là chúng ta chỉ tìm cơ hội để thọc gạy bánh xe, làm cho người anh chị em chúng ta khó lòng thi hành điều tốt đẹp mà họ được thúc đẩy để làm?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con luôn biết nghĩ tốt cho người khác; hay khi muốn sửa lỗi cho ai thì chính mình phải nhìn nhận bản thân cũng có những lỗi đó. Có thế, chúng ta mới trở thành môn đệ thực thụ của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu thổi tình yêu vào Lề Luật

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn: Một ông chủ nọ cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ.

Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.

Suy niệm

Những người luật sĩ và biệt phái đang rình xem Đức Giêsu có lỗi luật nghỉ ngày Sabát hay không để bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày hưu lễ, hầu có lý do ám hại Chúa. Ngài nhìn họ với ánh mắt buồn và giận, vì họ cứng lòng, giữ Luật vì hình thức và vụ lợi. Chúa Giêsu đã từng khẳng định, Ngài không đến để phá bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn (x. Mt 5,17-18), làm cho Luật được trọn nghĩa, là đem cho Lề Luật một ý nghĩa tích cực, một nội dung tình yêu. Chúa không chấp nhận giữ Luật theo nghĩa đen và câu nệ vào hình thức hơn nội dung. Nhất là giữ luật mình hơn Luật của Thiên Chúa để rồi lỗi giới luật căn bản là công bình, yêu thương và lòng tin.

Dù giữ luật ngày Sabát, tuy nhiên những luật sĩ và biệt phái vẫn có giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày Sabát: cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày Sabát (x.Mt 12,11). Như thế, họ tự cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu người anh em đang đau khổ vì bệnh tật. Ðức Giêsu buồn và giận vì điều đó.

Qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày Sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người, đặc biệt người khốn khổ. Qua đó, Ngài thổi tình yêu vào Lề Luật: Ngày Sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Xin Chúa giúp chúng con ý thức được ý nghĩa của Luật Chúa và giữ Luật vì yêu mến.

Ý lực sống: “Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du)

 

Suy Niệm 7: Chúa chữa người bại tay

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Ngày hưu lễ, Chúa Giêsu vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết ? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hêrôđê tìm cách giết Chúa.

2. Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sabat trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày sabat là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình (5 phút Lời Chúa).

3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: ”Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.

4. Có câu chuyện kể rằng: hôm ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sabat không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca...

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày sabat mọi người đến nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa... Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: ”Ngày sabbat nên làm điều lành hay làm điều dữ” ? 

5. Chúa Giêsu thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.

6. Truyện: Luật là luật

Chúng ta đã biết những người biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật” và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế, chúng  ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:

Một người Do thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.

Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại.

Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết như sau:

- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.

Nói xong, ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.

 nguon:http://gplongxuyen.org/News