"Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy".
LỜI CHÚA: Lc 7, 19-23 (Hl 18b-23)
Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?" Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: "Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?"
Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: "Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Còn phải đợi ai
Suy niệm:
Đường lối của Thiên Chúa lúc nào cũng làm con người ngỡ ngàng.
Ngài có lối nghĩ, lối đi rất riêng, khó đoán trước được.
Chính vì thế con người dễ bắt hụt Ngài.
Ngài ở đây mà ta lại cứ đi tìm Ngài ở kia.
Nhiều khi ta kêu ca vì không sao gặp được Ngài
ở những điểm hẹn quen thuộc.
Phải đổi cái nhìn xưa, ra khỏi lối nghĩ cũ, mới hy vọng gặp được Ngài.
Gioan có một hình ảnh khá rõ về Đấng Mêsia.
Ngài như người cầm nia rê lúa và đốt thóc lép trong lửa
hay như cái rìu chặt những cây không sinh trái.
Đấng Mêsia thích dùng lửa để thanh luyện cái xấu (Lc 3, 9, 16-17).
Gioan rất xác tín về hình ảnh này của mình.
Vì thế ông sốt ruột khi không thấy Đức Giêsu làm điều ông chờ đợi.
Trong bóng tối của nhà tù nằm ở phía đông Biển Chết,
Gioan còn phải chiến đấu với bóng tối của sự nghi ngờ nơi mình.
Đức Giêsu mà ông loan báo có đúng là Đấng Mêsia không?
Ông sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Đức Giêsu, để hỏi cho ra lẽ.
“Thầy có thật là Đấng-phải-đến không,
hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (c. 19).
Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy một khuôn mặt Mêsia khác hẳn.
Ngài bảo hai môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy mình
những gì họ mắt thấy tai nghe vào chính giờ họ đến gặp (c. 21).
Có sáu dấu chỉ của thời đại Mêsia, thời của Đấng Thiên Sai:
người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,
kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy,
và người nghèo được nghe Tin Mừng (c. 22).
Đây là những dấu chỉ Ngài đã và đang làm cho dân chúng.
Những dấu chỉ này làm cho bao lời ngôn sứ Isaia ngày xưa
được ứng nghiệm (Is 26, 19; 29, 18-19; 35, 5-6; 42, 18; 61,1).
Như thế Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia,
nhưng không phải là Mêsia như Gioan chờ đợi.
Ngài không phải là một Mêsia đến phán xét hay tiêu diệt ác nhân,
cho bằng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót.
Đức Giêsu đến để công bố một năm hồng ân cứu độ (Lc 4, 19).
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 23).
Muốn tránh vấp ngã, Gioan phải đổi cái nhìn của mình về Đấng Mêsia.
Đổi cái nhìn về Thiên Chúa không phải chuyện dễ.
Nhiều khi chúng ta thích một Thiên Chúa chiến thắng vẻ vang,
một Thiên Chúa quyền uy, dùng sức mạnh để chinh phục lòng người.
Chúng ta không chịu được một Thiên Chúa kiên nhẫn với cỏ lùng,
và để cho kẻ ác nhởn nhơ tác oai tác quái.
Ước gì chúng ta không mất đức tin khi đứng trước máng cỏ,
trước Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé và yếu ớt, lặng lẽ và khiêm hạ,
vì chúng ta tin Ngài cứu độ thế giới bằng chính sự yếu đuối.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thưong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy Niệm 2: NHÌN XEM DẤU CHỈ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Gio-an đưa ra một câu hỏi nguyên tắc. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời thực hành. Gio-an đưa ra một câu hỏi trực tiếp. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời gián tiếp. Gio-an đưa ra một câu hỏi bắt buộc. Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời tự do.
“Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Chính giờ ấy Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy”. Đừng lý thuyết hãy thực hành. Đừng vội phán xét lý sự, hãy bình tĩnh nhìn xem rồi sẽ biết phán đoán. Đừng nói nhiều, hãy hành động. Đừng nghe qua trung gian, hãy tiếp xúc trực tiếp, tận mắt kiểm chứng.
