"Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
Lời Chúa: Mt. 6, 1-6, 16-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.
Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Đấng thấu suốt những gì kín đáo
Suy niệm :
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Cầu nguyện :
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.
(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Các việc đạo đức
Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Đừng phô trương
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt. 6, 1)
Hãy nhìn tôi đây
Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng những cách cư xử như vậy mà Chúa muốn chúng ta chấp nhận, đều là tuyệt hảo. Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không để cho ai thấy, ăn chay không làm bộ rầu rĩ, ta muốn cho mọi người hành động như thế, và ta muốn mình cũng làm như vậy. Nhưng thực ra không phải dễ dàng đâu. Trong ta, mỗi người đều có một chút riêng tư, thực tế khó mà dứt ra được.
Ta thích cho người khác nhìn thấy việc tốt ta làm, cũng là thích phô trương những khía cạnh tốt của ta. Người ta phô trương mình, cũng là vì ý tốt và hàu như vô tình thôi.
Khi người khác có dụng ý khoe khoang, tìm những cử chỉ hợp thời để làm nổi bật mình, ta rất tinh để nhận ra điều đó. Lẽ nào ta lại không tinh tường đủ để nhận ra chính mình cũng mắc chứng tật đó khi tìm dịp để đặt mình lên bục cao sao?
Ta hãy nhớ lại chỉ trong một tuần lễ thôi, biết bao lần ta đã làm hết sức để cho người ta khen ta là dễ thương, quảng đại và hay giúp đỡ. Có lẽ những lần đó nhiều hơn ta tưởng.
Hãy để chính Thiên Chúa nhìn ta!
Thiên Chúa yêu thích những con người đơn sơ, khiêm tốn và kín đáo. Những kẻ thích làm ngôi sao nhỏ”, đối với Chúa thường chỉ là những người kiêu ngạo lớn. Khi ta thu xếp để người chung quanh ca ngợi ta, thì Thiên Chúa nhắm mắt lại. hoặc nhìn đi nơi khác.
Thiên Chúa chỉ đoái nhìn và xót thương những ai không tìm cách làm cho người ta nhìn mình.
Suy Niệm 4: Ý định và cách thức thể hiện
“Sống như kẻ công chính” có nghĩa, vào thời Chúa Giêsu, là trung thành với ba việc làm căn bản của đời sống tôn giáo: bố thí, kinh nguyện và chay tịnh. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu nói: các việc làm này quan trọng, và vì thế phải tránh đừng làm giảm giá chúng. Phải thực thi chúng không phải “trước mặt người ta”, nhưng trước mặt Thiên Chúa.
Một đàng con người có thể xác; vì vậy, thật là hợp lý khi thân xác được liên kết với cách thức diễn tả của đời sống thiêng liêng, tôn giáo. Điều này đưa đến những cử chỉ bên ngoài, có thể xem thấy được, thuộc về thể xác.
Người ta gọi là những việc làm. Đàng khác, thân xác là phương thế, là trung gian, là điểm tựa cho những tương quan xã hội. Những sinh hoạt thể xác, trông thấy được không thể là dửng dưng, nhưng được xem xét, lượng giá. Vì thế các việc làm tôn giáo là đối tượng của xem xét và lượng giá. Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi việc sử dụng những việc làm tôn giáo để lôi kéo sự xét đoán nịnh bợ và đánh giá khen ngợi của những kẻ trông thấy.
Phải làm gì? Hãy làm sao cho các việc làm này bớt tính cách thể xác, bớt dễ dàng cho người ta xem thấy tới mức tối đa. Vấn đề không phải là phát động một tôn giáo thoát xác và hoàn toàn bên trong. Bố thí, cử chỉ có tính cách vật chất; kinh nguyện đi đôi với thân xác; chay tịnh, kiêng cử thể xác. Tất cả những cái đó đều tốt và nên thực hành cách trung tín. Nhưng còn cách thức thực hiện: phải làm sao cho những việc làm có sự tham dự của thể xác và có thể thấy được, bớt tính cách phô trương. Phải làm cho chúng trở nên kín đáo tới mức tối đa, và hãy luôn ước muốn chỉ một mình Thiên Chúa xét đoán thôi. Tóm lại Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu điều này: đời sống tôn giáo là một việc làm giữa chúng ta và Thiên Chúa; vì thế điều hệ trọng là cái nhìn của Thiên Chúa trên ta, một cái nhìn thấu suốt được mọi bí nhiệm. Dùng những việc làm tôn giáo để được nhân loại tán dương thay vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, là sự giả hình ghê tởm nhất. Ngày nay chúng ta có thể thêm: khinh dể bố thí, kinh nguyện, chay tịnh mà Chúa Giêsu đã làm gương thi hành, và lớn tiếng tuyên bố cổ võ một Phúc Âm giải thoát nhưng rỗng tuếch nhựa sống, điều này cũng là một sự giả hình không kém.
Việc từ bỏ mình của tôi, mà Thiên Chúa biết có tỏa rạng niềm vui không?