“Hãy về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”. Cứ xem quả thì biết cây. Xem công việc thì biết người làm. Xem dấu chỉ thì có thể nhận biết thực tại. Ai có thể cho người mù được thấy nếu không phải là Đấng dựng nên ánh sáng. Ai có thể cho người chết sống lại nếu không phải là Đấng làm chủ sự sống. Ai có thể thứ tha tội lỗi nếu không phải là Thiên Chúa?
Dấu chỉ hiển nhiên nhưng lại tự do. Hiển nhiên vì ai cũng có thể thấy. Tự do vì không ép buộc. Thấy rồi có thể tin hay không. Tùy tấm lòng. Tự do nhưng lại đầy tính thuyết phục. Và phải tâm phục khẩu phục để cho niềm tin phát xuất tự đáy lòng.
I-sa-i-a cho biết sở dĩ Chúa có thể cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy” vì Chúa là chủ vũ trụ, Người ban sự sống, điều khiển muôn loài và là Chúa duy nhất có thể cứu độ: “Ngoài Ta ra không không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ”.
Lạy Chúa, Chúa là chủ vũ trụ và là chủ đời con. Đời con sẽ không có lối thoát nếu không đi về với Chúa. Con mù tối, què quặt, bất toại, xin Chúa hãy khai sáng để con nhìn ra sự thật, hãy phục hồi để con trở lại đường ngay, hãy ban sức mạnh để con hăng hái tiến bước. Xin cho con noi gương Chúa, làm chứng cho Chúa bằng những việc làm cụ thể. Lạy Chúa, xin mau đến cứu độ con.
Suy Niệm 3: Đấng Cứu Thế đến
Trong tác phẩm “Ngày Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người Do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến:
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là giấc mơ của bậc cao niên, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu Thế luôn luôn là sự hứa hẹn của buổi sáng ngày mai”
“Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi. Ngài chính là sự hứa hẹn của buổi sáng ngày mai”. Quả vậy, như trong bài Tin Mừng hôm nay, khi dẫn những lời tiên tri Isaia về thời Cứu Thế, Ngài đã cho thấy Ngài là Đấng phải đến. Ngài đem đến Nước Thiên là một yếu tố quyết định mạnh mẽ. Sau Ngài sẽ không còn ai sẽ đến, vì Ngài đã hoàn tất lời sấm ngôn: “người mù được thấy, người què được đi, người phung hủi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng”.
Mùa vọng nói với chúng ta về việc Chúa Giêsu đến, Ngài không chỉ đến trong giòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng kỷ niệm vào lễ Giáng sinh, nhưng Ngài còn đến vào cuối lịch sử để làm thẩm phán xét xử chúng ta nữa.
Ước gì chúng ta đừng chờ đợi một Đấng nào khác ngoài Đức Kitô, cũng đừng đi lướt qua Đấng phải đến đang hiện diện, cũng đừng khinh thường những giáo huấn của Ngài. Bởi vì Ngài là Đấng phải đến, Ngài là Đấng đã đến trong thế gian, và Ngài là Đấng sẽ đến đầy quyền năng cao cả để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Ước gì chúng ta được vào số những người được Ngài chúc phúc và mời gọi đến lãnh lấy nước Trời làm cơ nghiệp.
Suy Niệm 4: HỌ ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN (Lc 7,19-23)
Một trong những phương pháp giáo dục tốt mà ngày nay các nhà tâm lý giáo dục thường hay áp dụng, đó là: người thầy thường đưa học trò của mình đi thực tế để mắt thấy tai nghe vì trong những ngày tháng học ở giảng đường chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, thời gian đi thực tế là thời gian gặt hái được nhiều thành công nhất.
Hôm nay, Gioan Tẩy Giả cũng dùng biện pháp này khi sai hai môn đệ của mình đi đến gặp Đức Giêsu và hỏi: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?". Khi sai các môn đệ đi như thế, hẳn Gioan không phải là người không biết vai trò, sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải tù đầy, chính ngài nhận ra Đức Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vì thế, ngài đã nhảy mừng khi Đức Maria đến thăm mẹ của mình là bà Elisabét; Gioan cũng thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống đậu trên vai Đức Giêsu và có tiếng Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa; rồi cũng chính ngài đã loan báo về Đấng đến sau mình, nhưng uy quyền và chức vụ của Đấng ấy rất đỗi cao sang, khiến ông không đáng cởi giây dày cho Ngài; cuối cùng, Gioan tuyên bố: “Đây là chiên Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, khi sai các môn đệ của mình đến với Đức Giêsu như thế, ông đã mở mắt cho các môn sinh và muốn các đồ đệ của mình hãy can đảm từ bỏ ông để đi theo Đức Giêsu, Đấng là nguồn ơn cứu độ, là đường, sự thật và là sự sống, còn ông, ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Khi họ đến gặp Đức Giêsu, Ngài đã cho các ông chứng kiến tận mắt những phép lạ chứng tỏ quyền năng và ơn cứu độ của Ngài khi chữa lành những người ốm đau, bệnh tật, loan báo ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những người tội lỗi...
Khi cho họ chứng kiến như thế, Đức Giêsu không quên cảnh tỉnh họ: “Phúc cho kẻ không vấp ngã vì ta”.
Tại sao Ngài lại nói như thế? Thưa là vì Ngài biết rõ lúc này, nhiều người đang mong chờ Ngài là một vị Cứu Tinh theo kiểu quyền lực chứ không phải là người thi ân giáng phúc thiêng liêng...!
Vì thế, lời cảnh thức của Đức Giêsu cho các môn đệ Gioan khi xưa cũng chính là lời khuyên răn chúng ta ngày hôm nay! Thật vậy, nhiều khi chúng ta muốn níu kéo Chúa về phe chúng ta để tiêu diệt những người tội lỗi, bất lương. Hoặc đôi khi chúng ta yêu cầu Chúa phải ban cho chúng ta những ơn chúng ta xin dù ơn xin đó nghịch với Lương Tâm... Tuy nhiên, những điều đó hẳn là không thể được Chúa nhận lời, vì thế, nhiều khi chúng ta chưng hửng...!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào mối tương quan thân tình với Chúa bằng việc trực tiếp để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Cần có tấm lòng yêu thương, bác ái, liên đới và quảng đại như Chúa.
Noi gương Gioan Tẩy Giả, sẵn sàng lui vào hậu trường để Đức Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu các môn sinh của mình đến và gặp Đức Giêsu để họ đi theo và thi hành sứ vụ của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con học được bài học từ hành động và cuộc đời của Chúa, để chúng con ra đi rao giảng và loan truyền những kỳ công Chúa đã làm cho nhân loại. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Đấng phải đến (Lc 7,19-23)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đang lúc ngồi trong tù, Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu thế không ? Chúa không trả lời mà bảo họ về thuật lại cho Gioan những việc các ông xem thấy Người đang làm : người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe và người nghèo được nghe giảng Tin Mừng.Tức là Chúa trả lời cách gián tiếp : Người là Đấng Cứu Thế, là Đấng Thiên Sai.
Người Do thái chờ đợi một Đấng Cứu Thế quyền phép, để giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại xâm và làm bá chủ thế giới. Nhưng Chúa Cứu Thế không đến để làm việc đó, Người đến để phục vụ, để chữa lành người bệnh tật, để cứu vớt những kẻ lầm lạc tội lỗi.