Suy Niệm 5: Đừng cầu danh
Một thi sĩ người Anh, ngoài tài làm thơ ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với nhóm thân hữu họp để ngâm thơ và hòa nhạc. Một đêm nọ, lúc đang trên đường tới dự một buổi hòa nhạc, thi sĩ đã gặp một chiếc xe ngựa đang bị sa lầy, trên xe hàng hóa chất đầy, tài xế thì già yếu và con ngựa lại gầy còm. Không chút ngần ngại, ông đã bỏ cây đàn sang một bên, dỡ số hàng hóa trên xe xuống, đẩy xe qua khỏi vũng lầy và chất hàng hóa lên xe trở lại. Ông còn tặng thêm cho bác tài xế ít tiền nhỏ để mua thức ăn cho con ngựa. Xong xuôi công việc thì trời đã về khuya và bộ đồ dạ hội đã vấy bùn. Tuy nhiên, ông vẫn đến nơi hẹn, lúc ông đến nơi thì buổi hòa nhạc đã gần tàn, một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời”. Thi sĩ vui vẻ mỉm cười và đáp: “Vâng! đúng thế. Tuy nhiên, bù lại tôi đã tấu được khúc nhạc khác tuyệt vời hơn nhiều”.
Mỗi công việc đều đem lại một kết quả, kết quả đem lại cho con người hài lòng thì nó là phần thưởng. Đối với nhóm bạn bè thân hữu của thi sĩ thì công việc của ông làm đã hạ thấp giá trị người nghệ sĩ, ông bỏ mất phần thưởng giá trị để lao mình vào chuyện không đâu. Riêng đối với nhà thơ thì khác, qua công việc bác ái vừa làm, ông đã tấu được những khúc nhạc tuyệt vời. Vậy đâu là giá trị, là phần thưởng của công việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phương thế để tìm kiếm và chọn lựa.
Thật thế, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái, vì chúng diễn tả đến ba mối tương quan của con người. Có thể gọi “bố thí” là sự liên hệ đối với người khác, “cầu nguyện” là trao đổi, trò chuyện cùng Thiên Chúa và “ăn chay” là công việc liên quan đến chính bản thân mình.
Trong đời sống đạo chẳng thể bỏ qua ba công việc này, chúng rất cần thiết, vì đó là hình thức diễn đạt của con người hữu hình. Một tinh thần chịu sự lệ thuộc của thân xác, hình thức bên ngoài để bộc lộ bên trong. Tuy nhiên, cũng vì hình thức bên ngoài mà việc làm lại mang những ý nghĩa khác nhau, vì có người lợi dụng chiếc vỏ hình thức này để che giấu hoặc phô bày những khuyết điểm, nghĩa là thái độ giả hình. Thái độ giả hình này đã bị Chúa Giêsu thẳng thắn kết án. Những hạng người giả hình này, họ cũng bố thí, ăn chay, cầu nguyện, nhưng tựu trung chỉ để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất giá trị đích thực của công việc. Giá trị ít khi đi chung đường, và chính giá trị này sẽ hủy diệt giá trị kia.
Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng; nếu chỉ tìm kiếm những giá trị trần gian thì con người khó lòng vươn tới được giá trị ở trong Thiên Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi”. Lời nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu cũng là một tuyên bố dứt khoát đối với những ai mải mê chạy theo các giá trị trần thế, và dù người ta có muốn quay về với giá trị đích thực thì giấc mộng phù du cũng đã cản lối quay về.
Bố thí là một lời yêu thương nghĩ đến người khác, nhưng nếu bố thí chỉ muốn làm thỏa mãn cái tôi của mình thì làm sao thấy được kẻ khác. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, thế mà chỉ quy về bản thân thì làm sao còn chỗ cho Thiên Chúa, còn biết Ngài ở đâu để trò chuyện. Ăn chay là một đền bù cho những gì sai lỗi, khiếm khuyết. Ăn chay được diễn tả như một khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, thế nhưng nếu con người đã no thỏa với chính mình thì họ đâu cần đến Thiên Chúa. Đã tìm thấy giá trị nơi bản thân mình nên con người đánh mất giá trị quý báu do công việc đem lại.
Bởi thế, lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời hướng dẫn cho người Kitô hữu khi hành động, không chỉ trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả đến mọi công việc làm trong đời sống hằng ngày của con người. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô, biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Có thể người đời cho là thấp kém hoặc không ai biết đến. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi điều, Ngài sẽ thưởng công cho cách tràn đầy.
Lạy Chúa, trước một công việc chúng con làm, xin Chúa sáng soi để chúng con có thể khám phá được đâu là giá trị thực và xin giúp sức để chúng con quyết tâm theo đuổi giá trị ấy. Vì thân xác chúng con thật yếu đuối, vẻ hào nhoáng bên ngoài vẫn luôn là miếng mồi quyến rũ kéo chúng con lạc đường lối của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận những tầm thường để đổi lấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Amen.
Suy Niệm 6: KHIÊM NHƯỜNG THÌ MỚI CÓ ÍCH ( Mt 6, 1-6. 16-18)
Xem lại Thứ Tư lễ Tro.
Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho Giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy!”.
Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!
Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể thành hiện thực khi không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai!
Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện, hãy làm vì lòng mến và tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.
Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết do con người trao tặng?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao ban khi và chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em, để mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News