2. Chúng ta cần hiểu rõ lý do tại sao ông Gioan đang bị giam trong ngục lại sai hai môn đệ đến phỏng vấn Đức Giêsu :”Thầy có phải là Đấng phải đến không” ? Chúng ta thấy có hai lý do khiến cho Gioan làm như thế :
- Một đàng ông có ý đánh tan tính ghen tỵ và mối hoài nghi của các môn đệ của ông về thân thế Đức Giêsu, vì họ đang tôn trọng ông hơn Đức Giêsu.
- Đàng khác, Gioan muốn cho môn đệ mình có dịp tiếp xúc trực tiếp với Đức Giêsu để có dịp nghe giảng giải và chứng kiến những việc Đức Giêsu đang làm mà tin nhận Người là Đấng Cứu Thế đã đến.
3. Còn một lý do nữa mà ông Gioan sai hai môn đệ đến chất vấn Đức Giêsu : Ở trong tù, Gioan nghe biết những hoạt động của Đức Giêsu : một mặt ông nghĩ Ngài chính là Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia theo như tiên tri Isaia đã phác họa là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.
4. Đức Giêsu có thái độ nào trước cuộc phỏng vấn đó ? Ngài không trả lời trực tiếp mà chỉ bảo họ về thuật lại cho Gioan những việc Ngài đang làm : cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Bởi vì thời đó, ai cũng tin khi nào Đấng Cứu Thế đến, thì Người sẽ làm nhiều phép lạ, nay Đức Giêsu muốn cho môn đệ Gioan biết chính Người là Đấng ấy, nên Người đã làm nhiều phép lạ để cho họ mắt thấy tai nghe. Rồi Người bảo họ về đưa tin cho Gioan. Nhắn bảo như vậy, Đức Giêsu muốn nói với Gioan hãy căn cứ vào việc Người làm phép lạ để giác ngộ cho các môn đệ của ông tin vào Người là Đấng Cứu Thế.
5. Hình ảnh Đấng Cứu Thế ngày xưa và ngày nay. Ngày xưa khi Chúa Cứu Thế Giáng sinh, các luật sĩ, vua Hêrôđê và cả dân thành Giêrusalem đã không nhận ra Người, vì họ đã quan niệm Đấng Cứu Thế là Đấng uy phong và phải sinh ra ở nơi lầu son gác tía, chứ không phải ở chuồng bò.
Vì Chứu Cứu Thế xuất hiện trong cung cách như thế, nên chúng ta ngày nay phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa Cứu Thế. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa hàng ngũ người tùy tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến ngày xưa, mà Người ẩn mình trong thân phận con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật.
6. Ngày nay phải rao giảng về một Đấng Cứu Thế như thế nào ?
Chính Gioan Tẩy giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống hồ chúng ta. Vâng, xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v... của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo hội của chúng ta hơn.
Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế : Người muốn Thiên Chúa mà Người trình bầy cho mọi người là một Thiên Chúa hiền lành, nhân từ, yêu thương, tha thứ. Người muốn cho người ta thấy Người là Đấng cứu nhân độ thế , giầu lòng thương xót hơn là một Đấng oai hùng hiển hách.
7. Truyện : Ông có phải là Chúa Giêsu không ?
Một thương gia kia đang dự buổi họp tổng kết. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng bữa ăn ban tối. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định.
Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu bé.
Rồi mọi người đều lên được xe buýt, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ. Ông thấy cậu bé đang vất vả tìm từng trái táo để lượm lại. Thì ra cậu bé mù.
Tội nghiệp quá, ông giúp cậu bé lượm lại từng quả táo cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo hỏi với theo :”Ông có phải là Chúa Giêsu không” ?
Mùa Vọng nói với ta về việc Đức Giêsu đã đến. Ước gì ta đừng chờ đợi một đấng nào khác Người, cũng đừng khinh thường những giáo huấn của Người, nhưng hãy sống hoán cải, khiêm tốn phục vụ mọi người như chính Chúa vậy.
nguon;http://gplongxuyen.org/News